Bạn ta
Cuộc sống phẳng lặng, nhàm chán, đôi lúc bị ba cái vẩn vơ quấy nhiễu,
Không buồn sao được!
Lòng vẫn bảo lòng: cố tìm một chút hồ để quậy lên cho đời sống bớt tẻ nhạt!
Cũng chỉ mới đây thôi, nghe tên thì đã lâu nhưng từ lúc được “đương sự” trực tiếp “nối kết”, thì mình à ra một tiếng: một núi “hồ” ngay trước mặt. Ta đi tìm và ta đã gặp.
Không vui sao được!
Chỉ một vài câu chuyện trao dổi quanh co qua “chung cư phây” thì thấy đương sự đang có “âm mưu” và rủ mình làm một tổng hợp tạm về “nền văn học Việt Nam tại Nhật”. Chuyện “Bao la quá, vĩ đại quá”, làm có nổi không đây? nhưng không từ chối được vì đúng theo ý nguyện.
Chuyện sẽ thành công hay thất bại thì không biết trước. Nếu thành công thì tốt và .... không thành công cũng chả sao và lẽ dĩ nhiên là rất muốn bạn ta ủng hộ để tài năng này phát triển.
Trân trọng giới thiệu bạn ta lời giới thiệu của một người đang “âm mưu” xây lâu đài.... trên cát qua bài viết rất khiêm tốn của đương sự: Hai Le hay Lê Hoàng Hải.
|
Chuyện NAM NGHỆ TÂN XÃ ra đời và chuyện sách
40 NĂM VĂN HỌC VIỆT NAM TẠI NHẬT
Hôm rồi trong lúc ngồi phi trường đón anh Nguyễn Kiến Hòa qua Nhật kinh lý, có thưa trên trang nhà rằng số mình may mắn được gặp và được đọc, muốn tự tay làm ra cái nhà xuất bản cho mình và cho đời, để có thể góp sức phát hành những tác phẩm đáng mặt văn chương, như thằng tiểu đồng mài mực hầu các bậc tiền bối vung tay tiên viết lách. Có lẽ Trời thương, Trời thương thông qua tình thương của các vị bá phụ thúc phụ, mỗi ngày một chút, mọi thứ dần nên vóc nên hình.
- Mục tiêu phát hành thơ văn yêu nước, coi việc chấn hừng dân khí là sứ mạng
- Bảo tồn và xiển dương hồn cốt Việt, từ văn chương mà góp sức xây dựng lại những giá trị nhân linh và nhân bản
- Liên kết và học hỏi các nền văn hóa khác thông qua việc dịch thuật tác phẩm từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài và ngược lại.
Nam Nghệ Tân Xã trong giai đoạn phát triển đầu tiên, chủ yếu là phát hành ấn bản điện tử, thông qua fanpage và web. Số hóa lại các ấn phẩm giá trị trước đây và tái phát hành. Song song bên cạnh đó là mời gọi sự cộng tác của các cây bút trẻ, các cộng sự có cùng lý tưởng để tương trợ nhau trong việc lay out, design, nhập liệu, soát lỗi, marketting, quản lý web, kế toán...
Về sách 40 NĂM VĂN HỌC VIỆT NAM TẠI NHẬT
Trước hết xin trân trọng giới thiệu đây là cuốn sách đầu tay của Nam Nghệ Tân Xã, được sự thương yêu hết lòng của đội ngũ làm việc và những bậc cố vấn đáng kính mà tên tuổi lẫy lừng trong thế hệ trước. Con số 40 dùng như một huyền số theo văn hóa Semitic ở Do Thái cổ đại, đồng nghĩa với khái niệm "nhiều". Mưa 40 đêm ngày thời Noah và gây lụt đại hồng thủy, Mosses dẫn người Do Thái đi 40 năm trong sa mạc, tiên tri Eliah đi bốn mươi ngày đêm để tới núi Horeb...
Người Việt đã ở Nhật nhiều năm, và người Việt còn ở Nhật không biết bao giờ mới thôi, số 40 này chỉ xin như một con số đại diện, nhiều năm, không có mốc khởi đầu và không có điểm kết thúc. 40 năm là một thế hệ già đi và một thế hệ khác sinh ra, và chúng ta đã để lại gì cho thế hệ kế tiếp? Thôi thì mượn lời Tố Như tiên sinh mấy đời trước: "Rằng trăm năm cũng từ đây; Của tin còn một chút này làm ghi.", mà làm câu phàm lệ, trung tín ký thác lại cho đời chút gì vàng son xưa cũ.
Cộng đồng người Việt tại Nhật, từ thuở chôn dầu vượt biển, lênh đênh trên đầu sóng ngọn gió, ra đi trong vô lượng hiểm nguy, có con đường sống trong chân tơ kẽ tóc, từng bước hội nhập và phát triển vào xã hội có thể nói là kibishii* nhất Á châu; cho đến lúc nhiều người nằm xuống, nhiều bạn trẻ ra đời chưa biết mặt mũi Việt Nam; và hôm nay, những kẻ vượt biên thời đại mới, bằng con đường máy bay... từng người đều có câu chuyện riêng của đời mình. Tất cả, có lẽ do cơ duyên, mà gặp nhau tại nơi đây, trong tập sách nhỏ này. Và chắc chắn, độc giả sẽ có cơ hội hiếm hoi vuốt ve lại từng hàng chữ thân thương từng được in ấn trên những ấn phẩm báo chí nhiều chục năm về trước, sẽ có dịp à lên khi nhận ra một cái tên quen, hay chau mày nén lệ khi nhìn lại những cái tên từng nằm trên trang cáo phó. Độc giả cũng sẽ có dịp làm quen với những người trẻ thế hệ thứ hai sinh ra tại đất nước này, đọc thử coi văn của họ có bị chút nào lai giữa vị mù tạc nồng nàn và nước mắm quê hương. Bên cạnh đó, còn những người trẻ lớn lên trong nước, nhưng đã chọn Nhật làm nơi gắn bó cho sự nghiệp, chọn Nhật làm nơi đổi đời qua công việc và học vấn... với trăm nỗi bi hài. Tiếng cười và nước mắt, có lẽ không bao giờ nhạt nhòa phai lạnh trên má trên môi người Việt viễn xứ.
Chúng tôi nỗ lực để cho ra đời tác phẩm này, xin đừng coi nó là một ấn phẩm văn chương chữ nghĩa thuần túy, nhưng đằng sau đó, là cả một cộng đồng, cả một xã hội thu nhỏ, và một cách nào đó, quý vị sẽ có thể phần nào nhận ra phẩm cách Con Người và phẩm cách Quốc Gia của chúng ta, dù cho bao tang thương dâu bể, sẽ chẳng bao giờ mai một!
Hải Lê