Tuesday, 29 April 2014

Vụ CA đột kích tiệm vàng Hoàng Mai: Dấu hiệu mở màn chiến dịch 'đánh tư sản' kiểu mới

Bảng Đỏ (Danlambao) - Ngày 23/4/2014, bà Nguyễn Thị Thu Hà - chủ tịch UBND quận Bình Thạnh ra quyết định khám xét đối với tiệm vàng Hoàng Mai (địa chỉ: 384 Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh) do bà Nguyễn Thị Thanh Mai làm chủ.

Trưa hôm sau, ngày 24/4/2014, xuất hiện một thanh niên đến tiệm vàng Hoàng Mai đề nghị đổi 100 đô-la Mĩ ra tiền Việt. Lập tức, một lực lượng CA hùng hậu bất ngờ ập vào khám xét và thu giữ 'tang vật' với lý do tiệm vàng mua bán ngoại tệ là trái pháp luật. Sau 10 tiếng lục soát toàn bộ 6 tầng của tiệm vàng, CA đã niêm phong 559 lượng vàng, thu giữ 14 ngàn đô-la Mĩ và lấy đi toàn bộ hệ thống camera an ninh, máy tính... Tổng trị giá tài sản bị CA thu giữ lên đến gần 1 triệu đô-la Mĩ.
      
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, chủ tiệm vàng Hoàng Mai khẳng định rằng bà không vi phạm pháp luật và cũng không liên quan đến việc đổi 100$ vào trưa cùng ngày. Bà Mai cũng đưa ra các văn bản, bằng chứng khẳng định số vàng tại tầng trệt tòa nhà là tài sản của cá nhân bà, việc khám xét là sai pháp luật.

Theo báo Pháp Luật Online, cơ quan CA quận Bình Thạnh nói rằng vụ việc "đang tiếp tục xem xét xử lý vi phạm về hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép". Trong khí đó, người ký quyết định khám xét tiệm vàng Hoàng Mai là bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, trả lời rằng “thông tin liên quan vụ việc thì trao đổi với cơ quan công an…”  

Lạm quyền và ăn cướp

Thông tin về vụ CA đột kích tiệm vàng Hoàng Mai hiện đang gây xôn xao dư luận, một phần cũng vì trị giá của số tài sản bị thu giữ rất lớn, lên đến gần 1 triệu đô-la. 

Hơn nữa, diễn biến vụ khám xét cho thấy nhiều chi tiết hết sức lạ lùng và đáng ngờ của lực lượng CA. Lệnh khám do chủ tịch quận Bình Thạnh ký vào ngày 23/4, sang đến trưa ngày 24/4 thì tiệm vàng bị CA khám xét sau khi một thanh niên vào đổi 100$. Người thanh niên đó là ai? Sự 'trùng hợp' đáng ngờ này phải chăng là thủ đoạn gài bẫy của lực lượng CA?  

Đặt trường hợp nếu tiệm vàng Hoàng Mai có 'vi phạm về hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép' khi đổi 100$ đi chăng nữa, liệu rằng việc CA nằng nặc chuyển sang thu giữ vàng của bà Mai có phải là hành vị lạm quyền? 

Toàn bộ hệ thống camera an ninh và máy tính của tiệm vàng bị CA lấy đi nhằm mục đích gì? Phải chăng là để thủ tiêu bằng chứng?

Nói một cách chính xác, vụ CA đột kích tiệm vàng Hoàng Mai và niêm phong, thu giữ 559 lượng vàng cùng 14 ngàn đô-la Mĩ chính là hành vi lợi dụng luật pháp để mà ăn cướp.


Bóng ma chiến dịch 'đánh tư sản'

Đối với người dân Sài Gòn sau năm 75, vụ đột kích tiệm vàng Hoàng Mai khiến người ta không khỏi ám ảnh khi bóng ma của chiến dịch 'đánh tư sản' hiện về. 

Sau khi 'phỏng dzế' miền Nam, nhà cầm quyền CS thực hiện kế hoạch có tên gọi 'cải tạo công thương nghiệp xã hội chủ nghĩa' trên khắp cả nước. Các chiến dịch 'đánh tư sản' được thực hiện rầm rộ, trong đó chiến dịch có mật danh 'X-3' vào năm 1978 do Đỗ Mười cầm đầu khiến người dân kinh hoàng nhất.

Sáng ngày 23/3/1978, chiến dịch 'đánh tư sản' mật danh X-3 chính thức mở màn. Dưới lời 'hiệu triệu' của Đỗ Mười, một đội quân ô hợp có tên gọi là 'tổ cải tạo' ùn ùn kéo đến từng ngõ hẻm Sài Gòn. Bất cứ nhà nào có tài sản đều bị chúng xông vào cướp sạch - gọi là 'sung công', tiền vàng chôn dưới đất hay giấu trong toilet cũng bị chúng đào lên mà lấy, nhà cửa thì bị 'chánh quyền tiếp quản' rồi rơi vào tay quan chức cộng sản không lâu sau đó...

Hậu quả của chiến dịch X-3 là hàng chục ngàn hộ gia đình phá sản, kinh tế Sài Gòn hoàn toàn kiệt quệ. Dân Sài Gòn mất nhà, mất cửa, người thì bị bắt đi 'kinh tế mới', người thì đi vượt biên rồi bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc hay trên biển cả... Nhiều người bỗng chốc trắng tay phải lang thang đầu đường xó chợ, có người hóa điên mà chết.

Diễn tập cho chiến dịch 'đánh tư sản' 2014?
Đối với gia đình nhà Bảng Đỏ, trận 'đánh tư sản' năm 1978 không ai muốn nhắc lại vì đã phải phải trải qua toàn những chuyện đau lòng. Hôm nay, nghe vụ tiệm vàng Hoàng Mai bị CA đột kích và cướp đi 559 lượng vàng, gia đình tui bỗng bồi hồi nhớ lại chuyện cũ, cảm thấy cảm thông với những gì mà bà chủ Nguyễn Thị Thanh Mai đang phải trải qua.

Nói gì thì nói, tài sản làm ăn tích góp cả đời người bỗng chốc bị cướp trắng thì hỏi làm sao mà không đau xót cho được.

Qua bài viết này, tui muốn cảnh báo bà con về một âm mưu ăn cướp tài sản nhân dân mà cha con nhà sản đang lên kế hoạch.

Theo tui, vụ đột kích tiệm vàng Hoàng Mai chỉ là đợt diễn tập bước đầu để công an cộng sản 'lấy kinh nghiệm'. Trong tương lai không xa, các vụ đột kích tương tự có thể sẽ diễn ra đồng loạt trên quy mô toàn quốc, đối tượng nhắm đến là các hộ gia đình có chút của ăn của để.

Dựa vào tình hình chính trị và kinh nghiệm của cá nhân dưới chế độ cộng sản, nhiều khả năng chóp bu cộng sản sẽ làm một cú 'hốt hụi chót' trước khi các ủy viên bộ chính trị hiện nay về vườn vào năm 2016.

Nền kinh tế VN 2 năm tới sẽ rất ảm đạm, vì vậy mà cha con cộng sản tìm cách 'gỡ vốn' bằng cách mở một chiến dịch 'đánh tư sản' kiểu mới. Trận 'đánh tư sản' nhắm vào tiệm vàng Hoàng Mai là một dấu hiệu bước đầu, tương lai sẽ là những chiến dịch bất ngờ quy mô toàn quốc, người dân không kịp trở tay.

So sánh trận 'đánh tư sản' 1978 khắp miền Nam và trận 'đánh tư sản' 2014 nhắm vào tiệm vàng Hoàng Mai, mặc dù quy mô và thời điểm khác nhau nhưng đều có những điểm hết sức tương đồng. Điểm khác biệt duy nhất đó là tên gọi của lực lượng thừa hành: năm 1978 thì gọi là 'tổ cại tạo', năm 2014 thì gọi là 'công an nhân dân' - nhưng tựu chung thì mục đích chính của đội quân này vẫn là ăn cướp.

Hy vọng bài viết này có thể góp phần cảnh báo những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của thế lực thù địch nhân dân - tức là đảng cộng sản. Rất mong được bà con góp ý nhằm tìm ra những biện pháp hữu hiệu, giúp dân mình chống lại hành vi ăn cướp của cộng sản.




Ngụy quyền Việt Cộng (CHXHCNVN) do đảng CSVN "độc quyền lãnh đạo" chẳng qua chỉ là một đảng cướp.

- Việt Cộng cướp Miền Nam (30/04/75), bắt dân quân cán chính VNCH đưa vào tù để tịch thu nhà cửa, tài sản của họ, đuổi vợ con họ vào các "vùng kinh tế mới" (!) là hành động ăn cướp.

- Viêt Cộng đổi tiền, đánh tư sản, tịch thu (quản lý!) tài sản của dân, kiểm kê tài sản, cửa hàng, cơ giới ông nghiệp, xe đò, tàu thuyền đánh cá, ... và cưỡng bách dân vào các "hợp tác xã" là một hành động ăn cướp.

- Sau khi Nguyễn Văn Linh "đổi mới" (1986), Việt Cộng theo kiểu mới. Việt Cộng "cởi trói" doanh nghiệp, cho phép bộ đội "cu Hồ" làm kinh tế để giành quyền ưu tiên làm ăn, buôn bán giống "tư bản giẫy chết" gọi là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Thực hất đây là một hình thức ăn cướp kiểu mới, tinh vi hơn.

Trước khi xẩy ra vụ "ăn cướp" tiệm vàng Hoàng Mai (theo tin Bảng Đỏ, danlambao ngày 23/04/2014) thì người dân ở trong nước ngay từ sau ngày 30/04/75 đã "kinh nghiệm" (experienced) kiểu ăn cướp ngày của Việt Cộng rồi. Chúng giả bộ làm lơ cho những ngưòi buôn bán l3 chạy gạo hàng ngày theo kiểu "nuôi heo". Khi những "con heo" đã đủ trọng lượng (có kha khá tiền) thì chúng làm thịt (bắt, tịch thu) con heo. Có khi chúng bắt heo nhưng thả chủ heo heo để vỗ béo chờ thịt lần sau.

Nếu ai còn ngủ mê, nhẹ dạ dễ tin, chưa biết thực chất của đảng và nhà nước Việt Cộng là một bầy thảo khấu, một đảng cướp có lai-xân (licensed) thì xin hãy làm ơn mở mắt nhìn cho kỹ vụ cướp tiệm vàng Hoàng Mai để "sáng lòng sáng dạ" biết được Việt Cộng là một đảng cướp.

Tức nuớc vỡ bờ. Đi đêm có ngày gặp ma.

Hy vọng với vụ cướp tiệm vàng Hoàng Mai bộ mặt thảo khấu của cả lũ đảng cướp CSVN và cái ngụy quyền nhà nước "xuống hàng chó ngựa" của chúng đã lộ rõ.

Từ vụ cướp tiệm vàng Hoàng Mai nầy, người dân Việt cả trong lẫn ngoài nước càng quyết tâm để vùng dậy tận diêt lũ quốc thù Việt Cộng tàn ác man rợ, đem lại cuộc sống an bình, ấm no và tự do hạnh phúc đích thực cho mọi người.

Rất ước mong vụ tiệm vàng Hoàng Mai là một ngọn lửa bùng lên đốt cháy loài quỷ đỏ CSVN.
Hy vọng ước mong đó sớm biến thành sự thật !

Trân trọng kính chào quý đồng hương.

Võ Văn Sĩ, người lính già QLVNCHH   

Hậu 'vụ Hoàng Mai': Các tiệm vàng tư nhân trước nguy cơ bị niêm phong tài sản


Rất nhiều chủ tiệm vàng đã tỏ ra lo lắng và theo dõi sát thông tin về “vụ Hoàng Mai” vì nguy cơ bị kiểm tra, bị phạt, bị tịch thu tài sản sai quy trình nhà nước...

Dư luận đang ồn ào về cách làm việc của cơ quan công quyền sau khi tiệm vàng Hoàng Mai tại quận Bình Thạnh, TP.HCM bị niêm phong 559 lượng vàng vì tội quy đổi 100 USD trái phép. Rất nhiều chủ tiệm vàng đã tỏ ra lo lắng và theo dõi sát thông tin về “vụ Hoàng Mai” vì nguy cơ bị kiểm tra, bị phạt, bị tịch thu tài sản sai quy trình nhà nước.

Luật sư Đặng Huỳnh Lộc, Trưởng Văn phòng luật sư Huyền Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM trao đổi với phóng viên về vấn đề này và khẳng định việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định khám xét tiệm vàng Hoàng Mai là trái thẩm quyền. 

Bên cạnh đó, ông Lộc cũng cho biết từ việc cho rằng tiệm vàng Hoàng Mai có mua bán 100 USD được cho là trái phép, Công an quận Bình Thạnh thực hiện quyết định khám xét này của Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh niêm phong 14.000 USD khác và 559 lượng vàng là thiếu căn cứ.

Tiệm vàng Hoàng Mai thời điểm bị lực lượng chức năng khám xét. Ảnh: ĐSPL

Thưa ông, qua vụ kiểm tra Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kinh doanh vàng Hoàng Mai hay còn gọi là tiệm vàng Hoàng Mai, ông thấy có những vấn đề khúc mắc nào liên quan đến luật?

- Trước hết là cần xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật về vi phạm hành chính mà cụ thể là việc quy đổi 100 USD được cho là trái phép. Nếu phát hiện có hành vi đó thì trước hết là lập biên bản hành chính và áp dụng một số quy định về quy định tiền tệ ngân hàng như Nghị định 24, Nghị định 95 của Chính phủ về việc kinh doanh ngoại tệ và vàng. 

Lẽ ra vụ việc chỉ dừng lại ở việc xem xét vi phạm hành chính về hoạt động tiền tệ ngân hàng để xử lý hành chính. Theo Nghị định 95 của Chính phủ, việc vi phạm hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng trái phép có thể bị phạt đến 150 triệu đồng.

Chủ tiệm vàng Hoàng Mai khẳng định không biết nhân chứng nào đã vào tiệm vàng để đổi 100 USD. Cơ quan chức năng cũng không đưa ra được biên bản vi phạm hành chính để chứng minh cho việc mua bán 100 USD trái phép của tiệm vàng Hoàng Mai. Như vậy, vai trò nhân chứng ở đây được hiểu như thế nào?

- Vụ việc diễn ra phải có những nhân tố khách quan để xác định hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng. Nếu không xác định được có người đã đến tiệm vàng Hoàng Mai đổi 100 USD, cũng như cơ quan chức năng không xuất trình được biên bản vi phạm hành chính về việc mua bán ngoại tệ trái phép tại tiệm vàng này đồng nghĩa với việc tiệm vàng Hoàng Mai không thực hiện hành vi mua bán ngoại tệ trái phép. 

Nếu nói tiệm vàng Hoàng Mai có mua bán 100 USD là trái phép thì cần xác định được người bán 100 USD đó và phải được lập biên bản vi phạm hành chính ngay khi việc mua bán diễn ra và có người bán ký tên xác nhận.

Trong khi không xác định được người bán 100 USD và cũng không có biên bản vi phạm hành chính được người bán, người mua xác nhận mà Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận lại ra quyết định khám xét là tùy tiện. 

Mặt khác, diễn biến cho thấy sự vụ diễn ra ngày 24.4, trong khi đó công an đã đề xuất ra quyết định khám xét vào ngày 22.4 và Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định vào ngày 23.4 thì quả là có khả năng "tiên tri".

Ông nói gì về những điều “tiên tri” kiểu như thế này?

- Công an quận Bình Thạnh đã tiến hành khám xét theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh là trái pháp luật. 

Thứ nhất là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận không có thẩm quyền ban hành quyết định khám xét. Thứ hai, đây là quyết định hành chính nhưng không có căn cứ biên bản vi phạm hành chính mà quyết định của Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ký ngày 23.4 đăng trên báo chí ghi rõ "Xét đề nghị của Công an quận Bình Thạnh tại công văn số 246/CAQ ( KT-CV) ngày 22/4."

Điều này cho thấy việc cho rằng ngày 24.4 tiệm vàng Hoàng Mai có hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là thiếu căn cứ. Bởi văn bản đề nghị của Công an quận Bình Thạnh đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định “khám xét” từ hai ngày trước đó và văn bản quyết định “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nhà ở” của Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh được ký trước đó một ngày.

Nhưng trung tá Đặng Ngọc Vinh, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận Bình Thạnh giải thích trên báo Tuổi Trẻ ngày 27.4 rằng: “Lệnh khám xét ghi ngày 23.4, tức một ngày trước khi bắt quả tang vụ mua bán ngoại tệ trái phép, là do sơ suất của bộ phận thư ký hành chính". Ông nghĩ gì về điều này?

- Tôi cho rằng đây là cách giải thích để xoa dịu dư luận vì xét về trình tự thời gian thì chính Công an quận Bình Thạnh đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định khám xét. 

Tôi lấy làm ngạc nhiên vì sao Công an quận Bình Thạnh lại đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định khám xét mà không tuân thủ các quy định pháp luật về thẩm quyền ban hành quyết định khám xét cũng như là trình tự thủ tục của nó đã được quy định của Điều 141 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tôi càng ngạc nhiên hơn vì sao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh lại có thể ban hành quyết định và có thể ghi rõ "khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nhà ở".

Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính đều không đề cập đến thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận ra quyết định khám xét nơi ở. Quyết định khám xét này là trái pháp luật.

Nếu nơi nào cũng khám xét các tiệm vàng tư nhân như Công an quận Bình Thạnh và Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh thì theo ông sẽ dẫn đến những hậu quả gì?

- Cần phải ngăn chặn ngay việc tái diễn tình trạng giống như vụ khám xét tiệm vàng Hoàng Mai. Ngay sự việc Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định trái pháp luật khám xét tiệm vàng Hoàng Mai thì không chỉ đối với người kinh doanh và mọi gia đình công dân đều bất an bởi ai cũng có thể bị khám xét vô cớ và bị niêm phong tài sản cá nhân. 

Muốn giải tỏa tài sản thì phải chứng minh trong khi như trường hợp của tiệm vàng Hoàng Mai thì chẳng những vi phạm về quyền sở hữu tài sản mà còn vi phạm cả quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người dân và một số quyền công dân khác. 

Chỉ một “vụ Hoàng Mai” đã tạo ra bất ổn về tâm lý xã hội vì ai nấy đều lo sợ sẽ đến lượt mình bị kiểm tra, khám xét vô căn cứ.

Các cơ quan chức năng ở những nơi khác mà “học tập” Công an quận Bình Thạnh và Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh để khám xét tất mọi cơ sở kinh doanh vàng bạc trên địa bàn mình quản lý nói riêng cũng như khám xét nơi ở, phong tỏa tài sản bất kỳ công dân nào nói chung sẽ dẫn đến bất ổn xã hội trầm trọng.

Theo ông thì vụ khám xét từ một quyết định trái luật như vậy khiến tiệm vàng Hoàng Mai phải tạm dừng kinh doanh sẽ dẫn đến những thiệt hại nào, họ có quyền khởi kiện không và kiện ai?

- Việc khám xét tiệm vàng Hoàng Mai bản thân nó đã gây thiệt hại về uy tín doanh nghiệp. Chẳng những vậy, theo thông tin báo chí thì việc khám xét này đã làm cho chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng Hoàng Mai bị hoảng loạn phải nhập viện và làm đơn thông báo dừng kinh doanh lại là thiệt hại về sức khỏe, tâm lý và cả doanh thu của cơ sở kinh doanh.

Chủ tiệm vàng Hoàng Mai có quyền khởi kiện hành chính để hủy quyết định khám xét của Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh, đồng thời chứng minh các thiệt hại và yêu cầu bồi thường.

Xin cảm ơn ông!


*

'Vụ bắt 100 đô, niêm phong cả triệu đô': Lệnh khám ký 1 ngày trước khi bắt quả tang

Dân Việt - Lệnh khám xét tiệm vàng Hoàng Mai đã được Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, TP.HCM ký trước 1 ngày (23.4), trong khi ngày 24.4 công an mới… bắt quả tang.

Cơ quan công an tiến hành tạm giữ một số tài sản 
và đồ vật được cho là tang vật. Ảnh: Vietnamnet.

Như Dân Việt đã thông tin, chiều 26.4, Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận Bình Thạnh đã tiến hành tháo niêm phong, trả cho bà Nguyễn Thị Thanh Mai (SN 1964, chủ tiệm vàng Hoàng Mai) 559 lượng vàng mà trước đó công an đã lập niêm phong và tạm giữ. Hiện công an vẫn còn tạm giữ hơn 14.000USD.

Trả lời phỏng vấn một tờ báo ở TP.HCM, trung tá Đặng Ngọc Vinh - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM - cho biết, vào lúc 13h ngày 24.4, lực lượng trinh sát của đội đã phát hiện, bắt quả tang một thanh niên vào tiệm vàng Hoàng Mai bán 100USD nên đã lập biên bản quả tang. 

Do bà Mai kiên quyết không thừa nhận nên công an đã xin lệnh khám xét hành chính từ Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh để thu thập bằng chứng liên quan tới hành vi vi phạm. 

Tuy nhiên, lệnh khám xét hành chính tiệm vàng Hoàng Mai đã được ký trước một ngày, tức vào ngày 23.4thời điểm tiệm vàng Hoàng Mai chưa có hành vi vi phạm như lực lương chức năng đã lập biên bản quả tang. Lý giải về điều này, ông Vinh cho rằng do sơ suất hành chính nên lệnh khám xét bị ghi…nhầm ngày (!?).

Luật sư Trần Hải Đức - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng khi chưa có căn cứ cho thấy tiệm vàng Hoàng Mai vi phạm mà Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh đã ban hành lệnh khám xét hành chính là hành vi trái pháp luật. 

Theo luật sư Trần Hải Đức, lệnh khám xét hành chính của UBND quận Bình Thạnh nêu rõ chỉ khám xét công ty (Công ty TNHH MTV XNK vàng Hoàng Mai) mà địa điểm này vừa là trụ sở công ty vừa là nhà riêng mà bà Nguyễn Thị Thanh Mai (chủ tiệm vàng Hoàng Mai) đang ở. Cho nên, những gì liên quan đến doanh nghiệp thì cơ quan chức năng chỉ được quyền khám xét trong phạm vi đó chứ không thể lục tung cả 6 tầng lầu được. Hành vi đó có dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ. 

Luật sư Trần Hải Đức cũng cho rằng, kiểm tra hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng bạc đá quý thì lực lượng kiểm tra là thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, ở đây tiến hành khám xét hành chính nhưng lại giống như một cuộc khám xét hình sự là không thể chấp nhận được. Hiến pháp năm 2014 vừa được thông qua khẳng định rất rõ quyền được kinh doanh của công dân và Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp của công dân và tất cả các hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của công dân đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Theo luật sư Trần Hải Đức, chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng Hoàng Mai hoàn toàn có thể tiến hành khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. 

Theo thông tin trước đó, trưa 24.4 khi một người đàn ông đến bán 100 USD tại tiệm vàng Hoàng Mai thì lập tức các trinh sát của Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận Bình Thạnh đã ập vào kiểm tra tiệm vàng Hoàng Mai (số 384 đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thuộc Công ty TNHH MTV XNK vàng Hoàng Mai do bà Nguyễn Thị Thanh Mai (SN 1964) làm giám đốc. Công an cho rằng tiệm vàng này mua bán ngoại tệ trái phép nên tiến hành kiểm tra, khám xét. 

Việc khám xét có quyết định do bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh - ký ngày 23.4 về việc “khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở”.

Công an đã tiến hành lục soát 6 tầng lầu của ngôi nhà cũng là tiệm vàng Hoàng Mai suốt từ trưa đến 21h30 đêm 24.4 và niêm phong 3 tủ đặt tại tầng trệt của tiệm vàng có chứa 559 lượng vàng. Trước đó, công an định đưa số vàng trên về trụ sở nhưng gặp phải phản ứng của bà Mai và nhân viên nên chỉ niêm phong tại chỗ. Sau đó công an có lập biên bản thu giữ hơn 14.000 USD và hệ thống camera an ninh của tiệm…

Sau khi mời bà Mai về trụ sở Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận Bình Thạnh làm việc đến 23h đêm, cảnh sát kinh tế lại tiếp tục đến tiệm vàng Hoàng Mai để làm việc kéo dài đến gần 4h sáng hôm sau.

Ngày 26.4, bà Mai đã uỷ quyền cho luật sư, đại diện bà để làm việc với cơ quan công an.