Saturday 3 May 2014

LỬA PHƯỢNG - Trần thị LaiHồng

image001
Lửa Phượng, photoshop VõĐình AnhDuy

LA  PHƯNG
                       Trn th LaiHng

Cuối tháng Năm. Tháng Năm chưa nằm đã sáng. Dậy sớm. Ra hiên trước đón không khí trong lành ban mai. Cỏ cây còn mơ màng ẩn hiện trong ánh sáng trắng mờ nhạt thoáng dịu hồng đọng trên vòm cây xanh trước ngõ. Tàng cây nổi bật trên nền mái đỏ ngôi nhà bên kia đường và nền trời còn trắng đục. Con lộ cát sỏi trắng xô xố tưởng có tuyết phủ nhẹ.

Vài cánh cò liệng qua, đáp xuống vạt cỏ. Màu trắng nổi bật lên nền xanh. Có tiếng chim hồng y lảnh lót. Ngước mắt nhìn, hình hồng y đỏ rõ nét trên cành lá lục. Và phút chốc mặt trời vụt đáp tiếng chim gọi: cây cành bùng sáng những tia bình minh hồng vàng rạng rỡ, soi rõ mấy chùm hoa đỏ rực: Phượng!  
Chỉ mới mấy chùm lác đác, mà rưng rức một niềm đau xé lòng...

Hè về!  Hè về!!! 


Mầu hoa phượng chói lói, sinh sống như sắc máu người.
Ấy là lời kêu kỳ bí của mùa hè; trong nắng chói chang, mùa hè thét lên những tiếng lửa.
  (Xuân Diệu, Hoa Học Trò, tản mạn)

Lửa Phượng!  Phượng!  Trái tim của mùa Hè.        
Dưới ánh nắng, Phượng chói lói bùng lửa, những cánh hoa bung rộ đón nhận tình yêu của nắng, để lại vết xước trong tim hoa, hay vết thương từ mũi tên bay vút cắm ngập cho tình nở rộ bằng những giọt máu đỏ hồng…

Hoa không thể nở không có nắng, và người không thể sống không có tình yêu/A flower cannot blossom without sunshine, and a man cannot live without love. Đó là quan điểm của Max Muller khi so sánh giữa hoa với nắng, giữa người và tình yêu. Max Muller, triết gia Đức, tu sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, chuyên về Đông phương, đọc và viết tiếng Phạn, chú trọng về Phật giáo, câu trích dẫn từ Wisdom of Buddha.

Một quan điểm tương tự, cũng của một triết gia–Soren Kierkegaard người Đan Mạch, thế kỷ XIX–Hoa là ngôn ngữ chân thật nhất của Yêu Thương/Flowers are love’s truest language.

Ơi Phượng !  Phượng yêu !

Yêu người! Yêu Phượng! Yêu hoa đầu mùa. Yêu mầu rực rỡ, yêu ai mù loà… (Phạm Duy, Phượng Yêu)

Phượng hay Phượng vĩ, Phượng vỹ, Soan tây, Điệp tây hoặc Hoa Nắng, Hoa Học trò… Tên khoa học Delonix regia, họ Fabaceae, đại mộc sinh sống ở vùng nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới. Tên thông dụng trong tiếng Pháp Flamboyant, tiếng Anh Flame of the ForestRoyal Poinciana. Tự điển Tropicana, Color Cyclopedia of Exotic Plants and Trees của Alfred Byrd Graf, D. Sc. ấn hành 1978, và Tự điển Cây Cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ quyển I tập 2 ghi Phượng đại mộc, vỏ trắng nhánh xéo, lá rụng vào mùa khô, 2 lần kép; thứ diệp mang vào 20 cặp tam diệp; hoa to, đỏ; cánh hoa có cọng, cánh cờ cam có đốm trắng; tiểu nhụy 10, chỉ cao 10 cm, rời nhau. Trái rất to, dẹp, cứng, dài 20-60 cm, rộng 4-5 cm; hột dài, đen, có vân nâu, rất cứng. Trồng vì hoa sặc sỡ, gốc Madagascar.

Phượng cao vừa phải, khoảng 5 thước nhưng có khi đến 12 thước, mọc vùng khô thiếu nắng thì rụng lá, nhưng vùng có đủ mưa thì luôn xanh tươi.

Hoa Phượng lớn, có 5 cánh đỏ thắm hay màu hỏa hoàng, cánh thứ 5 gọi là cờ luôn thẳng vút nổi bật màu trắng với lốm đốm chấm đỏ và vàng. 

image002
Phượng vườn nhà LaiHồng tháng 6, 2013

 image003
Phượng đầu mùa vườn nhà LaiHồng, 1 tháng 5, 2014

Phượng xuất thân từ những khu rừng già Madagascar. Trong rừng rậm, Phượng chen chúc khó sống và có cơ nguy tuyệt chủng, nhưng cơ may hoa rực rỡ với tàng cây cành lá mượt xanh tỏa rộng cho bóng mát, nên được đưa trồng khắp nơi trên thế giới. Người khám phá Phượng là Thống đốc French West Indies, vùng đảo Caribbean trong Đại Tây dương, thế kỷ 18. Tên ông là M. de Poinci, và từ đó Phượng mang tên Poinciani.

Cây Phượng được đưa vào Việt Nam thế kỷ 19, dưới thời Pháp thuộc. Thích hợp với khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới, được trồng nhiều tại Huế, Saigon, Hà Nội  và Hải Phòng… trong công viên, dọc vỉa hè các đường lớn, và nhất là tại các trường học. Hải phòng có tên là Thành phố Hoa Phượng, và dạo sau này có Lễ Hội Hoa Phượng hằng năm vào khoảng tháng 5, là tháng Phượng bắt đầu rộ.

image004

Phượng Hải Phòng, lehoihoaphuongdo.wordpress.com
Đường Hoa Phượng đỏ và vàng Hải Phòng

image005

Con đường trong hình trên cho thấy Phượng Vàng. Loại hoa vàng này có tên khoa học là  Delonia regia var Flavida, khó trồng và ít hoa hơn Phượng đỏ, hoa toàn màu vàng nhưng cánh cờ lại trắng lốm đốm vàng, rất lạ. 
image006
Phượng Đỏ Phượng Vàng, hình Dough Caldwell, Đại học Florida

Không nên lẫn lộn Phượng Poinciana Delonix regia với cây Điệp, Điệp cúng, Phượng ta, Kim Phượng, là tiểu mộc thân có gai, ra hoa quanh năm trong khi Phượng Vỹ đại mộc và chỉ ra hoa mùa hè.

image007
Hoa Điệp/Kim Phượng, vườn bạn LaiHồng

Hết hè, Phượng có trái, dài như lưỡi kiếm, bên trong có hạt dài xếp hàng ngang.  Lá Phượng lăn tăn xếp đối từng đôi hai bên cọng, dính vào một cuống dài và tạo thành một chùm dài như lông chim, xanh mượt. Hoa và lá trông giống một chim Phượng đầu đỏ (hay vàng) và đuôi xanh dài, vì vậy được đặt tên là Phoenix/ Phượng vỹ.

Tìm hiểu sự tích liên hệ Hoa Phượng, thấy có truyền thuyết của ViệtNam và Úc.
Chuỵện người Hải Phòng kể ngày xưa có một võ sư tuyệt luân không vợ con, nuôi 5 con trai suýt soát tuổi nhau để truyền nghề. Y phục võ sinh toàn màu đỏ rực.  Một năm, nước có loạn, do một tướng cướp võ nghệ song toàn nhưng rất hung hiểm. Võ sư xin triều đình cho đi dẹp loạn cứu dân lành. Chưa lên đường thì tên cướp bất thần kéo thủ hạ xông vào nhà, dùng võ lực của đám đông uy hiếp bắt trói võ sư, nhưng chưa vội giết, mà thả về với điều kiện phải dâng năm mươi cân thịt bò tơ cùng một nong xôi gấc và năm vại rượu, đích thân khiêng đến nơi đóng quân trên ngọn đồi giữa làng.

Võ sư được dân làng giúp làm thịt bò để ông hì hục khiêng lên núi. Dân làng cung cấp nếp và quả gấc nấu xôi, vừa lúc năm người con nuôi trở về từ trường thi, muốn cùng cha xông lên núi diệt giặc cướp, nhưng võ sư đã có sách lược. Ông vẫn một mình đội nong xôi thật lớn vất vả lên núi. Tên cướp mưu toan sẽ hành hạ và sau đó đầu độc võ sư, vì biết ông vừa uy dũng vừa mưu lược. Khi võ sư vất vả đến nơi với nong xôi gấc vĩ đại, tên tướng cướp vung gươm đâm võ sư ngã gục, nhưng võ sư đã gượng vùng dậy rút lưỡi gươm phóng thẳng vào ngực tên phản loan. Đồng thời, năm chàng con nuôi ẩn trong nong xôi vĩ đại kịp thời vung kiếm chém tên cướp, và đánh đuổi đám thủ hạ.

Dân làng an táng võ sư, và năm người con nuôi trồng năm cây quanh mộ, một giống cây có lá đẹp như thêu và lớn lên cho bóng mát rợp. Cả năm lần lượt qua đời, và năm cây bên mồ đơm hoa, một loại hoa đỏ thắm như màu áo võ sĩ. Hoa có năm cánh rực rỡ, và tàng cây đầy hoa trông xa như một nong xôi gấc vĩ đại đỏ rực  Khi kết quả, trái có hình y hệt những lưỡi gươm treo lủng lẳng trên cành. Tình Phượng trong chuyện kể này liên hệ Cha Con tình sâu nghĩa nặng.

Chuyện kể của Úc có tính cách huyền thoại. Tại Úc, thổ dân Úc Aboriginal di dân từ Châu Phi sang Á xuống Úc trên 50 ngàn năm trước, có huyền thoại Poinciana Woman khắc trên đá, theo nghệ thuật Kakadu Rock, ghi lại hình ảnh một thiếu nữ thổ dân bị sát hại, ẩn thân vào cây Phượng, có khoảng 100 năm kể từ ngày được du nhập từ Madagascar vào Úc.

image008
Poinciana Woman, hình Shelz Keast

Chuyện khác là một vở bi kịch tình yêu nam nữ thuở thiếu thời, do Shez Keast–người chụp hình trên–có xem nhưng không nhớ rõ chi tiết chỉ biết là một cuộc tình tan vỡ trong màu Phượng.

Ơi Phượng! Phượng yêu!!!

image009
Phượng Birsbane, Úc, nzguy1.livejournal.com
image012image013 
image011image010
Tem hình Phượng, Đại học Florida

Phượng ghi nhiều kỷ niệm thiếu thời. Cấp tiểu học chơi cùng hoa, đá nhị cái, vặt nhị đực nhai cùng cánh hoa ngọt dịu, vặt cánh chơi trò nấu ăn, vò búp thổi phồng đập lên trán, kết hoa lên đầu làm cô dâu… Đám con trai thì ăn hoa nụ, chua chua chan chát nhưng lại thú vị, tuổi nhỏ thấy gì cũng ăn! Ăn hạt Phượng non mỏng xanh lục nhạt ngòn ngọt bùi bùi, và hạt già luộc chín bỏ vỏ ăn nhân trắng mòng mọng dòn bùi.

Lên trung học, bắt đầu biết làm dáng, các cô cũng nhai cánh hoa nhưng để môi thêm tươi, không kết hoa làm cô dâu nữa mà hái hoa kết tràng dài làm giây đeo cổ tặng nhau, nam sinh hái nguyên cành tặng nữ sinh, nữ sinh cũng tặng nữ sinh, rồi ép hoa vào sách vở, vào lưu bút cuối năm kèm vài vần thơ học trò… 

Mấy câu dưới đây thật ngây thơ, không thấy tên tác giả, trong bài Mãi Trong Tôi Ngôi Trường Ấynhặt từ một blog có tên cadasa e-learning:

… Đến khi hoa phượng nở
Đỏ rực cả sân trường
Cũng là khi ve khóc
Cho tình bạn chia ly…
              
Mấy câu này cũng rất thanh thoát, trong bài Hè của Hằng Nga, trích từ blog enmuathu   
               
Hè về phượng nở vấn vương
Bạn bè mỗi đứa một phương xa rời
Cổng trường khép kín lại rồi
Sân trường áo trắng tạm thời chia xa
              
Những cánh Phượng trên đường là nguồn rung cảm diệu vợi trong thơ Hồng Vũ Lan Nhi, bài Cánh Phượng Sầu:

Bước chân chiều qua ngõ
Dẫm lên cánh phượng sầu
Sắc hoa màu thắm đỏ
Gợi nhớ bóng hình nhau
     Cánh phượng còn in dấu
     Trong day dứt ngậm ngùi
     Bóng hình xưa lãng đãng
     Giữa quên, nhớ, buồn, vui …
         
Sắc hoa tưởng niệm, như Thụy Du, trong Sắc Hoa Màu Nhớ:

Cánh phượng nào của ngày xưa trong trang vở
Bông phượng nào lưu luyến buổi chia ly
Cánh phượng tặng nhau người còn nhớ
Tuổi hoa niên run rẩy nói câu gì?

Bất cứ nơi nào có Phượng là có những mối Tình Phượng, hồn nhiên, thánh thiện từ tình bạn cùng hay khác lớp khác trường, chỉ đơn giản là tình bạn. Trên nửa thế kỷ trước, khi dùng bút hiệu Hoài Nam, người viết bài này đã ghi lại kỷ nỉệm tuổi học trò với trường cũ khi sắp rời xa:

Trường Đồng Khánh có đôi lầu hồng tím
Chạy song song tìm vạt cỏ nhung xanh
Với đôi hàng Phượng Vỹ đứng giao cành
Ươm hoa đỏ trời xanh màu thân mật

Chiều, gió lộng, nhạc ru người ngây ngất
Sáng sương rơi tha thướt ánh bình minh
Tôi yêu nơi chôn dấu biết bao tình
Từng đôi bạn xóa hình trong nắng nhạt

Thế là hết mấy năm trời ăn học
Cả trường hồng cùng bè bạn rời xa
Một chuyến tàu… Thôi hết! Sẽ chia lìa
Trong khi Phượng ưu sầu rơi huyết lệ…

Đặc san Tiếng Sông Hương Dallas 1990 có bài thơ của Thanh Cầm, trích một đoạn:

Huế của mình, nay Huế của ai?
Thầy xưa, bạn cũ mất đi rồi!
Đôi hàng phượng vĩ hoa còn thắm
Như chút u hoài năm tháng trôi!
                  (Thanh Cầm, Huế Của Ai?)

Một Bác sĩ chuyên viết bút khảo, gốc Bắc nhưng vào Huế và yêu Huế, viết rất nhiều về Huế, cũng đã yêu Phượng:

Tha hương… bỗng nhớ người yêu cũ
Dìu dặt tơ lòng như tiếng ru
Thời gian mặt nước Hương giang lặng
Cánh phượng năm mô bến mịt mùng…
                 ( Lê văn Lân, Nhớ Huế)

Và không biết bao nhiêu mối tình nở rộ mỗi mùa Phượng. Tình hè, tình chia tay, thất tình… hay kết tình một đời…
 … Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu…
                  (Hoàng Nhuận Cầm, Chiếc Lá Đầu Tiên)

Bài thơ Chút Tình Đầu của Đỗ Trung Quân được phổ biến nhiều nhất hằng năm, tứ thơ đẹp của tuổi học trò tăng thêm phần tuyệt diệu qua nhạc của Vũ Hoàng với tựa đề Phượng Hồng:

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/Em chở mùa hè của tôi đi đâu? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/Thuở chẳng ai hay thầm lặng–mối tình đầu.
… Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa…

Yêu hoa, ai cũng yêu hoa, vì Nơi hoa bừng nở là nơi hy vọng hiện hữu/Where flowers bloom so does hope, lời của Lady Bird Johnson, phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson. Hoặc trải rộng hơn, như lời danh họa Henri Matisse: Luôn có ngàn hoa cho những ai muốn thấy/There are always flowers for those who want to see them.

Phượng, trong Sắc Hoa Màu Nhớ, nhạc và lời Nguyễn Văn Đông, phổ biến mạnh tại miền Nam và hải ngoại:

… Hoa Phượng rơi đón mùa Thu tới
Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi…
… Nhưng lòng vẫn nhớ, một trời vẫn nhớ
Đời đời… Phượng rơi… rơi trong lòng tôi...

Một bài thơ khác cũng được phổ nhạc: Thời Hoa Đỏ, tác giả Thanh Tùng của Hải Phòng thành phố Phượng, do Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, rất thịnh hành trong nước:

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng cho lòng ta yên...
… Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa của một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ ...
… Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh lùng
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim...

Ơi Phượng!  Phượng yêu!!!!!!!!!! 
Bởi yêu Phượng nên có Bài Ca Tháng Sáu, lần này ký tên thật, viết từ 1991 thời làm báo bên tiểu bang evergreen xanh mãi ngàn xanh Washington, mà vết sướt trong tim hoa, mới, mới, mới, bởi mũi tên bắn xé lòng vì hoa!!!!!

đêm qua tôi mơ
trở về mái trường xưa hồng tím
như tìm về kỷ niệm tháng năm xưa
thời thơ ấu
dưới bầu trời tháng sáu
lối cỏ rêu phong
còn in dấu gót chân son

tôi đã gặp
những khuôn mặt thân quen ngày cũ
ríu rít vui mừng như một lũ chim non
những đôi mắt long lanh khuất sau vành nón
có thơ lồng trong lá
          “mát mặt anh hùng khi nắng hạ
            che đầu thiếu nữ lúc mưa xuân”
bạn và tôi
ngơ ngẩn đứng tần ngần
ngắm nắng tháng sáu ươm tơ vàng trên tàng phượng đỏ
để tóc thề trong gió nhẹ bay bay…
tay trong tay
ta ngất ngây say nhạc ve sầu ra rả
nghe đâu đây rộn rã bài ca

           “trời hồng hồng
            sáng trong trong
            ngàn phượng rung nắng ngoài song…”
lần theo dấu cỏ
thấy trên vỏ cây sù sì
xác ve ghì gốc phượng
thân đã chết mà tình còn vướng mắc
lòng bâng khuâng
trong khoảnh khắc
thấy sự còn mất
chợt tỉnh giấc
bất giác nắm trong tay
cả một khoảng đầy hư vô…
Hư vô, hư vô...
Ơi Phượng!  Phượng yêu!!!!
Hư vô, hư vô... bởi hoa nở nhắc nhở mười ba la mật trong bài thuyết giảng của Thầy Hằng Trường về Kinh Hoa Nghiêm:

"Hoa: Ðây là hình tượng ẩn dụ sự tu hành mười ba la mật. Sự tu trì này là nhân để nhập pháp giới, thành tựu mọi công hạnh của bồ tát đạo. Hình ảnh đóa hoa nở khai là hình ảnh của tâm bồ đề khai mở trong tâm thức người. 

Hoa bang, 25 tháng 6, 2013

Chỉnh và thêm hình mới 3 tháng 5, 2014