Hôm thứ Ba vừa qua văn phòng dân biểu liên bang Alan Lowenthal ở DC phổ biến bức thư của ông Lowenthal thảo với chữ ký của 18 đồng viện, yêu cầu Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Mỹ nêu vấn đề với chính quyền Việt Nam về việc Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa có 16.000 mộ của binh sĩ tử trận miền Nam đang bị bỏ hoang phế lâu nay.
Hàn gắn và chứng tỏ sự hiểu biết
Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do, dân biểu Alan Lowenthal, đại diện dân cử California các thành phố từ Long Beach, Westminster, Garden Grove đến Anaheim vân vân… giải thích lý do ông chú ý đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa:
Tất cả mọi việc như hàn gắn, chứng tỏ sự hiểu biết và chứng minh là quyền căn bản của người đã chết cũng được tôn trọng phải là những điều kiện tiên quyết trong tương quan Mỹ Việt.
-DB Alan Lowenthal
DB Alan Lowenthal: Có hai chuyện khiến tôi chú ý. Thứ nhất là một số cử tri trong đơn vị tôi làm đại diện báo cho tôi biết họ muốn lập một khu nghĩa trang tương tự như Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa ngay tại Quận Cam, Hoa Kỳ. Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến chuyện ấy.
Tiếp đến, tôi được Vietnamese American Foundation Sáng Hội Việt Mỹ, gọi tắt là VAF, tổ chức đang hoạt động tích cực trong việc trùng tu nghĩa trang quân đội này, tìm cách liên lạc và tôi nhận lời giúp VAF là vậy.
Thanh Trúc: Thưa ông dân biểu, điều gì ông nghĩ có thể thuyết phục Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel lên tiếng với chính quyền Việt Nam liên quan đến việc sửa sang và trùng tu lại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa?
DB Alan Lowenthal: Nhiều điều lắm mà căn bản nhất thì đây là nơi yên nghỉ cuối cùng của 16.000 binh sĩ miền Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến, trong lúc khu nghĩa trang nơi họ yên nghỉ đó vẫn đang bị bỏ phế.
Quan trọng là các vị Bộ trưởng Kerry cũng như Hagel phải đề cập vấn đề tôi vừa nêu với chính phủ Việt Nam qua những vòng đối thoại song phương, bởi nếu có một nỗ lực hàn gắn khả dĩ nào giữa chính phủ Việt Nam với người dân của họ thì nỗ lực đó phải dựa trên sự phát huy nhân quyền, bảo vệ quyền con người cũng như tôn trọng nhân phẩm về mọi mặt. Đó là điểm chính yếu nhằm thúc đẩy Việt Nam chứng tỏ và thể hiện thiện chí hòa giải bằng thái độ tôn trọng quyền căn bản và phẩm giá con người.
Và tôi nghĩ cũng rất là quan trọng cho thân nhân cho gia đình của những người tử trận có thể sang trang và khép lại vết thương quá khứ.
Điểm thứ ba, tôi nghĩ, mà Ngoại trưởng Kerry và Bộ trưởng quốc phòng Hagel cần lưu ý lãnh đạo Việt Nam rằng những người nằm trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa này từng một thời là đồng minh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đương nhiên phải đứng về phía đồng minh để yêu cầu Việt Nam tôn trọng những người bạn cùng hàng ngũ với mình.
Tóm lại, tất cả mọi việc như hàn gắn, chứng tỏ sự hiểu biết và chứng minh là quyền căn bản của người đã chết cũng được tôn trọng phải là những điều kiện tiên quyết trong tương quan Mỹ Việt.
Yêu cầu chứng tỏ thiện chí
Thanh Trúc: Cuộc chiến chấm dứt gần 40 năm, với người trong nước chừng như mọi chuyện đang rơi vào quên lãng, ông hy vọng bao nhiêu phần trăm khi nêu vấn đề Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa với nhị vị Bộ trưởng John Kerry và Chuck Hagel. Lại nữa, ông có tin là nhà cầm quyền Việt Nam sẽ chú tâm đến yêu cầu của ông hay không?
Chúng ta không đòi chính phủ Việt Nam phải bỏ ra nhiều tiền cho công cuộc trùng tu này, chúng ta chỉ yêu cầu họ nhận biết và thấu hiểu việc làm của Vietnamese American Foundation.
-DB Alan Lowenthal
DB Alan Lowenthal: Xin hãy nhớ VAF tức Sáng Hội Việt Mỹ chính là tổ chức đã và đang tự mình cáng đáng phần lớn công việc liên quan đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Chúng ta không đòi chính phủ Việt Nam phải bỏ ra nhiều tiền cho công cuộc trùng tu này, chúng ta chỉ yêu cầu họ nhận biết và thấu hiểu việc làm của Vietnamese American Foundation Sáng Hội Việt Mỹ, yêu cầu họ chứng tỏ thiện chí giúp VAF hoàn thành trách nhiệm. Chuyện này không làm Việt Nam hao tốn gì hết, có chăng chỉ là sự cho phép và tạo điều kiện để VAF có thể trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa một cách thuận lợi nhất. Chính vì thế, tôi nhắc lại, quan trọng là ngoại trưởng Mỹ và bộ trưởng quốc phòng phải tích cực nêu vấn đề với phía Việt Nam, hãy nói với họ rằng nếu họ muốn bang giao Việt Mỹ phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn nữa thì nên bày tỏ thiện chí trong việc tôn trọng anh linh những người lính Việt Nam Cộng Hòa trong nghĩa trang bị hoang phế đó.
Thanh Trúc: Xin được hỏi ông dân biểu đôi chút về tiến trình thảo thư và vận động chữ ký 18 đồng viện lưỡng đảng mà ông đã làm hơn tháng nay?
DB Alan Lowenthal: Sau khi được VAF tiếp xúc thì chúng tôi đã soạn ngay thư gởi nhị vị bộ trưởng, sau đó yêu cầu 18 đồng viện Cộng Hòa cũng như Dân Chủ đồng ký tên. Đây là những vị đại diện dân cử thường quan tâm sâu sắc đến nhân quyền như dân biểu Frank Wolf thuộc Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos, dân biểu Chris Smith, quán quân về vấn đề cải thiện và thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam, các dân biểu Gerald Conolly, Zoe Lofgren, James McGovern, Dana Rohrabacher cùng nhiều vị đại diện các tiểu bang khắp nước. Mọi người đều đồng ý rằng hành động hàn gắn vết thương chiến tranh mà chính phủ Việt Nam nên chứng tỏ qua việc cho trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa là điều tiên quyết nếu muốn tương quan với người Việt bên ngoài được tốt đẹp hơn.
Thanh Trúc: Sau cùng ông đánh giá thế nào về công việc của VAF Sáng Hội Việt Mỹ tính đến lúc này?
DB Alan Lowenthal: Họ đang nắm vai trò chỉ đạo trong việc chăm sóc mồ mả và sửa sang lại bộ mặt tàn phế của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Đó là lý do tôi quyết định ủng hộ tổ chức này. Tôi cũng lấy làm vinh dự là người khởi xướng và vận động các vị dân biểu hai đảng trong quốc hội ký vào lá thư gởi cho Ngoại trưởng Kerry và Bộ trưởng quốc phòng Hagel mà chúng ta đang đề cập tới nãy giờ.
Thanh Trúc: Xin cản ơn dân biểu Alan Lowenthal.