Sunday 15 September 2013

“Quê hương là chùm khế ngọt” - Cao Đắc Vinh

Mười mấy năm trước, vào đầu thế kỷ 21, nhiều lần tôi đã hỏi gia đình, vợ con và bạn bè với ý định thuyết phục... cùng nhau về sống hưu trí ở quê hương nước Việt. Tuổi già buông hết mọi công danh nợ trần để an hưởng cuộc đời nhàn hạ trên mảnh đất đã sinh ra mình.

Lòng vẫn tin vào quốc hồn nước Nam đứng vững mấy nghìn năm thì chính thể nào cũng chỉ là chiếc áo khoác bên ngoài đất nước giúp người dân qua cơn bão đời ấm no hay đói nghèo... Nếu sự bao bọc ấy vô dụng bởi kẻ tham chính bất tài thì chế độ sẽ nhanh chóng bị đào thải huống hồ chiếc áo Cộng sản đã kéo dài hơn 2/3 thế kỷ tả tơi mầu máu đỏ, hôm nay rách nát dưới mắt nhìn của mọi tầng lớp từ trí thức đến nông công thương, từ thành thị đến thôn quê. Hiển nhiên không sớm thì muộn sẽ có cuộc đổi đời toàn diện trên giải đất hình chữ S và ngày về... ngày hội đoàn viên dân tộc cận kề. Giấc mơ ấy là hiện thực mang tính quyết đoán như “I have a dream” của Martin Luther King đã một lần làm xứ sở này tỉnh giấc!

Tuy nhiên, ngày nay nói đến sự trở về, tình hình Việt Nam phức tạp hơn xưa vì sự độc đoán, dối trá của các lãnh tụ Cộng đảng ngay buổi bình minh theo Tầu đã cố tình dấu nhẹm câu chuyện bán nước. Trở về để... “đoàn viên”, nghe xôn xao tình tứ chợt dâng lên nỗi niềm hoài vọng của bao triệu con dân nước Việt xa xứ nhưng tiếc thay thời thế đã hoàn toàn biến đổi:

- Thực tiễn thứ nhất, câu nói ấy bây giờ đã thành: Trở về để “đoàn viên”... rồi lại phải chiến đấu cho Tự Do, Độc Lập giống như nghìn năm lệ thuộc phương Bắc trước kia mà chỉ những người trẻ trong và ngoài nước hôm nay mới có đủ hăng say.

- Thực tiễn thứ hai, Cộng đảng Việt Nam ra đời đầu năm Canh Ngọ 1930 cai trị bằng sự lừa đảo, dối trá, ám sát, thủ tiêu, đấu tranh giai cấp cướp của và chủ trương thù hận dưới chiêu bài cải tạo trước và sau thời chiến 1945, 1954 & 1975 sẽ không thể tiếp tục lãnh đạo dân tộc vì bộ mặt bất khả tín suốt chiều dài lịch sử.

Bất tín vì thiển cận tự tôn nên con người Cộng sản không sao học được câu nói bất hủ của Abraham Lincoln: “You can fool some of the people all of the time, and all of the people some of the time, but you can not fool all of the people all of the time.” để rồi dẫn toàn thể đất nước vào cảnh chia rẽ điêu linh hiện nay. Thời đại nào cũng có những “anh hùng áo vải Tây Sơn” khi mà dân cầy mất ruộng, thành thị mất nhà, trộm cướp bất an và nhất là tư bản đỏ dựa vào quân thù cướp biển cướp nước để ăn trên ngồi chốc thì cách mạng bắt nguồn từ dân gian sẽ bùng nổ và lịch sử tiên đoán chế độ độc đảng này sinh ra năm Ngọ 1930 rồi sẽ cáo chung vào niên lịch Giáp Ngọ 2014.

Qua internet, tôi cũng thường nhận được những bài viết về đời sống của người già ở Mỹ rồi dẫn đến câu hỏi: “Người già tại Mỹ có nên về sống tại Việt Nam không?”.

Thiết nghĩ, đa số tác giả viết về đề tài này cũng đã có sẵn câu trả lời do đó nếu lấy tựa đề như một câu hỏi thì mục đích chỉ muốn tăng thêm phần hấp dẫn và tò mò của độc giả. “Lá rụng về cội” là hình ảnh cố hữu, tuổi già với quê hương luôn luôn có sự gắn bó đôi khi trở thành... giấc mơ hồi hương trước và cả sau khi lìa đời tựa như lời thơ Du Tử Lê thuở mới sống lưu vong đầu năm 1977:

“Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển / Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi / Bên kia biển là quê hương tôi đó / Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì / Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển / Và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi / Cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối / Biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi...”

Sau 38 năm, đời lưu vong rõ nét, không còn tan tác như thuở ban đầu; nước Mỹ đã cưu mang chúng ta, mỗi người một việc làm để xây dựng tổ ấm vì thế bài thơ cay đắng nghẹn ngào không còn tác động mạnh khi tình cờ nghe tiếng thơ ấy ngâm vang. Tình hoài hương dù vẫn ấp ủ trong lòng nhưng lý trí nương theo tình hình thế giới và quê nhà ngẫu nhiên đã giúp kẻ tha hương dễ lấy quyết định đi hay ở hoặc sống nửa Đông nửa Tây khi lưu luyến nhìn về quê mẹ.

Nước Mỹ, mảnh đất lạ có lẽ còn rất xa thiên đàng nhưng vẫn là “đất lành chim đậu” ở cái hành tinh luôn tràn đầy máu lửa oán thù này. Câu ngụ ngôn trên cũng rất hiện thực bởi vì mỗi buổi sáng ngồi uống cà phê bên cửa sổ, tôi đều gặp vợ chồng “Mourning Dove” làm tổ trước nhà, thong thả kiếm thức ăn mang về nuôi con. Nước Việt so với Hoa Kỳ thua trên mọi phương diện cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng chẳng ai đem so sánh đời chim se sẻ với sức sống của con đại bàng... Có chăng một điều duy nhất quyến luyến người Việt đến hơi thở cuối cùng là tình tự gia đình và dân tộc đối với nơi chôn rau cắt rốn hay gọn một lời là tình nghĩa đồng bào tựa như tình đồng hương nơi đây.

Bỏ đất nước này, từ chối những quyền lợi như trợ cấp tiền tháng, “housing”, “medicare”, “medicaid”... để về sống tuổi già ở quê nhà là điều ít người nghĩ đến nếu không nằm trong một hoàn cảnh đặc biệt bởi vì Việt Nam đang lún sâu vào vòng kiềm tỏa của Tầu cộng. Đổi mạng sống lấy cuộc đời tự do bây giờ hưu trí, thời điểm mà sức khỏe và chí hướng đã lu mờ, lại tự ý trở về nơi mất tự do hàng ngày nhìn những cảnh đời gai mắt thương tâm mà lặng yên vô cảm thì còn đâu niềm vui tuổi già?

“Quê hương là chùm khế ngọt” nhưng thực thà tôi chỉ tìm thấy tuyệt vời trong văn chương ở tuổi không còn trẻ như hiện nay để không chút do dự chấp nhận cuộc sống xa quê khi mà chế độ độc đảng bất công còn hiện hữu.

Cao Đắc Vinh