Mời quí vị đọc những trang Sử về Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa.
HẢI QUÂN VIỆT NAM ANH DŨNG CHỐNG QUÂN XÂM LĂNG TRUNG CỘNG TẠI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA
Trích từ tài liệu “Thế Giới Lên Án Trung Cộng Xâm Lăng Hoàng Sa Của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa” do Cục Tâm Lý Chiến – Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị – Quân Lực VNCH ấn hành năm 1974.
Chiều ngày 15-1-1974, một ghe đánh cá Trung Cộng chở người đến cắm cờ và dựng lều trên Đảo Cam Tuyền (Robert) thuộc Quần Đảo Hoàng Sa. Tuần-dương-hạm Việt Nam Cộng Hòa dùng quang hiệu đuổi họ rời khỏi đảo nhưng vô hiệu.
Sáng ngày 16-1-1974, lực lượng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (HQ/VNCH) hoạt động trong vùng Quần Đảo Hoàng Sa ghi nhận 2 chiến đĩnh Trung Cộng chạy chung quanh Đảo Duy Mộng (Drummond).
Sáng ngày 17-1-1974, chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa được lệnh đổ bộ lên Đảo Vĩnh Lạc (Money), tìm thấy trên đảo này có 4 ngôi mộ người Trung Hoa. Ngoài ra, HQ/VNCH ghi nhận thêm một chiến hạm của Trung Cộng di chuyển quanh Đảo Cam Tuyền. Chiều ngày 17-1-1974, 31 đoàn viên HQ/VNCH có võ trang đổ bộ lên đảo Cam Tuyền nhưng chỉ tìm thấy một lá cờ Trung Cộng và một bản đồ ghi bằng chữ Trung Hoa. Trong khi đó, HQ/VNCH ghi nhận có 2 chiến hạm của Trung Cộng neo tại phía Nam Đảo Cam Tuyền nhưng sau đó 2 chiếc tàu này đã nhổ neo di chuyển đi nơi khác. Vào chiều tối cùng ngày, 2 chiến hạm Trung Cộng xuất hiện từ hướng Đảo Quang Hòa (Duncan) di chuyển đến Đảo Cam Tuyền (Robert) và dùng quang hiệu yêu cầu các tàu của ta rời khỏi hải phận của họ (?). Lúc 19 giờ 40 phút cùng ngày, một phi cơ lạ bay ngang qua chiến hạm HQ 4 của HQ/VNCH rồi bay về hướng Đông Nam mất dạng. Qua hôm sau tình hình không có gì đột biến ngoài việc các chiến hạm Trung Cộng không ngừng khiêu khích.
Đến ngày 19-1-1974, Trung Cộng có 14 chiến hạm đủ loại trong khu vực Quần Đảo Hoàng Sa, kể cả 4 phi-tiễn-hạm loại Komar. Phi cơ lạ cũng được ghi nhận xuất hiện trong vùng vào lúc hừng đông và bay mất dạng về hướng Bắc.
Vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 19-1, hai toán Biệt Hải thuộc QLVNCH gồm 74 người, đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan) và bị hơn một đại đội Trung Cộng võ trang vũ khí đủ loại tấn công. Cuộc tấn công này đã gây cho 2 binh sĩ ta bị thiệt mạng cùng 2 người khác bị thương. Sau đó, các toán Biệt Hải được lệnh triệt thoái khỏi đảo. Đến 10 giờ 22 phút cùng ngày, một hộ-tống-hạm Trung Cộng loại Kronstadt đâm ngang hông đồng thời nổ súng vào khu-trục-hạm Trần Khánh Dư của ta. Khu-trục-hạm Trần Khánh Dư phản pháo tự vệ và bắn chìm hộ-tống-hạm Trung Cộng này, khu-trục-hạm của ta bị hư hại nhẹ.
Vào xế trưa, lực lượng hai bên đoạn chiến. Các chiến hạm của ta tập trung về khu vực các hải đảo phía Tây của Quần Đảo Hoàng Sa, 30 đoàn viên hải quân VN đổ bộ lên 2 đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money). Trong khi đó tại hải đảo Hoàng Sa (Pattle) đã có một trung đội Địa Phương Quân thuộc Tiểu Khu Quảng Nam và 4 nhân viên đài khí tượng trú đóng từ trước.
Trong đêm cùng ngày, 3 chiến hạm của ta bị hư hại, được lệnh trở về Căn Cứ Hải Quân Đà Nẵng.
Trong cuộc hải chiến, hộ-tống-hạm HQ 10 của HQ/VNCH bị trúng hỏa tiễn Styx của Trung Cộng và bị thiệt hại nặng trong ngày 19-1. Chiến hạm cùng thủy-thủ-đoàn gồm 82 người đã bị mất liên lạc.
Lúc 10 giờ 20 phút ngày 20-1-74, 4 phi cơ Mig 21 và Mig 23 của Trung Cộng đã oanh tạc các hải đảo Hoàng Sa (Pattle), Cam Tuyền (Robert) và Vĩnh Lạc (Money) đồng thời quân Trung Cộng đổ bộ tấn công các đơn vị ta đồn trú trên các hải đảo này. Sau 20 phút giao tranh, vô tuyến bị hư, các toán quân tuần đảo dã mất liên lạc. Bốn chiến hạm của ta còn lại trong vùng biển gồm 1 hộ-tống-hạm và 3 tuần đỉnh bị trúng đạn và hư hại nhẹ.
Sau trận hải chiến oai hùng của Hải Quân VNCH với lực lượng Trung Cộng, tổn thất đôi bên được ghi nhận như sau:
* Việt Nam Cộng Hòa: 19 tử thương, 43 bị thương, 101 mất tích
* Trung Cộng: Không được ghi nhận.
Ngày 22-1-74, thương thuyền Kopionella, Hòa Lan, vớt được 23 thủy thủ của Hộ-tống-hạm HQ 10 bị tàu Trung Cộng bắn chìm ngày 19-1-74 tại vùng 287 cây số Đông Đà Nẵng. Sáng hôm sau, chiến ham HQ 6 của HQ/VNCH tiếp nhận số thủy thủ trên. Trong số này, có 2 quân nhân bị tử thương, gồm có 1 Đại Úy Hạm Phó và 2 người khác bị thương.
Hồi 12 giờ ngày 29-1-74, ngư phủ ta vớt được 15 quân nhân Hải Quân gồm 1 sĩ quan, 2 hạ-sĩ-quan và 12 đoàn viên tại 55 cây số phía Đông Mũi Yên (Qui Nhơn). Tất cả 15 chiến sĩ HQ này thuộc toán đổ bộ lên Đảo Vĩnh Lạc. Trong số 48 chiến sĩ ta bị Trung Cộng bắt giữ, 5 người gồm 2 Địa Phương Quân, 1 Công Binh, 1 Hải Quân và 1 nhân viên đài khí tượng được Trung Cộng trao trả tại Hương Cảng ngày 31-1-74. Do một chuyến phi cơ đặc biệt, họ trở về tới Sài Gòn hồi 15 giờ 30 phút và được đón tiếp vô cùng nồng hậu. 43 người còn lại cũng đã trở về tới Sài Gòn chiều ngày 17-2-74 trong sự tiếp đón tưng bừng của các đoàn thể và nhân dân thủ đô.
Đây là những trang sử liệu trích trong tác phẩm CHIẾN TRANH VIỆT NAM của tác giả Nguyễn Đức Phương:
Quần đảo Hoàng Sa được ghi vào bản đồ hàng hải của Tây phương với tên là Paracel do Van Langren, người Hòa Lan, ấn hành năm 1598.
Theo Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư do Đỗ Bá soạn năm 1630 thì mỗi năm triều đình nhà Nguyễn cho 18 chiếc thuyền ra đảo Bãi Cát Vàng để lấy hàng hóa ở những tầu buôn bị đắm dạt vào quần đảo và bị bỏ lại, nhiều tầu có vàng. Đây là tài liệu xưa nhất minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Đến khi Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa được mang tên là xã Định Hải, thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
* * *
Cuối năm 1973 nhiều tầu lạ xuất hiện ở phía Bắc đảo Hoàng Sa, tuy nhiên người Việt trên đảo vẫn tưởng đó là những tầu đánh cá. Đầu Tháng Giêng năm 1974, hai tầu của Hải Quân Trung Cộng chạy vòng quanh đảo, khi binh sĩ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa trấn đóng trên đảo kéo cờ VNCH lên, các tầu Trung Cộng bỏ đi.
Ngày 15.1.1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, HQ 16, rời bến Tiên Sa chở theo một phái đoàn của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 đi khảo sát để lập một phi trường trên đảo Hoàng Sa. Trong phái đoàn có một viên chức Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ là G. Kosh. Ngày 16.1 phái đoàn lên đảo Hoàng Sa. Sĩ quan trực trên chiến hạm HQ 16 phát giác một tầu của Trung Cộng gần đảo Hữu Nhật. Hạm trưởng HQ 16 báo cáo về Trung Tâm Hành Quân Hải Quân Đà Nẵng rồi sau đó dùng loa phóng thanh yêu cầu Tầu Trung Cộng ra khỏi hải phận Việt Nam. Tầu Trung Cộng cũng dùng loa yêu cầu ngược lại.
Sáng ngày 17.1. 1974 thêm một tầu Trung Cộng thứ nhì bị phát hiện cùng với nhiều cờ Trung Cộng cắm trên những đảo nhỏ. 2 giờ chiều Khu trục hạm Trần Khánh Dư, HQ 4, đến tăng cường với một trung đội Người Nhái. HQ 4 ủi vào một tầu TC khiến tầu TC phải bỏ chạy, trung đội Người Nhái lên đảo Quang Ảnh dẹp hết cờ TC, cắm cờ VNCH, HQ 16 cho một toán binh sĩ lên đảo Cam Tuyền. Cùng trong ngày Tuần dương hạm Trần Bình Trọng, HQ 5, và Hộ tống hạm Nhật Tảo, HQ 10, đến đảo.
Ngày 19.1.1974, đại đội Biệt Hải do HQ Đại úy Nguyễn Văn Tiến chỉ huy cùng với đại đội Hải Kích do HQ Đại úy Trần Cao Sa chỉ huy, đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc tấn công đơn vị quân TC chiếm đóng đảo này từ trước. Lính TC trên đảo kháng cư làm một số binh sĩ VN tử thương, 2 đại đội rút lui, trở về tầu.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 20.1.1974, được lệnh tấn công, 4 chiến hạm VN đồng loạt nổ súng. Chỉ trong vòng vài phút 2 tầu TC bị bắn chìm, tầu HQ 10 của VN bốc cháy vì trúng hỏa tiễn của địch. Sau đó các tầu TC cho bộ binh đổ bộ lên các đảo, bắt giữ những nhân viên dân sự, quân sự VN đang ở trên các đảo.
Trung Tâm Chiến Báo ở Sài Gòn, qua Cơ Quan Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ - DAO - yêu cầu Hải Quân Mỹ can thiệp ngăn chặn Hải Quân TC. Mỹ từ chối. Rồi Mỹ cho biết ra-đa của họ phát giác phi cơ MIG và khu trục hạm trang bị hỏa tiễn của TC từ Hải Nam đang tiến đến Hoàng Sa. Trước tình thế bất lợi, các tầu VN được lệnh rút lui.
Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, HQ 16, bị Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng, HQ 5, bắn lầm. Tầu bị nghiêng nhưng về được cảng Đà Nẵng. Tầu Trần Bình Trọng bị trúng đạn TC, bốc cháy nhiều nơi, đài chỉ huy của Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, HQ 10, bị trúng hỏa tiễn, Hạm Trưởng cùng môt số sĩ quan tử thương rồi tầu bị chìm.
Về phiá Trung Cộng, 2 chiến hạm Kronstadt bị bắn chìm, 2 chiếc tầu khác một bị bắn cháy, một phải ủi lên bãi khẩn cấp.
Đây là một số nguyên nhân làm cho Ngày 20 Tháng 1, 1974 Hải Quân Việt Nam không giữ được Quần đảo Hoàng Sa:
- Các tầu HQVN có vận tốc chậm hơn tầu TC.
- Hải Quân VN không có lực lượng trừ bị, không có tiếp viện.
- Không có sự yểm trợ của Không Quân VN.
- Không có sự hợp đồng quân chủng. Không Quân VN đưa ra hai lý do là các phản lực cơ có tầm hoạt động giới hạn, không có khả năng tiếp tế nhiên liệu trên không nên chỉ có thể yểm trợ gián tiếp hải quân là chỉ bay ra để yểm trợ tinh thần. Tuy nhiên, khi trận hải chiến xẩy ra, Không Quân không cho phi cơ ra Hoàng Sa như đã thỏa thuận.
- Dù 3 lần yêu cầu, Hải Quân Mỹ đã từ chối giúp Hải Quân VN.. Không những Hoa Kỳ không can thiệp mà còn cho biết Hoa Kỳ sẽ đứng ngoài cuộc tranh chấp, sẽ phong tỏa việc xử dụng các ngư lôi hạm của Mỹ, sẽ rút hạm đội Mỹ ra khỏi biển đông, Hoa Kỳ còn từ chối cả việc cứu những binh sĩ VN trôi giạt trên biển sau hải chiến. Trận hải chiến Hoàng Sa là bằng chứng rõ ràng về việc Mỹ bỏ rơi đồng minh VNCH. Nhớ lại năm 1958, khi Trung Cộng pháo kích hai đảo Kim Môn, Mã Tổ với ý định sẽ đánh chiếm Đài Loan, Tổng Thống Mỹ Eisenhower ra lệnh cho một hải đoàn gồm 6 hàng không mẫu hạm và một toán tiềm thủy đĩnh vào eo biển Đài Loan để bảo vệ Trung Hoa Dân Quốc và yểm trợ cuộc hải vận tiếp tế cho hai đảo nói trên. Thế mà bây giờ, Mỹ lại khước từ cả lời yêu cầu cứu vớt những binh sĩ, thủy thủ Việt Nam trôi giạt trên biển sau trận hải chiến Hoàng Sa. Đồng minh đã mất, cả đến lòng nhân đạo cũng không còn.
Lịch sử lập lại: khi đất nước rơi vào cảnh nội chiến, phân ly, để nhận được viện trợ của Trung Cộng hầu thôn tính miền Nam VN, Cộng Sản Bắc Việt đã dâng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho Tầu.
Ngày 4 Tháng 9, 1958, Trung Cộng tuyên bố văn kiện 4 điểm qui định hải phận. Một trong 4 điểm này là hải phận của TC là 12 hải lý, bao gồm các đảo trong biển Đông trong số có Đài Loan, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngày 21 Tháng 9, 1958, Thủ Tướng Cộng Sản Bắc Việt Phạm văn Đồng gửi công hàm đến chính phủ Trung Cộng.
Nguyên văn:
Thưa đồng chí Chu ân Lai,
Tổng Lý Quốc Vụ Viện nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin đề đồng chí Tổng lý rõ:
Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mối quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc trên mặt biển.
Chúng tôi xin kính gửi đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.
Hà nội ngày 14 tháng 9, 1958.
Phạm văn Đồng
Thủ tướng chính phủ
Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Với công hàm này, chính quyền Cộng Sản Bắc Việt đã gián tiếp dâng đất cho ngoại bang. Đây là một trong những văn kiện ô nhục của lịch sử.
Năm 1988, hải quân Trung Cộng đánh chìm 3 tầu chiến của Cộng Sản BV ở Trường Sa, làm cho 77 thủy thủ Cộng Sản BV chết.
Quần đảo Trường Sa quan trọng hơn quần đảo Hoàng Sa về cả hai mặt kinh tế và chiến lược. Theo các số liệu Trung Cộng đưa ra vùng biển Trường Sa chứa đựng đến 20 tỷ thước khối khí đốt, một trữ lượng dầu thô khoảng 105 tỷ thùng, khoảng 370 ngàn tấn phốt-phát. Trường Sa kiểm xoát hải lộ đi qua eo biển Malacca, Tân-gia-ba, 90% nhu cầu dầu hỏa của Nhật bản được đưa qua hải lộ này.
Sử gia Hoàng Xuân Hãn viết:
Một gương sáng lịch sử là mỗi khi thế nước suy hèn vì chia rẽ và nội loạn thì mỗi khi lân bang lấn cõi: Hồ chịu mất đất Cổ Lâu ( thuộc Lạng Sơn, năm 1405), Mạc dâng đất La Phù ( Quảng Ninh năm 1540), Trịnh mất nhiều động ở biên giới Tây Bắc và triều Nguyễn khi bị quân Pháp đặt quyền bảo hộ, ta đã bị mất nhiều đất, nhất là mỏ đồng Tụ Long.
“Lân bang” của Việt Nam là “lân bang Tầu”, bọn Tầu Cộng mà bọn Cộng Bắc Việt gọi là “anh em.” Thằng Anh Tầu đời đời lấn đất của Thằng Em Việt. Nỗi không may lớn nhất của dân tộc Việt Nam là đất nước Việt Nam nằm cạnh nước Tầu.
Đọc những trang Sử ghi những sự kiện xẩy ra ngay trong đời tôi, tôi vừa cảm khái vừa bi thương.
Xin ngừng ở đây.
Hoàng Hải Thủy
-----------------------------------------------