Foxconn sẽ đầu tư mạnh vào Đài Loan thay vì Trung Quốc vì xung đột thương mại Mỹ - Trung và lý do chính trị. Hình ảnh được chụp vào ngày 27/5/2010 cho thấy các công nhân Trung Quốc bên ngoài nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến, phía nam tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.
Foxconn, đối tác của Apple đang xem xét chuyển một số máy chủ sản xuất từ Trung Quốc sang Đài Loan và tuyển dụng tới 3.000 kỹ sư phần mềm giỏi vào làm việc cho trung tâm xử lý dữ liệu lớn ở Cao Hùng.
Chủ tịch Tập đoàn, ông Quách Thái Minh (Terry Gou) cho biết, lý do chuyển dời nhà máy là do cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và vấn đề an ninh mạng.
Theo Nikkei Asian Review báo cáo vào ngày 17/3, vào chiều Chủ nhật, ông Quách Thái Minh phát biểu trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Cao Hùng: “Chúng tôi không biết cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ tiến triển như thế nào”, “Một số dữ liệu nhạy cảm phải được lưu trữ ở vị trí bên thứ ba và Đài Loan ở vị trí trung lập giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”.
“Chúng tôi được nhiều khách hàng yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại Đài Loan … bởi vì chính phủ ở đây sẽ không yêu cầu chúng tôi chia sẻ dữ liệu”, Chủ Tịch Quách Thái Minh chia sẻ thêm.
Hiện tại, để giải quyết xung đột thương mại và tranh chấp kỹ thuật trường kỳ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai bên đang cố gắng đàm phán để đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Hoa Kỳ liên tục cáo buộc các công ty Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), điển hình là Huawei vì gây ra mối đe dọa an ninh đối với Mỹ và thế giới, nghi ngờ họ ăn cắp bí mật thương mại và yêu cầu cưỡng chế các công ty Hoa Kỳ chuyển giao công nghệ. Tất nhiên, cả Bắc Kinh và Huawei đều phủ nhận điều này.
Foxconn Technology Group không chỉ là đối tác lắp ráp điện thoại iPhone, mà còn xây dựng các máy chủ, thiết bị lưu trữ và viễn thông cho các khách hàng như HP, Dell EMC, Huawei, Ericsson, Nokia và Cisco.
Chủ tịch Quách Thái Minh cho biết ông đang xem xét việc di dời các sản phẩm liên quan đến xử lý dữ liệu do nhà máy Foxconn ở Thiên Tân và Thâm Quyến sản xuất chuyển đến Cao Hùng. Foxconn đã thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm tại Cao Hùng từ nhiều năm trước đó.
Chủ Tịch Foxconn Quách Thái Minh (doanh nhân Đài Loan) và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tại Chương trình USA Open for Business, ông Quách đã kể lại quá trình khởi nghiệp từ đơn đặt hàng của một công ty ở Trung Tây 44 năm trước đã giúp ông bắt đầu công ty như thế nào.
Ông Quách Thái Minh còn hé lộ, Foxconn có kế hoạch mở rộng trung tâm phần mềm của mình, bằng cách tuyển dụng tới 3.000 nhân viên trí tuệ nhân tạo trong hai năm tới, hiện tại tập đoàn có khoảng 300 kỹ sư phần mềm đang làm việc.
Foxconn đang nhắm đến mục tiêu biến Cao Hùng thành trung tâm xử lý dữ liệu trí tuệ nhân tạo toàn cầu của công ty về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ y tế, ứng dụng ô tô và công nghiệp, v.v. Công ty có thể thành lập một nhà máy mới ở Cao Hùng để giải quyết vấn đề chuyển giao sản xuất tiềm năng, ông Quách cho hay.
Chính các khách hàng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã yêu cầu Foxconn lưu trữ đại dữ liệu nhạy cảm ở Đài Loan để đảm bảo an toàn, theo Nikkei.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Đài Loan có một vị trí quan trọng như là “bộ đệm kỹ thuật” giữa hai quốc gia đang tranh chấp này, “Đài Loan, đặc biệt là Cao Hùng, về mặt địa lý rất gần với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cao Hùng có thể trở thành một trung tâm lưu truyền dữ liệu”, ông Quách nhận định.
Theo các nguồn tin nội bộ, Foxconn đang nghiên cứu tính khả thi của việc di dời một số bộ phận sản xuất của mình sang Cao Hùng, nhưng mọi chuyện vẫn còn trong giai đoạn sơ bộ.
“Những lo ngại về an ninh của các công ty Hoa Kỳ là hoàn toàn hợp lý”
Foxconn không phải là công ty duy nhất xem xét di chuyển các sản phẩm liên quan đến trung tâm dữ liệu ra bên ngoài Trung Quốc.
Vào đầu tháng 3, Nikkei Asian Review đưa tin, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Cổ phần Công nghệ Quang Bảo (Lite-On Technology) tiết lộ, công ty đang thiết lập một nhà máy mới ở Đài Loan, để chuẩn bị chuyển các mô-đun điện nguồn máy chủ từ Trung Quốc đại lục sang Đài Loan, lý do là khách hàng công ty lo lắng về các hoạt động gián điệp không gian mạng của ĐCSTQ.
Lite-On Technology đang đầu tư 10 tỷ đô la Đài Loan (hơn 7,5 nghìn tỷ đồng) để xây dựng nhà máy tại Cao Hùng, nhằm sản xuất các mô-đun điện nguồn máy chủ cho các khách hàng công ty như: Dell EMC, HP và IBM.
Zte và Huawei là hai công ty viễn thông lớn ở Trung Quốc nổi tiếng với danh hiệu “gián điệp” của chính quyền Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ cấm túc.
Một giám đốc điều hành trước đây đã nói với Nikkei, do vấn đề an ninh thông tin và vấn đề hải quan, Quanta Computer đã di chuyển một số mô-đun máy chủ trở về Đài Loan. Quanta Computer là một nhà tích hợp trung tâm dữ liệu lớn của Google, Facebook và các công ty khác.
Giám đốc điều hành này cho biết, ba lý do chính khiến Quanta Computer và khách hàng quyết định chuyển dây chuyền sản xuất sang Đài Loan là: an ninh mạng, thuế quan và rủi ro chính trị.
Điền Trì Vĩ (Tien Chin-wei), Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Công nghệ An ninh mạng Đài Loan nói với tờ Nikkei Asia Review rằng đối với các công ty Hoa Kỳ, những lo ngại như vậy là “hoàn toàn hợp lý”.
“Về mặt kỹ thuật, tin tặc có thể lợi dụng hệ thống cung cấp điện nguồn hoặc dây điện nguồn để lấy dữ liệu từ máy chủ”, Điền Trì Vĩ cho hay.