Thursday, 28 March 2019

‘Nỗi nhục trăm năm’ đeo bám TQ trong đàm phán thương mại với Mỹ

29/03/2019

“Mỗi học sinh ở Trung Quốc và mỗi một người Trung Quốc có học thức đều biết về ‘bách niên quốc sỉ.’” nhà sử học Stephen R. Platt nói.
Cuộc đàm phán thương mại kéo dài và đầy chông gai giữa Trung Quốc và Mỹ có thể bắt nguồn “nỗi nhục” từ thế kỉ 19 mà trong đó Trung Quốc bị ép phải chấp nhận những “điều ước bất bình đẳng” với các cường quốc phương Tây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 250 tỉ đôla lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào năm ngoái nhằm buộc Trung Quốc thay đổi cách thức nước này làm ăn với phần còn lại của thế giới và tìm cách thúc ép Trung Quốc mở cửa nền kinh tế của mình cho công ty của Mỹ.
Trong số những đòi hỏi của ông Trump có việc Bắc Kinh phải chấm dứt các hành vi mà Washington cáo buộc là đưa tới việc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ một cách có hệ thống và ép buộc chuyển giao các công nghệ của Mỹ cho các công ty Trung Quốc.
Đây là một vấn đề đầy cam go cho các nhà đàm phán suốt hơn một năm qua vì các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc trước đây đã từ chối thừa nhận vấn đề này tồn tại tới mức mà Mỹ cáo buộc, khiến cho việc bàn bạc một giải pháp trở nên khó khăn.
Reuters hôm thứ Tư cho hay Trung Quốc đã đưa ra những đề xuất về một loạt những vấn đề, kể cả việc ép buộc chuyển giao công nghệ, mà tiến xa hơn những gì họ đã đề xuất trước đó. Tin này loan đi không lâu trước khi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đến Bắc Kinh vào ngày thứ Năm để tiến hành một vòng đàm phán mới với các quan chức Trung Quốc nhằm đạt một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.
Trong khi những yêu cầu của Mỹ về việc ép buộc chuyển giao công nghệ và trợ cấp doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, sự chia rẽ sâu sắc nhất tập trung vào việc Mỹ khăng khăng đòi một cơ chế thực thi cho phép họ áp đặt thuế quan nếu Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận.
Nhưng Trung Quốc kháng cự chuyện này.
“Mỗi học sinh ở Trung Quốc và mỗi một người Trung Quốc có học thức đều biết về ‘bách niên quốc sỉ’ (nỗi nhục quốc gia trăm năm),” Stephen R. Platt, một nhà sử học và tác giả của của một cuốn sách viết về sự suy vong của đế chế Trung Hoa trong thế kỉ 19, nói với báo The New York Times. “Có một kí ức dai dẳng của lịch sử đó từ thế kỉ 19 giúp giải thích vì sao Trung Quốc muốn một trật tự thương mại toàn cầu vận hành theo hướng có lợi hơn cho Trung Quốc..”
Ông nói thêm, “Họ phải tỏ ra mạnh mẽ về thương mại.”
Năm 1839, cuộc chiến tranh thương mại lớn ảnh hưởng tới thế giới là giữa Anh và Triều đại nhà Thanh của Trung Quốc. Anh khi đó đang mua lụa và trà của Trung Quốc với số lượng lớn, nhưng Trung Quốc mua lại của Anh không bao nhiêu, sinh ra thâm hụt thương mại lớn một cách khó chịu. Vì vậy, Anh quay sang tuồn nha phiến Ấn Độ, một sản phẩm mà người dân khó lòng cưỡng lại, vào Trung Quốc. Sự kháng cự của Trung Quốc đã biến cuộc chiến tranh thương mại thành chiến tranh thực sự.
Cuộc chiến kéo dài ba năm kết thúc với Điều ước Nam Kinh, cho phép Anh kiểm soát Hong Kong và mở một số thương cảng mới ở Trung Quốc. Thương nhân Anh được phép đến Trung Quốc và buôn bán tự do mà không chịu hạn chế nào.
Đó chỉ là khởi đầu. Đến những năm 1850, Mỹ, Nga và Pháp ký các điều ước với Trung Quốc với cùng những điều khoản, cho phép người nước ngoài bán hàng hóa với mức thuế thấp và cho họ địa vị đặc quyền ở Trung Quốc đại lục. Rồi Trung Quốc buộc phải tuân theo các truyền thống của ngoại giao phương Tây. Sự du nhập ồ ạt của văn hóa nước ngoài đã định hướng lại nền kinh tế Trung Quốc, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của nhà Thanh vào năm 1912.
Một số nhà sử học, như William C. Kirby, một giáo sư về Trung Quốc học tại Trường Kinh doanh Harvard, cho rằng các điều ước bất bình đẳng đã mang lại lợi ích cho Trung Quốc như hiện đại hóa các định chế và hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng có nghĩa là các hiệp định thương mại có lợi cho cả đôi bên, ông nói với The New York Times.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer (phải, ngoài cùng) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ hai, từ phải) đến một khách sạn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28 tháng 3, 2019.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer (phải, ngoài cùng) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ hai, từ phải) đến một khách sạn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28 tháng 3, 2019.
Khi đội ngũ thương mại của Tổng thống Trump đưa ra cho các quan chức Trung Quốc một danh sách những đòi hỏi táo bạo về kinh tế ở Bắc Kinh vào tháng 5 năm ngoái, Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc chạy hàng tít: “Bây giờ là năm 1840 à?”
Năm tháng sau, cơ quan thông tấn chính thức Tân Hoa Xã cáo buộc Phó Tổng thống Mike Pence thiếu hiểu biết về lịch sử Trung Quốc sau khi ông phàn nàn rằng Bắc Kinh chỉ nói suông về chuyện mở cửa nền kinh tế.
Các quan chức chính quyền Trump đã cố gắng lập luận rằng những thay đổi mà Trung Quốc muốn thực hiện sẽ có lợi cho cả đôi bên, song Mỹ vẫn gặp khó khăn trong chuyện thúc đẩy Trung Quốc thay đổi mà không tạo nên ấn tượng là Mỹ bắt nạt hoặc vô cảm.
Chính quyền Trump cũng gặp khó khăn với việc mô tả thỏa thuận thương mại này là hai chiều. Ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc về cơ bản là đánh cắp từ Mỹ trong nhiều thập niên qua và chính quyền của ông đang yêu cầu Trung Quốc mua thêm hàng hóa của Mỹ, ngừng trợ cấp các công ty của chính họ và đối xử công bằng với các công ty nước ngoài. Đổi lại, tới nay Mỹ đã đề nghị loại bỏ một số, nhưng không phải tất cả, mức thuế quan trị giá 250 tỉ đôla mà ông Trump đã áp đặt vào năm ngoái.
Trung Quốc vẫn hoài nghi nhiều nhượng bộ mà ông Trump đang đòi hỏi sẽ thực sự giúp thúc đẩy nền kinh tế của nước này.
Trong khi những kí ức xưa về nỗi nhục có thể vẫn chưa phai mờ trong tâm thức chung của người Trung Quốc, vị thế của nước này trên thế giới đã thay đổi mạnh mẽ trong 150 năm qua. Giờ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã và đang gây ảnh hưởng của riêng mình khắp thế giới.
Các chương trình phát triển của Trung Quốc như Sáng kiến Vành đai và Con đường, một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu, đã thu hút chỉ trích từ Mỹ và một số nơi ở Châu Âu vì không minh bạch và đặt các nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn vào vị thế bấp bênh.
“Chính sách của Trung Quốc đã dịch chuyển từ nỗi sợ bị bắt nạt phải chịu những điều ước bất bình đẳng thành chính mình là kẻ bắt nạt và buộc các quốc gia yếu hơn chấp nhận các thỏa thuận bất bình đẳng,” Michael Pillsbury, một học giả Trung Quốc tại Viện Hudson làm cố vấn cho chính quyền Trump, nói với The New York Times.
Nhưng, ông Pillsbury chỉ ra rằng, người Trung Quốc không nhìn nhận sự việc theo cách đó khi nói tới thỏa thuận thương mại với Mỹ. Đảng Cộng sản được thành lập gần một thế kỉ trước dựa trên hứa hẹn chấm dứt nỗi nhục dưới tay ngoại bang.
“Đảng Cộng sản được thành lập dựa trên lý luận đứng lên chống lại, và chấm dứt, những điều ước bất bình đẳng,” ông nói.

Diễn đàn Facebook