Wednesday 25 September 2013

Một Nơi Cho Cuối Đời


 
 
(ảnh minh họa)
 
Truyện ngắn Phan Hạnh
 
Ông ngồi ngoài trời nắng, đắp hờ một cái chăn mỏng, tư lự. Mười ngón tay ông thò ra, gầy guộc như mười vật lạ muốn cùng ông phơi nắng. Ông hy vọng mặt trời hôm nay sẽ ở lại với ông lâu hơn một chút. Ông nói thầm và biết chắc chắn là mặt trời sẽ còn ở chơi với ông ít ra cho đến bốn giờ chiều. Đến chừng đó, nó sẽ bị bóng cây dưới sân thượng che khuất.

Ông nhìn quanh khu nhà, rồi nghĩ, - một ý nghĩ chẳng giúp ích được gì - “Thật là ác! Xây nhà theo cái kiểu gì mà cái nhà của người này đổ bóng che lên cái nhà của người kia. Ủa, mà cuộc sống của con người cũng y như vậy thôi, đời của người này đè lên đời người khác.”

Toàn bộ bờ biển thoai thoải này từng là một vùng thiên nhiên hoang dã chưa khai thác với những cây to lớn xum xuê cành lá. Đáng lẽ chúng nên được để yên. Nhưng làm thế nào chúng có thể thoát khỏi bàn tay tham lam của đám tư bản đỏ. Những bụi cây xương rồng với cánh hoa lớn và những cây lưỡi rắn thân dầy như vòi voi mang vẻ lạc lõng rầu rĩ giữa khu nhà kiến trúc chen chúc. Sân thượng được o bế kỹ và tỉ mỉ hơn. Vợ ông đã kêu người trồng hoa phong lữ trong những cái hộp gỗ đặt dọc theo bờ tường. Ông thì chẳng mặn mà gì với hoa kiểng.

Từ ghế dựa có lót nệm êm, ông dễ dàng vói bàn tay năm ngón xương xẩu sờ nắn cọng cây hoa phong lữ khô héo vì thiếu nước tưới. Gió nóng Phan Thiết làm phồng rộp mớ cây kiểng này một cách thảm hại. Chẳng biết làm gì và hơi bực mình, ông tiện tay ngắt những cái lá, bông héo và vứt xuống đất. Không thể vói tay xa hơn để ngắt những cây khác, ông buông mình nằm xuống, kiệt sức như một chiếc ghe chìm; thân người gầy mỏng cong vòng của ông ép lên mặt nệm, trông như cánh cung căng sắp bắn tên. Ông quyết đoán một cách điên khùng với ý nghĩ  “Đám hoa phong lữ này che khuất ánh nắng mặt trời quý báu của tôi đây mà!” 

Và, bất kể khu vườn với đám cây cối làm cảnh mà ông cho là giả tạo và chẳng đẹp đẽ gì, ông nhất định nằm đây tắm nắng và hưởng những giọt nắng cuối cùng cho đến khi mặt trời lặn khuất. Ông đã nhắm mắt lại nằm thẳng và nhìn bằng hố đen sâu thẳm của lớp da mí mắt. Ngay cả ở đây, ở miền duyên hải Việt Nam ấm áp đầy ánh mặt trời, xa vời, hình ảnh mỏ than đá ở tận miền bắc xứ Canada lạnh giá vẫn còn hiển hiện.

Hốc mũi của ông đã chán ngán cái mùi than đá và cảm giác hai má mình còn rin rít lớp sương mù trơn nhớt. Mặc dù đã từ giã nghề làm thợ hầm mỏ mười mấy năm nay sau hai mươi năm đeo đuổi, nhưng ông không thể quên tháng ngày làm lụng vất vả vì đồng lương hậu hĩ ấy. Đối với ông, dường như mười mấy năm nhàn hạ vừa qua đi quá nhanh đến mức như ông chỉ mới rời công việc mỏ than tháng trước. Giờ đây, ông ngồi dưới ánh nắng mặt trời với đôi mắt nhắm nghiền, nhìn vào chiều sâu như bất tận của hai mươi năm lầm than đó. Lầm vì đã chọn làm việc ở mỏ than nên bây giờ nằm than thở. Ông nghĩ, có lẽ bụi than đen sì đã trở thành một con số bách phân nào đó trong máu của mình, đã gây ô nhiễm thể chất và tinh thần nên giờ ông mới lâm vào trạng thái trống rỗng u tối như thế này. Nó làm ông luôn cảm thấy thèm khát không khí trong lành, gió biển thoáng mát và nhất là ánh nắng mặt trời. Cũng chẳng đáng trách, vì coi như đời ông đã tàn phế rồi với căn bệnh gọi là hội chứng mệt mỏi triền miên, mệt mỏi tinh thần lẫn thể xác.

Ông vẫn nằm đó, tuy đôi mí mắt đóng lại nhưng đôi ngươi vẫn như nhìn thẳng vào hầm mỏ than hun hút sâu. Trong cõi tối tăm ấy, rõ ràng ông nhìn thấy những ngày đầu đến Canada. Ông đã háo hức dùng tay không vốc lớp tuyết đóng băng cho vào miệng. Ông như sống lại kỷ niệm tuổi thơ ở xóm Bàn Cờ Sài Gòn vào đầu thập niên 1960. Kỷ niệm tuổi thơ sẽ đẹp một cách trọn vẹn nếu như ông không bị lôi vào cuộc chiến khốc liệt, buông súng và bỏ nước ra đi. Từ ngày đó, trái tim ông không bao giờ yên vui được lâu, những cảm nghĩ về cuộc binh đao quá khứ lại tràn lên ồ ạt như một đợt xung phong của đại đội. Nó đã tồn tại như một gánh nặng lương tâm vào mỗi buổi sáng khi ông thức giấc. Hết mười năm cuộc chiến đến hai mươi năm mỏ than, lại cũng là một cuộc chiến với tiếng nổ của mìn plastic bộc phá.  
Tháng Hai, Phan Thiết quê hương nước mắm trong tâm thức giờ là khách sạn nhiều sao, sân gôn, sòng bạc, và khu nhà nghỉ sang trọng này. Mũi Né, đồi cát, ruộng muối... Ông chỉ thấy trước mặt là các màu hoa cà, màu trắng, màu đỏ nhạt của đám hoa phong lữ lên mạnh mẽ trong bồn chậu xi măng. Ông nâng tay sờ cằm và cảm thấy râu ria người già mọc ra nhanh hơn cả hoa cỏ.
 (ảnh minh họa)
 
Trong cơn mơ màng, nghĩ ngợi ông bỗng nghe tiếng vợ ông léo nhéo; giọng nói của bà có âm vực cao cỡ như ca sĩ Ngọc Hạ hát bài Dòng Sông Xanh. 

- “Loại này hợp với khí hậu sương mù mát mẻ Đà Lạt lắm đó anh”. Bà nói chuyện với người bên cạnh nhưng lại đang quay loa miệng về phía ông. Người khách đàn ông khen nịnh: “Hoa kiểng của chị trồng thứ nào cũng đẹp quá.”  

Ông lẩm bẩm: “Lại cái thằng nhà văn hay nhà báo gì đó đến quấy rầy nữa rồi!”

Khi mở mắt ra, ông thấy mặt trời đã bắt đầu chiếu tia nắng qua ngọn cây, bóng xuyên cành lá và như sắp tràn lan xuống phần gốc. “Đừng, khoan đã”, ông nghĩ. Ông chống khuỷu tay gượng ngồi dậy và quét mắt nhìn bầu trời. Chắc cũng đã ba giờ rưỡi chiều rồi cũng nên, chắc chắn vậy, ông nghĩ. Ông gọi trổng không, “Chắc trời cũng sẽ còn sáng một vài giờ nữa chứ?” 

Rồi ông nghe tiếng những viên sỏi lát lối đi kêu rào rạo đau đớn dưới hai đôi giày: đôi cao gót của vợ ông và đôi giày chạy bộ của ông khách. “Gớm, hắn đi nện chân sao mà cứ như lính Đức Quốc Xã diễn hành!”, ông nghĩ thầm.
 
(ảnh minh họa)

Bà đã đi đến gần cạnh ông và kêu lên kinh ngạc: 

- “Trời đất! Sao anh bứt hoa phong lữ của em?” 

Ông đáp tỉnh rụi: 

- “Héo thì để làm gì.” 

Người khách ngước đầu nheo mắt nhìn trời một lúc xong nói:

- “Mặt trời sắp lặn rồi đấy.” 

Ông thầm nghĩ  “Có khác chi đời ta. Hay là hắn nói kháy ta cũng không chừng.”  Ôi, một người bệnh như ông nhìn đâu cũng chỉ toàn điều tiêu cực.

Ông khách cố tình bước trước tia nắng và đứng dựa lưng vào tường sân, cái đầu đầy tóc muối tiêu bùm sùm rõ từng sợi dưới ánh sáng mặt trời, và hắn nói một cách hứng thú:

- “Anh thấy về đây hưởng nhàn có lý không. Tôi nghĩ giờ này ở Canada, mấy người bạn của anh đang còn cong lưng xúc tuyết. Không biết anh nghĩ sao chứ tôi thấy anh về Việt Nam nghỉ hưu thật là một sự chọn lựa tuyệt vời. Thiên đàng cũng sướng như thế này thôi.”

Ông hẳn nhiên dư biết Tháng Hai Canada vẫn còn đang trong mùa Đông và bão tuyết có thể xảy ra. Nhưng ông vẫn nghĩ người khách nói như thế có hơi tàn nhẫn. Cười trên nỗi đau của người khác là bệnh hoạn. Hắn thích chí là phải. Hắn đang là khách của vợ chồng ông. Hắn hưởng thụ mọi thứ nơi đây hầu như miễn phí cả vài tuần nay. Cặp mắt của hắn, cái cười của hắn, cái mũi của hắn đều toát lên nét thỏa mãn đáng ghét. Mọi thứ được ngụy trang dưới chiêu bài làm phước giúp người.

Không nén được sự bực bội, ông chua chát cất tiếng:

- “Tất nhiên là bạn không thể biết tôi có cảm giác như thế nào. Bạn có đang đau yếu như tôi đâu mà bạn nói. Bạn làm ơn đừng đứng che ánh nắng mặt trời của tôi có được không?”

Trong lúc người khách dịch sang chỗ khác, ông hắng giọng. Lưỡng lự một lúc, ông can đảm bậm môi nuốt bãi đờm vào cổ họng rồi thẫn thờ buông mình trở lại xuống mặt nệm chiếc ghế dài. 

Người khách dường như chẳng để ý lắm đến thái độ của người bệnh. Hắn có vẻ đang chú tâm đến chuyện riêng của hắn và nói với nét mặt tự mãn:

- “Anh Trí này! Lợi thế, - hay đúng hơn là một trong những lợi thế - của một nhà văn là anh ta có thể bám trụ ở bất cứ nơi nào mình ưa thích. Và bây giờ tôi đã là một ‘nhà xuất bản’ thành công ở thành phố đấy!” 

- “Sài Gòn thì bạn gọi là Sài Gòn chứ bảo thành phố thì biết là thành phố nào. Mà bạn là một nhà xuất bản à? Tôi tưởng bạn chỉ là một nhà văn viết theo đơn đặt hàng hay phóng viên nhà báo chứ.” Ông hỏi lại ngay và không cần che giấu vẻ bực mình. 

Một lần nữa, qua đôi mắt nhắm nghiền, ông lại  như nhìn chằm chằm vào các mỏ than bỏ trống tối tăm sâu thẳm ở Alberta. 

Vợ ông khom lưng nghiêng người bên ghế ông nằm, kiên nhẫn nhặt lên từng mẩu cánh lá và hoa phong lữ đã bị ông vặt lúc nãy. Bà không nói một lời. Và khi bà cử động, chiếc giỏ có nắp đậy trên cánh tay bà đong đưa, và cặp phách bằng gỗ trên chiếc giỏ chạm nhau kêu lách cách.

Bà nói nhỏ giọng: 

- “Em chỉ cần cắt tỉa lại chút ít là mớ cây hoa này sẽ đẹp lại như cũ anh xem.” 

Người chồng bệnh nói với vợ, giọng đượm ít cay đắng: 

- “Em nhặt chúng để nấu canh đó à?  Mà cái gì trong giỏ kêu lách cách vậy?”

Bà chợt nhớ ra và kêu lên: 

- “À... hai con cua biển sống! Hồi sáng nầy em đi tản bộ qua xóm lưới thấy cua ngon quá nên mua về cho anh đó.”

Người khách đàn ông bật cười thành tiếng. Nằm đó, người bệnh có thể nghe cả tiếng hắn thở hổn hển chen lẫn trong tràng cười. Ông nói với vợ giọng gắt gỏng:

-  “Sao em không luộc nó ngay đi. Để nó sống nhưng nó biết thế nào rồi nó cũng chết.” 

Ông tò mò lắng tai nghe tiếng hai con cua cọ quậy rột rẹt trong giỏ. Vợ ông đáp:

- “Để ngày mai anh à. Em đang kêu người giúp việc đi chợ kiếm mua mayonnaise. Họ nói tới mai mới có.”

Người bệnh vẫn biết vợ ông lo cho ông, không muốn ông ăn mặn vì huyết áp cao. Cua luộc chấm mayonnaise đối với bà sẽ ngon và tốt hơn là muối tiêu. Bỗng ông chua chát hỏi: 

- “Tại sao cái ông khách tên gì đó của em không trả lời câu hỏi của anh?”  

Ông vẫn còn đang bị ám ảnh với những suy nghĩ về người khách thường đến quấy rầy ấy. Ông nhắc lại: 

- “Anh hỏi có đúng ông ta là một nhà xuất bản không.” 

Ông nghĩ hắn chẳng khác gì một con rắn, một tên tội phạm. Hắn đến đây sống báo đời ông và lại không cho ông sự hả hê được tranh luận với hắn một trận! Hắn không còn trẻ trung gì với cái đầu tóc muối tiêu đó, nhưng hắn có sức khỏe tức là hắn hơn ông tất cả: sức chịu đựng và kiên nhẫn của một kẻ khôn ngoan. Ông khinh miệt, nghĩ hắn có vẻ là một kẻ điếm đàng. Sau cái cách nói chuyện cười cười ra vẻ lịch sự đó, hắn không giấu được ông cái cung cách khúm núm nịnh bợ. Hắn đang đứng rất gần chiếc ghế ông nằm, đến nỗi ông có thể nghe hơi thở của hắn kêu í o. Có lẽ hắn đang nhìn ông không rời mắt, đang quan sát ông từng lỗ chân lông, từng sợi tóc để ghi nhận và giữ vào bộ nhớ của hắn.

Lúc ấy người khách mới lên tiếng: 

- “Ồ, tôi xin lỗi anh. Tôi nghĩ là tôi nợ anh một lời xin lỗi. Như anh thấy đấy, tôi chưa quen với...” 

- “Với cái gì?”, người bệnh sắc bén ngắt lời. Ông nhướng mày mắt mở và nhìn vào mặt người khách một cách nghi ngờ. Người khách tự xưng là một nhà xuất bản đáp ngay: 

- “Tôi chưa quen thấy anh nằm liệt như thế này.”

Người bệnh mỉa mai: 

- “Bạn che đậy khéo lắm.”  

Nói xong ông đặt hai tay lên lồng ngực lép và tiếp lời: 

- “Tôi đoán ý của bạn muốn ám chỉ một điều gì khác. Có phải bạn muốn nói tôi sắp chết? Nhìn lưỡi của bạn, tôi biết bạn định nói cái chữ ghê gớm đó.”

Ông nhắm mắt lại và thở dài sườn sượt. Rõ ràng ông lại ngửi thấy mùi khói hôi nồng của hầm mỏ than đá thuở xa xưa ở Alberta, nó cứ bám mãi theo ông chẳng bao giờ chịu tha. Ông nằm co giật trong thứ nắng xế héo hắt và gọi vợ: 

- “Em à! Rót cho anh một ly sâm banh được không? Anh muốn uống rượu.” 

Ông cố ngồi dậy và rồi tuôn lời: 

- “Anh nói cho em biết, em khỏi cần phải giấu sự thật về anh.”

Vợ ông không đáp. Bà chỉ nhanh nhẹn rời sân thượng, bỏ lại hai người đàn ông với nhau. Người bệnh cười méo mó nói vói theo một cách dứt khoát, tuôn một hơi dài, chẳng cần biết vợ ông có nghe thấy hay không. Có khi ông muốn cho người khách nghe cũng không chừng: 

- “Đừng có lầm! Đừng làm bất kỳ sai lầm nào. Quyển sách đời anh chưa hoàn toàn kết thúc ở đây đâu. Anh vẫn còn đang viết chương cuối đó nghe chưa em. Em chớ có tự đánh lừa mình.”

Người khách mừng rỡ chộp nói xuôi theo: 

- “Tôi phải tự khen tôi là tôi không lầm. Tôi biết ngay là anh vẫn còn nhiều chuyện ly kỳ trong cuộc đời để kể cho tôi viết và xuất bản. Tôi hy vọng sẽ có được cái vinh dự xuất bản sách hồi ký của anh. Tôi trông cậy vào anh, xin anh biết cho.” 

Hắn vui hẳn lên và nhìn người bệnh một cách rụt rè. Nhưng gương mặt người bệnh thình lình trở nên xám ngoét như thiếu sinh khí. Mặt trời đã xuống thấp hơn, ánh nắng chiếu trên khuôn mặt ông đã bị bóng cây che khuất. Ông nói một cách trống rỗng: 

- “Tôi nào biết mặt trời lại xuống nhanh và tắt sớm như thế này.” 

Vợ ông đã quay lại với chai rượu. Bà mở chai điệu nghệ, sành sỏi. Ông nằm nghiêng người lại để ngắm bà, một phụ nữ lớn con, mạnh mẽ, ngón cái của bàn tay phải cong cong lưỡi liềm mà linh hoạt một cách đáng ngạc nhiên. Tài sản của vợ chồng ông phát đạt được như ngày hôm nay cũng do công của bà. Những nắm tay của bà vững chắc, kiên trì như một con rắn quấn mồi trên cái cổ chai. 

Chẳng biết bà vô tình hay cố ý mà cái nút chai văng lên một tiếng “bấc” lớn, và trúng ngay giữa trán ông khách. Chất rượu màu vàng tinh khiết xủi bọt phun vọt lên. Người bệnh thốt lên hốt hoảng và chìa bàn tay năm ngón khẳng khiu của ông như muốn đón lấy những giọt rượu: 

- “Cho nó chảy lên tay anh nè em! Phí quá! Tưới nó lên người anh đi em!”

Vợ ông cũng cảm thấy vui lây trước sự trẻ con của chồng. Những giọt rượu li ti mát lạnh cũng văng lên mặt bà khiến bà cười thích thú. Bà vội rót rượu ra ba cái ly thủy tinh và rót thật khéo cho rượu khỏi tràn ra ngoài. Ông ngồi dậy nâng ly và nốc ừng ực. Ông mừng rỡ, cảm thấy chất rượu trong veo lóng lánh kia như nước suối xuân tươi mát chảy vào người ông, mang mùa xuân trở lại cho tim ông. Ông hạ cái ly trống không xuống và chìa ra van xin: 

- “Em ơi, rót thêm một ly đầy nữa cho anh được không?”

Vợ ông làm theo lời. Ông nhìn chất rượu trong với những hạt bong bóng li ti thi nhau trồi lên miệng ly để rồi tan vỡ. “Tuyệt! Tuyệt!”, ông sung sướng reo lên và ngước mắt trao cho vợ một cái nhìn bẽn lẽn mà ngọt ngào. Ông nói:

- “Em à. Em thả hai con cua ra cho chúng bò anh xem được không? Chắc vui lắm.”

- “Anh phải cẩn thận đó nghe chưa. Tuy người ta đã chêm càng cho nó không há ra được nhưng anh vẫn nên cẩn thận đó.”

Bà nhắc ông mới nhớ lại trò chêm càng cua mà ngày còn nhỏ ở đồng quê Tiền Giang ông thường làm. Thuở xa xưa đó ông theo cậu út đi ngoáy hang cua biển. Cậu dùng một cọng mây dài, đầu có móc sắt, thò vào hang cua dọc theo mé mương để bắt cua. Ông đóng vai đệ tử cho cậu, xách giỏ, gỡ cua và chêm càng. Ông bẻ phần chót của cái ngoe nhọn của con cua và chêm vào kẽ lóng trên của càng cua cho nó hết cử động được. Kỷ niệm khiến ông thích chí:

- “Trời! Chẳng lẽ anh lại sợ một con cua! Đời anh còn ngán sợ gì nữa đâu!”

Vợ ông đặt ly rượu đang cầm trên tay xuống chiếc bàn thấp và xoay người mở nắp chiếc giỏ mây. Bà úp ngược giỏ cho hai con cua với bộ giáp xanh bóng mượt bò ra trên sàn gạch. Hai con vật giương cao đôi mắt như ngó quanh đôi càng ngoe nguẩy giống như kép hát bội múa song đao ngày xưa. Ông vói tay cố chạm vào cái mai của nó.

 - “Coi chừng anh. Nó kẹp đau lắm đó!”, bà căn dặn chồng.

- “Anh muốn cầm nó lên một chút.” 

Ông dùng hai ngón tay cầm nơi hai khóe ngoe cuối và nhấc nó lên và đặt nó lên tấm chăn mỏng đắp hờ trên người ông. Nó bò chậm chạp như ông từng bò trong đường hầm với chiếc đèn pin gắn trên nón an toàn của người thợ mỏ. Sau đó, ông giơ tay nhẹ nhàng vuốt ve lưng nó và nói với nó rằng đời nó chẳng dính dáng liên hệ gì đến đời ông, thế mà ông chỉ gặp nó trong chốc lát mà như mối duyên nhỏ. 

Khi ông nâng con cua lên để nhìn thật gần, nó giương hai càng như thể cũng biết thương hại và đang tìm cách ôm để an ủi một ông già ốm yếu vì bệnh tật. Ông nghĩ thế, cái ý tưởng ngây thơ của một đứa bé con. Và rồi ông nghĩ đời ông và đời nó, chưa biết ai sướng khổ hơn ai. Ít ra nó không phải chịu đựng một nỗi dằn vặt khổ đau khi đối diện với cái chết như ông. Ngày mai nó bị luộc. Ngày mai cũng có thể ông lăn ra chết vì kiệt sức. 

Ông thở ra một hơi dài, nhẹ nhàng vuốt đầu nó, rồi đặt nó bên cạnh “đứa bạn” đang dọ dẫm dưới chân ghế. Ông lại nâng ly sâm banh nhấm nháp và cay đắng nghĩ “Không có mầy tao cũng chẳng sao.” 

Vợ ông vừa nói chuyện với người khách vừa đưa mắt theo dõi người chồng đau ốm. Người khách cũng trầm ngâm nhìn vào chiếc ly rượu vơi một lúc lâu rồi mới cười nói:

- “Anh Trí ạ, xin anh đừng hiểu lầm tôi. Tôi hoàn toàn nhận thức được thực tế là lâu lắm trước khi tôi gặp anh, chắc cũng đã có nhiều người khác muốn viết về cuộc đời anh, một cuộc đời có thể nói là ly kỳ ngoại hạng. Một sĩ quan tác chiến có những trận đánh lẫy lừng, một nghệ sĩ yêu chuộng cái đẹp thơ văn, một người tị nạn lưu vong, một người thợ mỏ âm thầm làm việc dưới lòng đất  tối tăm. Anh có tất cả vinh quang, hạnh phúc, tài sản và sự từng trải; nghỉ hưu lại rất sớm, an nhàn du lịch nhiều nơi trên thế giới, giao thiệp rộng, nhiều bạn bè. Và anh cũng muốn có một tác phẩm để lại cho đời. Tôi chỉ muốn giúp anh đạt được ước vọng sau cùng. Vì thế tôi đã phỏng vấn chị nhà liên tiếp trong mấy tuần qua. Tôi cố gắng ghi chép mọi dữ kiện một cách cẩn thận và chính xác. Tôi cần làm việc gấp rút vì không ai có thể biết điều gì có thể xảy ra trong ngày mai.”

Người bệnh vô cùng hoang mang, ông nhìn mặt vợ và mặt người khách, mà chẳng hiểu tại sao ông chẳng thể có cảm tình với ông ta được. Ông cũng không hiểu nổi vì sao mình lại rơi vào tình trạng trầm cảm bất an tệ hại như thế này. Ông hoang mang lo sợ tất cả mọi thứ ông có đang vuột khỏi tầm tay. Ông sẽ mất tất cả vì ông đã mất sức khoẻ, kế đến sẽ là mạng sống. Ông cảm thấy chán nản, bất an và ngờ vực. “Nếu họ mắng mình, mình sẽ khóc.” Ông cảm giác môi dưới của mình đang run rẩy vì cảm xúc mạnh. 

“Mắng mình, - ông đột ngột nghĩ trong sự phẫn nộ - mắng một ông già đau yếu với bộ râu lâu rồi không cạo?” Ông đưa tay run run xoa cằm để xác nhận mình đúng là ông già bệnh tật đầy râu mà họ mắng, dù có ai mắng ông đâu. Ông hậm hực nhíu mắt, cau mày ném về phía hai người một tia nhìn bực tức và đầy ác cảm.

- Bạn chưa trả lời câu hỏi của tôi!”, ông nói một cách hung hăng giận dữ. “Bạn chưa trả lời. Bạn có biết không!” 

Cánh tay buông thõng bên thành ghế của ông quơ quơ đụng phải cái càng đã sút chêm và đang há ra của con cua. Nó kẹp ngón tay trỏ của ông một phát đau điếng. “Úi cha! Nó kẹp đau quá!” Ông hét lên và giật mạnh tay. Con cua rơi cộp xuống sàn gạch. Ông khiếp đảm khi thấy cái càng cua vẫn còn toòng teng trên tay ông. Ngón tay trỏ chảy máu ròng ròng. Ông nhìn ngón tay trừng trừng và mếu máo:

- “Tôi không muốn chết! Tôi không muốn chết!” 

Ông khóc nức nở như một đứa trẻ con. Bà hốt hoảng chạy đến bên chồng, rút khăn tay trắng chậm máu cho chồng và ôm vai ông vỗ về: 

- “Có em lo cho anh đây anh ơi. Anh đừng sợ nữa.”

Bà gỡ cái càng cua gẫy ra khỏi ngón tay ông và lấy khăn tay cột tạm ngón tay rách da của chồng, xong bà chạy nhanh vào nhà lấy hộp cứu thương. Bà thoăn thoắt trở ra rửa vết thương và băng bó cho ông. 

Người khách lặng lẽ rút từ trong túi quyển sổ dầy cộm và ghi ghi chép chép. Đám hoa phong lữ trên sân thượng buồn bã co rúm lúc chiều tà. Mặt trời lặn dần trên đồi cát nơi phía xa. 

Nắng tắt, người bệnh nằm trên chiếc ghế ngoẹo đầu nhắm mắt và không còn thiết tha đến bất cứ điều gì nữa.

Phan Hạnh NTH Toronto.