Tuesday, 19 March 2019

Người Uyghur dưới gót giày toàn trị Trung Quốc

























Tóm tắt - Dưới chiêu bài phòng chống và tiêu diệt khủng bố Hồi Giáo cực đoan và đồng thời để bảo vệ an ninh cho các hành lang kinh tế trong đề án Một Vòng Đai Một Con Đường, nhà nước Trung Quốc đang tiến hành một quy trình rất khắc nghiệt nhằm dàn áp các người dân tộc Uyghur tại Vùng Tự Trị Tân Cương. Các khâu chính trong quy trình này là:

1) đưa người Hán đến sinh sống tại các hộ người Uyghur để theo dõi và uốn nắn lối sống của các người này theo lối sống của người Hán,

2) buộc người Uyghur nhất là trẻ em phải nói tiếng Trung trong học tập và sinh hoạt,

3) thiết kế và cập nhật liên tục 24/7 một hay nhiều cơ sở dữ liệu chứa các số liệu sinh trắc học và các chi tiết cá nhân của từng người Uyghur,

4) theo dõi từng hành vi và bước đi của các người Uyghur 24/7 qua một hệ thống may ảnh/máy quay phim số cố định và di động được cài đặt cùng khắp Tân Cương,

5) tập trung cải tạo lâu dài để “trừ khử mọi hình thái cực đoan Hồi Giáo” và “chủ nghĩa quốc gia ly khai” của bất cứ người Uyghur có thái độ chống đối dù rất nhỏ nhặt, và

6) buộc mọi người Uyghur chưa bị tập trung cải tạo phải tham gia những khóa học tập cải tạo vào ban ngày hay ban đêm. Để thi hành và số hóa quy trình trên Trung Quốc đã học và áp dụng được các công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ về ngành thu tập và phân tích các số liệu về gen và DNA. Các kinh nghiệm thu hoạch được tại Tân Cương chắc chắn sẽ được nhà nước Trung Quốc dùng vào hai việc. Một là bổ sung cho những biện pháp đang được dùng để quản lý người Trung Quốc ngay trên lục địa Trung Quốc và hai là xuất khẩu kiếm lời hay dành ưu thế chính trị/kinh tế tại các nước độc tài hay các nước đang đi lên. Vì hai lý do này, nguy cơ là đa số các nước trên thế giới sẽ sống dưới một chế độ toàn trị ngàn vạn lần tàn độc hơn những gì đã được mô tả trong tác phẩm khoa học giả tưởng “1984”của George Orwell sẽ hình thành và sẽ gia tăng.

*

1 - Từ Một Bức Hình Vô Tư

Bức hình dưới đây, được tung lên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc vài tháng trước đây trong năm nay khi nhìn thoáng qua sẽ không thấy có gì kỳ lạ (1). Trong hình chỉ có ba người đàn bà cùng nằm chung trên một chiếc giường. Nhìn kỹ lưỡng hơn, sẽ thấy người đàn bà nằm phía ngoài cùng mặc áo hồng và trông lớn tuổi nhất có đầu bịt khăn, miệng hơi mím lại không cười và trong ánh mắt có vẽ vui nhưng cũng có nét âu lo. Cô gái trẻ nằm giữa thì ra dấu hòa bình với bàn tay mặt và có một nụ cười vô tư rất tươi. Người nằm ngoài mặc áo ngũ và cũng là người chụp ảnh selfie tuy không cười nhưng trên mặt đượm nét mặt vui và nghiêm với đôi chút suy tư.


2 - Đến Sự Tuyệt Chủng Sắp Tới Của Người Uyghur

Tuy không có gì kỳ lạ, bức hình này gói ghém một cách cực kỳ cô đọng một thảm kịch rất lớn, nói trắng ra là sự tuyệt chủng sắp tới của dân tộc Uyghur (phiên âm tiếng Hán Việt là Ngô Duy Nhĩ, tuy nhiên bài viết sẽ dùng từ Uyghur vì kính trọng dân tộc này) tại Vùng Tự Trị Tân Cương, Trung Quốc. Để khai triển ý này, cần ghi nhận trước hai chi tiết sau.

Chi tiết thứ nhất liên hệ người đàn bà đầu có bịt khăn và nằm ở phía ngoài cùng bên phải. Người phụ nữ này là một trong từ 11,4 triệu đến 15,0 triệu người Uyghur. Con số gần 11,4 triệu là do nhà nước Trung Quốc đưa ra (2). Con số này xác định vị thế rất nhỏ của dân tộc Uyghur trong một nước Trung Quốc có dân số là 1.4 tỷ người. Con số 15.0 triệu, lớn hơn con số của nhà nước trung Quốc đến 33%, là do Hiệp Hội Các Người Uyghur Tai Hoa Kỳ đề xuất (3). Con số này gồm tất cả các người Uyghur trên toàn cầu, tức là người Uyghur tại các nước Hồi Giáo như Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Arabia, Pakistan, và các nước Tây phương như Úc, Ukraine, Hoa Kỳ, Canada, và các nước Á Châu như Nhật Bản. Tại Tân Cương, người Uyghur chiếm 45% dân số trong khi người Hán chiếm 40%, với 5% còn lại là những dân tộc ít người khác. Tại các thành phố lớn và đã công nghiệp hóa của Tân Cương nhu như Urumqi, 75% dân số là người Hán. Điều này cũng có nghĩa là đa số các công việc tốt hay ngành nghề hiện đại, có khả năng kiếm ra nhiều tiền, đã ưu tiên lọt vào tay các người Hán đã di dời đến Tân Cương thay vì ra thuộc về các người Uyghur.

Về mặt huyết thống, người Uyghur nay sinh sống tại Tân Cương - và các nước gần đó nhưng không thuộc Trung Quốc như Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Uzbekistan không có cùng hệ DNA với người Hán. Trái lại, họ là hậu duệ của những bộ lạc và vương quốc có nguồn gốc từ các vùng đất từ phía đông của Thổ Nhĩ Kỳ đến phía tây nam của Mông Cổ. Trong DNA của người Uyghur có DNA người da trắng, các người Trung Đông và Cận Đông, và sau này, các người Đông Á. Về mặt lịch sử, dân tộc Uyghur còn có một lịch sử rất lâu dài. Nếu tính từ lúc các bộ lạc người Uyghur còn là một bộ phận của các bộ lạc gốc Turkic (Thổ Nhĩ Kỳ), họ có một lịch sử và một nền văn minh đa dạng đã tồn tại và phát triển trên 9000 năm. Nếu chỉ tính từ khi nước Đông Turkestan ra đời, lịch sử của người Uyghur kéo dài trên 4000 năm, tức là không thua gì lịch sử 4000 năm văn hiến của người Việt Nam. Người Uyghur bắt đầu theo đạo Hồi kể từ đầu thế kỷ thứ 10 cho đến ngày hôm nay khi tôn giáo này tiến vào các vùng đất ở ngoài Trung Đông và tiếp cận với Âu Châu như Thổ Nhĩ Kỳ. Vì là một dân tộc sinh sống gần biên cương của Trung Quốc, các quan hệ Uyghur -Trung Quốc tương tự như các quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, tức là lúc thì bị Trung Quốc đô hộ và tìm cách đồng hóa, lúc thì hiện diện như một nước độc lập tự chủ (4).

Cần phân biệt người Uyghur theo Hồi Giáo tại Tân Cương và những người cũng theo Hồi Giáo nhưng sinh sống tại lục địa Trung Quốc, tức là những người nhà nước Trung Quốc gọi là người Hồi (Hui, 回).Những người này chủ yếu là hậu duệ của các lái buôn người gốc Á Rập, Ba Tư trên các Đường Tơ Lụa giữa Trung Quốc và các nước ở phía Nam tại Trung Đông và Cận Đông. Họ đã đến và lập nghiệp tại Trung Quốc từ đời Tống (960-1279) hay sớm hơn. Tất cả đều nói tiếng Trung, sinh sống như người Hán, và vẫn giữ một số tập tục Hồi Giáo thuần túy như không ăn thịt heo theo chế độ ăn uống halal, đàn ông để râu và đội mũ nắp sọ (sufi) và đọc kinh 5 ngày một lần. Nhà nước Trung Quốc không có vấn đề với các người Hồi này vì họ đã đồng hóa và hội nhập vào xã hội Trung Quốc cộng sản một cách tương đối tự nhiên sau 12 thế kỷ sinh sống tại lục địa Trung Quốc (5, 6).

Chi tiết thứ nhì liên hệ đến hai thiếu nữ đang nằm chung giường với người đàn bà Uyghur trên. Hai thiếu nữ này người Hán và đến từ lục địa Trung Quốc. Họ là những công nhân viên nhà nước trẻ được nhà nước, đảng, và đoàn chọn và “đưa xuống” Tân Cương để ở chung nhà và sinh hoạt gia đình của người đàn bà Uyghur họ đang nằm chung giường. Họ đến với gia đình này trong tư cách là những người “bà con” - cách dùng chữ của nhà nước Trung Quốc - tuy rằng giữa hai thiếu nữ người Hán và người phụ nữ Uyghur trong hình không có bất cứ quan hệ gia đình hay huyết thống nào cả.

3 - Các Mục Tiêu Của Trung Quốc Khi Đàn Áp Người Uyghur

Việc các người Hán được trẻ “đưa xuống” vào ở nhà những người “bà con” Uyghur tại Tân Cương như trình bày ở trên nhằm thi hành hai mục tiêu chính trị. Một là phòng chống và tận diệt tại gốc tất cả các hiện tượng mà nhà nước Trung Quốc gọi là Hồi Giáo “cực đoan” và hai là bảo vệ an ninh cho đề án Một Vòng Đai Một Con Đường.

Mục Tiêu 1: Tận Diệt Hồi Giáo Cực Đoan (Và Các Tôn Giáo Chống Đối)

ĐCSTQ xem người Uyghur như là hiện thân của Hồi Giáo cực đoan và do đó phải tận diệt vì hai lý do. Lý do thứ nhất là họ những người Hồi Giáo có gốc Cận Đông và Trung Đông – cái nôi của Hồi Giáo cực đoan hiện đại, và lý do thứ hai là họ có một lịch sử kình chống lại các chính quyền Trung Quốc ở trung ương để đòi độc lập tự trị kéo dài cả ngàn năm. Ngoài ra, qua việc bức hại các người Uyghur, ĐCSTQ còn muốn gửi một thông điệp cho thế giới Hồi Giáo và nhất là các tổ chức Hồi Giáo cực đoan đang dấy lên trên toàn thế giới, từ các nước Âu Châu, Mỹ Châu, Phi Châu cho đến các nước Á Châu như Philippines, Thái Lan. Thông điệp đó là: Hồi Giáo hay bất cứ tôn giáo nào cũng phải quy phục ĐCSTQ, và mọi tôn giáo muốn hiện diện tại Trung Quốc sẽ phải từ bỏ mọi ý đồ thách đố quyền lực tuyệt đối của đảng. 

Điển hình cho việc thi hành không nhân nhượng của thông điệp không chấp nhận bất cứ thách đố nào dù nhỏ nhặt nhất là cách ĐCSTQ đối xử với Pháp Luân Công. Đây là một nhánh của Phật Giáo đã công khai chống lại đảng và nhà nước Trung Quốc ở trong và ngoài nước. Vào lúc này, nhà nước Trung Quốc truy lùng mọi tín đồ Pháp Luân Công và nếu bắt được, nhà nước sẽ buộc họ phải bỏ đạo hoặc bị tập trung cải tạo.

Các tín đồ của Pháp Luân Công và các người Uyghur theo Hồi Giáo bị bắt và tập trung cải tạo còn là đối tượng của một biện pháp trấn áp rất tàn độc, tức là việc thu hoạch nội tạng để phục vụ cho một kỹ nghệ cấy ghép nội tạng. Theo một báo cáo của các tác giả Kilgour, Matas và Gutmann đã xuất bản lần đầu tiên vào năm 2006 và cập nhật vào tháng sáu năm 2016 – nhà nước Trung Quốc đã cho phép các bệnh viện và công ty dịch vụ thu hoạch nội tạng như tim, thận, và gan của từ 60 đến 100 ngàn tù nhân lương tâm mỗi năm, với các tù nhân này chủ yếu là tín đồ Pháp Luân Công hay là người Uyghur. Việc thu hoạch nội tạng xảy ra khi các tù nhân lương tâm này còn sống. Việc cấy ghép cấp thời vào cơ thể những ai đã mua các nội tạng sẽ phải làm trong thời gian nội tạng còn ấm, tức là trong thời kỳ WIT ( “Nhiệt Độ Ấm Thiếu Máu”, Warm Ischemic Temperature). Kể từ năm 2000, đã có trên 1.5 triệu vụ cấy ghép nội tạng tại 712 trung tâm cấy ghép gan và thận tại Trung Quốc. Các người mua nội tạng này chủ yếu là các viên chức nhà nước cao cấp, các đại gia Trung Quốc, và các “du khách cấy ghép” đến từ các nước ngoài (7).

Tuy báo cáo của Kilgour, Matas và Gutman đã gây nhiều chú ý tại Quốc Hội Hoa Kỳ, Anh Quốc, Cộng Đồng Âu Châu, và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, cho đến ngày hôm nay Tây Phương vẫn chưa có biện pháp chế tài nào đối với Trung Quốc về vấn đề thu hoạch nội tạng để phục vụ cho một ngành công nghệ “du lịch cấy ghép” được biết chỉ hiện diện tại hai chỗ: Trung Quốc và các vùng đất do tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo Tại Iraq và Syria (ISIS) kiểm soát (8).

Mục Tiêu 2: Bảo Vệ An Ninh Cho Đề Án Một Vòng Đai Một Con Đường

Mục tiêu thứ nhì nhằm bảo vệ an ninh trên những vùng đất tại đó các dự án và 5 hành lang kinh tế của Đề án Một Vòng Đai Một Con Đường sẽ triển khai. Mục tiêu này cũng không khó hiểu vì Tân Cương là nơi mà 3 trong năm hành lang kinh tế (economic Corridor) đó sẽ được thiết kế, như thấy được trong bản đồ sau (9). Ba hành lang kinh tế xuất phát từ Tân Cương là hành lang Trung Quốc-Mông Cổ-Nga (China-Mongolia-Russia), Cầu Đất Mới Âu-Á (New Eurasia Land Bridge), Trung Quốc-Pakistan (China-Pakistan). Các hành lang này sẽ đi qua những vùng đất có đa số dân cư theo Hồi Giáo như các nước Tajikistan, Uzbekistan, và Pakistan. Ngoài các hành lang kinh tế, Tân Cương tự nó cũng là một vùng đất có nhiều khoáng sản như sắt boxit/nhôm, liti cacbonat, kali, kền, urani, v.v… (10) và do đó an ninh tại đó là một điều cần thiết.


4 - Các Biện Pháp Trung Quốc Dùng Để Hán Hóa Người Uyghur

Để thực hiện mục tiêu Hán hóa người Uyghur, nhà nước Trung Quốc đang sử dụng ba biện pháp chính. Một là theo dõi rất sát từng người dân Uyghur trong đời sống hàng ngày trong nhà họ qua việc “đưa xuống” các “bà con” vào các hộ người Uyghur như trình bày ở trên, hai là tăng cường khả năng theo dõi từng người Uyghur ở ngoài nhà họ với các máy chụp hình có trí khôn cố định và di động và thiết lập một cơ sở dữ liệu toàn diện về từng người và toàn thể dân tộc Uyghur, và ba là cưỡng bách đồng hóa nhằm Hán hóa người Uyghur.

Biện Pháp 1: Theo Dõi Từng Người Uyghur ngay trong nhà họ qua các “bà con” được “đưa xuống”

Biện pháp thứ nhất được bắt đầu thi hành vào năm 2014 và đang có một chiều hướng gia tăng rất đáng ngại.

Các người “bà con” được “đưa xuống” phải làm hai việc chính. Việc thứ nhất là xem xét, dò xét, nghi chép vào một sổ tay vào báo cáo về một cơ sở dữ liệu tại Trung Ương về cách sống hàng ngày của các người trong gia đình Uyghur đang nuôi dưỡng họ. Các đề mục báo các là cách chào hỏi giữa các người Uyghur (ví dụ nếu có ai chào nhau qua câu nói Hồi Giáo truyền thống “As-Salaam Alaikum” tức là “Bình An cho Bạn” họ sẽ bị ghi sổ ngay) cách ăn uống theo tập tục Hồi Giáo hay không (người theo đạo Hồi không uống rượu, không ăn thịt heo, chỉ ăn thịt halal), cách cầu nguyện (tín đồ Hồi Giáo phải đọc kinh 5 lần mỗi ngày), và nhất là các quan hệ nếu có giữa các thành viên của gia đình Uyghur này và các người Uyghur hay Hồi Giáo gốc turkic ở các nước Hồi Giáo lân cận. Việc thứ hai là qua các tương tác như ăn uống chung, học tập chung về cách chính sách của nhà nước trung ương, tìm cách uốn nắn tư tưởng và hành vi của mỗi thành viên của gia đình sao cho người Uyghur sẽ từ bỏ các lối sống, thói quen và tập tục theo truyền thống Uyghur Hồi giáo, và nhất là các quan điểm cực đoan như thánh chiến “jihad” để tiếp thu và hội nhập vào lối sống Trung Quốc. Mục tiêu của hai việc làm này là biến những người Uyghur đang nuôi dưỡng họ trở thành những người Trung Quốc tốt, tức là những người nói tiếng Trung và trung thành tuyệt đối với các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc.

Các số liệu có được về việc thi hành biện pháp thứ nhất này như sau. Vào năm 2014, có 200.000 công nhân viên nhà nước người Hán được “đưa xuống” ở tại các hộ ‘bà con” người Uyghur tại Tân Cương. Vào năm 2016, con số này là 110 ngàn người. Vào năm 2017, con số này đã lên đến trên một triệu người (11).

Khi phân tích các số liệu này, nếu một hộ người Uyghur có từ 8 đến 4 người, với dân số ước tính là 11.4 triệu, tại Tân Cương sẽ có từ 1.5 triệu đến 2.8 triệu hộ người Uyghur. Khi “đưa xuống” trên dưới 1 triệu người Hán “bà con” vào các hộ Uyghur mỗi năm, ta có thể thấy là vào bất cứ thời điểm nào sau các năm 2016 hay 2017, cho 10 hộ người Uyghur sẽ có từ 7 đến 4 hộ có một hay hai người Hán “bà con” đến ở chung. Đây là một tỷ lệ cao và do đó đáng lo ngại. Bởi vì, nếu tiếp tục “đưa xuống” khoảng 1 triệu người Hán như thế mỗi năm, chỉ trong vòng từ 2 đến 5 năm – tức là chậm lắm là đến năm 2021 nếu tính từ năm 2016 – tất cả các hộ người Uyghur ở Tân Cương đều đã có một vài người Hán trẻ “bà con” đến ở chung. Từ đó đến việc Hán hóa và xóa tên lối sống Hồi Giáo Uyghur của tất cả 11.4 triệu người Uyghur sẽ không xa.

Biện pháp 2: Theo dõi từng người Uyghur ngoài nhà họ qua các máy chụp ảnh cố định và di động và việc thiết lập một cơ sở dữ liệu toàn diện về từng người và toàn thể dân tộc Uyghur.

Ngoài việc dùng các người “bà con” “đi xuống” ở tại các hộ người Uyghur, nhà nước Trung Quốc còn tiến hành một chương trình theo dõi từng người Uyghur khi họ sinh hoạt ở ngoài nhà của họ. Chương trình này có hai thành phần.

Thành phần thứ nhất của chương trình theo dõi người dân Uyghur này là theo dõi từng người Uyghur qua một hệ thống máy ảnh (thật ra là những máy quay phim điện tử) vừa cố định vừa di động rất quy mô.

Các máy ảnh cố định được gắn tại mọi đường phố hay ngõ hẻm tại Tân Cương và trong các kiến trúc công cọng như công sở, siêu thị, chợ búa, và các cửa ra vào của những nhà thờ Hồi Giáo. Các máy này có khả năng theo dõi từng người Uyghur 27/4 theo một báo cáo mới nhất của ông Victor Gevers, một một nhà khảo cứu người Hòa Lan. Câu chuyện ông Victor Gevers phát hiện ra khả năng này cần được kể lại, như sau.


Victor Gevers là một “tin tặc mũ trắng” tức là một tin tặc có đạo đức và không làm các việc mờ ám. Ông là sáng lập viên trang mạng https://gdi.foundation và chủ tịch tổ chức Global CERT và là một chuyên gia quốc tế trong ngành đi tìm các rò rỉ hay vi phạm dữ liệu của các cơ sở dữ liệu trên toàn cầu (12). Gần đây (thứ Năm 2019/02/21) khi xem xét một số cơ sở dữ liệu tại Tân Cương, ông đã phát hiện ra một cơ sở dữ liệu khổng lồ và bí mật tại Tân Cương do một công ty tên là SenseNets quản lý đang rò rỉ ra số liệu rất nhạy cảm về người Uyghur. Các số liệu này là: họ và tên, số thẻ chứng minh nhân dân, địa chỉ, ngày sinh, nơi làm việc, và nhất là rất nhiều tọa độ GPS được nhập vào với một tốc độ rất nhanh. Theo ông Gevers, chỉ trong vòng 24 giờ, cơ sở dữ liệu này đã nhập thêm 6.7 triệu tọa độ GPS. Kèm theo các tọa độ này là tên các địa điểm gắn máy ảnh như nhà thờ Hồi Giáo, trạm công an, café mạng, tiệm ăn, vv…Với các số liệu như thế, trên lý thuyết một nhà quản lý cơ sở dữ liệu có thể hiển thị được lộ trình của bất cứ người Uyghur nào bắt đầu từ lúc người này bước chân ra khỏi cửa nhà và cho đến khi họ bước chân vào một nhà khác. Vì là một tin tặc mủ trắng, ông Gevers đã ngây thơ báo cho các nhà quản lý trang mạng SenseNets này biết về sự rò rỉ các số liệu cá nhân này. SenseNets đã lập tức tu chỉnh lại cơ sở dữ liệu để ngăn chặn sự rò rỉ kể trên. Chỉ sau này, khi biết được SenseNets là ai và cơ sở dữ liệu họ quản lý làm gì, ông Gevers mới phát biểu là “ông hối hận đã giúp công ty này bảo vệ tốt một công cụ áp bức.” (13)

Theo một báo cáo gần đây (6/2018), ngoài các máy ảnh cố định này, nhà nước Trung Quốc tại Tân Cương còn có và dùng những máy ảnh di động có khả năng nhận dạng khuôn mặt người. Các máy ảnh này có dạng những con bồ câu máy có thể đập cánh bay như chim thật. Khi được tung lên và điều khiển vô tuyến để bay từng con hay từng đàn trên trời cao, sẽ ít ai nghĩ chúng là những con chim máy. Các con bồ câu này chạy bằng pin, có hệ thống điều khiển bay, và có hai ăng ten: một để bắt sóng GPS, và một để và liên kết với và gửi hình ảnh về cơ sở dữ liệu. Vào lúc này, có trên 30 tổ chức nhà nước và quân đội Trung Quốc đóng tại Tân Cương đã và đang dùng các bồ câu máy này. Hình sau cho thấy con bồ câu máy này và các bộ phận chính (14). 


Ngoài bồ câu máy, một số công an cảnh sát tại Tân Cương còn được trang bị kính đeo mắt có trí khôn. Các kính này kết nối với một cơ sở dữ liệu ở trung ương và có khả năng nhận dạng khuôn mặt như thấy được trong hình minh họa sau (15).


Thành phần thứ nhì của chương trình theo dõi người dân Uyghur là một cơ sở dữ liệu số. Cơ sở dữ liệu số này – có thể là cơ sở dữ liệu đã bị rò rỉ số liệu do SenseNets quản lý như đã trình bày ở các đoạn trước - sẽ lưu trữ và tích hợp các số liệu thu thập được qua các máy ảnh di động và cố định, các báo của những người Hán “bà con” đã được “đưa xuống” các gia đình người Uyghur, và các số liệu sinh trắc học rất cá nhân như: DNA, dấu tay, giọng nói, hình quét võng mạc, nhóm máu, v.v…

Để thu góp các số liệu sinh trắc học kể trên, trong thời khoản 2016-2017, nhà nước Trung Quốc đã phát động một chương trình gọi là “Khám Sức Khỏe Cho Mọi Người” tại Tân Cương. Chương trình này kêu gọi mọi – thật ra là ép buộc - người Uyghur từ 12 đến 65 tuổi đi khám sức khỏe miễn phí. Với một người đã bị nghi ngờ là thiếu trung thành với chế độ, điều kiện tuổi tác không áp dụng; điều này có nghĩa là, nếu bạn bị nghi ngờ trẻ con sơ sinh hay các cụ trên 65 tuổi trong hộ của bạn cũng phải “được” khám sức khỏe. Khi khám sức khỏe, mọi người phải a) nộp mẫu máu, b) chịu gạc nước bọt để lấy mẫu DNA, b) cho phép thu băng giọng nói, c) bị lấy dấu tay, d) cho phép chụp hình quét võng mạc, và e) cung cấp nhiều chi tiết cá nhân khác như tên tuổi, nghề nghiệp, nơi làm việc, vv... Theo báo cáo của các người Uyghur đã được khám, không có trong quy trình khám sức khỏe này là việc khám các bộ phận quan trọng như tim và thận. Nói khác đi, thực chất của chương trình khám sức khỏe miễn phí này là thu thập các dữ liệu sinh trắc học và cá nhân của từng người Uyghur. Theo Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW, Human Rights Watch), việc thu thập các dữ liệu như trên mà không có sự đồng thuận của người bị thu thập dữ liệu là một vi phạm nhân quyền thô bạo. Đến lúc này, theo một báo cáo của Tân Hoa Xã, đã có trên 36 triệu người sinh sống tại Tân Cương tham gia chương trình kể trên, cho dù theo thống kê chính thức dân số Tân Cương chỉ là 24.5 triệu người (16, 17, 18).

Để phân tích các mẩu sinh học kể trên và nhập các số liệu liên hệ vào các cơ sở dữ liệu, Trung Quốc đã mua trên rất nhiều thiết bị của một doanh nghiệp Hoa Kỳ tên là Thermo Fisher Scientific (TFS). TFS là một doanh nghiệp có trên 70 ngàn nhân viên và thương vụ thường niên trên 20 tỷ USD, và hoạt động trong 3 ngành chính: khoa học đời sống, khoa học công nghệ và ứng dụng, lâm sàng và chẩn đoán (19). Trung Quốc nay là là khách hàng lớn nhất của TFS. Tại Trung Quốc, TFS có cơ sở sử dụng thêm 5000 nhân viên và bán trên 2 tỷ USD thiết bị cho Trung Quốc mỗi năm. Các thiết bị này chủ yếu là các phòng thí nghiệm bán theo kiểu chìa khóa trao tay, và các máy dùng để lập các bản đồ DNA và bản đồ gen cho từng người dân hay từng dân tộc. Các bản đồ DNA hay gen này được dùng trong các ngành như pháp y, phòng chống và chữa bệnh, hay hướng dẫn việc thu gom và cấy ghép nội tạng (20).

Ngoài việc mua thiết bị từ TFS, Trung Quốc còn khai thác miễn phí trí tuệ Hoa Kỳ để cải tiến khả năng thu gom và phân tích các dữ liệu sinh trắc học. Trí tuệ được khai thác miễn phí là của giáo sư tiến sĩ Kenneth Kidd, 77 tuổi, thuộc đại học Yale danh tiếng. Giáo Sư Kidd là một nhà nghiên cứu về di truyền học hàng đầu trên thế giới. Để học hỏi với GS Kidd, vào năm 2014, bà Lý Thái Hà (Li Caixia 李彩霞) bác sĩ pháp y trưởng của Viện Khoa Học Pháp Y của Bộ Nội An Trung Quốc, được nhận đến làm việc và học nghề trong 11 tháng tại phòng thí nghiệm của GS Kidd. Khi hồi hương, bà Lý đã mang nhiều mẫu DNA từ phòng thí nghiệm này về Trung Quốc. Để trả ơn GSTS Kidd, Bộ Công An Trung Quốc đã trao tặng cho một cơ sở dữ liệu gọi là ALFRED (Allele Frequency Database, tức là Cơ sở Dữ Liệu Về Tầng Số Alen) cũng do GSTS Kidd chủ trì và quản lý, số liệu về DNA của 2143 người Uyghur. Về sau, tức là trong thời khoản 2013-2017, các nhà khảo cứu của bộ Nội An đã lấy được một số bằng sáng chế trong ngành di truyền học. Một bằng sáng chế lấy được là về một phương pháp “xác định người tình nghi có gốc ở khu vực địa dư nào tức là thuộc dân tộc nào qua phân tích DNA.” Để đạt được kết quả này, đon xin lấy bằng sáng chế nói rỏ là họ đã so sánh với các DNA lấy được từ phòng thí nghiệm của GS Kidd và từ các bản đồ DNA lưu trữ tại Dự Án 1000 Bộ Gen (1000 Genomes Project) (20, 21). 

Biện Pháp 3: Cưỡng Bách Đồng Hóa Qua Giáo Dục và Cải Tạo Tư Tưởng

Thi hành song song với hai biện pháp trên là biện pháp cưỡng bách đồng hóa. Biện pháp này tăng cường cho hai biện pháp trên về hai mặt: giáo dục và cải tạo tư tưởng.

Về mặt giáo dục, người Uyghur phải nói và dùng chữ Trung Quốc trong mọi giao dịch chính thức. Tất cả các trường học từ mẫu giáo trở lên đều phải dùng tiếng Trung và theo một học trình tương tự như ở lục địa Trung Quốc. Nhà nước không khuyến khích trẻ em Uyghur học nói và viết tiếng Uyghur, một ngôn ngữ gốc Turkic (Thổ Nhĩ Kỳ) (22). Tại Kasghar, một tỉnh lớn của Tân Cương, các trẻ em Uyghur có bố và mẹ bị bắt hay bị đưa vào các trại tập trung cải tạo sẽ được cho vào nội trú tại những trường kín để được giáo dục – nói đúng hơn là tẩy não - trở nên những người Hán trung thành tuyệt đối với đảng và nhà nước. Các trường này là những trường kín vì chúng có nhiều hàng rào kín, có trạm canh gác tại cổng vào, và các người bà con muốn vào thăm các trẻ em tại trường này đều phải có sự chấp thuận trước của công an địa phương. (23). Một hệ lụy của việc nhốt trẻ em tại các trường kín là các em sẽ lớn lên thiếu vắng tình thương gia đình (24).

Về mặt cải tạo tư tưởng, nhà nước a) bắt tạm giam, bỏ tù, hay tập trung cải tạo lâu dài bất cứ ai có vẽ cứng đầu không chịu đồng hóa b) cưỡng bách người Uyghur tham gia các khóa học tập ngắn và dài hạn, vào ban đêm hay ban ngày và c) giới hạn khắt khe các sinh hoạt tôn giáo Hồi. Tại Tân Cương, nếu ai có bất cứ quan hệ nào với bất cứ một công dân nào của một nước có tên trong một bản danh sách 26 nước “nhạy cảm”, xác suất người đó sẽ bị bắt và tập trung cải tạo sẽ rất cao.

Việc thi hành biện pháp các biện pháp cải tạo tư tưởng rất quy mô và truyền thông thế giới chỉ biết được trong vòng vài năm trở lại và một cách gián tiếp mà thôi. Vào lúc này, có ba cách để phát hiện và đánh giá tầm vóc của các biện pháp trên.

- Một là thu thập các số liệu công khai của Trung Quốc về kinh phí đầu tư và tiến độ xây cất các trại cải tạo. Điều này thật ra không khó như ta tưởng. Nhà nước Trung Quốc có nhiều tên khác nhau cho các cơ sở này, ví dụ như: “Trung Tâm Khử Cực Đoan Hóa Và Giáo Dục Bồi Huấn” (去极端化教育培训中心), “Trung Tâm Giáo Dục Chuyển Hóa Ban” (集中教育转化班), “Trung Tâm Giáo Dục Bồi Huấn” (教育培训中心), “Trung Tâm Bồi Huấn Kỷ Năng” (技能培训中心), “Trung Tâm Bồi Huấn Giáo Dục Kỹ Năng” (职业技能教育培训中),v.v… tại Tân Cương và những nơi khác có nhiều người Hồi Giáo tại Trung Quốc. Vì một cơ quan nhà nước như bộ, vụ, ủy ban v.v…hay một đơn vị hành chánh như tỉnh, thành, v.v… cần liệt kê thành tích công tác, họ thường đưa lên trang nhà của cơ quan họ các dữ liệu như kinh phí đầu tư, đấu thầu và kết quả đấu thầu, và tiến độ thi công của các dự án họ đang quản lý. Sau khi thu thập đánh giá và phân tích các số liệu về các trại cải tạo liệt kê dưới các tên đã kể trên, Cơ Sở Jamestown (Jamestown Foundation) đã kết luận là tại Tân Cương hiện nay có 73 trại cải tạo (25, 26). 

- Hai là dùng không ảnh. Một du sinh người Trung Quốc tại đại Học British Columbia, Canada, anh Shawn Zhang, đã dùng Google Map và không ảnh chụp từ các vệ tinh nhân tạo để phát hiện được 66 trại cải tạo tại Tân Cương. Bản đồ sau sau chỉ vị trí các một số các trại cải tạo này (27, 28).

Không ảnh từ vệ tinh nhân tạo của một số trong 66 trại cải tạo kể trên do Shawn Zhang phát hiện được thấy trong hình sau.

Zhang phát hiện được thấy trong hình sau.



- Ba là phỏng vấn người Uyghur tại các làng ở Tân Cương. Các phỏng vấn này yêu cầu dân làng ước lượng tỉ lệ người trong làng đã bị tập trung cải tạo hay phải tham gia vào các lớp học tập ngày hay đêm. Từ các tỉ lệ này, người phỏng vấn dùng phép toán ngoại suy để ước tính số người đang học tập cải tạo dựa vào các thống kê công khai về dân số người Uyghur của nhà nước Trung Quốc. Tổ chức Các Người Bảo Vệ Nhân Quyền Trung Quốc (China Human Rights Defenders, CHRD) đã làm như trên vào năm 2018. Sau khi phỏng vấn 8 người dân trong tám làng Uyghur khác nhau tại Tân Cương, họ đã ước tính được các tỉ lệ sau. Tỉ lệ người dân Uyghur bị tập trung cải tạo toàn thời gian là từ 8% đến 20%, bình quân là 12.8%, thấp là 10%. Tỉ lệ người dân Uyghur bị cưỡng bách tham gia những khóa học tập ban đêm hay ban ngày là 20% đến 40%, bình quân là 30%. Dựa trên thống kê dân số người Uyghur tại Tân Cương là 11.3 triệu, CHRD ước tính đang có 1.1 triệu người đang bị tập trung cải tạo (tính theo tỷ lệ 10% dân số, tức là tỉ lệ thấp dưới mức bình quân 12.8%), và 2.2 triệu người (tính theo tỉ lệ thấp là 20% dân số) phải tham gia các khóa học tập ngày hay đêm. Hay nói khác đi, bình quân cứ 10 người dân Uyghur là có 1 người đang tập trung cải tạo và 2 người bị cưỡng bách tham gia các khóa học tập tại chỗ ngày hoặc đêm (29).

Về việc hạn chế khắt khe các sinh hoạt tôn giáo Hồi Giáo, kể từ 2009, nhà nước Trung Quốc đã tiến hành một chương trình chỉnh sửa để “Trung Quốc Hóa” Hồi Giáo và tháo gỡ ảnh hưởng của thế giới A Rập và nhất là vương quốc Saudi Arabia. Các biện pháp đã dùng là cách đập phá/ và san bằng hay sửa kiểu lại các nhà thờ Hồi Giáo ở khắp Tân Cương, tháo gỡ các biểu tượng Hồi Giáo như trăng lưỡi liềm, cổng hay mái vòm, và gây khó khăn cho người Uyghur khi hành đạo qua việc bắt bớ các pháp sư (iman) (30). Theo nhà nước Trung Quốc, Tân Cương có đến 24.400 nhà thờ Hồi Giáo vào năm 2009. Vào lúc này, không ai biết còn lại bao nhiêu nhà thờ Hồi Giáo. Tuy nhiên kể từ lúc chiến dịch chỉnh sửa kể trên bắt đầu vào năm 2017, theo điều tra của Radio Free Asia (RFA), nội trong năm 2016, chỉ trong vòng 3 tháng đã có đến trên 5000 đền thờ Hồi Giáo bị phá hủy (31).

5 – Việc Truy Lùng Và Bắt Bớ Người Uyghur ở Ngoài Trung Quốc

Tân Cương không phải là nơi độc nhất mà Trung Quốc đàn áp và bức hại người Uyghur. Sự thật là Trung Quốc đã nới rộng địa bàn truy lùng và bắt bớ người Uyghur vào các nước khác. Việc nới rộng xảy ra từ các năm đầu của thế kỷ 21. Để hợp pháp hóa việc truy lùng và bắt bớ người Uyghur trong một nước khác, Trung Quốc định nghĩa các người này là những tội phạm theo luật lệ Trung Quốc. Từ đó, qua các đối tác ngoại giao hay các định chế cảnh sát quốc tế như Interpol, Trung Quốc sẽ vận dụng mọi quyền lực mềm có được để thương lượng cùng chính quyền các nước việc trao trả hay giúp dẫn độ về Trung Quốc những người Uyghur chống đối đang làm ăn sinh sống, trốn tránh, hay bị bắt giam tại các nước này.

Kazakhstan là một nước tại đó Trung Quốc đã và đang áp dụng thành công một chính sách bắt bớ các người Uyghur chống đối cho dù họ không ở tại Trung Quốc. Kazakhstan là một nước Hồi Giáo nhỏ và nghèo (Tổng Sản Phẩm Quốc Gia: 159.4 tỷ USD, dân số 18 triệu người) nhưng có trên 1600 kilomet biên giới với Trung Quốc ở phía Tây Bắc của nước này. Vì ở trên các tuyến Đường Tơ Lụa, người Kazakhstan tại vùng biên giới Trung Quốc-Kazakhstan trong hàng chục thế kỷ qua đã buôn bán, trà trộn, và lập gia đình với những người Hán ở Trung Quốc cũng như với những người Uyghur tại Tân Cương. Kazakhstan trở thành một nước độc lập vào năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ và đã nhanh chóng trở thành một nước độc tài thân Trung Quốc. Tại Kazakhstan có trên 200 ngàn người gốc Trung Quốc theo Hồi Giáo đã lấy quốc tịch Kazakhstan hoặc đã trở thành thường trú nhân để có thể tiếp tục sinh sống cùng gia đình tại đó. Những người này, và bất cứ ai nếu vẫn còn có quốc tịch Trung Quốc, sẽ có thể bị bắt và tập trung cải tạo nếu họ bước chân vào Trung Quốc và bị Trung Quốc nghi ngờ là có thiện cảm với các người Uyghur tình nghi có hoạt động chống lại Trung Quốc tại bất cứ ở đâu. Tính đến ngày hôm nay, Trung Quốc đã bắt giữ và tập trung cải tạo tại các trại trên đất Trung Quốc trên 10 ngàn người như trên, kể cả những người có quốc tịch Kazakhstan (32).

Một ví dụ khác là Thái Lan, một nước có đa số dân theo Phật Giáo. Vào năm 2014, có trên 200 người Uyghur đang trốn tại Thái Lan bị cảnh sát Thái Lan bắt. Sau đó, dưới áp lực hậu trường của quyền lực mềm của Trung Quốc, 100 trong số các người này đã bị trục xuất về Trung Quốc, bất chấp các phản đối của những tổ chức bảo vệ nhân quyền. Các phản đối này rất chính đáng.Thái Lan là một nước đã ký Quy Ước Chống Tra Tấn và quy ước này cấm các nhà nước dùng vũ lực để trục xuất các cá nhân về lại những quốc gia mà tại đó họ có lý do chính đáng để sợ là sẽ bị tra tấn hay đối đãi một cách vô nhân đạo (33). Vào năm 2011, tức là ba năm trước đó, Thái Lan cũng đã giao một người Uyghur, ông Nur Muhammed, trực tiếp cho các viên chức Trung Quốc đang chờ sẵn tại trại giam trên đất Thái mà không qua bất cứ một quy trình cứu xét tình trạng tị nạn hay di trú nào. Cho đến nay không có báo cáo nào về Trung Quốc đã làm gì với ông Nur Muhammed sau khi tiếp thu ông này ngay trên đất Thái. Nhưng dựa trên những gì Trung Quốc đã làm với người Uyghur tại Tân Cương, một kết luận hợp lý là những gì Trung Quốc sẽ tốt lành với ông Nur Muhammed (34). 

Một ví dụ khác nửa là Malaysia, một nước có đa số dân theo Hồi Giáo. Vào năm 2017, có 20 người trong số 200 người Uyghur Thái Lan giam giữ từ trước 2014 (đây chính là 200 người Uyghur đã đề cập đến trong đoạn trước) nhưng chưa chuyển giao cho Trung Quốc đã trốn ra khỏi một nhà tù gần biên giới Thái-Malaysia. Họ đã trốn thoát bằng cách đào hầm chun ra khỏi phòng giam và dùng mền làm dây trèo tường ra khỏi trại giam. Tuy cảnh sát Thái bắt lại được 5 người, vẫn có 11 người chạy qua được Malaysia. Tại đó họ đã bị cảnh sát Malaysia bắt ngay. Khi biết tin này, Trung Quốc đã lập tức đòi Malaysia phải nộp trả 11 người Uyghur đó. Vì Malaysia đang nợ Trung Quốc trên 20 tỷ USD, vào tháng 2/2018, phó thủ tướng Malaysia, ông Ahmad Zahid Hamidi tuyên bố Malaysia đang tiếp tục cứu xét việc giao lại 11 người này cho Trung Quốc (35). Tuy nhiên, trước khi Malaysia đưa ra được quyết định, thủ tướng Malaysia là ông Najib Razak thất cử vào tháng 5/2018 và bị thay thế bởi ông Mahathir Mohamad, 93 tuổi. Ngay sau khi nhậm chức, thủ tướng mới Mahathir Mohamad đã ra lệnh hủy bỏ một số đầu tư lớn của Trung Quốc tại Malaysia có tổng số kinh phí đầu tư là 20 tỷ USD, đồng thời xác định lập trường ủng hộ các cộng đồng Hồi Giáo đang bị bức hại bất cứ ở đâu trên thế giới. Sau đó, bất chấp các phản kháng của Trung Quốc, vào tháng 10/ 2018, Malaysia đã quyết phóng thích 11 người Uyghur kể trên. Số 11 người Uyghur may mắn đó đã đáp máy bay về Thổ Nhĩ Kỳ ngay trong ngày quyết định trên được ban hành (36).

Theo một báo cáo của Hội Uyghur-Mỹ, các nước Đông Nam Á Malaysia, Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, và Lào đều đã từng trục xuất về Trung Quốc các người Uyghur bắt được trong nước họ. Một người Uyghur bị Việt Nam trục xuất về Trung Quốc vào năm 2014 đã chết trong một nhà tù ở Quảng Tây “trong những hoàn cảnh bí ẩn” khi bị giam 11 tháng tại đó dưới tội danh “du lịch bất hợp pháp” (37).

Qua các số liệu đã trình bày, sự tồn vong của văn hóa và con người Hồi Giáo của dân tộc Uyghur rất bi quan. Khi đa số các pháp sư bị tập trung cải tạo lâu dài, khi đa số các nhà thờ bị phá, khi từng người dân phải học tập về đường lối của Đảng và nếu chống lại sẽ bị tập trung cải tạo lâu dài, khi từng bước đi từng lời nói của từng người Uyghur được cập nhật trong thời gian thực tại một cơ sở dữ liệu trong đó có các số liệu sinh trắc học và tọa độ GPS, khi trẻ con không còn được phép học hay nói tiếng Uyghur, khi từng người Uyghur có thể bị công an, tình báo và ngoại giao Trung Quốc truy lùng và bắt bớ hợp pháp hay không cho dù họ ở bất cứ nơi nào trên địa cầu này, sự tuyệt chủng của dân tộc Uyghur tại Tân Cương là một điều tất yếu và không xa trong tương lai.

6 - Phản Ứng Của Thế Giới

Trước quyết tâm xóa tên dân tộc Uyghur của Trung Quốc, thế giới đã là gì? Phản ứng của thế giới thật sự không tốt lành cho người Uyghur. Ngoài Tây Phương, hầu như không có nước nào lên tiếng chống lại việc Trung Quốc đàn áp và bức hại người Hồi Giáo Uyghurs tại Tân Cương, như trình bày chi tiết dưới đây.

- Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) vào cuối năm 2018 đã đưa ra một báo cáo dài có nhan đề là “Tận Diệt Nọc Độc Ý Thức Hệ - Chiến Dịch Đàn Áp Người Hồi Giáo Tân Cương”. Bác cáo này vạch trần những vi phạm nhân quyền trầm trọng của Trung Quốc tại Tân Cương (38).

- Trong kỳ họp định kỳ lần thứ 40 của Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 năm 2018 để xem xét vấn đề nhân quyền tại một nước hội viên là Trung Quốc vào kỳ họp này, các nước hiện diện đã đưa ra đến 346 khuyến nghị để nhà nước Trung Quốc cứu xét. Thế nhưng:

- Đa số các khuyến nghị trên có tính cách chung chung vô thưởng vô phạt như kêu gọi Trung Quốc tiếp tục thi hành các chương trình và dự án đã có nhằm bảo vệ nhân quyền

- Một số nước vì các lý do như xưa nay vẫn thân thiện với Trung Quốc, hay vì nợ đề án Một Vòng Đai Một Con Đường của Trung Quốc quá nhiều, hay vì gián tiếp lệ thuộc vào Trung Quốc qua mậu dịch, vv…thay vì phê bình Trung Quốc lại đã dùng các khuyến nghị để ca ngợi các thành quả của Trung Quốc về các mặt như phát triển kinh tế và thậm chí về nhân quyền.

- Không có một nước nào với đa số dân là Hồi Giáo đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trực tiếp.

- Chỉ có các nước sau: Đan Mạch, Thụy Sĩ, Ái Nhĩ Lan, Hòa Lan, Úc, Hoa Kỳ, Đức Quốc, Tiệp Khắc, Pháp, Tân Tây Lan, và Thụy Điển đã đề xuất 14 khuyến nghị mạnh dạn đòi hỏi Trung Quốc chấm dứt việc đàn áp hay bức hại các người Uyghur hoặc/và Tây Tạng. (39, 40). 

Đi xa hơn các khuyến nghị của các nước Tây Phương kể trên là tỷ phú George Soros, sáng lập viên của Cơ Sở Xã Hội Mở (Open Society Foundation). Khi phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 24 tháng Giêng năm 2019, ông Soros đã phân tích sự đi lên của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình để đưa ra lời cảnh báo sau.

Trong tương lai không xa, khi các công ty tin học độc quyền lớn và giàu dữ liệu liên minh được với và phục vụ cho các nhà nước độc tài, Ông Soros tiên đoán là “trên địa cầu sẽ hình thành những chế độ độc tài toàn trị ghê gớm đến mức mà “George Orwell, tác giả của tác phẩm “1984” sẽ không thể nào tưởng tượng nổi”. Khi nói về hệ thống tín dụng xã hội đang được thi hành tại Trung Quốc, ông Soros nói rằng một khi được hoàn thiện và sử dụng, họ Tập sẽ có “quyền kiểm soát toàn diện trên người dân” Trung Quốc.

Để ngăn chặn sự hình thành của các chế độ mới này và bảo vệ và phát triển các xã hội mở, ông Soros khuyến cáo như sau. Nhân loại phải làm hai việc: một là chống lại Tập Cận Bình và hai là đặt niềm tin vào người dân, các doanh nghiệp và nhất là các chính trị gia ưu tú nào của Trung Quốc vẫn còn muốn phục hồi các giá trị Khổng Học truyền thống thay vì phục tùng họ Tập. Ông Soros đã đưa ra khuyến cáo trên vì theo ông, hiện nay chỉ có hai thành phần kể trên mới có khả năng đẩy lùi được Tập Cận Bình và làm như thế ngay từ phía trong của Trung Quốc (41). 

Với kinh nghiệm trên 40 năm chống lại các chế độc tài từ cánh trái và cả từ cánh phải, ông Soros có lẽ không sai khi khi đưa ra khuyến cáo trên. Tuy nhiên, từ bây giờ cho đến ngày các doanh nhân và chính trị gia Trung Quốc đánh sập ĐCSTQ, xác xuất dân tộc Uyghur vẫn còn hiện diện sẽ là bao nhiêu?

Chỉ có lịch sử mới có thể trả lời câu hỏi trên. Điều đau lòng là những người Hán, các người “bà con” được đưa xuống các hộ người Uyghur vẫn sẽ tiếp tục ngủ chung giường với các người Uyghur, vẫn sẽ tiếp tục ghi vào sổ tay những gì các người Uyghur này đang làm theo truyền thống Hồi Giáo, và vẫn sẽ tiếp tục báo cáo định kỳ vào một cơ sở dữ liệu mạng tất cả những gì họ đã tai nghe mắt thấy. Tại sao các người Hán “đưa xuống” vẫn sẽ tiếp tục làm như thế nếu họ biết hậu quả là một tai họa không lường cho chính những người đang Uyghur sống bên cạnh họ và đang nuôi dưỡng họ? Người Hán, dù sao đi nữa, vẫn là con người, vẫn có thể biết khóc biết cười và nhất là biết thương xót khi đồng loại khổ đau, có phải không?

Phóng viên Darren Byler, người đã đưa lên trang mạng Chinafile.com bức hình ấn tượng ba người đàn bà nằm chung một giường thấy được ở đầu bài viết này, đã phỏng vấn các người Hán được “đưa xuống” và hỏi họ câu hỏi chính trên. Ông đã nhận được hai câu trả lời tuy trái ngược nhưng đã bổ túc cho nhau.

Một người Hán “đưa xuống” trạc tuổi trung niên đã nói với ông Byler như thế này. “Chúng tôi không làm gì được để bảo vệ người Uyghur, và vì thế chúng tôi phải bảo vệ chính chúng tôi.” Một người khác nói với ông Byler là họ biết việc họ đang làm là xé nát những gia đình Uyghur và đưa các người này vào hệ thống trại cải tạo, nhưng đó cũng “chính là công việc họ phải làm.” (1).

Phía sau hai câu trả lời đó, của những người tuy vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở nhưng thiện tâm vì đã vùi dập quá nhiều và do đó đã ngủ say như đã chết từ lâu, có ai thấy chăng cỗ máy giết người khổng lồ, với nghìn vạn bàn tay sắt, nghìn vạn con mắt, nhưng không một con tim người, không bao giờ biết cười, không bao giờ biết mệt mỏi, đang âm thầm lặng lẽ tiến lên, để đẩy bóng đêm toàn trị lan ra và bao phủ dần hai phần ba địa cầu còn lại, bắt đầu từ Cambodia, rồi đến Lào, rồi đến Việt Nam, rồi đến các nước độc tài hay Hồi Giáo Phi Châu, rồi đến các nước khác…để giết chết mọi nụ cười vô tư đang chớm nở tên những khuôn mặt, những đôi mắt có vẻ vui nhưng cũng có nét âu lo?

18 Tháng Ba, 2019


____________________________________

Chú thích:

1. Byler, Darren. ChinaFile.com. 2018-10-24. “China’s Government Has Ordered a Million Citizens to Occupy Uyghur Homes. Here’s What They Think They’re Doing”. Kết Nối: http://www.chinafile.com/reporting-opinion/postcard/million-citizens-occupy-Uyghur-homes-xinjiang

2. Wikipedia. “Uyghur”. Kết nối: https://en.wikipedia.org/wiki/Uyghurs

3. The Uyghur American Association. “About Uyghur”. Kết nối: https://uyghuramerican.org/about-uyghurs

4. Wikipedia. “History of the Uyghur People”. Kết nối: https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_the_Uyghur_people

5. Wikipedia. “Hui People”. Kết nối: https://en.wikipedia.org/wiki/Hui_people

6. Crane, Brent. 2014-08-22. The Diplomat. “A Tale of Two Chinese Muslim Minorities”. Kết nối: https://thediplomat.com/2014/08/a-tale-of-two-chinese-muslim-minorities/

7. Kilgour, David; Gutmann, Ethan; Matas, David. 2016-06-22. “New Investigative Report Exposing China’s Lucrative Organ Transplant Industry”. Kết nối: https://endtransplantabuse.org/wp-content/uploads/2017/05/Bloody_Harvest-The_Slaughter-2016-Update-V3-and-Addendum-20170430.pdf

8. Ochab, Ewelina U. Forbes Magazine. 2018-10-16. “Organ Harvesting in China And The Many Questions To Be Answered”. Kết Nối: https://www.forbes.com/sites/ewelinaochab/2018/10/16/organ-harvesting-in-china-and-the-many-questions/#4dbfebd54542

9. Schneider, Henrique. GIS Geopolitical Intelligence Services. 2017-09-01. “Opinion: The BRI – China’s road to hegemony”. Kết nối: https://www.gisreportsonline.com/opinion-the-bri-chinas-road-to-hegemony,economy,2318.html

10.United States Geological Services. 2014. “2014 Minerals Yearbook – China”. Kết nối: https://minerals.usgs.gov/minerals/pubs/country/2014/myb3-2014-ch.pdf

11. Byler, Darren. ChinaFile. 2018-10-24. ”China’s Government Has Ordered a Million Citizens to Occupy Uyghur Homes. Here’s What They Think They’re Doing”. Kết nối: http://www.chinafile.com/reporting-opinion/postcard/million-citizens-occupy-Uyghur-homes-xinjiang

12. Gevers, Victor. Black Hat Sessions. “Speaker Overview – Victor Gevers”. Kết nối: https://www.blackhatsessions.com/victor-gevers

13. Cameron, Dell. Gizmodo. 2019-02-21. “Leaky Database Reveals Horrifying GPS Surveillance of China's Uyghur Muslims”Kết nối: https://gizmodo.com/leaky-database-reveals-horrifying-gps-surveillance-of-c-1832658367

14. Chen, Stephen Soutch China Morning Post. 2018-06-24. “China takes surveillance to new heights with flock of robotic Doves, but do they come in peace?” South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/society/article/2152027/china-takes-surveillance-new-heights-flock-robotic-doves-do-they

15. Samuel, Sigal. The Atlantic. 2018-08-16. “ China Is Going to Outrageous Lengths to Surveil Its Own Citizens”. Kết nối: https://www.theatlantic.com/international/archive/2018/08/china-surveillance-technology-muslims/567443/

16. Human Rights Watch. 2017-12-13. “China: Minority Region Collects DNA from Millions”. Kết nối: https://www.hrw.org/news/2017/12/13/china-minority-region-collects-dna-millions

17. Ablet, Adile; Seytoff, Alim; Lipet, Joshua. Radio Free Asia (RFA). 1017-12-13. “China Collecting DNA From All Uyghurs in Xinjiang Under Guise of Free Physicals”. Kết nối: https://www.rfa.org/english/news/uyghur/dna-12132017172938.html

18. Chan, Francis T. Business Insider. 2017-12-13. “A Chinese province is collecting DNA and iris scans from all its residents”. Kết nối: https://www.businessinsider.com/china-collects-dna-fingerprints-biometrics-from-residents-human-rights-watch-2017-12

19. Thermo Fisher Scientific. “Applications & Techniques”. Kết Nối: https://www.thermofisher.com/us/en/home/applications-techniques.html

20. Wee, Sui-Lee.The New York Times. 2019-02-21. “China Uses DNA to Track Its People, With the Help of American Expertise”. Kết nối: https://www.nytimes.com/2019/02/21/business/china-xinjiang-Uyghur-dna-thermo-fisher.html

21. The Allele FREquency Database.Kết nối: https://alfred.med.yale.edu/alfred/index.asp

22. Eset, Sulaiman; Seytoff, Alim; Lipes, Joshua. Radio Free Asia (RFA 2017-07-28.”China Bans Uyghur Language in Schools in Key Xinjiang Prefecture” Kết nối: https://www.rfa.org/english/news/uyghur/language-07282017143037.html

23. Eset, Sulaiman; Seytoff, Alim; Lipes, Joshua. Radio Free Asia (RFA). 2018-11-08. “Hundreds of Children of Detained Uyghurs Held in ‘Closed School’ in Kashgar Prefecture”. Kết nối: https://www.rfa.org/english/news/uyghur/children-11082018162416.html

24. Li, Zaili. Bitter Winter. 2018-11-26. “Uyghur Children Deprived of Parental Love”. Kết nối: https://bitterwinter.org/uyghur-children-deprived-of-parental-love/

25. Zenz, Adrian. The Jamestown Fountation. 2018-05-15.“New Evidence for China’s Political Re-Education Campaign in Xinjiang”. Kết nối: https://jamestown.org/program/evidence-for-chinas-political-re-education-campaign-in-xinjiang/

26. The Jamestown Foundation. “List of List of Government Bids Related to Re-Education Facilities”. Kết Nối: https://jamestown.org/programs/cb/79853-2/

27. Zhang, Shawn. 2018-05-20. Medium. “List of Re-education Camps in Xinjiang 新疆再教育集中营列表”. Kết nối: https://medium.com/@shawnwzhang/list-of-re-education-camps-in-xinjiang-%E6%96%B0%E7%96%86%E5%86%8D%E6%95%99%E8%82%B2%E9%9B%86%E4%B8%AD%E8%90%A5%E5%88%97%E8%A1%A8-99720372419c

28. Zhang, Shawn. 2018-10-25. Medium. “Additional List of Re-education Camps”. Kết nối: https://medium.com/@shawnwzhang/additional-list-of-re-education-camps-1cd9fc726e52

29. Chinese Human Rights Defenders. 2018-08-03. “China: Massive Numbers of Uyghurs & Other Ethnic Minorities Forced into Re-education Programs”. Kết nối: https://www.nchrd.org/2018/08/china-massive-numbers-of-uyghurs-other-ethnic-minorities-forced-into-re-education-programs/

30. Li, Wenghen. Bitter Winter. 2019-02-28. “Authorities Sinicize Mosques Across China”. Kết nối: https://bitterwinter.org/authorities-sinicize-mosques-across-china/

31. Hoshur ,Shohret; Gerin, Roseanne. Radio Free Asia (RFA). 2018-09-07. “Chinese Authorities Continue to Destroy Mosques in Xinjiang”. Kết nối: https://www.rfa.org/english/news/uyghur/chinese-authorities-continue-to-destroy-mosques-in-xinjiang-09072018171910.html

32. Toleukhanova, Aigerim. The Washingtpon Post. 2019-03-03. “China’s expanding war on Islam: Now they’re coming for the Kazakhs”. Kết nối: https://www.washingtonpost.com/outlook/chinas-expanding-war-on-islam-now-theyre-coming-for-the-kazakhs/2019/03/01/16ebbe76-38ff-11e9-a2cd-307b06d0257b_story.html?utm_term=.381682171636

33. Putz, Catherine. The Diplomat. 2015-07-11. “Thailand Deports 100 Uyghurs to China”. Kết nối: https://thediplomat.com/2015/07/thailand-deports-100-uyghurs-to-china/

34. Human Rights Watch. 2011-08-10. “China/Thailand: Account for Uyghur Man Turned Over to Chinese Officials”. Kết nối: https://www.hrw.org/news/2011/08/10/china/thailand-account-Uyghur-man-turned-over-chinese-officials

35. Ananthalakshmi A.,Dale Hudson, Dale. Reuters. 2018-02-10. “Malaysia says China seeking extradition of Uyghur detainees”. Kết nối: https://www.reuters.com/article/us-malaysia-Uyghurs/malaysia-says-china-seeking-extradition-of-Uyghur-detainees-idUSKBN1FU0QX?il=0

37. Fay, Greg. The Uyghur American Association. 2016-04-04. “China Targets Uyghurs with Severe Human Rights Abuses”. Kết nối: https://uyghuramerican.org/article/china-targets-uyghurs-severe-human-rights-abuses.html

38. Huma Rights Watch. 2018-09-09. “Eradicating Ideological Viruses. China’s Campaign of Repression Against Xinjiang’s Muslims”. Kết nối: https://www.hrw.org/report/2018/09/09/eradicating-ideological-viruses/chinas-campaign-repression-against-xinjiangs#

39. Vanderklippe, Nathan. The Globe and Mail. 2018-11-06. “Canada, Western countries condemn China at UN for repression of Muslims”. Kết nối: https://www.theglobeandmail.com/world/article-canada-western-nations-condemn-china-at-un-for-repression-of-muslims/

40. Human Rights Council. United Nations General Assembly. 2019-02-15. “Report of the Working Group on the Universal Periodic Review* -China”. Kết nối: https://documents-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/G18/446/59/PDF/G1844659.pdf?OpenElement

41. Soros, George. 2019-01-24. “Remarks delivered at the World Economic Forum -Davos, Switzerland, January 24, 2019”. Kết nối: https://www.georgesoros.com/2019/01/24/remarks-delivered-at-the-world-economic-forum-2/