Tuesday 19 August 2014

Từ Cánh Đồng Mây với Nguyễn Lân Bình (Cháu nội văn hào Nguyễn Văn Vĩnh)


Buổi nói chuyện của chương trình
Từ Cánh Đồng Mây
với
CCB  -  CHỦ BIÊN
http://media.thethaovanhoa.vn/2013/05/12/05/25/nguyenlanbinh.JPG
NGUYỄN LÂN BÌNH
(Cháu nội văn hào Nguyễn Văn Vĩnh)
“Điều anh em nghe được trong bóng tối hãy nói nơi ánh sáng,
điều anh em nghe rỉ tai nhau hãy rao giảng trên mái nhà”. - (Mt 10:27)

VĂN HÀO
https://encrypted-tbn3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcT89UcWHOqrBgPfgYytoe2bOPpEceLn9_saHva7CVKuzDAb4iotIEsPpDw
NGUYỄN VĂN VĨNH
1882 - 1936
                                                                                            
“Mây hạc sẽ về đâu, ôi bạn ta ngọc báu của năm châu, kim khánh chửa từng đeo, há có như núi vàng mà cướp người tài mang đi mất.
Sóng biển còn như cũ, nhớ lão phu duyên trước đã mười năm, tiếng xe còn chung vẳng, biết bao giờ gặp lại để cùng trẻ tạo cuộc rong chơi.”

(Điếu văn Phan Bội Châu viết gửi từ Huế đến đám tang Nguyễn Văn Vĩnh, ngày 8/5/1936)
Nguyễn Văn Vĩnh
Một trong những người tiên phong hoàn thiện chữ Quốc ngữ
Nguyễn Lân Bình – Cháu nội của ông Nguyễn Văn Vĩnh
Công bằng với Lịch sử là việc cần làm, điều này ai cũng hiểu. Tôi xin mạnh dạn nêu những hiểu biết của mình thông qua những ký ức bằng chữ của nhà Văn, nhà Báo, nhà Tình báo Cách mạng lão thành Vũ Bằng; người được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2006, tác giả cuốn sách “Bốn mươi năm nói láo” do Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2001.
Từ 100 năm trước, Nguyễn Văn Vĩnh đã lần mò theo con đường Báo chí nhằm làm cho tiếng Việt ngày càng trở nên mạch lạc, khoa học đủ sức sánh vai với bất kỳ một loại ngôn ngữ nào của các Dân tộc trên thế giới. Không vô cớ ngay từ số báo đầu tiên - Đăng cổ Tùng báo- ra đời ngày 28/3/1907, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ, Nguyễn Văn Vĩnh đã lý giải với Đồng bào mình về giá trị của chữ Quốc ngữ như sau: “Thường có kẻ bênh chữ Nho nói rằng: chữ Nho nghĩa lý sâu sắc, có thể làm ra văn bài hay. Ta tưởng cái sâu sắc bởi ở sự dùng chữ mà ra. Ví ta có được vài trăm truyện hay bằng truyện Kim Vân Kiều, thì xem tiếng ta có kém gì chữ Nho đâu”.
Nhờ nhận thức này, Nguyễn Văn Vĩnh lập tức nghĩ đến việc chuyển tải tác phẩm bất hủ Kim Vân Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du từ chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ (Người giữ bản gốc là Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc). Năm 1909, lần đầu tiên Nguyễn Văn Vĩnh cùng Phan Kế Bính đã dịch toàn bộ tác phẩm vĩ đại của văn hóa Trung Hoa “Tam quốc chí diễn nghĩa” từ tiếng Hán ra tiếng Việt. Cũng trong những năm này, Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người đầu tiên dịch toàn bộ tập truyện Ngụ ngôn của La-Phông-ten từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Những việc làm này Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện khi ở độ tuổi ngoài 20! Để làm gì? Ông muốn chứng minh với toàn xã hội và đồng bào mình rằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta, chữ Việt của chúng ta đầy đủ sức lực để chuyển tải những tinh hoa văn hóa trong ngôn ngữ của các nền Văn hóa và các dân tộc khác.
Nguyễn Văn Vĩnh không bao giờ là tay sai của Thực dân Pháp! Thậm chí Nguyễn Văn Vĩnh xem chính sách cai trị của Thực dân Pháp là phản bội lại truyền thống lịch sử của nước Pháp, ông thất vọng về điều đó và năm 1914 ông đã đặt tên người con trai thứ tư của mình là Nguyễn Nhược Pháp! Điều này lịch sử sẽ công bằng. Nếu không vì yêu mến dân tộc mình, nếu không vì lòng tự trọng của một người dân sống trong một đất nước bị kìm hãm, đầy dẫy những bất công, chắc chắn Nguyễn Văn Vĩnh sẽ không lao tâm khổ tứ đến mức trong bức thư gửi cụ Phạm Duy Tốn ngày 27/6/1906 từ Mác-xây khi tham dự Hội chợ đấu xảo, ông đã viết: “Ngồi mà nghĩ rằng tôi sẽ là người đầu tiên để làm cái công việc gây lấy một tương lai tốt đẹp, tôi sung sướng vô cùng. Cha me, anh em, vợ con, tất cả đều phai nhòa trước khát vọng đó để nhường cho một niềm vui thích êm ái nhất”.
Nhìn lại trong “Bốn mươi năm nói láo” Vũ Bằng đã tả lại quãng đời của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh như sau: “…ông Vĩnh còn thì giờ đâu mà để ý đến tờ Trung Bắc Tân Văn nữa! phần thì lo nợ, phần lại bận viết bài cho báo Annam Nouveau, phần lại lo dàn xếp câu chuyện gia đình, phần lại lo chống Phạm Quỳnh, “chơi” lại Thực dân Pháp”. Trong loạt bài báo “Từ Triều đình Huế trở về” của Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên Annam Nouveau - 1933, Nguyễn Văn Vĩnh đã khẳng định: Triều đình Huế là một bộ máy bù nhìn! Điều này phù hợp với việc Nguyễn Văn Vĩnh từ chối làm Thượng thư và hơn một lần từ chối Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Nhân cách Nguyễn Văn Vĩnh là ở đó.
Trở lại với Vũ Bằng, ở trang 81 ông đã thuật lại những câu chuyện tai nghe mắt thấy về Nguyễn Văn Vĩnh: “ … (Ông) dịch miệng “Telemac phiêu lưu ký” cho Đông Lĩnh Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông quay sang nói chuyện với ông Tụng về chuyện Thống sứ Pháp có ý muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được, miễn là ông (Vĩnh) tạm gác ý kiến đả kích Pháp và ngừng chống nhà Vua”.
Ở trang 83 có đoạn: “(Ông) không lúc nào chịu ngồi yên, một mặt cứ đối phó, cứ giải quyết, một mặt cứ lo chiến đấu, chống áp bức và bóc lột”. Trang 85 Vũ Bằng ghi: “…những lời đe dọa ấy, khi thì sỗ sàng, khi thì mềm dẻo của Nhà cầm quyền Pháp hồi đó, kéo dài không ngớt trong suốt cuộc đời ông Vĩnh, có khi làm cho ông nức lòng chiến đấu hơn, thà là chịu khổ sở, thiếu thốn, hiểm nghèo, chớ không chịu vị tình người Pháp hay vì tiền của họ mà thay đổi lập trường chí hướng”. Chắc chắn nhà báo Vũ Bằng không tự nghĩ ra những hình ảnh này về con người Nguyễn Văn Vĩnh, vì nếu thiếu tính trung thực Vũ Bằng không thể là Nhà tình báo của Cách mạng Việt Nam.
Những lập luận về quan hệ giữa học giả Nguyễn Văn Vĩnh và nhà Cách mạng Phan Bội Châu tôi biết lâu nay người ta chỉ trích dẫn có 49% sự thật về mối quan hệ giữa hai người. Còn quá nhiều những tư liệu lịch sử về quan hệ giữa cụ Phan Bội Châu và Nguyễn Văn Vĩnh mà vì hoàn cảnh xã hội và sự thăng trầm của lịch sử nước nhà, chúng ta còn chưa được tiếp cận.
Để dễ hình dung cụ thể về mối quan hệ này, chúng tôi xin dẫn bài điếu và câu đối khóc Nguyễn Văn Vĩnh của cụ Phan Bội Châu bằng cả chữ Hán lẫn chữ Việt gửi từ Huế ra Hà Nội khi biết tin Nguyễn Văn Vĩnh qua đời: “Ngày tôi mới về Huế, được gặp ông chủ báo Trung Bắc Tân Văn vào Huế thăm tôi cùng một xe hơi với tôi đi Cửa Thuận. Xe nhà ông, ông cầm lấy lái. Nhân duyên xa lạp chưa trải bao nhiêu mà đường lối Bắc Nam chốc thành vĩnh biệt. Tôi đau cảm quá nên có mấy hàng chữ điếu ông:
- Duyên tương tri nhớ trước 10 năm, xe tự do chung lái, sóng biển vui tai, mộng hồn há lẽ hững hờ, quang cảnh còn in mây Thuận Tấn!
- Tài bác học trỗi trong hai nước, đàn ngôn luận phất cờ, làng văn nở mặt, công nghiệp tuy còn lở dở, thanh âm từng dạt gió BaLê!”
Trong giai đoạn lịch sử này, việc tìm kiếm một con đường cứu nước, phát triển giống nòi nhằm thoát ra khỏi cái đầm lầy của chế độ Phong kiến rồi cả đến hệ thống Thực dân kiểu cũ đã xuất hiện rất nhiều những nhà cách mạng có các khuynh hướng khác nhau nhưng đều nhắm tới một mục tiêu là tiến bộ xã hội. Tôi đã đọc trong các tư liệu lưu trữ của thời kỳ này nói đến rất nhiều sự xung khắc giữa các nhà cách mạng thời đó như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh,… Song các vị đó đều rất tôn trọng những tư tưởng của nhau và trân trọng nhau, thực sự là những con người văn hóa.
Chứng minh cho lòng yêu nước, cho tình yêu quê hương của một người dân có văn hóa, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết gần một vạn bài báo trong 30 năm liên tục. Để chứng minh cái chất Annam của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã buộc lòng phải làm báo bằng tiếng Pháp đó là tờ L’ Annam Nouveau 1931-1936 (Do bị chính quyền o ép và vì tiếng Pháp không phải xin phép). Riêng trên tờ báo này, ông đã viết 509 bài phân tích và xã thuyết, rất nhiều bài lên án Chế độ thực dân và bộ máy cai trị lúc đó. Vậy nếu không yêu nước thì ông viết làm gì để đeo vào cổ cái gông cùm của chế độ và buộc phải bỏ xứ sang Lào và vĩnh biệt ở nơi rừng thiêng, nước độc?!
Xin được kết thúc bài viết này bằng nhận thức và chính kiến của Nhà báo Vũ Bằng bộc bạch trong Hồi ký của mình về con người Nguyễn Văn Vĩnh như sau: “…Tôi nhớ lại lúc ông Nguyễn Văn Vĩnh sắp lên đường sang Lào để tìm vàng, công nợ ngập đầu, mà cứ cố sống cố chết bám vào tờ “Trung Bắc”, “Học báo” và “Annam Noveau” để viết. Toàn quyền Pasquier, một hôm, gặp Nguyễn Bá Trác (lúc ấy vừa ở Nhật về), hỏi theo ý Trác thì nhà Cách mạng Việt Nam nào nguy hiểm nhất. Trác trả lời “Nguyễn Văn Vĩnh”.Toàn quyền Pasquier nhờ Sở Mật thám điều tra xem ông Vĩnh còn nợ Ngân hàng và tư nhân chừng bao nhiêu tiền. Số nợ ấy, so với lúc ấy, thật lớn: từ 60 đến 80 nghìn đồng. Toàn quyền Pasquier nhờ một người thân tín của ông Vĩnh bắn tiếng đến tai ông: nếu ông Vĩnh bằng lòng ngưng công kích Bảo Đại và bút chiến với Phạm Quỳnh, gấp đôi số nợ ấy cũng sẽ được trang trải êm ấm mà không cần phải bận tâm gì hết”…
Những đóng góp chính trong sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh
- Năm 1907, Chủ bút tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ - Đăng Cổ Tùng Báo.
- 1909, cùng Phan Kế Bính dịch toàn bộ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa từ Hán ra Quốc ngữ.
- Năm 1913: - Dịch toàn bộ Truyện Kiều từ Nôm ra Quốc ngữ.
- Chủ bút Đông Dương Tạp Chí, là cơ quan Ngôn luận qui tụ được toàn bộ các chí sĩ nổi danh và uy tín nhất cùng thời.
- Năm1917, Chủ bút báo Trung Bắc Tân Văn – tờ Nhật báo đầu tiên trong lịch sử Báo chí Việt Nam.
- Từ 1900- 1920, dịch hàng loạt các tác phẩm tiến bộ Văn học Pháp ra Quốc ngữ: của La Fontaine, V.Hugo, A.Dumas, H.de.Balzac, Molière …
- Năm 1920, là người Việt Nam đầu tiên dựng sân khấu kịch nói tại Nhà hát lớn để trình diễn các vở hài kịch của Molière như: Trưởng giả học làm sang, Người biển lận,…
- Năm 1924, cùng với những người Pháp dựng bộ phim truyện đầu tiên trong Điện ảnh Việt Nam (phim câm) được quay tại cảnh quan Chùa Láng- Hà Nội.
- Những năm 30 hoàn thành trọn bộ việc dịch Kim Vân Kiều ra tiếng Pháp.