Chu Chi Nam (Danlambao) - Chính sách ngoại giao của Obama trong nhiệm kỳ đầu có tính cách lý tưởng, nếu không muốn nói là không tưởng bao nhiêu, thì ngược lại bắt đầu nhiệm kỳ hai, từ chính trị quốc nội cho tới quốc ngoại, có tính cách thực tế bấy nhiêu, đấy là nói một cách hơi quá đáng; nếu nói một cách khác đi, thì chính sách chính trị của Hoa kỳ hiện nay, về quốc nội là giải quyết và vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 để bắt đầu tăng trưởng, về quốc ngoại vẫn muốn duy trì vị thế bá chủ thế giới nhưng có tính cách kín đáo và thực tế hơn.
Thực vậy, với nhiệm kỳ đầu, khi vừa đắc cử tổng thống, chưa phải chạm trán với thực tế trong ngoại giao quốc tế, vừa phũ phàng, trì trệ khó thay đổi, vừa thủ đoạn, lọc lừa, Obama nghĩ rằng mình có thể thay đổi thực tế này một cách dễ dàng, nên rất có lý tưởng. Xin đơn cử 2 thí dụ điển hình là chính sách ngoại giao với thế giới Ả Rập và với Trung cộng.
Với thế giới Ả rập, một thế giới lạc hậu, độc tài, phong kiến, nhân quyền bị chà đạp, phụ nữ bị coi khinh, Obama nghĩ rằng có thể bắt tay với họ để cùng nhau sửa đổi. Bằng chứng cụ thể là khi vừa mới thắng cử, 2 nước theo đạo Hồi lớn, quan trọng mà Obama viếng thăm là Nam Dương và Ai cập.
Trong một bài diễn văn đọc ở Le Caire, thủ đô Ai cập, Obama kêu gọi một sự hợp tác chặt chẽ giữa thế giới Ả rập và Hoa kỳ. Nước Á châu mà ông thăm viếng đầu tiên, đó là nước Nam Dương, một quốc gia rộng lớn, đông dân với diện tích 1 905 000 Km2, dân số là 246,9 triệu người, tổng sản lượng quốc gia là 878,2 tỷ $, sản lượng tính theo đầu người là 4 955,9 $; đa số dân theo đạo Hồi, là nước theo đạo này lớn nhất thế giới.
Theo những nguồn tin đáng tin cậy, thì lúc đầu Obama còn có ý định viếng thăm nước Iran, nhưng sau thì không, vì sự ngăn cản của những người cố vấn. Bởi lẽ đó bà Ngoại trưởng Do Thái đã không ngần ngại phê bình đường lối ngoại giao của Hoa kỳ lúc bấy giờ là thiếu thực tế và không tưởng.
Về đường lối ngoại giao của Obama với Trung cộng cũng vậy. Ông nghĩ rằng ông có thể hợp tác với giới lãnh đạo xứ này để thay đổi chế độ, từ một chế độ cộng sản độc khuynh, độc đảng, độc tài, vi phạm nhân quyền, sang một chế độ dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền. Nhưng thực tế trong suốt nhiệm kỳ đầu, đã hoàn toàn ngược lại. Thực tế không dễ thay đổi như ông tưởng.
Thực tế đây không phải chỉ quốc tế mà ngay cả quốc nội Hoa kỳ.
Thực vậy, ngay từ nhiệm kỳ đầu, khi mới nhiệm chức, năm 2008, ông đã phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế nguy hiểm và toàn cầu không kém gì cuộc khủng hoảng 1929 – 1930. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ ngành địa ốc, rồi lan sang ngành ngân hàng và xe hơi. Lỗi tại ai? - Đảng Cộng hòa của Georges Bush trước đó? – Hay đảng dân chủ?.
Lỗi từ cả hai bên, lỗi từ cơ cấu kinh tế của tất cả nền kinh tế toàn thế giới, dựa trên lý thuyết kinh tế của John M. Keynes, theo đó chính quyền có thể tiêu xài quá mức độ hạn định của ngân sách quốc gia, để có thể kích thích phát triển kinh tế. Đấy là về phía chính quyền. Còn về phía người dân, thì được khuyến khích tiêu thụ tối đa để tăng trưởng kinh tế. Giấc mộng Hoa kỳ đã có từ lâu: đó là làm sao để có thể mua nhà, rồi mua xe hơi, sau đó là sắm sửa những vật liệu trong nhà từ bếp núc, đến sa lông, máy truyền hình. Người dân đã được khuyến khích tối đa qua việc cho vay tiền dễ dàng, gần như không cần bảo chứng. Ngay cả chính phủ cũng vậy. Keynes qui định rằng mức thâm thủng ngân sách không được quá 3%, đằng này chính phủ nào cũng vượt quá giới hạn này, có nước lên đến hơn 10%, như Hy lạp, Bồ đào nha, Tây ban nha v.v…
Tất nhiên cái gì cũng có giới hạn của nó. Người dân tiêu xài quá độ, đến lúc không thể trả tiền mua chịu nhà cửa và những đồ dùng khác, đi đến chỗ ngành địa ốc bị khủng hoảng, sau lây sang ngành ngân hàng và xe hơi. Bắt đầu ngay từ Hoa kỳ, rồi lan sang thế giới.
Từ năm 2008 đến nay, bảo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế này đã chấm dứt, thì không đúng, vì hậu quả của nó vẫn còn kéo dài cho tới ngày hôm nay, nhưng dầu sao nó cũng đã được khắc phục phần lớn.
Ngành địa ốc đã phục hồi lại, ngành xe hơi tiêu biểu là hãng Géneral Motor, từ chỗ phá sản, nay đã trở lại địa vị hàng đầu thế giới như xưa. Kinh tế Hoa kỳ, theo nhiều nhà quan sát, thì sẽ khởi sắc vào năm 2014.
Được như vậy, không ai chối cãi rằng chương trình khắc phục kinh tế của Obama là một chương trình hay và có hiệu quả. Thêm vào đó có đường lối chính trị tài chánh và tiền tệ của Quĩ tiền tệ quốc gia trung ương (FED) hay nói một cách dễ hiểu là Ngân hàng quốc gia trung ương, bám rất sát thị trường chứng khoán, tiền tệ và đã đưa ra đường lối chính trị tiền tệ rất xác thực và đúng, nhằm khi thì hạn chế số lượng tiền tệ trên thị trường để tránh nạn lạm phát, khi thì tăng số lượng này để khuyến khích phát triển và đầu tư. Ngân hàng Quốc gia trung ương Hoa kỳ có ưu điểm hơn Ngân hàng trung ương của Khối Âu châu, vì nó có thể một mình phản ứng mau lẹ, ngược lại Âu châu phải hỏi ý kiến của những nước thành viên trước khi quyết định. Chính vì vậy mà nó một phần nào cắt nghĩa sự khó khăn và chậm chạp phục hồi kinh tế Âu châu.
Người ta còn nhớ với cuộc khủng hoảng năm 1929 – 1930, sau đó dẫn đến Thế Chiến thứ Nhì (1939 – 1945). Cuộc khủng hoảng này đã là một trong những nguyên do chính, vì giới lãnh đạo các cường quốc lúc bấy giời không thể khuất phục về kinh tế và ngoại giao, vì các lãnh đạo những cường quốc lúc bấy giờ không có những đường lối kinh tế và ngoại giao để san bằng những bất đồng.
Về ngoại giao, như trên đã nói, vào nhiệm kỳ đầu, Obama có vẻ lý tưởng, thiếu thực tế bao nhiêu, thì với nhiệm kỳ hai, tỏ ra thực tế bấy nhiêu. Tuy nhiên theo nhiều nhà quan sát thì đó chỉ là một sự “Lùi bước có tính cách chiến lược, bề ngoài”, còn thực tế thì đường lối ngoại giao này vẫn mang tính cách giữ nguyên vai trò bá chủ thế giới.
Thực vậy, một nhà bình luận đã nói: “Bề ngoài, khuôn mặt Obama rất là bình thản, tuy nhiên ở dưới gầm bàn, thì ông không ngừng dùng hai chân đấm đá lung tung, ngay cả những người bạn.”
Điều này được cắt nghĩa bởi 2 chiến thuật tiêu biểu: Nghe lén điện thoại và dùng máy bay không người lái giết những kẻ khủng bố một cách kín đáo, không cần trách nhiệm.
Vụ điện thoại, ngày hôm nay đã lắng dịu, nhưng cách đây ít lâu, chúng ta biết Hoa kỳ đã nghe lén điện thoại của các nước đồng minh như Đức, Pháp, Anh, mỗi ngày có lúc lên tới cả 2 triệu cú, nghe lén ngay cả điện thoại cầm tay của bà Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Vụ dùng máy bay không người lái dưới thời Obama đã được tăng gấp bội. Ngoài vụ Ben Laden bị giết ở Pakistan, mà ai cũng biết, còn biết bao lãnh tụ phe khủng bố bị giết bởi những chiếc máy bay “Drones” nhưng ít người biết tới.
Chính sách ngoại giao thời nhiệm kỳ nhì của Obama có tính cách thiếu ồn ào, không có những bài diễn văn đầy lý tưởng như khi ông nhận giải Nobel Hòa bình, hay ông đọc ở thủ đô Ai cập, thủ đô nước Nam dương, vào nhiệm kỳ đầu, nhưng nó vẫn không thiếu tính cách muốn duy trì ngôi vị bá chủ thế giới càng lâu càng tốt.
Và thế giới đã chuyển mình qua trục châu Á Thái bình dương, nhất là về kinh tế trong tương lai.
Hoa kỳ và chính quyền Obama đã ý thức và bắt kịp điều này.
Cách đây mấy năm, ông Henry Kissenger, cựu Cố vấn Anh ninh, cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ, người được coi như đại diện cho trường phái Chính trị ngoại giao thực tiễn của Hoa kỳ, ở Genève, thủ đô nước Thụy sĩ, có tuyên bố: “Ngày hôm nay Hoa kỳ sẽ đảm nhận hoàn toàn vai trò đại cường quốc của mình ở châu Á Thái bình dương” (Theo culturepolitique.com). Đồng thời vào những năm vừa qua, có nhiều cuộc viếng thăm châu Á của chính khách Hoa kỳ, từ Tổng thống qua Ngoại trưởng tới Bộ trưởng Quốc phòng.
Vào ngày 24/09/2010, tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa kỳ và các nước Hiệp hội Đông nam Á, được tổ chức tại Hoa thịnh đốn, ông Obama có tuyên bố: “Với tư cách là Tổng thống Hoa kỳ, tôi bày tỏ minh bạch rằng Hoa kỳ có mục đích đóng vai trò lãnh đạo ở châu Á. Vì vậy chúng tôi đã tăng cường các liên minh cũ, chúng tôi đã làm đậm đà sâu sắc hơn quan hệ đối tác mới, như chúng tôi đã làm với Trung quốc, và chúng tôi đã tái cam kết với những tổ chức khu vực, trong đó có Tổ chức các nước Đông nam Á.”
Quả thật, trong nhiệm kỳ đầu, ông Obama đã tăng cường ngoại giao với khu vực này, chú tâm thêm về khu vực này, chẳng hạn như về phương diện quốc phòng, ông chủ trương cắt giảm ngân sách quốc phòng nói chung, nhưng không giảm mà lại tăng thêm ngân sách quốc phòng cho vùng châu Á thái bình dương.
Tuy nhiên, phải chăng, Obama vẫn giữ tính chất ngây thơ của đường lối ngoại giao nhiệm kỳ đầu đối với Trung cộng? Không có chi thay đổi với nhiệm kỳ 2?
Thực vậy, mặc dầu đã ý thức tầm quan trọng của châu Á thái bình dương, nhưng Obama vẫn ngây thơ về đường lối ngoại giao vào nhiệm kỳ đầu cho rằng có thể hợp tác với giới lãnh đạo Trung cộng để thay đổi đường lối chính trị về đối nội cũng như đối ngoại của họ, cũng như ông có ý định bắt tay chặt chẽ với Nam Dương, nước ông đã từng sinh sống thời trẻ và là nước Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên trong suốt nhiệm kỳ đầu, kết quả của đường lối ngoại giao này không có gì khả quan: Trung cộng vẫn tiếp tục đàn áp những nhà đấu tranh cho dân chủ và những dân tộc thiểu số như ở vùng Tân cương, Tây tạng, không có một tý chỉ dấu gì là dân chủ hóa chế độ. Về đối ngoại, thì Trung cộng vẫn tiếp tục chính sách xuất cảng bằng cách đi theo một chính sách tiền tệ không có gì là chính đáng qua hành động hạ giá đồng Nhân dân tệ để cho đồng tiền này rẻ hơn đồng Đô la trên thị trường, để giảm giá thành của những hàng xuất cảng. Đấy là chưa nói đến việc làm hàng giả, sao chép trái phép và vẫn ngầm giúp những tổ chức khủng bố hay những quốc gia thù nghịch với Hoa kỳ. Người ta còn nhớ vào ngay những ngày đầu của nhiệm kỳ nhất của Obama, tại Hội nghị Thượng đỉnh về vấn đề môi sinh môi trường ở một nước bắc Âu, giới lãnh đạo Trung Cộng, lúc đó người cầm đầu là Hồ cẩm Đào, đã có vẻ trịch thượng với Obama.
Đối với Nam dương thì kết quả cũng không khả quan lắm. Nước này không có gì chống đối Hoa Kỳ, nhưng để bắt tay chặt chẽ, để cải tổ thế giới Hồi giáo, thì họ cũng không mặn mà.
Đấy là vào nhiệm kỳ đầu. Nhưng vào nhiệm kỳ nhì, Obama và chính quyền Hoa Kỳ có ý thức được những điều đó và sửa đổi chính sách ngoại giao không ? Họ đã ý thức và đã sửa đổi. Nhưng chỉ sửa đổi về phương diện chiến thuật, còn trên phương diện chiến lược và mục đích lâu dài thi vẫn giữ nguyên. Đó là vẫn duy trì vị trí bá chủ của Hoa kỳ trên toàn thế giới, nhất là ở vùng châu Á Thái bình dương, vẫn làm thế nào để mô hình tổ chức nhân xã dân chủ tự do và kinh tế thị trường được quảng bá ở vùng này, đặc biệt là ở những nước chưa có dân chủ như Trung cộng, Bắc Hàn, Việt Nam, Miến Điện v.v…
Nhưng có lẽ không cần phải quá vội vã, thay vì tin tưởng vào những giới lãnh đạo của những nước này tự sửa đổi, thì nay phải dùng đến sức ép, nhất là sức ép về chính trị và kinh tế.
Tiêu biểu là đối với Trung cộng: về chính trị, giúp đỡ những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ nhân quyền, cùng những tổ chức đấu tranh của những dân tộc thiểu số, như dân tộc Hồi giáo ở vùng Tân cương, hay tổ chức của người Tây tạng mạnh mẽ hơn; về kinh tế kiểm soát hàng xuất cảng của Trung quốc vào nước Mỹ gắt gao hơn; đồng thời đẩy mạnh việc hình thành Tổ chức thương mại xuyên Thái bình dương (TPP), để đưa Trung cộng vào trường hợp, nếu chấp nhận tham gia thì phải sửa đổi chính sách kinh tế, nếu không thì sẽ bị cô lập.
Nhân vụ Trung cộng đưa ra chính sách nhận diện vùng không phận, và mới đây, ngày 10/12, có vụ một tàu Trung cộng chạy hết tốc lực như muốn lao vào tàu của Mỹ, sau đó thì bẻ lái sang hướng khác, có người cho rằng sớm muộn sẽ đi đến chiến tranh giữa Mỹ và Trung cộng ở vùng Thái bình dương.
Có lẽ chưa đền mức độ như vậy. Chính giới Hoa kỳ, từ xưa đến nay, vẫn thi hành chính sách, theo như Tôn Tử, một nhà tư tưởng quân sự tàu đã nói:
“Thứ nhất là công tâm, thứ nhì là công lương, thứ ba mới tới công thành.” Công tâm đây là tấn công trên phương diện chính trị, ngoại giao, tâm lý chiến. Công lương đây là tấn công về kinh tế. Đối đế mới tới công thành, có nghĩa là dùng đến biện pháp quân sự.
Chiến lược này, Hoa kỳ đã dùng trong thời gian Chiến Tranh Lạnh với đế quốc cộng sản Liên sô. Ngày hôm nay, bản cũ xào lại với Trung cộng và những nước cộng sản khác. Nhưng có người hỏi tại sao Hoa kỳ lại dồn nỗ lực quân sự vào vùng châu Á thái bình dương, ngân sách quốc phóng tổng quát của Hoa kỳ thì giảm, nhưng đặc biệt ngân sách cho vùng này lại tăng, cũng như Hoa kỳ thiết lập thêm những căn cứ quân sự mới?
Vì là đại cường quốc, Hoa kỳ bắt buộc phải tiên đoán tất cả những trường hợp có thể xảy ra, ngay cả trường hợp xấu nhất, đó là giả thiết cho rằng phe bảo thủ, phe quân phiệt có thể đảo chính ở Trung cộng và không ngần ngại gây chiến với Hoa kỳ, mặc dầu cán quân quân sự quá thiên lệch về Hoa kỳ, vì vậy Hoa kỳ phải phòng ngừa.
Theo thường lệ, cứ 4 năm 1 lần, Hội đồng Tình báo Hoa kỳ (National Intelligence Counsil), có ra bản nghiên cứu; và vào cuối năm 2012, có bản nghiên cứu mang tựa đề Hướng đi Tổng quát (Global Trends), từ nay cho tới năm 2030, theo đó cho tới năm này, vấn đề sản xuất dầu khí từ phiến thạch đã được bắt đầu từ năm 2008, và đang phát triển mạnh mẽ, sẽ giúp Hoa kỳ độc lập về vấn đề năng lượng, không cần đến những vùng sản xuất năng lượng quan trọng từ xưa đến nay như Trung Đông, Nga và những vùng khác.
Viễn tượng này có thể nói có ảnh hưởng rất mạnh đến đường lối ngoại giao tương lai của Hoa kỳ, thay vì sống chết với vùng Trung đông như trước, nay Hoa kỳ sẽ có một đường lối ngoại giao khác, tìm cách giải quyết vấn đề Trung đông, trong đó có cả vấn đề Syrie, Iran, Palestine và Do thái, để dồn nỗ lực vào châu Á thái bình dương, đồng thời từ từ rút quân khỏi A phú Hãn, Irak như đã bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu của Obama. Đó là một vài chẩn đoán tổng quát và sơ lược về chính sách chính trị của Obama nhiệm kỳ nhì, vừa quốc nội lẫn ngoại giao.
Nhiều người nghĩ rằng 2 chính sách này kình chống nhau ; nhưng thực tế trong quá khứ, người ta thấy nó bổ sung nhau, và được đặt ưu tiên tùy lúc và tùy theo hoàn cảnh. Người ta còn nhớ, vào những năm của thập niên 90, trong cuộc tranh cử với Georges Bush cha, người vừa mới chiến thắng Chiến tranh Irak kỳ đầu, Bill Clinton đã không ngần ngại tuyên bố trong những bài diễn văn tranh cử của mình: “Hoa kỳ không chết vì hiểm họa đến từ bên ngoài, mà sẽ chết vì những hiểm họa đến từ bên trong.” Vào lúc này, kinh tế hoa kỳ vẫn còn khó khăn, những cải cách của Georges Bush chưa mang đến kết quả. Sau đó Bill Clinton đã thắng cử vào năm 1992, Chính sách cải cách kinh tế của Bush đã mang lại kết quả cộng thêm chính sách kinh tế của Bill Clinton, nền kinh tế của Hoa kỳ được phục hồi rồi tăng trưởng mạnh.
Nhờ tình hình quốc nội ổn định, kinh tế tăng trưởng, chính Bill Clinton chứ không ai hết, vào nhiệm kỳ nhì, lại đặt ưu tiên cho chính sách ngoại giao.
Trở về với Obama nhiệm kỳ nhì, mặc dầu có những khó khăn như việc bảo hiểm sức khỏe (Obamacare), việc thâm thủng ngân sách và việc giới hạn tối đa tiền nợ quốc gia, nhiều nhà kinh tế tiên đoán rằng kinh tế Hoa kỳ sẽ khởi sắc vào năm 2014. Thêm vào đó, như sự tiên đoán của Hội đồng Cố vấn Tình báo, trong bản dự đoán tương lai, vừa mới nhắc ở trên, thì Hoa kỳ sẽ độc lập về vấn đề nhiên liệu sớm hơn, có thể vào năm 2016 hay trễ là 2020, theo ước đoán của một số nhà nghiên cứu. Một khi tình hình quốc nội ổn định, tốt đẹp, thì Hoa Kỳ sẽ đặt ưu tiên cho chính sách đối ngoại.
Chính sách đối ngoại của Hoa kỳ từ trước tới nay vẫn là làm sao để duy trì địa vị bá chủ của mình trên thế giới.
Duy trì địa vị này trong bao lâu nữa ?
Thật dài hạn, cả trăm năm nữa thì ít người dám tiên đoán. Nhưng trung hạn từ 40 đến 50 năm nữa thì rất có thể, vì Hoa kỳ còn có rất nhiều ưu thế (atouts):
Vì Hoa Kỳ có một thể chế dân chủ trong những thể chế đứng hàng đầu thế giới. Nó giúp cho nước này vận dụng tối đa tài lực và nhân lực quốc gia. Nó giúp cho giải quyết những mâu thuẫn nội bộ một cách hòa bình, sửa sai một cách mau lẹ, để tiếp cận mau lẹ với thực tế, rồi vững tiến.
Vì nước này có một đội ngũ trí thức rất ưu tú trong mọi ngành nghề, hàng năm Hoa kỳ vẫn đứng đầu về những giải thưởng Nobel, là nơi qui tụ những nhân tài và sinh viên học sinh thế giới. Một điều buồn cười đó là bề ngoài hai nước Hoa kỳ và Trung cộng có vẻ chống nhau, nhưng số sinh viên Trung cộng hiện đang du học ở Hoa kỳ đứng đầu thế giới với con số là 230 000 người trên tổng số sinh viên thế giới là 850 000 người.
Vì nước này có một khả thế và tiềm năng quốc phòng không ai sánh kịp. Chỉ cần so sánh về ngân sách quốc phòng thì ngân sách quốc phòng của Hoa kỳ bằng tổng số 18 nước đứng kế tiếp trong đó có Trung cộng, Nga, Nhật, Anh, Pháp, Đức v.v…, cộng lại.
Từ đó, những người tiên đoán sẽ có một cuộc Đại Chiến thứ Ba là thiếu căn cứ, vì Hoa kỳ không dại gì lao vào cuộc chiến này để đánh mất hết những ưu thế mà mình hiện có. Hơn thế nữa, nước đương đầu với Hoa kỳ hiện nay là Trung cộng, mà Hoa kỳ biết rất rõ rằng nước này không thể nào đi ngược lại trào lưu tiến bộ của văn minh nhân loại là đi đến tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Giới lãnh đạo Hoa kỳ có thể đợi cho trái chín rồi rụng, thay vì trèo cây hái trái, có rất nhiều nguy hiểm bất ngời.
Điều này người Hoa kỳ đã làm với Chiến tranh lạnh trong vòng 50 năm cho tới ngày đế quốc cộng sản Liên sô sụp đổ.(1)
Paris, ngày 23/12/2013