Tuesday 14 January 2014

Tư Bể - Phạm Khắc Trung

Tư Bể là hỗn danh của Lê Văn Phụng, do Nguyễn Hiếu Đức đặt.


Đức, Phụng và tôi chơi thân với nhau ngay từ những ngày đầu, khi các trường đại học ở miền Nam sát nhập với nhau. Chúng tôi học chung 3 quý đầu trong lớp KT11: Đức thuộc Tổ 1, tôi ở Tổ 3, Phụng trong Tổ 4. Lúc đó Đức lẫn Phụng đều là Tổ Phó, trình độ chính trị là Đối Tượng Đoàn, cả hai đều thuộc thành phần "gia đình cách mạng". Phụng ở trong đại học xá, Đức ở trọ nhà người dì.

Một hôm ngồi chơi Phụng kể, Phụng là con thứ tư trong gia đình, nhưng không hề nhắc nhở gì đến anh chị nên không biết mất hay còn. Phụng mồ côi cha mẹ từ lúc còn thơ ấu và được bà ngoại bồng về nuôi, sau khi bà ngoại qua đời thì ở với dì dượng. Bị dượng bạc đãi nên lúc 15 tuổi Phụng bỏ nhà theo ghe trái cây lên chợ Cầu Muối làm mướn sống. Việc làm của Phụng là bốc dỡ trái cây từ ghe vô vựa, rồi phân phối từ vựa lên xe cho khách hàng. Công việc của Phụng chỉ bận rộn từ khuya tới sáng, buổi trưa rảnh Phụng vẫn cắp sách đến trường.

Trong bụng chúng tôi thán phục Phụng hết sức, thử hỏi với cuộc sống gian nan, thân trơ trọi một mình giữa chốn nhiễu nhương như vậy, mà Phụng lấy được hai bằng Tú Tài và vào đại học thì quả Phụng là người có chí vô cùng. Nhưng ngoài mặt, Đức vẫn cười nhạo báng Phụng:

− Dzậy là mày bỏ nhà đi tìm đường cứu nước sớm hơn bác!

Phụng mỉa mai:

− Tao thuộc gia đình cách mạng thứ thiệt, chứ không phải loại ba mươi như mày!

Đức cười hề hề móc ra khoe giấy chứng nhận gia đình cách mạng. Phụng văng tục:

− ĐM thứ đồ dỏm! Ba mày là đại điền chủ dưới Bạc Liêu, anh lớn mày là Chi Khu Phó đi học tập cải tạo, sao lại là gia đình cách mạng cho được?

Đức cười giải thích:

− Ba ruột tao họ Lê chứ không phải họ Nguyễn. Hồi nhỏ tao đi học trễ, biết lớn sẽ kẹt tuổi quân dịch nên mới mua khai sinh của người nhỏ tuổi hơn tên Nguyễn Hiếu Đức đã chết nhưng gia đình không khai báo. Bây giờ căn cứ vào giấy tờ thì tao không thuộc gia đình cách mạng thì là gì?

Khi bia quốc doanh bắt đầu bán ở nhà hàng Tự Do cũ, Phụng rủ chúng tôi đi uống để biết bia quốc doanh mùi vị thế nào. Ba đứa nối đuôi sắp hàng gần tới phiên thì bia hết. Phụng nổi giận, tru cái miệng hô bất hủ ra thổi phù phù như cố hữu rồi mới lẩm bẩm chửi thề:

− ĐM! Đúng là thứ quốc doanh!

Bàn sát bên quầy có hai thanh niên trạc hăm lăm hăm sáu, ăn mặc tươm tất, mặt mày sáng sủa ra vẻ trí thức cũ miền Nam, đang ngồi đối ẩm với hai ly bia đầy trước mặt, có lẽ họ mới chỉ nhắp một ngụm nhỏ thôi. Thấy chúng tôi tiu ngỉu, một anh lên tiếng an ủi:

− Không đáng buồn vì bia lạt nhách à!

Nghe vậy, Phụng quay qua người thanh niên đó nheo mắt nói:

− Dzậy sao? Đâu tui thử xem bia lạt cỡ nào!

Rồi không đợi phản ứng của người ấy thế nào, Phụng tự nhiên cầm ly bia trước mặt người thanh niên lên uống một hớp lớn. Uống xong, Phụng liếm mép, mắt lim dim hồi tưởng để so sánh bia của hai chế độ. Đã đời rồi Phụng mới chép miệng, gật gù đồng ý với người thanh niên:

− Ừa, bia lạt thiệt!

Xong Phụng chìa ly bia ra mời chúng tôi:

− Nè tụi bay uống thử coi...

Tôi thấy chướng nên cắt ngang lời Phụng:

− Vừa phải thôi cha nội!

Trong khi Đức ôm bụng cười rũ rượi không biết nói năng gì. Ấy vậy mà Phụng vẫn tỉnh bơ đưa ly bia lên miệng uống thêm một hớp lớn nữa, rồi mới đặt xuống chỗ cũ, vỗ vai nói với người thanh niên:

− Tụi nó làm màu, bụng muốn thử thấy mẹ mà bày đặt mắc cỡ. Thôi cám ơn ông anh nha!

Cho tới lúc đó, khuôn mặt hai thanh niên còn chưng hửng, hết đưa mắt nhìn nhau rồi lại nhìn Phụng, rồi quay nhìn ly bia vơi hết một phần tư ở trên bàn, cả hai người đều ngỡ ngàng, lặng yên không biết phản ứng thế nào cho phải.

Ra tới ngoài tôi mới quay qua bảo Phụng:

− Mày thiệt hết sức, may mà không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra!

Đức cười hic hic chêm vào:

− Hai tay này cũng hiền, chứ gặp tay ba trợn là hôm nay có đứa phù mỏ rồi!

Phụng tru mỏ hô ra thổi phù phù, rồi nhún vai trề môi bảo:

− "Tứ hải giai huynh đệ", uống thử hớp bia chứ làm gì đâu mà phù mỏ?

Lại một chiều khác tôi ghé đại học xá chơi với Phụng, hai đứa ngồi nói chuyện vãn một hồi rồi rủ nhau ghé nhà dì Tám kiếm Đức.

Dì Tám lúc đó khoảng 40, tính tình vui vẻ và cởi mở. Dì có 4 người con, 2 trai 2 gái: đứa gái lớn tên Tuyết Mai bằng tuổi tôi, đẹp và duyên dáng giống dì; hai đứa trai giữa là Tuấn và Châu thì nghịch ngợm, kê tủ đứng nhau không thua gì Đức; đứa gái út 12 tuổi tên Tuyết Lan rất lí lắc dễ thương. Ở chung nhà, ngoài Đức ra còn có dì Út. Dì Út hiền và ít nói, dì khoảng 26-27, chưa con, có chồng là Sĩ Quan đi học tập cải tạo.

Đến nơi nhằm bữa cơm chiều, cả nhà gần chục người đang quây quần ngồi ăn gần xong bữa. Thấy tôi và Phụng bước vô chào, dì Tám lịch sự mời lơi một cách tự nhiên của người Nam bộ:

− Ăn cơm bay!

Tôi mau mắn trả lời:

− Cám ơn dì, tụi con ăn rồi!

Phụng quay qua tôi sừng sộ:

− Ăn hồi nào mảy? Đừng nói láo chứ!

Mặt mày tôi sượng trân. Đức, Mai và Dì Út cúi mặt rúc rích cười, còn 2 người con trai dì Tám chỉ mặt tôi cười hô hố. Phụng tự nhiên quay lại hỏi dì Tám:

− Chén đũa dì Tám để đâu?

Nuốt vội miếng cơm dở trong miệng, mặt dì Tám đỏ rân vì rán nín cười, dì đưa tay chỉ chiếc tủ chén cho Phụng lấy đũa chén, rồi dì kéo ghế xích qua một bên chừa chỗ cho Phụng kéo ghế vô ngồi. Phụng không nói không rằng, phăng phăng làm một tăng căng bụng, xong bữa trước hết mọi người. Phụng ăn nhanh kinh khủng. Giải thích chuyện này, Phụng kể về cuộc sống chung với ông dượng:

− Hồi đầu cha con ổng còn cầm sẵn chén đũa, chuẩn bị gắp rồi mới la một tiếng: "Cơm!" La xong rồi là cha con ổng đá túi bụi, chừng tao vào tới nơi thì mâm cơm chẳng còn gì. Bởi đói nên học khôn, tới gần giờ ăn là tao mấp mé rình rập ở gần, hễ nghe tiếng "cơm" là tao nhào vào đá tranh với cha con ổng, cho nên tao không ăn nhanh làm sao sống?

Ngước mắt lơ đãng nhìn lên trần, Phụng liếm môi rồi mới từ từ kể tiếp:

− Về sau ổng đổi chiến thuật, đợi cha con ổng ăn gần xong mới la tiếng "cơm". Thấy tranh không nổi tao mới bỏ đi, trốn theo ghe trái cây lên chợ Cầu Muối làm thuê tự sống.

Cơm nước xong, cả bọn kéo nhau lên lầu 3 chơi. Cầu thang và phòng tắm ở khoảng giữa. Nửa sau là phòng ngủ của 2 chị em Mai - Lan. Nửa ngoài rộng hơn, có lan can nhìn xuống đường là giang san của Tuấn - Châu - Đức.

Chúng tôi ra ngoài lan can ngồi chơi nói chuyện cho mát. Lúc đầu không ai để ý, một lúc sau mới biết thiếu Phụng. Đức chạy vô tìm thì thấy Phụng nằm dài trên giường của Đức, đầu rút trong mền ngủ một cách ngon lành. Phụng quan niệm rằng nhất ăn nhì ngủ, tam là bài tiết, và tứ khoái mới tới giải quyết sinh lý. Đối với Phụng, ngủ là phương pháp hữu hiệu nhất để tránh cô đơn, và không làm tiêu hao nhanh thức ăn đã chứa đầy trong bao tử. Một khi Phụng đã ngủ rồi là y như người chết, thế sự hoàn toàn gác hết ngoài tai. Tuấn và Châu lấy giấy vấn thuốc lá kẹp vào kẽ chân Phụng đốt, Phụng cũng chỉ vẩy vẩy cái chân cho giấy rớt ra rồi tiếp tục ngủ.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thì ngủ là một hoạt động tự nhiên theo định kỳ mà những cảm giác và vận động tạm thời bị hoãn lại một cách tương đối, với đặc điểm dễ nhận thấy là cơ thể bất tỉnh hoàn toàn hoặc một phần và sự bất động của gần như hầu hết các cơ bắp. Ngủ được phân biệt với sự tỉnh táo bằng khả năng giảm các phản ứng với sự kích thích, và nó dễ dàng bị chấm dứt hơn so với hôn mê. Giấc ngủ là một trạng thái đồng bộ cao, tăng cường sự tăng trưởng và trẻ hóa của hệ thống miễn dịch, thần kinh, xương và hệ thống cơ bắp. Nó được quan sát thấy ở tất cả các động vật có vú, tất cả các loài chim, và nhiều loài bò sát, động vật lưỡng cư, cá. Ở con người, các động vật có vú khác, và đa số phân loại động vật khác đã được nghiên cứu (như một số loài cá, chim, kiến, ruồi quả), giấc ngủ thường xuyên rất cần thiết cho sự sống.

Nhắc đến ngủ là trong đầu người ta mường tượng ra giường. Cũng theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, giường là một đồ vật hay nơi chốn với cấu tạo chính bằng gỗ hay kim loại, bên trên có trải nệm mút, nệm lò xo hay vạc giường và chiếu. Giường được sử dụng làm nơi ngủ, nằm nghỉ ngơi hay nơi quan hệ tình dục. Trên giường thường có gối kê, gối ôm, chăn (mền)...

Hồi học Trung Học, mấy cô bạn học thấy tôi sống ở ngoại ô nên thường bu lại hỏi han ra điều ham lắm: "Dzậy nhà Trung có giường không?" Tôi cười cười trả lời rằng: "Có, đầy đủ cả gối ôm lẫn gối nằm nữa!" Mấy cô đỏ mặt lên rủa: "Đồ quỷ sứ! Người ta hỏi giường trái cây chứ ai hỏi giường ngủ!"

Nhớ tới mấy câu đối đáp vui vui đó, tôi quay qua hỏi Tuyết Mai:

− Đố bà biết cái gì nguy hiểm nhất?

Cả Tuyết Mai, Đức, Tuấn, Châu còn đang suy nghĩ, tôi đã hóng hớt trả lời:

− Cái giường nguy hiểm nhất!

Mặt Tuyết Mai đỏ rân, cô quay qua tôi nạt:

− Ông Trung lại sắp nói bậy rồi đó nha!

Tôi nhún vai giải thích:

− Theo thống kê thì gần 70% dân số trên thế giới chết trên giường. Cho nên người ta kết luận rằng cái giường nguy hiểm nhất.

Tuấn và Châu vỗ tay khen hay. Đức cười ha hả chỉ mặt Mai, nói:

− Đầu óc bà này đen tối, chỉ luôn nghĩ bậy.

Mặt Mai càng đỏ dữ, cô đập mạnh tay vào vai Đức quát to:

− Bộ đầu óc mày không đen tối chắc?

Chúng tôi giỡn cười oang oang như vậy mà Phụng vẫn nằm yên ngủ ngon lành. Ca dao mình có câu:

Ăn được ngủ được là tiên,
Ăn ngủ không được là tiền vứt đi.

Ăn nhanh ngủ khỏe được như Phụng, phải nói là tiên trên đời!

Tưởng đâu rằng Phụng xứng danh "Võ lâm đệ nhất ngủ", ai dè đâu còn có cao thủ trội hơn: "Đang bị trật tự phường đánh thì... lăn ra ngủ?!" (Trích):

"Đình Thảo (Dân trí) - Tất cả những người dân chứng kiến vụ việc khẳng định, tổ công tác trật tự đô thị của UBND phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM có đánh anh Tình. Tuy nhiên trao đổi với PV, chủ tịch phường lại bảo không.

Ngày 7/12, PV Dân trí đã tiếp xúc với anh Trịnh Xuân Tình, nạn nhân trong vụ “Bị dân phòng, trật tự phường đánh đến nhập viện vì “tội” bán hàng rong”, cũng như những nhân chứng để nghe họ kể lại toàn bộ sự việc.

Tiếp chúng tôi, anh Tình vẫn không thể ngồi dậy vì thân mình ê nhức, sưng tím vì bị một trận đòn thập tử nhất sinh vào chiều qua. Anh Tình cho biết, sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo Thanh Hóa, năm 2005 anh rời quê vào TPHCM mưu sinh. Tuy nhiên, do không có nghề nghiệp ổn định nên anh không thể kiếm được công việc chính mà phải đi bán trái cây dạo để kiếm sống.



(Hình ảnh nhân viên trật tự phường 25, quận Bình Thạnh bóp cổ khiến nạn nhân kêu la đau đớn)

Theo đó, hằng ngày với phương tiện mưu sinh là chiếc xe gắn máy chở theo giỏ trái cây, anh rảo khắp các tuyến đường tại TPHCM để bán hàng.

Chiều 6/12 sau khi bán dạo khắp các ngõ hẻm, anh Tình chạy xe đến khu chợ tự phát tại Cư xá 30/4, phường 25, quận Bình Thạnh và dừng xe trước nhà số 11B5 để bán. Đến 16h30 thì có một nhóm gần 10 người mặc đồ cơ quan trật tự đô thị, dân phòng của UBND phường 25, quận Bình Thạnh đi xe công vụ đến khu vực trên dọn dẹp lòng lề đường. Nhiều người ngồi buôn bán nháo nhào gom hàng hóa tháo chạy, anh Tình chưa kịp rời đi thì có khoảng 5-6 người đến vây kín.

Họ cưỡng chế đòi kéo xe và giỏ trái cây của anh Tình lên xe đưa về UBND phường xử lý. Anh Tình dùng tay kéo lại thì bị nhóm người kia lao vào giật tay ra, sau đó đánh đấm vào người nạn nhân.

Thấy anh Tình vẫn phản kháng, họ dùng còng số 8 còng hai tay anh này ra sau lưng. Rồi tiếp tục đánh, dùng roi điện dí vào người nạn nhân 4 lần. Khi anh Tình ngất xỉu, họ bỏ mặc nạn nhân nằm lê lết trên đường với 2 tay bị còng ra phía sau. Nhiều người dân thấy sự việc rất bức xúc, lo ó. Thấy vậy nhóm người dẹp lòng lề đường mới chịu đưa nạn nhân đi cấp cứu.


(Nạn nhân nằm bất tỉnh dưới đất, 2 tay vẫn bị còng)

Đến khoảng 21h đêm 6/12, người nhà anh Tình tìm đến bệnh viện và đưa anh về nhà, không dám nằm lại điều trị vết thương vì không có tiền. Sáng 7/12 anh Tình phải vay mượn 200 ngàn đồng đi mua thuốc uống vì thấy đau. Hiện tại trên lưng anh Tình vẫn còn nhiều vết thương bầm tím do bị lực lượng trật tự đô thị, dân phòng đánh chiều hôm qua.


(Anh Tình vẫn nằm bất động trên giường)

Được biết hoàn cảnh của anh Tình rất khó khăn. Hằng ngày anh Tình thức dậy từ 4h sáng chạy xe máy ra chợ Đầu Mối Thủ Đức lấy trái cây rồi đi bán dạo khắp TPHCM để mưu sinh.


(Những vết thương trên cơ thể anh Tình)

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quý, Chủ Tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh cho biết “Chiều 6/12 tổ công tác của phường đi làm nhiệm vụ dọn dẹp lòng lề đường, đến khu vực chợ tạm trên đường D1 thì tiến hành xử lý 1 số người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Theo đó lúc này tổ công tác có ý định xử lý việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường của ông Trịnh Xuân Tình (34 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú tỉnh Bình Dương, là người buôn bán trái cây dạo) nhưng ông Tình có hành động phản kháng, hành hung lại tổ công tác, buộc tổ công tác phải còng tay đưa lên xe đưa đi”.

Cũng theo ông Quý thì ông Tình say xỉn nên ngay sau đó đã vùng vẫy, quay ra ngủ tại chỗ (?!), sau đó lực lượng tại hiện trường có đưa ông Tình đi bệnh viện cấp cứu nhưng trong đêm ông này đã trốn về.

Đình Thảo

Tôi thì tôi cho rằng anh Tình giả vờ chết!

Theo truyền thuyết thì khi bị gấu tấn công, muốn sống hãy bình tĩnh nằm xuống giả vờ chết.

Gấu là động vật rất hỗn xược, nên thành ngữ Việt Nam có câu "hỗn như gấu", để ám chỉ bọn hỗn láo, xấc xược, không coi ai ra gì.

Gấu có thân hình to khỏe, cao lớn, là đại lực sĩ trong giới động vật. Đặc biệt bàn tay thô bạo của chúng rất mạnh mẽ, nó tát một cái thì đến hổ báo cũng khó chịu đựng nổi, huống chi nó bóp cổ người. Mà còn tới 5-6 đầu gấu quần thảo làm sao anh Tình chịu thấu? Cho nên anh Tình đành tin vào lời đồn đại mà lăn ra giả vờ chết, mong lũ gấu thấy vậy bỏ đi để thoát nạn.

Theo Bộ sách tri thức tuổi hoa niên: Song mới đây, các nhà khoa học qua phân tích một số lớn tài liệu thực tế đã rút ra kết luận hoàn toàn trái ngược. Họ cho rằng khi gặp gấu, trong trường hợp không thể tránh bị tấn công, và nếu bạn muốn thoát khỏi cái tát của nó, phương pháp hiệu quả nhất là dũng cảm đọ sức với gấu. Người ta đã khảo sát kỹ lưỡng ở núi sâu rừng già, tổng cộng đã điều tra 48 thợ săn, những người này đều từng gặp gấu, và đều từng đọ sức với gấu, không ai trong số họ giả vờ chết để thoát khỏi cái tát của chúng cả.

Tại sao lại không nên giả vờ chết? Các nhà khoa học phân tích rằng, gấu hại người chủ yếu có ba nguyên nhân: một là để ăn cướp tài sản, hai là để bần cùng hóa người dân, và ba là để bảo vệ sự độc quyền lãnh đạo của đảng. Nên dù gặp trường hợp nào đi nữa, dẫu van xin hay giả vờ chết, cũng ngang với việc tự sát mà thôi.



Phạm Khắc Trung