Sunday 12 May 2019

Happy Mother's Day!!!

Kính chúc Ngày Lễ Mẹ thật hạnh phúc đến tất cả quý Mẹ, dù đã là Mẹ hay sắp/ sẽ làm Mẹ, một thiên chức cao quý của con người, xin hày nghe link sau đây:
Dalena Lòng Mẹ (Mother's Love) with English verses:

Subject: Happy Mother's Day, May 12th, 2019.
Kính chúc Ngày Lễ Mẹ thật hạnh phúc đến tất cả quý bà Mẹ khắp nơi, all Mothers on earth, dù đã là Mẹ hay sắp/ sẽ làm Mẹ, một thiên chức cao quý của con người, xin hãy nghe link sau đây:
Kế tiếp là bài viết về Mẹ cho ngày hôm nay của tác giả Kim Tuyến Vũ, đăng trên Người Việt Online, và cùng bài ca mà tôi vốn thích ý nghĩa dành cho người Mẹ... Pour Toi Maman - bài ca của Frank Michael...

Mẹ ơi, vì tinh thuơng dịu dàng và bao la của Mẹ, Vì tất cả những lo toan mà Mẹ hy sinh trong âm thầm, Mẹ lo cho con bởi vì tình thương cho con thúc đẩy Mẹ... Đây là một điệp khúc nhạc dành cho Mẹ, Ai sẽ luôn theo Mẹ đi khắp mọi nơi, Ai sẽ nói với Mẹ trong mọi lúc: "Mẹ luôn là ý nghĩ trong con".... Pour leur tendresse et leur générosité, Pour tous les sacrifices qu'elles font dans l'ombre, Parce que nos coeurs dans le leur a poussé,... (coda/chorale) C'est un refrain pour vous, Qui vous suivra toujours partout, Qui vous dira tout le temps : "Je pense à Toi Maman",... Frank Michael - Pour Toi Maman:https://www.youtube.com/watch?v=qXc-G91TgV0

Những châm ngôn về cho quý Mẹ, xin gửi để tri ân quý Mẹ nhé...
Mẹ là người thầy vĩ đại nhất của tôi, một người thầy từ bi, yêu thương và không sợ hãi. Nếu tình yêu ngọt ngào như một bông hoa, thì mẹ tôi là đóa hoa ngọt ngào của tình yêu, (Mama was my greatest teacher, a teacher of compassion, love and fearlessness. If love is sweet as a flower, then my mother is that sweet flower of love, (by Stevie Wonder).
Hạnh phúc của người mẹ giống như ngọn hải đăng, thắp sáng tương lai nhưng cũng được phản ánh về quá khứ trong vỏ bọc của những kỷ niệm đẹp. (Le bonheur d'une mère est comme un phare, éclairant l'avenir, mais reflétant également le passé sous forme de bons souvenirs. Honoré de Balzac).
Tất cả những gì tôi đang có, hoặc hy vọng là, tôi nợ mẹ thiên thần của tôi. (All that I am, or hope to be, I owe to my angel mother. Abraham Lincoln).
Cánh tay của bà mẹ được làm bằng sự dịu dàng và những đứa trẻ ngủ ngon lành trên đó. (Les bras d'une mère sont faits de tendresse et les enfants y dorment profondément. Victor Hugo).
Mẹ ơi, Mẹ đã cho con bao những dịu dàng, nặng trĩu bao những trìu mến qua bao năm, Mẹ ơi Mẹ vất vả lo lắng vì con ngày đêm, con nguyện sẽ bảo vệ Mẹ yêu... Maman, oh Maman toi qui m'as donné, Tant de tendresse depuis tant d'années, Tu le sais bien quand je serai grand, Je penserai à toi Maman, Maman oh Maman le jour et la nuit, Je veillerai toujours sur ta vie, Je serai là à tous les instants, Pour te protéger Maman... Maman Oh Maman, paroles par Claude Carrère et musique Jim Larriaga, par voix de Romeo:
https://www.youtube.com/watch?v=dhX7uVIFW0A
Mỗi khi ngày Lễ Mẹ về tôi chạnh nhớ đến văn chương Trần Trung Đạo khi anh viết về Mẹ, dù là dưỡng mẫu hay nhũ mẫu như sự đồng nghĩa không phân biệt, một ý tưởng cao quý chia chung quan điểm của thi hào Alexander Sergeyevich Pushkin, mời đọc...
Hôm nay chúng ta đang trong Ngày Lễ Mẹ, tôi xem bài của người bạn văn Trần Trung Đạo trong ý nghĩ tán đồng và tâm tư rung động qua những dòng văn của anh. Tôi nghe kể anh không được may mắn như nhiều người. Mẹ anh mất khi anh còn tấm bé. Vì thế nên khi anh mô tả sự bao la của tình mẹ trong nỗi niềm cần thiết về một bóng hình người mẹ đi bên cạnh cuộc đời mình. Anh dẫn nhập bài viết bằng câu ngạn ngữ ví hình ảnh người mẹ như sau:
"Một danh ngôn mà chúng ta thường nghe “thế giới có rất nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt vời và vĩ đại nhất vẫn là trái tim người mẹ” Thật vậy, bao nhiêu thơ viết về mẹ cũng không đủ, bao nhiêu nhạc hát về mẹ cũng không vừa. Biển Thái Bình bao la, nước sông Hằng cuồn cuộn nhưng không sao có thể so sánh được với tấm lòng của mẹ. Bản nhạc nào viết về mẹ cũng hay, bài thơ nào viết về mẹ cũng cảm động bởi vì ngôn ngữ dành cho mẹ là ngôn ngữ của trái tim.
Mẹ là biểu tượng trọn vẹn và tuyết đối của tinh thần Chân Thiện Mỹ. Nếu có một người để chúng ta có thể san sẻ những điều thầm kín, riêng tư nhất, thì người đó phải là mẹ. Nếu có một người có thể tha thứ cho chúng ta dù phạm phải bất cứ một lỗi lầm gì, người đó sẽ là người mẹ. Tôi tin, nếu chúng ta biết dành ý nghĩ đầu tiên của một ngày, thay vì để nghĩ đến chuyện hơn thua, danh lợi nhưng là để nghĩ về mẹ, nghĩ về khuôn mặt của mẹ, tiếng cười của mẹ, lời dặn dò của mẹ hay thậm chí chỉ để gọi tiếng mẹ thôi, chúng ta sẽ có một ngày an lành và hạnh phúc.
Mẹ là người mang ta đến cuộc đời, và cũng là nơi ta trở về. Người đàn bà chân mang đôi dép ngược, khoát chiếc mền rách, như trong một câu chuyện thiền mà chúng ta có thể đã từng nghe kể, dù bao mùa mưa nắng vẫn không than van, không oán trách, vẫn chờ đơi ngày về của đứa con mãi mê trên đường đi tìm chân lý. Nếu chân lý mà chàng trai trẻ kia đi tìm là tình thương và sự thật thì chân lý sẽ không ở đâu xa mà trái lại vô cùng gần gủi. Trong tấm thân gầy yếu nhỏ nhoi của người mẹ chứa đựng cả một đại dương của hy vọng, tình yêu, sự thật và lòng vị tha sâu thẳm."
Mọi người nói chung dễ dàng đồng thuận một kỳ quan vĩ đại nhất của thiên nhiên vẫn là người hiền mẫu, như Trần Trung Đạo viết dáng mẹ hiền dù có nhỏ bé, gầy guộc, nhưng lòng của mẹ thương con cái chứa đựng cả một đại dương của hy vọng, tình yêu, sự thật và lòng vị tha sâu thẳm.
Trần Trung Đạo là một nhà văn, anh chọn viết về những đề tài thuộc khuynh huớng xã hội và nhân bản. Anh còn là một nhà thơ. Tôi còn nhớ bài thơ gây nhiều xúc động là "Đứa bé và viên sỏi", về chuyện vượt biên buồn thảm, cha mẹ mất, cháu bơ vơ, nhạc được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc. Bài thơ khác của Đạo được giới văn học chú ý là "Đổi Cả Thiên Thu Lấy Tiếng Mẹ Cười", được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc. Lời thơ sâu sắc thắm đượm tình mẹ, trích dẫn:

Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Ðốt lửa cho đời tan khói sương"

Rồi cuối bài, anh cho 2 câu kết như một câu nói bất hủ trong văn chương hay đời sống:
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Trích bài "Happy Mother's Day 2009: Mẹ và Quê Hương", rồi Đạo tâm sự thêm:
"Bài thơ ra đời trong một đêm mưa, sau lần điện thoại đầu tiên với mẹ tôi từ Việt Nam. Giọng của mẹ như vọng lại từ một thế giới khác xa xôi. Tôi viết rất nhanh, nhanh hơn khi viết những bài thơ khác nhiều. Những dòng chữ, những câu thơ đúng ra là từ mơ ước, thao thức đã ấp ủ trong tâm thức tôi từ lâu lắm, chỉ chờ dịp để tuôn ra. Tôi không làm thơ, tôi chỉ chép như có một người nào đang nhắc nhở bên tai mình. Nguyên văn bài thơ như thế này:
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi
Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương
Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau

Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Đau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Bài thơ đơn giản và dể hiểu, không có gì phải cần bình giải. Tất cả chỉ để nói lên tâm trạng của một người con xa mẹ, bay đi như chiếc lá xa cành, mười năm chưa về lại cội. Năm tôi viết bài thơ, mẹ tôi, đã ngoài 60 tuổi và đang sống trong căn nhà tôn nghèo nàn ở Hòa Hưng Sài Gòn. Căn nhà nhỏ có giàn hoa giấy đỏ đó là nơi tôi đã sống 8 năm.
Nhớ lại đêm cuối cùng ở Sài Gòn, tôi đón xe xích-lô từ cửa sông về chào mẹ. Trời mưa lớn. Nhưng khi gặp mẹ, với tâm trí ngàn ngập những lo âu, hồi hộp cho chuyến đi, tôi không kịp nói một câu cho trọn vẹn ngoài ba tiếng “con đi nghe”. Và như thế tôi đi, đi không ngoảnh lại, đi như chạy trốn. Để rồi hai ngày sau, khi chiếc ghe nhỏ của chúng tôi được hải quân Mỹ cứu vớt trên biển Đông vào khuya ngày 13 tháng 6 năm 1981, đứng trên boong chiến hạm USS White Plains nhìn về phía Nam, tôi biết quê hương và mẹ đã ngoài tầm tay vói của mình. Đời tôi từ nay sẽ như chiếc lá, bay đi, bay đi, chưa biết ngày nào hay cơ hội nào trở về nguồn cội."
Bạn bè của Đạo biết bà mẹ Hòa Hưng là mẹ nuôi, nhưng trong cái tâm đạo của người con, Đạo rất qúy bà như mẹ ruột.
"Tôi nhớ đến mẹ, người mẹ Hòa Hưng vất vả nuôi nấng bảy đứa con, trong đó tôi là con lớn nhất, trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mẹ tôi bán bánh bèo ở đầu đường để nuôi chúng tôi ăn học. Mẹ tôi tình nguyện đi kinh tế mới ở Sông Bé để các em tôi còn được phép ở lại Sài Gòn học hết bậc phổ thông. Mẹ tôi đi mót lúa, mót khoai gởi về nuôi nấng chúng tôi trong những ngày đói khổ.
Trong tâm trí tôi, hình ảnh bà mẹ Hòa Hưng, đêm đầu tiên trong căn nhà không vách trên vùng Kinh Tế Mới, khoảng 20 cây số phía Nam thị trấn Đồng Xoài vào năm 1976. Cánh rừng vừa được khai hoang vội vã này không ai nghĩ một ngày sẽ được gọi bằng một cái tên rất đẹp, khu Kinh Tế Mới. Kinh Tế Mới là những căn nhà lá mỗi chiều chỉ hơn mười mét do những bàn tay học trò của thanh niên xung phong dựng lên, nối nhau chạy dọc theo cánh rừng hoang.
Tôi kính yêu mẹ. Mẹ Hòa Hưng là người săn sóc tôi trong những tháng ngày khó khăn nhất của tôi và người đã thôi thúc tôi viết nên bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười trong đêm mưa hơn mười năm trước. Tuy nhiên, mẹ của Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười không phải là người đã mang tôi vào cuộc đời này.
Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười – Trần Trung Đạo – Võ Tá Hân – Bảo Yến:
https://www.youtube.com/watch?v=udFXxqO8aZs
Người mẹ sinh ra tôi đã chết khi tôi còn rất nhỏ. Nhỏ đến nỗi tôi gần như không biết mặt mẹ mình. Trong tuần hoàn của vũ trụ, giọt nước còn biết mẹ mình là mây, chiếc lá còn biết mẹ mình là cây, còn tôi thì không. Tôi là đứa bé cô độc, một con người cô độc, không anh em, không chị em. Tôi lớn lên một mình với cha tôi trong cảnh gà trống nuôi con trong căn nhà tranh nhỏ ở làng Mã Châu, quận Duy Xuyên. Đêm đêm nằm nghe cha kể chuyện thời trai trẻ buồn nhiều hơn vui của đời ông. Những ngày tản cư lên vùng núi Quế Sơn. Những ngày sống trong túp lều tranh dưới hàng tre Nghi Hạ. Và dưới hàng tre Nghi Hạ nắng hanh vàng đó, cha mẹ tôi đã gặp nhau, đã chia nhau ly nước vối chua chua thay cho chén rượu tân hôn nồng thắm. Dù sao, bên khung cửi vải, bên lò ươm tơ, họ đã cùng nhau dệt một ngày mai đầy hy vọng. Mặt trời rồi sẽ mọc bên kia rặng tre già, mặt trăng rồi sẽ tròn bên kia giòng sông Thu, những ngày chiến tranh, tản cư cực khổ sẽ qua đi nhường bước cho hòa bình sẽ đến.
Nhưng rồi chiến tranh như một định nghiệp, đeo đuổi theo số phận của đất nước chúng ta, đeo đuổi theo số phận của đời tôi. Năm tôi 13 tuổi, chiến tranh đã cướp đi cha tôi, người thân yêu cuối cùng của tôi. Chiến tranh lan tràn đến làng Mã Châu, đẩy tôi ra khỏi xóm lụa vàng thân quen để làm người du mục trên quê hương đổ nát của mình. Từ đó tôi ra đi. Từ chặng đường đầu tiên trên căn gác hẹp trong con hẻm 220 Hùng Vương Đà Nẵng, đến chùa Viên Giác Hội An, xóm nghèo Hòa Hưng, trại tỵ nạn Palawan và hôm nay trên nước Mỹ, nơi cách chặng đầu tiên trong hành trình tỵ nạn của tôi hàng vạn dặm."
Hãy nghe tiếp lời của Trần Trung Đạo:
"Hình ảnh duy nhất của tôi về mẹ là ngôi mộ đầy cỏ mọc dưới rặng tre già ở làng Mã Châu. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều khi tan trường tiểu học, trên đường về tôi thường ghé thăm mộ mẹ. Nhổ những bụi cỏ hoang, trồng thêm những chùm hoa vạn thọ. Tôi ưu tư về cuộc đời và về thân phận của mình ngay từ thuở chỉ vừa năm, bảy tuổi. Tại sao tôi chỉ có một mình? Tại sao mọi người đều lần lượt bỏ tôi đi? Nếu mai mốt ba tôi cũng đi thì tôi sẽ sống với ai? Lớn lên tôi sẽ làm gì? Tại sao đất nước tôi lại có chiến tranh? Những người du kích bên kia sông là ai? Và ở đó những buổi chiều vàng, bên ngôi mộ nhỏ của mẹ, tôi để lòng tuôn chảy những suy tư, dằn vặt đang bắt đầu tích tụ. Từ khi năm bảy tuổi tôi đã linh cảm cuộc đời tôi sẽ là những ngày đầy biến cố. Tôi đã nghĩ đến chuyện một ngày nào đó tôi sẽ đi xa khỏi rặng tre già, khỏi ngôi làng tơ lụa Mã Châu dường như thôn làng nhỏ bé này sẽ không đủ lớn để chứa hết những buồn đau, u uất của tôi. Nếu tuổi thơ là tuổi hồn nhiên với những cánh diều bay, với những con bướm vàng thơ mộng thì tôi đã không có tuổi thơ. Tuổi thơ tôi là một chuổi ngày ưu tư và chờ đợi một điều gì sắp đến.
Mẹ tôi qua đời vì bịnh trong một xóm nhà quê nghèo khó nên không có ngay cả một tấm hình để lại cho tôi. Cha tôi thường bảo, tôi giống cha nhiều hơn giống mẹ. Tôi cũng chẳng có cậu hay dì nên tôi lại càng không thể tìm đâu ra được một nét nào của mẹ trong những người thân còn sống. Vì không biết mẹ, nên mẹ trở thành tuyệt đối. Khi nhìn ánh trăng tròn trong ngày rằm tháng Bảy, tôi nghĩ đó là khuôn mặt dịu dàng của mẹ, nhìn nước chảy ra từ dòng suối mát tôi nghĩ đến dòng sữa mẹ, nhìn áng mây trắng bay trên nền trời tôi nghĩ đến bàn tay mẹ, nhìn những vì sao trên dải thiên hà tôi nghĩ đến đôi mắt mẹ. Nói chung, hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất, thiêng liêng nhất, đều được tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ. Vẻ đẹp của mẹ tôi là vẻ đẹp không những tuyệt vời mà còn tuyệt đối.
Tôi về thăm mộ mẹ lần cuối vào năm 1980 trước ngày vượt biển. Ngôi mộ đầy cỏ mọc hoang vu. Sau 1975, ngay cả người sống cũng không ai chăm nom đừng nói gì chuyện chăm nom cho người đã chết. Hôm đó, tôi ngồi nơi tôi đã từng ngồi trong thời thơ ấu và kể cho mẹ nghe đoạn đời chìm nổi của mình. Tôi nói với mẹ rằng tôi sẽ ra đi khỏi nước và hứa sẽ về dù biết nói như thế chỉ để an ủi hương hồn mẹ mà thôi. Tôi cầu mong mẹ phò hộ cho đứa con duy nhất của mẹ được bình an trong những ngày sóng gió sắp xảy ra."
Đại thi hào Nga Aleksandr Sergeyevich Pushkin là người có những đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại và toàn châu Âu. Ông mất khi mới 37 tuổi nhưng đã để lại nhiều kiệt tác như "Evgeny Onegin", "Con gái viên đại úy", "Con đầm pích", "Boris Godunov",... Ông được coi là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn và tả chân của nước Nga và châu Âu thế kỷ 19. Pushkin làm thơ gửi mẹ nuôi mà ông thương, kính trọng như nhũ mẫu của mình:
Mẹ thân thiết trong những ngày cơ cực
Nguồn mến thương nâng bước đời con!
Rừng thông thăm thẳm cô đơn
Ngóng con ngày tháng mỏi mòn mẹ trông
Trong phòng khách bên song cửa sổ
Như người canh, thương nhớ mênh mang
Tay già lần mũi kim đan,
Như đang đếm bước thời gian chậm buồn
Mẹ thẫn thờ nhìn đường thăm thẳm
Lối cổng vào bỏ vắng từ lâu
Buồn thương, linh cảm, lo âu
Lại càng chất nặng thắt đau ngực già..."
(Gửi Mẹ Nuôi - Thúy Toàn dịch từ Nga ngữ)
Từ Aleksandr Sergeyevich Pushkin đến Trần Trung Đạo đều có mẫu số chung, dù dưỡng mẫu hay nhũ mẫu, hai nhà thơ đã dành những tâm tư trang trọng nhất cho 2 mẫu người mẹ trong văn học, thực vậy từ Âu sang Á, sự xúc cảm về mẹ cho văn chương mẹ mãi mãi thăng hoa.
Ôi đời mẹ như một vầng trăng khuyết
Vẫn nghìn năm le lói ở đầu sông.
Vâng, vầng trăng bên dòng sông Thu Bồn từ đó không còn tròn như trước nữa. Ai cũng có một cuộc đời để sống. Nỗi bất hạnh nào rồi cũng nguôi ngoai. Vết thương nào cũng lành đi với thời gian. Tuy nhiên có một nỗi bất hạnh sau bao nhiêu năm dài vẫn còn, đó là bất hạnh của dân tộc Việt Nam. Điều làm tôi đau xót nhiều hơn cả, không phải vì tôi mất mẹ, không phải vì tôi xa mẹ nhưng chính là sự chịu đựng của hàng triệu bà mẹ Việt Nam triền miên suốt mấy chục năm qua, từ chiến tranh sang đến cả hòa bình.
Trên thế giới này, bà mẹ Nga, mẹ Ý cũng thương con như một bà mẹ Việt Nam. Trong lúc tình yêu của một bà mẹ ở quốc gia nào cũng bao la, cũng rộng lượng, cũng vô bờ bến, tôi vẫn tin một bà mẹ Việt Nam thì khác hơn nhiều. Bà mẹ Việt Nam, ngoài là biểu tượng cho tất cả những nét đẹp của quê hương, đất nước, tình thương, còn là những hình ảnh đầy thương tích, tủi buồn nói lên sự chịu đựng, gian nan, khổ cực không thể nào đo lường hết được. Hình ảnh bà mẹ giăng tấm vải dầu trên một góc đường Trần Hưng Đạo để che nắng che mưa cho bầy con thơ dại đang đói khát. Hình ảnh bà mẹ chết đói sau khi ghe của mẹ đi lạc nhiều tuần trên biển. Hình ảnh bà mẹ chết trong mỏi mòn tuyệt vọng dưới gốc me già trên góc phố Sài Gòn vào một ngày mưa bão. Hình ảnh bà mẹ chết cô đơn trong chiếc thuyền chài nghèo nàn. Tất cả hình ảnh đau thương đó đã trở thành mối ám ảnh thường xuyên trong tâm trí tôi. Ám ảnh nhiều đến nổi, dù viết về bất cứ chủ đề gì, thể loại gì, văn hay thơ, cuối cùng tôi cũng trở về với hình ảnh mẹ. Mỗi bước chân tôi đi trên đường đời mấy chục năm qua vẫn còn nghe vọng lại tiếng khóc của những người phụ nữ Việt Nam bất hạnh, đã khóc trong chiến tranh, khóc trong hòa bình, khóc trong bàn tay hải tặc giữa biển Đông và khóc trên xứ người hiu quạnh.
Mơ ước lớn nhất của tôi, vì thế, không phải cho tôi mà cho những người mẹ đang chịu đựng, để các mẹ có cơ hội được sống trong một đất nước không còn hận thù, rẻ chia, ganh ghét, một đất nước chan chứa tình đồng bào, một đất nước thật sự tự do, ấm no, hạnh phúc. “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” trong một ý nghĩa rộng hơn là ước mơ của tôi, của anh chị, của cô chú và của tất cả những ai còn nghĩ đến sinh mệnh của dân tộc, về một ngày đẹp trời cho đất nước mình. Quá nhiều máu và nước mắt đã đổ trên mảnh đất linh thiêng và thống khổ Việt Nam. Mỗi người Việt Nam, hơn bao giờ hết hãy trở về với mẹ như trở về với chính cội nguồn uyên nguyên của dân tộc mình. Trong đêm rằm tháng Bảy này, xin hãy cùng nhau thắp lên những ngọn nến, dù nhỏ, dù đơn sơ nhưng được làm bằng chất liệu dân tộc, nhân bản và khai phóng đã được tổ tiên chúng ta hun đúc sau hơn bốn ngàn năm lịch sử.
Đời tôi là những cơn mưa dài. Mưa khi tôi rời làng Mã Châu, mưa trong đêm đầu tiên trong căn gác trên đường Hùng Vương Đà Nẵng, mưa dưới gốc đa già ở Chùa Viên Giác, mưa khi tôi vừa đặt chân đến Sài Gòn lần đầu tiên và mưa lớn trong đêm tôi rời đất nước ra đi. Nhưng tôi chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ cảm thấy cuộc đời là hố thẳm. Tôi không sống trong hôm qua, trái lại mỗi ngày là một chặng đường mới của đời mình. Tôi bình tĩnh đến độ hồn nhiên khi đón nhận những khắc nghiệt đến với đời tôi và tôi rất lạc quan trong khả năng chuyển hóa hoàn cảnh của chính mình."
Tôi xin dùng kết luận của Trần Trung Đạo để chấm dứt bài viết "Mother's Day Nhớ Mẹ" này vì chính lời văn và thơ của anh tạo cho tôi nguồn suy tư về Trần Trung Đạo và Alexander Pushkin chia sẻ những ẩn ý về Mẹ trong văn học:
"Trong cuộc đời này, tôi đã nhiều lần vấp ngã nhưng nhiều người cũng đã giúp vực tôi dậy, lau khô những vết thương trên thân thể và trong cả tâm hồn. Tôi mang ơn xã hội nhiều đến nỗi biết mình sẽ không bao giờ trả hết. Tôi biết ơn những người đã che chở cho tôi và cũng cám ơn cả những người đã dạy tôi hiểu giá trị của gian lao, thử thách. Cám ơn đất nước đã cho tôi được làm người Việt Nam, cám ơn mẹ Duy Xuyên mang tôi đến thế gian nầy, cám ơn mẹ Hòa Hưng nuôi nấng tôi trong những ngày bà con thân thuộc đã ruồng bỏ tôi, cám ơn cây đa già chùa Viên Giác che mát cho tôi suốt năm năm dài mưa nắng. Nếu một mai tôi ra đi không kịp viết điều gì, thì đây, những kỷ niệm của một lần ghé lại. Trần Trung Đạo".
Happy Mother’s Day! May 2019.
Hoàng Nam Trần Việt Hải.
--------------------------------------------------------------------------------
Mẹ già như chuối chín cây, Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi:
http://www.ninh-hoa.com/VietHai-NgayMeDi.htm
Hằng năm người Huê Kỳ có ngày Mother's Day, thì Việt Nam có Ngày Vu Lan. Trong phạm vi văn chương tôi vô cùng thích đọc hoặc viết về bài vở có chủ đề mẹ cha. Xem lại thư khố (archive) của mình, tôi xúc động khi viết về người mẹ đất Bắc của nhà văn Chinh Nguyên, tôi đọc tác phẩm của anh mà tâm tư dâng lên nỗi nghẹn ngào:
Khi viết về bà mẹ Trung của nhà văn Trần Trung Đạo, một dưỡng mẫu người làng Kim Bồng, Quảng Nam, nhưng trong các tác phẩm của mình Đạo thường gọi người mẹ này là "Mẹ Hòa Hưng" (vùng đất Sài Gòn mà bà đã ở) để phân biệt với "Mẹ Duy Xuyên " (nhũ mẫu) đã qua đời khi anh còn rất nhỏ. Thật sự, tôi thích nhiều chuyện mà Đạo viết, nhất là ý tưởng mẹ là một kỳ quan trong cuộc sống, xin xem bài viết Cuối năm tiễn biệt Mẹ (Trần Trung Đạo) đăng trên website Thanh Thúy:
Rồi trong bài văn khác, tôi được dịp viết về bà mẹ miền Nam khi nhà văn Nhất Phương, dù thương mẹ vô bờ bến, nhưng cái quyết định đưa mẹ về Việt Nam là một quyết định khó khăn đối với chị, ý nguyện của mẹ già được gởi gấm nắm xương tàn nơi cố hương, và sự do dự, phân vân giữa ý muốn của mẫu thân và sự việc không nhìn nhận cái thể chế chính trị nơi cố hương đã đi ngược lại lòng dân khiến cho người cầm bút như chị khó xử. Tôi hiểu tâm tình của nhà văn Nhất Phương, trong tác phẩm "Cỡi Sóng", chị dành nhiều trang để trang trọng tâm tình về mẹ mình:
Trong tủ sách của tôi có quyển sách khác nữa, cũng ghi nhận về mẹ. Đúng vậy, nhà thơ Nguyễn Hữu Lý đã bỏ công sưu tập một tác phẩm gồm nhiều bài thơ vinh danh bóng dáng người mẹ hiền, tuyển tập mang tên "Tình Mẹ Trong Thơ Văn Việt Nam", sách song ngữ, dầy trên 200 trang. Trong trang 104 là thơ Mẹ của thi sĩ Vũ Hối:
Tha Hương nhìn nắng phù du
À ơ! đứt ruột lời ru mẹ hiền
Chiều chiều nắng đổ nghiêng nghiêng
Bóng em ngã hướng về miền trời quê"

Còn ở trang 47 là bài Nhớ Mẹ của thi họa sĩ Hồ Thành Đức như sau:

Con ở Hoa Kỳ, mẹ ở Việt Nam
Một vạn đêm thâu, mấy vạn nỗi sầu
Cánh chim bạt gió theo mùa đông rét
Thương nhớ mẹ hiền từng phút từng giây..."

Sau đây tôi xin giới thiệu hai bài viết về mẹ Việt, một bà mẹ Việt ở tại cố hương và một bà mẹ Việt sinh sống ở Huê Kỳ, người viết là hai nữ tác giả Trúc Hạ và Từ Uyên. Với văn hóa Việt Nam ta vẫn thường ví von là "Nước mắt chảy xuôi", trong tâm tình như vậy hai hai nữ tác giả này đưa ngòi bút trải rộng đề tài như lòng mẹ thương con vẫn là những ý tưởng biển rộng sông dài. Xin mời theo dõi các bài viết:

Nước Mắt Chảy Xuôi

Tôi trở về nhà với mẹ. Đây là nơi để tôi ẩn nấp mỗi khi buồn phiền, thất vọng, chán chường… Mẹ tôi đã già, sống một mình trong ngôi từ đường thênh thang vắng lạnh. Và bao giờ cũng vậy, mẹ đón tôi với vẻ mặt bình thản lạ lùng:

- Tắm rửa rồi nghỉ đi con!

Chỉ có vậy, mẹ không tỏ vẻ mừng rỡ và cũng không hỏi lý do vì sao tôi về, dù đã thấy mắt tôi sưng húp lên vì khóc nhiều. Đó cũng là điều tôi mong muốn, thật sự tôi cũng không muốn kể lể và cũng không muốn mẹ nhìn thấy tôi khóc. Tôi chỉ muốn ngủ một giấc thật dài.

Thức dậy khi trời đã nhá nhem tối, nghe tiếng mưa rơi đều đặn trên mái ngói, trên lá cây trong vườn một dòng âm thanh đơn điệu, tẻ nhạt. Mẹ lặng lẽ ngồi ở cuối giường nhìn tôi, chẳng biết mẹ đã ngồi đấy tự bao giờ:

- Dậy ăn cơm đi con! Có bông bí luộc với cá rô chấm nước mắm gừng con thích đó.

Tôi uể oải ngồi dậy và xích lại gần mẹ:

- Chưa bao giờ con ngủ ngon như vậy.

Mẹ cười thật hiền. Tôi nhớ ngày trước, mỗi khi mẹ cười, hai lúm đồng tiền in sâu trên má thật duyên. Tôi vẫn thường vòi vĩnh “Sao mẹ không cho bớt con một đồng tiền”, mẹ nói: “Thì mẹ cho hết các con chứ mẹ giữ lại làm gì”. Và bây giờ, hai lúm đồng tiền đó đã đi về đâu, để lại trên má mẹ tôi những dấu chấm phẩy thật buồn.

- Mệt mỏi quá hở con?

Bỗng dưng nước mắt tôi vỡ òa, tôi không nén được nữa rồi, tôi phải khóc, tôi thèm được khóc với mẹ, nước mắt sẽ cuốn trôi muộn phiền, uất ức… Những vất vả, lo toan đời thường, những giờ lên lớp căng thẳng với hồ sơ, giáo án, học trò nghịch ngợm, về nhà với việc cơm nước, quần quật suốt ngày… Rồi những thất bại trong công việc làm ăn… Chồng tôi hiền lành, ít nói nhưng chẳng bao giờ chia sẻ với tôi những buồn vui của anh và cũng chẳng bao giờ lắng nghe những ưu phiền của tôi. Cứ thế mỗi ngày một ít, tôi gắng gượng vượt qua, cho đến ngày tôi kiệt sức, lúc nào cũng thèm ngủ, lúc nào cũng thấy mình nhuốm bệnh, muốn thở than… Lời nói thật vô tình của con gái tôi “Sao lúc nào cũng thấy mẹ than ngắn thở dài, mỗi ngày mẹ đau một bệnh” cũng là giọt nước tràn ly… Thế là tôi bỏ tất cả, về với mẹ.
Tiếng mẹ tôi thật nhẹ trong bóng đêm:

- Con cứ khóc đi cho nhẹ lòng. Những gì con đang phải chịu thì ngày xưa mẹ đã trải qua. Có những lúc quá sức chịu đựng mẹ muốn buông xuôi tất cả nhưng rồi thương các con nheo nhóc, mẹ lại tiếp tục đứng dậy đi tiếp. Nước mắt chảy xuôi con à... Chẳng lẽ mẹ mong con giận chồng con để về với mẹ, chớ ở một mình thế này mẹ thấy trống trải lắm! Có lúc nghĩ thật buồn cười, ước các con nhỏ lại để quanh quẩn bên mẹ như ngày xưa…

Nước mắt trong tôi đã khô đi tự bao giờ. Ôi mẹ tôi! Sao tôi chẳng bao giờ nghĩ đến nỗi buồn phiền, cô đơn của mẹ? Tôi chỉ nghĩ đến mình. Tôi đem nỗi buồn về để trút lên mẹ cho nhẹ lòng. Tôi cầm bàn tay của mẹ, bàn tay búp măng xinh đẹp của cô gái hát hay múa dẻo nổi tiếng ở làng Thanh Thủy ngày xưa mà ba tôi - chàng trai học giỏi, tài hoa, con cưng của ông thầy đồ đem lòng si mê. Tám anh em tôi đều có bàn tay giống mẹ, chúng tôi hay đùa: “Chỉ cần nhìn bàn tay là biết con mẹ”. Vậy mà giờ đây bàn tay mẹ chai sần, thô ráp. Chúng tôi chỉ về nhà vào dịp lễ tết, giỗ chạp cho phải đạo chứ có đứa nào chịu về với mẹ trong đêm mưa lạnh giá thế này đâu. Mẹ lại giục:

- Ăn cơm đi con, chắc con đói lắm rồi phải không?

Tôi lò dò đi theo mẹ. Điện cúp, mẹ thắp một ngọn đèn hột vịt mờ mờ. Tôi bật cười:

- Mẹ ơi! Sao con có cảm giác giống như ngày xưa quá, phải chi có ba và các anh mẹ nhỉ?

- Ừ.

Mẹ xới cơm từ trong cái nồi đồng của nội ngày xưa, tất cả những vật gì của nội để lại mẹ đều giữ khư khư. Anh tôi cứ đùa là mẹ thích sưu tầm đồ cổ nhưng tôi hiểu, mẹ rất thương và quý nội. Những câu chuyện của mẹ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần mà các anh tôi không đủ kiên trì để nghe vì “Phim này mẹ chiếu nhiều lần quá”. Mẹ về làm dâu khi mới 17 tuổi; ông bà ngoại nghèo, thấy con mình được nương tựa vào gia đình khá giả cũng mừng nhưng bà con bên chồng cứ tiếng ra tiếng vào dè bỉu. May mắn cho mẹ là bà nội rất hiền hậu, nhân từ. Nội bày dạy, che chở cho mẹ như con gái của mình. Tôi còn nhớ ngày tôi đi lấy chồng mẹ rưng rưng nước mắt: “Con gái dòng họ Trần ai cũng khổ, nhưng mẹ tin là con sẽ hạnh phúc vì bà nội con ăn ở có đức, cháu gái được hưởng phúc bà nội”. Tôi có hạnh phúc hay không? Câu hỏi đó đã ám ảnh tôi suốt cả thời con gái cho đến khi làm vợ, làm mẹ…

Mẹ gắp thức ăn bỏ vào chén giục tôi ăn, bông bí ngọt bùi, cá rô béo ngậy, thơm lừng, cơm của mẹ sao mà ngon đến vậy!

- Mẹ ơi con về ở luôn với mẹ, mẹ nghe?

Mẹ cười:

- Được ba bảy hăm mốt ngày rồi lại nhớ chồng nhớ con bỏ mẹ chạy đi thôi. Làm thân đàn bà là vậy đó con, phải biết chịu thương chịu khó thì mới giữ ấm cho gia đình của mình được. Thôi ăn xong con nghỉ đi, mẹ nấu cho con nồi bồ kết lá bưởi để sáng mai con gội đầu.

- Bồ kết lá bưởi hở mẹ? Tuyệt quá! Ngày xưa mẹ cho con gội đầu với bồ kết nên tóc con mướt ghê, bây giờ toàn gội với đủ thứ dầu gội nên tóc khô queo.

Mẹ cười:

- Chứ mẹ có gội đầu bằng dầu gội đâu mà tóc cũng khô?

- Chịu mẹ. Mẹ bao giờ cũng đúng, không lý sự nổi với mẹ đâu. Thôi con ngủ nhiều rồi, ngồi chơi rồi cùng đi ngủ với mẹ.
Mẹ lắc đầu:

- Mẹ đau nhức trằn trọc cả đêm, con không ngủ được đâu. Con cứ ngủ trên giường, mẹ nằm trên phản được rồi.
Tôi sửng sốt, mẹ tôi đã có thói quen thức với bệnh tật tự bao giờ, sao bây giờ tôi mới biết?

- Mẹ… mẹ cứ đau cả đêm vậy sao?

- Thì… cũng có khi chuyển trời vậy mà. Ối chà! Bệnh già mà con!

Tôi xót xa ôm cái lưng gầy của mẹ chập chờn trong giấc ngủ. Tôi mơ giấc mơ về thời thơ ấu… Mẹ tôi ngồi bên bếp làm rim dừa, má mẹ đỏ hồng, tóc mẹ đen mướt, mẹ cười má lúm đồng tiền duyên dáng. Tám anh em tôi ngồi quanh mẹ để chờ xin vét những hạt đường cháy dưới đáy chảo. Ngoài vườn bầy chim sẻ trở về trong nắng ấm ríu rít trên vòm hoa bưởi trắng tinh khôi. Và tôi thức dậy cùng với tiếng chim chào đón bình minh. Mẹ đã dậy và đi đâu mất. Tôi bước ra vườn tìm mẹ. Đêm qua mưa nên sáng nay vườn cây xanh mướt, lóng lánh trong nắng mai. Mẹ tôi đang lúi cúi bên luống rau:

- Mẹ ăn có bao nhiêu đâu mà làm cho vất vả hở mẹ?

- Thì mẹ cũng làm cho vui, có cái rau trong vườn cũng tiện, lâu lâu có đứa nào về có làm quà cho con cháu cũng vui con à. Rau vườn ăn bao giờ cũng yên tâm hơn, rau ngoài chợ người ta phun thuốc trừ sâu độc lắm.
- Mẹ cắt làm gì nhiều vậy?

- Thì con đem về để dành ăn!

Tôi bật cười:

- Vậy là mẹ đuổi con rồi phải không?

- Thôi đi về cơm nước cho cha con nó, để cha con nó ăn cơm bờ cơm bụi mẹ không yên lòng. Hơn nữa con phải về để ngày mai còn lên lớp nữa chứ, bỏ học trò cũng tội lắm con à.

- Con biết rồi, mẹ cho con ăn một bữa cơm trưa có canh cá nấu khế nữa thôi rồi chiều con về được chưa? Đúng ý mẹ rồi phải không?

Mẹ phì cười, lắc đầu:

- Cứ như đứa con nít. Thôi vào nhà nghỉ đi, để mẹ đi chợ mua cho con ít cá đồng, mùa này cá đồng ngon lắm.

Mẹ tất tả đội nón đi, tôi một mình lang thang trong khu vườn yên tịnh. Từng bờ cỏ đất, từng gốc cây, từng ngóc ngách của khu vườn dường như đều in dấu chân của anh em tôi thời thơ dại. Bất giác tôi nhìn thấy chiếc chõng nằm chơ vơ dưới gốc thầu đâu, hoa thầu đâu nở tím ngát một khoảng vườn. Có cái gì nghèn nghẹn dâng lên. Những ngày xa xưa ấy, tôi vẫn nhớ như in. Khi ban mai vừa ló dạng, nội tôi đã dậy lò mò nấu nước chè xanh với gừng rồi xách ấm nước chè nóng hổi ra ngồi trên chiếc chõng này chờ những người đi làm đồng sớm ngang qua để đon đả mời: “Uống chén chè cho ấm bụng rồi hãy đi làm”. Chờ cho họ uống xong, nội tôi nói tiếp: “Mai mốt tau chết nhớ khiêng tau một vai nghe”. Ai cũng phì cười, họ đùa lại với nội: “Khi nào bà chết? Bà mà chết cả làng này khiêng bà, bà yên tâm đi”. Chao ơi! Nội tôi đã chuẩn bị cho mình một cái chết thật đẹp. Tôi làm sao mà sống được như nội, như mẹ…

Buổi chiều nhạt nắng, mẹ đưa tôi đi qua con đường làng đầy bóng râm của tre xanh để ra đường cái đón xe về thành phố. Mẹ đẩy tôi lên xe cùng với chiếc làn tre đầy rau vườn với cá đồng, vội vàng như sợ tôi ở lại. “Đi đi con, khi nào mệt mỏi quá thì về với mẹ”. Xe chạy mà tôi cứ ngoái đầu nhìn lại, dáng mẹ gầy gò đứng chơ vơ bên cánh đồng vừa gặt xong. Người ta đang đốt những gốc rạ để chuẩn bị cho mùa gặt sau. Những sợi khói lam chiều bay lên như quấn quýt quanh bóng mẹ. Nước mắt trong tôi lại dâng đầy. Mẹ ơi! Con sẽ để cho nước mắt chảy xuôi như mẹ đã từng dạy con…

Trúc Hạ

oOo

Nước Mắt Có Bao Giờ Chảy Ngược

Con gái của mẹ,

Mẹ biết rằng chả bao giờ con đọc lá thư này cả, thứ nhất là con không đọc được tiếng Việt mà mẹ lại không thể viết cho con bằng tiếng Anh. Nhưng không hiểu sao có một cái gì nó thôi thúc mẹ là phải viết cho con như được nói chuyện với con trực tiếp.

Ðã lâu lắm rồi nhỉ, từ khi con tốt nghiệp ra trường trung học, hai mẹ con mình không còn được những buổi tối con cặm cụi học bài trong khi mẹ loay hoay với những việc trong nhà mà cả hai mẹ con mình đã suốt ngày bận rộn không dọn dẹp được.

Nhưng khi ấy con còn nhỏ, trong đầu óc mẹ nghĩ thế nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy mình nhầm. Giáo dục học đường ở bên này, mẹ không hiểu rằng đã tạo cho con thành một người tự lập cho dù con chưa đến tuổi trưởng thành.

Từ bao giờ, mẹ cũng không nhớ nữa, con đã có một thế giới riêng là căn buồng của con. Mà vì bận sinh kế suốt ngày, mẹ cũng ít khi ngó vào căn buồng ấy nên có lần mẹ vào tìm con, mẹ đã hết sức sửng sốt khi thấy sự vô trật tự trong cuộc sống của con. Sách vở lẫn lộn với quần áo trên giường, dưới sàn cùng mọi thứ vật dụng. Trong tủ treo áo quần thì như cả cái kho chứa đồ phế thải.

Phải mất vài phút mẹ mới định thần lại được, bỏ mất gần một buổi chiều để sắp xếp lại cho con.
Buổi tối, con về, mẹ ngồi yên ở phòng khách chờ phút giây con chạy ra ôm lấy mẹ mà cám ơn.

Nhưng thật là một bất ngờ lớn lao mà mẹ chưa bao giờ tưởng tượng ra nổi. Thay vì cám ơn, con đã tung cửa buồng ra nói khá lớn tiếng, “mẹ làm mất hết trật tự trong buồng của con, bài vở của con mẹ để đâu hết rồi, mọi khi con vẫn để ở chân giường mà… Con xin mẹ từ nay mẹ đừng làm gì trong buồng của con cả. Con tự lo lấy được mà.”

Rồi con bỏ vào buồng, im lìm suốt buổi tối hôm đó.

Con ơi, con có biết những giờ phút ấy mẹ đã phải trải qua những tâm trạng như thế nào không. Mẹ ân hận vì đã làm con không vui! Mẹ buồn rầu vì con đã không hiểu cho lòng mẹ. Mẹ cô đơn vì không có ai chia sẻ nỗi buồn với mình. Mẹ lo lắng vì tính nết hoang toàng của con như thế thì khi lấy chồng, người chồng nào chịu cho nổi… Ðêm ấy mẹ đã ngủ trên ghế sa lông để thấm thía nỗi buồn của mẹ mà nào con cũng đâu có hay.

Thế mà cảnh sống ấy cũng qua mau trong sự chịu đựng của mẹ. Bây giờ con ra trường, có công ăn việc làm, con đi về thất thường, có khi bỏ mẹ vò võ chờ con đến cả tuần. Mẹ cũng chẳng dám hỏi con.
Ðến một ngày, hình như mẹ nhớ là ngày Mother’s Day, con mua một bó hoa hồng tươi về ôm lấy mẹ mà chúc mừng mẹ. Buổi chiều hôm ấy là ngày hạnh phúc nhất đời của mẹ. Mẹ cứ đi ra đi vào lóng ngóng chờ con mở cửa buồng để hỏi xem con thích ăn món gì mẹ sẽ nấu. Nhưng tối đến con đã chải chuốt mở cửa buồng đi ra mời mẹ đi ăn tiệm. Lại một hạnh phúc bất ngờ khác đến. Mẹ như được bơi lội trong hạnh phúc đến độ không thay nổi bộ quần áo đẹp để đi với con.

Sau bữa ăn thịnh soạn với cá 8 món, con đã thản nhiên nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi bây giờ con phải đi làm việc suốt ngày mà mẹ thì già rồi, ở nhà một mình không có ai chăm sóc nên con đã xin cho mẹ được vào sống ở khu người già, có người trông nom hằng ngày. Mẹ không phải lo gì cả. Ðến bữa có người dọn cho ăn. Ðau ốm có y tá săn sóc. Cuối tuần con sẽ về thăm mẹ, mẹ nhé.”

Bể hạnh phúc đã vỡ tan. Những bong bóng hạnh phúc chỉ còn ảo mờ như những bọt xà bông trong chậu tắm. Nó đó phản chiếu muôn mầu và vỡ ngay sau đó.

Trong lòng mẹ chợt vẳng nghe lại được câu nói của bà ngoại xưa đã nói với mẹ, “Nước mắt chảy xuôi, con ạ.”

Từ Uyên

oOo

Trong những câu thơ hay bài viết được trích dẫn như trên, tình thương cho con cái, bóng dáng mẹ hiền bao la như vũ trụ, bài văn của Trúc Hạ phản ảnh cái văn hóa quê hương, bài của Từ Uyên nêu lên cái thực tế đau lòng vì có những mẹ già rất cô đơn nơi xứ người. Những cảm nghĩ kết luận bài viết xin dành cho độc giả, và tôi xin ghi lại đôi dòng của nhà văn Trần Trung Đạo viết về hiền mẫu:

"Mẹ là biểu tượng trọn vẹn và tuyết đối của tinh thần Chân Thiện Mỹ. Nếu có một người để chúng ta có thể san sẻ những điều thầm kín, riêng tư nhất, thì người đó phải là mẹ. Nếu có một người có thể tha thứ cho chúng ta dù phạm phải bất cứ một lỗi lầm gì, người đó sẽ là người mẹ. Tôi tin, nếu chúng ta biết dành ý nghĩ đầu tiên của một ngày, thay vì để nghĩ đến chuyện hơn thua, danh lợi nhưng là để nghĩ về mẹ, nghĩ về khuôn mặt của mẹ, tiếng cười của mẹ, lời dặn dò của mẹ hay thậm chí chỉ để gọi tiếng mẹ thôi, chúng ta sẽ có một ngày an lành và hạnh phúc."
Việt Hải Los Angeles. Mother's Day 2019. Gửi Má sắp nhỏ Việt & Nam.
-----------------------------------------------------------------------------------
Không còn được gọi hai tiếng ‘Mẹ ơi!’
Kim Tuyến Vũ, May 7, 2019
'Mẹ tôi ra đi vào đầu Mùa Xuân 2019, khi vạn vật vừa bừng tỉnh giấc sau những đêm dài ngủ Đông'. (Hình: Tác giả cung cấp)
LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau) 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: ngoclan@nguoi-viet.com
Mẹ tôi ra đi vào đầu mùa Xuân 2019, khi vạn vật vừa bừng tỉnh giấc sau những đêm dài ngủ Đông. Ngoài kia trăm hoa khoe sắc đua nở dưới ánh ban mai rực rỡ, mẹ tôi như đang ngủ giữa rừng hoa hương thơm và tươi đẹp đủ sắc màu. Nhưng mẹ ơi! Nơi đây không phải hội hoa đón xuân mà nơi nhà quàn âm u, lạnh lẽo của mấy chục vòng hoa tang tiễn biệt thơm mùi nhang khói, và tiếng than khóc vang lên của 8 người con mất mẹ.
Thương mẹ quá mẹ ơi! Không từ ngữ nào có thể diễn tả hết tình mẫu tử thiêng liêng, vô bờ bến của người mẹ. Nhìn mẹ nằm bất động như đang ngủ vậy, bàn tay của mẹ vẫn cầm tràng hạt như đang lần chuỗi, nhưng cũng không che hết những nốt bầm tím trên bàn tay, vì kim tiêm lấy máu, tội nghiệp mẹ quá mẹ ơi!
Mẹ ơi! Mẹ ngủ mẹ dậy đi
Sao mẹ bất động chẳng nói gì
Có nghe chúng con đang gọi mẹ
Di ảnh mẹ cười chẳng nói chi!
Kỷ niệm về mẹ cứ bồi hồi tràn về trong ký ức tôi, kỷ niệm về mẹ nhiều lắm, kể không hết.
Nhớ ngày xưa còn ở Việt Nam, mẹ giỏi lắm, mẹ tháo vát tần tảo bán buôn, dù có vất vả nhưng mẹ vẫn hy sinh để chúng con được đủ đầy, cơm no áo ấm bằng người. Hai chị em gái hơn nhau 3 tuổi, lúc nào mẹ cũng mua quần áo và giày dép giống nhau, tóc mẹ cũng cắt búp bê hai đứa giống nhau nữa. Nhìn lại hình chụp mới thấy mẹ quan tâm, lo lắng cho lúc nào cũng ăn mặc gọn gàng, nhìn cứ tưởng hai chị em sinh đôi.
Nhớ những trưa Hè nắng oi ả, chị em tôi hay đứng trước sân nhà nhìn ra đường quốc lộ, chờ mẹ về để có quà. Đúng như câu thường nói: “Mong như mong mẹ đi chợ về.” Khi chiếc xe lam đậu xịch ngoài đường, chị em tôi chạy ùa ra reo lên mừng lắm. Mẹ vào nhà phát quà cho các con. Tôi thích nhất bịch chè bột báng nước dừa có những quả ớt xanh đỏ như đang bơi lội trong đó mà người nấu chè khéo làm giống y quả ớt. Chè ngon, ngọt lịm làm sao, chắc nó được hòa cả tình yêu của người mẹ thương con trong đó. Mẹ ơi! Tình mẹ thương con bao la quá, chưa bao giờ mẹ về chợ quên mua quà cho các con.
Mẹ tôi kể ngày xưa nhà ông bà ngoại tôi có tàu đánh cá, nên cuộc sống cũng sung túc, mẹ tôi có năm anh em, từ khi ông bà ngoại tôi bị bịnh qua đời, mấy anh em mồ côi cha mẹ. Lúc đó mẹ mới 14 tuổi, vất vả từ bé nên mẹ rất giỏi dang công việc, và vì nhà có tàu đánh cá, nên mẹ tôi rành về tên các loại cá lắm, nhờ mẹ chỉ dạy nên tôi cũng biết tên nhiều loài cá.
Mẹ tôi có trí nhớ và thông minh nữa, ngày xưa chưa có máy chỉ đường, con đường bên Cali đi qua một lần là mẹ nhớ, lần sau đi mẹ chỉ đường cho lái xe. Mẹ tôi thỉnh thoảng hay đọc thơ ngày xưa cho con cháu nghe, chúng tôi thấy mẹ có trí nhớ quá, cứ hay nói cho mẹ vui: “Mẹ giỏi và thông minh sáng dạ nếu mẹ được học đến nơi đến chốn chắc mẹ làm kỹ sư, luật sư hay bác sĩ rồi.”
Mẹ ơi! Mẹ trên 90 tuổi rồi mà mẹ còn minh mẫn lắm, trước khi mẹ mất một tuần, mẹ tôi còn đọc bài thơ về các loại trái cây cho tôi nghe và viết lại:
Quả khế năm mũi năm khe
Quả na nứt nẻ như đe thợ rào
Quả mận kẻ ước người ao
Quả mi lóng lánh như sao trên trời
Còn quả lê, quả lộng, quả chuông, quả dừa, quả dứa, quả mít… tôi kể hết thì không tiện. Thể thơ lục bát mà mẹ tôi thuộc lòng hết bài thơ này.
Thế là gần hai tháng con mất mẹ rồi.
Bóc tờ lịch ngày 14 là ngày mẹ qua đời, nỗi buồn lại trào dâng trong con, thương nhớ mẹ quá mẹ ơi!
Những đêm về không gian tĩnh mich, qua khung cửa sổ màn đêm với ánh trăng vàng yếu ớt, gió lay động những tàng cây, chiếc lá, tôi tưởng tượng ước gì mẹ đang về với ánh mắt dịu hiền của mẹ thân yêu âu yếm bên tôi. Ôi! Còn đâu mẹ ơi! Công ơn sinh thành như trời biển bao la, mẹ đi rồi con chỉ còn gặp mẹ trong giấc mơ mà thôi!
Mẹ xa con thật rồi!
Con đau khổ lệ rơi
Đêm mẹ về trong mộng
Con bỗng gọi mẹ ơi!
Dù có ở tiểu bang nào, mẹ tôi vẫn nhớ miền Nam Cali nắng ấm vì người Việt đông vui và còn tiện thăm mộ ba tôi. Gần bốn mươi năm ở xứ người mẹ luôn có đời sống đạo đức, mẹ siêng năng mần chuỗi mân côi hàng ngày, cầu mong Chúa và Mẹ Maria đưa mẹ mau về hưởng tôn nhan thánh chúa.
Tang lễ của mẹ tôi được cử hành lúc trời rạng sáng, khi đoàn xe tang nối đuôi chầm chậm rời nhà thờ Kiếng thành phố Garden Grove của tiểu bang California, để tiễn đưa mẹ tôi an nghỉ ngàn thu tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành. Lòng tôi đau quặn thắt con tim, trời ban mai trong sáng đón chào một ngày mới, mà mắt tôi lệ nhạt nhòa, cảnh vật như bị màn sương che phủ, trời đất như đang quay cuồng, thế là từ nay chẳng còn mẹ dạy bảo tôi mất mẹ rồi, mẹ ơi!
Mẹ ơi! Hai tiếng mẹ ơi!
Chúng con gọi mẹ những lời còn đâu
Trời đất như sập trên đầu
Chúng con than khóc âu sầu thương thay
Mẹ luôn vất vả đêm ngày
Bán buôn tần tảo đến nay chẳng còn
Một thời lận đận long đong
Nuôi con khôn lớn mong con nên người
Mẹ ơi! Mẹ hỡi mẹ ơi!
Chúng con thương mẹ dâng lời cầu kinh
Mẹ như sao sáng lung linh
Mênh mông như biển thái bình bao la
Mẹ ơi! Chúa gọi về nhà
Cầu mong mẹ hưởng thánh nhan Chúa Trời
Giờ đây cách biệt đôi nơi
Chúng con thương nhớ, muôn đời nhớ thương.
Có con chim nhỏ kêu “chíp chíp” đâu đó ở nghĩa trang. Chim ơi! Chim cũng như tôi mất mẹ rồi, mãi mãi và mãi mãi không còn mẹ trên cõi đời.
Ai còn mẹ thật hạnh phúc biết bao, khi được cài bông hồng màu đỏ ... Xem tiếp link sau nhe...
https://www.facebook.com/viethai.tran.942/posts/2209972792426712