Sunday 10 August 2014

Tản mạn chuyện Phù Tang / An toàn thực phẩm và…. - Vũ Đăng Khuê

Theo định luật tự nhiên của đất trời thì mùa hè là phải... nóng, tuy nhiên trong những năm gần đây, từ lúc quả địa cầu bị luồng khí thải CO2 dần dần bao phủ do kỹ thuật khoa học ngày một tinh vi, cuộc sống cho dù có tiện lợi hơn, chẳng hạn như chuyện mỗi nhà “trang bị” một vài máy lạnh đã là chuyện bình thường, bầu trời vốn đã “hâm hấp” nay lại thêm “hừng hực” và Nhật Bản cũng không là ngoại lệ lại còn luôn luôn là những nước dẫn đầu.

Theo định nghĩa của sở khí tượng thì mùa hè được chia thành 3 cấp: - Hạ  (từ 25 đến 30 độ C, nóng bình thường), 真夏- Chân Hạ (từ 30 trở lên đến 35 độ C, nóng... ra nóng) và 猛暑日- Mãnh Thử (35 độ C trở lên - nóng kinh khiếp). Những ngày cuối tháng 7 kéo dài cho suốt đến nay, độ nóng trên toàn nước Nhật thường vượt quá mức “Mãnh Thử” khiến “màn ảnh nhỏ” lúc nào cũng reo réo bên tai những phương thức chống nắng, số người trúng nắng…., chỉ có khoảng 2 ngày (9 và 10/8) thì những thông tin” về nóng-nắng đã “tạm dừng” để chuyển qua các tin tức về cơn bão số 11 hay còn gọi là Hạ Long ghé thăm đảo tứ quốc (shikoku) Nhật Bản.


Khi nói về sự khác biệt giữa độ nóng “chân hạ” và “mãnh thử” có một ông trong chương trình Shoten (笑点), một chương trình hài truyền thống của Nhật Bản phát hình vào mỗi tuần suốt từ năm 1966 đến nay đã so sánh mùa hè với “Nagashi somen” (món bún trôi theo…. giòng nước mát), có thể ai ở Nhật mới “nghiệm” được cảm giác này nhưng cũng xin “chia sẻ” cùng bà con cô bác.

“Chân hạ”: Khi thấy somen (giống như sợi bún của Việt Nam) trôi theo những cái ống tre chảy dài từ trên xuống là vớt cho ngay vào chén có đựng chút tsuyu (nước chấm) đặc biệt rồi bỏ vào mồm, cứ tùn tụt tới đâu thì toàn thân mát rười rượi tới đó, còn “Mãnh thử” thì muốn “thân thể” mình biến thành những sợi somen trôi theo giòng nước mát.

Chính xác không thể tả.
image001image003

                     “Nagashi somen”
Nhân mùa hè, xin gửi đến quí độc giả lời chúc theo kiểu Nhật
Shochu omimai moshiagemasu
暑中お見舞い申し上げます
(Dịch theo lối….Việt Nam)
Chúc thân tâm thường….mát mẻ trong mùa hè đỏ lửa
Lòng vòng một chút lấy trớn như vậy cũng quá đủ rồi, xin bắt đầu vào những chuyện…Tản mạn Phù Tang.

An toàn thực phẩm
Từ Thượng Hải

Ngày 17/7 v
ừa qua, các đài truyền hình Nhật đồng loạt đưa ra những clip video ghi lại hình ảnh các nhân viên thuộc một chi nhánh của đại công ty OSI Shanhai Husi “Phúc Hỷ” chuyên cung cấp thịt ở Thượng Hải, đang nhặt những tảng thịt rơi xuống đất bỏ vào máy xay để “gia công” tiếp, hoặc “vô tư” dùng máy cắt những tảng thịt hư thối đã chuyển sang màu xanh. Theo trình tự thì những tảng thịt này sẽ được “đóng gói” rồi gửi đến các tiệm McDonald’s và KFC ở Trung Quốc để chế biến thành những món ăn nhanh-tiện. Nghe nói là các đoạn hình ảnh này do chính người “trong cuộc” quay lén rồi gửi ra ngoài. Bộ An Toàn hay bộ gì đó của Trung Quốc mở cuộc điều tra và bắt sơ khởi 5 người.
Tôi thì chỉ nghe cho biết vì có bao giờ tôi phải sang tận....Trung Quốc để thưởng thức những món này đâu, ở Nhật này thiếu giống gì, cứ xung quanh nhà ga thì thế nào cũng có vài tiệm McDonald’s và KFC tương tự. Nhưng vài ngày sau báo đài lại cho biết tiếp hệ thống McDonald’s tại Nhật xác nhận là khoảng 20% ​​thịt gà tẩm bột McNuggets bán tại 40% các cửa hàng McDonald’s trong nước Nhật (1.340 nhà hàng) đến từ nhà máy này. Nhóm “tiệm tiện lợi” FamilyMart tại Nhật gồm mấy ngàn tiệm cũng bán sản phẩm thịt gà lăn bột chiên cùng một xuất xứ.
Tôi hơi chột dạ vì ít nhất là mình hoặc gia đình mình trong quá khứ vào những lúc đi làm hay bận bịu đã mua ăn ..... cho qua bữa. Các cơ quan trách nhiệm đã họp báo xin lỗi và công bố: sẽ ngưng chế biến cũng như ngưng nhập cảng loạt thịt này từ Trung Quốc, và một ngày nào đó họ sẽ đổi nơi cung cấp từ nước khác.
Đó là chuyện của họ, còn riêng tôi và gia đình thì cũng đã có đối sách riêng: cứ thấy  cái gì xuất xứ từ xứ hung khùng là ngoảnh mặt ngay sang chỗ khác. Quí vị có nghĩ như tôi không?
Sang… Thái Bình.

image005
Nhưng cũng chỉ sau đó vài ngày (25 tháng 7), báo đài của Nhật lại đưa ra một phát giác khiến những dân nhậu sành điệu bật ngửa: một trong số những đồ đông lạnh nhập cảng từ Việt Nam sang Nhật là món shishami (cá trứng) có “kèm theo dị vật và thuốc giết chuột”. “Dị vật” là cái quái gì? Tìm hiểu thì biết đó là....  phân người, trời ơi là trời! Hết nước nói!
Shishamo là một loại cá trong bụng có chứa một bọc trứng, tiếng Hán gọi là Liễu Diệp Ngư (vì hình dạng hơi giống lá Liễu), nghe kể thì ăn sần sật và ngọt lịm. Loại cá này chỉ sống ở vùng biển nước lạnh như Hokkaido miền Bắc nước Nhật, ở Na Uy hay ở Nga.... Biển Việt Nam thuộc loại “ấm quanh năm” thì không có loại cá này nên công ty Rich Beauty Food của Đài Loan trụ sở đặt tại tỉnh Thái Bình đã nhập từ các xứ vùng biển nước lạnh đem vào Việt Nam “gia công” đông lạnh, đóng thùng bán sang Nhật. Theo luật thực phẩm Nhật thì không cần biết cá này đánh bắt ở đâu nhưng nếu được chế biến tại Việt Nam thì sẽ là “Made in Việt Nam”, chuyên môn hơn một chút viết theo kiểu Nhật thì là “Nguyên liệu nguyên sản địa danh: Việt Nam”.
Công ty nhập cảng Imura của Nhật tại tỉnh Yamaguchi ngày 15 tháng 7 đã tìm thấy trong một, hai thùng từ Việt Nam có “kèm theo dị vật và thuốc giết chuột”. Những thùng cá Shishamo đông lạnh này được nhập vào Nhật Bản ngày 29/05/2014 và phân phối đến các chợ ở khắp 10 tỉnh trong đó có Tokyo. Hãng Imura đã lập tức ra thông báo thu hồi toàn bộ số lượng cá Shishamo đã bán ra, kể cả những lô hàng nhập khẩu trước tháng 5/2014 khoảng chừng 2000 thùng tất cả. Hãng này còn đem “hiện vật” là thùng hàng chứa “dị vật và thuốc giết chuột” sang tận Việt Nam làm bằng chứng và yêu cầu Rich Beauty Food điều tra bồi thường thiệt hại.
image007image009
               “Thùng hàng kèm theo dị vật và thuốc giết chuột” “Hàng bị thu hồi”
Chưa biết kết quả sẽ ra sao nhưng từ nay trong các quán nhậu tại Nhật sẽ vắng bóng shishamo hoặc nếu có thì cũng phải giải thích cho rõ ràng với dân nhậu “đây là shishamo “quốc sản” (chế tạo trong Nhật)”. Để trở lại tình trạng cũ có lẽ cũng phải mất một thời gian vì không những chỉ có shishamo, mà người Nhật còn “phân vân” và “e dè” ngay cả với những gì có hàng chữ to tổ chảng “Made in Việt Nam”.
Nhân vụ cá trứng này xin kể quí vị nghe luôn một chuyện mà tôi đã được xem trên “màn ảnh nhỏ”. Một giám đốc người Nhật có công ty chế tạo linh kiện máy móc ở Việt Nam thố lộ:
-        Để kiểm soát chặt chẽ, tôi cho đặt nhiều camera trong phòng làm việc và kiểm soát ngay từ..... Nhật, có nghĩa là ngồi ở Nhật nhưng có thể quan sát cách làm việc của công nhân người Việt.
-        Làm sao ông quan sát từ Nhật được?
-        Dễ mà, dùng skype hay các nhu liệu chùa đó, mình chỉ mua camera và kêu chuyên viên gắn thêm vào thôi.
-        Thế ông có thấy gì không?
-        Thấy chứ, thỉnh thoảng có một vài người “ẩu tả” làm ra đồ hư hỏng, rồi cho vào túi phi tang.
-        Rồi ông làm sao?
-        Tôi cho người điện thoại ngay sang Việt Nam và giải quyết tức thì. Hiệu quả lắm.
Hãng của ông nhỏ thì còn làm thế được, nhưng cả một công trường to lớn thì camera đâu mà đặt cho xuể. Không biết đây có phải là một sự “trả thù” của một vài cá nhân vì bất mãn với công ty hay là sự “phá hoại của một thế lực thù địch” để bêu xấu nước ta như nhà nước vẫn thường rêu rao? Thôi cứ để hai bên tính với nhau.
Xin thành thật chia buồn với những công nhân đã bị giảm hay mất việc vì không còn đơn đặt hàng từ Nhật.
Còn riêng tôi tuy cũng là dân yêu hương vị làm từ.....“lúa mạch” nhưng không bị ảnh hưởng gì vì từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ có bao giờ biết mùi vị của con cá nó ra sao, trừ khi bị “lừa”. Cách đây vài năm, tôi phải nằm bệnh viện mấy ngày và bị bác sĩ chú ý về chuyện ăn uống và khuyên là phải ăn “cá” cho đủ chất, tôi tuân thủ tất cả trừ chuyện.... ăn cá. Tôi xin đầu hàng, hoàn toàn cứng họng vì không thể có câu trả lời nghe cho được khi bị chất vấn bằng một cách nói hoàn toàn *“Lê Thiệp”: “sashimi của Nhật cả thế giới yêu chuộng mà tại sao ông lại chê? Thế thì ông sống ở Nhật.... làm cái đéo gì?”.
Thôi sang chuyện khác.
------------
*Lê Thiệp: một nhà báo nổi danh vừa qua đời vào năm ngoái.
-----------------------
Nỗi buồn... sinh đẻ!
Xứ Nhật là một xứ có tỷ lệ sinh sản thuộc loại thấp trên thế giới, hình như chỉ có 1,43%. Bao nhiêu đối sách, hứa hẹn được đưa ra suốt từ thời chính phủ này sang chính phủ khác, nhưng tỷ lệ vẫn bò ngang như cua và còn có khuynh hướng thụt lùi, cứ cái đà này thì đến năm 2050 dân số chỉ còn 97 triệu so với hiện tại là khoảng 127 triệu, vì thế lúc đó cứ một người trẻ phải “vác lên vai” vài ông già bà cả, thay vì là 4 hay 5 người trẻ lo cho một người già trong hiện tại….
Nhưng cuộc đời lại có lắm trớ trêu, người thừa dư sức lực thì chả ai muốn “đèo bồng” vì “chủ nghĩa ham vui”, còn người “thiếu thốn” thì rặn mãi không ra đến nỗi phải nhờ tha nhân hoặc nhờ ai đó cung cấp “giống”. Tha nhân hiểu theo nghĩa thông thường tức là chả có một chút liên quan…. máu mủ, trường hợp này lại đưa đến nhiều phiền phức về pháp luật, về “chủ quyền” không biết thuộc về ai? v.v…
…….
Thôi chỉ có cách hay nhất là nhờ “giống” của ngay chính người ruột thịt trong gia đình là “an toàn trên xa lộ”, khỏi phải tranh cãi về các chuyện không lường trước.

Vừa là ông nội vừa là… bố.
Chiều ngày 31/7, tại một cuộc họp báo ở Tokyo, bác sĩ Nezu Yahiro, viện trưởng bệnh viện sản khoa Suwa Matenity Clinic thuộc thành phố Nakano đã công bố những con số chính thức về số em bé ra đời bằng cách “thụ thai nhân tạo” hay “đẻ thế” trong suốt 17 năm kể từ tháng 11 năm 1996 mà bệnh viện này đã thành công. Được biết, bệnh viện này chuyên ra tay “cứu độ” những cặp đôi hiếm muộn bằng 2 phương pháp vừa nói ở trên. Theo bản công bố thì bệnh viện này đã giúp 146 cặp vợ chồng mà “giống” của người chồng “hết xài” khiến người vợ không thể đậu thai, bằng cách dùng “giống” từ người thân của gia đình mà nhiều nhất là từ bố chồng 110 vụ, anh chồng 16 vụ và em trai chồng 12 vụ, 8 trường hợp còn lại là của …. thân hữu, trong đó “giống” của bố chồng chiếm tỷ lệ thành công cao nhất: 75%. Giống của “bố” sẽ kết hợp với “giống” lấy từ con dâu và được nuôi dưỡng trong ống nghiệm, khi thành “phôi thai” sẽ cấy ngược vào…. cơ thể con dâu. Thông thường nếu không “chuyên nghiệp” thì chỉ có khoảng 20% được ghi nhận là thành công, nhưng bệnh viện này đã có 118 em bé chào đời khỏe mạnh bằng cách thụ thai này.
Cho đến nay thì vẫn chưa có luật liên quan đến việc thụ thai nhân tạo khi dùng “giống” không phải của vợ hay của chồng nhưng bộ y tế Nhật đã có những báo cáo thừa nhận việc thụ thai nhân tạo bằng “giống” từ tha nhân ngoại trừ việc dùng “giống” từ anh chị em ruột vì nảy sinh nhiều quan hệ phức tạp giữa người và người.
Tuy nhiên theo ông viện trưởng của bệnh viện này thì trường hợp muốn có con như thế rất nhiều và hầu hết đã không gặp trục trặc gì về quan hệ giữa “người” và “người” sau khi sinh đẻ cả, vì trước đó đã được giải thích rõ ràng những trở ngại có thể xảy ra và tất cả đều “nhất trí”. Ông này lý luận: Rất là kỳ cục là cứ khăng khăng theo quan niệm sống của chính mình rồi phán: những phức tạp trong gia đình sẽ nẩy sinh sau khi đứa bé chào đời. Nếu so sánh việc đứa con được sinh ra như thế nào và việc làm sao để nuôi nấng đứa bé thì việc nào cần thiết hơn? Nghe cũng có lý.
Trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi: có bao nhiêu cặp vợ chồng đã và sẽ nói sự thật về “giống” của đứa bé khi nó khôn lớn? Ông này cho biết: “Chuyện này là chuyện tùy vợ chồng quyết định, nhưng theo tôi thì đến khi cần thiết phải nói sự thật vẫn tốt hơn” . Có 2% cặp vợ chồng đã “nghĩ” đến điều này khi được hỏi nhưng trên thực tế thì chuyện này vẫn chưa xảy ra.
Bên cạnh những suy nghĩ “bàn tới” của ông bác sĩ này lại có những ý kiến “bàn lui” tỏ vẻ lo âu: Rất hiểu và thông cảm cho những cặp đôi không thể nào có con khiến phải xin “giống” từ người thân trong gia đình. Nhưng đây chỉ là quan điểm của “cặp đôi” muốn có chứ không đứng từ lập trường của “đứa trẻ”. Chẳng hạn nếu lấy “giống” từ người em trai của chồng mà sinh ra cháu bé bị tật nguyền thì liệu tình thương của cặp đôi dành cho cháu bé có vĩnh viễn hay không? Và còn nhiều ý kiến lo lắng khác nếu đứng về mặt tôn giáo, luân lý v.v…..
Và những tranh qua cãi lại vẫn còn thấy dài dài chưa dứt. Xin kể thêm câu chuyện 5 năm trước.

Vừa là ngoại mà cũng vừa là mẹ.
Ngày 25/11/2009, một đài truyền hình Nhật Bản đã giới thìệu một phóng sự ngắn có tựa đề “Vừa là ngoại mà cũng vừa là mẹ”. 
Trong một căn phòng cũng của bệnh viện sản khoa Suwa Reproduction Center (SRC) (bây giờ là Suwa Matenity Clinic), có sự hiện diện của 3 người: 2 người đàn bà, 1 già 1 trẻ và 1 bé sơ sinh. Người hơi đứng tuổi thì nằm dài trên giường, trông có vẻ mệt mỏi, người phụ nữ trẻ có dáng điệu khoẻ mạnh thì đang đứng cho em bé bú sữa của mình. Trước ống kính, người đàn bà đứng tuổi chỉ đứa bé sơ sinh giới thiệu: đây là cháu ngoại, còn đây là mẹ nó khi chỉ sang người phụ nữ trẻ. Lúc đó, thì vị bác sĩ viện trưởng bước vào và người xướng ngôn viên của đài bắt đầu tường thuật:
Đây là một trường hợp đầu tiên “mẹ sinh con dưỡng” tại Nhật Bản, người phụ nữ đứng tuổi năm nay 53 tuổi có một cô con gái 27 tuổi, cô này khi 1 tuổi 4 tháng vì một chứng bệnh đã phải cắt bỏ tử cung, nhưng mãi đến năm 22 tuổi người mẹ mới cho cô biết. Năm 24 tuổi, cô lập gia đình với một người đàn ông thông cảm hoàn cảnh và thương yêu cô. Hai vợ chồng nhất định có con bằng “giọt máu” của chính mình, cả nhà bàn nhau rồi đem “ước muốn” này tâm sự với bác sĩ Nezu Yahiro của bệnh viện sản khoa SRC (nơi tích cực tiếp nhận những trường hợp “đẻ thế” nhưng vẫn bị Hội Y Sĩ Nhật Bản cảnh cáo vì trên mặt pháp lý “đẻ thế” vẫn chưa được chấp nhận tại Nhật). Suy qua xét lại, cuối cùng thì vị bác sĩ đã đồng ý giúp vì những lý do:
- không phải là chuyện đẻ thế để lấy tiền
- không sợ tình trạng mất con sau khi người mẹ “đẻ thế” tranh giành con với người mẹ “nhờ đẻ” vì cả hai bên đều là ruột thịt.
Sau khi cấy “giọt máu” của 2 vợ chồng trẻ vào người của bà mẹ đến mấy lần không thành công, vì bà mẹ đã hơi lớn tuổi, mãi đến tháng 7 năm 2008 thì “cái thai mới đậu”. và cuối cùng vào tháng 5 năm 2009 một bé trai khoẻ mạnh ra đời. Trong thời gian chờ đợi “ngoại tròn cháu vuông” thì cô con gái đã được các y tá của bệnh viện huấn luyện cách nuôi con, cách làm thế nào để có sữa cho con bú vì cô muốn bé phải được nuôi dưỡng bằng chính nguồn sữa của cô.
image011
Ngày 25/11/2009, 2 mẹ con và bác sĩ viện trưởng đã họp báo tại Tokyo công khai tường trình sự việc. Hai mẹ con cho biết: họ muốn mọi người nhất là các nhà làm luật không nên bỏ rơi những trường hợp tương tự vì “chúng tôi biết rất nhiều người giống như chúng tôi”. Sau đó, hai mẹ con đã viết và cho phát hành quyển sách “Haha to Musume no Dairi Shussan” (Câu chuyện đẻ thế của mẹ và con) được bày bán trên khắp nước Nhật.
Chuyện mẹ con một nhà còn có thể “nói chuyện” được, còn chuyện nhờ tha nhân “đẻ thuê” còn rất nhiều rào cản vì
-        Người “đẻ thuê” không chịu trả con.-
-        Trong khai sinh thì tên mẹ là người “đẻ thuê” hay người “nhờ “đẻ thuê”?
-        Người nhờ “đẻ thuê” lại không chịu nhận con, có thể vì đứa trẻ “dị dạng” hoặc vì lý do nào khác như hôm 2/8/2014 vừa qua, chuyện không xảy ra ở Nhật nhưng ở bên Thái khiến dư luận Nhật rất quan tâm. Số là có 2 vợ chồng người Úc qua một trung gian môi giới tại Thái, đã nhờ một phụ nữ Thái 21 tuổi “đẻ thuê” với giá khoảng 15.000 đô la, tháng 12 năm ngoái cô này sinh đôi 1 trai 1 gái, chẳng may bé trai lại bị bệnh down và bệnh về tim mạch, cặp vợ chồng người Úc từ chối không nhận bé trai chỉ nhận bé gái…. lành lặn khiến người phụ nữ trẻ này phải cưu mang bé trai và đặt tên là Gammy. Chuyện của cô được đưa lên báo chí, truyền hình và một chiến dịch quyên tiền đã lan rộng khắp Úc để giúp người phụ nữ trẻ này có tiền nuôi dưỡng và cho bé Gammy giải phẫu chữa bệnh tim. Ngoài ra cô cũng còn phải nuôi hai đứa con ruột 3 tuổi và 7 tuổi vì
“lấy chồng từ …. thưở 13
đến năm 21 thiếp đà…. 3 con”.


Thailand Australia Surrogacy
--------------
Nghĩ tới nghĩ lui thì thấy chuyện giải quyết làm sao cho trọn vẹn chẳng đơn giản chút nào, nhưng đây là vấn đề mà bất cứ chính phủ nào cũng phải quan tâm. Một ủy ban của đảng cầm quyền đã được thành lập cộng với những trợ giúp từ các nhà làm luật chuyên môn ngày 6 tháng 8 vừa qua đã đệ trình quốc hội dự án “công nhận việc đẻ thế có điều kiện”, còn nội dung dự án và bao giờ quốc hội sẽ bàn thảo để thông qua thì….. chưa rõ! Thôi ta đành chờ vậy.
--------------
Trong lúc chờ đợi chỉ xin cầu chúc cho những cặp vợ chồng hiếm muộn muốn có con bằng những phương cách này được toại nguyện vì họ sẽ cảm thấy muôn vàn hạnh phúc khi được ru con…. trong đêm vắng.
Con ơi con ngủ cho ngon
Bố con vừa ở công ty điện về
Báo tin là sẽ làm thêm
Hỏi con đã ngủ hay còn …. vui chơi?
Mẹ rằng con sắp…. triền miên
Thế là bố dặn “mi vào má… con”
-------------------
Xin phép đi “dội vài gáo” cho mát vì bên này…. trời đang “mãnh thử” (猛暑)(nóng khủng khiếp). Hẹn thư sau sẽ kể nhiều hơn nếu còn hứng thú,

Sayonara

Vũ Đăng Khuê