Khoảng 1000 quân nhân Venezuela đã đào thoát chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro sang Colombia kể từ tháng 2 tới nay.
“Tôi không phải là kẻ phản bội, tôi là người trung thành với Tổ quốc”, tướng quân đội Carlos Rotondaro nói với đài tin tức Colombia NTN24 sau khi rời khỏi Venezuela. “Lời thề của tôi (về nghĩa vụ quân sự) không bao gồm việc bảo vệ một chính phủ tham nhũng và bất tài”.
Sau nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Maduro (2013-2019), quốc gia từng thịnh vượng nhất Nam Mỹ đã trở nên nghèo đói nhanh chóng, siêu lạm phát dự kiến lên tới 10 triệu phần trăm trong năm nay, theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Những vấn nạn kinh tế đã nhen nhóm từ cuối quãng thời gian cầm quyền 14 năm của Tổng thống Hugo Chavez (1999-2013), nhà sáng lập Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela vào năm 2007. Tuy nhiên, những chính sách của người kế nhiệm ông Chavez, Tổng thống Maduro, đã khiến tình trạng khủng hoảng đặc biệt trầm trọng. Giải pháp chống lạm phát của Tổng thống Maduro được nhận định là một “trò lừa đảo” vì chỉ đơn giản là in tiền mới và “xóa bớt những số 0” trong khi không giải quyết được thực chất vấn nạn.
Tình trạng lạm phát và thiếu thốn nhu yếu phẩm đã khiến người dân bắt đầu biểu tình phản đối chính quyền Maduro từ năm 2014, theo CNBC. Ông Maduro mất thêm tín nhiệm từ người dân vì sử dụng vũ lực đề đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Năm 2015, Quốc hội mới được thành lập do phe đối lập chiếm đa số và bắt đầu làn sóng kêu gọi ông Maduro từ chức vào năm 2016.
Đáp lại, ông Maduro hành động nhằm phế bỏ Quốc hội do nhân dân bầu cử, thành lập Quốc hội lập hiến Venezuela năm 2017, trong đó đa số là những người ủng hộ ông, theo BBC. Kể từ đó, Venezuela tồn tại 2 cơ quan lập pháp, một là Quốc hội do dân bầu, với phe đối lập chiếm đa số, hai là Quốc hội lập hiến do ông Maduro thành lập.
Tháng 12/2017, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khẳng định Venezuela đã rơi vào chế độ độc tài dưới sự cầm quyền của Tổng thống Maduro.
Ngày 20/5/2018, chính quyền Maduro kêu gọi bầu cử tổng thống sớm, trong khi các lãnh đạo đối lập bị bỏ tù, bị cấm tham gia tranh cử, hoặc đang ở nước ngoài, và không cho phép bất kỳ sự giám sát nào của cộng đồng quốc tế đối với cuộc bỏ phiếu. Hội đồng Atlantic ghi nhận chính quyền Maduro đã sử dụng “chiến thuật hăm dọa”, gợi ý rằng cử tri có thể mất việc làm hoặc phúc lợi xã hội nếu họ không bỏ phiếu cho ông Maduro. Cùng tháng, ông Maduro tuyên bố trúng cử trong cuộc bầu cử bị nhiều nước chỉ trích là gian lận.
Ngày 10/1/2019, ông Maduro tuyên bố bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 dài 6 năm trong sự quay lưng của cộng đồng quốc tế. Peru, Paraguay thậm chí đã triệu hồi nhân viên ngoại giao về nước để phản đối nhiệm kỳ “bất hợp pháp” của ông Maduro. Ngày 15/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi ông Maduro là “kẻ độc tài bất hợp pháp“, theo báo Canada Globle and Mail.
Ngày 23/1/2019, nhà lãnh đạo 36 tuổi Juan Guaido, người đứng đầu Quốc hội do dân bầu, đã tuyên bố làm tổng thống lâm thời Venezuela cho đến khi tổ chức một cuộc bầu cử tự do, dân chủ tại nước này. Ông Guaido nói rằng điều này là hợp Hiến pháp, vì Chủ tịch Quốc hội có quyền làm tổng thống khi “không có tổng thống”, trong trường hợp này Quốc hội đã ra tuyên bố bác bỏ tính hợp pháp của nhiệm kỳ 2 Maduro, gọi ông Maduro là “kẻ chiếm đoạt [quyền lực]”.
Hơn 50 quốc gia đã công khai ghi nhận Tổng thống lâm thời Guaido là nhà lãnh đạo của Venezuela. Bất chấp lời kêu gọi quốc tế và các cuộc biểu tình trong nước, ông Maduro không chấp nhận từ bỏ quyền lực, không chấp nhận tổ chức lại một cuộc bầu cử tổng thống tự do – dân chủ, tuyên bố chỉ tổ chức vào năm 2025 khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ 2.
Hàng triệu người dân Venezuela đã cho thấy họ không thể đợi đến năm 2025 với hy vọng có được một cuộc bỏ phiếu tự do, dân chủ. Liên Hợp Quốc dự báo số người Venezuela rời khỏi đất nước sẽ lên tới 5,3 triệu người tính đến cuối năm nay.
Tổng thống lâm thời Guaido đang đi quanh đất nước để gặp gỡ người dân, sau đó có kế hoạch tới dinh tổng thống để “đòi lại những gì thuộc về nhân dân Venezuela“.
Dưới đây là diễn biến cuộc khủng hoảng Venezuela tính đến thứ Ba ngày 19/3/2019:
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba đã tiếp đón Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến Venezuela khi phát biểu với giới truyền thông.
“Cùng nhau, lẽ ra chúng tôi đã có thể vui mừng được tiếp tế cho hàng ngàn, hàng ngàn người Venezuela đang đói khát”, Tổng thống Trump nói về sự kiện ngày 23/2 khi chính quyền Maduro ra lệnh cho quân đội ngăn chặn các chuyến hàng viện trợ nước ngoài tiến vào Venezuela thông qua biên giới với Brazil và Colombia. Thương vong đã xảy ra khi người dân chờ đón hàng viện trợ bị quân đội trấn áp bằng vũ lực.
Ông Trump nói: “Người dân Venezuela đã đánh giá cao nó [viện trợ nước ngoài]. Nếu lực lượng Maduro bước sang một bên, đó có thể là một dự án nhân đạo thực sự tuyệt vời và thành công.”
Sau lời kêu gọi của Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống lâm thời Venezuela Juan Guaido, Mỹ và Brazil đã tiên phong gửi hàng viện trợ cho nhân dân Venezuela, trong khi các nước khác cam kết hỗ trợ quốc gia Nam Mỹ này hàng triệu đô la để vượt qua tình cảnh thiếu thốn nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cánh tả Maduro coi đây là một mối đe dọa đối với sự cầm quyền của ông, tuyên bố Venezuela không phải “quốc gia của những kẻ ăn mày”, đóng cửa biên giới với các nước và triển khai quân đội chặn đứng nỗ lực đưa viện trợ vào trong nước.
Tổng thống Trump nói tiếp khi phát biểu với giới truyền thông hôm thứ Ba: “Chúng tôi kêu gọi các thành viên trong quân đội Venezuela hãy chấm dứt hỗ trợ cho Maduro, người thực sự không khác gì một con rối của Cuba, và cuối cùng hãy giải phóng nhân dân của họ.”
Ông Trump bày tỏ: “Hoa Kỳ và Brazil cũng đoàn kết ủng hộ những người dân khổ sở biết bao lâu ở Cuba và Nicaragua. Thời điểm hoàng hôn của chủ nghĩa xã hội đã đến bán cầu của chúng ta. Và hy vọng, nhân tiện, thời khắc hoàng hôn đó, nó cũng đến đất nước vĩ đại của chúng ta, nơi đang hoạt động tốt hơn bao giờ hết về mặt kinh tế”. Tuyên bố của ông Trump nhắm tới một số ứng viên đảng Dân chủ có xu hướng nghiêng theo chủ nghĩa xã hội trong khi vận động tranh cử cho cuộc bỏ phiếu năm 2020.
Tổng thống Trump nhận định: “Brazil là một nhà lãnh đạo phi thường trong việc hỗ trợ nhân dân Venezuela nỗ lực giành lại tự do và nền dân chủ của họ. Brazil đã giúp đỡ rất nhiều. Cùng với Hoa Kỳ, Brazil là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela, Juan Guaido”.
“Tái thiết lập nền dân chủ ở Venezuela cũng là mối quan tâm chung giữa hai chính phủ chúng tôi. Chế độ độc tài ở Venezuela ngày nay là một phần của liên minh quốc tế rộng lớn hơn, được gọi là Diễn đàn São Paulo, gần như đã chinh phục quyền lực trên khắp châu Mỹ Latinh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, bằng phương cách dân chủ, chúng ta đã có thể thoát khỏi kế hoạch đó ở Brazil”, Tổng thống Trump đề cập đến việc nhân dân Brazil bỏ phiếu cho Tổng thống cánh hữu Jair Bolsonaro vào tháng 10/2018.
Ông Bolsonaro bày tỏ tin tưởng ra Tổng thống Trump sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2020 cũng đưa ra những nhận định của ông về tình hình Venezuela.
Khi phóng viên hỏi ông Bolsonaro liệu mối quan hệ Brazil – Mỹ sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu một ứng viên ủng hộ chủ nghĩa xã hội thay thế ông Trump làm tổng thống Mỹ trong mùa bầu cử 2020, Tổng thống Brazil trả lời: “Ồ, đó là một vấn đề nội bộ. Chúng tôi sẽ tôn trọng bất cứ kết quả bầu cử [tại Mỹ] như thế nào vào năm 2020, nhưng tôi tin rằng Donald Trump chắc chắn sẽ tái đắc cử”.
Ông Bolsonaro nói thêm: “Mỗi ngày, ngày càng có nhiều người vốn nghiêng theo chủ xã hội chủ nghĩa, thậm chí là chủ nghĩa cộng sản, dần dần sẽ mở mang đầu óc của họ trước thực tế. Các bạn có thể thấy biên giới với Venezuela và Brazil gần đây đã bị đóng cửa – không phải để ngăn người Brazil ủng hộ chủ nghĩa xã hội đi sang Venezuela, mà ngược lại, để ngăn những người Venezuela ủng hộ dân chủ đi sang Brazil. Cảm giác này chắc chắn sẽ được nhận thấy rất nhiều khi năm 2020 đến.”
Theo Al Jazeera, Tổng thống Trump hôm thứ Ba cũng tái khẳng định rằng “tất cả các phương án lựa chọn” đều được xem xét nhằm gây áp lực buộc ông Maduro từ bỏ quyền lực.
“Tất cả các phương án lựa chọn đều ở trên bàn”, ông Trump nói với các phóng viên trong Nhà Trắng. “Thật đáng xấu hổ về những gì đang diễn ra ở Venezuela – nợ nần và sự suy bại và đói khát.”
Cùng ngày, Hoa Kỳ đã áp dụng chế tài đối với công ty khai thác mỏ Venezuela Minerven, một nỗ lực nhằm cắt giảm nguồn tiền cung cấp cho chính quyền Maduro. Quyết định này được đưa ra sau khi Uganda cho biết họ đang điều tra vụ việc nhà máy luyện vàng lớn nhất nước này nhập khẩu vàng từ Venezuela.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin chỉ trích hoạt động khai thác vàng đem bán lấy tiền duy trì quyền lực của chính quyền Maduro. Ông nói trong một tuyên bố: “Chế độ Maduro bất hợp pháp đang cướp đi sự giàu có của Venezuela, đồng thời gây bất ổn cho người dân bản địa bằng hoạt động xâm lấn vào các khu vực được bảo vệ và gây mất mát rừng cũng như môi trường sống”.
Trong khi đó, các cuộc thảo luận giữa Hoa Kỳ và Nga về cuộc khủng hoảng ở Venezuela là “tích cực và thực chất nhưng hai bên vẫn chia rẽ về tính hợp pháp của Tổng thống Nicolas Maduro”, đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ Elliott Abrams cho biết hôm thứ Ba.
Nga cùng với Trung Quốc là các đồng minh kiêm chủ nợ lớn nhất của Tổng thống Maduro. Nhà lập pháp Venezuela Jose Guerra cho chính quyền biết Maduro đã gửi khoảng 20 tấn vàng cho Nga trên một chiếc máy bay chở khách “bí ẩn”, chiếc máy bay đã có chuyến thăm “bất thường” tới thủ đô Caracas vào ngày 28/1.
Ngày 28/2, Nga và Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bác bỏ dự thảo của Mỹ về việc LHQ kêu gọi tổ chức bầu cử tự do dân chủ tại Venezuela.
Tại một cuộc họp ở LHQ vào cuối tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích Nga và Trung Quốc đang “nâng đỡ một chế độ thất bại [Maduro] với hi vọng thu hồi hàng tỉ đôla các khoản đầu tư và viện trợ thiếu cân nhắc trong nhiều năm qua”.
Đại Kỷ Nguyên News