Sunday, 12 May 2019

Nỗi lòng ba người mẹ Việt Nam có con tranh đấu - Ngọc Lan

Từ trái, bà Bùi Thị Thiện Căn - mẹ của nhà báo-blogger Phạm Đoan Trang, bà Nguyễn Thị Kim Liên - mẹ của Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy, và bà Nguyễn Tuyết Lan - mẹ của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. (Hình: Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Những ai quan tâm đến tình hình xã hội Việt Nam sẽ cảm thấy thân quen vô cùng với những cái tên như Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Phạm Đoan Trang, hay Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy, cùng nhiều tên tuổi khác. Họ là những người trẻ dấn thân tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ, nhân quyền, cho một xã hội tự do, công bằng, bất chấp hiểm nguy, tù tội.
Tuy nhiên, để làm được những công việc đặc biệt đó, để hành động của họ có thể lay động lương tâm bao người, để sức ảnh hưởng của họ lan tỏa ra khắp nơi, họ đã may mắn có được sự thấu hiểu, sự đồng tình và cả đồng hành từ những người mẹ.
Từ chỗ không biết con làm gì
“Chắc Kha cũng biết đó là chuyện nguy hiểm nên nó giấu dữ lắm, tôi đâu có biết. Chỉ để ý thấy nó thức khuya, đêm đêm ngồi gõ lách chách với ai cả mấy tiếng đồng hồ, trên gác tôi ngủ không được tôi la nó hoài. Sau đó nó sửa cái buồng lại để vô đó làm, thì đó chính là cái phòng nó in tài liệu, in truyền đơn,” bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy, kể bằng giọng miền Tây chân chất.
Anh Đinh Nguyên Kha là thành viên của nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước, bị chính quyền bắt vào năm 2012 và xử phạt lần đầu với mức án đến 10 năm tù, 3 năm quản chế vì rải truyền đơn chống Trung Quốc xâm lược lãnh hải của Việt Nam. Đến năm 2013, án giảm xuống còn 4 năm tù giam, 3 năm quản chế, nhưng anh phải chịu thêm 2 năm tù nữa vì cáo buộc “gây thương tích.” Anh ra tù vào Tháng Mười, 2018.
Từ một người phụ nữ chỉ biết công việc làm vườn, làm nông ở Thủ Thừa, Long An, bà Kim Liên chỉ biết kêu “trời đất ơi” vì sợ con mình “ở tù đến chết” khi một sáng Tháng Mười, 2012, nghe Kha gọi điện thoại nói được đúng một câu “Mẹ ơi con bị bắt,” bà hộc tốc từ ruộng chạy về và “nhìn thấy công an đứng dài cả cây số trước nhà.”
“Lúc đó tụi an ninh mời tôi vô nói là con tôi bị tình nghi rải truyền đơn trên cầu vượt An Sương ở Hóc Môn rồi đưa giấy xét nhà. Tôi hỏi Kha thì nó nói đúng. Nghe vậy, tôi tá hỏa. Tôi nói ‘trời ơi, con làm chi vậy, con biết con làm vậy là ở tù không?’” Người mẹ có dáng gầy nhom nhớ lại.
Với bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thì có biết con mình bắt đầu viết blog “khi Quỳnh nhìn thấy cảnh nhà em tôi bị cưỡng chế một cách oan uổng, còn nhà tôi thì bị lấy một nửa.”
Blogger Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù về tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước” vào năm 2017. Trước đó, cô tham gia vào các hoạt động biểu tình phản đối Formosa, đòi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam. Do sự vận động và áp lực quốc tế, nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải đưa cô từ nhà tù ra thẳng phi trường để sang Mỹ hồi Tháng Mười, 2018.
Tuy nhiên, bà Tuyết Lan cho biết, “Ngày trước có phong trào ‘multiply’ nhưng Quỳnh không chịu ‘add nick’ tôi vì biết hai mẹ con thế nào cũng có xung đột. Khi qua Facebook thì nó cũng ‘block’ tôi. Muốn biết con tôi viết cái gì, tôi phải nhờ người khác mới đọc được những bài mà con tôi để công khai, còn không thì tôi phải mày mò hỏi thăm người này người kia xem hôm nay Quỳnh viết cái gì mà bị thế này thế nọ.”
Từ sau Tết 2018, mẹ của nhà báo-blogger Phạm Đoan Trang không còn cơ hội sớm hôm hủ hỉ cùng con gái, vì an ninh theo dõi, truy đuổi cô sau khi quyển “Chính Trị Bình Dân” được xuất bản. (Hình: Bùi Thị Thiện Căn cung cấp)
Nhưng, người mẹ Nha Trang có giọng nói chứa đầy nỗi niềm này cũng cho rằng, “Bản tính của tôi là hay phản kháng lại những bất công, nên tôi thấy con tôi không làm gì sai khi nó viết ra những điều nó cho là bất công.”
Riêng với bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà báo-blogger Phạm Đoan Trang, thì sau hai bài báo cô viết có nhan đề “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam” và “Không khai thác bauxite Tây Nguyên” khiến cô lần đầu tiên bị bắt giữ suốt chín ngày để điều tra, chính là “dấu mốc để thay đổi nhận thức của cả hai mẹ con về chế độ.”
Những khoảnh khắc không quên
Cả ba người mẹ này đều giống nhau ở một điểm: họ nhớ như in từng thời điểm khắc nghiệt xảy ra cho con mình, họ nhớ chính xác số ngày mỗi lần con họ bị bắt giam. Và mỗi người mẹ có những khoảnh khắc chết lặng khi chứng kiến những nguy biến xảy ra cho con mình.
Với mẹ của Đoan Trang thì đó là ngày “an ninh đến tận nhà, lục soát tìm kiếm tài liệu Trang viết và sau đó bắt Trang đi, vì theo lời của một cậu an ninh nói với tôi là Trang làm việc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, tuyên truyền chống đối chế độ.”
“Họ bảo tạm giam ba ngày để điều tra. Rồi sau lại tạm giam tiếp ba ngày nữa, rồi lại ba ngày nữa, tổng cộng là chín ngày thì họ thả về. Thực ra trước đây tôi cũng là đảng viên đảng Cộng Sản. Nhưng khi thấy con mình làm một việc rất trong sáng, nói lên sự thật ‘Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam,’ và ‘Không khai thác bauxite Tây Nguyên’ mà tại sao lại bị bắt. Từ đó hai mẹ con cảm thấy không còn điều gì đó gọi là tin yêu chế độ nữa,” bà cựu giáo chức 80 tuổi ở Hà Nội nhớ lại.
Bà Kim Liên thì không thể nào quên cảm giác “trời đất như sụp đổ” khi nghe tin đứa con trai thứ hai Đinh Nhật Uy bị bắt chỉ hơn năm tháng sau khi con trai út Đinh Nguyên Kha bị tạm giữ không cho gặp mặt.
“Lúc đó tôi tưởng chừng trời đất sụp đổ dưới chân, đứng mà tưởng khuỵu xuống luôn,” bà hồi tưởng.
Bà Liên kể, “Lúc Kha bị bắt thì tôi sợ lắm, hoang mang đủ thứ, vì biết là tụi nó sẽ ghép tội này rất nặng. Nhưng đến khi nghe tin thằng Uy bị bắt thì tôi không thấy sợ nữa, vì tôi nghĩ nó có làm gì đâu mà bị bắt, nó chỉ lên tiếng trả lời cho báo đài biết là vì sao em nó bị bắt thôi.”
“Mèn ơi, lúc đó giống như con cọp, con sư tử trong người tôi nổi dậy. Vừa mới lên Sài Gòn lo kiếm luật sư cãi cho thằng Kha xong thì thấy điện thoại của hàng xóm gọi báo tin công an bắt thằng Uy đưa về nhà khám xét. Từ Sài Gòn tôi chạy xe về Long An chỉ một tiếng đồng hồ, tưởng chết mà sao không chết, vì chạy nhanh quá mà,” người mẹ kể như thể sự việc đang tái hiện trước mắt.
Mẹ của Kha và Uy kể rằng bà đã “làm dữ lắm, chửi tụi an ninh không còn nước nào, kêu tụi bây lột bộ đồ công an ra đánh tay đôi với tao, tụi nó kêu ký biên bản gì tôi cũng không ký.”
“Khác hẳn sự lo sợ khi nhìn thấy Kha bị bắt, lần này tôi nghĩ mình mà không mạnh mẽ lên, không làm dữ lên thì thằng Uy cũng bị ở tù như thằng Kha luôn. Tôi nghĩ tụi bây muốn cả nhà tao chết sao, không được đâu. Phải làm cho tụi nó biết thế nào là một bà mẹ Việt Nam,” người phụ nữ ngoài tuổi 60, tưởng chừng như thân liễu mong manh trước gió, nói một cách rắn rỏi.
Đinh Nguyên Kha và mẹ. (Hình: Facebook KimLiên Thị Nguyễn)
Riêng với bà Tuyết Lan thì giai đoạn kinh khủng nhất đối với bà chính là thời điểm đã phải gia hạn visa đi Mỹ đến lần thứ hai mà phía Việt Nam cũng chưa chịu thả Mẹ Nấm ra, trong khi đó bé Gấu – con trai út của Quỳnh – lại bỗng dưng nổi một cục bướu to dưới cổ và bác sĩ sợ là ung thư.
“Khi đó là Tháng Bảy, 2018, tôi vừa từ Thanh Hóa đi thăm Quỳnh về, chưa kịp bỏ cái giỏ xuống thì nghe Gấu nói ‘ngoại ơi cổ con nổi cục gì to lắm.’ Tôi bỏ nó lên xe chạy đến bệnh viện ở Nha Trang, một ông bác sĩ kêu phải đưa ngay vô Sài Gòn. Lúc đó tôi cảm thấy mình như bị rớt xuống một hố sâu đen thẳm. Tôi ôm Gấu khóc nhiều lắm…” bà Tuyết Lan nhớ lại.
Bà kể tiếp, vẫn bằng giọng nói trĩu nặng những tâm tư, “Thời gian đó tôi không ăn không ngủ được, tôi hoảng loạn. Tôi cứ nghĩ nếu làm sinh thiết, trường hợp xấu nhất mà Gấu bị ung thư thì sao đây, rồi Quỳnh sao đây, và những gì sẽ xảy ra nữa đây… Một ngàn câu hỏi cứ xoay quanh trong đầu tôi mà tôi phải giấu không muốn cho ai biết hết.”
Tất cả vì con
Nếu mẹ của Quỳnh, của Đoan Trang còn ít nhiều biết con mình có những bài viết thể hiện những suy nghĩ bất bình về xã hội, thì mẹ của Kha ngay từ đầu thật sự chỉ biết ruộng vườn, không biết con mình nghĩ gì, làm gì.
Thế nhưng, là một người mẹ, khi thấy con mình gặp chuyện, tin chắc con mình không sai, thì điều duy nhất ngự trị trong suy nghĩ của họ là bằng mọi cách phải cứu con mình, giúp con mình, bất chấp tất cả.
“Người mẹ nào cũng vậy, đụng đến đứa con là tự nhiên họ sẽ khác hẳn. Khi đó nếu ai kêu tôi ra đường cầm cờ vàng đi biểu tình thì con tôi sẽ được cứu ra khỏi tù là tôi cũng sẽ làm luôn, không có sợ gì hết, chỉ biết làm sao cứu Kha và Uy ra, rồi mình vô đó ngồi cũng được. Tâm trạng người mẹ là như vậy đó,” bà Liên nói, giọng ấm áp.
Dĩ nhiên, không ai “xúi” bà làm chuyện nguy hiểm, nhưng từ một người chỉ biết ngọn cây cọng cỏ, chỉ biết khóc và lắp bắp trả lời khi lần đầu thấy con bị bắt, bà Liên không lâu sau đó trở thành người tự tin, cứng cỏi, tập xài máy tính, học cách sử dụng các mạng xã hội, các ứng dụng kỹ thuật, dùng các phương tiện thông tin đó đi đòi công lý, tự do không chỉ cho riêng con mình mà còn cho con của những bà mẹ khác, từ trong nước, sang đến Mỹ, đến Úc.
“Tôi cũng phải khen tôi thông minh mà,” bà cười tự hài lòng.
Dẫu vậy, trái tim người mẹ nào cũng rướm máu.
“Trong 8-9 tháng đầu khi Kha bị bắt, tụi nó đâu có cho mình gặp mặt, trong khi Phương Uyên cũng bị bắt chung vụ đó thì gia đình được phép thăm. Tôi cũng cùng mẹ của Phương Uyên và bạn bè đi thăm Uyên, rồi đưa họ về nhà mình ở, nấu ăn, cũng cười cũng nói, không để cho ai thấy mình đau khổ, lo lắng, nhưng tối đến là khóc. Giờ nhớ lại còn muốn khóc,” bà chia sẻ.
Mẹ của Đoan Trang thì cũng mang đầy nỗi lòng thương con đến quặn thắt khi chứng kiến những di chứng mà an ninh để lại trên thân thể con gái mình, từ chiếc đầu gối bị sưng húp, tím bầm sau lần đi biểu tình chống chính quyền đốn 600 cây xanh ở Hà Nội, từ đó Trang không bao giờ còn có thể ngồi xổm được. Hay lần tưởng chừng Trang bị chấn thương sọ não vì những đòn thù cũng do an ninh dùng nón cối đánh vào đầu, vào gáy cô trong đêm văn nghệ của blogger Nguyễn Tín tại Sài Gòn vài tháng trước đây.
Và đau đớn hơn, kể từ sau Tết 2018, người mẹ cao tuổi này không còn cơ hội sớm hôm hủ hỉ cùng con gái mình, vì an ninh theo dõi, bắt cóc, truy đuổi Đoan Trang diễn ra ngày một khắc nghiệt hơn sau khi cô cho xuất bản quyển “Chính Trị Bình Dân” khiến cô phải bỏ trốn khỏi Hà Nội cho đến tận nay.
Bà kể, “Năm 2014 tôi có sang Mỹ thăm Trang khi Trang được học bổng theo học về xã hội dân sự và chính sách công trong thời gian ngắn. Đó cũng là thời gian công an trong nước bắt rất nhiều những người bất đồng chính kiến, đấu tranh cho dân chủ. Tôi có nói với Trang ‘Con đừng về Việt Nam vội, con cứ học đi, rồi tìm học thêm một khóa gì nữa mà con nghĩ là có ích, chứ đừng về.’”
Người mẹ nào cũng muốn con mình được sống trong bình an, nhưng trái tim người mẹ lại cũng luôn biết đè nén ước mơ của mình, để con mình được sống theo lý tưởng mà chúng đeo đuổi.
“Tôi đề nghị vậy, nhưng khi nghe Trang nói ‘Con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, con phải có trách nhiệm xây dựng cho Việt Nam tươi sáng hơn, con không nghĩ rằng đi để mưu đồ một cái gì đó cho cá nhân, lấy cớ để ở lại, để tị nạn chính trị. Con không bao giờ nghĩ như thế. Con đếm từng ngày để về’ thì tôi không bao giờ dám đá động đến chuyện ở lại Mỹ với Trang nữa. Và Trang đã về thật,” bà Căn kể.
Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bên mẹ cùng hai con Nấm và Gấu. (Hình: Facebook Quynh Nguyen)
Nếu bà Kim Liên, bà Thiện Căn chỉ tất tả hướng lòng về con, làm mọi thứ cho con, thì bà Tuyết Lan cùng lúc gánh vác nhiều trọng trách hơn khi Mẹ Nấm dấn thân vào con đường tranh đấu. Bà vừa phải chăm sóc mẹ già hơn 80 tuổi bị đau ốm (bà đã mất không lâu trước này gia đình Mẹ Nấm sang Mỹ), vừa dỗ dành nuôi nấng hai con còn thơ dại của Quỳnh, vừa bôn ba ngược xuôi đi tìm kiếm xem Quỳnh bị bắt nơi nào, giam giữ nơi đâu.
Thế nhưng, nỗi lòng người mẹ này cũng chưa từng bao giờ ta thán cho mình, mà cũng chỉ nghĩ cho con.
“Quỳnh ở tù, điều tôi sợ nhất là sức khỏe con tôi. Miền Bắc lạnh thì lạnh thốc trong đầu, nóng thì cũng nóng đáng sợ, tôi không biết con mình có sống nổi với cái nóng, lạnh đó không. Điều thứ hai canh cánh bên lòng là hằng đêm ngủ cạnh Nấm và Gấu, tôi cứ nghĩ tôi sẽ phải nuôi dạy hai cháu như thế nào trong thời gian 10 năm Quỳnh ở tù, có được thành người như con tôi mong muốn không, liệu tôi có bị thiếu sót gì không,” bà giãi bày.
Ước mơ bình dị
Giờ đây, hơn sáu tháng sống ở Houston, Texas, dù cho rằng “Mỹ thật sự vẫn xa lạ hoàn toàn với tôi, tôi biết đất nước này không dành cho tôi nhưng tôi không có đường lùi” thì niềm an ủi lớn nhất của bà Tuyết Lan được đặt hết vào Nấm và Gấu.
“Hai đứa cháu tôi đã linh hoạt hẳn lên, Gấu không còn sợ sệt, e dè, nhất là Nấm không còn nhìn người ta bằng cặp mắt căm hờn, oán hận nữa. Đó là điều nâng đỡ tinh thần tôi sống ở đây,” bà Lan cho biết.
Bà tâm sự, “Tôi chỉ muốn ổn định được gia đình, có công ăn việc làm, có một ngôi nhà riêng, con cháu học hành tới nơi tới chốn, trở thành những người hữu ích cho xã hội. Qua đây tôi cũng nợ rất nhiều người những món nợ ân tình, nợ từng chữ ký, nợ từng đồng tiền chắt chiu. Có thể đời tôi không trả được, nhưng tôi có nói với Nấm tất cả những gì mình có hôm nay có thể mình không thể trả cho người trực tiếp giúp mình, nhưng bổn phận của mình là sẽ giúp lại cho những người khác.”
Bà Kim Liên, người đang nuôi hai đứa con trai của mình theo cách “không cho tụi công an có cơ hội cười mình, nhạo báng mình rằng đấu tranh cho lắm để từ giám đốc giờ phải buôn gánh bán bưng,” cũng chỉ mong ước “hai đứa mau lấy vợ để mình có cháu nội bồng ẵm.”
Bà Thiện Căn chia sẻ, “Trong bài hát ‘Mẹ Yêu Con’ của Nguyễn Văn Tý có những câu tôi rất thích, là ‘mừng con biết đi rồi, đi trên con đường mới. Tương lai con đẹp lắm. Mẹ ngắm con cười…’ Khi nào nhớ tới Trang, tôi lại thầm hát câu đó. Tôi hy vọng Trang sẽ đi trên con đường mới đấy để làm cho đất nước tươi đẹp hơn, sáng sủa hơn. Tôi nói với Trang, ‘Mẹ không đồng hành cùng con, nhưng mẹ rất đồng tình với con.’”
Và “ước mong mẹ con được sống bên nhau, vui buồn có nhau” ngỡ như đơn giản đến vô cùng nhưng với hoàn cảnh của Đoan Trang trong xã hội Việt Nam hiện tại, thì đó lại là ước mơ cháy bỏng của người mẹ. (Ngọc Lan)
—–
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com