Có nhiều cách để tự diễn đạt tâm hồn của mình. Có người làm thơ, có người vẽ tranh, có người tạc tượng, có người viết truyện. Lần này, trong Góc Nhiếp Ảnh, tôi sẽ “tám” cho các bạn nghe phần nào về tâm hồn của một người mê chụp hình.
Nhiếp ảnh là một lãnh vực rộng lớn, bao gồm đủ mọi khía cạnh của cuộc sống. Hầu như tất cả những gì ta thấy được, ta có thể chụp hình được.
Khi bắt đầu biết về cái máy ảnh, là lúc còn nhỏ tí, tôi thật sự chỉ nghĩ: “mình bấm cái máy này ‘cạch, cạch’ nghe cũng vui”. Rồi khi vài ngày sau rửa ra hình thì được thêm một nguồn vui là thấy những “tác phẩm” của mình, mặc dù lúc đó chẳng biết Ất Giáp mình muốn chụp cái gì?
Đam mê máy bay từ thuở nhỏ.
Đến khi có cơ hội vô học trường nhiếp ảnh chuyên nghiệp, tôi mới nhận thức về nhiều thể loại nhiếp ảnh khác nhau. Trước đó tôi chỉ xách máy Nikon đi theo mình khắp nơi, nhưng cũng chưa biết mình thích chụp cái gì.
Cho tới bây giờ tôi vẫn có cảm giác háo hức khi nghe tiếng máy bay phản lực bay vèo qua khỏi nhà, và lật đật chạy ra sân để ngó lên trời đến khi máy bay khuất bóng nơi xa. Có phải đó là một ký ức của đứa bé nhìn cha của nó rời xa trên chiếc phản lực Boeing 727? Những buổi chiều hoàng hôn, tôi đứng dựa lan can nhà, ngắm trời, ngắm mây. Đôi khi có chiếc máy bay bay ngang, hoặc chim ó, diều hâu bay lượn trên cao, tôi dán mắt theo dõi, ước gì mình được bay như nó. Những cảm xúc riêng tư này tiếp tục thấm dần đến tuổi trưởng thành. Khi tôi biết lựa chọn cho mình một hướng đi trong nghề nhiếp ảnh, tôi chọn thể loại “bay”. Nếu có vật gì biết bay trên không trung, tôi quyết chí chụp được vật đó. Lúc đầu, chiếc máy bay chỉ hiện lên màn ảnh như một chấm đen, không hồn, bất động. Nhưng rồi, từ đó, tôi trở nên “chuyên trị” chụp hình những airshows, và có một bộ ảnh gồm mấy chục ngàn tấm hình máy bay đủ loại.
Gần như cái gì có cánh, tôi cũng đã chụp rồi – máy bay, phi thuyền, khinh khí cầu, người nhảy dù, bướm, dơi, chim chóc… Nếu thiên thần xuất hiện, chắc tôi cũng chụp luôn!
Một trong những ảnh airshow của tác giả – một sự gặp gỡ “hi hữu” trên không.
Qua quá trình kéo dài gần 30 năm trong ngành nhiếp ảnh, việc lấy ảnh một con chim hoặc một chiếc máy bay rõ nét không gì là khó. Cái khó hơn là làm sao cho nó có hồn. Đến trình độ này, dụng cụ nhiếp ảnh đã làm hết chức năng của nó, phần tạo hồn là do người nghệ sĩ.
Tấm ảnh sau đây chỉ là một trong vô số ảnh chim bay do tôi thu thập trong nhiều năm hành nghề. Vậy có gì đặc biệt về nó?
“Vạc” Tricolored Heron đang bay trước ống kính của Andy Nguyễn.
Nếu thoáng nhìn, tôi nghĩ ai cũng thấy một tấm hình rõ, màu sắc đẹp, ánh sáng tốt, và trâm trồ về kỹ thuật “ngưng cánh tại chỗ” với rất nhiều chi tiết.
Nếu chịu khó quan sát kỹ hơn, có thể một người sẽ nhìn thấy những khía cạnh sâu sắc hơn của tấm ảnh, những cái không nằm trên bề ngoài. Nói là “thấy” thì không đúng hẳn, mà là “cảm thấy” thì đúng hơn.
Tricolored Heron, chúng tôi (ĐMH và tôi) hay gọi nôm na là Cò Tam Thể. Mặc dù gọi là “cò” nhưng loài heron có những đặc điểm giống “vạc” hơn. Tấm hình này được chụp trong mùa sinh sản của loài heron, sắc lông mặt đổi thành màu xanh da trời (bình thường chỉ màu vàng lợt). Nó đang bay qua bụi cây bên đảo để tha cành về làm tổ.
Theo quy chế của những tổ chức bảo tồn Thiên Nhiên lớn nhất thế giới, những hình ảnh về thiên nhiên không được phép chỉnh sửa bằng Photoshop. Những gì thể hiện trên tấm ảnh phải là thật.
Mời các bạn thưởng thức tác phẩm “Như Cánh Vạc/Cò Bay”.
Andy Nguyễn với ống kính “bazooka” ở tư thế “sẵn sàng”.
AN- August ‘13 www.wildwingsphotography.com