(Rút từ facebook của Dạ Ngân)
Năm 1984 lần đầu tôi ra Hà Nội và được Nguyễn Quang Thân kéo đi chùa Trấn Quốc. Anh mê kiến trúc tôn giáo. Nhà thờ và chùa đình, đền phủ, thiền viện. Năm đầu tiên tôi diện kiến một chùa đất Bắc ấy, chúng tôi đi chậm rãi giữa hai hàng cây, tràn ngập tự hào vì chùa đẹp, cảnh đẹp, Hồ Tây đẹp và Hà Nội thanh tịnh một cách sâu lắng. Anh quan sát vẻ mặt tôi để xem có đồng cảm với anh không, độ đồng cảm ấy có mãnh liệt như anh không. Em thấy chưa, rêu phong chứ không ráo hoảnh như chùa trong Nam nhé, thuần Việt chứ không lai tạp nhé. Sau đó chúng tôi dắt nhau sang đền Quán Thánh, Hà Nội thật đáng thán phục, ngưỡng mộ.
Cứ thế, lần lượt khám phá, nhiều năm liền. Chùa Tây Phương với các vị La Hán bằng gỗ đẹp sững sờ. Chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Mía, chùa Bút Tháp, chùa Thầy, chùa Phật Tích, chùa Keo…Nguyễn Quang Thân dành cho chùa Kim Liên hàng ngàn năm tuổi ở Hà Nội một chuyến đi trịnh trọng. Và chùa Hương thì không vội được, phải chọn lúc, phải dành sức. Đầu thập kỷ 90 Chùa Hương còn vắng vẻ, người vãn cảnh thành tâm, không hề có những sạp thịt thú rừng phản cảm. Vắng đến nỗi chúng tôi đã ngủ lại ở lưng chừng núi trong một cái lán giải khát và bữa ăn tối chỉ là rau sắng nấu với mì gói. Bù lại, tiếng nai ườm, tiếng hoẵng tác lẫn với tiếng sương rơi khiến cảm giác cô tịch vương vấn mãi. Rồi anh chưa kịp đi Yên Tử thì đã nghe manh nha dự án cáp treo, anh phẫn uất tuyên bố không đi nữa, bát nháo – cũng như sau này vì không chịu nổi cảnh phô phang hợm hĩnh của Bái Đính mà không muốn đến Tràng An!
Tôi không chắc tình trạng đổ đốn ấy thực sự bắt đầu từ thời điểm nào. Nghe đồn các ông to bà lớn đã mê mẩn bấm độn, đội sớ, xem ngày xem giờ, phong thủy, giải hạn… đủ thứ. Nghe đồn các dự án chùa chiền thiền viện đều có những thế lực chống lưng doanh nghiệp. Nghe đồn ở miền Tây của tôi thiền viện và chùa được các vị quan chức địa phương tiến tượng mà bên dưới là bảng tên của những vị cung tiến khiến khách thập phương ngỡ ngàng không biết mình đang lạy bồ tát hay lạy các vị quan (chưa chết) ấy. Nghe đồn việc xây dựng các cơ sở tôn giáo khắp nơi và cái sau không được nhỏ hơn cái đã có là chủ trương (dù không chính thức) của các vị tít tận trời cao!
Chúng tôi bắt đầu khám phá ngược. Đi cho biết họ đã biến tướng như thế nào. Chùa Đồng Yên Tử hoành tráng để xứng với lượng người mà cánh cáp treo thu được. Phủ Tây Hồ ngốt ngát khói nhang cùng với bạc tiền. Đền Hùng là nơi phá rừng làm thêm như là “cơi nới” để tận thu. Chùa Hương thì như một nơi hổ lốn ăn và chơi chứ không chỉ để vãn cảnh. Ngay cả mộ chị Võ Thị Sáu ở Côn Đảo vắng vẻ tôn nghiêm giờ cũng đã bị biến thành nơi cầu cúng hết đêm này chí đêm khác. Và đền Bà Chúa xứ ở An Giang, chao ơi, những con heo quay được thuê để cúng, suốt cả ngày, sặc sụa khói hương và thực dụng xin xỏ. Đúng là đi để biết, bởi nhu cầu làm báo và cuối cùng đành ngao ngán với nhau “dân tộc này rồi phải trả giá cho việc quay cuồng lợi lộc từ quan đến dân, từ trên xuống dưới, chờ xem!”
Đừng nói với chúng tôi những đồng tiền ở chùa không được chính quyền dự phần. Đừng nói với chúng tôi các vị chân tu còn đầy. Đừng nói với chúng tôi Giáo hội Phật giáo Việt Nam vô can. Đừng nói với chúng tôi tại dân trí thấp. Đừng nói với chúng tôi quan trí của các vị vẫn bình thường. Đừng nói với chúng tôi dân bất an là do dân. Đừng nói với chúng tôi hoàn toàn do mạng xã hội dẫn dắt, kích động.
Chùa càng lớn, cúng bái càng nhiều con người càng dữ dằn hơn, sao vậy? Đã có những công trình xã hội học và ở nghị trường tương xứng với hiện tình của đất nước chưa? Vì đâu đâm chém, nghiện ngập, tự tử, bệnh tật, lan tràn? Phép màu không thể có từ sự méo mó lý tưởng, đức tin và mùi tiền, từ chính các ngài quan chức và các vị thầy tu đang đội lốt ấy.