Tin nhắn từ một người quen về vợ chồng chú em họ ở ngoài Bắc sẽ đến thăm làm ông bà Thịnh vừa mừng vừa lo. Mừng vì gặp lại người thân sau hơn hai chục năm trời xa cách. Nghe nói chú em là là cán bộ trong ngành công an. Chỗ người nhà, có gì cần nhờ cậy cũng yên lòng. Lo vì chẳng biết lòng dạ của người đã thấm nhuần chủ nghĩa cộng sản như thế nào. Người em họ mà lúc còn chạy nhẩy lúc nào cũng quanh quẩn bên ông chẳng biết có còn chút tình nghĩa gia đình hay lại khô cằn hơn một hòn đá vô sản.
Ông bà Thịnh cùng là giáo chức của một trường trung học rất nổi tiếng ở Sài Gòn. Ba người con được ông bà thu xếp đi ra khỏi nước trên một tầu buôn sang Hồng Kông mấy ngày trước khi những chiếc mũ cối của bộ đội cộng sản nhởn nhơ trên đường phố Sài Gòn. Ông Thịnh lý luận với vợ dù cho cộng sản có khát máu đến đâu thì chắc cũng chẳng đụng chạm gì đến những người chỉ biết dậy dỗ bọn trẻ nên người. Ông lẩm bẩm “có chính chị chính em gì đâu”. Bà Thịnh, trái lại, sợ đến tắt thở. Qua báo chí, bà đọc tin tức bọn Khmer Đỏ giết đến gần một nửa dân số Miên mà đa số những người này chỉ phạm một cái tội là biết đọc biết viết. Đã đến nửa tháng sau ngày Sài Gòn rơi vào tay những người cộng sản miền Bắc mà chẳng thấy máu lửa gì nên ông bà Thịnh cũng bớt lo. Mấy “thằng 30 tháng 4” chạy lăng xăng như gà mắc đẻ trước cửa nhà nhưng đứa nào cũng còn chút lễ giáo của người Sài Gòn nên vai trò nghiêm nghị của nhà giáo vẫn còn được kiêng nể. Vài lần chúng cũng gõ cửa hoạnh hoẹ về mấy người con. Bà Thịnh cười xuề xoà nhỏ nhẹ:
Bà nói với giọng buồn rầu nhưng vẫn không giấu diếm được niềm vui trong lòng vì được tin chắc chắn chuyến tầu đã đưa các con đến bến bờ bình yên. Ông bà Thịnh quyết định không ra đi vì phải “tử thủ”, nếu chuyến đi của các con không thành mà trở về thì cũng có nơi ăn chốn ở. Ông Thịnh mang những bài học binh pháp của cụ cố Tôn Từ bên Tầu giải thích cho quyết định ở lại. Phàm bất cứ việc gì có thế công thì cũng phải có đường thủ. Dắt díu nhau đi hết mà phải quay trở về thì chẳng thà ra ngoài biển “làm mồi câu cá mập” còn hơn. Bà Thịnh nghe có vẻ hợp lý nên cũng chẳng thiết tha gì với chuyện ra đi. Hơn nữa họ hàng bà con, mồ mả tổ tiên tất cả còn ở miền đất Mỹ Tho trái ngọt cây lành. Rứt ruột bỏ đi sao đặng. Hình ảnh của những cuộc đấu tố ở miền Bắc làm cho nhiều người phải rùng mình khiếp sợ. Cộng sản là máu và nước mắt, là chết chóc và thù hận. Đằng sau của những vụ cướp chính quyền bằng bạo lực của các đảng cộng sản trên thế giới luôn luôn là những cuộc tàn sát tập thể, những trại tù khổ sai và cùng cực của đói khát bệnh tật. Bà Thịnh biết vậy nhưng cũng không thể nào đành lòng ra đi.
Hai tuần lễ sau khi những đôi dép râu dẫm nát đường phố Sài Gòn, người dân của miền đất mưa nắng hai mùa vẫn chưa thấy được cái đòn thù của những người cộng sản phương bắc. Hôm nay ông bà Thịnh ăn mặc tươm tất, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ đón vợ chồng chú em họ mà nghe đâu chú ấy cũng có vai vế trong ngành công an xã. Ông bà Thịnh cũng không biết rõ người em họ làm to đến cỡ nào nhưng có tí hơi hướm vẫn hơn. Bây giờ quyền hành trong tay những người có súng đạn. Luật pháp là một sản phẩm nhiều khi có tiếng khóc nhưng cũng có lúc không nhịn được những trận cười đến đứt ruột. Bà Thịnh sửa sọan những món đặc biệt miền Nam chỉ mong vừa lòng người em họ mà bà chưa một lần gặp mặt. Bà là dân Mỹ Tho và lớn lên ở Sài Gòn. Hầu hết dân thành phố chỉ nghe và hiểu lờ mờ về chủ nghĩa và những người cộng sản. Người miền Nam tính tình xuề xoà, chuyện gì xong rồi bỏ qua, ăn nhậu hôm nay không nghĩ đến ngày mai. Bây giờ phải đối mặt với những người cộng sản cũng trở nên loạng quạng.
Bà Thịnh đang nêm lại nồi nước lèo. Món hủ tíu Mỹ Tho là món “ruột” của bà. Nhiều người ăn xong chùi mép chưa sạch nhưng đã hẹn ngày tái ngộ. Nghe tiếng gọi ngoài cửa đặc giọng miền Bắc, bà Thịnh chắc là khách đã đến. Bà bật cười nghĩ đến ngày cưới, họ hàng bên ông Thịnh nói đặc một giọng “bắc chay”. Nhiều chữ chẳng hiểu gì nhưng vẫn cứ phải vâng dạ cho qua chuyện.
Ông Thịnh mở cửa nhìn người đàn ông mặc bộ quần áo lính đã ngả mầu đang dướn người nhìn lên tầng ba nhà ông. Người phụ nữ đứng bên cạnh dáng dấp quê mùa tay xách cái bị cói có vẻ nặng nề. Ông Thịnh nói to, giọng mừng rỡ:
“Hướng con chú An đây phải không?”
Người đàn ông không trả lời, chạy đến nắm tay ông khóc mếu máo:
“Anh ơi, đến bây giờ anh em mình mới được gặp nhau.”
Ông Thịnh cầm áo kéo người em con ông chú vào nhà. Người đàn bà đi sau có vẻ lấm lét. Ông Thịnh nói to như để báo tin cho bà vợ dưới bếp:
“Anh Hướng đây là con chú An. Mới ngày nào anh em quấn quýt bên nhau. Thế mà đã hơn hai mươi năm rồi.”
Vợ chồng Hướng nhìn bộ ghế bọc nhung đỏ thẫm, những đồ đạc trưng bầy trong phòng khách toàn là những hình ảnh xa lạ. Đã vài lần ông Thịnh mời khách ngồi, xem chừng như vợ chồng Hướng lại không dám nhưng rồi cũng rụt rè ngồi mấp mé trên làn vải nhung mịn màng. Bà Thịnh từ dưới nhà bếp đi lên, tay bưng khay nước, cười tươi:
“Anh chị Hướng dzô hồi nào dzậy?”
Không nghe ai trả lời. Vợ chồng Hướng chắc không hiểu câu hỏi của bà chị người miền Nam. Ông Thịnh nói:
“Nhà tôi hỏi chú thím vào đây bao giờ đấy.”
Vợ Hướng vội vã:
“Thưa chị, chúng em vào đây cũng được ba ngày rồi ạ. Lần mò hỏi thăm đủ chỗ mới tìm được nhà anh chị.”
Vợ Hướng nhìn bà Thịnh với nét sang cả của một giáo chức trung học như là ở một thế giới khác. Bộ quần áo lụa mầu nâu đậm may thật khéo ôm gọn thân hình vừa bước qua tuổi trung niên cũng là một hình ảnh xa vời mà người phụ nữ cán bộ nông nghiệp chưa bao giờ mơ với tay tới.
Bà Thịnh nói như lấy lòng:
“Mừng quá, anh em xa cách đã hai mươi năm mà còn được gặp nhau như thế này thì còn biết nói gì hơn.”
Hướng đứng bật dậy, hai tay đan chéo vào nhau thưa gửi thật cung kính:
“Báo cáo anh chị, chúng em chỉ mơ có ngày được vào Nam. Vào đây được gặp anh chị với cơ ngơi hoành tráng sang trọng như thế này thì chúng em mừng quá. Thật phúc đức các cụ nhà mình để lại.”
Bà Thịnh rót chai Coca Cola vào hai cái ly sáng bóng mời khách:
“Mời chú thím uống nước.”
Vợ chồng Hướng cũng đã nhìn thấy chai Coca Cola trên phố xá Sài Gòn nhưng vẫn chưa biết mùi vị chua ngọt ra sao. Vợ Hướng uống một hớp to, ra chiều thích thú:
“Gớm, của Mỹ có khác, mát mà lại thơm quá. Ở đây cái gì cũng đẹp cũng thơm cả”
Bà Thịnh bật cười nhìn người phụ nữ như đang lạc lõng ở một thế giới khác. Ông Thịnh kéo Hướng sang ngồi bên cạnh hỏi han bà con ruột thịt và những người trong làng. Hướng kê khai rành mạch người sống người chết, từng chi tộc, mỗi gia đình. Ông Thịnh chăm chú nghe, thỉnh thoảng hỏi về những người mà ông còn nhớ được. Nghe Hướng trả lời, nước mắt ông dàn dụa. Ông xót xa nói như đứt hơi “khốn nạn quá”, “tội nghiệp quá”. Giọng Hướng rầm rì như sợ tai vách mạch rừng, những người chết vì già yếu bệnh tật thì không nói làm gì nhưng cũng đã có người chết vì đói.
Vợ Hướng chỉ trỏ những đồ đạc bầy biện trong phòng khách, hỏi nhiều câu làm bà Thịnh phải lựa lời mà nói cho hợp tình hợp cảnh, đôi khi cũng không nhịn được cười. Ánh mắt vợ Hướng như lạc lõng trước những vật dụng thường ngày của người dân miền Nam. Cái đồng hồ chạy pin có con chim bay đi lượn lại “nhìn thích quá”. Cái dàn máy âm thanh “cực hiện đại, cả tỉnh nhà mình chắc đã có ai nhìn thấy”. Vợ Hướng xúm xít với nhiều câu hỏi. Bà Thịnh mở máy, một bản “nhạc vàng” ca tụng vẻ đẹp của các cô gái đất Thần Kinh và cảnh mộng mơ của xứ Huế, “Một chiều lang thang bên dòng Hương giang, tôi gặp một tà áo tím…”. Người phụ nữ cán bộ nông nghiệp cả đời chỉ đối mặt với “phân xanh phân bắc” thực sự rung động đã không kìm hãm được tư tưởng:
“Bài hát của Ngụy hay thế cơ mà. Bài hát của ta bên ấy thì chỉ toàn là hò với hét.”
Nói xong, vợ Hướng biết lỡ lời nhìn bà Thịnh thẹn thùng. Hướng như ngồi phải lửa, vội chữa cháy cho vợ:
“Thưa chị, ngày còn chiến tranh chúng em vẫn lén lút nghe nhạc vàng đấy. Bài nào cũng tình tứ lãng mạn quá.”
Ông Thịnh nhìn vẻ mặt thèm thuồng của vợ Hướng, nói như vừa đủ nghe:
“Có một cái máy nhỏ bằng hai bàn tay để trên nhà của các cháu. Để rồi tôi sẽ biếu chú thím.”
Vợ Hướng có vẻ kinh ngạc chỉ lên trần nhà:
“Thế mấy cái tầng trên này cũng là nhà của hai bác cả đấy ạ.”
Bà Thịnh mau mắn nói:
“Nhà này có ba tầng. Chúng tôi xây cũng hơn chục năm nay rồi.”
Vợ Hướng như không tin ở tai mình nhưng cũng biết nói khéo:
“Cơ ngơi của hai bác còn to hơn cả cái dinh ngoài đấy.”
Nói xong, vợ Hướng kính cẩn hai tay bưng một gói to bằng cái bánh chưng ngày Tết được buộc lạt kỹ lưỡng ngoài cái vỏ lá chuối khô, nói rất nhỏ nhẹ:
“Chúng em có cân gạo nếp biếu hai bác. Quà bánh nhà quê. Xin hai bác nhận cho.”
Bà Thịnh nhìn cân gạo nếp trên bàn mà thương cảm cho cảnh nghèo của vợ chồng Hướng. Chồng là công an xã, vợ là cán bộ nông nghiệp mà nghèo túng như vậy thì dân quê còn khổ sở đến thế nào. Bà quay sang nói với chồng rằng cơm nước đãi đằng khách đã sẵn sàng. Ông Thịnh nói trong nước mắt:
“Mời chú thím qua phòng ăn. Cũng đến bữa rồi.”
Bà Thịnh cầm tay vợ Hướng kéo xuống nhà dưới. Nhìn nhà bếp, từ cái nồi cái chảo cho đến những chai lọ xếp đặt đâu ra đó thật ngăn nắp và sạch sẽ, vợ Hướng như hoa mắt chẳng còn biết hỏi han thế nào cho ra đầu đuôi câu chuyện. Bà Thịnh cũng biết người miền Bắc đói rách nghèo khổ nhưng lại chưa bao giờ có được những hình ảnh mà qua lời kể của Hướng thì cũng đã có những người họ hàng bên ông Thịnh đã chết vì đói. Vợ Hướng đứng nhìn bà Thịnh sắp xếp những món ăn vào bát đĩa, muốn giúp một tay mà cũng chẳng biết phải làm gì. Nhà bếp mà chỗ nào cũng sạch sẽ trắng bóng như lau như ly chứ chẳng thấy cái kiềng ba chân với nắm rơm nắm rạ chỗ nào.
Món ăn thức uống đã được bà Thịnh bầy biện trên bàn. Ông Thịnh đi vội lên trên lầu lấy chai rượu Johny Walker chẳng nhớ ai cho để dưới gầm bàn viết đã nhiều năm rồi. Ông nhìn Hướng có vẻ ân cần:
“Chú Hướng uống chút rượu cho vui.”
Hướng thấy chai “rượu ngoại” mắt sáng lên, vui ra mặt. Anh công an xã cũng đã nhiều lần được mời mọc tiệc tùng đình đám nhưng cũng chỉ đến rượu trắng ngâm mấy cái rễ cây là cao nhất. Nghe nói “rượu ngoại” thơm ngon lắm, hôm nay mới được đụng môi thì còn phải nói.
Bà Thịnh bắt đầu giới thiệu các món ăn của người Sài Gòn. Món gà xé phay với những đọt rau răm xanh mơn mởn. Con cá lóc nướng trui vàng rộm xối mỡ hành thơm phức. Ông Thịnh mời mọi người ăn. Cũng bát cũng đũa mà sao vợ chồng Hướng có vẻ ngập ngừng. Ông Thịnh mở chai rượu rót cho Hướng một ly. Ông cũng rót cho mình một chút để Hướng có bạn rượu. Ông gắp cho Hướng đầy bát thì bà Thịnh cũng vun đầy cho vợ Hướng. Nhìn vẻ thèm khát của vợ chồng Hướng, ông bà Thịnh quá thương cảm nhưng cũng thấy vui vui. Hướng nhắp một ngụm rượu, hai tay cầm cái ly trịnh trọng:
“Đúng là rượu ngoại, thơm ngon quá sức.”
Ông Thịnh xởi lởi:
“Chú uống đi. Ở lại chơi với chúng tôi mấy ngày rồi đi đâu hãy đi.”
Vợ chồng Hướng như mở cờ trong bụng. Ông bà Thịnh không cho ở lại thì cũng chẳng biết đi đâu. Vài người làng gặp ngày hôm qua cũng chẳng ai mặn mà gì. Ông Thịnh là chỗ máu mủ nên cũng hơn. Vợ Hướng gắp một miếng cá to bỏ vào bát cho chồng cười nói:
“Bộ đội ta không giải phóng được Sài Gòn thì đến bao giờ chúng em mới được gặp các bác.”
Bà Thịnh nhìn vợ Hướng như muốn đuổi ra khỏi nhà. Giải phóng cái gì? Người ta đang sống vui sống khỏe mà nay đặt mìn, mai pháo kích, từ ngoài Bắc mang súng đạn vào cướp của giết người mà giải phóng cái nỗi gì. Vợ Hướng cũng không biết mình lỡ lời. Người phụ nữ quê mùa làm cán bộ nông nghiệp suốt ngày cãi nhau vì bát lúa nắm phân được học tập phải hiến ngay cả thân xác mình cho Bác cho Đảng cũng không nghĩ và nhìn ra ngoài được những giáo điều được tôi luyện. Đảng cho sống thì sống. Đảng bảo chết thì cũng “hạ quyết tâm” tuân lệnh.
Trái lại, Hướng tuy chỉ là một anh công an xã cấp dưới nhưng lại giỏi lý luận. Bất cứ chuyện gì lớn nhỏ, phải trái Hướng luôn phân giải nguyên do và kết cục của sự việc. Vừa vào đến Sài Gòn, nhìn nhà cửa tầng cao tầng thấp xe cộ chạy đầy đường, dân chúng người nào cũng quần áo bảnh bao là Hướng đã biết ngay cả miền Bắc đã bị cái bộ máy tuyên truyền khắc nghiệt của chế độ cộng sản lừa bịp. Nghe vợ nói đến hai chữ “giải phóng” mà anh chồng muốn lộn ruột. Hướng tự tay rót rượu vào cái ly pha lê sáng bóng, nhấp một ngụm to rồi đủng đỉnh nói:
“Chẳng biết ai giải phóng ai đây. Mình chui ra chui vào cái nhà gianh vách đất, ăn uống thì quanh năm chỉ có dưa khú với cà thâm, quần áo thì vá chằng vá chịt. Nhìn cơ ngơi của các bác, thức ăn thức uống ê hề như thế này. Cả miền Bắc bị lừa bịp bao nhiêu năm rồi.”
Hướng bắt đầu kể lể những oan khiên của người dân miền Bắc. Nghèo túng, bệnh họan mà từ đứa trẻ con cho đến những cụ già ai ai cũng phải vác trên vai mình đủ loại bổn phận và nghĩa vụ. Có vài cân gạo nếp giấm dúi ở xó bếp cũng phải lôi ra ủng hộ bộ đội đi B. Không ủng hộ thì bị hành hạ đủ điều cơ khổ. Mười người thì đến chín người bữa no bữa đói. Đã có biết bao người chết vì đói nhưng nào có ai dám mở miệng kêu than. Hướng say sưa kể chuyện với giọng điệu tức tối đến căm phẫn. Mồm ngồm ngoàm thức ăn, ly rượu mới vơi quá nửa đã tự tay rót đầy nhưng vẫn say sưa nói như để trút đi những uất hận bị đè nén trong lòng từ nhiều năm qua.
“Bác Phán nhà mình tháo cả cửa nhà làm hòm chôn cất những người chết đói ngoài đường hồi năm Ất Dậu thế mà cũng bị đội Cải Cách Ruộng Đất bắt ra ngoài đình làng đấu tố rồi mang đi chẳng biết chết mất xác ở đâu.”
Hướng nói huyên thuyên, không mạch lạc mà cũng chẳng có đầu đề, nhớ đến ai thì nói, chuyện vui chuyện buồn gì cũng nói cho hả hơi rượu. Đột nhiên Hướng lắc đầu xuống giọng nói như tiếc rẻ:
“Ông Tổng Thống Mỹ chẳng biết gì cả.”
Ông Thịnh giật mình, một anh công an xã mà tự nhiên lại có lời bình phẩm ông Tổng Thống Mỹ thì chắc là phải có chuyện để nói.
“Chú Hướng nói sao?”
Hướng vội vã:
“Thưa anh, ý là em nói cái hồi Mỹ bỏ bom ngoài ta đấy ạ. Thay vì bỏ bom thì cứ mang đồ hộp, thuốc lá với lại quần bò áo phông mà đổ xuống thì bất chiến tự nhiên thành. Dân mình đói khát quá. Công an bộ đội cũng bữa có bữa không, quần áo rách rưới tả tơi. Người nào cũng như con ma đói mà vớ được hộp thịt bò, điếu thuốc thơm của Mỹ thì chỉ quay ra giành giật bắn giết nhau thôi. Quân ta mà đánh quân mình thì hai bác nghĩ xem còn có binh pháp nào hơn.”
Ông Thịnh cười tủm tỉm:
“Sao hồi đó chú không viết cho ông Tổng Thống Mỹ cái thư. Hiến cho ông ta cái kế ấy thì còn hơn cả Khổng Minh bên Tầu nữa đấy.”
Hướng nhắp vội ngụm rượu nói to:
“Thưa anh, em không biết nhà ông ấy ở chỗ nào đấy chứ. Em mà biết nhà cửa ông ấy thì đi mấy ngày đường em cũng đi.”
Ông Thịnh cười ngặt nghẽo về cái ý tưởng ngộ nghĩnh mà nghe ra lại rất có lý. Đám bộ đội thèm khát đến nỗi giết nhau chỉ vì một bi thuốc lào. Nhìn lên trời những cây thuốc lá Philip sợi vàng lơ lửng trên không thì chắc sự nghiệp giải phóng hay di chúc của ông Hồ cũng bay theo mây khói. Bỏ súng, rã ngũ đạp lên nhau, chém giết nhau mà vồ vập hộp thịt bao thuốc. Dân đánh với quân, bộ đội đánh với công an. Thế là hết. Có vậy mà ông Tổng Thống Mỹ nghĩ không ra!.
Chai rượu vẫn còn quá nửa, Hướng với tay để ngay trước mặt như sợ ai giành giật mất. Ông Thịnh nhìn, vẻ thương hại:
“ Chú Hướng cũng uống rượu được đấy chứ. Nhưng mà vậy đủ rồi. Ngày mai ta lại tiếp tục.”
Hướng đã hơi ngà ngà say nhưng vẫn nghe rõ tiếng nói của ông anh họ là cái phao duy nhất cho vợ chồng Hướng bám víu nơi đất lạ. Đĩa gà xé phay chỉ còn lại một gắp rau. Con cá lóc nướng trui trơ bộ xương trên cái đĩa viền vàng choé. Hướng lại khề khà về cái chiến lược “thịt hộp thuốc lá thơm” nghe ra như chuyện đùa mà nếu những hộp thịt bò thịt gà, những bao thuốc lá Philip của Mỹ cứ ùn ùn túa ra như mưa từ những cái máy bay B52 thay vì những quả bom ngàn cân thì cuộc chiến đã kết thúc không có máu đổ thịt rơi mà lại đỡ tốn phí biết bao. Bộ đội hay công an, anh chị nào cũng đói lên đói xuống. Mang cái chủ nghĩa Mác Lê ra mà gặm vừa đau răng mà bụng lại vẫn đói cồn cào. Dân chúng thì đa số phải ăn độn khoai sắn, nhiều người phải ăn củ chuối cầm hơi. Đám thương binh từ chiến trường miền Nam trở về uốn lưỡi kể lại cái vị ngon ngọt của hộp thịt hộp bánh và mùi thơm huyền hoặc của điếu thuốc lá Mỹ càng làm cho những con ma đói từ quân đến dân thèm thuồng và có một giấc mơ. Đến ngày nào mới được cầm trong tay điếu thuốc lá sợi vàng như ông Hồ vẫn hút mỗi ngày?!
Ăn xong tô hủ tíu, húp cạn chút nước lèo ngon ngọt còn đọng lại trong đáy bát, vợ chồng Hướng lại còn được bà Thịnh mời ăn bát chè đậu đen. Hướng thích chí hỏi bà Thịnh:
“Thưa chị, nhà ta ngày nào cũng ăn uống như thế này sao”
Bà Thịnh nhỏ nhẹ:
“Hôm nay có chú thím thì cũng bầy biện hơn ngày thường nhưng ở đây thịt cá khi nào cũng ê hề.”
Hướng nắm tay vung lên cao:
“Thế mà cái loa phóng thanh ở làng cứ ông ổng suốt ngày đêm là dân miền Nam chết đói như rạ. Cả miền Bắc bị lừa bịp. Nói thật với anh chị chứ mà quân miền Nam ra giải phóng miền Bắc thì dân tình ngoài ấy chắc đỡ khổ hơn.”
Vợ Hướng mạnh dạn chen vào câu chuyện:
“Người đói khát rách rưới lại đi giải phóng người ấm no dư dật như thế này. Ngoài ấy ai cũng chộn rộn dành dụm mấy cái bát mẻ, vài cái giẻ rách mang vào Nam tiếp tế cho bà con họ hàng. Những cái thứ đấy mang vào đây không có chỗ mà vất đi. Rõ nỡm, tai quái ngược ngạo quá sức.”
Trời cũng đã sẩm tối, ông Thịnh dẫn vợ chồng Hướng lên tầng ba nơi phòng ngủ của cô con gái cả. Vợ chồng Hướng loá mắt với đồ đạc và cách bầy biện phòng ngủ của cô gái đang độ tuổi xuân thì. Những bình hoa lụa đủ mầu khoe sắc trong hương thơm của một loại nước hoa đắt tiền vẫn còn phảng phất đâu đây. Ông Thịnh cầm tay Hướng chỉ vào phòng tắm:
“Tắm rửa tất cả ở đây.”
Hướng nhìn chầm chầm vào cái bàn cầu trắng tinh chứa nước trong vắt ra vẻ xuýt xoa:
“Đi nắng về mà sẵn cái chậu nước rửa mặt như thế này thì tha hồ mát.”
Ông Thịnh cắn môi không dám cười thành tiếng:
“Ấy chết, cái đó là chỗ để ngồi lên thôi.”
Hướng ngạc nhiên cao giọng:
“Thưa anh, ngồi lên để làm gì ạ”
Ông Thịnh nói khẽ như thì thầm bên tai Hướng:
“Ngồi lên mà đi đồng như ở ngoài mình đấy.”
Nói rồi ông giảng giải “cứ việc đi vào đây, dùng cái cuộn giấy trắng này cho sạch sẽ rồi kéo cái nút này xuống là tất cả sẽ trôi đi”. Ông vừa nói vừa làm những động tác cần thiết. Vợ Hướng há hốc mồm, nói không ra tiếng:
“Giời ạ, thế mà em lại cứ ngỡ là cái chậu rửa mặt đấy.”
Ông Thịnh không thể cười được nữa. Ông cắn môi nhớ lại ngày xưa dân làng mình cũng chỉ có tầu lá chuối khô chứ nào ai mơ tưởng đến cuộn giấy trắng. Ông thương hại cho những người họ hàng làng nước lúc nào cũng đói rách mà lại còn bị chủ nghĩa cộng sản kìm kẹp đủ điều. Những con lật đật da bọc xương cả đời chỉ mơ đến bát cơm không độn khoai sắn đang khóc than cho thân phận nhục nhằn đau thương trước cảnh phồn vinh của thành phố vừa bị cưỡng chiếm. Ông Thịnh dặn dò chỉ dẫn cho vợ chồng Hướng chăn màn rồi ngồi nán lại hỏi Hướng mấy câu về một người trong họ nghe đâu làm to lắm ở Hà Nội. Vợ chồng Hướng cũng mù tịt chẳng biết đâu mà trả lời vì những người chóp bu trong đảng ông bà nào cũng dăm bẩy cái tên nên ai biết đâu mà mò.
Ông Thịnh khẽ đóng cửa đi xuống dưới nhà sau khi chỉ cho Hướng cách tắt bóng đèn trên trần nhà. Vợ chồng Hướng thẫn thờ ngồi trên chiếc giường nệm nhìn quanh quẩn những đồ đạc quần áo của cô con gái đang thời chưng diện. Mấy lọ nước hoa và những hộp son phấn trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường ngủ là những gì quá xa lạ đối với vợ Hướng nhưng cái “đài” có hát cả băng to hơn hai bàn tay là nỗi thèm khát mong chờ của Hướng từ nhiều năm rồi. Hướng nuốt nước bọt nói thầm vào tai vợ:
“Lúc chiều bác Thịnh nói cho mình cái đài, chắc là cái này đây.”
Vợ Hướng nhìn cái “đài” nói như vừa ra ngõ vớ được vàng:
“Mang cái này về thì cả làng đến mà ngó. Gớm, người trong này sao họ lắm của thế.”
Hướng nhìn quanh quẩn trong phòng ngủ xem có gì “văn minh và hiện đại” hơn cái “đài” không phải là muốn khám phá những mới lạ nhưng để sắp đặt một toan tính ngay lúc ông Thịnh khép cửa đi xuống nhà dưới. Vợ Hướng mở tủ nhìn mấy chiếc áo dài cười nhẹ:
“ Toàn những lụa là sang trọng, các chị lãnh đạo bên ta có mơ cũng không thấy.”
Nói xong, vợ Hướng lấy chiếc áo dài ướm thử vào mình như tắm gội trong hạnh phúc. Chiếc áo cũng hơi dài nhưng cắt ngắn đi khâu lại mấy mũi là vừa thôi. Vợ Hướng tuy hơi thiếu thước tấc nhưng được cái có làn da đẹp, mặc dù gần như ngày nào cũng phải phơi nắng đội mưa ngoài ruộng. Nhìn chiếc áo dài hoa lá sặc sỡ buông lơi bên người vợ quê mùa, Hướng cắn răng nhớ lại hình ảnh chỉ mới mâý ngày trước đây người đàn bà này còn gang mồm lên chửi “bọn đế quốc Mỹ” đã bòn rút đến tận xương tủy của người dân miền Nam để đồng bào ta ở miền Nam phải rách rưới đói khát chết đầy đường đầy chợ. Hướng nuốt nước bọt thèm bi thuốc lào nói chậm rãi như đang phà nạm khói ra khỏi họng:
“Xem có cái nào thích thì nhét vào bị nhanh đi. Lấy vài cái thôi, không khéo các bác ấy biết đấy.”
Vợ Hướng cầm lọ nước hoa nhỏ bằng ngón tay cái ngửi hít hà. Hướng như ngồi phải lửa:
“Ngu thế, các bác ấy ngửi thấy mùi nước hoa thì có mà mặt mo.”
Vợ Hướng nghe chồng, thấy có lý nên để lại chỗ cũ. Hướng nhỏ nhẹ như an ủi vợ:
“Thích thì sáng mai xin bác gái.”
Sau gần hai giờ đồng hồ lục lọi từ cái gương cái lược trên bàn đến những đôi giầy xếp hàng dưới gầm giường, vợ chồng Hướng thầm thì ra chiều tương đắc, vui ra mặt.
Hướng tắt đèn giục vợ đi ngủ. Vợ Hướng vừa ngả lưng trên tấm nện trải khăn giường trắng tinh đã thảng thốt kêu:
“Ối giời ơi, êm ái mà lại thơm lừng. Long sàng của vua cũng đến như thế này thôi chứ chẳng hơn.”
Hai vợ chồng để nguyên quần áo bụi bặm nằm dài trên giường. Hướng khẽ đập vào lưng vợ, thở dài. Chỉ mới vừa bước một chân vào đời sống của người dân miền Nam mà đã như thế này rồi. Nhiều lần một mình ở trụ sở công an xã, Hướng đã mở đài “ngụy” nghe những chương trình ca nhạc, văn học một cách say mê và nhen nhúm lên một khung cảnh tự do ấm no của người dân miền Nam. Con người ta đói rách ốm đau mà lại bị kìm kẹp trong cái nanh vuốt của một thể chế độc tài đảng trị thì không thể nào có những suy tư khai phá về tình yêu người, yêu đời như vậy. Thân mình đang nằm dưới cái đe ngàn cân của chủ nghĩa cộng sản mà không biết cựa quậy để đứng lên.
Buổi sáng nghe tiếng gõ cửa của ông Thịnh thì Hướng vẫn còn đang vật lộn với cơn thèm thuốc lào. Sau cả một lúc lâu tập tành cách sử dụng phòng tắm với những vật dụng hoàn toàn xa lạ, Hướng có cảm tưởng như đã đổi đời nhưng cái mùi huyền hoặc của khói thuốc lào vẫn vất vưởng đâu đây. Ông Thịnh ân cần hỏi han:
“Sao , lạ giường lạ chiếu có ngủ được không?”
Hướng chưa kịp trả lời thì vợ đã nhanh nhẩu:
“Chúng em cứ như lên tiên đấy bác ạ.”
Hướng lườm vợ vì câu nói hớ hênh, vội làm mặt nghiêm:
“Thưa anh, em vẫn không thể nào lý giải được tại sao người miền Nam lại không ra giải phóng chúng em ngoài ấy.”
Ông Thịnh không có câu trả lời. Chuyện “chính chị chính em” là những cái gì dã man tàn bạo và rất nhiều khi ngu đần, mình chỉ là một người mù qườ quạng trong đêm tối. Ông nhỏ nhẹ mời vợ chồng Hướng xuống nhà dưới ăn sáng. Vợ Hướng vai đeo cái bị cói, tay phải nắm chặt hai cái quai bị như sợ trộm mất của. Hướng khoác chiếc ba lô có vẻ như còn mới đựng vài bộ quần áo lính cũ mèm và mấy vật dụng lỉnh kỉnh, tưởng rằng là những thứ hiếm qúy nhưng ở đây vứt ra đường không ai nhặt. Ông Thịnh nhìn hai vợ chồng Hướng như sắp sửa lên đường tiếp tục chuyến đi thăm họ hàng nội ngoại trong Nam. Ông đi vào góc phòng lấy cái “đài có hát băng” đưa cho Hướng bảo mang về mà nghe cho đỡ buồn. Hướng run run cầm trong tay chẳng biết nói lời cám ơn mà chỉ sợ giấc mơ bay đi mất. Vợ Hướng vui ra mặt, chỉ mấy ngày nữa là cả làng sẽ kéo đến đầy nhà nghe nhạc vàng của miền Nam. Người nào nghe nhạc vàng thì còn sợ chứ Hướng là công an xã thì ai đụng đến. Vợ Hướng muốn xin mấy cái quần áo nhưng lại sợ nhỡ mà mấy cái áo “tự biên tự diễn” trong bị cói lòi ra thì còn mặt mũi nào. Tại sao cái loa phóng thanh của Nhà Nước ngày đêm ra rả bên tai là người dân miền Nam bị Mỹ Ngụy bóc lột đến xương tủy mà nay đất nước thống nhất chẳng thấy có đến một người chạy ra ngoài miền Bắc đề tìm cơm no áo ấm. Nhưng xó xỉnh nào của Sài Gòn cũng có người miền Bắc lê la bòn nhặt từ cái áo rách cho đến cái nồi méo mó.
Bữa ăn sáng không có những tiếng nói lanh chanh của vợ Hướng và ông chồng thì lại trầm tư ra chiều suy nghĩ, vẻ mặt coi bộ nghiêm nghị. Chân phải Hướng đè lên chiếc ba lô để dưới gầm bàn ăn, tay cầm đũa ngập ngừng gắp những lát lạp xưởng đỏ au. Hướng cầm ly cà phê sữa trong lòng hai bàn tay nói như vừa đủ nghe:
“Thưa anh chị, chúng em từ làng mình vào đây kính thăm anh chị mà lại được anh chị thương thế này thì thật quả là một đại phúc. Chúng em mừng rỡ nhìn thấy anh chị sung túc giầu có nhưng vẫn ân cần với họ hàng nghèo khó. Thật chúng em chẳng còn biết nói gì hơn.”
Hướng chưa dứt lời thì bà Thịnh đã cầm chiếc nhẫn vàng dúi vào tay vợ Hướng:
“Thím cầm lấy chút đỉnh về mua quà cho các cháu.”
Vợ Hướng gần như tắt thở. Cái nhẫn vàng đeo ở ngón tay áp út là nỗi mộng mơ của người cán bộ nông nghiệp đã nhiều năm ăn độn khoai sắn nhưng lại biết cân đo đến từng hột thóc ủng hộ chiến sĩ đi B. Hướng nhìn chiếc nhẫn vàng, chân phải vẫn đè chặt trên chiếc ba lô nóí thay vợ:
“Anh chị cho chúng em nhiều quá.”
Bà Thịnh nhanh nhẩu:
“Để tôi đưa thím lên lấy một ít quần áo của con Hai. Cháu nó cũng không cần đến nữa.”
Đến bây giờ vợ chồng Hướng mới nhớ đến mấy người con của ông bà Thịnh đã “trót dại đi theo bọn Mỹ Ngụy”. Vợ Hướng đi theo bà Thịnh lên trên lầu. Một lúc sau ôm xuống một mớ quần áo đủ mầu sặc sỡ. Ông Thịnh cũng cho Hướng đôi giầy và mấy bộ quần áo của anh con trai lớn. Vợ Hướng mân mê chiếc nhẫn vàng nói cười rộn ràng.
Sau một lúc lâu chuyện trò, Hướng đứng lên tay nắm chặt quai chiếc ba lô nói ra vẻ nghẹn ngào:
“Thưa anh chị, chúng em từ làng mình lặn lội vào đây thăm anh chị. Nhờ hồng phúc tổ tiên, anh chị mạnh khoẻ mà lại còn giầu sang như thế này thì chúng em rất lấy làm mừng và hãnh diện. Anh chị lại còn cho chúng em và các cháu đủ thứ. Nhờ ơn anh chị mà chúng em thật sự đổi đời. Chúng em xin phép anh chị về lo cho các cháu vài việc rồi lần sau chúng em vào sẽ quấy quả anh chị.”
Bà Thịnh muốn giữ khách chỉ vì chút máu mủ bên chồng nhưng sao mà chuyện trò với mấy người bên kia nhiều khi cũng thấy tắc họng. Bà nói ra vẻ ân cần:
“Chắc chú thím cũng còn nhiều nơi phải đi thăm nom, thôi vậy lần sau thì ở chơi với chúng tôi lâu hơn.”
Vợ Hướng nhanh nhẩu:
“Thưa chị, bên họ ngoại các cháu có mấy người ở thành phố Biên Hoà cũng là ông bác bà cô cả. Chúng em tranh thủ đến chào hỏi cho phải đạo.”
Ông Thịnh kéo Hướng ra ngoài phòng khách thầm thì dặn dò việc hương khói mồ mả tổ tiên. Ông móc túi đưa cho Hướng cái đồng hồ mầu vàng chói chang như để trả công. Ông nắm tay Hướng giọng sụt sùi:
“ Thôi thì mồ mả tổ tiên ngoài đấy nhờ chú thím chăm nom chứ còn biết trông cậy ai.”
Ông bà Thịnh đưa vợ chồng Hướng ra trước cửa nhà gọi một chiếc xích lô đạp đón xe đi Biên Hoà. Sau khi trả tiền cho người đạp xe, ông nói như khóc:
“Thế nào cũng có ngày tôi ra ngoài ấy thăm bà con họ hàng mình, mồ mả tổ tiên còn cả đấy.”
Chiếc xe từ từ lăn bánh một cách nặng nhọc. Ông bà Thịnh đứng trông theo cho đến lúc quá tầm mắt. Ngồi trên xe, Hướng nắm chặt bàn tay vợ đeo chiếc nhẫn vàng, mắt nhìn lên những toà nhà cao tầng hai bên phố. Hướng nghĩ đến mấy bộ quần áo chắc là “hàng ngoại”, đôi giầy đen bóng và nhất là chiếc đồng hồ mầu vàng chói chang đang nằm trong chiếc ba lô. Vợ chồng Hướng đã thực sự đổi đời. Bất chợt anh công an xã lẩm bẩm:
“Giá mà người trong này ra giải phóng ngoài ấy mới đúng. Thôi thì… tôi giải phóng tôi.”
Niềm tin...nhầm chỗ
Mấy hôm nay cả Lề trái , Lề phải , trong ngoài nước đều nói đến Hoà giải , hoà hợp . Nhiều bài viết , nhiều cách suy nghĩ , suy luận ... Tôi thử kể lại một câuchuyện thật 100% . Để ta có một cách nhìn khác hay không ?
Từ 1962 , gia đình tôi có nhà cho thuê , một người thuê nhà lúc ấy là một Đại uý VNCH tên Toàn. Hai vợ chồng người gốc Bắc ( Nam Định ) có 5 con , 3 trai 2gais . Các con gái đẹp như tượng Đức Mẹ đồng trinh . Hai gia đình chúng tôi kết thân và quý trọng nhau cho dù qua nhiều lần trao đổi ông sĩ quan. VNCH này biết chắc Ba tôi là VC nằm vùng , hoạt đông trí vận . Kịp đến khi Ba Tôi bị bắt tù vào năm 1966 , ông Toàn lên cáp bậc Trung tá và 1972 là Đại Tá phụ trách Quân Nhu toàn Quân Khu 1 lúc bấy giờ cho đến 1975 . Có hai điều cần nói là Quân nhu VNCH chính như Tổng Cục Hậu Cần QKhu . Cả nước VNCH lúc ấy chỉ có 4 QK và QK 1 rất lớn bao gồm từ Vĩ tuyến 17 đến hết các tỉnh Miền Trung . Nghĩa là trong tay Đại Tá Toàn này khg thiếu một thứ gì và phương tiện quân vận như máy bay , tàu biển, xe ô tô khg thứ gì là khg có . Vậy mà cuộc sống gia đình ong rất thanh bạch , nhà thì ở Khu gia binh ( đường Trần Phú ĐN ) , khg có nhà riêng sau khi hết thuê nhà tôi .
Điều thứ hai cần kể là lúc Ba tôi bị giam ở nhà lao Thừa Phủ Huế thì ông Đại Tá này thường xuyên cấp máy bay trực thăng cho Mẹ tôi ra thăm nuôi Ba tôi ! Khi Ba Tôi bị đưa ra xét xử cong khai ở Toà án Quân sự mặt trận lưu động tại rạp hát Trưng Vương Đà Nẵng cuối năm 1967 thì Trung Tá Toàn đã hộc tốc chạy về nhà tôi chở Mẹ tôi lên chỗ xử và can thiệp cho Mẹ tôi được gặp Ba tôi . Vậy đó người sĩ quan VNCH này có sợ ảnh hưởng không? Tôi chắc rằng ở cương vị đó ông thừa sức hiểu những phiền toái sẽ đến với mình , nhưng tôi hiểu ông xem tình nghĩa bạn bè gặp lúc hoạn nạn lớn hơn việc phải đối phó sau này ! Hoặc giả trong quân đội ấy , trong xã hội cũ ấy cái tình , cái nghĩa được trân trọng để khg sợ những hậu quả trong giao tiếp , quan hệ .
Sau này khi tôi còn học năm cuối ở trường Đại học ( năm 1976 ) năm lần bảy lượt tôi được Đoàn trường gọi lên yêu cầu Tôi khg được ở cùng các bạn học mà tôi đã ở từ năm thứ nhất (1973 ) . Lý do là họ con Dại tá , Trung tá Nguỵ ,còn tôi được xem là gia đình CM. Toi đã khg chịu , vẫn ở với nhau cho đến ngày ra trường . Có lẽ đó là một lý do để tôi không được vào Đoàn , Hội gì hết !
Vậy đó , cho đến ngày ĐN nhốn nháo chờ quân giải phóng vào thành . Gia đình tôi hết sức căng thẳng vì sợ Ba tôi bị thủ tiêu trước khi chế độ cũ sụp đổ . May mắn việc đó đã khg xảy ra dù Ba tôi đúng là có trong danh sách cần giải quyết trước khi rút chạy . Tôi cong nhớ vào khoảng ngày 26/3/1975 , ông Đại tá Toàn đã lái xe về nhà tôi , đòi gặp Ba tôi cho được và chỉ để đặt ra một câu hỏi là Tôi nên ở lại hay nên di tản . Câu hỏi đặt ra vào lúc cận kề nhung với quyền lực, khả năng của ông ta thì việc ra đi ,di tản như thò tay vào túi lấy món vật nhỏ . Thời điểm ấy , với tấm lòng thành thực , niềm tin và sự hứng khởi CM thành công đã gần kề , Ba tôi đã khg ngần ngại trả lời : ở lại thôi Bác ạ , Hoà bình rồi , đất nước của mình làm lấy mà ăn chứ chạy đi đâu ! Ông Đại tá đã đồng tình : đúng rồi , Tôi đã đi Mỹ học, đã làm việc nhiều năm với Mỹ , tôi hiểu thân phận người mình khi đi tản như vậy . Điều ông còn băn khoăn là liệu có sự trả thù hay lỡ ra vo tình bị quét chung với tàn quân không ? Bằng tất cả tấm lòng và sự hiểu biết qua tài liệu tuyên truyền , Ba tôi bảo đảm sẽ khg có sự trả thù , sẽ sớm ổn định để mọi người dân bình đẳng như nhau sống và làm việc trong chế độ mới ! Tội nghiệp cho Ba tôi , ông ta đã bảo đảm một điều quá sức mình với lỏng tin trong sáng , thơ ngây đầy tính nhân văn mà tôi nghĩ hầu hết người miền Nam vào lúc ấy đều chung cách suy nghĩ ấy cho dù mỗi người lo âu mỗi cách , và dù hoàn cảnh cos khác biệt nhau . Cho đến sau này nhiều năm , Ba tôi vẫn giữ niềm ân hận ,ray rứt trong lòng cho đến lúc gặp lại người bạn cũ từ trại cải tạo trở về .
Ông Đại tá và gia đình đã ở lại ĐN , không di tản theo đoàn quân thất trận dù cho đến lúc cuối cùng của ĐN , ông cũng đủ sức lo một chổ an toàn cho cả gia đình ông trên chuyến tàu Trường Thành còn neo ở Cảng ĐN khi Quân giải phóng tiến vào . Để an toàn trong cơn biến loạn ấy , ông đưa vợ con về nhà tôi ở từ tối ngày 28/3 cho đến 3,4 /4 mới trở về nhà sau khi đã đi đăng ký tại UB quân quản .
Tan nát , chỉ có thể nói đúng tận cùng nghĩa tan nát sau khi ông Đại tá lên đường đi học tập cải tạo với lời hứa hẹn chỉ tập trung học trong vòng 15 ngày trở lại . Năm đầu tiên , gia đình ong còn được ở trong khu gia binh cũ . Đối phó với cái ăn , cái mặc của một gia đình lính không nhiều của ăn của để và khg quen xoay xở , chạy chợ là vô cùng vất vả ,tối tăm . Các con phải bỏ học gần hết do cha ở cấp bậc ấy và được liệt vào loại có nợ máu . Mô Phật , lạy Chúa , Tôi biết cả gia đình này chưa tùng dám cắt cổ một con gà , bản thân ông học hết trường này đến trường khác , máu me nào mà nợ . Nhưng thôi , trong một nghĩa nào đó của người thắng trận , tham gia , tiếp tay cho quân đội Nguỵ là đã vay nợ hay dây nợ rồi ! Thời gian này gia đình tôi chỉ biết lui tới , động viên và đau khổ nhìn họ ngày càng khó khăn , bế tắc.
Sang đến năm thứ hai , khu gia binh này được trưng dụng , có lẽ để làm nhà ở cho đoàn quân vào tiếp thu , xây dựng xã hội mới . Gia đình ông Đai tá có tên đi Kinh Tế Mới đầu tiên của ĐN . Và một buổi chiều sập tối cả gia đình cùng một số hoàn cảnh tương tự được bỏ xuống vãnh rừng hoang vu như chưa hề có bóng người ở , sau này đặt tên là Khu KTM Khuê Ngọc Điền ! Lương ăn được phát cho 30 ngày gạo , vài chiếc rựa ...không nhà , không điều kiện sống mà tất cả phải tự làm lấy . Tan nát , tan nát ,còn chữ nào hơn khg khi một cậu con trai sau một thời gian lao động bị nhiễm trùng uốn ván , khg phương tiện chạy chữa đã chết . Cô gái đến tuổi cập kê , đẹp như Đức Mẹ ngày xưa đã lấy một chàng thợ mộc làng cho xong một đời . Nhưng cũng không xong , đẻ hai đứa con , chàng thợ mộc rượu chè , đổ đốn , cô gái trẻ một mìn vác hai con về mẹ dù khó khăn cùng khó . Những người con khác làm rẫy kiếm sông cho qua kiếp người vẫn hy vọng bố về .( nhưngx chuyện này được kể khi tôi gặp lại năm 1991) . Gia đình Tôi biệt tin , mất liên lạc nhiều năm vào giai đoạn cả nước khổ lo cơm áo .
Năm 1991, tôi làm TNXP xây dựng kinh tế , đưa quân len Buôn mê Thuộc xây mấy cái Kho Bạc cho NN , tôi vẫn cố tâm tìm cho được gia đình ong Đại tá đâu đó vùng này . Thời may , anh thợ mộc (chồng cô con gái như Đức Mẹ ấy, lúc ấy vẫn còn sống với nhau) lại xin làm chổ công trình . Lân la dò mãi Tôi tìm được gia đình ấy , lúc bấy giờ nhờ phong trào khai khẩn làm cây cà phê , anh con trai đầu và bà mẹ khuê các năm xưa kịp làm được chục hecta cà phê , cuộc sống bắt đầu khá lên . Gặp nhau chỉ có nước mắt , không lời than vản , khg trách cứ ai , họ làm và chờ ngày ông Đại tá ra tù .
Ba năm sau , tôi gặp lại ông Đại tá ngày nào . Già , gầy nhưng hình như có điều gì đó tan vỡ trong ông ? Ông hỏi tôi giờ này ông còn làm được gì , và cười buồn yên phận người nông dân .
Hai năm sau ngày ông cựu Đại tá trở về , gia đình tôi vui mừng đón người bạn cũ đầy tang thương tại nhà tôi ở ĐN . Cùng đi có cậu con trai đầu , năm ấy đã 40 tuổi nhưng nhất quyết không chịu lập gia đình . Nhỏ hơn tôi hai tuổi , nhưng trông cậu già hơn tôi đến 10 tuổi . Lầm lì , không cởi mở , không hiểu có oán trách gì Ba tôi không ,nhưng cậu gần như thiếu thiện cảm mọi chuyện cho dù Ba tôi đã rất cố gắng chuyện trò , hỏi han . Riêng với tôi, có thể những giọt nước mắt cùng nhau ngày gặp lại ở Daklak cũng làm cậu phần nào thông cảm nên cậu nói nhờ tôi nói với Ba tôi có lời khuyên Ba cậu ( ông Cựu Đại tá ) chấp nhận đi Mỹ theo diện H.O. Mà ông còn rất phân vân . Chưa biết phải nói chuyện với Ba tôi thế nào vì tôi vẫn là thằng con mà Na tôi không mấy tin cậy về " tinh thần CM ", nếu khg muốn nói là luôn cảnh giác với những suy nghĩ đáng ngờ , khg đủ lòng tin cuộc CM XHCN của Tôi , thì sâu ba , bốn hôm ớ chơi thăm viếng mọi người , cha con ông Cựu Đại tá chuẩn bị hôm sau về lại DAklak . Tối hôm ấy , ông mời Ba tôi và tôi ngồi nói chuyện . Có lẽ ông nghĩ tôi bây giờ đã làm đủ chuyện , có thể tham gia nén cho ngồi dự thính . Nhiều tâm sự được nói ra và lần đầu tiên ông hé mở cho chúng tôi biết những ngày trong trại cải tạo của ông và bạn bè . Chỉ là nước mắt nuốt ngược vào trong và một tinh thần cam chịu vô bờ bến để còn mong ngày trở về gặp được vợ con ! Cuối cùng , ông nói ( đại ý ) : hôm nay ông muốn gặp lại Ba tôi , người đã có lời khuyên ông ở lại ngày nào . Ông khg chút nào oán trách Ba tôi hay bất cứ ai vì ông tin sự khổ nạn Chúa bắt ông phải gánh chịu cho cuộc sống trước đây của ông , nhưng ông quá thương các con và gia đình nên giờ đây ông muốn Ba tôi trả lời với ông là Ông và gia đình ông nên đi hay ở lại . Giờ đây gia đình ông có hàng vài chục hecta cà phê . Cuộc sống bắt đầu đi vào ổn định , nhưng hơn ai hết ông hiểu con người khg chỉ cần có cuộc sống no đủ , sung túc , mà họ cần một tương lai , cần sự bình đẳng giữa quá khứ Nguỵ quân với người Công Dân hiện tại . Có được hay không ông cần Ba tôi nói cho ông là ông nén làm thủ tục đi H.O hay không?
Nước mắt ở một người như Ba tôi thật là hiếm có , vậy mà hôm ấy nước mắt ròng ròng Ba tôi nói Tôi có lỗi với Bác , với các cháu do sự thiếu hiểu biết của tôi . Tôi có ngờ đâu hôm nay Bác buộc Tôi phải nhìn lại mình , nhìn lại niềm tin mà mình đã bỏ cả tuổi thanh xuân , cả gia đình mình mà tôi đã rất muốn quên cho qua ngày tháng . Tôi cũng chờ mong sự thay đổi , nhưng tôi có biết đến bao giờ để nói Bác cùng chờ với tôi . Tận đáy lòng mình tôi mong bác ơr lại cùng tôi , cùng dân tộc mình nhưng điều tôi phải khuyên Bác bây giờ là Bác hãy ra đi nếu có thể ! Hai người đàn ông luống tuổi cầm tay nhau rơi nước mắt . Hai mươi mốt năm sau vẫn câu hỏi ấy mà sao xé lòng đến vậy ! Đi hay ở ? Khoảng cách nào sâu thẳm đến vậy mà bao nhiêu năm vẫn cứ khoét sâu . Lòng người sao yên khi quá nhiều điều làm chia xa đến vậy !
Hai năm sau ( năm 1988 ) , chúng tôi được tin cả gia đình ông Cựu Đai tá đã ra đi theo diện H.O. Rồi lại bặt tin nhau lâu lâu , cho đến khi Ba tôi qua đời . Có dịp ông hỏi Tôi , con đi Mỹ như vậy có găpj hay có tin tức gì về nhà Bác Toàn không ? Tôi nói ông khg dễ đâu Ba ạ . Nước Mỹ to lớn thế kia , người như bác Toàn lại muốn yên lặng , khg xuất hiện , khg ồn ào thì khó hỏi ra . Tình thật tôi khg muốn Ba tôi thêm buồn khi biết thêm đời sống ở Mỹ của họ . Tôi có dò hỏi , liên lạc nhưng sự việc là thế này .
Một lần gặp người quen cũ ở cùng xóm cho tôi số ĐT liên lạc cùng gia đình Bác Toàn . Qua người quen này Tôi biết được ông sông yên ổn ở Virginia gần Washington , có căn nhà nhỏ , sống bằng tiền hưu bổng . Các con ông đều ở riêng , ổn định không giàu có gì và bằng lòng cuộc sống . Một lần , trên đường đi , tôi ĐT vào số ĐT nhà ông , ông trả lời , vui mừng hỏi thăm Ba tôi và những người quen biết . Cuộc ĐT hơn 30' nhưng ong khg hề có ý mời tôi đến thăm nhà . Khi Tôi bảo sẽ đến Washington và có thể tìm đến thăm vợ chồng ông . Ông ngập ngừng rồi bảo thời gian đó ông bà đi khỏi khg có nhà ! Hơi buồn nhưng Tôi hiểu những lo ngại của người Việt nước ngoài khi có người đang công tác trong nước đến chơi nhà . Họ sợ những phiền toái mà Cọng đồng người Việt truy chụp họ khi có nhiều mối giao du với người trong nước . Nên thôi . Toi không còn ý mong muốn gặp lại họ dù lòng rất buồn .
Một diipj khác , khi đến Boston ( Masachuset ) , biết cậu con đầu của ông Toàn ở đây , tôi tìm đến gặp . Rồi lại thêm buồn vì khi chuyện trò , cậu em này cứ luôn miệng hỏi tôi nhận nhiệm vụ gì của VC để đến Mỹ và hỏi tôi có nhiều tiền do tham ô, tham nhũng gì khg ? Thì ra theo cách tuyên truyền của các tổ chức chống cong hải ngoại là hầu hết người Việt trong nước đi ra là có nhận nhiệm vụ ( như là gián điệp hay tuyên truyền ...) . Còn lạ người có tiền đi ra nước ngoài phải là cán bộ cấp cao biết tham ô , tham nhũng ,! Cái gì , điều gì đã khiến người Việt với nhau khó nhìn nhận nhau trong thiện chí . Khoảng cách nào đã làm cho tình thân giữa chúng tôi dẫn đến tình trạng hôm nay ? Hỏi , lòng nặng trĩu ,ngàn câu trả lời nhưng tôi thấy giữa người Việt chúng ta khg còn lòng thành thật với nhau , nghi kỵ , sự dối trá đã mài mòn , giết chết tất cả . Cho nén làm sao nói cho Ba toi hiểu được điều này , chỉ làm ông thêm buồn mà thôi . Hơn nữa ông đã già rồi , không còn đủ thời gian hay sức lực để làm điều gì khác cái ông đã tin yêu . Cho dù tôi biết im lặng trong trường hợp này cũng là sự dối trá . Đành vậy .
( Viết trong dịp 39 năm ước mơ hoà giải , hoà hợp dân tộc )
Nguyễn Trung Dân