Những chiến hạm tối tân của Mỹ không chỉ gây chú ý bởi hệ thống vũ khí tối tân mà còn là sự thú vị trong tên gọi.
Tuần dương hạm USS Hue City của Mỹ - Ảnh: Navy.mil |
Những ngày qua, khu vực Địa Trung Hải trở nên nóng bỏng bởi Mỹ vẫn giữ nguyên khả năng tấn công quân sự nhằm vào Syria bất cứ lúc nào. Truyền thông thế giới lập tức điểm mặt các chiến hạm mà Ngũ giác đài có thể điều động tham chiến. Trong đó, có một tàu chiến Mỹ mang tên rất Việt Nam là USS Hue City (CG-66), một tuần dương hạm thuộc lớp Ticonderoga. Với trọng tải gần 10.000 tấn, đây là lớp tàu chiến đầu tiên được trang bị hệ thống tác chiến Aegis tối tân của quân đội Mỹ.
Đủ loại địa danh
Ticonderoga được đặt theo tên một đồn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 bang Bắc Mỹ hồi thế kỷ 18, theo các tài liệu của hải quân Mỹ. Tương tự, hầu hết các chiến hạm khác thuộc lớp này đều được đặt tên theo một địa danh mà quân đội Mỹ từng trải qua những trận đánh khốc liệt.
Đó cũng là lý do để tuần dương hạm CG-66 mang tên USS Hue City, tức thành phố Huế, nơi diễn ra không ít cuộc đụng độ quyết liệt trong cuộc chến Mậu Thân 1968. Không riêng gì các tàu thuộc lớp Ticonderoga mà phần lớn các tuần dương hạm của Mỹ tính từ đầu thế kỷ 20 đến nay đều mang tên địa danh. Bên cạnh đó, tàu đổ bộ Mỹ
USS Peleliu ban đầu lẽ ra mang tên USS Khe Sanh (thị trấn Khe Sanh - Quảng Trị) hoặc USS Da Nang (Đà Nẵng) chứ không phải tên như hiện nay.
Nếu như chiến hạm thuộc lớp Ticonderoga mang tên những địa danh gắn liền những trận đánh lớn thì tàu ngầm thuộc 2 lớp Virginia và Ohio của Mỹ lại mang tên các tiểu bang của xứ hoa kỳ. Đây là nội dung trong báo cáo về việc đặt tên cho chiến hạm Mỹ được quốc hội nước này công bố hồi giữa tháng 6.2013. Việc chọn tên địa danh làm tên tàu ngầm cũng khá phổ biến trên thế giới. Nga từng có tàu ngầm hạt nhân mang tên thành phố Kursk của Nga. Cũng từ việc đặt tên này, nên khi nhà tiên tri Bulgaria là Baba Vanga đưa ra dự báo “Kursk chìm trong nước”, người ta chỉ nghĩ đến trận đại hồng thủy nhấn chìm thành phố Kursk. Thế nhưng, sự thật thì tàu ngầm nguyên tử Kursk đã gặp thảm họa nổ tung do một tai nạn vào năm 2000.
Theo báo cáo từ Quốc hội Mỹ, các tàu đổ bộ thuộc lớp San Antonio và tàu chiến cận bờ của hải quân nước này cũng được đặt tên theo địa danh. Tuy nhiên, các tàu này mang tên địa danh những thành phố, thị trấn nhỏ hoặc cộng đồng tại Mỹ.
Đặt cả tên người còn sống
Trong khi đó, hầu hết các chiến hạm cỡ lớn còn lại như hkmh và tàu khu trục đều mang tên người nổi tiếng. Cụ thể, 12 trong số 14 hàng không mẫu hạm mới nhất của Mỹ đều mang tên người nổi tiếng, gồm 10 chiếc mang tên của các tổng thống và 2 chiếc mang tên các nghị sĩ. Trong đó, Tổng thống John Kennedy được đặt tên cho đến 2 hkmh. Trước kia, tên ông từng được đặt cho chiếc hàng không mẫu hạm CV-67 thuộc lớp Kitty Hawk đã về hưu hồi năm 2007. Sắp tới, hkmh CVN-79, thuộc lớp Ford, sẽ lại mang tên ông và dự trù chính thức hoạt động vào năm 2020.
Nếu như hkmh hầu hết được đặt tên theo tổng thống và nghị sĩ thì tàu khu trục lại mang tên các chỉ huy và anh hùng của hải quân Mỹ. Ví dụ, đô đốc Arleigh Burke (1901 - 1996) được đặt tên cho lớp tàu khu trục của Mỹ hiện nay. Tên của ông cũng được đặt cho chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu này. Tương tự, toàn bộ tàu chiến lớp Arleigh Burke đều có tên những nhân vật lẫy lừng của hải quân Mỹ. Điển hình như tàu khu trục Arleigh Burke mới
nhất mà hải quân Mỹ tiếp nhận mang tên Michael Murphy, một thành viên của lực lượng đặc nhiệm SEAL hy sinh ở tuổi 29 tại Afghanistan hồi năm 2005.
Đặc biệt, từ năm 1973, Washington quyết định lại đặt tên người còn sống cho tàu chiến.
Điều này vốn từng xảy ra thời nước Mỹ vừa lập quốc cho đến năm 1814. Kể từ năm 1973 đến nay, có tổng cộng 14 nhân vật còn sống được đặt tên cho chiến hạm Mỹ. Trong đó, nổi bật phải kể đến nghị sĩ Carl Vinson (1883 - 1981),
người có hơn 50 năm làm nghị sĩ trong Hạ viện nước này, đã được đặt tên cho hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN-70). Tương tự, chiếc USS John C.Stennis (CVN-74)
mang tên ông John C.Stennis (1901 - 1995), người làm thượng nghị sĩ suốt 41 năm.
Ký hiệu của chiến hạm
Mỗi tàu chiến Mỹ đều có một tên riêng kèm theo USS (nghĩa là United State Ship) phía trước. Ngoài ra, mỗi tàu chiến còn có mã tàu, tương tự “bảng kiểm soát”, bao gồm ký tự và số. Ví dụ, hàng không mẫu hạm USS Nimitz còn có “bảng kiểm soát” là CVN-68. Trong đó, ký tự nhằm biểu thị loại tàu. Cụ thể, các loại tàu được ký hiệu bởi các ký tự như sau:
CV: Hkmh không sử dụng năng lượng hạt nhân.
CVN: Hkmh chạy bằng năng lượng hạt nhân.
LHD/LHA: Tàu đổ bộ thiết kế hkmh cỡ nhỏ, có thể mang cả chiến đấu cơ.
LPD: Tàu đổ bộ, có cả bãi đáp cùng lúc cho nhiều trực thăng.
LSD: Hải vận hạm đổ bộ.
MLP: Tàu đổ bộ cơ động.
SSN: Tàu ngầm năng lượng hạt nhân tấn công nhanh.
SSBN: Tàu ngầm hạt nhân mang hỏa tiển đạn đạo có thể chứa đầu đạn nguyên tử.
SSGN: Tàu ngầm hạt nhân mang theo hỏa tiển dẫn đường.
CG: Tuần dương hạm mang hỏa tiển dẫn đường.
DDG: Khu trục hạm mang hỏa tiển dẫn đường.
FFG: Hộ tống hạm mang hỏa tiển dẫn đường.
LCS: Duyên vận hạm .
PC: Tuần duyên hạm .
MCM: Trục lôi hạm .
|
Ngô Minh Trí