Tuesday, 14 January 2014

Nguyễn Văn Thạnh - Những nhận định từ vụ việc: Giá trị cộng đồng - nỗi niềm cá nhân

Một lần làm việc tại CA Hà Nội, trong một nhóm người đông đảo làm việc xung quanh tôi, có một người thường phục nộ tôi: “mày có biết là người dân chỉ muốn yên ổn làm ăn không? Mày có biết người dân sợ gì nhất không? Người dân sợ nhất là bạo loạn, là chiến tranh. Tụi tao có trách nhiệm bảo đảm an ninh, trấn áp những thằng như mầy. Giết vài thằng như mầy mà giữ yên muôn dân cũng đáng,… Người dân vẫn sẽ ủng hộ tụi tao,….

vicongdong.jpg
Những lời lẽ của nhân viên mặc thường phục trên không phải là không có lý. Đọc lịch sử hay xem phim cổ trang, chúng ta thường thấy các đáng quân vương thường áp dụng biện pháp “giết một người mà giữ yên muôn người”, thậm chí không phải giết một người mà có thể là một nhà, một họ,…có khi là một hương, một trấn. Người ta thường nhân danh cái to lớn như đất nước, xã hội,… để chà đạp lên số phận một số người. Người ta quan tâm đến cái chung, cái tổng thể, cái giá trị cộng đồng,… mà thường lờ đi, không để ý hay quên đi đừng cá nhân cụ thể. Xã hội không đếm xỉa đến số phận từng con người. Họ cho rằng đó là điều nhỏ nhặt, vặt vãnh không đáng để phải bàn.
Chúng ta có một cuộc trường chinh hàng ngàn năm trong chế độ phong kiến rồi gần 70 năm trong chủ nghĩa cộng sản-nơi mà chủ nghĩa tập thể được tôn vinh, nơi mà những giá trị cộng đồng được xiển dương, nơi mà không (hoặc ít) có chỗ cho những lo toan nhỏ nhặt cho số phận từng cá nhân riêng rẻ. Chính chế độ phong kiến, với triết lý hướng đến cộng đồng đã nghiền nát những số phận như Thúy Kiều và cũng là hệ thống tàn bạo bậc nhất mà con người từng kinh qua.

Chính vì sống trong môi trường lâu năm như vậy, nên chúng ta bị hệ giá trị tập thể chi phối. Trong thực tế, người dân chỉ nghiên mình thán phục, cổ vũ, ủng hộ cho những ai đấu tranh vì cộng đồng, vì những giá trị cho cộng đồng. Càng cảm phục hơn khi người tranh đấu đó quên đi cuộc sống riêng tư, quên đi tình thân (Lãnh tụ cao quí là lãnh tụ không vợ không con, không tiếp người nhà (anh chị) khi đến thăm,…). Cộng đồng thường không quan tâm, thậm chí là coi khinh những ai đấu tranh cho quyền lợi cá nhân của mình. Nặng nề hơn, nhiều người cho rằng đó là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân xấu xa: sự ích kỷ, nhỏ nhen.
Khi tôi lập ra trangwww.danquyen.org để viết những bài từ câu chuyện của tôi, thì nhận được nhiều lời khen lẫn chê bai. Người chê tập trung vào luận điểm là: tôi tranh đấu cho cá nhân tôi, tôi viết bài về tôi, tôi la làng, tôi ăn vạ, tôi tranh thủ nước mắt thiên hạ,… Tóm lại tôi là thằng cá nhân chủ nghĩa, chứ chẳng có đóng góp gì cho giá trị cộng đồng, cho giá trị to lớn như “dân chủ”.
Tôn trọng ý họ, tôi thấy họ nói cũng có lý. Họ là những độc giả khách quan chứ không phải là những người thù hằn tôi, bực tức, muốn bôi xấu tôi.
Tôi biết vấn đề gặp phải ở đây chính là não trạng ngàn năm về chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cộng đồng còn vương vãi, còn sót lại trong họ. Họ luôn đi tìm những cái đáng đồng tiền, đáng sự nghiệp cho người hùng: “những giá trị cộng đồng”. Tôi biết, cái gì sinh ra từ não trạng thì rất khó cải biến, thậm chí phản lực của nó là khủng khiếp. Nếu đó là một não trạng mang tính cộng đồng, chống lại thì chỉ con đường chết chắc.
Khi đã quyết định dấn thân, hòng mưu tìm một con đường sáng cho dân tộc (câu này hơi to tát, nhưng nhất thời tôi chưa biết nói thế nào cho ổn), tôi không ngại nếu phải đối đầu với những cái lạc hậu, cái cũ kỹ.
Rose Park, người phụ nữ da đen khiêm tốn, khởi động một cuộc cách mạng dân quyền vĩ đại ở xứ Mỹ cũng bằng một hành động nhỏ nhặt, hết sức tầm thường là từ chối nhường ghế cho người đàn ông da trắng theo luật định. Nói như nhiều người thì đây là một hành động tranh giành một điều tầm thường-ghế ngồi. Theo họ: “người quảng đại, lo việc dân việc nước phải làm những điều to tát hơn chứ ai đi giành nhau cái ghế ngồi. Dĩ hòa vi quí, nhường đại người ta cho yên chuyện. Để thời giờ và tâm trí mà còn lo “việc trọng đại””.
Tuy nhiên, Rose Park đã trở nên vĩ đại từ việc “nhỏ nhen”, rất đời thường, rất cá nhân, rất con người của mình.
Chúng ta thấy rằng, xã hội càng văn mình, người ta càng chăm lo đến số phận từng cá thể. Cả xã hội đau nỗi đau của từng người, cả xã hội tìm kiếm giải pháp cho từng bi kịch. Suy cho cũng, xã hội nào cũng kết cấu từ từng cá nhân, cá thể nhỏ bé. Bảo đảm số phận cho từng cá thể tốt là bảo đảm cho xã hội tốt. Xã hội to lớn, dấu hiệu trục trặc của nó là giáng họa lên một, một vài cá nhân nào đó.
Chúng ta lờ đi những bi kịch, thay vì lắng nghe, giải quyết, chúng ta lại giết đi một bộ phận nhỏ này, để hy vọng giữ yên thiên hạ thì chúng ta đã đánh mất đi cơ hội quí giá để sửa chữa sai sót của hệ thống xã hội. Tất nhiên, sau khi “giết” một nhóm nhỏ thì có thể tạo ra một thời gian ổn định giả tạo nào đó nhưng nguyên nhân thì vẫn còn. Cuối cùng nó phát triển thành khối u di căng, tàn phá xã hội, lôi tất cả mọi người vào bể khổ trầm luân.
Chúng ta có bài học rút ra: chăm lo số phận từng cá nhân bé nhỏ thì có xã hội tốt đẹp; bỏ qua số phận cá nhân, hướng đến những giá trị cộng đồng thì có một xã hội tồi tệ.
Lịch sử cho thấy: nhà độc tài nào cũng luôn mồm rêu rao vì cộng đồng, vì đại cục để ra tay tiêu diệt những tiếng nói phản khán khi nó còn lẻ tẻ. Bài học chết người này, chúng ta cần lưu tâm mà tránh.
ĐN.14.1.2014
Nguyễn Văn Thạnh