Monday 17 March 2014

Hồi Ký của Một nhà văn, Một y sĩ: "Tản mạn "Từ Hòn Khói, tôi đi…"


Có lẽ trong giới văn học, những người viết văn có liên quan đến ngành nha y dược sẽ không ít đâu, tôi lẩm bẩm bấm đốt tay trong sự tự tin lập luận của mình, cho ví dụ đi chứ lị. Này nhé bà chị nuôi, dưỡng tỷ ký giả chiến trường Kiều Mỹ Duyên kể ra như sau: Cụ Nguyễn Tường Bách, cụ Trần Ngọc Ninh, cụ Hoàng Văn Đức, Trần Nguơn Phiêu, Huỳnh Hữu Cửu, Nguyễn Xuân Quang, Nguyễn Văn Thế, Ngô Thế Vinh, Lê Văn Châu (Trang Châu),… và tôi đếm tiếp Nghiêm Xuân Cường, Hải Đà Vương Ngọc Long, Phạm Anh Dũng, Đặng Văn Chi, Lưu Phương Lan,... và nhiều nhiều... Tôi biết nhà văn Lưu Phương Lan góp mặt trong nhóm văn Ninh Hòa, nhóm này do nhà văn Nguyễn Văn Thành thành lập năm 2012 với độ 20 hội viên, nay con số bạn văn thơ lên khá nhiều, tôi cùng là thành viên hơn 10 năm rồi, điều nhiều hội thích là mỗi người có khu đất cắm dùi riêng, email bài tới, anh Thành upload lên site. Anh chủ site này còn bỏ công ra layout "chùa" cho các thành viên in sách.

Mới đây anh nhà văn gốc quân y hội viên của nhóm là Lê Phú Thọ, tức bác sĩ y khoa Lê Ánh sang Nam Cali dự buổi ra mắt sách của nhà văn đồng hương và đồng môn thuở trung học là Phạm Thanh Khâm, một chuyên viên kinh tế nông nghiệp cho FAO, anh Lê Ánh cho tôi biết anh có dự định ra quyển sách đầu tay, loại hồi ký, mang tựa đề "Từ Hòn Khói, tôi đi…". Hai địa danh có liên quan đến văn chương Lê Ánh là Phú Thọ và Hòn Khói, vậy vị trí địa lý nó ở đâu vậy nhỉ? Anh Lê Ánh có quê quán ở làng Phú Thọ, thuộc vùng Hòn Khói, trong quận Ninh Hòa. Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa, từ hướng bắc cách Nha Trang 33 cây số; đi xuôi hướng nam, đi tiếp thêm nữa sẽ hướng đến thị xã Cam Ranh. Ninh Hòa cách cách Vạn Giã 27 số hướng bắc đường lên Phú Yên. Vạn Giã là quê hương của nhà văn Phạm Tín An Ninh của xứ Viking Na Uy , là một thị trấn nằm trong quận Vạn Ninh, thuộc Khánh Hòa. Thị trấn Vạn Giã gồm có tuyến đường chiến lược qua quốc lộ 1A nối liền các tỉnh giữa 2 miền Bắc và Nam với nhau. Nếu đi từ thị trấn Vạn Giã đến Nha Trang khoảng 60 cây số. Tôi mải mê nhìn trên bản đồ mà định hướng ngòi viết.


Tác giả Lê Phú Thọ trong bài "Trở Về Quê Xưa" đã mô tả về quê hương Phú Thọ, Hòn Khói của mình như sau:

"Trên quốc lộ 1 Nam-Bắc Việt Nam từ Ninh Hòa qua khỏi đèo Bánh Ít khoảng 1 cây số, có con đường rẽ bên phải về hướng Đông Nam, chính con đường này dẫn đến vùng Hòn Khói. Hòn Khói, một địa danh thuộc phía Đông Bắc quận lỵ Ninh Hòa, nằm dài phơi mình dọc trên bờ biển Đông Thái Bình Dương. Phú Thọ, một thôn trong vùng Khu Hòn Khói, tọa lạc tại ngã hai trên đường Ninh Hòa-Hòn Khói, đường ra Xóm Rớ (bên tay trái) dẫn đến các thôn Thạnh Danh, Bình Tây, Đông Hà và đường ra Xóm Biển (phía tay phải) đi đến các thôn Bá Hà, Ngân Hà, Thủy Đầm. Từ thành phố Nha Trang ra đến Ninh Hòa, cũng cùng con đường trên, tìm đến Dốc Lết, một trung tâm du lịch của tỉnh Khánh Hòa, du khách đi ngang qua Phú Thọ.

Phú Thọ, một làng quê hiền hòa, khiêm nhường trong vùng Hòn Khói, nơi tôi được sinh ra và lớn lên trong những năm của thời niên thiếu. Đa số dân trong thôn làng tôi làm ruộng muối vào mùa nắng ráo. Đến mùa mưa, một số ít người dân làm ruộng lúa. Đất đai kém mầu mỡ, cằn cỗi. Những năm thời tiết không thuận lợi, mùa màng thường bị thất thu. Gặp những năm hạn hán, mất mùa, đói kém. Gần vùng nước mặn và kế cận gần ven núi đồi nên đất đai phải chịu cảnh “đất cày lên sỏi đá“, lại còn thêm “nước mặn, đồng chua”. Gần vùng bờ biển Đông, Phú Thọ, cũng cùng chung số phận với các tỉnh miền Trung, phải hứng chịu thiên tai bão lụt hằng năm."

Tôi tham khảo trong bài viết khác ở cùng site Ninh Hòa, "Hòn Khói" của tác giả Phạm Tín An Ninh, địa danh này “… nằm cách thị trấn Ninh Hòa khoảng 10 cây số về hướng đông bắc, theo các cụ ngày xưa, địa danh Hòn Khói có từ thế kỷ 18, thuở tàn quân nhà Minh bên Tàu không chịu khuất phục triều đình Mãn Thanh, nên dùng tàu bè xuôi Nam tìm đất lành sinh sống. Một số có quyền chức, giàu có, có tàu thuyền to lớn thì vào lập nghiệp tận miền Nam, như Mạc Cửu vào lập xứ Hà Tiên. Còn một số ít nghèo khổ lang thang trên biển cả lâu ngày trở thành hải tặc. Thỉnh thoảng vào các hải đảo cướp bóc lương thực. Thời bây giờ triều đình nhà Nguyễn ra lệnh cho địa phương, khi nào có giặc Tàu Ô vào cướp bóc, thì dân làng đốt lửa trên đỉnh núi, cho khói lên cao, để quan sở tại biết mà kịp thời đem binh lính đến tiếp cứu. Có phải từ đó mà vùng đất này mang tên Hòn Khói ?”

Đấy theo ông nhà văn xứ Vạn Giã, Phạm Tín An Ninh là như thế, ông kể tiếp “Hòn Khói nằm cách Vạn Giã khoảng 50 cây số đường biển, cách Ninh Hòa 10 cây số đường bộ. Nhưng thời xưa, ông bà chúng ta di chuyển từ nơi này đến nơi khác chỉ bằng bộ hoặc xử dụng phương tiện duy nhất là ghe thuyền. Thời đó, từ Hòn Khói lên Vạn Giã, đêm nào cũng có ghe đò theo cách một đêm đi lên, một đêm đi về. Bến ghe đò nằm tại Bình Tây, kẻ đi người về tấp nập nên làng này được nhiều người biết đến. Và cũng vì thông thương dễ dàng, nên có nhiều người Hòn Khói lập gia đình với người Vạn Ninh. Trong gia phả của nhiều người Vạn Ninh bây giờ có gốc gác từ Hòn Khói.

Hòn Khói còn có Dốc Lết, một địa điểm du lịch khá nổi tiếng, nằm bên những đồi cát trắng tinh, sáng chiều di chuyển và biến dạng theo chiều gió trông rất ngoạn mục. Muốn qua bên kia xem biển, du khách phải vượt qua những đồi cát lớn, cao như những bức trường thành. Khi bước đi, bàn chân lún xuống sâu, muốn tiếp tục, phải ngồi xuống và lết đi. Do đó người dân bản xứ gọi nơi đây là Dốc Lết."

Về đời sống xã hội theo bài viết nói trên cho biết “… người dân Hòn Khói tuy nghèo, sống xa xôi, nhưng có truyền thống hiếu học. Ngay từ thập niên 1940, lúc Hòn Khói còn rất hiếm người có điều kiện đi học, mà đã có cụ bà Lê Bút, người làng Phú Thọ, là một trong số bảy người phụ nữ đầu tiên trong huyện Ninh Hòa đậu bằng Primaire (tiểu học Pháp-Việt - Certificat d'Étude Primaire Complémentaire Indochinoise). Ðến đầu thập niên 1960, phong trào học hành ở đây bùng lên cao, nhà nào cũng cố gắng lo cho con cái theo học ở Nha Trang, Sài Gòn. Trong số nhiều người thành đạt, có một số được nhiều người biết đến như bác sĩ Lê Ánh, giáo sư Phạm Chân, giáo sư Ðỗ Trung Hiếu,..."

Thế thì tác giả của tác phẩm "Từ Hòn Khói, tôi đi…" được nhà văn Vạn Giã kể tên đầu bảng trong nhiều trí thức của "Smoke Island" đi ra Nha Trang học ở Võ Tánh, xong vào thủ đô VNCH theo học trung học Chu Văn An, ở Sài Gòn được đà ngon trớn nhà văn đất Phú Thọ và Hòn Khói theo học ngành thuốc luôn. Bài "Hòn Khói" kể thêm những địa lý thiên nhiên thổ địa từ làng Phú Thọ (Hòn Khói) của tác giả Lê Ánh đi lên Ninh Hòa: "chỉ dùng đường bộ, băng qua Chánh Thanh, sườn núi Hòn Hèo, rồi leo qua đèo Hà Thanh hay đèo Bánh Ít là đến đầu làng Phước Ða, đường đi lắm hiểm trở, chông gai. Khi xưa cả đoạn đường này còn là khu vực hoang vu rừng rậm, lại nhiều thú dữ. Vì vậy, Hòn Khói tuy gần Ninh Hòa hơn Vạn Ninh, nhưng vì giao thông trắc trở, nên Hòn Khói khi ấy trực thuộc huyện Vạn Ninh là hợp tình hợp lý". Hihi... ông nhà văn Phạm Tín An Ninh kể chuyện beo cọp Khánh Hòa vốn dữ dằn đã cản ngăn đất "Smoke Island" của ông nhà văn Lê Phú Thọ gần Ninh Hòa có thôn Mỹ Hiệp, có Xóm Rượu, rồi Hòn Khói thuộc nền hành chánh Vạn Ninh, có đất Vạn Giã. Tôi thích biết chi tiết địa lý về cấu túc hành chánh, đời sống điều hành xã hội như thế lắm.


Nào, bây giờ thử điểm qua những đề tài mà nhà văn Lê Phú Thọ viết. Tốt nghiệp Y Khoa Bác Sĩ tại Đại Học Y Khoa Sài Gòn, về nơi chốn hành nghề y sĩ thì trước 1975 Làm việc tại Quân Y viện Pleiku. Sau năm 1975 khi đi tù về thì làm việc tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn. Sang Mỹ lấy bằng y khoa Hoa Kỳ, làm việc tại Covenant Medical Center, Lubbock, Texas, xứ Hợp Chủng Quốc. Hiện nay nghỉ hưu và tác giả thích làm vườn tược tại Phoenix, Arizona, ngoài sở thích vui thú điền viên, Lê Phú Thọ còn viết văn, viết về kinh nghiệm y khoa, về kỷ niệm đời sống mà anh từng trải,..., Ngoài bút danh Lê Phú Thọ, anh còn dùng bút hiệu Anh Tư Hòn Khói.

Trong chủ đề "Từ Hòn Khói, tôi đi…" ta có thể chia bài viết ra 2 giai đoạn mà tác giả đặt trọng tâm, những sinh hoạt hay làm việc trước và sau cái móc thời gian là năm oan nghiệt 1975.

Trích tên tựa các bài viết từ Tập hồi ký thì tác giả kể lại là xuất thân từ gia đình nghèo làm nghề nông, thời Pháp thuộc chiến tranh Pháp Việt ảnh hưởng đến việc học hành của tác giả, Lê Phú Thọ siêng học hành, một hy vọng vươn lke6n của gia đình, từ thuở ấu thời ở Hòn Khói rồi lớn lên sang Nha Trang học trung học, cuộc sống ở xứ Nha thành học nghề phó nhòm lúc kiếm đi học chữ. Để rồi sau đó được cơ hội vào Sài Gòn học lên cao, hãy đọc các bài như: Thời Niên Thiếu, Cậu Học Sinh Trung Học Nha Trang, Trở Lại Ghế Nhà Trường, Chú Thợ Chụp Hình, Từ Quê Lên Tỉnh, Trở Về Quê Xưa, Sau Cơn Mưa, Trời Lại Sáng, Về Quê... Với Nỗi Niềm Thương Tiếc...

Vào ngành y khoa, hành nghề quân y sĩ có những bài ôn về trường thuốc và kỷ niệm học trình: Trường Đại học Y Khoa Sài Gòn Chiến Tranh Và Chính Trị, Thử Thách Ban Đầu, Thực Tập Nhi Khoa, Sản Khoa Với "20 Cái Hộ Sinh", Thế Giới Trường Thuốc, Vạn Sự Khởi Đầu Nan, Cơ Thể Học Viện, Câu Chuyện Em Bé Gù Lưng, Chuyến Tàu Lửa Sài Gòn - Nha Trang Bị Mìn, Lễ Cầu Hồn Macchabée (Cuối Năm Thứ 2 Y Khoa, Sài Gòn năm 1962), Nội trú các bệnh viện khu nhãn khoa, Trước Di Ảnh Hippocrate, Thử Thách Trong Chuyên Môn, Trường Quân Y QLVNCH, Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y, Chuyến Công Tác Tân Cảnh, Chiến Tranh Và Đời Sống, Một Chặng Đường Sắp Đến, Nhận Nhiệm Sở Mới, Hướng Về Cao Nguyên, Đường Đến Quân Y Viện Pleiku, Phòng Ngoại Chẩn, Những Bệnh Nhân Đáng Thương, Khu Chấn Thương Và Chỉnh Trực, Khoa Ung bướu (Bệnh viện Bình Dân, Sài Gòn (1965 - 1966), Bệnh Viện Bình Dân Sài Gòn, Qua Một Chặng Đường, Câu Chuyện Một Cô Chuyên Viên Gây Mê, Một Phiên Trực Cuối Năm,...

Các bài liên quan đến miền Nam vào những ngày sôi động: "Pleiku, Những Ngày Hấp Hối", "Khói, Lửa Và Nước Mắt, Cao Nguyên Trong Vòng Lửa Đạn", Một Nữ Bệnh Nhân Từ Qui Nhơn, "Pleiku, Đầu Thập Niên 70", Một Sản Phụ Đặc Biệt, Cấp Cứu Bệnh Nhân Tại Gia, Lựu Đạn Nổ Tại Phòng Ngoại Chẩn, Bỏ Qua Một Cơ Hội, Những Ngày Tạm An Lành, Pleiku "Xứ Nắng, Bụi Mưa Bùn", Tết Cao Nguyên Pleiku, Tết Mậu Thân 1968, Một chút Thâm Tình,...

Những chuyện kể sau Tết Mậu Thân 1968 lại đến chiến sự sôi bỏng Mùa Hè Lửa Đỏ 1972: Một Ca Mổ Cấp Cứu Đặc Biệt (Pleiku), Mùa Hè Lửa Đỏ - Pleiku, Sau Mùa Hè Lửa Đỏ 1972, Chuyến Đi Bất Đắc Dĩ (Phi Trường Cù Hanh Pleiku, 17/3/1975),...

Sau biến cố đổi đời năm 1975, Lê Phú Thọ như bao nhiêu quân dân cán chính khác chịu cảnh đi tù CS. Được thả ra vì nhu cầu nhà cầm quyền CS cần giới y khoa chuyên nghiệp, tác giả làm việc ở Sài Gòn. Khi cơ hội tới, tác giả tìm dường vượt biên vượt biển sang Mỹ.

Một số bài viết ở phần hai như: Tập Trung "Học Tập Cải Tạo", Làm Việc Tại Bệnh Viện Ở Sài Gòn ((Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn - năm 1985 - 1987), Phép Nhiệm Mầu, Sưng Phổi, Bệnh Đường Hô Hấp, Chich Ngừa Người Lớn, Trở Lại Với Bệnh Nhân, Đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số, Trạm Y Tế, Làm Việc Tại Bệnh Viện Ở Sài Gòn,...

Trong tác phẩm "Từ Hòn Khói, tôi đi…" thì phần đi vượt biên khởi hành từ quê hương phải nói là quan trọng, vì giai đoạn đầu tác giả rời Hòn Khói "đi" vào Sài Gòn tìm tương lai tươi sáng. Giai đoạn 2 rời Sài Gòn "đi" Mỹ qua ngã Hòn Khói, tàu vượt biên tiến thẳng vào hải phận Phi Luật Tân, chuyến đi hải hành đường xa, đói khát, gian nguy, nhưng may mắn thay mọi người tị nạn đến được bến bờ tự do an toàn. Theo thống kê của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thì những số liệu về người tị nạn được ghi nhận là đã có trên 850,000 người được đến bến bờ tự do an toàn và được định cư và trên 850,000 người xem như đã tử nạn vong mạng trên đường vượt biên. Vào cuối năm 1978 đã có hơn 60,000 thuyền nhân tại các trại tị nạn Đông Nam Á. Vào tháng 6 năm 1979 số người tị nạn đã đạt số cao kỷ lục với 54,000 thuyền nhân đến các trại. Nếu chúng ta ước tính chỉ có 50% sắc suất vượt biên thành công thì đã có 100,000 người ra đi trong vòng một tháng. Con số to lớn người thiệt mạng rất đáng cho chúng ta suy tư. Lý do người ta liều mình thử thách với đại dương cũng vì ý nghĩa của 2 chữ tự do, và gia đình Lê Phú Thọ ra đi cũng vì mục đích tị nạn chính trị, và tương lai của 2 vợ chồng anh chị Lê Anh, những vị bác sĩ mẹ cha tốt nghiệp y khoa, có được 4 người con ra trường tại xứ tự do này, 1 bác sĩ chuyên khoa tim mạch và 3 bác sĩ nha khoa. Độc giả có thể theo dõi các bài viết về hành trình tìm tự do có nhũng gây cấn, khúc mắc do tổ chức vượt biên vượt đường xa: Duyên May Đã Đến, Cuộc Hải Trình Đầy Gai Góc, Những Chuyến Đi Vô Vọng, Chuẩn Bị Một Chuyến Đi Xa,...


Tham khảo website của tác giả, người ta còn thấy những chủ đề chuyên ngành y khoa được trình bày như sau: Bệnh Mắt Cườm, Bệnh Cườm Nước, Cơ Thể Học Của Mắt, Bệnh Đau Mắt hột, Đứng Trước Sự Thật, Bệnh Viêm Kết Mạc, Xin Để Cho Bệnh Nhân Một Tia Hy Vọng, Gạo Lức Muối Mè, Chich Ngừa Người Lớn,...

Phần tác giả viết về trường y khoa và những đồng môn, đồng nghiệp y khoa, có 2 vị y sĩ quen thuộc trong tầm mắt tôi, một vị thầy, một vị là đồng môn y khoa của bác sĩ Lê Ánh, mà gia đình ba mẹ tôi liên hệ bà con thân thuộc. Bài viết nhắc về Giáo sư Đặng Văn Chiếu, Trưởng ngành Phẫu Thuật Sọ Não (Neurosurgery), "Trường Đại học Y Khoa Sài Gòn (1966-1971)", cũng như bài "Trước Di Ảnh Hippocrate" cũng đề cập là Giáo sư Đặng Văn Chiếu nằm trong Hội Đồng Giám Khảo chấm đậu luận án ra trường của tac giả vào ngày 24/04/1969. Bác Chiếu có 10 người con theo ngành thuốc, mà anh Đặng văn Chi tôi được biết khả năng học hành của anh rất giỏi giang, bác sĩ Chi được bổ nhiệm làm Phó phân khoa trưởng của trường y khoa nổi danh Johns Hopkins (Vice Dean of Research, Johns Hopkins University School of Medicine, Baltimore, Maryland). Anh là giáo sư chuyên khoa ung thư nội tiết học (cancer endocrinology), giảng dạy các đề tài trong các môn cell biology, oncology, pathology, gastroenterology và hepatology. Anh Chi còn làm giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Ung Thư Abramson, thuộc đại học Y khoa Pennsylvania, và là tác giả của trên 200 bài viết nghiên cứu biên khảo khoa học rất giá trị, anh thích viết khảo cứu, phục vụ trong ban biên tập của tạp chí y khoa nổi tiếng Cancer Research kiêm chủ bút của tạp chí Cancer and Metabolism. Nhà bác Chiếu ở trên đường Gia Long, Sài Gòn, ngày còn nhỏ tôi theo "escort" bà Nội tôi đến nhà bác Chiếu, bà cụ thân mẫu của bác ăn chay, bà nấu món kiểm ăn với bún tuyệt chiêu, kiểm ngon nhờ chất bí rợ ngọt và nước cốt dừa beo béo, điểm khác mà tôi thích lại nhà bác Chiếu ở gần rạp cinéma Long Phụng, rạp chớp bóng chuyên trị các phim thần thoại cà ri nị Ấn Độ, tôi xin phép Nội tôi để thả bộ đến Long Phụng xem những bích chương chương trình phim Ấn, nào những ông hoàng vấn khăn cà ri nị đặc thù turban hay khăn truyền thống gamucha màu sắc sặc sỡ, rồi những cô gái Ấn xinh xắn có nốt son đỏ ngự trị trên vầng trán kèm theo chiếc hạt soàn bé tí ti long lanh gắn trên cánh mũi nữa. Thú thật khi xưa tôi mê cuốn phim top hit của Bollywood Ấn quốc "Sửa rừng thay sửa mẹ", phim do nền điện ảnh Mumbai (đất văn hóa Bombay) quay về chú bé lạc loài vào rừng xanh nhờ những mẹ khỉ dã nhân từ tâm thương tình cưu mang cứu dưỡng. Xem phim Ấn Bombay xong tôi hằng ao ước mình phi thân sang rừng xanh Mumbai để tìm quý mẹ khỉ lắm. 

Dr. Chi Van Dang, Abramson Research Center


Người thứ hai trong các bài viết của bác sĩ Lê Ánh là bác sĩ Lê Hữu Sanh. Trong bài viết "Khu Chấn Thương Và Chính Trực", tác giả Lê Phú Thọ kể về những cái chết của y sĩ tại chiến trường: " Một Đỗ Vinh, người y sĩ trong binh chủng Nhảy Dù, với biệt danh “Thiên Thần Mũ Đỏ” đã thực sự thành thiên thần gãy cánh để không bao giờ còn bay xuống trần thế để làm nhiệm vụ cứu nhân độ thế!

Rồi đến Lê Hữu Sanh, người sinh viên nội trú ủy nhiệm một thời của Trung Tâm Bài Lao Bệnh viện Hồng Bàng, cũng đi vào lịch sử, sau một bữa ăn tiễn biệt cùng với bạn bè tại đơn vị, trong một cuộc đụng độ với địch vô cùng dữ dội."

Cậu Ba Sanh ra đi tại chiến trận Mộ Đức, Quảng Ngãi, Tiểu Đoàn 5 Hắc Long TQLC thiệt hại khá nặng, sự thua trận bên phía ta chỉ vì người lính VNCH sống với sự nhân bản và vương đạo. Khi TQLC hành quân vào Mộ Đức hầu tiêu diệt các ổ quậy phá của Việt Cộng, Trong trận chiến đó địch quân dùng chiến thuật thủ đoạn đê tiện, hèn hạ, chúng ép đẩy dân làng ra làm tấm khiên lá chắn đỡ đạn (bullet shield, bouclier blindé protégeant de balle), sau đó chúng từ phía sau bất thần tấn công TQLC, bác sĩ Lê Hữu Sanh trúng đạn ở đùi đang lê lết thì tên VC chỉ huy đến kê súng lục vào đầu tàn ác kết liễu đời ông, và sau đó lục soát vơ vét hết số tiền QG có trong bóp của tù binh. Tác giả Lê Phú Thọ kể về sự hy sinh của những quân y sĩ tiền tuyến theo ra chiến trường, ngày đêm bên lửa đạn của những năm tháng chinh chiến oan khiên xa xưa. Ngày đau buồn ấy, tháng 6 năm 1966 cậu Sanh tử trận tôi theo ba mẹ lên nhà trên đường Hai Bà Trưng dự đám tang, tôi 11 tuổi nhìn xác người bất động lệ tuôn trào theo mọi người, an phận với chiến tranh có khía cạnh dã man của nó. Nhà cậu Ba Sanh ở đối diện với trường học Thiên Phước, gần chợ Tân Định, tôi nhớ căn nhà 2 tầng, số nhà là 250/5, cậu Sanh tuổi Quý Dậu, sinh năm 1933, cậu đi xe Vespa. Tính tình vốn hiền lành, hòa nhã và thương người. Cám ơn những bài viết của nhà văn Lê Phú Thọ về những kỷ niệm và đời sống trên cái hành tinh, địa cầu này, dù vui hay buồn, đó là thực tế của cuộc đời.
 
Y Sĩ Ngoài Tiền Tuyến


Tác phẩm "Từ Hòn Khói, tôi đi..." là một tập hồi ký viết về những gì đã xảy ra với bác sĩ Lê Ánh hay nhà văn Lê Phú Thọ. Chính tác giả đã tâm sự với bạn bè vào tháng ngày ở tuổi về hưu, về chiều song song với thú điền viên vui tuế nguyệt bên thiên nhiên, anh cũng thích ngành viết văn, viết lại những gì đã qua, một doạn đường dài trong quá khứ khi nhìn lại dĩ vãng.

Trần Việt Hải xin trân trọng giới thiệu tác phẩm mới, và xin chúc mừng đứa con tinh thần "Từ Hòn Khói, tôi đi..." của nhà văn Lê Phú Thọ, Phoenix, Arizona.
Xin chúc mừng anh Lê Ánh. Bạn bè sẽ gặp nhau tại Orange County hôm RMS.

Việt Hải Los Angeles