Sunday, 12 May 2019

MÁ - MOTHER 🌹❤️ A story for Mother’s Day by Nguyễn Đức Nam

Image may contain: 1 person, smiling, standing and outdoor
(This photo was taken almost 44 years ago in my Mother’s backyard)

1) 
Má tôi sanh ra trong một gia đình nghèo ở Rạch Giá. Hồi nhỏ, Má học cùng trường tiểu học với Nhạc Sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng, sau này là Đại Tá Cục Trưởng Cục Quân Cụ QLVNCH....

Má học giỏi và đặc biệt có khiếu về sinh ngữ. Hết bậc tiểu học, bà Ngoại thu xếp việc nhà, đưa Má lên Saigon, cố gắng lo cho Má vào học trường Gia Long. Nhà nghèo, Má vừa đi học, vừa kèm trẻ em tại tư gia để có thêm tiền đóng học phí cho lớp Anh ngữ. 

Má thích văn chương, mê đọc sách, nhất là sách ngoại ngữ và truyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Sau khi học xong bậc trung học, vì mê những cảnh được mô tả trong tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, Má xin ra Hà-Nội học Đại Học nhưng bà Ngoại không chấp thuận vì Má là con gái độc nhất, bà Ngoại không muốn xa con, không muốn con gái cưng sống bơ vơ ở xứ “Bắc Kỳ” xa xôi. 


Vì hiếu học và cũng vì thích đi tìm những chân trời mới, Má đã nhận lời lấy một Giám Thị ngành Hoả Xa, người miền Trung, lớn hơn Má một giáp vì ông Giám Thị này có văn phòng ở Hà-Nội và vào Nam, ra Bắc thường xuyên.

Nhưng chưa kịp theo Ba ra Bắc, làm thủ tục nhập học Đại Học Hà-Nội thì Má có bầu và sanh anh Hai, được Ông Bà Nội ngoài Huế đặt tên là Vương Nam, có nghĩa là Vua của Miền Nam. Không muốn phí thời giờ, sau khi sanh anh Hai, Má ghi danh học Đại Học Văn Khoa Saigon, ban Anh Văn.

Rồi vi tình hình miền Bắc bất ổn, hết Tầu đến Nhật chiếm đóng đất nước, quân Việt Minh chống Pháp, đánh phá khắp nơi, Ba không làm việc ở Sở Hỏa Xa Thường Tín (Hà Đông) nữa và đổi về làm ở Cần Thơ. Thế là Má tan mộng ra Hà-Nội học và ước mơ được bước trên đường Cổ Ngư khi tan trường về.

Rồi hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước. Lúc ấy, Má đã học xong Cử Nhân Văn Chương, ban Anh Văn ở Đại Học Văn Khoa Saigon và ghi danh học Cao Học. Anh Hai Vương Nam cũng vừa 4 tuổi, không dư tiền thuê người làm và anh Hai phá lắm, bà Ngoại trông không nổi nên nhiều khi Má phải dẫn anh Hai đi học cùng, ngồi ở cuối lớp để ghi notes.

Cũng may là cuối năm ấy, Má được nhận vào trường Gia Long, dậy Anh Văn theo khế ước tạm thời, dậy  không đủ 40 tiếng nhưng cũng có đồng ra đồng vào nên gia-đình tạm đủ ăn, đủ mặc.

2) Gái Một Con....

     Má có nét đẹp Tây Phương : cao, chân dài và thon nên mặc Đầm rất hợp. Trông Má, người ta nghĩ đến một cô Đầm lai vì Má không giống như những phụ nữ Việt khác. Mới ngoài 20, có một con, Má đẹp mặn mòi, cao sang, quí phái. “Gái một con trông mòn con mắt”, các cụ nói thật không sai. Má đi đến đâu, đàn ông, con trai ngơ ngẩn tới đó. 

Ba làm việc ở Cần Thơ, mới được lên chức Giám Đốc Ty Hoả Xa, vì bận việc nên lâu lâu mới về thăm nhà. Lúc đầu thì Ba về nhà vào cuối tuần, sau đó, thì hai tuần một lần rồi một tháng một lần. Có người khuyên Má cẩn thận vì gái Cần Thơ đẹp lắm. Má chỉ cười cười vì thực sự Má lấy Ba không vì yêu. Vả lại, Má chỉ lo học và lo chăm sóc anh Hai Vương Nam. Niềm vui của Má là học và đọc sách, nghe nhạc. 

Có một người bạn cùng dậy tại trường Gia Long với Má cho Má hay là Bộ Giáo Dục đang tuyển chọn 2 Giáo Sư Anh Văn để gửi sang Mỹ học Cao Học về ngành Giáo Dục. 

Má lật đật đi nộp đơn dù biết mình chỉ là Giáo Sư “dậy giờ”, khó mà vượt qua được những Giáo Sư thực thụ đã có nhiều năm kinh nghiệm. Vậy mà, nhờ Trời (hay nhờ đẹp ?) trong hàng trăm đơn xin du học , Má được chọn cùng với một Giáo Sư của trường Pétrus Ký, được học bổng 4 năm học Cao Học và Tiến Sĩ tại Louisville University, Kentucky, USA. 

Nỗi vui của Má không thể nào tả nổi: bao công lao trau dồi ngoại ngữ nay đã được bồi đáp.. Học bổng của Má quá đủ để trả tiền người làm, trông nom anh Hai và gửi Ngoại để chi tiêu cho gia đình. Tuy nhiên niềm vui ấy không hoàn toàn trọn vẹn vì Má phải xa con nhỏ, xa Mẹ già, xa bạn bè và ngôi trường Gia Long thương yêu. 

Nhưng nghĩ đến tương lai, đến kiến thức được trau dồi, 
hấp thụ tại Mỹ, Má gạt lệ, lên đường.



3) Quê Hương Ngày Về.

Bốn năm học hành miệt mài rồi cũng qua. Má đã đạt được mộng ước : một bằng Master of Arts và một bằng Ph.D về Giáo Dục, đồng thời tìm được nhiều bạn từ mọi quốc gia trên thế giới. Niềm vui nhất của Má là được hầu hết Giáo Sư khen thưởng về sự chuyên cần học hành. Dù sao đi nữa thì cũng không có gì vui bằng ngày về quê hương.......

Ba ra đón Má ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Chỉ thấy Ba và chú tài xế, Má hỏi Ngoại và Vương Nam đâu thì Ba nói : Nam đau, Ngoại phải ở nhà trông cháu. Má không nghi ngờ gì cả nhưng vừa bước vô nhà, thấy hình Vương Nam trên bàn thờ, Má té xỉu ngay lập tức. 

Ba đã chuẩn bị trước nên đã có sẵn Y Tá chờ trong nhà.

Sau khi được Y Tá chích thuốc cho tỉnh lại, Má không khóc, bình tĩnh hỏi Ba và Ngoại về cái chết của anh Hai. 

Chỉ có Ngoại trả lời Ba vì khi anh Hai mất, Ba ở Cần Thơ, đâu có biết gì ! 
Theo Ngoại thì anh Hai bị đậu mùa nhưng không được chữa trị kịp thời nên đã mất. 

Đến lúc đó, Má mới khóc thành tiếng. Má không trách Ba vì Ba đi làm xa, không trách Ngoại vì Ngoại ít học, không biết gì về tật bệnh. Má chỉ biết khóc. Má trách mình vì ham bằng cấp, danh vọng mà bỏ con !!!

Để Má bớt buồn, Ba đưa Má xuống Cần Thơ rồi sang Rạch Giá thăm ông Ngoại. Một vài tuần thăm miền Tây, Má nguôi ngoai đôi chút và có cảm tưởng như sống lại trong những ngày mới cưới. 

Khi về Saigon, Má xin nghỉ dậy ở Gia Long, xin dậy ở Đại Học Văn Khoa Saigon, Đại Học Sư Phạm và làm Giảng Viên ở trường Sinh Ngữ Quân Đội. Tuy nhiên, khoảng 9 tháng sau, Má xin nghỉ phép để sanh một Công Tằng Tôn Nữ tên Minh Ngọc.



4) Người Em Cùng Cha Khác Mẹ. (Half-Brother)…


     Không biết ông Ngoại có bà Nhỏ từ hồi nào, có lẽ từ hồi Ngoại đưa Má lên Saigon học và ở luôn, không về Rạch Giá nữa.
 
Chỉ biết rằng một hôm, có một người đàn ông cao, ốm, mặc một bộ đồ Tây cũ, dẫn một thanh niên trắng trẻo, đẹp trai, đến nhà Má ở Phú Nhuận, gặp Ngoại và Má.
 
Ngoại ngạc nhiên, nói không ra lời. Má thì chỉ thốt lên được một câu “ Ba”. 
Người đàn ông đó, chỉ vào thanh niên đang đứng xớ rớ bên cạnh ông và ngập ngừng nói với Má:

-Đây là Hải, em của con.

Má vô cùng xúc động vì không ngờ mình có một đứa em trai, dù không cùng một Mẹ nhưng Má rất vui. 

Cậu Hải giống ông Ngoại như hai giọt nước. Người ta thường nói : con ngoại hôn, kết quả của mối tình lén lút thường giống cha như đúc. Cậu Hải cao ráo, trắng trẻo, khuôn mặt đẹp trai như tài tử ciné. Ông Ngoại tuy có tuổi, ăn mặc quần áo cũ kỹ nhưng trông rất còn phong độ. Đặc biệt là ông có nét đẹp Tây Phương. 

Thảo nào mà Má trông như Đầm lai.

Ông Ngoại nhìn bà Ngoại nói như năn nỉ:

- Thằng nhỏ 18 tuổi rồi đó, đang học thi Tú Tài. Dưới quê không có trường và không có ai chỉ biểu, bà cho nó ở đây, nhờ chị nó dậy dỗ, tôi xin cám ơn bà...

Nhìn thấy “thằng nhỏ” mặt mũi sáng sủa, y chang ông Ngoại lúc còn trẻ, thuở đang theo đuổi bà, Ngoại không nỡ từ chối lời yêu cầu của ông. 

Từ đó, nhà có thêm một người con trai, không khí cũng đỡ quạnh hiu.

Cậu Hải không xin được vào các trường Chu Văn An, Petrus Ký vì không đủ điều kiện chuyển từ trường làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá đến các trường công lập lớn của Saigon. 

Má xin cho cậu Hải vào học lớp đệ Nhị trường tư thục Chu Mạnh Trinh, gần nhà. 

Mỗi buổi tối, dù bận bịu với bé Minh Ngọc, viên “Ngọc Sáng” của Má nhưng Má cũng bỏ cả tiếng để dậy cậu Hải tiếng Anh. 

Tuy nhiên, trình độ học vấn của trường làng không đủ cho cậu Hải thi đậu Tú Tài. Tình hình chiến sự tại miền Nam càng ngày càng gia tăng. Thanh niên trong lứa tuổi 18-20 nếu đậu Tú Tài thì được tiếp tục học cho hết Đại Học, nếu không thì phải gia nhập quân đội. Cậu Hải được gọi nhập ngũ, thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. 

Nhờ là bạn học từ bé với Nhạc Sĩ Anh Việt, lúc đó là Trung Tá, Phó Giám Đốc ngành Quân Cụ, Má xin cho cậu Hải về làm tại Cư Xá Quân Cụ Trần Quốc Toản. Nhiệm vụ của cậu Hải là lính gác cổng nên cũng không cực khổ cho lắm và có thời giờ để ôn bài, chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài trong năm tới.


5) XA QUÊ HƯƠNG LẦN THỨ HAI.( LEAVES VIETNAM SECOND TIME)

Chiến sự miền Nam càng ngày càng khốc liệt vào cuối năm 1967-1968. Phần lớn thanh niên miền Nam bị động viên hoặc tình nguyện gia nhập các quân binh chủng.

Ngay sau khi thi đậu Tú Tài, Cậu Hải từ Trung Sĩ Quân Cụ, xin nhập học khoá Sĩ Quan Không Quân ở Nha Trang và được chấp nhận ngay vì cậu to khỏe, đẹp trai, rất xứng đáng làm một Phi Công QLVNCH.

Quân đội Bắc Việt tấn công khắp nơi và nội tuyến xâm nhập hầu hết các cơ quan cao cấp của chính phủ miền Nam.

Trường Sinh Ngữ Quân Đội (SNQĐ) nằm trong khu Tổng Tham Mưu QLVNCH được chuyển về trường sở mới, gần Bệnh Viện Cộng Hoà. Ngày nào có giờ dậy, Má phải đi xa hơn mấy cây số. Má không ngại phải đi xa nhưng Má lo ngại về sự an ninh vì đã có lần trường SNQĐ bị gài bom ở cổng nhưng may mắn nhân viên an ninh của Tiểu Khu đã phát giác và phá hủy quả bom đó.

Một người bạn cùng lớp với Má ở Louisville University, đang làm cho văn phòng Thông Dịch của Liên Hiệp Quốc ở New York, điện thoại cho Má hay văn phòng Phiên Dịch đang tuyển chức vụ Trường Ban Phiên Dịch vì bà Trưởng Ban đã về hưu. Bạn của Má khuyên Má nên gửi đơn xin việc ngay và nên rời Việt Nam càng sớm càng tốt.

Sau khi anh Vương Nam mất, Má thấy đời sống không còn gì vui nữa. Dù có Minh Ngọc, “viên Ngọc Sáng” của Má bên cạnh nhưng Minh Ngọc bé bỏng, ngây thơ quá, không thể an ủi Má, làm Má bớt buồn.

Ngoài ra, Ba ở luôn Cần Thơ, không về Saigon đều đặn như xưa. Có người quen ờ Cần Thơ cho Má hay hồi này Ba hay theo bạn bè đi nhậu nhẹt và đánh bạc. Má không lo về chuyện đó vì Má cho rằng hôn nhân là duyên số, hết duyên, hết thương yêu thì dứt. Có lẽ đó cũng là một điều giúp cho Má quyết định xin làm cho Liên Hiệp Quốc mà không phải hối tiếc. Má chỉ lo cho Ngoại và bé Minh Ngọc. Má nghĩ là sau khi sang Mỹ, công ăn việc làm trôi chẩy, có chỗ ăn chốn ở chắc chắn, Má sẽ đón Ngoại và Minh Ngọc qua sống ở New York với Má.

Má gửi thư xin ông Ngoại cho Dì Út, em cậu Hải, lên Saigon ờ với Ngoại, giúp Ngoại trông nom nhà vừa và săn sóc Minh Ngọc. Dì Út học xong Trung Học nhưng không muốn học thêm, đang đi xin việc làm, được gọi lên Saigon thì mừng rơn.

Trong cả trăm, ngàn ứng viên nộp đơn xin chức Trưởng Ban Phiên Dịch cho Liên Hiệp Quốc, một mình Má được chọn. Lý do thứ nhất là Má nói và viết thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Có nhiều ứng viên chỉ nói và viết được một ngoại ngữ. Lý do thứ hai là Má còn trẻ, Liên Hiệp Quốc muốn nhân viên làm lâu năm, không về hưu sớm mất công tuyển chọn và huấn luyện nhân viên mới. Lý do thứ ba là ngoài Anh,Pháp ngữ, Má còn nói được tiếng Trung Hoa mà Má đã học được với ông chủ tiệm Đông Y Dược, hàng xóm của ông Ngoại, ở làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá.

Má rời Việt Nam vào cuối năm 1968, một tháng trước trận Tổng Tấn Công trong dịp Tết Mậu Thân của quân đội miền Bắc.

Tại New York, Má đã khóc hết nước mắt khi coi TV, thấy miền Nam thân yêu đầy khói lửa, chết chóc, tan hoang và không biết Ngoại, bé Minh Ngọc, họ hàng, bạn bè ra sao...


(còn tiếp)