Thứ năm, ngày 12 tháng chín năm 2013
Chúng ta không tán đồng bạo lực.
Vâng tất nhiên, tất nhiên chúng ta sẽ nói như vậy. Nhất là chúng ta ở thế yếu hơn và càng nhất là chúng ta ở thế mạnh hơn đang hưởng thụ.
Nếu chúng ta ở thế đè đầu, cưỡi cổ và sống trên xương máu của người khác. Chúng ta lẽ nào mong những kẻ bị áp bức, bị đè đầu đó sử dụng bạo lực cảm tử đổi lấy mạng chúng ta.
Không, nhất quyết là không. Chúng ta phải chi tiền để nhồi vào đầu cho những kẻ bị áp bức rằng. Phải tuân thủ pháp luật, mọi việc có trình tự, hãy đưa đơn, hãy khiếu nại. Và phải kiên nhẫn khi chờ đợi đơn. Quá trình kéo dài giải quyết đơn sẽ khiến cho những kẻ máu nóng phải chùng xuống, tinh thần chúng mòn dần và rồi chúng sẽ chết mòn theo thời gian chờ đợi kết quả. Nhiệm kỳ chúng ta hết, chúng ta về hưu an toàn. Chả ai đưa đơn đến nhà một người về hưu làm gì. Hoặc chúng ta đi lên cấp cao hơn như lên trung ương, cái việc ở tỉnh chẳng ai lôi chúng ta quay lại giải quyết. Cái người kế nhiệm là đàn em chúng ta, chẳng thể nào phản bội đàn anh hay vạch vòi làm mất đoàn kết nội bộ, mà bác Hồ kính yêu dạy rồi, chúng ta phải đoàn kết như giữ con người trong mắt mình.
Chúng ta phải sử dụng những bình phong như tổ chức, ủy ban, trung tâm...khiến cho những kẻ mù quáng liều mạng không xác định được ai trong số chúng ta đã ký quyết định khiến chúng tan cửa, nát nhà.
Chúng ta phải sử dụng đám dư luận viên, nhất là đám cải lương đầy rẫy ngoài xã hội để tận lực ca bài ca.
- Không nên làm chuyện ác, không tán đồng chuyện bạo lực, không được manh động, không được hại người khác bằng vũ lực....
Bởi cũng như nhiều cái độc quyền khác, bạo lực cũng là cái độc quyền chỉ chúng ta mới có quyền sử dụng.
Nếu chúng ta ở phe không phải quan chức. Chả mất gì cả, chúng ta bình luận kiểu lấy nhân nghĩa, một điều nhịn chín điều lành mà chúng ta hãy nghe rao giảng hàng ngày. Chúng ta cứ làm mặt buồn để buông ý kiến
- Không thể chấp nhận dùng bạo lực, cán bộ cũng có gia đình, con cái, cán bộ cũng là con người.
Chả ai trách chúng ta, có người còn khen chúng ta tốt, hiểu biết, có lương tâm, thức thời, hiền lành và nhân đạo.
Ai dám xui người khác chết.?
Chả ai dám. Hoặc hiếm ai dám xui người khác vì bất công không được giải quyết, đem súng đi bắn vào đầu kẻ gây oan trái cho gia đình mình. Xui người khác chết thiên hạ lên án khiếp lắm.
Giả dụ có một người bố, một bà mẹ ốm liệt giường, vì bị thu hồi đất, bị cưỡng chế đất, uất ức lo nghĩ, theo kiện rồi chả đến đâu. Đất đai ông bà để lại mất trắng, buồn, hận mà chết.
Người con sẽ làm gì ? sẽ nhân ái , vị tha, sẽ hãy nín nhịn làm ăn để nuôi con mình. Sẽ âm thầm chôn cất cha mẹ, đốt hết đơn từ và sống thanh thản trong phần đời của mình.
Đời là vậy, nếu như anh hay bố mẹ anh uất ức sinh bệnh mà chết, chẳng ai nói gì. Nhưng nếu anh uất ức mà cho những kẻ hại đến gia đình anh phải đền tội, thiên hạ người ta lên án anh.
Đời chỉ nghĩ là cán bộ có con cái, gia đình, là con người mà sao nỡ dùng súng bắn họ.
Đời chả bao giờ nghĩ anh cũng có vợ con, bố mẹ. Sao cán bộ không nghĩ thế mà đừng đẩy anh đến bước đường cùng. Đm ! đời không phải là nghĩ ngắn, mà đời nghĩ thủ đoạn, nghĩ kiểu cải lương, nghĩ kiểu cho mình, đời lắm kiểu , lắm giọng.
Bao giờ đời tha hương nếm đủ mùi cay cực, trở về thấy bố mình nằm liệt bên giường bệnh vì uất chuyện nhà cửa bị người ta lấy, anh mình bị tâm thần. Đời nhìn thấy người cha sinh thành ra mình đang chết dần vì uất hận, người cha đó sẽ chết đi, mối hận còn vương trên đôi mắt khiến cha mình không nhắm được. Trong khi kẻ gây ra cảnh đó cho cha mình đang phè phỡn ở nhà hàng với gương mặt đỏ au, đầy bự mỡ đang cười nói hà hả mừng lên chức mới.
Rồi mỗi khi gần đến ngày giỗ cha mình, đời lại gặp lại cố nhân nhà cao cửa rộng, đi lại huênh hoang. Đời nghe hòa thượng Thích Chân Quang giảng rằng sở dĩ cố nhân làm quan lại sung túc thế vì kiếp trước cố nhân làm phúc. Còn cha của đời chắc kiếp trước làm điều ác. Cái người cha còng lưng đạp xích lô chở hàng trong mưa gió hay nắng hè đổ lửa để mang đồng tiền thẫm mồ hôi về mua gạo nuôi đời, cái người cha ngày làm kiệt sức, đêm không ngủ thức nghe tiếng ho của đời, theo dõi cơn sốt của đời, cái người cha mắt cay xè thiếu ngủ lọ mọ quờ quạng thay tã lót, lau chiếu cho đời được ngủ yên lành. Cái người cha mà qua bao khó khăn cố gắng giữ miếng đất cha ông để lại cho đời hưởng sau này. Người cha đó kiếp trước làm điều ác, cho nên kiếp này mới bị quan chức lấy mất nhà cửa.
Đm đó là đời, không phải là anh, anh Đặng Ngọc Viết ạ.
Tôi không xui anh làm chuyện bắn chết bọn cán bộ rồi tự sát. Bởi tôi không dám xui người khác chết, tôi sợ thiên hạ chửi.
Nhưng tôi nghiêng mình trước cái chết của anh. Nghiêng mình thực sự với những đàn ông với nhau, không phải kích động bạo lực, kích động ai hết như cái lũ giả giọng nhân nghĩa đang nói kia.
Ngày 29 tháng 10 cách đây 8 năm, tôi đã từng dắt súng trong người, đứng bên ngoài phòng cách ly ở bệnh viện, nhìn con trai mình nằm trong lồng kính với dây rợ lằng nhằng. Có lẽ điều kiện tôi lúc đó khá giả hơn anh, nên súng của tôi cũng tốt hơn anh bây giờ. Tôi đã khóc khi nhìn thấy những chiếc áo quần bé xinh xinh giăng trên dây phơi trước ngày con tôi sinh, đợi cháu chào sẽ mặc....
Nhưng may mắn thay, nhờ một điều kỳ diệu nào đó con tôi đã vượt qua được.
Bởi vậy tôi hiểu anh, tôi hiểu lòng anh khi nhìn thấy bố mình nằm liệt trên giường bệnh vì đâu.
Trrước cái chết bên tượng Phật của anh, giây phút cuối trong cuộc đời anh dành để trầm ngâm bên tượng Phật. Tôi hiểu con người anh còn nhân bản hơn tỉ cái bọn miệng mở lời nào thì từ bi, nào thì nhẫn, nào thì kiếp này với kiếp nọ. Với tôi anh không hề chết, chắc hẳn Đức Phật đã mở lượng từ bi hải hà dẫn độ linh hồn anh tới Niết Bàn.
Mọi khi viết bài, tôi đắn đo, viết để tránh bên này chửi, tránh bên kia chửi, viết sao để họ thấy mình là người khách quan, là người tốt.
Lần này thì kệ mẹ thiên hạ, muốn nghĩ sao thì nghĩ. Bởi lần này tôi viết cho riêng anh, giữa vị thế của người đàn ông đang làm con, đang làm cha, đang làm chồng..
Tôi quỳ lạy vái hương hồn anh, gửi tới lời chia sẻ nỗi lòng. Trân trọng
Anh không chết đâu anh
Anh chỉ về với mẹ mong con.
Xin gửi tặng anh khúc nhạc buồn, tiễn đưa anh về nơi cực lạc. Anh đã sống tới khi từ giã cõi đời này trọn vẹn theo nghĩa của cuộc đời.