Monday, 17 March 2014

Chủ nhật buồn - Phan Hạnh

Chắc bạn già gần bảy bó còn nhớ ca sĩ Connie Francis hát bài Never On Sunday trong thập niên 1960 khi bạn còn đi học, khi bạn mới vừa biết yêu. Bài hát “Hôn em ngày nào cũng được trừ ngày Chủ Nhật” thịnh hành thời ấy, tôi chỉ nghe và cảm thấy nó vui vui hay hay, cũng bắt chước bạn bè hát theo sẵn dịp luyện giọng phát âm Anh ngữ. Nghe và tưởng tượng đó là lời của người yêu nói với mình.
Oh, you can kiss me on a Monday a Monday a Monday is very very good
Or you can kiss me on a Tuesday a Tuesday a Tuesday in fact I wish you would
Or you can kiss me on a Wednesday a Thursday a Friday and Saturday is best
But never ever on a Sunday a Sunday a Sunday cause that's my day of rest…
 
Nửa thế kỷ sau, những thiếu nữ mộng mơ thời ấy giờ đây dường như chẳng còn bà nào hát câu đó với chồng nữa. Và ngày nào trong tuần đối với những ông già bà già đã nghỉ hưu đều là ngày Chủ Nhật không có nụ hôn nên hay nhớ dĩ vãng và hơi “bị” buồn.
Nhưng dù còn trẻ, có khi ngày Chủ Nhật cũng buồn như thường khi mà “Bạn bè rời xa chăn chiếu… Bơ vơ còn đến bao giờ…” như trong bài nhạc “Lời buồn thánh” của TCS. Lại cũng một bài nghe hay hay và buồn buồn, mặc dù tôi chẳng hiểu rõ lắm ý nghĩa quá bóng bẫy của ông nhạc sĩ này muốn nói cái gì: “Chiều chủ nhật buồn… Nằm trong căn gác đìu hiu… Tôi xin em năm ngón tay thiên thần… Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi… Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn…” Nghe “Trong vùng ăn năn” tôi lại nghĩ đến “Trong vùng địch” mang hơi hướm chiến tranh. Còn câu “Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn” thì tôi chịu thua “hổng hiểu!”
Nhưng thà “hổng hiểu” những “Lời buồn thánh” cũng “hổng sao”, “hổng hại” và “hổng chết thằng Tây nào”. Còn cái bài Gloomy Sunday sau đây mới ghê.
Nhạc sĩ Nam Lộc dịch Gloomy Sunday sang Việt ngữ và đặt tựa là Chủ Nhật Xám và hai ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung và Thùy Hương đã trình bày xuất sắc trong ASIA DVD 56 chủ đề Mùa Hè Rực Rỡ 2007 - Yêu Đời, Yêu Người. Khi xem DVD này, nghe một MC mới rất duyên dáng là Thùy Dương giới thiệu và kể sơ lai lịch của bài hát, tôi khá hồi hộp nôn nao chờ nghe cho biết xem bài hát có ma lực gì ghê gớm thế.
Lời Việt (Chủ Nhật Xám) của Nam Lộc
Từng đêm buồn thao thức… cô đơn và nhớ thương anh…
Nhớ anh từng phút trong cuộc sống mơ hồ giữa dòng đời…
Những bông hồng trắng kia… mộ vắng, khóc thương khi mất anh.
Cỗ xe buồn bã đưa người …đến đây cũng khuất mờ…
Chờ em người yêu ơi… chờ em, ta cùng chết bên nhau.
Dưới chân tượng đá… thiên thần khóc… cho tình yêu chúng ta…
Ô ồ ô ố… với... bao nỗi sầu… Ô ồ ô ố… với... bao nỗi sầu…
Hoàng hôn dần buông… một mình ta… uống từng chén men say…
Cớ chi mình kéo… lê cuộc sống… bao ngày chủ nhật buồn…
Tiếng kinh từ giã… không buồn bã… tiễn em ra nghĩa trang…
Những bông hồng thắm… tươi rực rỡ… vui mừng bên mộ phần…
Giờ không còn mơ… bên mộ đá… em được sống bên anh…
Đến hơi thở cuối… em cầu chúc… cho tình yêu chúng ta... ớ…. đừng xót xa…
Trong mơ… dường như bóng anh trở về…
Em mơ… ta gặp nhau… anh ngủ yên… trong lòng em… và mãi mãi... mãi…
Và em thầm mong, giấc mộng hoang, dù là những cơn mơ.
Cũng xin được nói cho người biết em yêu anh thiết tha...
Chủ nhật u sầu ... Chủ nhật xám ....
 
 Mời bạn bấm vào nối kết để nghe:
Vì Nam Lộc dịch lời cho Nguyễn Hồng Nhung hát nên người sống là con gái buồn thương than khóc người yêu đã chết và hẹn sẽ tái ngộ chàng bên kia thế giới. Thật ra thì lời của bài Gloomy Sunday nguyên thủy bằng chữ Hung Gia Lợi do thi sĩ Ladislas Javor viết sau cái chết đột ngột của vị hôn thê.
Nếu bạn huỡn thì vào link này nghe thử đi nhé. Riêng tôi vốn là người vui tánh và đang có người đồng cảm như bạn, tôi nghe Gloomy Sunday bao nhiêu lần xong cũng chỉ đập đầu xuống gối ngủ luôn… tới sáng! Tự tử làm quái gì cho phí cuộc đời. Đôi chân dù có yếu nhưng tâm hồn vẫn còn ấm áp những yêu thương mà.

Lời Anh bài nhạc Gloomy Sunday
Sunday is gloomy… My hours are slumberless…  Dearest the shadows…
I live with are numberless… Little white flowers… Will never awaken you… Not where the black coach… Of sorrow has taken you…  Angels have no thoughts…  Of ever returning you…  Would they be angry…  If I thought of joining you? Gloomy Sunday… Gloomy is Sunday…  
With shadows I spend it all…  My heart and I… Have decided to end it all… Soon there’ll be candles… And prayers that are said I know…
But let them not weep… Let them know that I'm glad to go… Death is no dream… For in death I’m caressing you… With the last breath of my soul… I’ll be blessing you… Gloomy Sunday… Dreaming, I was only dreaming… I wake and I find you asleep… In the deep of my heart… here…
Darling I hope… that my dream never haunted you… My heart is telling you… How much I wanted you… Gloomy Sunday… Gloomy Sunday…
Gloomy Sunday
 
Một phiên bản khác
Sadly one Sunday, I waited and waited
 With flowers in my arms, for the grief I'd created
 I waited 'til dreams like my heart were all broken
 The flowers were all dead and the words were unspoken
 The grief that I knew was beyond all consoling
 The beat of my heart was a bell that was tolling
 Saddest of Sundays
 Then came the Sunday when you came to find me
 They brought me to church and I left you behind me
 My eyes would not see what I wanted to love me
 The earth and the flowers are forever above me
 The bell tolled for me and the wind whispered 'never'
 But you I have loved and I bless you forever
 Last of all Sundays
 
 Một bản dịch Việt ngữ:
Một chủ nhật thật ảm đạm. Tôi vẫn mãi đợi và đợi...
Với những bông hoa trên tay cho những ảo tưởng mà tôi đã tạo ra.
Tôi chờ cho đến giấc mơ, giống như trái tim tôi, tất cả đã vỡ tan.
Những bông hoa đã chết và thế giới đều lặng thinh.
Ngày buồn nhất trong tất cả những ngày Chủ Nhật...
Và một ngày Chủ Nhật đến khi em tìm tôi.
Họ đưa tôi đến nhà thờ và tôi đã bỏ em lại đằng sau.
Đôi mắt tôi không thể nhìn thấy một điều nào đó để tôi tự yêu bản thân mình.
Đất và hoa sẽ mãi mãi ở trên xác tôi...
Tiếng chuông nguyện hồn tôi và cơn gió khẽ thầm "Không bao giờ!"
Nhưng tôi vẫn yêu và vẫn sẽ mãi cầu phúc cho em.
Ngày cuối cùng của tất cả những ngày chủ nhật...
 
Lời Việt bài Chủ nhật buồn của Phạm Duy
 
Chủ nhật buồn đi lê thê, cầm một vòng hoa đê mê, bước chân về với gian nhà với trái tim cùng nặng nề xót xa gì? Oán thương gì?
Đã biết nuôi hương chia ly trót say mê đã yêu thì dẫu vô duyên còn nặng thề.
Ngồi một mình nghe mưa rơi, mặc lệ tràn câu thiên thu, gió hiên ngoài nhắc một loài dế giun hoài, ru thương ru ơi ru... hời.
Chủ nhật nào tôi im hơi, vì đợi chờ không nguôi ngoai, bước chân người nhớ thương tôi, đến với tôi thì muộn rồi, trước quan tài khói hương mờ, bốc lên như vạn ngàn lời, dẫu qua đời.
Mắt tôi cười vẫn đăm đăm nhìn về người hồn lìa rồi, nhưng anh ơi tình còn nồng, đôi con ngươi nhắc cho ai biết cuối đời, có một người yêu không thôi ơi hỡi ơi... người.
Nếu chỉ đọc lời không thôi, chắc chắn một điều là chẳng ai thấy bài hát ghê rợn buồn thảm đến nỗi phải tự tử. Chúng ta có nghe ai đọc truyện tình cảm bi thảm của Quỳnh Dao mà chết đâu. Thế thì điệu nhạc buồn thảm mới tác động người nghe một cách mãnh liệt như vậy.
Bài hát định mệnh
Sau khi bản nhạc gốc được phổ biến vào năm 1932, chỉ trong vòng vài năm đầu, đã có hàng trăm người tình quẩn trí nhẩy lầu tự tử khi nghe xong bài hát này, khiến quần chúng đặt cho nó cái biệt danh là “Hungarian Suicide Song”. Và đó cũng chính là lý do mà nhạc phẩm này đã từng bị cấm phổ biến ở một vài quốc gia cũng như một số cơ sở truyền thanh lớn.
Bản nhạc có sức mạnh chết người của Rezso Seress được giới thiệu đến giới thưởng ngoạn ở Hoa Kỳ năm 1936 khi hai nhạc sĩ Sam Lewis và Desmond Carter dịch nó qua Anh ngữ. Từ đó đến nay, bản nhạc không ngừng được hàng bao nhiêu ca sĩ trên khắp thế giới thu thanh và phát hành nhạc trong các đĩa nhạc của họ. Gloomy Sunday cũng được chọn làm nhạc nền cho nhạc kịch và phim ảnh.
Vài nét về nhạc sĩ Rezso Seres
Rezso Seres (1899-1968) là nhạc sĩ dương cầm người Hung Gia Lợi gốc Do Thái. Ông sống hầu như suốt cuộc đời trong nghèo khổ ở thủ đô Budapest và từng bị bắt đi trại lao động dưới thời Đức Quốc Xã chiếm đóng trong Thế Chiến Thứ Hai. Sống sót trở về, ông làm việc trong sân khấu kịch nghệ và làm người biểu diễn đu giây nhào lộn trong gánh xiệc. Sau một tai nạn nghề nghiệp, ông tự học dương cầm và chỉ đàn với một tay lành lặn. Ông cũng tập hát và viết một số các bản nhạc, trong đó bài Szomorú Vasárnap (Chủ Nhật Buồn), phiên bản gốc tiếng Hung Gia Lợi, là Sombre Dimanche (Pháp ngữ) và là Gloomy Sunday (Anh ngữ). Bản nhạc buồn thảm này nổi tiếng vì nó liên hệ đến nhiều người tự tìm cái chết sau khi đã nghe nó và được mệnh danh là bài hát của tử thần hay bài ca tự sát Hung gia lợi. 
Bản nhạc rời được phát hành cuối năm 1933. Có nguồn tin cho rằng bản nhạc mãi đến sau Đệ Nhị Thế Chiến mới thêm vào và đến năm 1946 tác quyền mới được thành lập.
Hoàn cảnh sáng tác
Gloomy Sunday là một bài hát kể lể về một tình yêu đã mất. Chàng nghệ sĩ nghèo Rezso Seress vừa bị người con gái mà chàng yêu tha thiết cự tuyệt. Luôn tôn thờ tình yêu của mình, Rezso đã đau khổ thật nhiều. Trong nỗi thất vọng, chàng đã sáng tác ra bài hát sầu thảm nhất trong đời vào ngày Chủ Nhật thật ảm đạm của tháng 12 năm 1932 lúc chàng đang cư ngụ tại kinh thành hoa lệ Paris tìm cách mưu sinh như nhiều nghệ sĩ từ các nước khác.
Soạn xong nhạc khúc, Reszo cảm thấy như được giải tỏa, ưng ý và bớt bi quan dù tình yêu không bao giờ trở lại. Reszo mang bản nhạc vừa soạn đi giới thiệu với các hãng sản xuất đĩa nhạc nhưng chàng chỉ nhận được những ý kiến phê bình không mấy hứa hẹn. Người ta ngầm bảo chàng rằng theo các tiêu chuẩn âm nhạc thời bấy giờ, nhạc khúc của chàng “chưa đạt” để thu thanh. Các nhà sản xuất đĩa nhạc cho rằng bài nhạc đó nghe rất lạ và quá buồn thảm để trở thành một đĩa nhạc ăn khách.
Một nhà sản xuất trả lời rằng “Bài nhạc chất chứa trong đó một nỗi tuyệt vọng thôi thúc khá kinh khủng. Tôi nghĩ rằng sẽ chẳng lợi ích gì cho bất cứ ai nghe một bản nhạc như vậy.” (There's a sort of terrible compelling despair about it. I don't think it would do anyone any good to hear a song like that.)
Nhưng điều đó không làm cho chàng nhạc sĩ nghèo Reszo ngừng cố gắng để tìm mối tiêu thụ. Cuối cùng rồi chàng cũng đã tìm được một nhà sản xuất chịu phát hành nhạc của chàng. Và khi bài hát được tung ra thị trường thì cũng là lúc nhiều sự việc lạ lùng bắt đầu xảy ra.
Ảnh hưởng của Gloomy Sunday
Khi bài hát được tung ra thị trường, bắt đầu xuất hiện những chuyện kỳ lạ. Một người đàn ông đang ngồi trong một quán café đông đúc tại Budapest đòi ban nhạc trình tấu bản "Gloomy Sundaỵ" Người đàn ông ngồi tại bàn ông ta vừa nhấp rượu champagne vừa lắng nghe bài nhạc. Khi bản nhạc chấm dứt, người đàn ông trả tiền, rời khỏi quán, và vẫy một chiếc xe taxi. Vừa ngồi vào trong xe, ông ta liền lôi ra một khẩu súng và tự kết liễu đời mình.
Tại Berlin, một thanh niên sau khi nghe bài hát đã phàn nàn với bạn bè rằng anh ta bị ám ảnh bởi giai điệu và ca từ của nó. Anh ta rơi vào trạng thái trầm cảm mà không sao thoát ra được. Cuối cùng anh ta dùng súng bắn vào đầu tự vẫn. Vài ngày sau, cũng tại Berlin, người ta phát hiện một cô gái treo cổ tự tử và dưới chân cô là bài Szomorú Vasárnap. Báo chí bắt đầu loan tin về hiện tượng này, và liên tiếp các vụ án tương tự xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới như Hungary, Pháp, Mỹ. Bản thân Seress cũng rất kinh ngạc và không tin vào điều này.
Một cô thư ký xinh đẹp tại New York tự tử trong căn chung cư bằng hơi ga đã để lại một mẩu thư tuyệt mệnh yêu cầu bản nhạc "Gloomy Sunday" được phát thanh trong tang lễ cô.
Nhiều nơi khác trên thế giới cũng có tin tường thuật về những cái chết được cho là có liên quan đến bài nhạc ấy: ca sĩ chết trong lúc hát, người ta chết trong lúc nghe.
Cuối cùng thì cơ quan truyền thông BBC của Anh Quốc phải cấm hẳn bài "Gloomy Sunday" vào những buổi phát thanh thường lệ trên làn sóng. Ban giám đốc của BBC không thể làm ngơ trước những nhiều sự than phiền của thính giả về bài hát ấy.
Nhiều hệ thống viễn thông Hoa Kỳ cũng nhanh chóng làm giống vậy. Có người còn đi xa hơn khi họ đã đâm đơn kiện bài hát. Luật sư của người kiện lập luận rằng tác giả của bản nhạc cũng có chịu trách nhiệm đối với hàng loạt cái chết đó. Nhưng điều này lại mang đến tác dụng ngược. Các đài phát thanh càng cấm hát thì Gloomy Sunday càng trở nên phổ biến hơn.
Bản nhạc Chủ Nhật Buồn dường như ảnh hưởng mọi người không phân biệt tuổi tác hay tầng lớp xã hội. Một cụ ông 80 tuổi tự tử bằng cách nhảy từ cánh cửa sổ lầu bảy xuống trong khi bài nhạc đang được phát thanh. Một cô gái 14 tuổi chết đuối khi trong tay còn cầm một bản copy của bài "Gloomy Sunday".
Một nạn nhân trẻ tuổi khác, một cậu bồi người Ý, đi ngang một người ăn xin trên lề đường đang hát bản nhạc "Gloomy Sunday" đột nhiên dừng lại, để chiếc xe đạp của cậu sang một bên, tiến dần đến chỗ người ăn xin và cho ông ta hết số tiền mà cậu đang có. Sau đó chẳng một lời nào, cậu đi đến một cây cầu gần đấy và tự nhảy xuống tìm lấy cái chết.
Báo chí lượm lặt hết tất cả những câu chuyện và gửi phóng viên đến phỏng vấn Rezso và hỏi người nhạc sĩ này nghĩ gì về điều ấy. Nhưng Rezso cũng bàng hoàng như bao người khác. Chàng cũng chẳng hiểu vì sao bài hát của mình đã gây ra nhiều điều bất thường đến vậy.
Từ đó, dường như chính chàng nhạc sĩ nghèo Rezso cũng bị lây nhiễm bởi những điều bất hạnh theo sau bài nhạc bất cứ khi nào và nơi đâu khi bản nhạc được tấu lên. Khi bài "Gloomy Sunday" trở thành một trong những bản nhạc phổ biến nhất, Rezso đã viết một lá thư gửi cho người yêu cũ của chàng và xin thêm một cơ hội nữa để nối lại mối duyên xưa. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy thi hài của cô gái trẻ đã chết vì uống thuốc quá liều lượng. Bên cạnh cô ta là một tờ giấy với nét chữ nghệch ngoạc trên ấy nhưng còn có thể đọc được. Đó là tên của bài nhạc "Gloomy Sunday". Sau này, chính người nhạc sĩ Rezso Seress cũng tự tử vào năm 1968. Rezso Seress nhảy lầu tự tử mà không để lại một lời di chúc nào cả. Người ta suy đoán rằng Reszo Seress tự tử vì tuyệt vọng bởi ông đã không thể sáng tác thêm được một tác phẩm hay “chết người” để đời nào khác như “Gloomy Sunday”!
Cơn sốt Chủ Nhật Buồn lên đến đỉnh điểm vào năm 1936. Bất chấp lệnh cấm, các bản nhạc in rời được bày bán khắp nơi trên đường phố Paris. Những lời đồn đại làm cho nhiều ban nhạc và ca sĩ không dám trình diễn bài hát "chết chóc" này.
Nhạc sĩ Seress sau đó đã cố gắng thu hồi bài hát của mình nhưng không thành công. Đến lúc này thì Rezso chẳng còn nghi ngờ gì về bài nhạc định mệnh mang đầy tính nguyền rủa của chính mình. Lần đầu tiên trong đời, Rezso cố gắng thu hồi lại bài nhạc để nó khỏi bị lan ra nhiều thêm. Nhưng tất cả mọi nỗ lực của anh đều không thành. Bài hát càng bị cấm, nó lại càng trở nên phổ biến hơn. Những bản copy lậu được bày bán trên đường phố như một loại trái cấm.
Trong mỗi quốc gia, số người chết lại càng gia tăng. Bài hát đã đem lại nhiều lời đồn đại chết người đến nỗi các nhạc sĩ không dám đàn bài ấy hay thậm chí các ca sĩ cũng sợ không dám hát.
Đệ Nhị Thế Chiến xảy ra, người ta cũng bắt đầu quên dần bài hát ấy. Cơn sốt Chủ Nhật Buồn đã lắng dịu. Vào thời điểm này, Đài BBC quyết định nới lỏng lệnh cấm bài hát và cho phát thanh lại "Gloomy Sunday" trên làn sóng điện nhưng bấy giờ bài nhạc chỉ còn là một hợp tấu khúc (orchestral piece). Từ ấy bài hát được sửa lại theo lối hoà âm hợp khúc này.
Chuyện kể rằng có một người cảnh sát đi tuần ngang qua một căn chung cư nhỏ và cứ phải nghe mãi tấu khúc Chủ Nhật Buồn phiên bản mới này được phát ra lập đi lập lại liên tục hàng giờ. Tiếng nhạc phát ra từ cửa sổ của một căn chung cư trên con phố mà người cảnh sát tuần tiễu. Tò mò muốn biết ai đó lại có thể nghe mãi một bài hát lập đi lập lại mãi thật nhiều lần không ngừng nghỉ, người cảnh sát cuối cùng quyết định điều tra.
Khi bước vào căn nhà, viên cảnh sát  thấy "Gloomy Sunday" đang được hát trên dàn máy hát xoay tròn tự động. Thân thể của một thiếu phụ đang nằm cạnh chiếc bàn nơi để chiếc máy hát đang chạy. Người thiếu phụ đã chết với một liều thuốc ngủ cực mạnh. Đây mới chỉ là một bắt đầu của hàng loạt cuộc tự tử khác nối tiếp. Một lần nữa, BBC phải ra cấm lệnh đối với bài hát.
Theo tổng kết, có hơn một trăm vụ tự tử liên quan đến "Gloomy Sunday". Tuy không còn ma lực gây tự tử nữa nhưng bài hát vẫn được giới ca sĩ khắp nơi thích hát.
Giải thích hiện tượng
Các nhà nghiên cứu cho biết âm nhạc, điện ảnh, trò chơi... có thể tác động đến tâm lý của con người, nhưng không phải là quyết định. Thời kỳ đó, Mỹ và châu Âu đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp. Bối cảnh xã hội bị khủng hoảng kinh tế sau Đệ nhất thế chiến, nạn thất nghiệp gia tăng, hậu quả của chiến tranh gây ra sự chết chóc, thương vong... Sự khủng hoảng xã hội sâu rộng này được thể hiện rõ nét với sự lên ngôi của học thuyết hiện sinh. Điều này tác động mạnh lên tâm lý của dân chúng và đẩy nhiều người trong số họ rơi vào trạng thái mất phương hướng, trầm cảm, thất vọng trong cuộc sống.
Trong bối cảnh đó chỉ cần thêm một tác động nhỏ từ bên ngoài như âm nhạc, phim ảnh... có nội dung buồn thảm là có thể đẩy họ đến một quyết định tiêu cực.
 Bài hát rất ảm đạm này chính là "giọt nước làm tràn ly". Thêm nữa là sự thêu dệt quảng cáo của dư luận đã tạo nên cái "mốt tự tử" vào thời kỳ đó.
 Các nhà tâm lý học cho rằng hiện tượng tự tử thời kỳ đó là do bối cảnh xã hội khủng hoảng tác động mạnh lên tâm lý con người và bản thân bài hát này, cũng như cái chết của tác giả chỉ là một biểu hiện bề mặt của cuộc khủng hoảng đó.
Thật ra, theo như sự phân tích của Trang web Snopes (chuyên điều tra tìm hiểu để hóa giải các tin thất thiệt hoặc đáng nghi ngờ) thì số lượng các vụ tự tử vì ảnh hưởng của bản nhạc này bị thổi phồng và bản nhạc này không hề bị cấm ở Hoa Kỳ. Mọi dữ kiện liên quan đến bản nhạc này có thể không hoàn toàn chính xác hoặc sai lạc.
Dĩ nhiên trong thời buổi bây giờ khi nghe tấu khúc Gloomy Sunday của Rezso Seres trỗi lên hay nghe Nguyễn Hồng Nhung hát bài Chủ Nhật Buồn, cho dù trong một ngày Chủ Nhật thật sự ảm đạm như ngày hôm nay chăng nữa, chẳng còn ai bị tiếng nhạc lời ca đó ám vận vào người đến nỗi phải tự tử nữa. Trùm chăn ngủ sướng hơn.
Phan Hạnh.
Nguồn tham khảo: