Thursday 21 March 2019

Tổng thống Trump trách Google giúp Trung Cộng mà không giúp Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP/Rappler)

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/3 nói rằng Google đã giúp đỡ Trung Cộng trong khi không có hành động tương tự đối với Hoa Kỳ. Ông cũng đã đề cập tới những chỉ trích rằng công ty này đã ủng hộ bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

“Google đang giúp Trung Cộng và quân đội của họ, nhưng lại không giúp Hoa Kỳ. Điều đó thật khủng khiếp!”, Ông viết trên Twitter. “Tin tốt là họ đã giúp bà Hillary Clinton giả dối chứ không phải Trump, và làm thế nào mà họ lại trở thành như vậy?”.


Bình luận của Tổng thống Trump trên Twitter.

Vài ngày trước khi ông Trump đưa ra bình luận, quan chức hàng đầu của Ngủ Giác Đài, Tướng Marine, Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã nói chi tiết về mối liên hệ giữa Google và Trung Cộng.

“Công việc mà Google đang thực hiện ở Trung Cộng đang gián tiếp mang lại lợi ích cho quân đội Trung Cộng”, ông Dun Dunford nói trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện.

“Chúng tôi theo dõi với sự quan ngại lớn rằng Trung Cộng biết các đối tác công nghiệp đầu tư ở nước họ sẽ mang tới lợi ích gián tiếp”, ông Dunford nói. “Một cách thẳng thắn, ‘gián tiếp’ không phản ánh đúng bản chất vấn đề, nó mang lại lợi ích trực tiếp cho quân đội Trung Cộng”.

Google phủ nhận ý kiến cho rằng hoạt động của họ ở Trung Cộng đang hỗ trợ cho quân đội của nước này, để đáp lại những bình luận gần đây của Tổng thống Trump và một quan chức quân đội cấp cao của Hoa Kỳ, theo Reuters.

Phát ngôn viên của Google nói với Thời báo Đại Kỷ Nguyên phiên bản tiếng Anh (The Epoch Times) rằng họ không đồng ý với nhận định như vậy, nói rằng công ty của họ đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau ở Trung Cộng.

“Chúng tôi không làm việc với quân đội Trung Cộng. Chúng tôi đang làm việc với chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm cả Bộ Quốc phòng, trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả an ninh mạng, tuyển dụng và chăm sóc sức khỏe”, phát ngôn viên của Google cho biết thông tin qua email vào ngày 17/3.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Joseph Dunford (trái) và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng, Patrick Shanahan, xuất hiện trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện tại Washington vào ngày 14/3/2019. (Ảnh: Mark Wilson / Getty Images)

Tuy nhiên, trong phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Josh Hawley (R-Mo.) đã chỉ trích gay gắt Google khi cho rằng nó “được hiểu là một công ty của Mỹ” nhưng lại làm lợi cho Trung Cộng.

Năm ngoái, Google tuyên bố họ không chạy đua để giành hợp đồng phát triển điện toán đám mây trị giá 10 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, một phần vì những định hướng trong hoạt động kinh doanh mới của công ty này không phù hợp với dự án.

Vào tháng 6/2018, Google nói họ sẽ không giúp quân đội Hoa Kỳ phân tích hình ảnh máy bay không người lái trên không khi hai bên hết hạn hợp đồng, với lý do trong nội bộ của họ có ý kiến về hợp đồng này.

Google cũng đã phải đối mặt với sự chỉ trích của lưỡng đảng kể từ khi có thông tin rò rỉ cho rằng họ bí mật phát triển một ứng dụng tìm kiếm trong kiểm duyệt cho thị trường Trung Cộng có tên là “Dragonfly” (tạm dịch: Rồng bay), nhưng công ty công nghệ này phủ nhận ‘tin đồn’, nói rằng họ “không có kế hoạch” xây dựng một máy tìm kiếm cho Trung Cộng, mặc dù dự án đó đang được nghiên cứu.

Một bảng hiệu của Google được nhìn thấy trong Triển lãm nhập cảng quốc tế Trung Cộng (CIIE), tại Trung tâm hội nghị và triển lãm quốc gia ở Thượng Hải, Trung Cộng vào ngày 5/11/2018. (Ảnh: Aly Song / Reuters)

Các nghị sĩ Mỹ, những người hoạt động nhân quyền và thậm chí khoảng 1.400 nhân viên của chính Google đã gay gắt phản đối dự án “Dragonfly”. Sự phản đối lên đỉnh điểm khi vào tháng 11 năm ngoái, 11 kỹ sư và người làm quản lý của Google đã công bố một bức thư ngỏ yêu cầu lãnh đạo công ty chấm dứt dự án bí mật với Trung Cộng.

Một số người đặt ra câu hỏi rằng liệu có thể tin được không khi Google tái tham gia vào thị trường Trung Cộng mà không đáp ứng yêu cầu kiểm duyệt thông tin của Bắc Kinh.

Hệ thống kiểm duyệt internet của Trung Cộng được xem là tinh vi nhất thế giới, Bắc Kinh sử dụng hàng chục ngàn ‘chiến sĩ thông tin’ để kiểm duyệt nội dung theo ‘bộ tiêu chuẩn’ của Đảng Cộng sản Trung Cộng, bên cạnh việc tung lên mạng những bài viết hoặc bình luận có lợi cho giới cầm quyền. Truyền thông quốc tế thường đề cập tới ‘Nhóm 5 xu’, một nhóm đông đảo các dư luận viên được Bắc Kinh thuê, nhận 5 xu cho mỗi bài viết hoặc comment ‘có ích’ cho nhà cầm quyền.

Đối với các công ty nước ngoài đầu tư ở Trung Cộng sẽ bị yêu cầu tự kiểm duyệt các chủ đề mà Bắc Kinh cho là nhạy cảm, như dân chủ, nhân quyền và các cuộc đàn áp đang diễn ra ở Đại Lục như đàn áp Pháp Luân Công, giáo hữu Cơ Đốc hay Hồi giáo. Các công ty này cũng buộc phải chia sẻ với nhà cầm quyền bất kỳ dữ liệu nào được lưu trữ ở Trung Cộng.

Giám đốc điều hành của Google, ông Sundar Pichai, từng tuyên bố rằng Google đã đầu tư vào Trung Cộng trong nhiều năm và có kế hoạch tiếp tục thực hiện điều này.

Đặng Hoàng