Tuesday 14 January 2014

Năm Ngọ lại... ngựa! - Phan Hạnh


 
Đầu Xuân Giáp Ngọ, tôi cũng muốn bắt chước thiên hạ dông dài chuyện ngựa, kể một vài kỷ niệm riêng liên quan đến con ngựa. Nhưng kỷ niệm của riêng tôi chẳng có gì đáng kể, bị ngựa đá thì không, vì tôi không bao giờ dám đến gần ngựa chớ đừng nói chi “mó bộ phận chiến lược của ngựa”, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi nghe nói dù không mó, người ta vẫn bị ngựa đá bởi đủ mọi trường hợp tai nạn do ngựa đang hoảng hốt, sợ, bực mình, dành ăn, v.v. Ngay cả bác sĩ thú y chăm sóc cho ngựa cũng bị ngựa đá. Chủ ngựa, nhân viên chăm sóc ngựa, huấn luyện viên dạy cỡi ngựa, nài ngựa, v.v. là những người thường xuyên gần gũi với ngựa càng dễ gặp rủi ro bị ngựa đá.
 
Té xe ngựa thì tôi có té. Năm 1949, tôi đi học trường làng Long Bình Điền ở Ngã  Ba Ông Văn. Nhà ông bà ngoại tôi cũng gần tỉnh lộ nối liền Mỹ Tho với Gò Công và cách trường khoảng nửa cây số. Một hôm nghe lời bạn xúi hay thách thức, tôi lén đu tòn teng sau xe ngựa khi tan trường để về nhà. Tôi đinh ninh rằng xe ngựa sẽ ngừng cho hành khách nào đó xuống khoảng gần nhà ngoại tôi. Nhưng không ngờ qua khỏi chỗ đó, xe ngựa vẫn tiếp tục chạy mãi càng lúc càng xa vì chẳng có người hành khách nào xuống khúc đường đó cả. Hoảng quá, tôi nhảy đại và bị té đập đầu xuống lộ đau điếng. Sợ bị ông bà quở phạt, tôi giấu biến vụ đó luôn.
 
Trong lúc lướt Net để tìm tài liệu viết bài này, tôi may mắn đọc bài NĂM CON NGỰA 2014 TẢN MẠN VỀ NGỰA của tác giả Mặc Nhân TVC viết cho Tập san Ái Hữu Nguyễn Đình Chiểu – Lê Ngọc Hân Úc Châu, một bài sưu tầm về ngựa khá công phu. Tôi xin trích một đoạn trong bài này vì nó gợi lại cho tôi kỷ niệm quãng đời thiếu niên của một cậu bé nhà quê miệt vườn. 
 
(Trích) Chiếc xe ngựa, nói riêng ở Mỹ Tho và theo trí nhớ của tôi thôi, có nhiều hình dáng khác nhau, cải tiến tùy theo nhu cầu của xã hội và theo thời gian. Ngay lúc tôi 6, 7 tuổi tôi có thấy những chiếc xe ngựa chạy tuyến đường Chợ Gạo, Ông Văn, Bến Tranh, Tân Hiệp.. dáng dấp giống như xe calèche của Âu Châu, nghĩa là thùng xe được thiết kế giống như một ghế dài (canapé), có lưng dựa có chỗ kê tay có thể đóng bằng gỗ nhưng thường là đan bằng mây. Hai bên có hai cái đèn xe ngựa đúng mẫu mã của nó, gió thổi không tắt. Hành khách lên xuống xe có một bàn đạp rất thuận tiện. Tối đa là 4 hành khách, tất cả ngồi trên xe đều nhìn về phía trước. Anh đánh xe ngồi trên thùng xe hay trên càng xe, tay ve vẩy cái roi ngựa, miệng luôn “họ ne” để vừa trấn an, vừa điều khiển nó. Loại xe nầy nguồn gốc từ Bà Rịa, Vũng Tàu qua biển sang Gò Công lên Mỹ Tho. (Ngưng trích) http://ucchau.ndclnh.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2166:nm-con-nga-2014-tn-mn-v-nga&catid=29:truyn-ngn-nguyen-hnh&Itemid=41
 
Về kỷ niệm liên quan tới ngựa gần đây nhất, mùa thu vừa qua, tôi và vài người bạn có cùng sở thích chụp ảnh đã tổ chức đi săn ảnh cho chủ đề Ngựa, Mùa Thu và Sương Mù trong 3 ngày liên tiếp ở vùng Caledon nằm về phía tây bắc của Toronto. Caledon được xem là giang sơn của môn thể thao cỡi ngựa trong tỉnh bang Ontario. Với những dãi đồi thấp chập chùng và các trang trại nuôi ngựa của giới thượng lưu giàu có, khung cảnh Caledon thật lý tưởng để săn ảnh cho chủ đề này. Mỗi ngày chúng tôi lên đường thật sớm khi sương mù chưa tan, chờ cho mặt trời vừa ló dạng, cảnh vật vừa đủ nguồn ánh sáng cần thiết, chọn lựa một trang trại vừa có phong cảnh thu vừa có ngựa được thả ra ăn cỏ sớm, chúng tôi ra tay hành nghề.
 
Một người bạn ảnh của tôi do quá xông xáo chụp ảnh mà bị điện giật. Chúng tôi không biết rằng nhiều hàng rào sân cỏ trang trại nuôi ngựa có căng dây điện. Dây điện được mắc ở mặt sau của các miếng ván gỗ trên cùng của hàng rào với mục đích làm cho ngựa sợ không đến gần hàng rào dễ gây thương tích. Một mục đích khác là ngăn ngừa sự xâm nhập của người lạ hay thú lạ.
 
Anh bạn tựa người vào hàng rào, chống tay cầm máy ảnh lên miếng gỗ trên cùng và bị điện giật khiến anh giật mình la oái. Chưa chụp được bức ảnh như mong muốn, anh không chịu thua. Anh cởi áo khoác, xếp đôi, đặt lên hàng rào, chụp tiếp, còn giả tiếng ngựa hí thật giống cho hai con ngựa thật một đen một trắng đến gần anh hơn.
 
Viết đến đây, tự dưng đầu óc tôi bắt nghĩ đến một hoạt cảnh tưởng tượng như một màn kịch. Sau một buổi đi chụp ảnh ngựa, người chồng về nhà với chiếc áo rách ở cánh chỏ vì đã tựa vào hàng rào. Vợ hỏi lý do. Chồng đáp tại lo chụp hình ngựa. Vợ hỏi ngựa bốn chân hay ngựa hai chân, chân ngắn hay chân dài, cỏ già hay cỏ non… Cắc cớ thiệt.
 
Từ chuyện đó, tôi lại nghĩ đến từ ngữ “con đĩ ngựa” trong tiếng nước tôi mà dường như trong Anh ngữ không có. Tiếng Anh chỉ có “bitch”, “con đĩ chó”. Tiếng nước tôi phong phú hơn nên có cả hai. Rồi tôi lại nghĩ đến truyện ngắn Người Ngựa, Ngựa Người của nhà văn tiền chiến Nguyễn Công Hoan. Truyện ngắn này quả đúng là ngắn, chỉ có 2,784 chữ kể cả cái tựa, nhưng hay thắm thía, kể về một người phu xe kéo (người ngựa) đang ế khách trong đêm trừ tịch lại gặp phải cô gái ăn sương (ngựa người) cũng ế như mình. Họ gặp nhau trong niềm hân hoan và hy vọng. Anh phu xe cứ tưởng cuối năm vớ được người khách xộp, một thiếu phụ trông sang trọng nhà giàu và bà sẽ trả cho anh tiền cuốc xe 8 hào hậu hĩ. Chẳng ngờ ngựa người không một xu dính túi, chỉ có tấm thân để mang ra đổi chác, xuống xe dông mất không trả tiền. Trong tiếng pháo giao thừa, người ngựa kéo xe về với nỗi lòng chua xót. Toàn bài chẳng có chữ ngựa nào. Cái tựa Người Ngựa, Ngựa Người chỉ là một ẩn dụ được tác giả khéo chọn để nói lên hai thân phận bần cùng hẩm hiu trong xã hội.
 
Kể cũng tội nghiệp cho những người phụ nữ bị mắng bằng những từ ngữ có tính cách hạ nhục và khinh rẻ. Cũng tội nghiệp luôn cho con ngựa tự dưng bị lôi vào cuộc phải mang tiếng xấu oan lây. Sao mà ác khẩu vậy không biết nữa!
 
Một nhóm bạn nhí nói chuyện tào lao. Một người thắc mắc:
 
- “Tại sao người ta nói là đĩ ngựa? Bộ ngựa cũng làm đĩ à?”
 
Người khác đáp:
 
- “Tớ cũng chẳng biết lý do tại sao nữa. Tớ chỉ hay nghe mấy bà hàng cá, hàng tôm hay chửi nhau như thế. Thật tớ chả hiểu nó là thế nào.”
 
Người thứ ba làm tài lanh:
 
- “Tại ngựa cái khi “in heat” hay vén đuôi lên rồi ngúng nguẩy mông và lượn lờ õng ẹo ghẹo ngựa đực đó các bồ ơi. Vì thế con gái nào làm giống như vậy hay bị mắng là ngựa.”
 
Chẳng hiểu câu mắng ngựa bà, đĩ ngựa bắt đầu có từ đời nào, nhưng chuyện Miếu bà chúa Ngựa trong tác phẩm chữ Hán Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768-1839) (Nguyễn Hữu Tiến dịch ra quốc ngữ) có lẽ đóng góp một phần.
Truyện kể vùng huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương có miếu thờ bà chúa Ngựa. Tục truyền bà chúa có tính cực dâm, cứ gặp đàn ông là tư thông mà vẫn không thỏa lòng dục. Biết sự việc, quan cho đan một cái chuồng hình con ngựa và bắt người đàn bà ấy vào đó giao hợp với ngựa đực. Người đàn bà ấy chịu không nổi nên chết và hồn rất linh thiêng ứng nghiệm. Dân chúng lập miễu thờ, những người đến cúng thường lấy lõi mít làm hình dương vật để cúng bà. Lạ thiệt phải không bạn.
 
Ngoài các tiếng chửi “đĩ ngựa”, “ngựa bà” còn có “ngựa Thượng Tứ”. Qua bài Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa, nhà văn Phạm Thành Châu giải thích: “Ðàn ông không bao giờ ví các em là ngựa Thượng Tứ mà chỉ các bà mỉa mai một cách ganh tị với cô, bà nào ham lăng nhăng với đàn ông. Vì sao kêu là ngựa Thượng Tứ? Vị nào từng ra Huế ắt biết bến Thương Bạc (trước 1975, mấy mụ dắt mối thường rù rì với mấy ông đi coi hát, xem phim ở rạp Hưng Ðạo đứng hóng mát trên bờ sông (bến Thương Bạc) chờ giờ mở cửa rạp. Chỉ có hai câu “Ngủ đò không anh?” sau đó là câu quảng cáo “Có mấy em mới...”. Nếu lắc đầu thì mụ ta hỏi ông khác). Từ Thương Bạc vô cửa Thượng Tứ là một quãng đường ngắn, chưa tới một cây số, là đường Thượng Tứ, thời Pháp thuộc có tên tây là Rue de la Citadelle. Qua khỏi cửa Thượng Tứ sẽ thấy bên tay phải là trường Trần Quốc Toản. Trước đây, thời nhà Nguyễn là Viện Thượng Tứ với hai đơn vị kỵ binh là Khinh Kỵ Vệ và Phi Kỵ Vệ, là chỗ nuôi ngựa, dạy ngựa của quân đội nhà vua. Cửa Thượng Tứ là tên dân gian gọi, đúng ra là cửa Ðông Nam. Ai đi ngang qua đó thấy cảnh mấy con ngựa đực làm chuyện truyền giống thì nghĩ đến câu hát “Anh Hứa Yêu Em Dài Lâu”. Ðã dài còn lâu nữa! Chu choa ơi! Không làm con ngựa (cái) Thượng Tứ cũng uổng một đời.” Nhà văn này tếu quá trời phải không các bạn?
 
Nói đến ngựa Thượng Tứ mà không nhắc truyện ngắn “Con ngựa Thượng Tứ” của Nhã Ca thì quả là một thiếu sót. Ngòi bút của Nhã Ca lột tả câu chuyện hay quá, bạn hãy đọc đoạn trích này trước đã:
(Trích)
Bà Tham Trọng tằng hắng một tiếng, rồi kêu:
- "Trâm, lên đây mạ biểu."
Bích Trâm chưa kịp thay quần áo. Cô vừa lội nước mưa về, hai ống quần xắn cao, áo xốc sếch, tóc tai thấm nước mưa dính bệt. Vừa bước lên nhà, Trâm đã thấy mạ rút cây roi treo nơi cột, sau bức liễn đối ra.
- "Nằm xuống."
- "Mạ ơi, mạ ơi, cho con thay quần áo, con mới đi mưa về."
- "Không thay chi hết, nằm xuống. Mả cha mi, tau đã noái ở nhà, mi không nghe. Tết nhứt tới nơi, con gái con dứa chi mà vô hậu tế đợi rứa."
Bích Trâm đành phải nằm dài trên tấm sập gụ. Bà Tham Trọng nhịp nhịp cây roi trên cái đít nong nẩy của đứa con gái út.
- "Trâm. Có phải mạ dặn con, bữa ni nghỉ học, ở nhà, phải rứa khôn?"
- "Dạ phải."
- "Dặn rồi răng khôn nghe, mi khôn coai mạ mi ra chi hết."
- "Con...”
- "Tao biết mi như rứa, tao bóp mũi cho chết ngắt từ hồi mới đẻ đỏ hỏn, chớ nuôi thứ quả báo ni mần chi trời. Mi đi mô, há, đi mô?"
- "Con đi mượn vở về làm bài. Con tới nhà con bạn ở ngoài Gia Hội, mạ không tin."
"Ngày mô cũng đi mượn bài, sáng đi, trưa đi, túi cũng đi. Mi hẹn thằng mô, noái, tau đập chết, đập chết."
Cái roi quất xuống, một, hai, rồi ba, bốn. Cái đít của Bích Trâm cong lên, đã quen đòn rồi, nhưng mỗi lần bị đập, Bích Trâm đều cảm thấy mạ mình có một kiểu đập roi làm cho mỗi lần đau đớn mỗi khác nhau. Bích Trâm kêu lên:
- "Mạ ơi, con lạy mạ, hu hu, đau quá, hu hu…đau quá, đau quá."
Không rách thịt tét da, nhưng những lằn roi sẽ còn in vết lâu lắm, lúc đầu đỏ, rồi tím bầm. Cái đít của Bích Trâm, lằn roi cũ chưa lặn thì lằn roi mới đã in. Bà Tham Trọng ngứa con mắt quá rồi, đứa con gái, đánh lằn ngang lằn dọc, cái đít nó vẫn cong lên, hàng ngày vẫn xách đi.
- "Đồ ngựa Thượng Tứ, chết đi, chết đi! Ngựa Thượng Tứ, con Thượng Tứ….Thượng tứ…" (Ngưng trích)
 
Đọc xong trích đoạn trên, bạn nghĩ sao? Bạn có nghĩ rằng bà Tham Trọng, một người mẹ góa chồng, quá khắt khe. Bà khắt khe với Chị Gái, một người giúp việc trung thành, hiền hậu và chịu đựng. Bà khắt khe với Bích Trâm, đứa con gái út của bà. Bích Trâm tả bà Tham Trọng sống như một bà già cổ hủ, đóng khung trong cái Huế cổ xưa. Quan niệm cổ xưa đó không những của riêng bà mà dường như của hầu hết người dân cố đô. Sau trận đòn, Bích Trâm đã tâm sự với Chị Gái: “Mạ chửi tui là con ngựa Thượng Tứ mà. Có phải mạ chửi tui là con đĩ… Ừa, tui đi mần đĩ, mần con ngựa Thượng Tứ luôn cho coi." Tuy giận mẹ thì nói vậy cho hả hơi nhưng Bích Trâm chỉ hẹn đi chơi, tâm sự với người yêu chứ chẳng làm điều gì vượt vòng lễ giáo. Định mệnh khiến hai người chia tay, cuộc đời mỗi người đi mỗi ngã, để rồi sau gần nửa thế kỷ, họ gặp lại nhau ở Quận Cam trong một buổi tiệc họp mặt thân hữu Huế trong ngỡ ngàng và đành xem như chưa hề quen biết. Trong tâm tưởng người tình cũ, “con ngựa Thượng Tứ” là một cái gì đẹp đẽ. Và người chồng hiện tại cũng không hề hay biết vợ mình từng mang tiếng là một “con ngựa Thượng Tứ”.
 
Chuyện vui cười ngựa
 
Một buổi sáng cuối tuần nọ, ông chồng đang ngồi yên tĩnh đọc báo để theo dõi tin tức, hưởng thụ giây phút nhàn nhã. Thình lình vợ ông xuất hiện từ phía sau và vung tay tát vào đầu ông một cái “bốp”.
Chồng cự nự: "Tự nhiên sao đánh người ta?"
Vợ: "Vậy chớ mảnh giấy gì trong túi quần của ông với cái tên Marylou hả?"
Chồng: "Xời ơi, em nhớ tuần trước anh đi coi đua ngựa hôn? Marylou là tên của một trong nấy con ngựa anh đặt cược vào đó mà."
Vợ: “Thiệt hôn?”
Chồng: “Thiệt sao hổng thiệt. Ghen bóng ghen gió không hà.”
Vợ: “Vậy thì anh cho em xin lỗi.”
Ba ngày sau đó, một lần nữa ông lại bị xáng cho một cái “bốp”.
Chồng: "Cái gì nữa đây bà?"
Vợ: "Con ngựa Marylou nó vừa gọi kiếm ông chớ gì."
 
Một cán bộ cộng sản trung kiên vốn mê thích ngựa từ nhỏ và luôn ước muốn được làm hiệp sĩ cỡi ngựa. Thời thế khiến cho ông ta trở nên giàu có thảnh thơi khi về hưu cho nên ông quyết đi tìm mua một con ngựa đúng như ý thích.
Một hôm du lịch Đà Lạt, ông nhìn thấy một người nhà quê dắt con ngựa đẹp. Ông quyết định mua nó. Ông mặc cả với người nhà quê và sau cùng người nhà quê chịu bán con ngựa.
Cán ta lên cỡi con ngựa và hô lớn ra lệnh cho nó chạy đi: "Hí hà!" Con ngựa vẫn đứng yên không nhúc nhích.
Người nhà quê giải thích: "Đây là một con ngựa đặc biệt. Ông phải hô lớn “Cám ơn Bác và Đảng!” thì nó mới chịu chạy đi. Còn nếu ông muốn cho nó đứng lại, ông phải hô “Phản động!”
Tưởng lệnh gì khó nhớ chứ vụ này cán ta đã thuộc nằm lòng nên yên chí lớn và tự tin hô lên: “Cám ơn Bác và Đảng”. Quả thật, con ngựa tức khắc chạy đi.
Sau một khoảng thời gian long nhong, ngựa đến gần một thung lũng sâu. Cán ta vội hô “Phản động!”  Hay thật, con ngựa kịp thời dừng chân ngay tại rìa của vách đá.
Vui mừng hết biết luôn vì đã thực hiện được nguyện ước trong đời, cán ta ngước mắt lên trời và kêu lên: “Cám ơn Bác và Đảng”.
Lại ngựa nữa rồi! J
 
Phan Hạnh. Giáp Ngọ 2014.