Monday 17 March 2014

Tấc Đất Tấc Vàng - GS Trần Lam Giang

Bóng đen bi đát đè nặng lên cuộc sống của dân tộc ta từ hơn một thế kỷ nay. Đôi lần cũng chập chờn le lói ánh độc lập tự do giả định qua những giấc nằm mơ ngắn ngủi.

Từ sau 30 tháng tư năm 1975, dân quyền mất hết, không còn mảy may. 90 triệu đồng bào sống đời chông chênh bất an trên chính quê hương mình. Chông chênh chẳng phải vì nghèo, cũng chẳng phải vì thiên tai. Chỉ vì ách nước : quốc dân bị quản trị bởi chính sách ngược nhân tính, phản nhân tình.

Hiện nay, dân tộc ta lâm vào hoàn cảnh kinh tế nghèo nàn, khoa học lạc hậu. Nhược điểm này dễ bị nước giầu mạnh đem đồng tiền nổi lung lạc, áp chế. Vị trí nước ta thuận tiện cho việc lưu thông quốc tế, tài nguyên thiên nhiên nước ta phong phú trinh nguyên, công nhân nước ta đông đảo, thông minh và cần mẫn. Phong cảnh nước ta đẹp vượt bực. Những ưu điểm này kích thích lòng tham chiếm đoạt của các cường quốc. Sự hiện diện với cách thế thăm dò, dòm ngó đã không che dấu được ỳ đồ trục lợi bất chính của ngoại nhân.

Trang sử vong quốc hé mở thêm một lần, nếu người Việt không kịp thời phản tỉnh nhận lãnh trách nhiệm và thi hành bổn phận giữ gìn non nước.

Cộng sản Việt Nam tự biết thân phận không thể tồn tại lâu dài đã đối ngoại một cách đê hèn và khiếp nhược : cắt đất dâng cho cộng sản Tầu để tìm nơi nương tựa.

Nhìn vào lịch sử, không phải chỉ để ngậm ngùi tưởng tiếc.

Anh em ta thử nghĩ : trên dưới bốn ngàn năm, trong ngoài ba mươi vạn dặm, biết bao dây máu hột mủ, tuôn đổ ra cung cấp cho nước đó, có một giọt nào không phải của dân ta đâu ? Biết bao lũ trước đàn sau, dắt dìu nhau mà kinh dinh cho nước đó, có một người nào mà không phải dân ta đâu ?” (Phan Bội Châu – Cao Đẳng Quốc Dân).

Vậy nên người Việt Nam ta yêu quý non nước, yêu hơn mạng sống của chính mình. Đất đai quê hương đối với dân tộc Việt, không phải chỉ để trục lợi mưu sinh, mà là nơi cư ngụ thiết tha gắn bó, nối kết nghĩa tình với quá khứ và tương lai. Với cha ông tiên tổ tự ngàn xưa, với cháu con dòng giống mãi mãi ngàn sau – Đất nước ta là của ta, tuyệt đối của dân ta. Xương máu ông cha ta đã làm nên đất ấy, không thể nhường cho bất cứ ngoại nhân nào được hết. Mạng sống có thể nhường, đất nước tuyệt đối không. Quyền lợi có thể nhường, đất nước tuyệg đối không.

“Nước là mẹ ta, ta là con nước,
Thân con có phước, nhờ mẹ lâu dài
Mẹ mất con coi, còn gì thân thế !...”
(Phan Bội Châu – Định nghĩa Ái Quốc)

Còn gì ngược nhân tính cho bằng hành vi đem mẹ mình mà cho người khác như Cộng sản Việt Nam đã cắt một phần đất địa đầu xung yếu ở tỉnh Lạng Sơn cho Cộng sản Tầu. Với những luận cứ viển vông, những chứng cớ vu vơ, với tình hữu nghị cùng con chó dại, bọn chúng chối tội một cách vô liêm sỷ.

Dưới đây chúng tôi đóng góp một số tài liệu lịch sử về tỉnh Lạng Sơn, phần đất tổ, hiển nhiên trong lịch sử, trong văn học thành văn cũng như trong văn học dân gian truyền khẩu. Đồng thời cũng đưa ra những điều viết về Lạng Sơn nơi sách sử Tầu, để thấy rõ dã tâm xâm lược của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt.
 
Lạng Sơn trong sử sách nước ta

Dư Địa chí, sách do Nguyễn Trãi tham khảo và biên soạn, được các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn coi là quốc thư bảo huấn đại toàn, có ghi :

“Sông Khưu Lư, tức Kỳ Lừa, ở phía bắc Quế Thành, xưa là Ôn Khưu Thông Lĩnh Giang. Vọng Phu là tên núi ở phía tây thành Lạng. Trên núi đứng sừng sững một tảng đá, xa trông như hình người, lưng tựa phía nam, mặt hướng phía bắc. Tục truyền, xưa có truyền lại rằng: người đất Nam Sách tên là Đậu Thao, một vị tướng quân của Tiền Ngô Vương, dẫn quân chống giữ mặt bắc. Vợ họ Tô tên là Huệ, thủ tiết 10 năm, dệt gấm hồi văn gửi cho chồng. Sau, cùng người nhà lên núi Lạng Sơn ngóng trông chồng không thấy. Chết, thân xác hóa đá, nhân đó đặt tên núi là Vọng Phu.”

“Lạng Sơn xưa là bộ Lục Hải, tây nam giáp Thái Nguyên, đông bắc giáp Lưỡng Quảng. Lộ này có một phủ, gồm 7 châu, 227 xã – Lộ Lạng Sơn là phên giậu thứ ba ở phía bắc nước ta”
Nguyễn Thiên Tích, bậc đại-khoa danh nho đồng thời Nguyễn Trãi, kính cẩn xét :

“Phủ Trường Khánh có 7 châu, 193 xã. Châu Lộc Bình có 39 xã, 21 thôn, tiếp giáp với huyện Tư Minh, tỉnh Quảng Tây. Châu Thoát Lãng, xưa chính là Thoát Lạc, có 20 xã. An Châu có 30 xã, 100 trại, 10 bãi sông. Châu Văn Uyên (xưa tên là Văn Châu) có 41 xã. Châu An Lan có 31 xã, 1 thôn, 1 trang. Chấu Thất Nguyên (nhà Mạc đổi thành Thất Tuyên) có 34 xã. Châu An Bác có 38 xã”.

Phụ lục :

“Họ Hồ cướp ngôi nhà Trần. Người nhà Minh nhân cơ hội tràn đến châu Lộc Bình đạo Lạng Sơn. Triều đình nhà Hồ sai Hoàng Hối Khanh làm Cát địa sứ (sứ thần cắt đất) lấy Lộc Bình, Cổ Lâu, gồm 38 xã 59 thôn cho giặc Minh. Đất bị mất rộng đến 5 ngày đường.”

“Lạng Sơn đất đen, ruộng rất xấu. An Bác sản xuất gấm đẹp, lụa là, vải lĩnh và các hương vị. An Châu sản xuất sơn dược (củ mài ?). Thất Nguyên có vàng và chì. Văn Uyển có đồng và bạc. Tư Minh thường đem gấm tây-cẩm cùng trầm hương sang cống hiến ta.

“Tư Minh là tên một huyện thuộc tỉnh Quảng Tây thời Minh, ở sát liền nước ta. Thổ quan Tư Minh thường cùng người bản xứ sang nước ta cống hiến”.

Đại Việt Sử Lược cũng gọi là Việt Sử Lược, do một sử gia ẩn danh đời Trần biên soạn hoàn tất dưới triều vua Trần Phế Đế, niên hiệu Xương Phú thứ I (1377), có ghi :

“Quan Thái-thường bác-sĩ nhà Tống là Hầu Nhân Bảo xin đem quân xâm chiếm nước ta. Tống đế phong Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu lộ chuyển vận sứ, tiến binh vào nước ta. Bấy giờ ở Lạng Châu (tức Lạng Sơn) nghe tin quân Tống s ắp đến, làm tấu trạng tâu lên triều đình”

“Trận này, vua Lê Đại Hành chém Hầu Nhân Bảo ở Chi Lăng, thuộc Lạng Sơn”
(Việt Sử Lược, quyển nhất, Lê Kỷ)

Đoạn sử trên là chứng tích cho thấy Lạng Sơn từ xưa đã là trấn địa trọng yếu của nước ta.

Các bộ chính sử nước ta như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn dưới triều vua Lê Thánh Tông, hoàn tất năm Hồng Đức thứ 10 (1479), Đại Việt Sử Ký Tiến Biên do sử gia danh nho Ngô Thời Sĩ biên soạn, con là Ngô Thời Nhậm bổ túc, được in dưới triếu vua Quang Toản, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục do Phan Thanh Giản làm Tổng Tài cùng 45 sử thân biên soạn dưới triều Nguyễn, ghi lại rất nhiều sử kiện, sử tích cho thấy một cách minh bạch rằng Lạng Sơn là phần đất của Tổ Quốc ta. Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn một vài đoạn :

Ø  Năm Canh Tý (Tây lịch năm 40), Trưng Nữ Vương đau lòng trước việc Tô Định dùng bạo chính trói buộc quốc dân, lại thù Tô Định giết chồng, bèn dấy nghĩa ở huyện Mê Linh, châu Phong đánh đuổi Tô Định. Định thua chạy theo ngả Lạng Châu (Lạng Sơn) về Tầu.

Ø  Năm Tân Tỵ, mùa xuân tháng 3 (981) nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân sang đánh nước ta. Vua Đại Hành đánh tan quân giặc ở Chi Lăng (thuộc Lạng Sơn), quân giặc sống sót, chạy qua châu Văn Uyên (thuộc Lạng Sơn) mà về nước,

Ø  Năm Canh Tý, Lý Thánh Tông niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ 2 (1060). Châu Mục Lạng Châu (Lạng Sơn) là Thân Thiện Thái tiến quân qua đất Tống bắt sống Chỉ huy sứ nhà Tống là Dương Bảo Tài, đem về nước.

Mùa thu tháng 7 năm ấy, nhà Tống cất quân xâm chiếm, bị chận đánh ở Lạng Châu (Lạng Sơn), quân Tống phải lui.

Ø  Năm Giáp Thân, mùa đông tháng Chạp (1284), Thoát Hoan kéo quân qua Pha Lũy Quan (tức Nam Quan, Đồng Đăng, Lạng Sơn)tiến vào thôn Ma Lục bị hai thổ hào là Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh chận đánh.

Ø  Năm Ất Dậu, mùa hạ tháng 6 (1285) Trấn Nam Vương Thoát Hoan (Thái tử nhà Nguyên) phải chui vào ống đồng, cho quân khiêng chạy thoát qua Pha Lũy Quan (Nam Quan, Lạng Sơn) mà chạy về nước.

Ø  Năm Đnh Mùi, mùa thu tháng 9 (1427) Liễu Thăng kéo quân vào nước ta. Bình Định Vương sai các tướng Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Hiệp, Đinh Liệt, Lê Thụ mai phục ở Chi Lăng (thuộc Lạng Sơn) đón đánh. Tướng Trần Lựu dẫn quân đến Pha Lũy Quan (Nam Quan – Đồng Đăng - Lạng Sơn) dụ địch. Trần Lựu giả thua, Liễu Thăng đuổi theo, đến Chi Lăng, bị phục binh vây đánh, quân Minh đè lên nhau mà chết. Liễu Thăng bị chém ở Đảo Mã Pha, ven núi Mã Yên.

Cũng năm ấy (Đinh Mùi – 1427) bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng quẫn, kéo quân chạy về nước, đến Mã Yên, Chi Lăng, Pha Lũy Quan (Nam Quan, Lạng Sơn) bị các tướng Lê Vấn, Lê Khôi bắt sống cùng hàng vạn tù binh.
Ø  Năm Mậu Thân, mùa đông tháng 10 (1788) Tôn Sĩ Nghị Tổng Đốc Lưỡng Quảng nhà Thanh và Đề Đốc Hứa Thế Hanh theo ngảNam Quan (Lạng Sơn) tiến quân vào nước ta.
Năm Kỷ Dậu, mùa xuân tháng Giêng (1789) Hoàng Đế Quang Trung trong 10 ngày quét sạch quân Thanh ra khỏi cõi bờ.

Phương Đình Dư Địa Chí do Nguyễn Văn Siêu biên soạn. Ông là bậc danh nho thời Nguyễn triều, bạn thân của Cao Bá Quát. Vua Tự Đức đã ngợi khen tài văn học của ông qua câu “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán; Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường.” Dân gian cũng thường nhắc nhở câu “Thần Siêu, Thánh Quát”. Như vậy, sách Dư Địa Chí của ông hẳn phải có giá trị đáng tin cậy.

Nơi sách này, lịch sử tỉnh Lạng Sơn của nước ta được trình bày trang trọng. Ông Phương Đình Nguyễn Văn Siêu ghi rằng :

Ø  “Lạng Sơn xưa là bộ Lục Hải (thấy trong Ức Trai Địa Chí). Thời Hán thuộc là Giao Chỉ. Thời Đường thuộc là Giao Châu. Nhà Đinh chia làm đạo, nhà Lê, nhà Lý là lộ, đầu nhà Trần là Lạng Giang trấn. Năm thứ 9 niên hiệu Quang Thái (niên hiệu vua Trần Thuận Tông) nhà Minh sang sứ sang bàn về cương giới châu Tư Minh, mãi không xong, việc dần thôi.”

Ø  Năm đầu niên hiệu Thuận Thiên nhà Lê (Thuận Thiên là niên hiệu của Lê Thái Tổ - Lê Lợi) Lạng Sơn thuộc vào Bắc Đạo. Năm thứ 10 niên hiệu Quang Thuận đạt Lạng Sơn thừa tuyên gồm 1 phủ và 7 châu”.

Ø  Khoảng niên hiệu Gia Long gọi là Lạng Sơn trấn gồm một phủ, bảy châu.

Ø  Năm thứ 12 niên hiệu Minh Mạng gọi là Lạng Sơn tỉnh.

Ø  Năm thứ 14 niên hiệu Minh Mạng, thổ phỉ Bế Văn cận vây bức thành Lạng. Quan Án Sát Trần Huy Phác đem quân dân trong thành chống giữ hơn một tháng, có đại quân tiếp viện, đảng giặc tan vỡ, vây mới giải. Năm thứ 15 đổi ba châu An Bác, Văn Quan, Thất Tuyên làm huyện. Năm thứ 16 đặt thêm phủ Tràng Định. Năm thứ 17 đắp thêm thành Thổ Sơn.

Ø  Thành Lạng Sơn xưa gọi là Đoàn Thành. Năm thứ 24 niên hiệu Hồng Đức nhà Lê xây đắp lại. Năm Mậu Dần niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê, quan Đốc trấn Lạng là Hương Lĩnh Hầu Mai thế Truẩn lại đắp thêm, chu vị rộng 577 trượng, có văn bia nay còn ở cửa Bắc thành. Góc tây nam thành có một núi đất gọi là Thổ Sơn đồn, một tên nữa gọi là Lộc Mã doanh. Năm Minh Mạng thứ 17 lại  xây đắp vệ thành, chu vi 129 trượng 9 tấc.

Năm Tự Đức thứ 14 sát nhập huyện Yên Bác vào châu Thoát Lãng.

Núi Công Mẫu ở châu Lộc Bình, thế núi cao ngất, quanh vòng 500 dặm là một danh sơn của tỉnh Lạng.

Sông có sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ châu Tiên Yên tỉnh Quảng Yên, chảy qua phía tây bắc tỉnh thành (Lạng Sơn), chảy quanh đến giang phận Long Châu nước Trung Hoa. Ở giang phận biên giới này, ta có đặt một cửa ải là ải Binh Nhi (đề cao cảnh giác việc binh lửa).

Cửa quan có ải Nam Quan ở địa phận hai xã Đồng Đăng và Bảo Lâm, thuộc huyên Văn Uyên. Phía bắc giáp biên giới châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây Trung quốc. Hai bên tả hữu của ải có núi đá cao ngất trời, ở giữa có cửa quan, thường trực khóa kỹ, chỉ mở khi có việc sứ, tên là Nam Quan, một tên là Đại Nam Quan, một tên là Trấn Di Quan.

Những dữ kiện lịch sử địa lý trích dẫn từ các sách sử trên đây không ngoài mục đích minh trưng thành Lạng vốn tự nghìn xưa là của nước ta, đời đời dân ta làm chủ thành này. Qua các thời đại phế hưng, các triều đại vua ta nắm quyền sửa đổi, tô điểm đắp xây, tổ chức phân chia phủ huyện châu xã. Nếu không phải đất của ta, sao lại có quyền ấy, sao lại đổ công ấy ?
 
Lạng Sơn qua sách sử Tầu

Minh sử ghi : Năm thứ 29 niên hiệu Hồng Võ (Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương), Tổ tư-phủ Tư-Minh là Hoàng Quảng Thành tâu rẳng : “phủ ấy từ nhà Nguyên đặt lộ Tư Minh, châu, huyện, động, trại trong hạt, phía đông đến châu Thượng Tư, phía nam đến Đồng Trụ. Quân nhà Nguyên tiến đánh nước Giao Chỉ, cách Đồng Trụ 100 dặm đặt trại Vĩnh Bình để đóng quân. Lại bắt người Giao Chỉ phải cung ứng quân lương. Cuối nhà Nguyên rối loạn, người Giao Chỉ đem quân đánh phá trại Vĩnh Bình, vượt qua Đồng Trụ hơn 300 dặm, xâm chiếm nhiều đất thuộc lộ Tư Minh, như 5 huyện Khâu Ôn, Như Ngạo, Khánh Viễn, Uyên Thoát … bắt dân làng theo. Lại nữa, Đồng Đăng thực là đất của Tư Minh mà người Giao Chỉ nói là Đồng Trụ dựng ở nơi ấy. Xin ban sắc cho An Nam phải giả lại đất cũ để bờ cõi được đúng.” Vua Minh Thái Tổ bèn sai chức Hành Nhân là Trần Thành Lã Nhượng sang dụ. Bàn cãi đi lại, mãi vẫn không quyết, việc dần phải thôi (Ngô Mạnh Nghinh dịch).

Đại Thanh Nhất Thống Chí chép vể bảy châu của phủ Lạng Sơn là : “Thượng Văn, Hạ Văn, Thất Nguyên, Văn Nhai, Quảng Nguyên, Thượng Tư và Hạ Tư. 5 huyện là : Khâu Ôn, Trấn Di, Ôn Huyện, Đan Ba, Thoát Huyện.” (Ngô Mạnh Nghinh dịch)

Sách Việt Thuật nói : “Xưa có Lộc Châu thuộc phủ Tư Minh, sau mất vào nước Giao Chỉ. Gần đây xét rõ, phục lại như cũ, nay thưộc huyện Tây Lâm, phủ Tây Long, đó là huyện mới đặt” (Ngô Mạnh Nghinh dịch)

Đại Minh Nhất Thống Chí chép : “Trong địa lý chí phủ Tư Minh có nói : ‘Châu Tây Bình nguyên thuộc Tư Minh Lộ. Năm thứ 3 niên hiệu Hồng Võ bỏ. Năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Lạc đặt lại. Lộc Châu của nước An Nam nguyên thuộc lộ Tư Minh (Tầu). Năm Hồng Võ thứ 3 bỏ, năm Hồng Võ thứ 21 đặt lại. Sau mất vào nước Giao Chỉ.” (Ngô Mạnh Nghinh dịch)   
                                                                                                       
Sách Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư do Cố Viêm Võ biên soạn. Ông là một học giả hữu danh cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Về Lạng Sơn, đại lược ông có ghi : “ Năm thứ 5 niên hiệu Vĩnh Lạc mới đặt, đem 4 châu Thất Nguyên, Thượng Văn, Hạ Văn, Văn Nhai, Quảng Nguyên, Thượng Tư, Lãng thuộc vào phủ Lạng Sơn. Bản phủ lĩnh 7 huyện là : Tân An, Như Ngạo, Đan Ba, Khâu Ôn. Kê Lăng, Uyên Đồng. Châu Thất Nguyên lĩnh 4 huyện là Thủy Lãng, Cẩm Vũ, Dung Phi, Bình Lục. Châu Thượng Văn lĩnh 3 huyện là Bôi Lan, Khánh Viễn, Phố Huyện. Còn Hạ Văn, Văn Nhai 5 châu không có huyện. Tất cả 17 châu 16 huyện. Năm thứ 7 gồm Phố Huyện vào châu Thượng Văn, Phi Huyện vào châu Thất Nguyên, Dung Huyện vào Thoát châu, Khánh Viễn vào Bôi Lan, Bình Huyện vào Thủy Lãng” (Ngô Mạnh Nghinh dịch).

Các sách của Trung Hoa có nhắc đến Lạng Sơn còn rải rác một vài. Đường Thư Địa Lý Chí viêt “Khoảng những năm Khai Nguyên, Lạng Châu là một trong những man châu thuộc An Nam”. Sách Phương Dư Kỷ Yếu, thiên An Nam Bị Lục viết : “Lạng Sơn Phủ ở phía bắc phủ Giao Châu 530 dặm. Năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Lạc, gồm 7 châu …. Quảng Nguyên thành ở phía tây bắc phủ Lạng Châu, giáp giới với phủ Long Châu của tỉnh Quảng Tây. Khâu Ôn thành ở phía bắc phủ 200 dặm, nay là huyện, trước là phủ Tư Minh thuộc tỉnh Quảng Tây. Năm thứ 29 niên hiệu Hồng Võ, phủ Từ Minh tâu rằng : “Nước An Nam cướp mất các huyện Khâu Ôn, Như Ngạo, Khánh Viễn, Uyên Thoát.” Chiếu cho An Nam giả lại đất cho phủ Từ Minh, nước An Nam không tuân mệnh, từ đấy mất vào đất Giao Chỉ. Đầu niên hiệu Vĩnh Lạc, sai Chinh Nam tướng quân là Hoàng Trung đưa Trần Thiên Bình về nước. Đến Khâu Ôn bị quân Lê lừa, tiến đến Cần Trạm, Thiên Bình bị giết tức là nơi này.” (Ngô Mạnh Nghinh dịch)

Khi nói về nước ta, sách sử Trung Hoa luôn luôn có thái độ trịch thượng xấc xược, cộng thêm lòng tham xâm chiếm nên không thể tránh khỏi những chủ quan làm sai lệch sự thật.
 
Ghi chú.
Đại Nam Quan : cửa ải của nước Đại Nam
Nam Quan : chính là Đại Nam Quan gọi tắt. Ta thường xưng mình là người nước Nam. Như Lý Thường Kiệt khi xuất quân xua quân Tống ở sông Như Nguyệt có viết :
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Núi sông nước Nam, vua nước Nam ở. Sách trời đã định cương giới rành rành. Lũ giặc bạo ngược cớ sao dám đến xâm phạm. Chúng bay hãy giương mắt mà nhận lảnh sự thất bại)
Vì lẽ Nam là nước Nam, nên gọi cửa quan của nước Nam là Nam Quan, cửa ải của nước Nam là Ải Nam Quan.
Không phải chỉ riêng Lý Thường Kiệt gọi nước ta là nước Nam, Nguyễn Trãi trong bài hùng văn kiệt tác Bình Ngô Đại Cáo cũng xưng nước ta là nước Nam : “Sơn xuyên chi phong vực kỷ thù; Bắc Nam chi phong tục diệc dị” (Biên giới núi sông đã khác; phong tục nước Bắc nước Nam lại cũng khác – Nước Bắc là nước Tầu, nước Nam là nước ta).
Cuốn Đại Việt Sử Ký viết dưới hình thức Tứ tự (mỗi câu 4 chữ) dưới triều vua Tự Đức, nhập đề bằng câu :
Ngã bản Nam nhân
Tu tường Nam sử
(Ta người nước Nam, nên biết rõ ràng lịch sử nước Nam)
Như vậy, trong tiếng nói cũng như văn chương nơi sử sách của ta, chữ Nam được quen dùng để chỉ tên nước ta.
Trấn Di Quan
Xưa, người Tầu gọi ta là Nam Man, tức bọn mường mán phương nam ở nước Nam. Đối lại ta gọi họ là thằng Ngô (ngây ngô như ngố Tầu) hoặc Hoa di tức lũ man di Trung Hoa. Điều này còn thấy minh bạch nơi Quốc Miếu của người Nùng.
Người Nùng tụ tập định cư ở đâu, bao giờ cũng dựng quốc miếu, thường gọi là Phú Quốc Miếu hoặc Chúc Quốc Miếu để cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh. Trong Quốc Miếu hặc thờ Phật bà Quan Âm vì theo lịch sử họ, có lần Phật bà đã hiển linh dẫn đường cho họ đánh đuổi quân Tầu; hoặc thờ câu Y Trấn Hoa Di nghĩa là “ở đây để ngăn ngừa, chận đứng bọn man di Trung Hoa.” Trấn Di Quan của ta, cũng như vậy, có nghĩa là “cửa ải ngăn ngừa man di phương bắc”.
 
 
Lạng Sơn trong văn học truyền khẩu và thanh văn
Văn học truyền khẩu với thành Lạng Sơn

Xét trong lịch sử loài người, khi một dân tộc văn hóa thấp kém tiếp xúc với một dân tộc có văn hóa cao, thường bị đồng hóa, có khi đến bị diệt chủng. Vậy mà Tầu ỷ vào bạo lực, sức mạnh người đông, tràn sang chiếm đóng, đô hộ nước ta cả nghìn năm với nhiều thủ đoạn nhằm đồng hóa dân ta, với những áp lực kinh tế chính trị tàn khốc nhằm làm kiệt quệ sức đề kháng của dân ta. Chung cục, ta vẫn là ta. Kẻ ngoại thù ra đi, không đạt được lòng tham, chỉ chuốc lấy tiếng xâm lăng bạo ngược. Tại sao ? – Tại vì ta đã sẵn có một nền văn hóa cao cả lấy người làm gốc. Nền văn hóa nhân bản này bền vững cội nguồn từ nhân tính, nở hoa kết trái đẹp đẽ nhân tình.

Văn hóa truyền thống Việt Nam không tàng trữ nơi những công trình xây cất vĩ đại tráng lệ. Các đấng tiên vương tiết kiệm mồ hôi nước mắt đồng bào nên đã cấm chỉ xa hoa. Văn hóa truyền thống Việt Nam cũng không tàng trữ trong thi thư kinh điển. Một ngàn năm Bắc thuộc, biết bao cảnh tàn phá văn hóa ta đã diễn ra, nào đập phá đền đài bi chú, nào đốt sách, tịch thu sách quý đem về Tầu. Đối phó với thảm trạng ấy, để bảo tồn văn hóa, để ngăn chặn quốc nạn đồng hóa, tổ tiên ta đã tồn trữ và phát huy văn hóa dân tộc vào văn chương truyền khẩu, tạo thành một dòng văn hóa luân lưu, thấm nhuần vào tâm hồn mọi tầng lớp dân gian, gắn liền với nếp sống, với lời ăn tiếng nói hàng ngày, thành một thứ kinh nhật tụng của mọi người,  nối tiếp qua từng thế hệ, Không bạo lực phi nhân nào có thể phá hủy thành trì văn hóa ấy. Không ngọn lửa hung tàn nào có thề thiêu hủy pho thi thư nhân bản ấy, pho thi thư đã in vào lòng toàn thể quốc dân Việt. Văn hóa truyền thống của dân tộc là sức mạnh sinh tồn để tự chủ. Càng gian khổ ba đào, càng phát huy lớn mạnh gìn giữ giống nòi, gìn giữ non sông. Thành Lạng, nơi địa đầu sóng gió, muôn đời bền vững vì đã hiển hiện trong văn học dân gian như một sử thi có hồn, có tình, có ý, quấn quít trong lòng mọi người dân Việt từ khi tấm bé đến tuổi trưởng thành cũng như khi đã tóc bạc da mồi.

Con cò bay bổng bay cao
Bay qua cửa bể, bay vào Đồng Đăng.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Tiếc công cha mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu, nắm nem,
Mải vui quên hết lời em dặn dò.
Gánh vàng đi đổ sông Ngô,
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương…
 
 Văn học thành văn với thành Lạng Sơn

Những công trình văn học được viết thành chữ gọi là văn học thành văn. Nền văn học này của nước ta, cũng như văn học truyền khẩu, từ xưa đã rất phong phú. Tiếc rằng cái nạn “đốt sách, tịch thu sách quý đem về Tầu” của người thực dân phương Bắc đã làm mất mát quá đỗi nhiều. (Điển hình như các tác phẩm của Chu Văn An : Thất trảm sứ, Tiều ẩn thi tập, Tiều ẩn quốc ngữ thi tập, Tứ thư thuyết ước đã không còn, trước hành vi ra sức hủy diệt văn hóa ta dưới thời bị giặc Minh đô hộ. Nay chỉ còn tìm được 12 bài thơ).

Ở đây chúng tôi trích đăng mấy bài thơ gói ghém hình ảnh Lạng Sơn của các tác giả Trần Nhân Tông, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Du.

Trần Nhân Tông (1258-1308)Vị vua anh hùng, nhân ái, hai lần lãnh đạo công cuộc đánh đuổi quân Nguyên. Là thi sĩ, nhà vua để lại những áng thơ có địa vị trong lịch sử thi ca. Là nhà tư tưởng Phật học, nhà vua sáng lập dòng thiền Trúc Lâm. Năm 40 tuổi, khoác áo thầy tu đi thuyết pháp.

Tác phẩm còn để lại : Trần Nhân Tông thi tập, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mỹ ngữ.

Bài thơ Lạng Châu vãn cảnh trích ra ở đây có lẽ được sáng tác khi vua đã xuất gia vì đượm ý thiền tông.

            Lạng Châu vãn cảnh
Cổ tự thê lương thu ái ngoại,
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Thủy minh, sơn tĩnh, bạch âu quá,
Phong định, vân nhàn, hồng thụ sơ.

Chuyển nghĩa Nôm :

Cảnh chùa Lạng Châu

Ngôi chùa cổ lạnh lẽo sau lớp sương khói mùa thu
Thuyền câu lặng lẽ quạnh hiu, chuông chiều mới điểm
Chim âu trắng bay qua vùng nước trong núi vắng
Gió lặng, mây lang thang, hàng cây lơ thơ lá đỏ.

Phạm Sư Mạnh.- Chưa rõ năm sanh và năm mất, là học trò của Chu Văn An, đỗ thái học sinh (tiến sĩ) vào đời vua Trần Minh Tông. Năm Thiệu Phong thứ 5 (1345) đời Trần Dụ Tông, được cử đi tranh luận về cột đồng. Làm quan đến chức Tri khu mật viện sự rồi thăng đến chức Nhập nội nạp ngôn.

Ông là một vị lương thần của Trần triều, là một danh nho thi sĩ. Tác phẩm Hiệp thạch tập của ông đến nay chưa tìm được, chỉ còn 30 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục. Dưới đây, trích đăng và chuyển nghĩa Nôm 4 bài trong những bài thơ nói về Lạng Sơn của ông.

Quan Bắc
Phụng chiếu quân hành bất cảm lưu,
Thanh du chàng hạ ác ngô câu.
Quan sơn Lão Thử, cốc Lâu Lại,
Vũ tuyết Thượng Ngao, lam Lộc châu.
Thiết mã đông tây thôi cổ giốc,
Nha kỳ tả hữu túc tì hưu
Bình sinh nhị thập an biên sách
Nhất thốn đan trung ánh bạch đầu

Cửa ải phía Bắc

Vâng chiếu tiến quân không dám ngừng nghỉ,
Đầu che lọng màu xanh sơn quang dầu, tay lăm lăm thanh kiếm ngô câu
Băng núi vượt qua cửa quan Lão Thử, hang Lâu Lại,
Dấn thân vào mưa tuyết Thượng Ngao, lam chướng Lộc châu.
Khua trống, rúc tù và giục giã đoàn ngựa thép ở phía đông và phía tây
Cờ tướng chỉ huy, cánh quân tả hữu hùng mạnh như hổ báo
Bình sinh ta đã sẵn có 20 sách lược để giữ yên biên cương,
Một tấc lòng trung đỏ như son, ánh lên mái đầu bạc.

Chú thích:
Ngô câu : thanh kiếm báu đời xưa, sắc như nước.
Lão Thử : cửa ải ở phía nam Khâu Ôn, Lạng Sơn.
Thuợng Ngao, Lâu Lại : hai hiểm địa ở Lạng Sơn.
Lộc châu : thuộc tỉnh Lạng Sơn.
***
Lạng Sơn Đạo Trung

Thiểm tổng binh quyền đăng tướng đàn,
Sóc phương hữu sự cảm từ nan.
Thiên trùng vân ủng Khâu Môn dịch,
Vạn lý thiên hồi Công Mẫu san.
Vũ trụ chỉ huy kỳ dục động,
Quan San tảo đãng giốc sơ hàn
Tư hành bất dụng phiên trung vật,
Khiết thủ Lộc châu chư động san.

Chuyển nghĩa Nôm

Trên đường đến Lạng Sơn

Bước lên đài tướng cầm quyến tổng binh, lòng thấy thẹn thùng,
Phương bắc hữu sự, không dám từ nan.
Mây ngàn trùng che phủ trạm Khâu Ôn,
Trời cao vạn dặm thu vào đỉnh núi Công Mẫu.
Lá cờ chỉ huy muốn lay động vũ trụ,
Chuyến hành quân này không cần đến các nhu yếu phẩm do các buôn cung ứng,
Mà dùng ngay các nhu yếu ở các động thuộc Lộc châu.
Chú thích:
Khâu Ôn : châu thuộc Lạng Sơn.
Công Mẫu : tức núi Ông Mụ (cha mẹ) ở châu Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn
 
***
 Tam Thanh Động

Khống đới Thất Tuyền liên Thượng Ngao
Thạch vi cương giới thủy vi hào.
Địa phận nam bắc, kim thang hiểm,
Thiên thiết thần tiên động phủ cao.
Đế Sở Thanh Đô tài chỉ xích,
Tiên Trì Vũ Huyệt tứ chu tao.
Xử biên quân tế nhân đăng lãm,
Thiên tá khinh hành tổng ác đao.

Chuyển nghĩa Nôm

Động Tam Thanh

Chế ngự cả Thất Tuyền và Thượng Ngao,
Cương giới bằng đá, hào sâu bằng nước.
Đất chia nam bắc, hiểm trở như thành đồng, hào nước sôi.
Phía trên cao của động, trời tạo ra những động phủ thần tiên,
Chỉ cách Đế Sở, Thanh Đô chừng gang tấc.
Ao Tiên, Huyệt Vũ vây quanh bốn phía.
Nhân dịp đóng quân ở biên giới, lên xem động.
Bước chân nhẹ khẽ, tay cầm thanh đao.

Chú thích:
Động Tam Thanh : nơi có chùa Tam Thanh, thắng cảnh ở Lạng Sơn.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Thượng Ngao : địa danh thuộc Lạng Sơn (theo Phương Đình dư địa chí)
Đế Sở, Thanh Đô : nơi ở của Ngọc hoàng thượng đế.
Huyệt Vũ : trên núi Cối Kê có miếu thờ vua Vũ, sau miếu có giếng sâu, không dò được đáy, chính là huyệt táng vua Vũ (Thủy Kinh Chú – Lịch Đạo Nguyên đời Bắc Ngụy). Tác giả mượn hình ảnh này để nói lên cảnh hào sâu quanh động Tam Thanh.
 
 Thượng Ngao

Thiên tỳ tiểu hiệu củng viên môn,
Tả ác cung đao hữu thuộc khiên.
Vạn mã thiên binh tuần giới thủ,
Cao nha đại đạo chiếu Khâu Ôn.
Quan san hiểm yếu minh kinh hoạch,
Khê giản phiên bình quảng phủ tồn.
Bạch thủ Lạng Châu nguy chế trí,
Nhất khâm trung xích tắc càn khôn.

Chuyển nghĩa Nôm

Thượng Ngao

Các tỳ tướng đứng canh phòng cửa quân,
Người nào cũng bên trái mang cung đao, bên phải mang túi tên.
Thiên binh vạn mã tuần phòng nơi địa đầu biên giới,
Cờ xí uy nghiêm, rực rỡ huyện Khâu Ôn.
Nơi quan san hiểm yếu, ta đã sẵn kế hoạch sáng suốt,
Phải rất lưu tâm đến các bản mường, khe suối.
Mái đầu bạc trắng định kế giữ gìn đất Lạng Châu trong cơn nguy biến,
Một tấm lòng trung đỏ thắm ngập càn khôn.

Nguyễn Du

Kiếp kim cổ tài tình là bận,
Hồn văn chương vơ vẩn non sông
Xót thay nước đục bụi trong
Nghìn thu biết ngỏ tấm lòng cùng ai !
(Ưu Thiên Bùi Kỷ)

Giới thiệu thân nhân và sự nghiệp thi ca của Nguyễn Du với độc giả là một điều thừa thãi. Chúng tôi chỉ xin trích đăng và chuyển nghĩa Nôm 3 bài thơ ông làm khi đi sứ Trung Hoa, qua tỉnh Lạng Sơn.

Giáp Thành Mã Phục Ba Miếu
Thập lục lão nhân cân lực suy,
Cứ yên bị giáp tật như phi.
Điện đình chỉ bác quân vương tiếu,
Hương lý ninh tai huynh đệ bi.
Đồng trụ cẩn năng khi Việt nữ,
Châu xa tất cánh lụy gia nhi.
Tính danh hợp thượng Vân Đài họa,
Do hướng Nam trung sách tuế thì.

Chuyển nghĩa Nôm

Miếu Mã Phục Ba ở Giáp thành (1)
Người già 60 tuổi thì gân sức yếu suy,
Vậy mà ông còn nắm yên cương, mặc áo giáp phóng như bay.
Chỉ cốt chiếm được tiếng cười của nhà vua ở trên điện,
Đâu biết rằng đã làm cho anh em ở quê nhà đau lòng (2)
Cột đồng (3) chỉ đánh lừa được đàn bà nước Việt,
Xe hạt châu (4) cuối cùng làm lụy cho con cái trong nhà.
Họ tên đáng được vẽ ở gác Vân Đài (5)
Còn hướng về nước Nam đòi cúng tế hàng năm.

Chú thích:
(1)    Giáp thành : tên Nô m là thành Kép ở phía nam Chi Lăng – Lạng Sơn.
(2)    Em họ Mã Viện là Thiếu Du thương ông ta già yếu còn khổ nhọc vì hai chữ công danh, nên khuyên : “Kẻ sĩ chỉ cần lo đủ áo cơm, làm một người tốt ở xóm làng, giữ lấy vườn tược và mồ mả, chẳng nên vất vả kiếm chác công danh làm khổ tấm thân. Nên biết ngoài áo cơm ra, cái gì cũng là thừa cả.”
(3)    Cột Đồng : sau khi thắng Hai Bà Trưng, Mã Viện có trồng một cột đồng ở biên giới Việt Hoa với lời thề : “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt.”
(4)    Xe châu : khi ở Giao Chỉ Viện hay ăn ý-dĩ để chống lam chướng. Về nước chở theo về mấy xe. Viện chết, có người tố giác với vua là Viện chở từ Giao Chỉ về nhà mấy xe hạt châu (ngọc trai). Vua giận. Vợ con Viện sợ, phải táng ông ở chỗ đóng quân.
(5)    Vân Đài các. Hán Quang Vũ cho vẽ hình 28 công thần ở gác Vân Đài. Viện là công thần nhưng có con gái làm hoàng hậu. Để tránh tiếng vua Qung Vũ không cho vẽ hình Mã Viện.
 
***
Quỷ Môn Quan

Liên phong cao sáp nhập thanh vân,
Nam, Bắc quan đầu tựu thử phân.
Như thử hữu danh sinh tử địa,
Khả Liên vô số khứ lai nhân.
Tắc đồ tùng mãng tàng xà hổ,
Bố dã yên mang tụ quỷ thần.
Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt,
Kỳ công hà thủ Hán tương quân.

 
Chuyển nghĩa Nôm

Cửa ải Quỷ Môn
Núi non trùng điệp, đỉnh cao chọc mây xanh,
Đến nơi này, là cửa ải phân chia địa đầu nước Nam, Bắc (Tầu)
Ở đây có tiếng là đất tử sinh,
Khá thương cho biết bao nhiêu người qua lại chốn này.
Bụi rậm nghẽn đường đi, rắn cọp nấp ở trong,
Quỷ thần tụ họp trong làn mây khói lam chướng dăng mắc đầy nội.
Suốt từ xưa, gió lạnh lẽo thổi lùa xương trắng,
Kỳ công của tướng nhà Hán, ngẫm ra chẳng đáng kể gì. .

Chú thích:
Quỷ Môn Quan : ở phía nam Chi Lăng, Lạng Sơn, địa thế hiểm yếu. Người Trung Hoa có câu : Quỷ Môn Quan ! Quỷ Môn Quan ! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn (Quỷ Môn Quan ! Quỷ Môn Quan ! Mười người đi, một người về).
Hán Tướng Quân : tức Mã Viện.
 
***
 
Lạng Thành Đạo Trung

Quần phong dũng lãng thạch minh đào,
Giao hữu u cung, quyên hữu sào.
Tuyền thủy hợp lưu, giang thủy khoát,
Tử sơn bất cập Mẫu sơn cao.
Đoàn thành vân thạch tịch dương hậu,
Hồng Lĩnh thân bằng nhật tiệm dao.
Quái đắc nhu tình khinh cát đoạn,

Khuông trung huề hữu bút binh đao.

Chuyển nghĩa Nôm

Trên đường đến Lạng thành
Sóng từ dẫy núi vọt ra, vang dội trên vách đá,
Ở đây thuồng luồng có hang âm u, đỗ quyên có tổ.
Suối họp dòng lại thành sông lớn,
Núi con không cao bằng núi mẹ.
Chiều chiều mây, đá trên thành Đoàn như hò hẹn nhau
Thân bằng ở Hồng Lĩnh càng ngày càng ít đi lại
Lạ lùng thay, tình cảm thâh thiết mà đứt đoạn nhẹ nhàng
Trong tráp của ta có cây bút như dao.
 
*
*     *
 
Lạng Sơn với Nam Quan, cửa ải của nước Nam, phân chia ranh giới Việt và Tầu, sử sách Việt và Tầu đều ghi rõ, văn học thành văn cũng như văn học dân gian truyền khẩu, xác nhận một cách hiển nhiên.

Bắc, Nam, bờ cõi phân mao,
Ngọn cờ độc lập, máu đào còn dây.
(Hai chữ nước, nhà – Thơ Á Nam Trần Tuấn Khải)

Nay, nước nhà bị đảng Cộng sản Việt Nam quản trị, Nam Quan dâng cho Tầu cộng. Những người lãnh đạo đảng Việt cộng u mê, bạc nhược, cố bám víu lấy hư danh, cố vơ vét tiền tài một cách tham ô bất chính, cùng bè lũ vắt cạn tài sản quốc dân. Dân nước khốn đốn, hờn căm. Lại thêm áp bức củng những cường quốc muốn tiến vào trục lợi. Thân phận cộng đảng Việt Nam sắp đến ngày sụp vỡ tan tành.

Trần Lam Giang
Tháng 2, 2014.