Tuesday, 19 March 2019

Coi chừng những cú đá sau lời khen của Tổng thống Donald Trump


















1. Mở bài

Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong chiến lược Biển Đông của Mỹ, cho nên chính quyền của Tổng thống Donald Trump ra sức thuyết phục Việt Nam hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và đồng minh.

Tổng thống Donald Trump hết lời ca ngợi Cộng Sản Việt Nam: “Việt Nam là một đất nước mạnh mẽ, Từ những năm 40 sau công nguyên, Hai Bà Trưng đã khởi dậy tinh thần dân tộc của đất nước nầy. Các sinh viên Việt Nam nằm trong số những sinh viên giỏi nhất thế giới. Điều đó rất ấn tượng! Đó là sự chuyển mình rất ấn tượng của Việt Nam”.

Những lời khen ngợi đó có tính cách dụ khị, thuyết phục, lời lẽ ngon ngọt, tâng bốc. Đồng thời đưa tiền bạc ra mua chuộc qua những dự án tẩy chất độc da cam (Dioxin), rà phá bom mìn…Viện trợ cho Việt Nam 7 chiếc tàu tuần tra cao tốc…

Được khen ngợi đừng vội mừng. Hãy nhớ lại những lời của Tổng Trump khen ngợi Tập Cận Bình, khi trả lời phỏng vấn của Wall Stret Journal như sau: “Trung Quốc không hề phá giá đồng tiền của họ. Ông ca ngợi “Tập Cận Bình là người tốt, người yêu nước thương dân. Ông ấy rất thông minh, phu nhân ông ấy rất tuyệt vời. Chúng tôi rất thích nhau. Tôi rất thích ông ấy”. 

Cháu ngoại của Tổng thống Trump được dạy một bài hát tiếng Tàu để đón chào Tập Cận Bình.

Sau những lời lẽ ca ngợi đó, chúng ta đã thấy những gì mà Tổng thống Trump thực hiện đối với người mà “ông rất thích”. Tập Cận Bình.

Có nhận xét về Tổng thống Donald Trump, như sau:

"Cả cuộc đời làm kinh doanh, Trump đã đối phó với bao nhiêu loại người, lúc thì hợp tác, lúc thì đối đầu hoặc sẵn sàng tiêu diệt. Các giám đốc ngân hàng, các nhà thầu xây cất, và bao nhiêu công nhân, ai cũng có thể là cộng sự, rồi bỗng thành đối nghịch, ông Trump không sợ đứa nào cả".

Được ông Trump khen ngợi, đừng vội mừng.

Hãy coi chừng những cú đá sau những lời khen ngợi đó.

2. Chính quyền Tổng thống Donald Trump thuyết phục Việt Nam về việc bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis cho biết Trung Cộng đang triển khai tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình ở Biển Đông, mục đích đe dọa và uy hiếp các nước láng giềng, điều nầy ám chỉ Mỹ có thể binh vực các nước bị uy hiếp trong vùng như Việt Nam, Philippines.

Hai Bà Trưng là mô hình mẫu tượng trưng cho việc chống Tàu để bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam.

Lịch sử chống quân Tàu để bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc đã có nhiều anh hùng như: Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, vua Quang Trung…thế nhưng vì sao mà chính quyền Tổng thống Trump lại nêu hình mẫu là Hai Bà Trưng?

2.1 Tổng thống Donald Trump nói về Hai Bà Trưng để nhắc nhở Việt Nam về truyền thống chống quân Tàu của dân tộc. 

 

Ngày 10-11-2017, tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC=Asia-Pacific Economic Cooperation) tại Đà Nẵng, Việt Nam, Tổng thống Trump nói về Hai Bà Trưng: “Việt Nam là một đất nước mạnh mẽ, Từ những năm 40 sau công nguyên, Hai Bà Trưng đã khởi dậy tinh thần dân tộc của đất nước nầy”. 

Nói với Việt Nam: “Hôm nay chúng ta không còn là kẻ thù mà đã là bạn. Nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa hội nhập. Các sinh viên Việt Nam nằm trong số những sinh viên giỏi nhất thế giới. Điều đó rất ấn tượng! Đó là sự chuyển mình rất ấn tượng của Việt Nam”.

Về việc bảo vệ chủ quyền, tổng thống Mỹ nhận định: “Chúng ta hiểu rằng không có gì quý hơn độc lập chủ quyền. Chúng tôi sẽ tôn trọng sự độc lập chủ quyền của các nước. Đó là cách chúng ta sẽ cùng nhau lớn mạnh”. Ngụ ý so sánh làm bạn với Mỹ và với Trung Cộng.

Đàn khải tai trâu.

2.2 Đại tướng Mỹ thăm đền thờ Hai Bà Trưng

 
Đại tướng Robert B. Brown, Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink 

Buổi chiều ngày 20-8-2018, Đại tướng Robert Brooks Brown, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ (Commander of the United States Army Pacific), đã cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là ông Daniel Kritenbrink đã đến thăm đền thờ Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tháp tùng Đại tướng Brown còn có nhà sử học, đại biểu quốc hội là Dương Trung Quốc.

Đại tướng Brown thắp hương tưởng niệm Hai Bà Trưng. Động thái này thể hiện mối bang giao Mỹ-Việt, Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam thịnh vượng, vững mạnh và nhất là độc lập chủ quyền dân tộc.

Đại sứ Mỹ cho biết, Đại tướng Brown và ông mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng đất nước thịnh vượng và độc lập chủ quyền quốc gia.” Chủ quyền quốc gia” được nhắc đi nhắc lại ám chỉ Việt Nam không còn độc lập khi đi theo Trung Cộng. Buồn thật, tay đã nhúng chàm rồi…

Đại sứ Mỹ cũng thông báo là Washington sẽ viện trợ khẩn cấp một triệu USD để khắc phục hậu quả của trận bão số 12 (Bão Damrey) xảy ra ngày 5-11-2017 đã làm 151 người thiệt mạng và thiệt hại khoảng 1.4 tỷ USD.

Đại tướng Brown nêu nhận xét về quân đội Việt Nam: “Chúng tôi nhận thấy quân đội Việt Nam thật tuyệt vời và rất chuyên nghiệp. Hai bên chúng ta cùng học hỏi với nhau, hợp tác chặt chẽ cùng góp sức giữ gìn hòa bình khu vực, giữ gìn luật lệ và quyền tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Luật pháp quốc tế là: 

1). Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS), ấn định như sau:

Lãnh hải (Territorial waters): 12 hải lý tính từ bờ biển ra.

Vùng tiếp giáp lãnh hải (Contiguos Zone): 24 hải lý từ bờ biển ra.

Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone (EEZ): 200 hải lý từ bờ biển ra.

Ngoài 200 hải lý là Thềm lục địa và Vùng biển quốc tế.

2). Tòa Trọng tài thường trực, viết tắt là PCA (Permanent Court of Arbitration) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền về đường chín đoạn mà Trung Quốc tự cho là chủ quyền của họ trên Biển Đông.

2.3 Hoa Kỳ đài thọ dự án tẩy chất độc da cam ở sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa.

Mỹ dùng tiền và vũ khí để mua chuộc Cộng Sản Việt Nam.

1). Tẩy độc da cam ở sân bay Đà Nẵng

Ngày 7-11-2018, Đại sứ Mỹ ở Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký văn bản bàn giao 13.7 ha đất sạch tại sân bay Đà Nẵng cho Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, theo dự án xử lý môi trường nhiễm chất độc da cam (Dioxin) để giải quyết di sản chiến tranh. Dự án nầy trị giá 110 triệu USD do Mỹ đài thọ.

Đại sứ Mỹ cho biết, Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục tăng cường mối quan hệ quốc phòng, kinh tế và văn hóa giữa hai nước. Quốc phòng, quân sự là ưu tiên hàng đầu.

2). Dự án tẩy độc chất da cam ở sân bay Biên Hòa

Sáng ngày 17-10-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis cùng các qua chức Hoa Kỳ đã có mặt ở sân bay Biên Hòa, đánh dấu bước đầu dự án tẩy độc ở sân bay nầy. Trước kia Mỹ đã lưu trữ chất dioxin tại sân bay nầy nên môi trường bị nhiễm độc rất nặng.

Dự án tẩy độc sẽ bắt đầu vào những tháng đầu năm 2019, trị giá 390 triệu USD do Mỹ đài thọ.

3). Quan điểm của Mỹ và Việt Nam về việc tài trợ các dự án tẩy độc môi trường.

Cộng Sản Việt Nam cho rằng những khoản tiền đó là tiền bồi thường chiến tranh của Mỹ, chìa tay ra nhận tiền của Mỹ nhưng chưa chắc gì “theo Mỹ”

Quan điểm của Mỹ là dùng tài chánh là một trong những nỗ lực thuyết phục Việt Nam hợp tác quân sự ở Biển Đông.

Việc Mỹ xuất tiền cho dự án tẩy độc da cam tại hai sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, có thể dẫn đến việc Mỹ muốn sử dụng hai sân bay nầy dưới một hình thức nào đó sẽ được hai bên thảo luận.

Chưa chắc gì Việt Nam dám hợp tác quân sự với Mỹ, một phần lo sợ Trung Cộng, một phần quyết giữ chính sách ba không sau khi thất bại thê thảm trong vụ liên minh quân sự với Liên Xô.

Số là Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp ước năm 1978, điều 6 của Bản Hiệp ước nêu rõ "Trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công, hoặc bị đe dọa tấn công, thì hai bên ký hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau, nhằm loại trừ mối đe dọa đó và áp dụng các biện pháp thích đáng có hiệu lực, để bảo đảm hòa bình và an ninh của hai nước".

Thế nhưng khi Trung Cộng đánh chiếm các đảo Trường Sa năm 1988 thì Liên Xô ở Vịnh Cam Ranh không có động tĩnh gì. Đứng ngoài xem chơi.

Đó là lý do khiến Việt Nam cương quyết không liên minh quân sự với nước nào cả, đưa đến chính sách 3 không.

Chính sách quốc phòng ba không bao gồm:

1. Không tham gia các liên minh quân sự.

2. Không theo nước nầy để chống lại nước khác.

3. Không cho nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam.

2.4 Mỹ đẩy Trung Cộng ra khỏi cuộc tập trận Vành Đai Thái Bình Dương và mời Việt Nam tham dự.

 
 
Tập trận RIMPAC lớn nhất thế giới mà Trung Cộng không được tham dự

Ngày 23-5-2018, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố không mời Trung Cộng tham dự cuộc tập trận Vành Đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC=The Rim of the Pacific Exercise), thay vào đó, mời Việt Nam. Lý do không mời là Trung Cộng đã quân sự hóa trái phép ở Biển Đông.

RIMPAC là cuộc tập trận lớn nhất thế giới gồm 26 quốc gia tham dự. Việt Nam chỉ cử 8 sĩ quan tham dự mà không có tàu chiến, vì sợ Trung Cộng phật lòng, tức là không vui và có thể bị phạt như những vụ tràn dầu trên ven biển, chận nước ở thượng nguồn sông Mekong giết hại đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ.

2.5 Tổng thống Trump chọn Việt Nam để họp thượng đỉnh Trump-Kim

Mục đích đưa uy tín Việt Nam trên chính trường quốc tế, đã có hơn 3,000 nhà báo nước ngoài đến Việt Nam làm phóng sự. Việt Nam tự hào cho rằng mình là một trung tâm hòa giải mâu thuẫn quốc tế. 

Đây cũng là một trong kế hoạch thuyết phục Việt Nam ngã về phía Mỹ, vì Việt Nam có vai trò quan trọng ở Biển Đông.

2.6 Tổng thống Mỹ vẫy cờ đỏ sao vàng

 
Tổng thống Trump vẫy cờ đỏ sao vàng

Trong cuộc viếng thăm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tổng thống Mỹ mượn cờ đỏ sao vàng của một bé gái trong đội dàn chào, và một cờ Mỹ trao cho Nguyễn Xuân Phúc, cả hai vẫy cờ Mỹ-Việt trước ống kính của nhà báo. Hành động nầy cũng nằm trong mục đích chiêu dụ Việt Nam hợp tác với Mỹ trong chiến lược quân sự ở Biển Đông. Đối với ông Trump, hôm trước vẫy cờ đỏ sao vàng, và hôm sau cũng có thể đốt cờ máu nầy vì ông quyết quét sạch CNCS.

3. Việt Mỹ hợp tác thương mại

3.1 Vì sao Việt Nam đặt mua 250 chiếc máy bay trong khi chỉ sử dụng 64 chiếc

 
 
Máy bay Boeing 737 MAX mà VietJet và Bamboo Airlines đặt mua

Ngày 28-2-2019, bên lề thượng đỉnh Mỹ-Triều, hai hãng hàng không Việt Nam là VietJet Air và Bamboo Airways đã ký hợp đồng với hãng Boeing mua 110 chiếc máy bay trị giá 15.7 tỷ USD. Trong số nầy, VietJet mua 100 máy bay 737 MAX với giá 12.7 tỷ USD. Hãng Bamboo Airways mua 10 chiếc Boeing 87-9.

Ngoài những máy bay, hai hãng nầy còn mua những thiết bị hàng không khác nâng tổng số tiền lên 21 tỷ USD.

3.2 Mua nhiều máy bay như thế, tiền đâu mà trả cho đủ?

Thật sự trên thế giới có ít nhất là 20 công ty ngành hàng không mua vào rồi đem cho thuê lại (Aircraft Leasing Company). Hai công ty cho thuê máy bay lớn nhất là GECAS và AerCap.

Ví dụ như hãng hàng không VietJet mua 100 máy bay 737 MAX của hãng Boeing.

Số lượng máy bay được hai bên thỏa thuận giao hàng thành nhiều đợt với nhiều thời gian đồng thuận.

Để bảo đảm hợp đồng, VietJet phải đặt cọc cho hãng Boeing số tiền từ 1 cho đến 5% trên tổng số tiền mua.

Đồng thời, hãng VietJet cũng ký hợp đồng bán máy bay cho công ty GECAS và sau đó thuê lại những máy bay nầy.

Khi Boeing giao máy bay cho VietJet, thì hãng nầy vẫn giữ máy bay và bán trên giấy tờ cho ông ty GECAS, tức là giao toàn bộ giấy tờ chủ quyền của những chiếc máy bay đó.

Và GECAS trả đầy đủ số tiền cho Boeing, rồi cho VietJet thuê lại.

Như vậy, VietJet bán ra rồi thuê lại (Sale and Leaseback). Hợp đồng thuê kéo dài trong thời gian từ 6 đến 12 năm với số tiền thuê cố định. Trường hợp nầy cũng giống như trả tiền thuê nhà ở Mỹ vậy.

Tóm lại, các hãng hàng không Việt Nam mua vào từ Boeing, bán ra cho công ty GECAS, rồi thuê lại từ GECAS. GECAS trả tiền cho Boeing và Việt Nam chỉ trả tiền thuê mỗi tháng.

Sỡ dĩ có việc mua bán lòng vòng như thế là vì có rất nhiều công ty cho thuê, có rất nhiều hãng hàng không, nhiều loại máy bay, cho nên phải thực hiện cái gọi là Sale and Leaseback. Bán ra rồi thuê lại.

 

Về tai nạn máy bay Boeing 737 MAX. Chính phủ Hoa Kỳ cấm loại máy bay nầy hoạt động vì chỉ trong 5 tháng mà đã có hai tai nạn xảy ra cùng một hiện tượng. Máy bay Boeing 737 MAX của Ethiopia lao xuống đất làm thiệt mạng toàn bộ trên máy bay là 157 người.

Tai nạn tại Indonesia, máy bay đâm đầu xuống biển làm chết toàn bộ 189 người.

Hộp đen được tìm thấy, phi công cho biết máy bay chỉ đâm đầu xuống, không làm sao nâng lên được.

3.3 Giải quyết thâm hụt mậu dịch Việt-Mỹ

Tổng thống Mỹ đã chính thức mời Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ. Trước đó, Tổng thống Trump có nêu vấn đề thâm hụt mậu dịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ."Chúng tôi đánh giá cao việc các bạn giảm thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ". 

Theo thống kê của chính phủ Mỹ thì kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2017 là hơn 54 tỷ USD, trong đó Mỹ nhập siêu hơn 36 tỷ USD.

Đồng thời, tổng thống Mỹ cũng quảng cáo vũ khí Mỹ tốt nhất thế giới.

Như thế, có thể dự đoán là, nếu ông Trọng đi Mỹ thì có thể là để ký những thỏa thuận mua vũ khí.

4. Những tin vịt về việc Việt Cộng cho Mỹ thuê cảng Cam Ranh, Đà Nẵng…

Thời gian gần đây, truyền thông mạng đưa nhiều tin vịt (Fake news) là Việt Cộng cho Mỹ thuê cảng Cam Ranh, cho Mỹ sử dụng Đà Nẵng để làm căn cứ hậu cần, cho rằng Việt Cộng ngã theo Mỹ để thoát Trung…

Tôi cho đó chỉ là những tin vịt.

Những lý do khiến cho VN không dám cho Mỹ thuê Cam Ranh:

1). VC đã lệ thuộc Trung Cộng hầu như toàn bộ: chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa…cho nên không còn quyền quyết định về chiến thuật, chiến lược nào cả. Trung Cộng đã chiếm “đặc khu kinh tế” Vân Đồn và đã làm căn cứ quân sự ở đó. Một đường băng dài nhất Việt Nam 3,600m, rộng 45m cho phép máy bay lớn nhất thế giới như Boeing 787, Airbus A 350. sử dụng. Một hangar đang tiến hành xây dựng có thể chứa 4 máy bay lớn nhất thế giới. 

2). Nếu VC cho Mỹ thuê Cam Ranh thì bị ăn đòn, xem như TC dạy cho VC bài học thứ hai. Cho thuê là lãnh thẹo, nhẹ nhất là bị dầu tràn ở các ven biển, sông Mekong bị chặn ở thượng nguồn khiến cho đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại kép, đồng ruộng khô thì lúa chết, nước biển tràn vào ngập mặn cũng làm chết lúa và phá tan những nơi nuôi trồng thủy sản.

3). Việt Cộng và Trung Cộng phải ăn đời ở kiếp với nhau. Nước xa không cứu được lửa gần.

4). Chính sách ngoại giao của Mỹ cứ thay đổi từ 4 năm hoặc 8 năm. Mỹ đến rồi Mỹ đi, để lại một đồng minh te tua như Việt Nam Cộng Hòa, người Kurd ở Trung Đông.

5). Nước Mỹ trên hết, nên giao du và lệ thuộc vào Mỹ thì cứ thấp thỏm lo âu. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không chiếm đất của ai cả.

6). Cam Ranh là căn cứ tàu ngầm của VN. VN có 6 tàu ngầm tối tân thuộc lớp Kilo.

Việt Nam đang nằm trong tay của Trung Cộng, dễ gì ông Tập nhả ra để cho Mỹ chiếm. Bất cứ ai muốn thoát Trung, theo Mỹ, thì bị đi theo đồng chí Trần Đại Quang vì phóng xạ.

Vậy việc cho Mỹ thuê vịnh Cam Ranh khó có thể thực hiện được.

5. Coi chừng những cú đá sau những lời khen ngợi của Tổng thống Trump

Chính quyền Tổng thống Trump nỗ lực thuyết phục Việt Nam hợp tác để bảo vệ chủ quyền dân tộc và bảo vệ tự do hàng hải đi qua Biển Đông.

Nếu Việt Cộng không hợp tác những yêu cầu của Mỹ thì Tổng thống Trump có thể cho ăn đòn tơi bời vì những lý do sau đây:

5.1 Ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản dù núp dưới bất cứ chiêu bài nào.

1). Tổng thống Trump cho chấm dứt chế độ ngoại giao với Cuba. Ủng hộ quyền tự quyết dân tộc ở Venezuela và Brazil.

2). Đối với Cộng Sản Trung Quốc. Chận đứng bành trướng kinh tế thông qua “thương mại ăn cướp” và “ngoại giao bẫy nợ”. Đòi Trung Cộng phải tuân theo những cam kết khi xin vào làm thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO=World Trade Organization). 

Tổng quát về WTO. Tổ chức Thương mại Thế giới là sân chơi của các quốc gia có nền kinh tế thị trường tự do, nghĩa là công ty có vốn của tư nhân cạnh tranh với tư nhân mới công bằng. Trái lại những công ty quốc doanh mà vốn của nhà nước, như Trung Cộng và Việt Cộng hiện nay, thì sự cạnh tranh trên thị trường không công bằng, nếu giá hàng hóa của công ty quốc doanh rẻ hơn hàng hóa của công ty tư nhân trên thị trường tự do, thì công ty quốc doanh bị kiện về tội bán phá giá.

Ngày 28-2-2019, Ủy ban Giải quyết Tranh chấp của WTO đồng ý với khiếu nại năm 2016 của Hoa Kỳ, về việc Trung Cộng đã trợ giá 100 tỷ USD cho nông sản của nước nầy.

Hoa Kỳ chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative) của Tập Cận Bình là vừa giăng bẫy nợ vừa tăng cường sự thống trị kinh tế và quân sự. Hiện nay đã có 6 quốc gia rơi vào bẫy nợ và 26 nước khác gặp nguy cơ.

Bẫy nợ của Sri Lanka khiến nước nầy phải cho Trung Cộng thuê cảng Hambantota 99 năm để Trung Cộng làm căn cứ quân sự.

5.2 Trừng phạt về nhân quyền

1). Nhân quyền Việt Nam vẫn tồi tệ năm 2018

Trong bản phúc trình về nhân quyền năm 2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận “Nhân quyền Việt Nam năm 2018 vẫn tồi tệ”.

Đó là chính quyền CSVN đàn áp những tiếng nói bất đồng bằng cách bắt giam tùy tiện, chà đạp các quyền tự do ghi trong Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 (The Universal Declaration of Human Rights) mà Việt Nam cam kết thi hành để được cho làm một thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) cho biết công an thành Hồ đã đánh đập và bắt giam trên 180 người biểu tình chống Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Trên 100 người ngồi tù vì lý do chính trị và tôn giáo.

Ngoại trưởng Mike Pompeo kết luận: “Việt Nam là đất nước công an trị”. Ông nầy quên vụ “côn đồ trị” mới đủ bản chất của chế độ Cộng Sản Việt Nam.

2). Vì sao Tổng thống Trump không đề cập đến nhân quyền của Việt Nam bên lề thượng đỉnh Trump-Kim?

Tổng thống Trump không nói về nhân quyền vì lúc đó ông đang ở tình trạng của một thuyết khách, thuyết phục VN hợp tác quân sự, với tư cách xin-cho. Khen ngợi, ve vãn, đưa tiền ra mua chuộc để kéo Việt Nam về phía Mỹ, chống lại Trung Cộng, mặc dù đã có ba dân biểu là Zoe Lofgren, Chris Smith và Alan Lowenthal đã ký một bức thư yêu cầu Tổng thống Trump nêu vấn đề Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng.

5.3. Trừng phạt về thương mại

1). Doanh nghiệp Trung Cộng đổ vào Việt Nam

Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung căng thẳng thì những công ty sản xuất các mặt hàng chủ yếu của Trung Cộng như ngành may mặc, có tổng giá trị đạt 158.4 tỷ USD (Năm 2017) đã chuyển sang Việt Nam và Bangladesh.

Trong năm 2018, các nhà đầu tư Trung Cộng đã có hơn 1,029 lượt góp vốn mua cổ phần của 80 doanh nghiệp Việt Nam. Đó là đầu tư gián tiếp, ngoài ra còn có những đầu tư trực tiếp là chuyển nhà máy sản xuất qua Việt Nam với tổng số tiền hơn 800 triệu USD.

2). Vì sao doanh nghiệp Trung Cộng đầu tư vào Việt Nam?

Có hai lý do.

Một là tránh né bị Mỹ đánh thuế hải quan cao trong cuộc thương chiến.

Hai là “ăn theo” hàng hóa Việt Nam được miễn thuế hoàn toàn theo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP=Trans-Pacific Partnership) gồm 12 nước. Gọi là “ăn theo” hàng hóa Việt Nam, tức là Made in Vietnam, vì Trung Cộng không được cho phép gia nhập TPP nầy.

TPP gồm có 12 thành viên, nhưng Tổng thống Trump của Hoa Kỳ đã rút tên ra cho nên tổ chức 11 quốc gia còn lại đổi tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP=Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership)

Mưu đồ lươn lẹo nầy khó thoát khỏi sự trừng phạt của Hoa Kỳ. Chừng đó Việt Nam bị văng miểng, ăn đạn hoặc bị khó khăn về những mặt nào đó.

5.4 Tàu dầu của Việt Nam vi phạm lịnh cấm vận của LHQ đối với Bắc Hàn.

Ngày 5-3-2019, hãng tin Reuters cho biết, tàu dầu Viet Tin 01 của công ty Viet Trust (Việt Nam) đã chở 2,000 tấn dầu cập cảng Nampo của Bắc Hàn vào ngày 25-2-2019, giữa lúc cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội sắp bắt đầu.

TS Nguyễn Quang A nói với Mỹ Hằng của BBC hôm 4-3-2019, cho đó là một một “bước đi dại dột” vì vi phạm lịnh cấm vận của LHQ về mặt pháp lý.

6. Kết luận

Việt Nam giữ vai trò quan trọng ở Biển Đông. Tổng thống Donald Trump đã dùng những lời lẽ ca ngợi và tiền bạc để thuyết phục sự hợp tác quân sự với Mỹ ở Biển Đông.

Nếu mục đích không thành, thì với cá tính của ông Trump, ông có thể trừng phạt Việt Cộng về thương mại, nhân quyền như đã nêu trên.

Ngày hôm trước Tập Cận Bình là bạn, ngày hôm sau Trung Cộng là kẻ thù số một của Mỹ. Đối với Việt Nam cũng có thể thế. Nhưng Việt Cộng đã lệ thuộc vào Trung Cộng cho nên phải chịu chung số phận của Trung Cộng mà thôi.

Minnesota ngày 17-3-2019