Saturday, 14 December 2013

“Hiện tượng sám hối” của những người cộng sản phản tỉnh

image

Trong lần nói chuyện với Mặc Lâm đài RFA, nhà văn Trần Mạnh Hảo người đã bị cho ra khỏi đảng CS và đuổi khỏi biên chế nhà nước nói về “Hiện tượng sám hối”của những người cộng sản phản tỉnh đã giác ngộ trước những việc làm sai lầm trong quá khứ, có người đã can đảm sửa sai, có người mới chỉ dám nói lên sự thật, nhưng dù sao họ cũng đã nói lên được cái sai của họ để cho mọi người suy ngẫm. Và nhà văn Trần Mạnh Hảo phân tích:
  
image
Trần Mạnh Hảo
“Theo tôi thì chuyện người ta già, người ta về hưu, khi nhìn thấy cõi chết thì người ta thường quay lại kiểm điểm cuộc đời và con người dù tàn ác đến đâu thì tạo hóa cũng cho một chút xíu lương tâm có thể nó đã ngủ quên cả cuộc đời, nhưng khi về già, khi gần chết thì nó thức tỉnh. Chút xíu đom đóm lương tâm đó lập lòe trong tâm hồn con người mà cả đời họ làm ác, có thể nó thức tỉnh, nó làm cho người ta ân hận sám hối , cho nên người ta nói lên sự thật, nói lên những điều thật nhất mà suốt đời không có cơ hội để nói…
 
image
Nguyễn Văn An
“Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An là một người suốt cuộc đời theo cộng sản nhưng khi nghĩ hưu rồi thì cũng phải nói lên sự thật.  Thà ông như vậy tôi có thể trọng ông ấy hơn là những người cứ câm miệng suốt cả cuộc đời vì lương tri trong người họ không trổi dậy. Nói cho cùng khi lương tri không thức tỉnh trong tâm hồn họ thì họ sống cả cuộc đời không lương tri, không lương thiện”    (RFA online ngày 7-1-2012)
                                                    image
 
Thi sĩ Chế Lan Viên, trong cuộc đời đi theo cộng sản đã là một người tích cực tạo ra cái nghiệp là có biết bao người vì nghe lời ông khuyến dụ nên đã bỏ thây nơi chiến địa mà công trạng của họ sau này không được ai đoái hoài. Nhà thơ đã bị mặc cảm tội lỗi ray rứt.
 
“Có một điều đáng kinh ngạc là Chế Lan Viên có thể là người duy nhất thừa nhận rằng do những dòng thơ tuyên truyền ca tụng của ông mà hàng ngàn con người đã chết trong Mậu Thân. Đây có thể nói chính xác là lời sám hối của một người có lương tri dám nhìn sự thật về tác hại của những lời giả dối của mình trong thơ ca…
 
“Ai ?  Tôi !
 
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó ?
Tôi !
Người viết những vần thơ cổ võ.
 
(Thơ của CLV)
(RFA online ngày 12-1-2012)
 
Cũng trong trận tổng tấn công Tết Mậu Thân ở Huế năm 1968,Lê Minh, người tư lệnh chiến trường đã có can đảm nhìn nhận trách nhiệm, nhưng rồi không biết ông Lê Minh có nhận hình phạt nào tương xứng với tội lỗi của mình bằng hành động cụ thể hay chỉ có sự cắn rứt của lương tâm với vài dòng trong hồi ký !?
image
 
 
“Tôi thấy cần phải nói đến một điều đáng buồn. (Về) Sự tang tóc trong biến cố Mậu Thân 1968 (…) Còn lại một mặt của vấn đề, việc trừng trị những người có tội ác với nhân dân (sic) đã nổi dậy. (…) Rốt cuộc là đã có những người bị xử oan trong chiến tranh. Dù lý do thế nào, trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo, trong đó có trách nhiệm của tôi”.
Có những người khi còn trẻ đã hăng hái theo đảng CSVN như ông Nguyễn Hộ, từng là một đảng viên kỳ cựu, thấy rằng cái đảng mà mình tích cực phục vụ đã không như hoài bão của mình lúc tham gia nên sau khi về hưu, ông cùng một số đồng chí thành lập “Câu Lạc Bộ Những người Kháng chiến cũ ” ở Sài Gòn, lên tiếng chỉ trích chính quyền cộng sản nên đã bị bắt. Khi được thả ra, ông tuyên bố từ bỏ đảng. Trong lời mở đầu cuốn “Quan điểm và cuộc sống” ông viết:
 
 
“Tôi làm cách mạng trên 56 năm, gia đình tôi có 2 liệt sĩ…, nhưng phải thú nhận rằng chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì suốt 60 trên con đường cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu, nhân dân không có ấm no và hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục !. (RFA online ngày 4-7-2009)
 
 image
 
Cụ nhạc sĩ Tô Hải, một nhạc sĩ tài hoa với “Nụ cười sơn cước” sau bao nhiêu năm là một đảng viên tích cực “dối mình, dối người” cảm thấy mình hèn nên cụ đã giải bày tâm sự trong “Hồi ký của một thằng hèn” và sửa lỗi bằng việc cụ đã tích cực viết bài “xét lại chống đảng” vì cụ cho rằng:
 
“Còn tôi, ở cái tuổi ngoài 70, chẳng còn gì để mất, lại được sự cổ vũ của một số lớn bạn bè , tôi cứ “nổ” khi có điều kiện….55 năm miệng bị lắp khóa kéo, nay đã già, đã về hưu, có chia xẻ với bạn đọc những hồi ức của đời mình thì cũng chẳng cần phải e ngại các lời ong tiếng ve rằng mình vì tư lợi, muốn kiếm chác cái gì đây !”. (HKCMTH trang 53)
  
“Quan trọng hơn, tôi đã nhận ra cái nhục của một thằng suốt đời ăn theo, nói leo, nói dối, đã nhìn thấy bộ mặt thật của cái chủ nghĩa cộng sản bất lương mà tôi đi theo một cách vô tình và bất đắc dĩ, không dám rời bỏ nó”.
 
 image
 
Bằng ý thức và hành động phản tỉnh tích cực nhất là luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch MTTQ Tp Sài Gòn, ngày trước ông đã tham gia “cộng sản” chống lại chính quyền Sài Gòn, nhưng rồi sau 45 năm theo đảng CSVN, ông đã “sám hối” qua bài viết “Ai biến chất chính trị…” với lời thống thiết như sau:
“Viết đến đây, tôi cảm khái ngước mặt lên trời và than rằng: “lịch sử ơi, sao chơi trò trớ trêu và cay đắng quá vậy. Ta đi chống chế độ cũ đàn áp nhân dân, nay ta lại gặp cảnh cũ như là trong cơn ác mộng !…”
“Nhân dân Việt Nam trải qua biết bao hy sinh của các thế hệ để mong ước có một chế độ xã hội tốt đẹp hơn nhưng nay lại có nhiều điều còn tệ hơn chế độ cũ”. 

Sau khi ông Lê Hiếu Đằng viết bài “ Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh” thì liên tiếp bị các cây viết “lề đảng” hè nhau đánh hội đồng túi bụi mà điển hình là Thơ ký tòa soạn báo Đại Đoàn Kết Hà Trọng Nghĩa qua bài “Khi người bệnh sám hối”:
“Không ai muốn bệnh, nhưng nếu “sám hối” trên giường bệnh một cách tiêu cực sẽ là rất không nên”.
 
Và Linh Nghĩa, của báo Công An online thì cho rằng:
 
“…ông Lê Hiếu Đằng gọi hành động sám hối của mình là “Tính sổ” với đảng CSVN…
“Nội dung đoạn này chủ yếu Lê Hiếu Đằng kể về “lòng yêu nước của mình” nhưng thực chất là sám hối
“Tự mãn về thành tích trong quá khứ, phủ nhận, bỏ qua thành quả cách mạng, sự hy sinh của đồng bào, đồng chí, ca ngợi chế độ cũ, sám hối về chính trị, chia rẽ nội bộ lãnh đạo đảng…”
  
Cùng một tâm trạng với những người đã từng tham gia vào đảng CSVN, ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ của CSVN tại Thái Lan và Úc trả lời phỏng vấn của hai phóng viên Lê Ngọc Sơn và Phương Loan đăng trên tờ Sinh Viên Việt Nam ngày 26-12-2008 bày tỏ nỗi lòng như sau:
 
Nếu được phép nói thẳng thắn suy nghĩ của tôi về chính thế hệ mình, xin thưa: Trong sự chuẩn bị cho thế hệ trẻ hôm nay trước thách thức mới của đất nước, thế hệ đi trước – trong đó có tôi – đã phạm nhiều lỗi lầm, làm cho thế hệ trẻ ngày nay của đất nước ta bị chậm trễ. Cá nhân tôi thực sự ăn năn về điều này.
“Tôi cho rằng thế hệ chúng tôi đã phạm không ít lỗi, do nhiệt tình cách mạng, do sự bất cập” .

Hai anh em ông Huỳnh Nhật Hải, Phó chủ tịch UBND Tp Đà Lạt vàHuỳnh Nhật Tấn, Phó giám đốc trường đảng CS Lâm Đồng, là gia đình có truyền thống cách mạng, nhưng sau bao nhiêu năm tham gia hai ông đã thấy được sự sai lầm của mình nên đã từ bỏ đảng CS và đã tâm sự với Bác sĩ Phạm Hồng Sơn như sau:
 
 image
 
Huỳnh Nhật Hải: “Bây giờ nhìn lại con đường chúng tôi đã đi trước 1975 là một con đường sai lầm. Sự nhiệt huyết lúc đó của chúng tôi đã đem lại bất hạnh hơn là hạnh phúc cho dân tộc”.
 
Huỳnh Nhật Tấn:“Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng nên chế độ CS độc tài hiện nay, đã vô tình đem lại sự đau khổ hiện nay…tôi cũng đã vô tình góp công sức đưa những người mang danh “cộng sản” nhưng thực chất là vì quyền lực tới phá bỏ một chế độ đã được xây dựng trên những căn bản về tự do, dân chủ và nhân bản tại miền Nam Việt Nam”.
Hiện tượng sám hối trong đảng CS được tên Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm nhất là trong bài phát biểu về xây dựng, chỉnh đốn đảng mà ông đọc ở Hà Nội ngày 27-2-2012 như sau:
“Có người công khai bày tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Điều lệ đảng, làm trái nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, thậm chí có người “sám hối”, “trở cờ”, tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của đảng bị vi phạm”.
Theo nhà văn Trần Mạnh Hảo thì có những quan chức cao cấp cộng sản khi còn đương chức đương quyền thì ngậm miệng chẳng dám nói ra, khi về hưu nhưng lương tâm còn cắn rứt nên mới dám thốt lên lời sám hối muộn màng. Những người cộng sản tử tế thì đã sám hối, còn đảng cộng sản thì chưa, Phó thủ tướng Trần Phương nêu thắc mắc:
 
 Trần Phương
Nhưng đảng cộng sản VN của chúng ta từ khi sinh ra đến giờ toàn nói dối mà không biết tại sao đảng không biết ngượng, không biết xấu hổ, không biết sám hối ?”.

Hiện tượng sám hối

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2012-01-07
Trong chương trình VHNT hôm nay Mặc Lâm tiếp chuyện nhà văn, nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo về hiện tượng nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam lên tiếng phủ nhận những gì mà họ theo đuổi trong suốt hơn nửa thế kỷ, trong đó không thể không kể đến hai khuôn mặt của văn học nước nhà là nhà văn Nguyễn Khải và nhà thơ Chế Lan Viên.
TranManhHao150.jpg
Nhà văn Trần Mạnh Hảo. RFA file photo.
Trước tiên xin tóm lược một ít chi tiết về quá trình làm việc của nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo. Theo như ông kể thì ông sinh năm 1947 tại Nam Định. Lúc nhỏ Trần Mạnh Hảo theo cha xứ đi giúp lễ và học kinh sách giáo lý chủng viện công giáo. Lớn lên đi học, vì lý lịch xấu không được vào đại học.
Năm 1975 ông từ rừng Lộc Ninh về Sài Gòn, ra khỏi lính làm báo dân sự. Năm 1982 vì viết bài thơ “Cho một người nằm xuống” để khóc Nguyên Hồng ông bị treo bút ba năm. Năm 1989, in tiểu thuyết Ly Thân, ông bị cho ra khỏi đảng, đuổi khỏi biên chế nhà nước.
Trần Mạnh Hảo đã xuất bản trên dưới 30 đầu sách. Tuy nhiên từ 10 năm nay các bài viết của ông bị cấm in trên báo lề phải, không được xuất bản sách trong nước. Trần Mạnh Hảo thú nhận hiện nay ông chỉ còn viết trên Internet cho vui… Trần Mạnh Hảo cũng khẳng định rằng ông không làm chính trị mà chỉ làm văn học, làm sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút là nói lên, viết lên sự thật.

Thức tỉnh

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông Trần Mạnh Hảo, câu hỏi đầu tiên có lẽ xin ông cho biết tại sao lúc gần đây lại có hiện tượng rất nhiều cán bộ cao cấp và văn nghệ sĩ nổi tiếng đã phát ngôn hay sáng tác nói lên những điều mà nhiều năm trước đây không ai dám nghĩ là sẽ xuất hiện trong chế độ toàn trị của đảng cộng sản Việt Nam?
Trần Mạnh Hảo: Theo tôi thì chuyện người ta già, người ta về hưu, khi nhìn thấy cõi chết thì người ta thường quay lại kiểm điểm cuộc đời và con người dù tàn ác đến đâu thì tạo hóa cũng cho một chút xíu lương tâm có thể nó đã ngủ quên cả cuộc đời nhưng khi về già, khi gần chết thì nó thức tỉnh. Chút xíu đom đóm lương tâm đó lập lòe trong tâm hồn con người mà cả đời họ làm ác, có thể nó thức tỉnh, nó làm cho người ta ân hận sám hối cho nên người ta nói lên sự thật, nói lên những điều thật nhất mà suốt đời không có cơ hội để nói.

Về hưu mới dám nói thật

vo-van-kiet-250.jpg
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (giữa), cựu Chủ tịch nước Võ Chí Công (trái), và Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt (phải) tại hội nghị BCH đảng CSVN lần thứ 9. AFP PHOTO.
Mặc Lâm: Cũng có người tiếc rẻ khi những phát ngôn của nhiều cán bộ cao cấp tung ra quá chậm, khi họ đã về hưu do đó không còn tác động gì lớn lao đối với hệ thống như khi họ còn tại chức, đương quyền…
Trần Mạnh Hảo: Cái chuyện đó tôi cho là cũng rất bình thường vì trong một xã hội toàn trị như Việt Nam thì những người là cán bộ cao cấp họ không có dịp nói thật khi họ cầm quyền, vì nói thật ở Việt Nam là nguy hiểm vô cùng. Bởi vì cái hệ thống chính trị của họ là một hệ thống chính trị thật sự xa rời mục tiêu của sự thật.
Ví dụ như ông Võ Văn Kiệt đã lên tới Thủ tướng chính phủ, khi ông ấy làm Thủ tướng ông ấy không dám nói thật nhưng khi về hưu rồi mới dám nói thật. Ông nói thật một điều rất tâm huyết rằng ngày 30 tháng Tư là cái ngày có một nửa nước vui, một nửa nước buồn. Một triệu người vui thì có một triệu người Việt Nam buồn. Ông ấy nói câu ấy là quá đúng. Những người miền Nam Việt Nam hồi đó họ thua trận họ vẫn có lý tưởng rất là tốt đẹp phục vụ đất nước, dân tộc. Nhưng thua trận nên họ buồn và còn bị bắt đi tù đày hàng loạt… họ buồn là đúng chứ sao bắt họ vui cho được?
Ông Kiệt đã nói lên một sự thật mà sự thật này khi đang làm thủ tướng ông ấy không thể nói được cho đến khi về hưu mới nói được sự thật này. Chính việc nói lên sự thật này dần dần ông sẽ nói ra các sự thật khác cho nên rất nguy hiểm cho tính mạng của ông ấy.
Cái chuyện đó tôi cho là cũng rất bình thường vì trong một xã
hội toàn trị như Việt Nam thì những người là cán bộ cao cấp họ không có
dịp nói thật khi họ cầm quyền, vì nói thật ở Việt Nam là nguy hiểm vô
cùng.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo
Mặc Lâm: Còn chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thì sao thưa ông?
Trần Mạnh Hảo: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An là một người suốt cuộc đời theo cách mạng, theo cộng sản nhưng khi nghĩ hưu rồi thì cũng phải nói lên sự thật. Thà ông như vậy có thể tôi trọng ông ấy hơn là những người cứ câm miệng suốt cả cuộc đời vì lương tri trong người họ không trổi dậy. Nói cho cùng khi lương tri không thức tỉnh trong tâm hồn họ thì họ sống cả cuộc đời không lương tri, không lương thiện.
Ông Nguyễn Văn An nói như thế này, Ông bảo hiện giờ không cải tạo được đất nước vì cái sai lầm là của hệ thống mà muốn thay đổi cho đất nước tiến lên thì phải thay cái hệ thống cộng sản này.
Mặc Lâm: Còn riêng về Phó thủ tướng Trần Phương thì sao?
Trần Mạnh Hảo: Ông Phó Thủ tướng Trần Phương là một người cũng tận tụy đi theo cách mạng. Làm đến Phó Thủ tướng nhưng khi các ông ấy ngồi lại để góp ý cho đảng thì ông ấy nói rằng cuộc đời trong mỗi cá nhân chúng ta để vượt qua những sự kiện quan trọng trong đời mà cứ phải nói dối người thân, nói dối gia đình, nói dối mọi người đến mấy lần thì khi về già đã thấy ngượng, thấy xấu hổ lắm. Nhưng đảng cộng sản của chúng ta từ khi sinh ra đến giờ toàn nói dối mà không biết tại sao đảng không biết ngượng, không biết xấu hổ, không biết sám hối. Đấy là một cán bộ cao cấp khi về hưu đã nói như thế.

Bi kịch Đi tìm cái tôi đã mất

che-lan-vien-250.jpg
Nhà thơ Chế Lan Viên và tác phẩm “Điêu tàn”, NXB Văn học.
Mặc Lâm: Riêng về văn nghệ sĩ thì sao thưa ông?
Trần Mạnh Hảo: Giới văn nghệ sĩ rất nhiều anh em đã nói nhưng nổi bật nhất vẫn là ông Nguyễn Khải và Chế Lan Viên. Ông Nguyễn Khải là một nhà văn đi theo cách mạng từ năm 1945 là con một tri huyện mà là con một bà vợ hai nên khi theo cách mạng ông khai là không có cha để tránh việc bố ông ấy là quan huyện. Quê cha ông ở Nam Định nhưng ông khai quê mẹ ở Hải Dương và không có cha. Cha ông ấy sau này đến năm 54 thì di cư vào Sài Gòn.
Ông Nguyễn Khải là một nhà văn rất trí thức mặc dù ông chỉ học chưa hết trung học của thời Pháp nhưng ông ấy chịu đọc và suy nghĩ viết lách rất giỏi và rất thông minh. Cả cuộc đời ông ấy viết theo mệnh lệnh của đảng. Tất nhiên những cuốn sách ông ấy viết đã lách ra khỏi hệ thống một tí mà bây giờ người ta gọi là lề trái.
Trong sách ông ấy viết về lề phải nhưng khi mở ra người ta thấy đầy lề trái trong đó. Tức là cái lề phải là lề của đảng cộng sản còn lề trái là lề của những người bất đồng.
Trước khi chết ông Nguyễn Khải có viết mấy bài, sau khi ông ấy chết mới tung ra rất là sâu sắc. Nói chung là ông ấy viết một cách trí thức chứ không phải chửi bới vớ vẩn. Bây giờ ai vào trong Google đánh chữ Nguyễn Khải đều hiện lên những bài của ông ấy nói về những đau đớn của ông ấy như bài “Đi tìm cái tôi đã mất” hay là “Nghĩ muộn”. “Đi tìm cái tôi đã mất” ông lấy trường hợp của bản thân ông, một con người sinh ra đời, đi tìm chân lý, đi tìm sự thật đã thấy sự thật, chân lý mà không dám vô! Bởi vì đi vào thì sẽ bị tù, sẽ bị bắt sẽ bị giết. Một sự đau đớn vô cùng của một trí thức.
“Đi tìm cái tôi đã mất” ông lấy trường hợp của bản thân ông, một con
người sinh ra đời, đi tìm chân lý, đi tìm sự thật đã thấy sự thật, chân
lý mà không dám vô! Bởi vì đi vào thì sẽ bị tù, sẽ bị bắt sẽ bị giết.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo
Cả bài “Đi tìm cái tôi đã mất” của ông Nguyễn Khải cuối cùng ông ấy kết luận là: Đảng cộng sản nên trả chính quyền cho nhân dân, đã cướp chính quyền của nhân dân rất lâu rồi hãy trả lại cho nhân dân cái quyền đã đánh mất. Các quyền tự do, dân chủ tất cả phải trả lại cho dân. Ông ấy còn nói về thân phận đau đớn của người cầm bút trong chế độ cộng sản mà không dám nói lên sự thật.
Sự thật nó đến nhà nó ở trong tâm hồn mình. Chân lý nó nằm trong tâm hồn mình mà mình sợ, mình run rẩy không dám nhận nó. Mình run rẩy bảo nó cút đi vì nói ra bị tù bị tội rồi vợ con sống làm sao? Đi ăn mày à?
Cả cuộc đời ông Nguyễn Khải ông ấy viết trong sự sợ hãi. Ông ấy bảo làm người mà như con gián thì làm sao thành người được? Nếu quý vị đọc bài này của Nguyễn Khải thì quý vị thấy cái đau đớn vô cùng của người cầm bút trong chế độ cộng sản. “Đi tìm cái tôi đã mất” là một bài viết tôi cho là rất trí thức, rất uyên bác, rất hay. Nói về thân phận của người cầm bút trong một chế độ toàn trị. Trong một chế độ mà không ai dám nghĩ đến sự thật, chân lý. Vì nghĩ đến sự thật, nói đến chân lý thì sẽ bị giết. Đấy là bi kịch lớn của chúng ta trong giai đoạn vừa qua.
nguyen-khai-180.jpg
Nhà văn Nguyễn Khải. Photo courtesy of Quê Choa.
Mặc Lâm: Theo chúng tôi biết thì trước đây ông Nguyễn Khải rất thân tình với ông, có kỷ niệm gì giữa hai ông mà ông cảm thấy cần chia sẻ với thính giả hôm nay hay không?
Trần Mạnh Hảo: Tôi là người đã từng là đàn em thân thiết của Nguyễn Khải. Có những năm ông Nguyễn Khải vào Sài Gòn ở ba tháng trời trong nhà tôi và khi tâm sự với tôi thì ông ấy không nói dối điều gì cả. Ông nhận ra tất cả mọi cái nhưng không dám viết ra. Ông ấy tâm sự với tôi và ổng khóc. Lúc ấy Sài Gòn mới giải phóng vài ba năm ông ấy vào nhà tôi tại một chung cư văn nghệ sĩ ở Sài Gòn. Ông ấy ở với tôi, có ông Lê Lựu nữa.
Có những đêm anh em tâm sự với nhau mà ổng khóc. Bởi vì con người ông Nguyễn Khải có học ổng đọc sách, tiểu thuyết tiếng Anh tiếng Pháp thoải mái và ổng rất uyên bác. Một con người như thế thì họ đau đớn là phải, vật vã là phải thôi. Phải viết những điều mình không muốn bởi viết những điều mình muốn mình tâm huyết thì không được in mà có in ra thì cũng tai bay vạ gió.
Cho nên ông Nguyễn Khải đau cái đau thân phận làm con người trong một chế độ toàn trị, không cho người ta tự do viết, trong khi mình là người cầm bút là nhà văn.
Ông bảo nhục nhã lắm, đau đớn lắm. Những bài viết như “Nghĩ muộn”, “Đi tìm cái tôi đã mất” Nguyễn Khải viết để trối lại cho đời sau, đọc thấy cay đắng và đau đớn vô cùng.
Mặc Lâm: Xin chia sẻ một điều tôi rất lấy làm lạ là tại sao Trần Mạnh Hảo lại nói được, chẳng hạn như bây giờ, mà Nguyễn Khải lại không nói được? Có phải giai đoạn này nới lỏng tự do ngôn luận hơn hay chăng?
Đau đớn như vậy, chết rồi mới dám nói ra sự thật, chết rồi mới dám sám hối. Đấy là một bi kịch đau đớn của người cầm bút.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo
Trần Mạnh Hảo: Nguyễn Khải không ở trong tư thế nói như tôi được vì tính cách của ông ấy khác. Ông ấy theo cộng sản từ năm 45 đến giờ và đã đi hết cuộc đời rồi cho nên ông ấy muốn nói với hậu thế cái điều thật nhất của ông ấy. Ổng viết ra rồi ông bảo gia đình ổng sau khi ổng chết thì mới công bố.
Trong đám tang của Nguyễn Khải thì người ta mới biết bài viết của ảnh, được gửi cho những người trong đám tang và họ đưa lên mạng. Đau đớn như vậy, chết rồi mới dám nói ra sự thật, chết rồi mới dám sám hối. Đấy là một bi kịch đau đớn của người cầm bút.
Nếu anh không có lương tri anh cứ cầm bút như một bồi bút thì suốt cuộc đời anh không biết hổ thẹn, anh không biết ân hận thì những người đó tôi không bàn đến.
Mặc Lâm: Thưa ông Trần Mạnh Hảo rất tiếc là thời gian của chúng ta hôm nay không còn nữa, chúng tôi biết một nhân vật nữa mà thính giả chúng ta đang chờ nghe vì sự có mặt của ông ta dưới mái nhà trường của cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam. Ông là một hiện tượng trong phong trào thơ Mới và sáng tác khi tuổi còn rất trẻ. Chỉ 16 tuổi ông ta đã nổi lên như một ngôi sao sáng qua tập thơ “Điêu Tàn” với bút hiệu cũng lạ lùng và ấn tượng là Chế Lan Viên.
Xin đề nghị chúng ta sẽ dành một chương trình đặc biệt để nói về nhà thơ Chế Lan Viên, về những sáng tác sau cùng của ông với những nhận thức mà theo nhiều người cho rằng một sự sám hối với chính mình. Xin cám ơn nhà văn Trần Mạnh Hảo về chương trình hôm nay, xin cám ơn quý vị thính giả đã quan tâm theo dõi.