Nhật Bản đang giúp Việt Nam xây dựng hệ thống phòng thủ chống lại sự bá quyền của Trung Quốc về mặt quân sự trong bối cảnh Hà Nội nói rằng lực lượng Bắc Kinh đang chiếm nhiều hải đảo hơn trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và người đồng cấp Việt Nam, ông Ngô Xuân Lịch, đã gặp nhau hôm 2/5 ở Hà Nội để “tăng cường hợp tác” về vấn đề an ninh hàng hải, đài truyền hình Nhật NHK cho biết.
Các chuyên gia quốc tế nhận định với VOA rằng động thái này có thể cho thấy dấu hiệu hợp tác quân sự, quốc phòng Nhật – Việt sẽ thắt chặt hơn trong tương lai.
Ông nói thêm: “Do đó, tôi nghĩ rằng có lẽ phát biểu này có mục đích báo hiệu những mối quan ngại chung, đang hướng đến một phản ứng tập thể.”
Đài NHK loan tin rằng một thỏa thuận giữa hai nước đã mở đường cho nhiều tàu hải quân Nhật Bản đến thăm Việt Nam, cũng như hợp tác kỹ thuật về thiết bị quốc phòng trong giám sát hàng hải của Việt Nam.
Ông Murray Hiebert, phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, nói: “Nhật Bản có thể thiết lập các cuộc trao đổi quân sự, tổ chức đối thoại chiến lược và cung cấp các thiết bị phòng thủ hải quân.”
“Việt Nam đang hướng tới Nhật Bản như một bờ dậu che chắn giữa lúc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, gây thêm áp lực cho Việt Nam, và ép Hà Nội từ bỏ các hoạt động thăm dò dầu khí, ngay kể cả trên thềm lục địa của Việt Nam,” ông Hiebert cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Stephen Nagy, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Christian Quốc tế ở Tokyo, nói: “Phía Nhật muốn hậu thuẫn các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, nhưng họ không muốn thực hiện điều đó bằng quân sự.”
“Thay vào đó, họ sẽ gầy dựng năng lực, xây dựng khả năng tương tác và xây dựng một liên minh các quốc gia sát cánh cùng nhau và cố gắng thực thi luật quốc tế ở Biển Đông,” ông Nagy nói.
Ông Tai Wan-ping, giáo sư kinh doanh quốc tế chuyên ngành Đông Nam Á tại Đại học Cheng Shiu, Đài Loan, nói với VOA: “Tôi nghĩ việc hợp tác (quân sự) Nhật – Việt sẽ mở rộng, từ hợp tác ban đầu trong lĩnh vực kinh tế chuyển sang lĩnh vực chính trị. Vì lẽ rằng các hoạt động quân sự của Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á từ trước đến nay chưa thật mạnh.”