Thursday, 21 March 2019

Nguyễn Văn Vĩnh 'cậu bé chăn bò' thành học giả lừng lẫy

Do gia cảnh nghèo khó, thuở nhỏ Nguyễn Văn Vĩnh đã phải chăn bò thuê. Rồi sau đó, để đỡ đần cho gia đình, ông nhận làm công việc kéo quạt thuê tại trường Hậu bổ (Thông ngôn) của Pháp, mở ở Đình Yên Phụ (Đình An Trí)… Từ đây cuộc đời ông bước vào một hành trình đầy thăng hoa mà cũng nhiều phần ai oán.
Bước ngoặt cuộc đời của 'cậu bé chăn bò'
Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 30 tháng 4 năm Nhâm Ngọ, (tức ngày 15/6/1882), tại làng Phượng Vũ, Phượng Dực, Thường Tín, Hà Đông (nay là Phú Xuyên, Hà Nội). Cha là ông Nguyễn Văn Trực, bỏ quê ra Hà Nội mưu sinh và ở nhờ gia đình ông nghè Phạm Huy Hổ tại số nhà 46 phố Hàng Giấy, Hà Nội.
Bước ngoặt kỳ lạ giúp 'cậu bé chăn bò' thành học giả lừng lẫy
Nguyễn Văn Vĩnh là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông là người có công lớn trong việc hoàn thiện và phổ cập chữ quốc ngữ. Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, cho biết: "Theo các bác, các chú và cha tôi kể lại, ông nội tôi là người tầm thước, nhưng dáng bệ vệ.  
Thời đó mà cụ đã thích mặc áo sơ mi, quần “short”, cưỡi xe mô tô, giao du với các giới trong thiên hạ. Ngày ấy, Nguyễn Văn Vĩnh có câu nói nổi tiếng: “Làm một nhà báo, phải biết đi mô tô”.
Đặc biệt, Nguyễn Văn Vĩnh có giọng nói to, vang, hay cười. Ông thích tổ tôm, săn bắn và có óc phiêu lưu.
Ông Lân Bình thuật lại những giai thoại được lưu truyền trong gia đình, rằng: “Gia cảnh ngày đó nghèo khó lắm, con thì đông, không có nghề mưu sinh, cụ bà thân sinh của Nguyễn Văn Vĩnh thường chỉ buôn hàng xén bán ngoài chợ Đồng Xuân, kiếm tiền nuôi gia đình.
Khi Nguyễn Văn Vĩnh mới 8 tuổi, tuy thấy con sáng dạ nhưng vì nghèo, nên không thể cho đi học, hai cụ xin cho Nguyễn Văn Vĩnh đi chăn bò thuê ngoài bãi Long Biên (sau này là khu vực chân cầu Long Biên) kiếm thêm chút ít. Những năm đó là năm 1889 - 1890.
Trong những lần đi chăn bò, Nguyễn Văn Vĩnh thường thả bò theo triền đê Yên Phụ lên hướng Bắc, và chứng kiến có lớp học của người Pháp mở trong một ngôi đình. Ông nhiều lần mon men đến gần lớp học vì tò mò và thật sự bị cuốn hút. Ông về nhà thưa với thầy (cha), rằng muốn cha tìm và xin cho làm việc gì cũng được, ở trong ngôi trường này, để thay việc phải đi chăn bò.
Khi Nguyễn Văn Vĩnh bày tỏ nguyện vọng, cha ông đã trao đổi với ông nghè Phạm Huy Hổ nhờ những người có quan hệ, cuối cùng, xin được cho Nguyễn Văn Vĩnh chân ngồi kéo quạt mát cho lớp học, vì thời đó chưa có điện.
Ngồi cuối lớp kéo quạt, nhưng với tư chất khác người, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ nghe thầy giáo người Tây giảng bài, mặc nhiên thành sự học lỏm.
Cậu đã thuộc nhiều bài học sâu hơn cả các học viên là ông tú, ông cử của lớp. Với tính cách hiếu động, Nguyễn Văn Vĩnh đã nhiều lần, cứ theo bản năng, cậu nhắc các đàn anh khi ấp úng không trả lời được các bài tập của thầy giáo và bị đòn vì làm mất trật tự, ảnh hưởng đến cả lớp.
Vậy nhưng, bên cạnh những trận đòn, sự quát nạt và mắng mỏ của ông giáo Tây, cậu đã gieo vào lòng người thầy một sự ngạc nhiên, có cả một chút nể phục. Đặc biệt, ông giáo không thể không kinh ngạc khi thấy cậu nói và viết được tiếng Pháp khá thành thạo dù không được học chính thức.
Ông giáo Tây có tên là A. D’ Argence khi đó, vì ấn tượng, thầm phục và có cả chút thử nhiệm, đã để Nguyễn Văn Vĩnh cùng dự thi tốt nghiệp khi lớp học mãn khóa (năm 1893). Đây chính là lớp thông ngôn tập sự ngạch Tòa sứ, cùng với 40 học sinh của khóa học, và kết quả ông đứng thứ 12.
Lúc này, mọi người mới biết rằng đây chính là trường Hậu bổ (Collège des Interprètes du Tonkin - sau khi học xong sẽ được bổ nhiệm làm thông ngôn - nv). Hôm nay, người ta vẫn thấy ngôi đình còn nguyên và nằm trong khuôn viên của Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, sát hồ Trúc Bạch, Hà Nội ngày nay.
Năm đó, Nguyễn Văn Vĩnh mới tròn 10 tuổi, quá nhỏ để bổ nhiệm đi đâu được, nên nhà trường quyết định đặc cách cho ông học lại từ đầu của khóa học tiếp theo.
Nguyễn Văn Vĩnh về kể lại với cha, cha ông nói luôn rằng, làm gì có tiền mà học tiếp. Ông lại đưa ra “tối hậu thư”, một là tiếp tục kéo quạt, hai là lại quay về chăn bò!
Nguyễn Văn Vĩnh đành nghe lời cha, tiếp tục về chăn bò. Người thầy giáo Tây khá ngạc nhiên khi không thấy Nguyễn Văn Vĩnh đến trường, ông đã đến nhà tìm hiểu nguyên nhân vì sao.
Khi gặp gia đình Nguyễn Văn Vĩnh, ông đã “ngã người” vì biết cậu trò nhỏ không được đi học vì do nhà quá nghèo, không có tiền! Thầy D'Argence đã khẳng định với bố mẹ của cậu bé rằng, cậu trò nhỏ sẽ được đi học mà gia đình không phải lo đóng tiền (ngày nay chúng ta hay gọi đó là học bổng - nv).
Nguyễn Văn Vĩnh đã chính thức được học chính khóa thông ngôn tòa sứ khóa 1893-1896 (ngoài thầy d'Argence còn có ông Đỗ Đức Toại - thủ khoa khóa 1890, cùng dạy). Kết thúc khóa học này, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thủ khoa, lúc đó cậu mới 14 tuổi.
15 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh được đưa đi làm thông ngôn (phiên dịch - nv) tại Tòa sứ Lào Cai. Năm 1898, Nguyễn Văn Vĩnh khi đó 16 tuổi, được điều về Tòa sứ Hải Phòng, đúng lúc người Pháp đang mở mang việc kiến thiết bến cảng.


Bước ngoặt kỳ lạ giúp 'cậu bé chăn bò' thành học giả lừng lẫy
Ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Do tính chất công việc nên Nguyễn Văn Vĩnh đã được giao tiếp hằng ngày với thủy thủ của các tàu Pháp, Anh, Hoa... Vì vậy, ông đã học thêm tiếng Trung và tiếng Anh để giúp cho công việc được thuận lợi.
Sau này, khi có cơ hội đọc lại những di cảo của Nguyễn Văn Vĩnh, người ta mới thấy việc học ngoại ngữ với ông là một khả năng thiên bẩm. Trong thiên phóng sự cuối cùng của cuộc đời làm báo (1936), Nguyễn Văn Vĩnh gửi từ miền Nam nước Lào về và đăng trên tờ báo L’Annam Nouveau - Nước Nam mới, có đầu đề “Một tháng với những người tìm vàng”, gồm 11 bài, ông đã tâm sự khi đến nước Lào, ông mất có 8 ngày để học tiếng Lào.
Cũng chính giai đoạn Nguyễn Văn Vĩnh làm việc ở Tòa sứ Hải Phòng, ông đã “tự tốt nghiệp phổ thông” nhờ việc mua lại từ một thuỷ thủ người Anh, bộ sách giáo khoa tiếng Pháp (Encyclopédie autodidactique quilet - Sách tự học chương trình phổ thông). Ngày đó, ông đã tâm sự với người thân rằng: “Tôi mua bộ sách hết 15 đồng, thế là mất toi nửa tháng lương”.
Ông Lân Bình giải thích: “Đây là số tiền rất lớn thời bấy giờ. Vì hơn 100 năm trước, nước ta vẫn còn tiêu bằng tiền chinh, xu, hào rồi mới đến đồng”...
Giai thoại suýt mất mạng vì bắt tay vua Khải Định
Trong nhiều giai thoại của gia đình kể lại, ông Bình nhớ một cách đầy đủ việc vì sao trong những người con của Nguyễn Văn Vĩnh, có người mang tên Nguyễn Kỳ (1918-2013).
Câu chuyện cũng đã được Phạm Huy Lục, nhân sỹ danh tiếng cùng thời với Nguyễn Văn Vĩnh và là người đại diện cho báo giới đọc điếu văn trong lễ tang Nguyễn Văn Vĩnh ngày 8/5/1936 ghi lại và đưa cho gia đình. Chuyện là thế này:
Năm 1916, vua Khải Định (1885-1925) lên ngôi. Theo thông lệ, nhà vua mới phải thực hiện nghi lễ (nay ta hiểu như sự trình diện) yết kiến vị quan người Pháp là Toàn quyền Đông Dương (vị trí cao nhất của Chính phủ Thuộc địa).
Chuyến vi hành của vua Khải Định được diễn ra năm 1917, đi từ Huế đến kinh thành Thăng Long. Trong các nghi lễ mang tính lễ tân được tổ chức tại Phủ Toàn quyền (nay là Dinh Chủ tịch) ở Hà Nội, ngài Toàn quyền Albert Pierre Sarraut (1872-1962) đứng trên khán đường sát bên cạnh là vua Khải Định, để đón các nhân vật đại diện cho các giới chức trong xã hội lần lượt đến chào xã giao vị vua mới của Triều đình Nhà Nguyễn. Nghi thức muôn đời của Triều đình Phong kiến dành cho mọi đối tượng khi tiếp cận Đức Vua, chỉ được phép bái lạy (hai tay chắp trước ngực và cúi chào).
Nguyễn Văn Vĩnh dẫn đầu nhóm dân biểu Hà Nội (nay gọi là Hội đồng Nhân dân), khi đến trước ngài Toàn quyền (đứng tiếp là Đức Vua), vì đã từng biết nhau từ trước, quan Toàn quyền thấy Nguyễn Văn Vĩnh đến trước mặt, liền giơ tay ra bắt. Vua Khải Định thấy vậy, cũng giơ tay ra bắt tay Nguyễn Văn Vĩnh. Vào thời khắc và bối cảnh đó, ông không thể lùi, và đành giơ tay bắt tay nhà vua.
Lập tức cả khán phòng ồ lên khi chứng kiến sự bất thường này của Nguyễn Văn Vĩnh. Các triều thần râm ran, rằng ông mắc tội khi quân, dám động vào long thể của Đức Vua.
Khi nhà vua nhận được bản tấu của các quan trong triều dâng lên, kết tội Nguyễn Văn Vĩnh xử trảm. Vua Khải Định nói: “Các ông lạ kỳ thật, chuyện có thế mà đòi chém người ta!”.
Đầu năm 1918, người vợ cả của Nguyễn Văn Vĩnh sinh thêm người con trai. Nguyễn Văn Vĩnh lại nói với vợ: “Đặt tên con là Kỳ, để nhớ mình bị chém hụt”.