Sau 1975 những người còn ở lại miền Nam Việt Nam không biết những ai đã nghĩ ra và những ai đã là người đầu tiên ra khơi vượt biển đi tìm tự do? để cho dòng người đi sau tiếp nối không bao giờ ngừng nghỉ nếu các trại tị nạn không đóng cửa chấm dứt chương trình cưu mang những người vượt biển.
Ai cũng mơ ước, cũng tính đường đi tìm tự do tùy theo hoàn cảnh khả năng tài chính của mình. Bao nhiêu người đã may mắn đến bến bờ và cũng bao nhiêu người bất hạnh bỏ xác ngoài biển khơi…
Tôi nhớ mãi một câu chuyện vượt biên dù đã mấy chục năm qua rồi.
Khoảng năm 1983 nhà tôi quay trở lại bán cà phê và nước ngọt, lúc này công nhân viên của nhà máy Z751 ( tức “Lục quân công xưởng” trước 1975) không đông đảo như nhân viên và lính tráng trước kia, nhưng khách hàng vẫn khá đông là bà con lối xóm.
Chú Bích là người hàng xóm hay ra uống cà phê tại quán tôi. Nhà chú ở trong hẻm, bước ra khỏi hẻm đi vài căn là tới qúan cà phê nên rất thuận tiện cho chú.
Lần nào ra quán chú cũng dẫn theo thằng con út tên Báu khỏang 10 tuổi và gọi cho nó một chai nước ngọt, hai bố con ngồi uống như hai người bạn, bố uống xong cà phê trước thì đợi thằng con uống xong phần chai nước ngọt hai bố con mới ra về, dù nó vừa uống vừa nói huyên thuyên với bố đủ thứ chuyện thật lâu.
Có lần hai bố con đang uống trong quán thì thằng Báu thấy ông bán cá Lia Thia cá Xiêm dắt xe đạp đi ngang qua, nó vùng chạy ra xem và đòi bố mua. Chú Bích bỏ dở ly cà phê đen nóng bước ra ngoài, ông bán cá đã đứng lại đợi khách, thằng Báu ngắm nghía đã đời từng con cá sắc màu đang bơi ngoe nguẩy trong những bịch ny lông treo tòn ten đầy trên khung giây thép cứng chở sau xe của ông bán cá rồi mới chọn cho mình 1 con cá Xiêm vừa ý, thằng bé khôn thật cá Xiêm đắt tiền hơn cá Lia Thia và đẹp hơn, trẻ con nào cũng thích.
Khi trở vào quán ly cà phê của chú Bích đã nguội tanh mà cả bố và con cùng vui. Chú thương con và chiều con lắm.
Thằng Báu giống bố, đẹp trai giống bố. Hình ảnh hai cha con đi đâu cũng có nhau đã quen thuộc với tôi cũng như với mọi người hàng xóm, ngay cả khi chú Bích mang chiếc xe đạp ra tiệm sửa xe thằng Báu cũng lót tót đi theo, tôi cũng đang chờ vá chiếc xe đạp tại đây và nghe thằng Báu nói với bố:
- Mai mốt con lớn con làm nghề sửa xe đạp, sửa xe cho bố không lấy tiền,
Lời nói ngây thơ mà chí hiếu, tôi nghe còn cảm kích nói gì chú Bích, chắc chú rất mát lòng.
Hai cha con thật thân tình và gần gũi như bóng với hình.
Chú Bích là đại úy của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ngày 30 tháng Tư năm 1975 chú đang nằm điều trị tại Tổng y viện Cộng Hòa.
Khi quân Việt Cộng chiếm bệnh viện và xua đuổi những thương bệnh binh chế độ cũ ra ngoài, chú trở về nhà với vết thương điều trị dở dang..Nhưng nhờ thế mà chú không thể đi trình diện tập trung “học tập cải tạo” được,. ủy ban phường đã cho chú Bích ở nhà dưới sự quản chế của địa phương, chú Bích không thể đi đâu xa hay vắng mặt lâu được.
Mấy năm qua, từ ngày miền Nam bị “giải phóng” chú Bích chỉ ở nhà, làm việc nhà trong khi vợ chú bôn ba làm việc hết tổ hợp này đến tổ hợp khác để nuôi chồng và 3 con. Không ai hiểu vì sao chú không đi làm khi sức khỏe đã tương đối khá.
Vậy mà một hôm hàng xóm kháo nhau rằng chú Bích dẫn thằng Báu đi vượt biên. Người đời thính tai và tinh ý thật, nhà nào có ai đi vắng chẳng dấu được lâu, nếu một hai tháng không trở về thì một là đi vượt biển trót lọt, hai là chết biển hay là vào tù…
Bởi thế có ai đó đã chế ra câu “ Con đi được con nuôi má, con chết biển thì nuôi cá, và con ngồi tù thì má nuôi con”
Xóm tôi thời điểm đó đã có hai gia đình có con đi vượt biển bị mất tích.
Nhà bà Tịnh đứa con gái đi chuyến tàu chưa ra tới khơi xa đã bị đắm, nghe đồn những xác chết trôi tấp vào Mũi Né Phan Thiết, bà Tịnh đã tất tưởi ra Phan Thiết ăn chực nằm chờ thuê người đi tìm xác con gái mấy ngày mà không được..
Nhà bà Trí thì tang thương hơn, cả con và cháu là 5 người, họ ra đi biền biệt không một tăm hơi gì. Bà Trí chờ mong tin và đau khổ đến héo hon gầy rộc đi như một xác mắm khô. Nhưng bà vẫn can đảm một năm sau lại cho thằng con trai đi vượt biên tiếp, chuyến này trời không phụ lòng bà, chuyến tàu nó đi đã cặp bến bình yên.
Bà Trí từng tuyên bố với người bạn thân: “ Tôi cho các con đi vượt biển để tìm tương lai, các con đi được thì dù tôi có ra chợ ăn mày hay ai mang tôi ra chợ bắn chết tôi cũng chịu”
Tôi thông cảm cho hoàn cảnh chú Bích lắm, vì gia đình tôi cũng đang “xây mộng” cho các em đi vượt biển nên cầu mong nếu tin đồn ấy là sự thật thì hai cha con chú được bình yên đến nơi đến chốn.
Chú Bích không dẫn con đến quán tôi uống cà phê suốt hai tuần lễ liền. Có lẽ giờ này hai cha con chú đang lênh đênh ngoài biển khơi rồi?
Bây giờ thì hàng xóm đã hiểu ra, chú Bích không đi làm vì không muốn bị ràng buộc bởi công việc để dễ dàng toan tính chuyện vượt biên.
Nhà cô Bích thì cửa đóng then cài để tránh sự dòm ngó của hàng xóm và công an khu vực.
Cho đến tuần lễ thứ tư thì hàng xóm lại kháo nhau:
- Chú Bích đến đảo rồi.
- Hai cha con thật may mắn.
- Cũng may cho ông đại úy, ở nhà bị công an quản chế, cứ mỗi tháng phải ra trụ sở công an trình diện một lần, đi đâu phải xin phép, tù giam lỏng như thế ai mà chịu nổi, mấy năm qua tuy mang tiếng là hết hạn quản chế nhưng công an khu vực vẫn thỉnh thoảng đến nhà thì khác gì bị quản chế đâu.
Có bà không tin hỏi lại cho chắc ăn:
- Sao bà biết là đại úy Bích đến đảo rồi? mà đảo nào?
- Chẳng biết đảo nào, miễn là đến xứ tự do. Sáng qua chính mắt tôi thấy cô Bích hớn hở nấu cà ri gà, chắc mấy mẹ con ăn mừng vì được tin chồng vượt biển thành công.
- Sao bà biết cô Bích nấu cà ri gà? bà có vào bếp nhà cô Bích không ?
Bà kia quyết liệt:
- Tôi đi chợ thấy cô Bích mua 1 con gà và bó xả..
Một bà có mấy đứa con đi vượt biển may mắn đến nơi đã tỏ ra hiểu biết:
- Nay mai cô Bích có điện tín thì biết ngay, không đảo Bidong Mã Lai, thì đảo Galang Indonesia, không đến Songkla Thái Lan, thì đến Phi Luật Tuân, Hồng Kông…
Thế là tin đồn bố con chú Bích đi vượt biên đến nơi và ở nhà vợ chú đã nấu món cà ri gà ăn mừng bung ra, càng lúc càng lan rộng, mấy người hàng xóm đến quán tôi uống cà phê truyền tai nhau thoải mái thì làm gì mà công an khu vực và uỷ ban phường không biết.
Công an phường đã gọi cô Bích lên để chất vấn và dọa sẽ cắt hộ khẩu chồng con cô, cô Bích một mực chối cãi nói rằng hai vợ chồng bất hòa cãi nhau rồi ông chồng giận dỗi mang thằng út đi đâu cô không hề biết.
Tới giờ phút này thì khó có thể dấu diếm được nữa, với niềm vui mừng cô Bích đã tâm sự kín đáo với vài người hàng xóm thân là chú Bích và thằng Báu đi vượt biển, hai người cùng chuyến tàu đã đánh điện tín về nên cô rất mừng, chỉ yên trí đợi điện tín của chồng gởi về thôi.
Thế là tất cả những tin đồn đều là sự thật, kể cả chuyện nhà cô Bích nấu cà ri gà ăn mừng. “Tình báo” hàng xóm thật bén nhạy .
Ngày nào cô Bích cũng mong chờ anh đưa thư đi qua, thậm chí nhà không có thư cô Bích cũng vẫy anh đưa thư để hỏi thăm là có điện tín hay thư từ gởi đến địa chỉ nhà cô không?
Chắc cô Bích e rằng anh đưa thư để thất lạc tờ điện tín của chồng cô đâu đó, vì mỗi ngày qua mà vẫn bặt vô âm tín.
Vài tháng đã trôi qua, niềm vui mừng của gia đình cô Bích đã xẹp xuống bớt, cô băn khoăn và lo lắng ra mặt, ai hỏi thăm thì cô chỉ trả lời đang chờ đợi điện tín của chồng, cô đặt nghi vấn là có thể chú Bích làm mất chỉ vàng mang theo nên không còn tiền để thư từ hay đánh điện tín nữa? Hoặc chú muốn làm gia đình bất ngờ đợi đến Mỹ mới báo tin chăng?
Cô Bích đã bám víu vào những lý do mong manh ấy để hi vọng, để đợi chờ.
Và rồi không ai dám lên tiếng hỏi thăm cô Bích về tin chồng con của cô nữa, chỉ sợ làm cô hoang mang thêm và lo lắng thêm.
Nhưng cô Bích vẫn không ngừng hi vọng, cô vẫn chờ anh đưa thư mỗi ngày đi qua nhà. .
Anh đưa thư qúa quen thuộc với địa chỉ những người trong xóm, anh hiểu thấu tim gan người ta, biết tâm lý của người ta, nhà nào có thư thường tức thư nội địa trong nước Việt Nam thì anh làm xong nhiệm vụ một cách mau chóng, chẳng trông mong gì, nhà nào có thư từ nước ngoài gởi về anh hớn hở mang tới và bao giờ cũng nhận được tiền thưởng của người nhận thư dù chưa biết trong thư nói gì.. Nhất là nhà có người đi vượt biên gởi điện tín báo tin đã đến trại tị nạn là anh càng lãnh thưởng nhiều, anh biết mình sẽ là người đầu tiên báo tin vui, anh biết cách làm người ta sốt ruột mới chìa tờ điện tín ra.
Có lần anh mang tờ điện tín cho bà Sáu hàng xóm cạnh nhà tôi, 2 đứa con bà đi vượt biên 4-5 tuần lễ mà chưa có tin, gia đình bà như ngồi trên chảo lửa, anh đưa thư thong thả chống chân xe đạp và càng thong thả mở cái túi đeo trên vai đựng đầy thư từ rồi lại thong thả nói khi cả nhà bà Sáu đã đứng trước mặt anh nãy giờ:
- Điện tín… từ Mã Lai nè…ai ra ký tên nhận giùm.
Cả nhà bà Sáu cùng vỡ òa niềm vui mừng không cần dấu diếm, nhận tờ điện tín và dúi vào tay anh đưa thư một nắm tiền không cần đếm..
Sau này anh đưa thư sắm xe Honda loại xịn đi đưa thư chắc là nhờ anh ky cóp những bổng lộc này.
Anh đưa thư đã mang tin vui đến cho nhiều người, nhưng nhà cô Bích thì không, nhìn vẻ mặt cô Bích hi vọng và thất vọng mỗi ngày khi không có thư từ, anh đưa thư cũng mủi lòng, anh né không dám đi ngang qua nhà cô Bích nữa mà đi lòng vòng lối khác để giao thư cho được yên thân. Tôi hỏi điều này thì anh đưa thư xác nhận:
- Tôi không nỡ nhìn cô Bích thất vọng chị à, mỗi lần thấy tôi cô Bích không hỏi nữa chắc vì cô ngại đã hỏi nhiều lần mà không có gì, nhưng cô vẫn nhìn tôi với ánh mắt chờ mong..…
Tôi chỉ biết thở dài:
- Cô Bích cũng có lý chứ, biết đâu tin vui đến muộn? Không lẽ người đi cùng tàu đến nơi mà cha con chú Bích không đến nơi.
Đã nhiều lần cô Bích đến hai gia đình họ hàng bên chồng có người thân đi cùng chuyến tàu với chồng con cô để hỏi thăm tin tức nhưng vẫn không biết gì hơn.
Rồi họ đã đi định cư ở nước ngoài do được bảo lãnh từ lâu, mà cô Bích vẫn chưa nhận được điện tín của chồng.
Điều bí ẩn ấy bao trùm lên gia đình cô Bích và hàng xóm suốt nhiều năm trời.
*******************
Năm 1991 gia đình tôi sang Mỹ định cư diện HO.5, và hơn 10 năm sau tôi tình cờ bắt liên lạc được với người bạn thân cùng xóm tên Hằng sống ở Houston , Texas . Hằng di tản sang Mỹ từ năm 1975, Hằng là cháu ruột của chú Bích.
Sau những lần chuyện trò hỏi thăm nhau từ qúa khứ đến hiện tại kể từ khi biến cố 1975, tôi mới chợt nhớ ra và hỏi Hằng về chú Bích và đã biết sự thật đau lòng.
Chuyến tàu chở hơn 70 người đi vượt biển bị lạc hướng lênh đênh nhiều ngày trên biển, xăng dầu, thực phẩm và nước uống dự trữ hầu như cạn kiệt, thuyền trôi tự do và chờ chết chùm, không chết vì biển thì cũng chết vì đói khát, mọi người lo sợ khóc lóc và đọc kinh cầu nguyện ngày đêm tùy theo tôn giáo của mình, cả tàu tuyệt vọng và bi thảm như đại tang..Họ suy xụp cả thể xác lẫn tinh thần, đoàn người như những bóng ma trong con tàu trôi vật vờ vô định cả ngày lẫn đêm.
Chiếc tàu trôi dạt vào gần một hòn đảo thì mắc cạn, ai nấy đều mừng rỡ coi như vừa chết đi sống lại, đám đông kéo nhau lên đảo, nước ngập lên tới cổ tới ngực tùy chỗ nông sâu.
Chưa biết trên đảo có gì nhưng biết là không bị chết chìm ngoài biển khơi là mừng rồi.
Giữa cảnh chen lấn nhau lên bờ thằng Báu xảy chân ngã xuống biển, khi người ta biết và cứu được thì nó đã chết đuối rồi. Chú Bích ôm xác con lên bờ khóc lóc một cách điên dại.
Dù mệt mỏi và đuối sức, những người đồng hành cũng giúp chú Bích để xác thằng Báu vào một khe đá và lấy những tảng đá nhỏ khác che chắn lại coi như một nấm mồ.
Một nhóm khác đi dạo thử trên đảo để xem xét tình hình, họ nói đây là đảo hoang chỉ toàn là san hô và đá tảng với vài loại cây mọc thưa thớt chẳng thể tìm đâu ra lương thực hay nước uống cả.
Bây giờ đám thuyền nhân lại lo chết đói chết khát trên hòn đảo hoang vu rộng lớn này. Họ quyết định rủ nhau đi tìm chỗ nào cao ráo nhất để đốt vải, đốt áo làm khói hiệu may ra có tàu nào trông thấy mà đến cứu còn hơn ngồi chờ chết.
Mọi người đi, nhưng chú Bích không chịu đi.Chú Bích bây giờ như một người điên, chú ngồi khư khư bên xác thằng Báu với đôi mắt vô hồn và miệng thì không ngớt lẩm bẩm một câu duy nhất:
- Cứu con tôi! cứu con tôi! cứu con tôi!
Mọi người xúm vào khuyên giải và năn nỉ chú:
- Đằng nào cháu cũng chết rồi, anh hãy đi theo chúng tôi để tìm sự sống…
Hai người cháu họ của chú cũng vừa rơi nước mắt vừa vỗ về chú như vỗ về một đứa trẻ con:
- Chú ơi, chú để xác thằng Báu ở đây, đi với tụi cháu, chúng ta phải đi khỏi nơi đây may ra sẽ sống sót…
Nhưng chú Bích vẫn khăng khăng từ chối, chú lảm nhảm gọi tên con và khóc tu tu thảm thiết.
Thật không ngờ một người lính tác chiến từng vào sinh ra tử, chỉ sau những ngày lênh đênh trên biển với bao căng thẳng lo âu, bao suy nhược tinh thần và thể xác cộng thêm cái chết bất ngờ của thằng con thâu yêu mà người đàn ông can trường ấy bỗng hóa thành điên dại.
Không thể thuyết phục được chú Bích đoàn người để chú ở lại bên xác con và kéo nhau đi tìm chỗ khác trên đảo. Họ lôi thôi lếch thếch dắt díu nhau, bồng bế nhau, lôi kéo nhau đi trên những tảng đá nhọn gập ghềnh cả nửa buổi trời đến nỗi nhiều người chân chảy máu hay sưng vù lên …
Tới một chỗ khá cao, tầm nhìn ra biển rộng hơn thoáng hơn thì họ dừng lại. Khi trông thấy bóng con tàu nhỏ xíu ngoài xa họ đốt áo cho khói lên liên tục nhưng chiếc tàu vẫn vô tâm không hề hay biết.
Sáng hôm sau họ tỉnh dậy sớm thì thấy một con tàu đang lù lù đến rất gần, nhiều người mừng vui qúa hét hò lên vang trời vang biển, nhiều người khác thì lo đốt áo làm khói hiệu và cả đám đông kéo nhau đứng trên những tảng đá cao nhất để giơ tay vẫy vẫy cầu cứu.
Tất cả những người trên chuyến tàu đã được cứu thoát như một phép nhiệm màu.trừ hai cha con chú Bích. Cùng đi môt chuyến tàu, cùng trải qua những gian nan nguy khốn vậy mà số phận đã nghiệt ngã với hai cha con chú, không được đến bến bờ mơ ước cùng với họ..
Có người thương tâm nói với thuỷ thủ trên tàu về trường hợp chú Bích, nhưng họ nói nếu không nhớ đích xác ở đâu thì họ không có thì giờ đi tìm được, và có những nơi trên đảo con tàu không thể đến gần vì san hô và đá ngầm.
Các thủy thủ cũng cho biết đây là đảo hoang không có con người và các phương tiện sinh hoạt khác.
Chuyến tàu của Indonesia đã đưa đoàn người vượt biển đến đảo Galang xong họ tiếp tục cuộc hành trình.
Hai người cháu họ của chú Bích đánh điện tín về cho gia đình, sau đó họ khuyên gia đình dấu kín cái chết thương tâm của cha con chú Bích trong nhiều năm, đợi thời gian như liều thuốc nhiệm màu từ từ chữa lành vết thương của gia đình người bất hạnh, mãi những năm sau này họ mới cho cô Bích biết .
Hằng đã liên lạc với hai người cháu họ ấy ở Mỹ và được biết sự thật chuyến đi vượt biên này từ họ..
Hơn 30 mấy năm qua tờ điện tín mà cô Bích mong đợi không hề đến và không bao giờ đến.
Không ai biết tin gì về cha con chú Bích, nhưng ai cũng có thể suy đoán đoạn kết vở bị kịch là chú Bích đã chết đói chết khát bên cạnh xác con trai mình trong tình trạng tâm thần điên loạn.
Cha con chú Bích đã thoát khỏi Việt Nam , chú Bích đã thoát khỏi cảnh công an quản chế giam lỏng.
Nhưng họ chỉ đi được nửa cuộc hành trình, đã bỏ xác nơi đảo hoang.
Hai cha con chú Bích vẫn bên nhau như ngày nào nơi mái nhà xưa, nơi hàng xóm cũ.
Xung quanh hai cha con chú là biển khơi bao la. Sóng và biển sẽ ru hai linh hồn bơ vơ kia giấc ngủ ngàn đời, ngàn đời…!!.
Nguyễn Thị Thanh Dương
(Tháng Tư, 2014)