Monday, 25 February 2019

Little Saigon, một quê hương thu nhỏ


Ba mươi năm sau, tấm bảng “Little Saigon Next Exit” trên xa lộ 405 và 22 vẫn hiên ngang đứng vững. (Hình: Đằng-Giao)

Không chỉ người Việt, mà cả người bản xứ đều thốt lên: “Đến Little Saigon, tôi có cảm tưởng như đang ở Việt Nam.” Thật vậy, “Little Saigon” chính là quê hương thứ hai của hơn 2 triệu người Việt, để mỗi người Việt Nam nhớ về những gì gần gũi và thân thương nhất của Sài Gòn một thuở.
Con đường Bolsa sau gần 45 năm in dấu chân người tị nạn Việt Nam, và sự ra đời của danh xưng “Little Saigon” trong suốt 30 năm qua, đã giúp một khu vực ruộng dâu nối tiếp ruộng dâu biến thành một trong những khu phố sầm uất của Orange County, miền Nam Hoa Kỳ, với trên 10,000.00 cơ sở thương mại của người Việt Nam.
Nhưng để có một Little Saigon sầm uất như thế này, đó là cả một hành trình.
Xốn xang “1954 Cha Bỏ Quê, 1975 Con Bỏ Nước”
“Hồi tám mươi mấy, để có cái tên ‘Sài Gòn Nhỏ,’ biết bao hội đoàn phải bỏ ra bao nhiêu là công sức. Nhưng tui nhớ Trần Thái Văn, lúc đó là sinh viên ‘chút xíu,’ mà hết mình chạy đầu này, lo đầu kia, năn nỉ chú này, vuốt ve bác kia đặng mọi người làm việc với nhau.”
Ký ức của ông Trương Công Quảng, cư dân Anaheim, chợt ùa về khi ông kể về sự hình thành của Little Saigon trong suốt 30 năm qua với phóng viên nhật báo Người Việt.
Thực ra, ký ức của ông lùi xa hơn nữa. Theo lời ông kể, khi cơn quốc nạn 30 Tháng Tư, 1975, đổ ụp xuống đầu dân Việt, người dân cả nước ùn ùn rủ nhau ra biển tìm đất sống. Tính đến năm 1995, hơn 2 triệu người Việt may mắn đến trại tị nạn và được nhận đi định cư ở đệ tam quốc gia.
Saigon Next Exit” hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Sáu, 1988, tại thương xá Phước Lộc Thọ. Từ trái, Luật Sư Trần Thái Văn, Giáo Sư Nguyễn Tư Mô và Thống Đốc California George Deukmejian. (Hình: Trần Thái Văn cung cấp)
“Dĩ nhiên, bỏ nước ra đi, ai cũng mong có cuộc sống tự do. Nhưng không ai ngờ mình lại mau chóng có được một nơi dung thân cho cộng đồng mau lẹ vậy,” ông nói với ánh mắt lòe nhòe xúc động.
Ngồi trong patio sau nhà, ông nhấp ngụm trà nóng rồi thủng thỉnh: “Phải sống ở thời đó mới hiểu được nỗi lòng người dân miền Nam ngỡ ngàng tới cỡ nào khi phải sống trong gông cùm cộng sản. Phải sống ở thời đó, mới thấy xốn xang chín ruột khi nghe bài ‘1954 Cha Bỏ Quê, 1975 Con Bỏ Nước’ của Phạm Duy tới cỡ nào.”
Giọng cáu vàng nhựa thuốc‎, ông lẩm nhẩm mấy câu mở đầu bài nhạc đau buồn của dân tộc: “Một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa/ Chốn đã chôn nhau, cắt rốn bao nhiêu đời/ Một ngày năm bốn, cha bỏ phương trời/ Một miền Bắc âm u, mưa phùn rơi…”
Câu ca lạc giọng ngưng đột ngột. Ông ngậm ngùi: “Bỏ hết. Tụi tui bỏ hết. Ra đi, hai tay trống không; nhưng trong tim thì đầy ngập Việt Nam.”
Năm 1976, vợ chồng ông theo người bạn vượt biên trước khi việc này thành phong trào. “Bạn cùng sở tui là dân Hậu Nghĩa nên rất rành đường bộ từ Cam Bốt (Cambodia) qua Thái Lan,” ông hồi tưởng.
Vốn là giảng viên Anh Ngữ chuyên đào tạo thông dịch viên cho quân đội Mỹ, ông được Tòa Đại Sứ Mỹ ở Bangkok nhận cho đi Mỹ tị nạn một cách dễ dàng và được bảo trợ về ở Kidron, Ohio.
“Tới nơi đúng một tuần, tui làm cho hãng giết gà, vợ tui làm cho hãng gần đó, chuyên đếm hột gà,” ông kể. “Mệt mỏi ngập mặt mà tụi tui không ngại chút nào. Nhưng trong lòng thì tủi thân lắm.”
Rít thêm hơi thuốc, ông tâm sự: “Trước 1975, mình là thầy giáo mà bây giờ gục mặt làm cu li, vừa hận đời, vừa tủi thân. Mất nước, tủi thân ngàn nỗi.”
Một phần nhỏ của số người vượt biên tìm về Orange County, California. Họ thèm khát một lối xóm.
Để Việt Nam hóa và “gần gũi hóa” ngôi làng mới này, họ gọi bằng cái tên chân chất Việt Nam: “Quận Cam.”
Quyết định số 58 công nhận danh xưng Little Saigon tại California của thành phố Westminster. (Hình: OClittlesaigon.com)
Rồi người này rủ người kia tìm về ngôi làng trên đất khách này. Năm 1982, như bao nhiêu người Việt tha hương rải rác khắp nơi trên đất Mỹ, vợ chồng ông Quảng về Ventura, Los Angeles.
Chớp mắt, ông tiếp: “Không tập trung thành một cộng đồng đặng nương nhau mà sống thì người mình đã lần lượt chết mòn, chết mỏi từ lâu rồi vì cô đơn, lạc lõng.”
Ông ví: “Xa quê hương, làng mạc, người mình như mấy bụi chuối sau hè bị bứng khỏi đất vườn, bỏ vô chậu rồi để trong kho hàng xứ lạ.”
Ông mồi điếu thuốc mới rồi thở dài: “Buồn lắm cậu ơi.”
Người này theo người kia, vợ chồng ông Quảng theo bạn bè về Orange County và mướn một căn “apartment” ở Santa Ana.
Người Việt, lúc bấy giờ, thường ở dọc theo đường First, ở góc đường Raitt hay Fairview.
“Tới đây, lần đầu nghe người ta nói tiếng Việt ở ngoài đường, hai vợ chồng tui ôm nhau khóc ngon lành ngay trên đường First. Lúc đó, khu này, hai bên đường toàn là vườn dâu,” ông hồi tưởng. “Rồi khi nghe hai chữ ‘đồng hương,’ trời ơi sao mà nó thấm thía.”
Bà Hương, vợ ông Quảng, vừa lau bàn, vừa góp chuyện: “Lúc đó, tụi tui biết chắc đây là quê hương thứ hai của mình. Sống chết gì, tụi tui cũng cứ ở đây thôi.”
Nhìn vợ, ông Quảng nhịp tay lên bàn rồi hát thành lời bằng giọng đặc khàn nhựa thuốc: “…Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi/ Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ/ Giờ cha lưu đày ở ngay trên đất ta/ Và giờ con lưu đày ở đây nơi xứ lạ.”
“Thời đó chưa có nhà hàng Thành Mỹ bây giờ. Ngay tại địa chỉ đó là nhà hàng Hoàng Cung, là nơi người mình thường tới uống cà phê là chính, dù cũng có một số người ghé đó ăn,” ông cố nhớ.
Người Việt rủ nhau dọn về Orange County ngày càng đông.
“Lúc đó, hai tờ báo lớn nhất ở đây là Người Việt Cali của ông Đỗ Ngọc Yến và Saigon Mới của ông Du Miên. Người Việt Cali là tiền thân của nhật báo Người Việt bây giờ,” ông kể.
“Cái tên Little Saigon được báo chí Mỹ, như Orange County Register và Los Angeles Times đề cập trước, nếu tui nhớ không lầm,” ông kể tiếp.
Trầm ngâm một chút, ông nói: “Hồi đó, chút nữa là khu Little Saigon đã thành China Town rồi.”
“Khoảng 1984, có một ‘ủy ban gì đó’ ra đời để đấu tranh cho cái tên Little Saigon,” ông nhớ lại.
Đấu tranh để có “Little Saigon,” để được treo bảng hiệu chữ Việt
Nói về “ủy ban gì đó,” ông Phùng Minh Tiến, tổng thư ký Ủy Ban Phát Triển Little Saigon, kể: “Đầu tiên, chúng tôi thành lập Hiệp Hội Thương Gia Tiểu Sài Gòn, có ông Nguyễn Văn Văn và Đào Duy Trung cùng một số thân sĩ khác.”
Mục đích của hội là đòi hỏi các cơ sở của người gốc Việt có quyền treo bảng hiệu chữ Việt Nam.
Ông Tiến cho hay, ban đầu, các thành phố quanh vùng như Garden Grove và Westminster không muốn có bảng hiệu chữ Việt trên đường phố, nhưng vì Hiệp Hội Thương Gia Tiểu Sài Gòn kiên trì đấu tranh, nên dần dần, các thành phố này nhượng bộ.
Ông tiếp: “Thừa thắng xông lên, chúng tôi thành lập Ủy Ban Vận Động Thành Lập Danh Xưng Little Saigon năm 1986.”
Theo lời kể của ông Tiến, trong lúc Sở Giao Thông Vận Tải California (California Department of Transportation, thường gọi là CalTrans) cực lực chống đối việc có bảng chỉ đường đến “Little Saigon” thì cộng đồng người Việt chia làm hai phe.
Mười tám chữ ký giới chức Mỹ đề nghị công nhận “Little Saigon.” (Hình: OClittlesaigon.com)
Một phe ủng hộ cái tên “Little Saigon,” phe kia cho rằng chữ “Saigon” gợi lại quá nhiều ký ức đau buồn cho người Mỹ về cuộc chiến tại Việt Nam; và như vậy, không có lợi cho cộng đồng.
Ông Tiến nhận xét: “Tôi nghĩ phe nào cũng muốn tốt cho cộng đồng mình hết, và đều có lý nên tôi tôn trọng ý kiến của họ. Nhưng tôi thì rất mê tên Little Saigon. Đây là chút hơi hám quê hương mà mình đem qua đây.”
“Là chủ thương xá Phước Lộc Thọ, ông Triệu Phát, tên Mỹ là Frank Jao, lại muốn khu này,  hoặc tên ‘China Town,’ hoặc tên ‘Asian Village’ để thu hút du khách cho thương xá,” ông Tiến nói.
Ủy Ban Vận Động Thành Lập Danh Xưng Little Saigon thuyết phục giới chức Hoa Kỳ rằng nên có khu Little Saigon để tạo thành một vùng tam giác thương mại với hai góc kia là Disneyland và Knott’s Berry Farm.
“Nhưng lúc Sở Giao Thông CalTrans phản kháng mạnh mẽ, cho rằng sẽ làm rối mắt người lái xe. Chúng tôi phải xoay đủ mọi lý do, lúc thì thương mại, lúc thì văn hóa,” ông Tiến trình bày.
Ông nhớ một cách mạch lạc: “Anh Trần Thái Văn có công rất lớn trong việc này. Mới 22 tuổi, đang là sinh viên trường đại học University of California, Irvine (UCI), anh ấy là ‘liaison’ cho ông Ed Royce, Thượng Nghị Sĩ California, nên thông thạo cách vận động các vị dân biểu khác. Nhờ anh ấy mà chúng tôi có 18 chữ ký trong bức thơ gởi cho Ủy Ban Giao Thông Orange County.”
Luật Sư Trần Thái Văn, cựu dân biểu tiểu bang California (người gốc Việt đầu tiên trong lịch sử California – NV), nhũng nhặn nói: “Đó chỉ là do ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’ thôi. Là phối trí viên cho Thượng Nghị Sĩ Ed Royce, các chú, các bác muốn gì thì tôi ráng giúp thôi. Phải nói, rất nhiều người trong cộng đồng phải góp công, góp sức đấu tranh thì mới có tiếng nói chung trước, rồi sau đó mới được các chính khách bản xứ đồng ý giúp mình.”
Ông Văn sắp xếp câu chuyện theo trình tự: “Trước hết, thành phố Westminster thông qua nghị quyết 58, công nhận danh xưng và ấn định khu vực Little Saigon vào ngày 9 Tháng Hai năm 1988. Sau đó, tôi cùng người bạn là Jeff Smith, con trai ông Chuck Smith, thị trưởng Westminster, chạy đôn, chạy đáo vận động tới ngày 27 Tháng Ba, 1988, thì thu được 18 chữ ký của những giới chức cao cấp để gởi thỉnh nguyện thư cho bà Clairice Blamer, chủ tịch Ủy Ban Giao Thông Orange County (Orange County Transportation Commission), yêu cầu bà ủng hộ việc cho làm và đặt các bảng chỉ dẫn trên xa lộ vào khu vực Little Saigon.”
Sinh viên Trần Thái Văn, 22 tuổi, người trẻ nhất trong cuộc đấu tranh cho “Little Saigon.” (Hình: OClittlesaigon.com)
“Bước đầu để có 18 chữ ký vô thỉnh nguyện thư này là nhờ chú Tony Lâm (cựu nghị viên Westminster, dân cử gốc Việt đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ – NV) chở ông Đỗ Ngọc Yến của báo Người Việt cùng vài người khác và tôi lên văn phòng bà Dân Biểu Doris Allen, nhờ bà ủng hộ. Bà là người đầu tiên ký tên,” ông kể tiếp.
Theo lời giải thích của ông Văn, thư gởi Ủy Ban Giao Thông Orange County là một bước quan trọng vì một số thành viên của ủy ban này cũng là thành viên của Sở Giao Thông Vận Tải California.
Với thành quả lớn lao này, việc vận động để được ông George Deukmejian, thống đốc California, đồng ý công nhận danh xưng “Little Saigon” phải là bước kế tiếp.
Ông Văn lục lọi trí nhớ: “Với bức thỉnh nguyện thư có 18 chữ ký trong tay, tôi tức tốc liên lạc với ông Clayton Fong, phụ tá thống đốc, ở Sacramento, nhờ ông trực tiếp nhắc thống đốc.”
Rất may cho cho cộng đồng, ông Văn có mối giao hảo mật thiết với ông Fong từ trước.
Và rồi…
“Little Saigon Next Exit” của người Việt tị nạn
…cộng đồng gốc Việt tại Orange County tưng bừng đón ngày đại lễ mùa Hè, giữa Tháng Sáu, mở đầu cho một trang sử tị nạn đầy tương lai tươi sáng.
Ngày 17 Tháng Sáu, 1988, Thống Đốc George Deukmejian đích thân đến thương xá Phước Lộc Thọ, Westminster, làm lễ khánh thành bảng chỉ dẫn “Little Saigon Next Exit.”  Hành động này có nghĩa thống đốc tiểu bang chấp nhận danh xưng “Little Saigon” và ấn định một khu vực địa lý mang tên ấy.
Và từ đấy, thủ đô tị nạn của người gốc Việt tại Hoa Kỳ chính thức có tên trên bản đồ.
Ông Phùng Minh Tiến run run nhắc lại niềm phấn khích: “Đây là sự kiện lịch sử trọng đại của người mình. Từ hôm ấy, không ai có thể lấy mất danh xưng Little Saigon của chúng ta.”
“Ông Deukmejian khánh thành một trong 13 bảng chỉ dẫn mà ông yêu cầu Sở Giao Thông Vận California cho làm để đặt rải rác trên hai xa lộ 405 và 22,” ông nói tiếp.
Chia sẻ một việc bên lề lịch sử, ông Trần Thái Văn nói: “Sáng bữa đó, gần tới giờ thống đốc tới mà mấy anh em còn phải chạy đôn, chạy đáo đi mua vải đỏ để phủ lên tấm bảng ‘Little Saigon Next Exit.’ Mình chưa bao giờ có một dịp lễ lớn lao như vậy mà.”
“Rất nhiều người đóng góp trong cuộc đấu tranh đó. Tôi không thể kể hết ra vì sẽ dài bằng cuốn sách, mà kể vài người thì không công bằng. Xin nhớ một điều, không có những người đó, mình không có ngày hôm nay,” ông khẳng định.
Ông Lý Kiến Trúc, chủ nhiệm báo Văn Hóa, kể: “Dù không có mặt trong buổi lễ khánh thành, ông Tony Lâm rất mừng trước niềm vui của cộng đồng.”
Ông nói: “Hồi đó tôi chụp tấm hình ông Tony tươi cười bên tấm bảng trên xa lộ. Hình này còn được lưu trữ trong văn khố Đại Học UCI.”
Nhà sách Tú Quỳnh, một trong những cửa tiệm của người Việt sớm nhất ở Little Saigon. (Hình: Đằng-Giao)
Không bao giờ quên được những tràng pháo tay giữa những tiếng hò reo mừng hôm ấy, ông Trương Công Quảng kể: “Bữa đó hai vợ chồng tui nghỉ làm. Từ lúc ông George kéo miếng vải đỏ để lộ bảng ‘Little Saigon Next Exit’ tới chiều tối, hai vợ chồng cứ ‘mừng rưng rưng’ miết.”
Bà Hương nguýt chồng: “Tại ông đó. Đàn ông gì mà hở chút là sụt sịt làm tui mới… bị lây chớ bộ.”
Hai vợ chồng cùng cười xòa trong niềm vui dạt dào.
Ngẫm lại chuyện xưa, ông Trần Thái Văn gật gù: “Phải nói đây là chiến thắng quá bất ngờ của mọi người gốc Việt tại Little Saigon. Cứ nghĩ đi, một cộng đồng mới tới Mỹ có 13 năm mà đã tạo cho mình một danh xưng chính thức. Nhiều lúc, chính tôi cũng không tin cộng đồng mình thực hiện được điều này.”
Ông Tiến góp chuyện: “Tôi nghĩ là chưa tới 13 năm đâu, vì từ 1975 tới 1988 mới là 13 năm. Nhưng năm 1975, người mình còn ở rải rác khắp nơi chứ đâu có tập trung thành một cộng đồng.”
Ông tiếp: “Vài tuần sau khi có tên ‘Little Saigon’ rồi, chúng tôi thành lập Ủy Ban Phát Triển Little Saigon.”
Ngày nay, “Little Saigon” đã trở thành một cái tên phổ biến trên trên toàn thế giới, rất quen thuộc đối với người bản xứ.
Sẽ có khu “Sài Gòn Xưa” ở Little Saigon
Tuy nhiên, mấy mươi năm nay, hình ảnh tiêu biểu cho Little Saigon vẫn là chỉ thương xá Phước Lộc Thọ.
Nhưng niềm hy vọng rằng khi nói về Little Saigon, người người sẽ nghĩ đến một hình ảnh gần gũi và thân quen của chợ Bến Thành không còn xa nữa.
Mô hình một Sài Gòn xưa đang chuyển mình trên phố Bolsa. (Hình: Phạm Hoàng Bắc cung cấp)
Dự án kiến tạo một “Sài Gòn xưa” đang được xúc tiến và chẳng bao lâu nữa, Little Saigon sẽ thực sự là… Little Saigon.
Ông Phạm Hoàng Bắc, người khai sinh ra dự án khổng lồ hơn $120 triệu này, cho biết ông muốn có một “Sài Gòn xa mà gần” trong ký ức, khi ông cùng bè bạn rong ruổi dưới những tàng cây rực màu hoa phượng, trên những con đường khẽ khàng nhịp bước tình nhân.
Saigon Row, tên của khu kiến trúc hai tầng ở góc đường Bolsa và Brookhurst, sẽ có hình tháp đồng hồ của chợ Bến Thành. Từ tầng trệt nhìn ra, người ta sẽ thấy góc nhìn như khách sạn Continental. Lối vào trên đường Brookhurst, hai bên là hàng quán bán lẻ.
“Little Saigon cần một khu phố đi bộ. Chiều chiều, tối tối, tình nhân dìu nhau, hay cha mẹ đưa con cái thả bộ dọc hè phố là một cái gì rất Việt Nam,” ông Bắc chia sẻ viễn ảnh.
Sài Gòn phải có hàng quán vỉa hè thì mới ra Sài Gòn, ông Bắc hoài niệm.
Bên phải Saigon Row là khu chúng cư chiếm từ tầng thứ hai đến tầng thứ năm. Cuối đường là cổng khách sạn. Một lối vào khác trên đường Bolsa cũng dẫn đến cổng khách sạn.
Ông Bắc, hiện cũng là chủ nhân khách sạn Ramada Plaza ở Garden Grove, cho biết khu Bolsa Row sẽ có một khách sạn năm tầng với 150 phòng; một chúng cư cũng năm tầng có 201 căn cư xá với một và hai phòng ngủ.
Saigon Row dành tầng trệt rộng 60,000 sqft cho các tiệm bán lẻ và cửa hàng phục vụ khách hàng; và một khu rộng 12,400 sqft là chỗ để tổ chức các lễ lạc, sinh nhật, đám cưới.
“Tôi phải sưu tầm từng tấm hình về kiến trúc Sài Gòn để làm việc cùng kiến trúc sư với yêu cầu là họ phải tái tạo một Sài Gòn xưa ngay trên phố Bolsa này,” ông nói với giọng đầy nhiệt huyết.
Ông kết: “Tôi cho các con tôi có kinh nghiệm lại những gì chúng tôi đã trải qua và trân trọng suốt đời.”
Nhìn từ góc nào cũng thấy linh hồn Sài Gòn thuở ấy. (Hình: Phạm Hoàng Bắc cung cấp)
Phải hơn 30 năm sau khi Little Saigon có tên thì thủ đô tị nạn mới bắt đầu tìm lại xưa bóng dáng xưa của mình.
Ông Trương Công Quảng nở nụ cười mùa Xuân: “Còn giữ quê hương trong tim, mình không bao giờ mất được, bây giờ tui tin chắc như vậy.”
Ngồi bên chồng, bà Hương chùng giọng: “Một nhóm người mình bỏ trốn cộng sản mà chống được các thương gia người Tàu ở đây để giành được một miếng đất mà sống, trong lúc các giới chức cai trị trong nước lại cắt xén đất nước đem bán cho Tàu.”
Hôm nay, sống giữa Little Saigon, khi nghe bài “1954 Cha Bỏ Quê, 1975 Con Bỏ Nước,” ông Quảng không còn “xốn xang chín ruột” như xưa nữa.
Ông vui vì tên “Little Saigon” đã đánh bật tên “Asian Town” và “China Town” rồi.
Và thủ đô của ông đang chuyển mình, tìm lại dáng xưa Sài Gòn. 
(Đằng-Giao)
Bài đăng trên Giai Phẩm Người Việt Xuân Kỷ Hợi 2019