Thursday, 12 December 2013

NGƯỜI ÚC CÓ LÒNG YÊU NƯỚC HAY KHÔNG ?

Cách đây vài tuần, tôi nhớ anh Chủ bút báo SS đã tỏ ý bi quan về nền thể thao nước Úc. Bi quan cũng phải, chúng tôi cũng không khác gì anh, vì nhìn quanh nhìn quẩn, trên thao trường quốc tế, các tuyển thủ Úc đua nhau đi từ bại đến … thua. Cao điểm là hai lần đại bại 6-0 của đội Socceroos trước hai đội Ba Tây và Pháp quốc.
Nhưng sau cuối tuần rồi, chắc anh đang vui vẻ, hớn hở hơn nhiều lắm. Tôi đề nghị các anh chị em nhân viên tòa soạn, có ai muốn được tăng lương, xin hãy đến gỏ cửa văn phòng của anh càng sớm càng … có nhiều hy vọng.
Lý do đơn giản là vì nước Úc đánh đâu thắng đó, sân nhà cũng như ở ngoại quốc.
Vẻ vang nhứt có lẽ là đội cricket với trận test đầu tiên trong 5 trận của the Ashes series tranh với đội tuyển Anh quốc. Thủ quân Michael Clark và đàn em chỉ cần 4 trong 5 ngày hạn định để kết thúc trận thư hùng đầu tiên này với gần 400 điểm cách biệt.
Rồi đến môn golf với giải World Cup tranh ở Melbourne. Jason Day đã cố gắng xếp sang một bên câu chuyện tang thương của bà cô và 7 anh em bà con bị tử thương ở Phi luật tân trong trận siêu bão Hayan hầu có thể chú tâm và chiếm giải nhứt cá nhân trong cuộc thi đấu. Chưa hết, bạn đồng đội của anh, Adam Scott, đã vượt qua ngày tranh tài đầu tiên thảm hại để bắt kịp các đấu thủ khác trong ba ngày còn lại, giúp nước Úc chiếm luôn giải nhứt toàn đội, lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua.
Sang đến các môn rugby. Đội Wallabies thắng trong 3 trận liên tiếp, khuất phục ba đôi tuyển quốc gia khác là Ý đại lợi, Ái nhĩ lan và Tô cách Lan. Đặc biệt, trước trận đấu với Scotland, ông bầu Ewen McKenzie đã phải treo giò 5 cầu thủ và cảnh cáo 9 cầu thủ khác vì lý do kỹ luật.
Đội rugby league Kangaroos không nhường bước, đã đè bẹp đôi tuyển Fiji 64-0 trong trận bán kết của giải World Cup đang diễn ra ở Anh quốc.
Và trở lại với môn thể thao mà chúng ta ưa chuộng là túc cầu, đội Socceros đã tặng ông bầu Ange Postecoglou món quà cho lần dìu dắt đầu tiên với chiến thắng 1-0 trước đội Costa Rica.
Tự hào dân tộc hay tinh thần ái quốc ?
Nhưng cũng chính trận đấu này đã khiến tôi – và có lẽ nhiều khán giả khác, hoặc trực tiếp ở sân cỏ hoặc qua màn ảnh truyền hình – đều phải đặt dấu hỏi về tinh thần thể thao của những người tự gọi là khán giả ái mộ thể thao của nước Úc.
Họ đã không ngừng chu miệng chê bai, chế nhạo thủ quân Lucas Neill mỗi lần anh này nhận được bóng. Tại sao ? Vì họ quy cho anh này trách nhiệm của những lần thất bại trước, quên rằng đây là môn chơi toàn đội, mười một cầu thủ có trách nhiệm đồng đều như nhau, chưa kể đến ông huấn luyện viên.
Lucas Neill
Lucas Neill, thủ quân đội Socceroos, phản ứng với khán giả
Nhưng tại sao họ làm như thế ? Phải chăng họ có tinh thần yêu nước, không chấp nhận được thất bại ? Phải chăng những thể thao gia không mang đến thành công cho đất nước đã đem lại nỗi nhục quốc thể ?
Tôi không nghĩ vậy Tôi cho rằng họ chỉ đang biểu tỏ một niềm hãnh diện dân tộc, dù hơi cực đoan, là họ không chấp nhận thất bại. Và hãnh diện dân tộc (national pride) không đồng nghĩa với tinh thần ái quốc (patriotism). Nó thấp dưới lòng ái quốc một bực.
Theo tự điển online, “patriotism” được định nghĩa là “devoted love, support, and defense of one’s country”. Những người nói trên có thể yêu (love), hổ trợ / ủng hộ (support) quốc gia này nhưng hành động của họ không liên quan gì đến chuyện bảo vệ quốc gia (defense of one’s country).
Ngoại trừ lần phi cơ Nhật bản đánh phá Darwin vào hồi Đệ Nhị thế chiến, nước Úc chưa bao giờ đối diện với ngoại xâm. Những cuộc chiến mà quân đội Úc đã tham gia luôn luôn với vai trò đồng minh của những quốc gia thân thiện như Anh quốc, Hoa Kỳ hay các liên minh ANZAC hoặc Liên phòng Đông Nam Á SEATO, Liên minh Bắc Đại tây dương NATO.
Nói như thế nhưng người viết tin chắc rằng khi bờ cõi bị đe dọa, khi an ninh quốc gia đang gặp nguy cơ trước nạn ngoại xâm, đại đa số người Úc, lão cũng như ấu, nữ cũng như nam, sẽ nhất tề chống đuổi.
Đối với họ, tự do và độc lập là hai điều bẩm sinh, như ăn uống thở ngủ.
Nhưng có bạn đọc sẽ hỏi, nếu biết là thế, tại sao tôi viết tựa bài này như trên. Tại sao tôi đặt dấu hỏi về lòng ái quốc của người dân xứ Kăng-gu-ru.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao Úc – Nam Dương leo thang.
Thưa bởi vì tôi đã không hiểu được phản ứng cũng như những lời đề nghị của một số người đối với cuộc khủng hoảng ngoại giao đang có vẻ ngày một leo thang trong việc nước Úc “nghe lén” các cấp lãnh đạo Nam Dương.
Như đã viết trong bài trước, chúng ta không thể nào biết được Edward Snowden, nhân viên khế ước của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA Hoa Kỳ đã đào tẩu sang Nga với bao nhiêu tài liệu mật. Có những ước đoán từ giữa 20,000 đến 200,000 hồ sơ an ninh đã theo Snowden sang Nga sô. Khi nào cảm thấy cần thiết, và thích hợp với mưu đồ của anh (và biết đâu của cả Putin ?), anh ta sẽ tháo mật thêm các tài liệu khác, gây tai hại không kể xiết cho an ninh tình báo của Mỹ, Anh, Úc cùng các nước đồng minh liên hệ.
Tuần rồi, một số những tài liệu đó đã làm điêu đứng chính phủ Úc vì chúng tiết lộ rằng điện thoại của chính Tổng thống Nam dương Susilo Bambang Yudhoyono và đệ nhứt phu nhân đã bị tình báo Úc “nghe lén”.
Từ giới truyền thông….
Câu hỏi đầu tiên được dành cho ông Mark Scott, Tổng giám đốc hệ thống truyền thanh và truyền hình quốc gia ABC.
Mark Scott ABC
Ông Mark Scott, Tổng Giám đốc hệ thống truyền thông ABC Úc
Tại sao các dữ kiện về việc “nghe lén” này đã được Edward Snowden tiết lộ từ hồi tháng Sáu năm nay mà mãi đến thứ Ba tuần rồi, truyền hình ABC mới công bố ? Nó có liên quan gì đến việc hồi tháng Sáu, đảng Lao động vẫn còn đang cầm quyền và ABC đợi đến bây giờ mới công bố để gây khó khăn cho đương kim Thủ tướng Tony Abbott của liên đảng trong việc thương thuyết với Nam dương về việc chống nạn buôn người ?
Khoan nói ABC là một cơ quan do tiền thuế của dân tài trợ, người ta thắc mắc về động cơ thúc đẩy ABC trong hành động này. Ông Scott biện hộ đây là một việc làm “vì lợi ích của công chúng” dù chính ông cũng nhìn nhận “tôi biết nó sẽ đưa đến một vài khó khăn trong mối liên hệ Úc – Nam Dương trong tương lai gần”.
Biết thế sao ông còn làm ? Ông có nghĩ đến hậu quả là nó thúc đẩy cấp lãnh đạo Nam Dương rút lui sự hợp tác để chống khủng bố và buôn người hay không ? Và từ đó, nó sẽ gây nguy hiểm tính mạng cho người dân Úc, nhứt là những người du lịch sang Nam dương, hay không ? Cũng từ đó, những tay buôn người sẽ được khuyến khích đưa mạng sống của những người tầm tỵ ra thách đố với tử thần ở biển khơi ?
Nực cười là chỉ đôi ngày sau, khi sổ lương của một số lớn nhân viên của ABC được nhân viên của một dân biểu đảng Family First ở Nam Úc tiết lộ, ông Scott đã nhảy như phỏng lửa và nói “Tiền lương của nhân viên tôi là tối mật, phải được bảo vệ” !.Theo ông Scott, lương bổng cần được bảo mật hơn tình báo quốc gia. !
… đến chính trị gia.
Tuy nhiên, sự đạo đức giả nói trên vẫn còn thua xa đảng Xanh. Người ta còn nhớ, năm 1999, lãnh tụ đảng này lúc bấy giờ, Bob Brown, đòi hỏi “một lực lượng duy trì hòa bình quốc tế” vào chiếm giữ Nam Dương để giải phóng Đông Timor. Giờ đây, đảng Xanh “kinh hoàng” khi chúng ta “nghe lén” điện thoại của cấp lảnh đạo Nam dương và họ nhỏ những giọt nước mắt cá sấu cho “sự thương tổn về các mối liên hệ ngoại giao của chúng ta”.
Cũng trên phương diện đảng phái, Lao động cũng không thua bước đảng Xanh khi đầu tiên, đương kim lảnh tụ Bill Shorten và sau đó là cựu lảnh tụ Julia Gillard đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Tony Abbott nên hành xử như Tổng thống Hoa kỳ đã điện thoại bà Thủ tướng Đức quốc Angela Merkel để xin lỗi về một hành động tương tự.
Bill Shorten
Ông Bill Shorten (Lao động), lảnh tụ đồi lập liên bang Úc
Đây không được là “nửa ổ bánh mì” mà chỉ là một phần tư của “ổ bánh mì sự thật”.
Phần tư thiếu sót đầu tiên, Tổng thống Obama không hẳn xin lỗi bà Merkel mà chỉ hứa hẹn rằng “đang không theo dõi và sẽ không theo dõi điện thoại của bà Merkel”.
Thứ hai, Đức không phải là Úc, bao nhiêu năm qua, chưa gặp nguy cơ của khủng bố trong khi Úc và Nam dương đã hợp tác về tình báo để truy lùng các thủ phạm của vụ nổ bom ở Bali và dẹp tan tổ chức khủng bố Jemaah Islamiah. Trước mắt, hai nước cần phải bàn tính với nhau về việc 300 tên khủng bố sắp được ra khỏi tù trong 12 tháng tới.
Và cái phần tư thứ ba đã không được Lao động đề cập tới là nước Úc từ xưa đến nay đã có chính sách không bao giờ phủ nhận hay xác nhận về các tin tức tình báo của mình. Nếu làm như thế, giả tỉ ngày mai Edward Snowden lại thả ra thêm tài liệu tương tự với các nước Mã Lai, Đài loan, Phi luật tân v.v… thì Úc phải tiếp tục xin lỗi đến bao giờ ? Và hoạt động của các cơ quan tình bào sẽ bị tê liệt đến đâu ?
Đệ tứ quyền.
Nhưng phải nói người viết đã bàng hoàng nhiều nhứt khi đọc những dòng trên đôi tờ nhật báo, thẳng thừng tỏ ý mong muốn cho liên hệ ngoại giao giữa Úc và Nam dương bị tổn thương càng nhiều càng tốt, sụp đỗ luôn cũng được, để họ được chứng kiến chính sách “chận tàu tầm tỵ” của liên đảng bị thất bại.
Jack Waterford của tờ Canberra Times nhìn nhận “ có nhiều người, trong đó có tôi, muốn thấy các chính sách nhục nhã của chúng ta thất bại”.
Richard Ackland của tờ Sydney Morning Herald cũng của công ty Fairfax thì để nghị Nam dương gởi một đoàn thuyền tỵ nạn sang để lật đỗ Tony Abbott “Cách tốt nhứt để SBY trả lời về vụ nghe lén là mở cửa cho những người tầm tỵ. Cho 50,000 người lên tàu, chỉ họ đi về hướng nước Úc. Vĩnh biệt Abbott”.
Các nước dân chủ Tây phương thường ví von tự do báo chí là đệ tứ quyền, sau Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Vì thế, chúng ta tôn trọng những ước muốn, dù thật tầm thường nếu không muốn nói là nhỏ nhen – của những người cầm bút như thế.
Nhưng có lẽ họ cần được nhắc nhở rằng tháng 9 vừa qua, Tony Abbott và liên đảng đã được dân chúng bầu lên vì họ tán đồng với chính sách “chận tàu tầm tỵ”.
Bây giờ, chắc quý đọc giả đã hiểu vì sao tôi đặt dấu hỏi về lòng yêu nước của những người nêu trên ?

HƯNG VIỆT (Brisbane)