Saturday 14 December 2013

Thư Gửi Bạn Xa - Vũ Ðăng Khuê

Giáng sinh Nhật Bản thế nào?

Vừa rồi, qua một học trò người Nhật du lịch Việt Nam, tôi nhận được một bức thư từ một người bạn cũ đã hơn 40 năm không gặp. Ông không dùng máy tính, ông viết tay, nhìn nét chữ tôi thấy ông còn khỏe mạnh. Ông vốn là dân đạo gốc, ông vẫn kéo cày nhưng lấy việc “công quả” nhà thờ làm niềm vui vào lúc tuổi “xế chiều”. Thư ông viết 2 trang, nhắc nhiều chuyện ngày xưa, trong đó ông hỏi một chuyện khiến tôi mặc cảm: Giáng sinh Nhật có giống như Việt Nam mình không? Ông có hay đi lễ nhà thờ không? Có cái cảnh rủ nhau đi bát phố Tokyo trước lễ nửa đêm không? Kể cho tôi nghe với. Tôi ngượng ngùng là vì.... tôi đã không phải là con chiên ngoan đạo kể từ lúc ông cụ tôi ra đi (1/1995). Nhưng tôi không thể tránh, phải trả lời. Một công hai chuyện, tôi copy một phần lá thư gửi cho ông, mời quí vị đọc luôn:


Ông H. ơi
------------------------
Câu hỏi của ông làm tôi... kẹt quá, nhớ ngày xưa học chung trường, ông luôn được các thầy kêu giúp lễ, làm hang đá... mỗi lần giáng sinh về, trong khi tôi thì chẳng ai ngó ngàng vì bị xếp vào loại quậy phá, chỉ được phép đứng cạnh mấy ông lúc cầm cây đàn đệm theo khi tập hát, dù tiếng đàn còn vụng, nhưng.... vẫn hơn mấy ông. Thôi vào đề ngay để ông khỏi sốt ruột.

Nước Nhật chỉ có khoảng 0,1% người theo đạo Thiên Chúa, ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng 12 không phải là ngày lịch đỏ (ngày nghỉ) vẫn đi làm bình thường. Nhưng “may mắn” thay, kể từ lúc Thiên Hoàng Hirohito băng hà (ngày 7 tháng 1/1989), người Nhật lại được hưởng thêm một ngày lịch đỏ: 23 tháng 12, ngày sinh nhật của đương kim Thiên Hoàng Akihito (23/12/1933), năm nay ông đã 80, còn sinh nhật của cố thiên hoàng Hirohito (29 tháng 4/1901) thì thành “Ngày của Chiêu Hòa” (Chiêu Hòa là niên hiệu của thiên hoàng quá cố).
            

Người Nhật rất thích hội hè, lễ lạc và giáng sinh chính là dịp tốt nhất để bán hàng. Hàng sale, hàng “một năm chỉ có một lần”, hàng “độc có một không hai” được quảng cáo và bày bán khắp các cửa hàng lớn nhỏ. Bên ngoài thì có những ông già “Noel” râu dài mũ đỏ mồm la không ngơi nghỉ, bên trong thì chói mắt vì sáng, choáng ngợp vì hàng, chói tai vì nhạc. Có tiền thì tha hồ sắm, không tiền thì tha hồ ....ngắm.

Từ khoảng đầu tháng 12 thì “giờ này thành phố chợt bùng lên”. Nhìn những tòa nhà chọc trời từ xa sẽ thấy hình dáng những cây thông lúc chớp lúc tắt được kết bằng nhiều bóng đèn màu rực rỡ. Xung quanh các nhà ga lớn của thủ đô như Tokyo, Ikebukuro, Shinjuku, Shibuya, Roppongi, Ginza v.v... đều sáng rực. Thành phố Yokohama bên cạnh Tokyo còn “trội” hơn, có những khu vườn nằm gần nhà ga Sakuragicho trang trí thành hình máng cỏ là một vùng sáng muôn màu, cũng là một nơi để khách đi thưởng ngoạn Giáng Sinh, có người đi cả mấy tiếng từ các tỉnh xa chỉ muốn để ngắm vẻ sáng độc đáo mà không nơi nào có. Các thành phố lớn như Kobe, Osaka, Hiroshima, Nagasaki.... chắc cũng thế, tôi đoán là như vậy vì chưa đến đó bao giờ.  

Nam thanh Nữ tú thường chọn mùa Giáng Sinh để tỏ tình, tặng quà cho nhau, các khách sạn tổ chức những dinner-show ca nhạc với giá vé tùy theo tên tuổi ca sĩ, trung bình là trên dưới là 50,000 yen (khoảng 500 mỹ kim). Đây là dịp để thiên hạ “trả lễ”, “tỏ tình”. Và Tokyo Disney Land hoặc Tokyo Disney Sea (hai địa điểm mà trong đời ai cũng muốn một lần ghé qua, nhất là trẻ em) là nơi hẹn hò lý tưởng, muốn có mặt trong dịp này phải mua hoặc đặt vé trước cả năm. 

Nói tóm lại điểm đặc biệt của giáng sinh tại Nhật là ánh sáng và bán buôn. Đi đâu cũng thấy bán buôn và....ánh sáng.. 

Còn ngay đêm giáng sinh? Trừ những gia đình thiên chúa giáo thì nhà còn giăng đèn kết hoa  “mừng chúa ra đời”, còn nhà của “người bình thường” thì “một ngày như mọi ngày”. Có thể là đặc biệt hơn ngày thường một chút chút, vì có “điểm” thêm một chút giáng sinh....: cũng là món ăn chợ nào cũng bán nhưng thêm vài cái nơ, ngọn nến lung linh cùng hàng chữ “Merry Christmas” cho có vẻ..... Các tiệm nhậu thì đầy ắp người, nhưng không hẳn là tụ họp mừng giáng sinh, họ chỉ mượn dịp này để “Dzô thoải mái” vì còn là mùa của tiệc tất niên (Bonnenkai – Vong Niên Hội). Nhưng thôi cũng không sao, mừng giáng sinh như thế cũng được rồi ông nhỉ. Đó là chuyện người, nói luôn cho ông nghe chuyện người Việt.

Một lễ công giáo nhân dịp Năm Đức Tin của người Việt tại nhà thờ Tajimi (Nagoya)
(hình Nguyễn Văn Tuynh)
Số người Việt tại Nhật định cư hay tạm trú có khoảng hơn 30 ngàn người thuộc nhiều thành phần, dân Công Giáo chiếm khoảng 5% và được tổ chức thành hệ thống gọi là "Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật” mang tính cách tự nguyện. Linh Mục tuyên úy của Giáo đoàn là cha Nguyễn Hữu Hiến, dưới là Liên Cộng Đoàn miền Tây gồm 4 cộng đoàn địa phương và Liên Cộng Đoàn miền Đông gồm 13 cộng đoàn địa phương, những cộng đoàn đông nhất thường ở các thành phố lớn như như Tokyo, Kanagawa, Osaka, Himeji, Kobe.... và cộng đoàn là một tập thể để mọi người có thể gặp nhau ít ra là 1 tháng 1 lần. Cứ vào cuối tháng hay đầu tháng cũng có thể là giữa tháng thì nhà thờ của “họ” thuộc về “ta”. Sau thánh lễ do cha Việt Nam chủ tế thì đây thường là nơi để các cộng đoàn họp hành, tập hát hay chuẩn bị cho những ngày lễ trọng. Còn vào những chủ nhật khác không có lễ Việt Nam thì mạnh ai về nhà thờ đó của khu vực mình. Lúc người công giáo tại Nhật còn “barabara” (rời rạc) khoảng 30 năm về trước, thì cha Hiến là người từ Roma tình nguyện sang Nhật nguyện“cống hiến cả cuộc đời”. Công của cha lớn lắm, vì tất cả bắt đầu từ con số 0, nhờ cha mà mới được như ngày nay. Giáo xứ Nhật ở đây nể dân Việt Nam lắm, chỉ trên dưới 1000 người mà mình có những 14 cha chịu chức tại đây, 12 cha từ các xứ khác như Việt Nam, Phi sang giúp sức. Những “ông trùm” của các cộng đoàn bây giờ đều là những thành viên quan trọng trong giáo xứ Nhật để....  chỉ huy người Nhật.

Còn ở tỉnh lẻ không có nhiều người Việt thì hơi vất vả, có mấy em từ Việt Nam sang làm việc dù ngôn chữ chưa thông, nhưng chuyện đầu tiên mà các em phải làm cho bằng được là tìm một nhà thờ nào đó dù xa để “xưng tội”, “rước mình thánh chúa” v.v...., có nhiều em đã vừa phải lội bộ, xe điện cả 2 tiếng để dự lễ, mà tuần nào cũng thế. Những nhà thờ tỉnh lẻ này, giáo dân ngoại quốc như Peru, Ba Tây, Phi, Việt Nam….có khi còn đông hơn giáo dân Nhật, 
thỉnh thoảng phần đọc Thánh thư bài một, bài hai đôi khi là tiếng Việt, tiếng Bồ Đào Nha. Và sau mỗi bài, còn có cả câu xướng: “Đó là lời chúa!”. Tôi vẫn lấy làm thắc mắc là khi đọc Thánh thư thì giọng bình thường, nhưng cứ đến 4 chữ này thì mọi người lại lên tông. Ông hiểu tại sao không?

Muốn tìm không khí giáng sinh đúng nghĩa thì chỉ có nước tìm đến nhà thờ. Khu vực nào có cộng đoàn địa phương thì vui lắm, họ chuẩn bị cho ngày lễ lớn này cả tháng trước, vì “nơi nào có người Việt thì nơi đó ồn ào” mà...  Còn ở những nơi ít người Việt như chỗ tôi ở (khoảng 5, 6 gia đình) thì vui trong tính cách... quốc tế.  Sau thánh lễ gần nửa đêm (gọi là gần nửa đêm vì tất cả phải xong trước 11 giờ hay trễ nhất là 11 giờ 30 cho những người về bằng xe điện), sẽ có tiệc chung vui, các món ăn do các giáo dân tự đem đến thì đủ thứ, Việt Nam thì lúc nào cũng
 là chả giò, gỏi cuốn. Để giúp vui cho “chương trình văn nghệ” thì mỗi nước có một vài bài hát tủ, Việt Nam thì luôn luôn là “Đêm Đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời”. 3 năm trước, trong chương trình, một em từ Việt Nam sang làm việc tình nguyện hát “chay” không đàn không trống, em hát cái bài:

Bài thánh ca đó còn nhớ không em 
Noel năm nào chúng mình có nhau 
Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt 
Áo trắng em bay như cánh thiên thần 

Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân 

-------------
Thiên hạ la ơi ới, yêu cầu tôi dịch, thế là tôi được dịp vẽ vời: Đây là câu chuyện của 2 người yêu nhau nhưng phải xa nhau trong thời chinh chiến và...... , không biết họ có hiểu và cảm lời tôi dịch không, nhưng tôi thì muốn .... chảy nước mắt. Còn Ba Tây, Phi Luật Tân, Peru, Nhật Bản.... đều có bài hát của nước họ, tôi nghĩ chắc.... chả ai hiểu, nhưng cứ đến “Đêm Thánh Vô Cùng” hay “Jingo Bell” thì lập tức có một ban đại hợp xướng đồng loạt cất tiếng, “giọng chính” cũng nhiều mà “bè phụ” cũng không thiếu, ngôn ngữ của nước nào thì “hồn” nước đó dữ, vang khắp khu phố, người hàng xóm xung quanh tuy thấy ồn ào, nhưng ai cũng thông cảm vì một năm chỉ có một lần. Theo tôi, thì ở Nhật có 2 khung cảnh mà tôi thấy cảm thấy thanh bình nhất, một là.... trong quán nhậu, hai là tham dự những ngày lễ quốc tế như thế này. Trong đêm chúa ra đời sẽ không có cái màn “bát phố” như Việt Nam vì .... xe điện chỉ chạy đến 12 giờ.
Còn ở Việt Nam thì sao ông? Tôi nhớ tụi mình có cái màn “diện đồ mùa đông” vòng vòng quanh thờ Đức Bà, sau khi dự lễ, trên đường về nhà thế nào cũng phải ghé “quán bên đường” gần cái chợ trên đường Phạm Ngũ Lão làm reveillon bằng tô cháo gà và ly sâm bổ lượng. Dù là “đêm đông lạnh lẽo”, nhưng trời Saigon lúc nào cũng hâm hấp, nhưng tô cháo gà và ly sâm bổ lượng ngon-ngọt thiệt. Ở Nhật, tôi được ăn tô cháo gà ngon “tương tự” như vậy một lần duy nhất sau một chuyến xe xuyên đêm để tham dự một sinh hoạt ở Himeji (nơi có đông người Việt). À cô T., cô N. thường đi cùng với tụi mình đó, ông còn gặp không? Hỏi ông cũng như không, gì chứ đụng đến mấy cô là.... má ông lại đỏ ửng. 

Năm nay, gia đình tôi sẽ đón Noel bằng một chai wine, một ổ bánh giáng sinh, một con gà do cậu con đã đặt trước. Số là cậu con tôi làm việc thêm ở Lawson (tiệm bán đồ cần dùng 24 trên 24), cứ đến những mùa như thế này, nhân viên tiệm bắt buộc phải mua. Đó là giao ước để được nhận vào làm việc. Thôi tôi dừng bút, đủ rồi.... để ông tưởng tượng.

Vinh danh thiên chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người... như ông

Nhớ cầu nguyện luôn cho... tôi. Có rảnh, thư kể tôi nghe Giáng Sinh Saigon nhé. Nhớ Việt Nam quá.

Bạn ông


Bài thánh ca buồn - Mai Thanh Sơn