Saturday 14 December 2013

Huệ Năng – Người là ai ?


14/12/2013 Thân Thiện Tâm viết ...

Huệ Năng – Nhân vật nửa huyền thoại, nửa hiện thực. Huệ Năng có thực sự dốt hay không? Hay đó chỉ là một cách tôn vinh phản biện! Theo các học giả hiện thời chỉ có một tài liệu liên quan đến Thần Tú và Hoằng Nhẫn. Đó là bài văn bia của Chang Shuo (thời Đường) Bia ghi là Thần Tú được phó pháp từ tay Hoằng Nhẫn. Suy cho cùng thì ngôi vị Tổ của Huệ Năng vào thời đó chắc bị tranh giành dữ lắm hoặc ngôi thứ chính thống cũng khó xác định. Cho đến khi phái Thiền Huệ Năng vượt lên tất cả các Thiền phái đương thời. Điều đáng tiếc là bài văn bia không cho biết thêm gì về sự liên hệ giữa Thần Tú và Huệ Năng. Ngoài các sự tích của các học trò Huệ Năng ghi lại như Pháp Hải, Thần Hội…
Tại sao Huệ Năng được xem như một chàng tiều phu nghèo hèn dốt nát để đối lại cái uyên bác cao sang của Thần Tú?! Hầu hết những bài giảng của Huệ Năng đều trích dẫn những đoạn kinh văn Phật giáo. Nếu không biết chút ít về văn học Đại thừa thì làm sao Huệ Năng nói lưu loát đến thế! Ngay cả những lời của Huệ Năng cũng được các học trò ghi lại và tôn là “Pháp bảo đàn kinh” Trong khi các Thiền sư khác cũng “phun châu nhả ngọc” thì lại gọi là “lục” Đã đành Huệ Năng không phải là học giả uyên thâm như Thần Tú, nhưng trong sự tích của Huệ Năng ta thấy người viết cố ý làm cho Huệ Năng dốt hết chỗ nói. Vậy tác giả có ý gì? Hay đó cũng là một cách so sánh giữa Thiền Tiệm thứ và Thiền Đốn ngộ?! Nếu Thiền như chủ trương của các bậc Thiền giả là “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” hoặc “Đạo khả đạo, danh khả danh, phi thường đạo” (Lão Tử)

Cho nên Huệ Năng mới giả dốt để vào Hoàng Mai Sơn giã gạo bửa củi một thời gian dài. Chắc vì lý do ấy mà người ta đã biến Huệ Năng thành một người dốt mà đôi khi “dốt một cách bi tráng nữa” (Trúc Thiên)

Sau khi được mật truyền y bát, Huệ Năng rời khỏi Hoàng Mai sơn. Một số tăng phẫn uất do Huệ Minh cầm đầu đuổi theo. Đoạn đối đáp dưới đây vừa sặc mùi thế tục, vừa đượm vị siêu thoát.

“…Qua một hẻm núi thấy nhiều người đuổi theo kịp, Huệ Năng bèn ném áo pháp lên tảng đá và nói với Huệ Minh:
- Áo này là tín vật của chư Tổ há dùng sức mà lấy được sao. Muốn lấy thì cứ lấy.
Huệ Minh nắm áo cố giở lên, nhấc mãi không được. Huệ Minh bối rối run sợ…
Thấy thế, Huệ Năng bèn bảo:
- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác đó là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh”

Thế đấy. “Bản lai diện mục” – mặt mũi muôn đời . Đúng là một thông điệp mới mẻ để khai sáng một dòng Thiền độc đáo vô tận. Một khuynh hướng mới được truyền thừa từ Thiền cổ truyền Ấn Độ. Trước Huệ Năng để dẫn giải kinh nghiệm Thiền người ta thường vay mượn những câu như “khảy móng tay thành Phật. Phật là ta, ta là Phật” Ôi chao! Siêu thực quá! Khái niệm quá! “Đành rằng những câu ấy có chứa một chân lý cao thâm vi diệu nào đó. Nhưng thiếu cụ thể không đủ sinh khí để lay động hồn ta dậy trong giấc ngủ ngầy ngật vô tri. Những câu nói bác học chìm nghỉm giữa trừu tượng và từ chương vậy” (Trúc Thiên)

Huệ Năng chất phác ở tâm, mộc mạc ở trí. Cái sở học của Huệ Năng không nhiễm đời, không nhiễm đạo. Mới có thể ngang xương chộp được chân lý nóng hổi trong tay, là trực ngộ chân như của tâm trí khi tiếp xử với đời – Ma ben rai – Không có gì là quan trọng và đó là khuôn mặt muôn đời của Huệ Năng. Phàm cái gì có hai (dualistic) chẳng phải là Thiền. Thiện song hành với bất thiện. Còn Phật tánh thì không phải thiện hay bất thiện , nên gọi là bất nhị (non-duality) Giá như Huệ Năng và Einstein sanh cùng thời sẽ cho nhân loại những học thuyết sáng chói về tương đối.

Đến đây chắc mọi người nửa tin, nửa ngờ. Tôi cũng không dám cho những lập luận, dẫn chứng trên đây là đúng hoàn toàn. Để kết luận xin thêm mấy ý sau “Huệ Năng là một cao thủ cực đoan của duy tâm luận. Người duy tâm không phải không cần biết đến khía cạnh khách quan của thực tại. Nhưng mắt họ luôn đặt ở một điểm tự lập, tự tại ngoài tất cả và nhãn quang họ phóng ra từ tuyệt đối điểm ấy. Đốn giáo là nhãn quang ấy phóng vào cái nhiều của muôn vật trong trạng thái một tuyệt đối. Tất cả các nhà huyền học đều thuộc Đốn giáo. Bay lướt từ cái thuần nhất đến cái thuần nhất không phải mà cũng không thể là một diễn trình tuần tự …” (Trúc Thiên)

Kẻ viết bài này với thái độ cẩn trọng, dè dặt. Nếu có gì thiếu sót kính mong các bậc cao minh chỉ giáo.

Thân Thiện Tâm
 



"wake up and smell the coffee"


NetpressO
r i e n d l y Yours