Mấy tuần trước, tại thành-phố New York, cảnh-sát Lawrence DePrimo 25 tuổi đi tuần trong một đêm giá lạnh. Anh nhìn thấy một người đàn ông vô gia-cư không mang giày, nên đôi chân của ông ta bị sưng to. DePrimo động lòng chạy đi mua một đôi giày. Anh quỳ xuống và giúp người đàn ông mang vớ và giày vào. Hành động của anh đã lọt ống kính của Jennifer Foster ở Arizona đến New York chơi. Cô chụp hình và đưa lên facebook. 342 ngàn người viết lời khen-ngợi hành-vi yêu-thương của người cảnh-sát trẻ.
Ở Bang New Hampshire một người đàn ông bí-mật đi tặng phong thư đựng 500 đồng cho người bồi bàn ở mấy tiệm ăn. Bị theo-dõi và khám-phá, ông ta nói rằng mình tặng quà Noel theo ý của người em đã qua đời. Câu chuyện được loan-truyền trên facebook, người ta gởi về cho ông được thêm 70 ngàn để ông tiếp-tục đi tặng quà.
Đài truyền-hình Los Angeles chiếu hàng chục ngàn lá thư của các em nhỏ viết gởi cho ông già Noel - Dear Santa. Có tổ-chức nhận các lá thư và kêu mời các người bảo-trợ trả lời và cho quà theo các lá thư.
Đó chỉ là những bản tin đập vào mắt và tai tôi một cách bỗng-dưng. Nếu có công sưu-tầm, tôi tin rằng người ta có thể ghi-nhận được những việc lành ở khắp nơi trên đất Mỹ này. Người Mỹ có nhiều cái dở nhưng chắc lòng thương người thì đứng đầu thế-giới. Người Việt trên đất Mỹ cũng rất rộng lòng trong các cuộc lạc-quyên giúp thương-phế binh và các chương-trình cứu-trợ tại Việt Nam. Trong khi siêu-cường Trung Quốc giúp một trăm ngàn cho nạn-nhân bão Hải Yến ở Philippines thì cộng-đồng Việt góp cả triệu đồng trong các buổi nhạc-hội ở khắp nơi, không kể sự đóng-góp ở các nhà thờ, nhà chùa chung với các cộng-đồng Mỹ.
Mùa lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh, người dân Bắc Mỹ cho quà người thân và người nghèo ở xung-quanh. Mình có thể nói, chắc tại dân Mỹ giàu. Nhưng có phải người giàu nào cũng có lòng không? Trung quốc và Việt nam có thiếu gì cán-bộ hoặc con cháu của họ giàu xếp hàng thế-giới trong khi đại đa-số dân-chúng thì nghèo tàn-mạt. Tôi tự hỏi, thế có phải người nghèo thiếu tấm lòng không?
O Henry kể về đôi vợ chồng nghèo. Giáng Sinh đến nơi rồi mà Della lục-lọi đếm đi đếm lại mãi chỉ còn vài đồng lẻ. Lấy gì mua quà cho chồng đây. Nhìn trong gương nói chuyện với chính mình, Della bỗng khám-phá ra mái tóc của mình ít ra cũng trị giá một món tiền. Cô vội-vã chạy ra tiệm bán tóc lấy tiền mua cho Jim chồng cô chiếc giây đồng-hồ được thừa hưởng từ ông nội mà anh chẳng có cơ-hội đeo vì thiếu giây. Cô về nhà sửa-soạn cơm nước và hồi-hộp chờ chồng. Jim sẽ vui lắm vì có sợi giây đeo đồng-hồ, nhưng anh có buồn không khi thấy Della đã mất suối tóc óng-ả.
Jim bước vào nhà sững-sờ nhìn vợ. Della nhìn chồng muốn khóc, chạy đến ôm chồng xin lỗi đã cắt mái tóc của mình và đưa sợi giây đồng-hồ làm quà Giáng Sinh cho chồng. Jim cười héo-hắt chìa bộ trâm cài tóc cho vợ. Anh đã bán chiếc đồng-hồ để mua bộ trâm cài rồi còn đâu!
Câu chuyện đã cũ khoảng gần thế-kỉ mà người ta vẫn nhắc lại và nâng-niu như mẫu gương của tấm lòng. Món quà quí nhất là món quà lấy mất đi gia-sản của mình, không phải là món quà từ sự dư-thừa.
Người Kitô-giáo tin rằng Thiên Chúa ban tặng cho con người người con duy-nhất của Ngài - Chúa giáng sinh làm người.*** December 23, 2014