Tuesday, 19 August 2014

Linh Hồn Không Chiến Tuyến - Phan Hạnh

  (ảnh minh họa)

Trước đây tôi cứ tưởng hai chữ “Việt Cộng” chỉ có những người thuộc phe bên này chiến tuyến dùng để gọi những người phía bên kia, cũng giống như những người bên kia chiến tuyến gọi người bên này là Mỹ Ngụy. Bây giờ tôi mới biết người bên kia chiến tuyến cũng tự gọi họ là Việt Cộng, một từ ngữ gợi hình ảnh xấu xa hơn là tốt đẹp. Chính vì thế tôi mới tò mò xem phim Linh Hồn Việt Cộng (LHVC) cho biết. Xem xong, tôi thắc mắc khôn nguôi nên mới mò mẫm đi tìm sự thật. Ðang sống trong một quốc gia đã phát triển với đầy đủ quyền tự do của con người, tôi chẳng bị ai bắt buộc phải phát biểu khác đi những ý nghĩ chân thực của chính tôi. Tôi muốn tìm hiểu sự thật chỉ vì một mục đích duy nhất; đó là vạch trần những điều không thật. Mà phim LHVC, một phim tài liệu, lại chất chứa rất nhiều điều không thật.




Kỳ 1: Phim Linh hồn Việt Cộng do từ đâu?


  Thành thực mà nói, nếu cựu chiến binh Homer Steedly Jr. là người vô tâm vô cảm thì đã không có cuốn phim Linh Hồn Việt Cộng (LHVC). Cái ngày định mệnh 18/3/1969, trên đỉnh đèo Mang Yang thuộc tỉnh Gia Lai, trung úy Steedly Jr., 23 tuổi, dắt một trung đội thuộc tiểu đoàn 1/8, Sư Ðoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ đi hành quân tuần thám và bắn chết cán binh y tá Việt Cộng Hoàng Ngọc Ðảm, 25 tuổi, quê quán ở làng Thái Giang, tỉnh Thái Bình thuộc bộ đội cộng sản Bắc Việt và được gửi vào Nam chiến đấu, bổ sung cho đội giải phẫu tỉnh Gia Lai. Trung úy Steedly tịch thu một mớ tài liệu gồm giấy tờ tùy thân của Ðảm gồm 3 giấy khen,  một quyển vở học trò ghi chép một số phương thức cấp cứu y học và phẫu thuật, một cuốn sổ cẩm nang toán học và vài giấy tờ khác, vài lá thư và một bằng lái xe của đồng đội tên Nguyễn Văn Hai. Trong cuốn sổ học là những hình vẽ chi tiết bên trong về cơ thể người. Trong một cuốn sổ khác, những trang cuối có cả những ván cờ carreaux chằng chịt đan xen chi chít vào nhau. Sau khi đã nộp mớ tài liệu này cho Ban 2 tiểu đoàn để lượng giá và khai thác, Homer Steedly xin lại để làm kỷ niệm và gửi về nhờ cha mẹ ở bang South Carolina cất giữ.


Sau khi giải ngũ, làm việc và về hưu năm 2004 và dọn về miền núi Tây Bắc Carolina, Homer rảnh rỗi mới nhớ lại mớ tài liệu đó và nảy ra ý định muốn trao trả lại cho thân nhân người quá cố. Homer “post” câu chuyện của mình lên trang mạng đơn vị cũ. Chuyện của Homer Steedly mang tính chất ly kỳ tương tự như chuyện Nhật Ký Ðặng Thùy Trâm nên được nhiều đọc giả vào xem, nhất là bạn đồng ngũ khi xưa. Một trong những người này là Tom Lacombe, một nhà văn từng viết quyển tiểu thuyết Light Rucksack (Túi Quân Hành) kể về những người lính bộ binh Mỹ ở Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam. Tom Lacombe liên lạc với Wayne Karlin, cũng là một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam và hiện đang là giáo sư của một trường cao đẳng tiểu bang Maryland. Wayne thuộc phân khoa Văn Chương và Ngôn Ngữ, phụ trách một chương trình của trường nhằm cổ động và khuyến khích việc trao đổi văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam.


Wayne Karlin có vài người bạn trong giới cầm bút ở Việt Nam, nhất là Phan Thanh Hảo, nữ chủ nhân tờ báo Giáo Dục và Thời Ðại. Báo này đăng lên câu chuyện Homer Steedly tìm thân nhân của tử sĩ Hoàng Ngọc Ðảm. Người nhà của Ðảm hay tin và liên lạc với Hảo, Hảo điện thư cho Wayne, và thế là Homer bắt liên lạc được với thân nhân của  Ðảm ở tỉnh Thái Bình. Trong một chuyến đi Việt Nam tháng Chín năm 2005, Wayne tình nguyện thay mặt Homer mang di vật của Ðảm trả về cho gia đình Ðảm. Hai năm sau, ngày 15/6/2007, một người bạn cựu chiến binh khác là Doug Reeve đi Việt Nam và về quê của Ðảm giàn xếp trước cho cuộc gặp gỡ tận mặt của Homer với gia đình Ðảm.


Tháng Năm 2008, Homer đi Việt Nam giúp thân nhân Ðảm đi vào chiến trường xưa ở Gia Lai tìm mộ Ðảm và mang hài cốt của Ðảm về quê cải táng. Homer làm được một việc nghĩa vì lương tâm và vì lòng nhân. Và đạo diễn Minh Chuyên thuộc Trung Tâm Phim Tài Liệu và Phóng Sự của Ðài Truyền Hình Việt Nam thừa cơ hội tốt làm phim LHVC để tuyên truyền và lấy tiếng.


Linh Hồn Việt Cộng (LHVC): cái gọi là phim tài liệu


Theo nguyên tắc, nếu đã gọi là phim tài liệu thì lời dẫn giải cho phim phải mang tính trung thực khách quan. Cộng Sản Bắc Việt đã có chủ trương thống nhất đất nước bằng võ lực, quyết xua quân thôn tính miền Nam kể từ khi Hiệp Ðịnh Genève ký ngày 27 tháng Tư năm 1954 chia đôi đất nước còn chưa ráo mực, khi quân đội Mỹ chưa sang Việt Nam. Có sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam hay không, Việt Cộng vẫn đánh chiếm VNCH.


Thế nhưng, trong phim LHVC, lời dẫn giải (thuyết minh) vẫn gọi đó là “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Khi binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi chiến trường Việt Nam ngày 29 tháng Ba 1973 theo Hiệp Ðịnh Paris ký kết hai tháng trước đó (ngày 27 tháng Giêng năm 1973), CSBV rảnh tay và dốc toàn lực dứt điểm miền Nam. “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” chẳng qua chỉ là một chiêu bài che đậy thực chất xâm lăng của CSBV mà thôi.


Ý tưởng thực hiện phim tài liệu LHVC được Minh Chuyên của Ðài Truyền Hình Việt Nam (nhà văn được quảng cáo là có gần 100 bài viết thuộc nhiều thể loại kiêm đạo diễn của 25 phim về đề tài thương binh, tử sĩ và hậu chiến) thai nghén và nắm bắt kể từ năm 2005 khi một cựu quân nhân Mỹ tìm cách liên lạc với gia đình của tử sĩ Hoàng Ngọc Ðảm để trao lại một số di vật của Ðảm.


Ðây quả thực là một câu chuyện hấp dẫn thứ nhì sau vụ nhật ký Ðặng Thùy Trâm. Ðiều đó đã được minh chứng khi phim LHVC đã dành một đoạn chiếu lại cảnh Fred Whitehurst, một cựu quân nhân tình báo Mỹ, người đã tịch thu quyển nhật ký đó ngày 22/6/1970 ở Ba Tơ, Quảng Ngãi, ngồi khóc nức nở trước mộ Ðặng Thùy Trâm hồi tháng Bảy năm 2005.


Chuyện của Homer về cái chết của Ðảm cũng sống động không kém mà nếu đưa lên màn hình chắc chắn sẽ khều được nước mắt của đa số người xem dễ tính, nhất là nếu câu chuyện đó được thêm thắt nhiều tình tiết kịch tính và bi thảm hóa. Chuyện đó, một đạo diễn dạn dày kinh nghiệm như Minh Chuyên có thừa khả năng để làm.


Nhưng phải chi công tâm nghề nghiệp trong sáng của một người làm nghệ thuật không bị tư tưởng chính trị chỉ đạo và chi phối; phải chi óc sáng tạo của nghệ sĩ không bị chính sách nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam gò bó theo qui luật kiểm duyệt; phải chi người làm phim trong nước được tự do phát huy tài năng không thiên kiến; và phải chi đừng gán gọi nó là một phim tài liệu.


Phim LHVC đã không được như thế; nó vẫn mang một mẫu số chung là sặc mùi tuyên truyền cố hữu, bóp méo sự thật và cường điệu. Hóa ra nó cũng chỉ là một phim phóng sự hời hợt lợi dụng một câu chuyện cảm động và những tấm lòng chân thật từ cả hai phương trời Mỹ Việt để lồng vào đó mục đích tối hậu duy nhất là tuyên truyền đổ hết mọi lỗi lầm cho Mỹ, thần thánh hóa tất cả mọi cái chết của chiến binh Việt Cộng là anh hùng, coi mọi chiến binh Mỹ là hèn nhát và sự hy sinh của họ trên chiến trường Việt Nam là vô nghĩa.


  Chúng ta hãy nghe phim mở đầu bằng lời dẫn giải như sau: “Cuộc chiến tranh Việt Nam do quân đội Mỹ gây ra đã để lại hậu quả rất nặng nề. Hơn chín triệu người chết là người trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoạt động kháng chiến, và vì chất độc hóa học.” Lời dẫn giải của người làm phim tiếp tục tuôn ra những “quân dân Việt Nam anh dũng vùng lên đánh đuổi đạo quân xâm lược”, “tội ác chiến tranh do quân đội Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam”, “lính Mỹ sang đây để chết một cách vô nghĩa”, “cuộc chiến giữa quân đội Giải Phóng Miền Nam Việt Nam với quân đội Mỹ” và để rồi kết luận, “Trong giờ phút cuối cùng, chúng tôi xin được gọi anh Hoàng Ngọc Ðảm ơi, anh là người anh hùng. Người lính Mỹ bắn anh năm xưa đã phải vượt nửa vòng trái đất về đây cầu xin anh tạ tội. Ðiều đó càng khẳng định cái chết của anh, cái chết làm quân thù phải run sợ.”


Phim chỉ dài 30 phút được trình chiếu lần đầu tiên trên Ðài Truyền Hình VTV1 lúc 22g15 ngày 23-7-2008 và chiếu lại ngày 27-7-2008, thế mà nhiều cơ quan truyền thông trong nước và báo Sàigon Giải Phóng Online  gọi đó là “bộ phim” và chạy một cái tít kêu hết mức là “Phim tài liệu Linh hồn Việt cộng đẫm nước mắt nhân văn”.


Bài báo đó tóm lược chuyện phim như sau: “Linh hồn Việt cộng” là một câu chuyện thấm đẫm nước mắt. Tranh thủ về phép, người lính Hoàng Ngọc Đảm làm đám cưới với cô Phan Thị Minh. Hai ngày sau, anh chia tay vợ trở lại với đơn vị. Trên ngọn đồi ở Ayunpa, người lính Việt cộng – Hoàng Ngọc Đảm đã giáp mặt với người lính Mỹ Homer (Steedly Jr.)


 Khi thấy Homer đưa tay đầu hàng, Hoàng Ngọc Đảm tiến lại gần định tước vũ khí. Không ngờ vì quá sợ hãi, Homer đã nổ súng. Viên đạn oan nghiệt kết thúc cuộc đời của người lính trẻ. Hối hận tột cùng, Homer mang theo tất cả giấy tờ, vật dụng của Hoàng Ngọc Đảm và cẩn thận cất giữ bên mình cho đến ngày từ giã quân đội Mỹ.


Giải ngũ, Homer trở thành một nông dân ở Carolina. Và khi lục hành trang của con trai, mẹ của Homer nhìn thấy di vật của Hoàng Ngọc Đảm, bà đã khóc và thành kính đặt lên bàn thờ nhà mình. Còn Homer cứ ray rứt và dằn vặt đến mức bị tâm thần nhẹ. Nhiều lần Homer muốn sang Việt Nam để tìm đến gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm cầu mong tha thứ, nhưng người cựu binh Mỹ cũng nghèo, đành bấm bụng ăn năn. Homer làm sao biết được, phía bên kia bán cầu ngớt tiếng súng đã lâu mà bà mẹ của người lính Việt cộng – Hoàng Ngọc Đảm vẫn chưa thấy con trai trở về. Buồn thương, bà mẹ bất hạnh ấy đã đi… xem bói.


Vốn nghề “bói ra ma”, thầy bói phán “Con bà đang sống sung sướng ở bên Mỹ!”. Mẹ của Hoàng Ngọc Đảm không tin con mình phản bội tổ quốc, cứ chiều chiều bà lại ra ngõ ngóng trông.


“Những giọt nước mắt nhân văn”

Trước khi qua đời, mẹ của Homer đã trao cho con trai tất cả số tiền bà dành dụm với lời trăng trối: “Một nửa dùng chữa bệnh tâm thần nhẹ của con, còn một nửa dùng làm lộ phí sang Việt Nam tạ lỗi cùng gia đình người lính Việt Cộng”.

Năm 2005, Homer nhờ một người bạn đưa di vật liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm trao tận tay thân nhân ở Thái Bình, đồng thời anh nhắn gửi: Nếu gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm cho phép, anh sẽ cùng đi tìm hài cốt liệt sĩ. Giữa tháng 5-2008, đặt chân đến căn nhà có mẹ và vợ của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm vẫn sống trong mỏi mòn, cựu binh Mỹ - Homer nghẹn ngào khóc: “39 năm qua, linh hồn anh Đảm vẫn ở bên cạnh tôi, khiến tôi không phút nào yên!”.


Lần theo trí nhớ của Homer, cuối tháng 5-2008, hài cốt liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm đã được tìm thấy ở ngay ngọn đồi mà ngày nào họ đã giáp mặt. Vậy là sau bao nhiêu năm tháng lạnh lẽo, liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm đã được đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thái Giang, linh hồn người lính Việt cộng đã được thanh thản nơi quê nhà. Và tâm can cựu binh Mỹ - Homer cũng bớt giày vò vì tội ác do mình gây ra.


Những dữ kiện sai lệch phản trung thực trong phim LHVC.


Sau khi được trình chiếu trong nước, phim LHVC được phần đông khán giả dễ tính đón nhận và tán thưởng. Phim nói lên được tính nhân bản của cả hai phía cựu thù. Họ từng đối nghịch chạm mặt và sát hại nhau nơi chiến trận vì nhiệm vụ của người chiến sĩ. Giờ đây qua rồi một cuộc đao binh, hai bên tìm đến nhau để tạo sự cảm thông tha thứ.


Homer Steedly chứng tỏ là một con người giàu lòng nhân ái. Anh hối hận sâu xa là đã cướp đi sinh mạng của một con người, dù chuyện đó chỉ là chuyện đương nhiên và thường tình nơi trận mạc. Giết hay bị giết. Dù vậy, anh vẫn tự đổ lỗi mình, và anh mang mặc cảm tội lỗi giết người đó suốt đời anh. Cái chết của Ðảm ám ảnh tâm trí anh, và anh muốn trao trả di vật cho gia đình kẻ đã bị anh giết chết. Anh muốn tìm một sự thanh thản cho tâm hồn.


Thân nhân của Ðảm cũng thế. Họ sẵn lòng tha thứ cho kẻ đã giết chết người thân của mình. Họ không nuôi hận thù, lại còn tỏ lòng biết ơn người đã giúp họ tìm được tin tức và dấu tích của người anh tử trận bị mất xác.


Nhưng đàng sau câu chuyện thương tâm đó, những người chủ trương làm phim LHVC đã phạm quá nhiều sự sai trái lỗi lầm, bịa đặt và ngụy tạo nhiều sự kiện vô lý, không xứng đáng được gọi là những người làm truyền thông có lương tâm chân thực.


Kiểm chứng và so sánh với hồi ký và với những bức thư Homer Steedly thường xuyên viết từ chiến trường và gửi về cho cha mẹ, chúng ta nhận ra ngay một số sai lạc (vì vô tình) hay bịa đặt (do cố ý).


1.Trước hết, trong ngày 19/3/1969 khi xảy ra cuộc chạm súng, Homer Steedly là Trung úy (chứ không phải là một binh sĩ quèn) giữ chức vụ sĩ quan thường vụ đại đội đang tạm thời dắt một trung đội đi hành quân tuần thám. Homer ra lệnh cho Ðảm hãy buông súng đầu hàng chứ không phải ngược lại. Trong phim LHVC, một người em của Ðảm là Hoàng Ngọc Lượng nói,”Homer Steedly đã bắn anh tôi và anh tôi đã nhường sự sống cho Homer vì Homer đã giơ tay chiêu hồi cho nên anh tôi thấy là đầu hàng nên không nỡ bắn người đã đầu hàng rồi; cho nên là chính cái điều đó Homer đã ăn năn hối lỗi và đồng thời là Homer đã phải chấp nhận ray rứt cái tình cảm và đồng thời ám ảnh cho đến 36 năm cho nên Homer đã tìm mọi cách để mà đưa các kỷ vật đó về cho gia đình chúng tôi.”


2.Homer sinh ra và lớn lên nơi một nông trại, trải qua tuổi thơ ở nông trại, nhưng không phải là một nông dân như phim LHVC nói.


3.Homer làm theo đúng nguyên tắc, giao tài liệu cá nhân và vũ khí tịch thu được của địch cho Ban 2 đơn vị để khai thác; sau đó mới xin lại và gửi về Mỹ nhờ bà mẹ cất giữ giùm năm 1969 (chứ không phải tự tiện lấy và tự tay mang về nước). Lời dẫn giải trong phim: ”Homer đã mang tất cả về nước Mỹ. Mẹ của Homer khi giở ra, bà đã khóc và đặt lên bàn thờ nhà mình. Từ đó, Homer cùng với người mẹ đã thờ các di vật này suốt hơn 30 năm.” Sự thật là Homer mãn hạn phục vụ ở chiến trường Việt Nam và trở về Mỹ năm 1970. Mãi cho đến năm 2005, khi thiết lập trang web cá nhân, Homer mới nhớ đến các di vật đã nhờ mẹ ông giữ nhờ mẹ tìm đưa lại cho ông.


4.Phim nhắc đến bốn lần chi tiết di vật của Ðảm được “thờ” trên bàn thờ trong nhà của mẹ con Homer. Chi tiết đó chẳng hề được thấy ở đâu cả trong những bài viết trên trang mạng của Homer Steedly. Hơn nữa, theo phong tục tập quán của người Mỹ, không có bàn thờ người chết hoặc tổ tiên đặt trong nhà nơi gia đình họ sinh sống. Lời dẫn giải trong phim: ”Homer cho biết 36 năm qua người mẹ của Homer đã cất giữ và thờ các di vật. Dường như có một phần linh hồn Hoàng Ngọc Ðảm hiện hữu trong gia đình Homer và ông ấy luôn cầu nguyện xin được xá tội.”


5.Lời dẫn giải cho phim rõ ràng mang nặng tính cách tuyên truyền. Mặc dù sự thật đã phơi bày cho thấy cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến do quân đội cộng sản miền Bắc xâm lược miền Nam, nhưng phía Việt Cộng luôn luôn trắng trợn bịp bợm dư luận khi trâng tráo cho rằng dân quân miền Nam nổi dậy chống đế quốc xâm lược Mỹ. Lời thuyết minh dẫn đọc trong phim nói trận đánh ở Pleiku, Gia Lai xảy ra giữa quân đội Mỹ và quân đội của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Thế thì anh chiến binh Hoàng Ngọc Ðảm quê ở Thái Bình ngoài Bắc bỗng dưng làm gì ở miền Nam để bị giết chết? Rõ ràng trong phim, một người em của Ðảm nói Ðảm “vào Nam chiến đấu”. Lý lịch quân bạ của Ðảm cũng ghi thời gian nhập ngũ năm 1962 và “đi B” (tức vào chiến trường miền Nam) năm 1964.


6.Lời dẫn giải phim cho rằng Homer giết Ðảm “vì hèn nhát và sợ hãi”; thế thì nếu Homer cứ đứng yên cho Ðảm bắn chết thì hành động đó là anh hùng chăng? Homer chỉ nói rằng giá như anh ta không hốt hoảng và đủ bình tĩnh thì anh ta sẽ chỉ bắn cho Ðảm bị thương mà thôi.


7.Trong lúc Homer Steedly mang theo tấm lòng từ bi ra trận mạc như vậy thì ông đạo diễn Minh Chuyên phát biểu với giọng điệu sắt máu nặc mùi tuyên truyền: “Tôi nói với họ, hơn ba mươi năm trước gặp nhau chắc tôi đã nhanh tay bắn chết các ông rồi; bởi khi đó các ông là kẻ đi xâm lược và tôi là người lính đi cứu nước. Người lính phải có trách nhiệm bắn chết kẻ xâm lược. Còn giờ đây tôi và các ông vì một nghĩa cử cao đẹp cùng đi tìm linh hồn một người Việt Cộng, người đồng đội của tôi mà các ông đã sát hại. Nhưng cũng xin nhắc lại với ông rằng trong sâu thẳm ý thức thế hệ người Việt, lịch sử Việt Nam mãi có một cuộc kháng chiến đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Người Mỹ các ông vẫn còn phải có trách nhiệm về những hậu quả nặng nề do Mỹ gây ra.”


8. Sự thật ngoài đời, người mẹ của Hoàng Ngọc Ðảm đã chết vì bệnh tim chỉ vài năm sau khi nhận được tin con tử trận trong miền Nam. Nhưng trong phim LHVC, đạo diễn Minh Chuyên hư cấu cho vào phim hình ảnh một người mẹ già còng lưng chống gậy mỏi mòn tựa cửa trông con để khều nước mắt khán giả. Thế mà gọi là phim tài liệu ư?


9.Lại sự thật ngoài đời, bà Phạm Thị Minh, người vợ 9 ngày của Ðảm, sau khi hay tin Ðảm mất, bà đã lấy chồng khác và sinh mấy người con. Ðạo diễn Minh Chuyên đưa hình ảnh chị vào phim khiến cho người xem có cảm tưởng đó là một người vợ trọn đạo thủy chung thủ tiết chờ chồng và vẫn còn chung sống với gia đình nhà chồng. Lại một sự lập lờ có chủ tâm khác của đạo diễn Minh Chuyên.


10.Trong phim LHVC, chuyện xem bói đã được bịa ra để thi vị hóa câu chuyện. Trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, con người trong xã hội miền Bắc không thể tự do mê tín dị đoan như bây giờ. Phim kể rằng sau khi nhận được giấy báo tử của con, mẹ của Ðảm nhận được giấy báo tử gửi về, và bà đã đi xem bói. Thầy bói nói Ðảm đã theo địch, đi qua Mỹ “và nó sẽ trở về vô cùng vẻ vang”. Phải chăng những người làm phim đã dùng tư duy và tâm cảnh của năm 2008 để gán vào nếp nghĩ suy của con người 39 năm trước sống trong một bối cảnh xã hội khác. Thầy bói dưới chế độ cộng sản miền Bắc thuở đó liệu có dám nói công khai như vậy về một liệt sĩ hay không? Người em tên Hoàng Ngọc Cát của Ðảm là bí thư đảng ủy xã Thái Giang, một đảng viên cộng sản hóa ra cũng tin ở tà ma.


11.Sau cùng là nghi vấn về danh tính người chết. Theo sự hiểu biết và phân tích của các cựu chiến binh Việt Cộng, người bị trung úy Homer Steedly bắn chết có khi không phải là Ðảm mà là một chiến sĩ bộ binh trẻ nào khác. Năm 1969, Ðảm 25 tuổi, lớn hơn Homer 2 tuổi. Theo sự mô tả của Homer, “Ðảm rất, rất trẻ” (nhật ký Homer ngày 19/3/1969 đã dẫn). Hơn nữa, nếu bảo người đó là y tá Ðảm thuộc đội phẫu thuật tỉnh Gia Lai thì Ðảm có mặt một mình trên đồi 467 lúc đó để làm gì, và tại sao trong người không có mang theo bất cứ y cụ cứu cấp nào; thay vào đó lại là một khẩu AK-47 còn nguyên vết dầu mỡ. Giấy báo tử của Ðảm ghi Ðảm hy sinh ngày 9 tháng 4 năm 1970, trong khi Homer bắn chết người (được coi là Ðảm) ngày 18/3/1969, trước đó cả năm trời.


Nói tóm lại, phim LHVC tuy gọi là phim tài liệu nhưng chất chứa đầy dẫy những sai lệch và vẫn không thoát khỏi chủ trương tuyên truyền một chiều cố hữu của người cộng sản.

Phan Hạnh - NTH