Tuesday, 14 January 2014

Lời cuối

Tôi sẽ chết lý tưởng còn đâu
Ngày khép lại thân không động nữa
Nợ dương trần tôi đã trả chưa
Hay quịt nợ nước nhà đau đáu
(trích Lời Cuối, NTTB)

Thêm một vài ý nghĩ rời về một khuôn mặt mà có lẽ khi anh ấy vừa ngậm cười (chín suối), thì mỗi người trong chúng ta đã phải tốn không biết giấy bút mực và cả nước mắt thương tiếc khôn nguôi. Thật đáng tiếc khi trước mặt, sau lưng “vưỡn” còn có không ít những vị đáng bị chúng ta nguyền rủa cho tới chết, nhưng cứ vẫn nhăn răng nhăn vuốt thấy mà ghê. Chính những tay đồ tể khét tiếng này cũng vừa lấy mất của chúng ta và gia đình thân yêu một tù nhân chính trị bất khuất, không thỏa hiệp khoan hồng là cố trung úy phi công Bùi Đăng Thùy ở trại giam Xuân Lộc, một người đã phải hy sinh đọa đày trong thứ đòn thù của 17 năm đằng đẳng lao phổi.

Riêng với Việt Dzũng thì sự nằm xuống chỉ vào ba tuần nay nên vẫn chưa kịp ráo hoảnh những chạnh lòng vinh danh và tưởng niệm đâu đó nơi cộng đồng người Việt hải ngoại. Còn với người tù lương tâm Bùi Đăng Thùy và hàng trăm tù nhân khác, thì ngoài sự vô tình ơ hờ vốn có của chúng ta, nhạc sĩ Trần Bảo Như cũng nhân 49 ngày (12 tháng 1 hôm nay) đã phổ Khúc Tiễn Biệt để vinh danh người anh hung phi công vừa bỏ... cuộc chơi vòng lao lý (đáng ra chỉ còn một năm nữa mới xong)

Lời Cuối được mở ra đây qua dòng thơ phổ nhạc vốn điêu luyện của Phạm Duy, tôi cũng muốn chia sẻ với tặng vật là trái tim yêu nước thương nòi của một nhạc sĩ tài đức vẹn toàn là Việt Dzũng. Chính điều này đã làm cuộc tiễn đưa tang lễ của anh bỗng có một không hai, như anh đã có thể trở thành huyền thoại, biểu tượng của ý chí đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ. 

Và trong thầm lặng, dường như mỗi người Việt tỵ nạn CS đều mong mỏi được tìm gặp mình trong tấm gương sáng dấn thân tài tình của Việt Dzũng.

Nỗi bất ngờ thú vị ở đây chính là hình ảnh những người dân thấp cổ bé miệng, “dám” giương cao biểu ngữ bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn một người ca nhạc sĩ bên kia bờ Thái Bình Dương.

Điều này nói lên được tác dụng mạnh vết dầu loang âm nhạc, trong đó những ca từ chính là sự kết hợp tuyệt diệu của thi ca, khiến không những chỉ đánh động vào lòng người, mà cả lòng địch nữa.

Không trách nhà cầm quyền C.S không những muốn tước mất thứ khí giới tự vệ cuối cùng ấy cũa chúng ta, mà còn tỏ ra hèn hạ cay cú hơn, khi đã tặng không cho những người chỉ làm văn nghệ, văn hóa truyền thông thuần túy như Việt Dzũng (và cặp bài trùng Nguyệt Ánh) những bản án tử hình khiếm diện.

Khiếm diện có nghĩa là vắng mặt, mà cũng đồng nghĩa với “lưu đày biệt xứ” thoe lệnh của cấp trên: “Chúng tôi không hoan nghênh anh/chị trở lại đất nước mình.” Đơn giản hơn nữa, là nếu ở nước sở tại đã cấp visa cho anh/chị, thì điều tốt nhất vẫn phải mua ngay cái vé hỏa tốc để “cút xéo” trong cùng một ngày. Ôi “đi và về cũng một nghĩa như nhau”!

38 năm Việt Dzũng vẫn nhất quyết không về quê, mà nghĩ cho cùng Việt Dzũng dù có nặng lòng với quê hương ngàn dặm cách mấy, anh cũng thừa biết mình chẳng bao giờ được nhìn thấy một thứ hộ chiếu (buồn) Việt Nam, nhất là dưới một chế độ độc quyền đảng trị.

Chí ít bây giờ Việt Dzũng cũng đã có dịp về lại quê hương. Đặc biệt là bằng thứ hộ-chiếu-mây-bay” của mình.

Trong ý nghĩa đó, xin mời bạn chia sẻ một chút lòng tưởng nhớ Việt Dzũng: Bài thơ “Lời Cuối” được Phạm Duy phổ nhạc, hòa âm rất chuyện nghiệp của nhạc sĩ Quốc Toản và qua phần trình bày đầy biểu cảm của giọng ca vàng 2011 ASIA Hoàng Anh Thư:

Một trăm năm cuộc đời mộng ngắn
Kẻ ăn mày trọc phú như nhau
Trời tóm lại bắt về mộ vắng
Một chỗ nằm của cải chìm sâu

Tôi sẽ chết có nghĩa gì đâu
Hành trang đi một túi hư vô
Trả lại hết bụi hồng lưu dấu
Cuộc nhân sinh tiếp diễn xô bồ

Thức với nhau đêm tàn mưa đổ
Ngủ làm chi còn cả đời sau
Đừng ném xuống hồn tôi huyệt mộ
Mai xa rồi thêm một vết đau

Tôi sẽ chết lý tưởng còn đâu
Ngày khép lại thân không động nữa
Nợ dương trần tôi đã trả chưa
Hay quịt nợ nước nhà đau đáu

Tôi chết rồi tiếc nhớ về đâu
Môi hôn ấy tựa màu trăng vỡ
Ước hẹn nào rơi rụng chân cầu
Chẳng lẽ hẹn đời dưới mộ sâu

Chẳng lẽ đi rồi, sao quay lại
Hoài bão này chết một lần thôi
Hãy cạn chén giọt chiều hấp hối
Đêm xuống thành quá khứ ngày mai

Tôi sẽ chết ngày mai chẳng lạ
Vài trầm hương thơ điếu vài câu
Vòng hoa trắng người còn đưa tiễn
Rồi xem như nấm đất giữa đường.

Ở đây chỉ nên nói thêm một điều: Ca sĩ Hoàng Anh Thư sau khi đoạt giải nhất cuộc thi hát này, thì tấm hộ chiếu về nước của cô cũng đã bị cuỗm đi theo mây bay gió thoảng. Còn Việt Dzũng có lẽ giờ đã về lại quê nhà, và bằng thứ hộ chiếu “chim lửa” bay cũa mình thì đúng hơn.

Kỳ thực, cho dù nghĩa tử là nghĩa tận, chúng ta tuyệt nhiên vẫn không thấy một mảy may nào nhắc đến cái tên nhạy cảm “thêm phiền” này, và như thế hẳn là còn khuya người ta mới chịu đem tặng Việt Dzũng tấm hộ chiếu thường trú âm nhạc, he bà con đồng bào trong nước được ấp ủ lời ca tiếng hát, quyện trong những hứng khởi giấc mơ của anh.

Một thứ hộ chiếu không ai có thể cướp mất được, mà còn có sức cuốn hút lan tỏa của một đám cháy rừng diễm ảo.

Và cũng thật hiếm hoi như chưa bao giờ, Việt Dzũng xứng đáng để được vinh danh. Vinh danh như cách thế mà chúng ta vẫn thường vinh danh Tự Do!