Sunday, 10 August 2014

Xã hội đen, xã hội đỏ - Văn Quang

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 10.8.2014 
                               
 
                                           alt
            Anh Điệp không biết chữ nhưng công an thôn giả chữ ký anh để phủ nhận những gì anh đã nói với báo chí.
 
Câu chuyện xã hội đen từ nông thôn đến thành thị ngày càng khiến dư luận nổi giận bởi sự gian dối của cấp dưới đến việc đồng lõa với xã hội đen ở khắp nơi đã trở nên trắng trợn, nghiêm trọng. Cấp dưới làm sai rồi báo cáo láo, cấp trên cứ thế cho là “phản ảnh trung thực.” Tình trạng này chẳng có gì mới mẻ, cái cảnh “công văn túi áo, báo cáo túi quần” và “làm thì láo báo cáo thì hay” đã có từ thời xa xưa. Cấp dưới cứ mặc sức báo cáo láo và có điều lạ là cấp trên vẫn cứ nhắm mắt tin.
 
                                  alt                                 Bà Lướt vay nợ lãi cắt cổ, ông Trần Hữu Đấu, trưởng thôn, ép bà Lướt phải viết
                                 “không nói như báo chí nêu” để xã gửi láo lên huyện

Ngay trong câu chuyện ở nông thôn, tôi đã tường thuật kỳ trước, lại vừa xảy ra một kiểu “cãi chày cãi cối,” bắt dân phải ký tên chứng thực cho sự nói láo của cả “ủy ban nhân dân… mà không phải của dân.”
 
                                   alt                                    Những xe này chở lúa gạo từ Hải Phòng, Quảng Ninh lên biên giới Việt-Trung

Như bài trước tôi đã tường thuật và một số lớn các báo VN cũng đã đưa đưa tin ở xã Tân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) có nhiều trường hợp người dân một số thôn phải vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ để góp tiền xây dựng nông thôn mới. Nhiều gia đình không có tiền đóng phải đi vay của bọn tín dụng đen với lãi suất cao, người già sắp chết cũng phải nộp, người bị da cam nhũn não cũng phải nộp, hàng chục người bị tâm thần cũng phải nộp như nhau.
 
                                  alt                                     “Hiệp gạo” bị bắt và số xe quá tải chạy ầm ầm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Sau khi báo chí lên tiếng, chủ tịch xã Tân Thủy không những không chịu sửa đổi mà còn tìm đủ mọi cách báo cáo sai sự thật lên trên. Cụ thể là sau khi báo chí lên tiếng, lãnh đạo xã có báo cáo gửi UBND huyện Lệ Thủy (Văn bản số 16 ngày 30-7-2014 vừa qua) do ông Phan Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã, ký. Trong đó nói báo nêu có khía cạnh đúng, có khía cạnh chưa chính xác, chưa đúng thực chất
 
                                  alt                                Hầu như địa phương nào cũng có 1 đoàn xe vua được bảo kê bởi các quan chức
 
Vì bị vu cho tội loan tin sai sự thật, một số phóng viên đã cấp tốc “bay” về tận địa phương để thông tin rõ ràng hơn về sự việc này.
Bắp ép dân nộp thuế và bắt ép dân ký báo cáo láo

Phóng viên đã làm việc với Bí thư Đảng ủy xã Lê Quốc Khanh và ông Phan Quang Dũng để minh định đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai. Ông Dũng thừa nhận ký hợp đồng khống với nhà thầu từ 580 m lên thành 1,000 m ở đường thôn Tân Lỵ nhưng xã không đưa vào báo cáo gửi lên huyện.
 
                                           alt                                      Các xe với thùng xe lớn lưu thông ở nội thành người dân gọi là “xe hổ vồ”

Việc thôn, xã thu tiền 280,000 đồng ($13 Mỹ kim) ăn tết của một số gia đình nghèo, lãnh đạo xã thừa nhận là sai nhưng không đưa vào báo cáo gửi huyện. Về việc thu tiền của nạn nhân chất độc da cam, người tâm thần, gia đình nghèo kiểu cào bằng với mức có thôn 3 triệu đồng ($141) mỗi nhân khẩu ở Tân Thái và thấp nhất hơn 400,000 đồng ($19) mỗi nhân khẩu (mỗi người) ở một số thôn khác, cả ông Khanh, ông Dũng thừa nhận chưa phù hợp nhưng không sai. Nội dung này cũng bỏ ngoài báo cáo.

Khi được hỏi vì sao không miễn, giảm cho các gia đình nêu trên? Hai lãnh đạo xã Tân Thủy đồng thanh cho biết là ngoài việc không có chủ trương miễn, giảm thì không có gia đình dân nào đi xin khất hoặc xin giảm, xin miễn. Tuy nhiên, gia đình cháu bé Dương Văn Minh khẳng định cháu bị tâm thần, không biết gì, sổ tâm thần điều trị ngoại trú, bố cháu đã ba lần đi xin, không được xã, thôn đồng ý. Người nhà của cháu kể lại có lần đi xin cho cháu, trưởng thôn nói, “Hắn chết thì có đi đường làng không mà xin?”
 
                                   alt               Xe quá tải làm sập cầu sắt bắc qua suối Nậm Lạch, bản Nà Lốc, xã Sốp Cộp, Lạng Sơn tháng 8-2013

Câu trả lời của ông trưởng thôn như thế là hết tình người rồi, chắc bọn cầm đầu xã hội đen cũng trả lời tàn nhẫn đến thế là cùng. Làm sao dân có thể “tin yêu” ông được, làm sao ông nói cho dân nghe? Có lẽ người ta chỉ sợ uy quyền của ông nhưng trong lòng dân rất oán ghét chứ chẳng bao giờ kính phục ông. Đó cũng là hình ảnh đằng sau những lũy tre làng hiện nay.

Bắt người mù chữ phải viết giấy ký tên
Tại xã Tân Thủy có một bản viết tay được nói là của anh Dương Văn Điệp nhưng khi điều tra thì cả làng cùng biết anh Điệp không biết chữ. Anh Điệp nói không hề biết các thông tin báo chí thế nào. Anh Điệp gặp lại các nhà báo và nói, “Họ tự làm, tui không biết chữ thì răng viết, răng ký được.” Bản viết tay là bản khai được ngụy tạo và bịa ra chữ ký của người không biết chữ!

Người dân cho biết mấy ngày gần đây xã chỉ đạo công an xã và các trưởng thôn ở địa bàn có người phát biểu trên báo phải làm các văn bản không gặp báo chí, không nói chuyện với nhà báo, không cung cấp bất cứ thông tin gì về nghèo khó, nộp tiền đường.

Cụ thể, trường hợp bà Phạm Thị Lướt vay lãi cắt cổ để nộp tiền đường cho mẹ bà còn nợ từ năm 2012 vì năm 2013 khi mẹ bà mất, bà đến thôn xin miễn cho người chết, thôn không cho. Ông Trần Hữu Đấu, trưởng thôn, ép bà Lướt phải viết văn bản không nói như báo chí nêu. Bà Lướt không đồng ý, ông Đấu tự viết tường trình thay bà Lướt rồi bắt bà ký vào. Bà Lướt chỉ viết tên không ký, ông Đấu vẫn đưa nộp cho xã.

Con gái bà Dương Thị Ích, người đã từng kêu ca về việc nộp tiền đường, tố giác với phóng viên rằng Trưởng Công an xã Dương Hữu Thận viết sẵn nội dung, xong bắt bà Ích chép lại, ký tên nói thông tin báo đưa không có thật để xã gửi huyện. Trước nhiều nhà báo, bà nói bà bị ông Thận bắt sao chép đúng nguyên bản.

Vợ ông Trần Quang Toán bị tâm thần 30 năm vẫn phải nộp tiền đường cũng nói với phóng viên báo chí là không viết văn bản nào gửi xã cả. Thế nhưng ở công an xã có văn bản nói là bản viết tay của bà phủ nhận những gì bà nói trước đó. Vậy ai đã viết văn bản đó? Trụ sở của Ủy ban có ma chăng? Chắc là… ma xó cả!

Rất nhiều trường hợp khác tố giác bị cán bộ địa phương viết những lời phủ nhận việc báo nêu, người dân bị làm khống chữ ký và hoặc viết xong đưa đến ép ký. Thật ra sự việc này không chỉ có ở mấy cái “Ủy ban nhân dân” mà ở ngay nhiều trụ sở địa phương cũng có kiểu viết lời khai làm “mẫu” sẵn, nghi can hoặc người bị gọi phải viết đúng theo “mẫu lời khai” và ký tên mới được cho về. Bởi vậy mới phát sinh ra cái nạn bức cung, ép cung và đáng sợ hơn nữa là bị dùng nhục hình bắt phải nhận tội mới không bị đánh.

Đó là chuyện giống như cách hành xử của bọn xã hội đen ở nông thôn. Còn chuyện xã hội đen ở thành thị và ở cấp cao hơn, vừa đây đã xảy ra một vụ tranh cãi khá gay go giữa 2 quan chức cao cấp là Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Cục trưởng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an).

Định nghĩa ‘Xã hội đen’

Trong thời gian gần đây, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng bỗng nổi lên như cồn bởi tính bộc trực, nói thẳng nói thật những “tiêu cực” xảy ra trong ngành giao thông vận tải và có liên quan đến nhiều Bộ ngành cùng nhiều địa phương khác. Và ông nói là làm ngay, cách chức luôn những viên chức yếu kém hoặc bị nghi là ăn hối lộ. Tuy nhiên một mình ông không thể làm nổi, ngay cả nhân viên trong bộ của ông cũng còn nhiều tiêu cực. Bên cạnh đó, có những Bộ ngành vẫn ù lì như những vật cản đường cho nên việc làm của ông cứ như muối bỏ biển. Số quan chức như ông Thăng quá hiếm hoi ở VN ngày nay.

Tại cuộc họp của Ủy ban An Toàn Gia Gia Thông (ATGT) ngày 1/8 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nêu tình trạng "xã hội đen" dẫn đường cho xe quá tải và bảo kê, môi giới để vượt trạm cân (trạm lập ra để kiểm soát các xe vận tải). Cùng với sự việc đó, “một bộ phận” cảnh sát và thanh tra giao thông có hành vi tiếp tay, móc nối tạo ra tiêu cực, điển hình trên đường Nội Bài - Lào Cai. Ông đề nghị phải có giải pháp mạnh tay để chống tiêu cực, ngăn chặn tiêu cực từ lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông.

Không đồng ý với nhận định trên của ông Bộ trưởng Thăng, Đại tá Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an) cho rằng, nói xã hội đen bảo kê xe quá tải là chưa chính xác, đó chỉ là cái nhìn một chiều của ngành giao thông. Ông Hà đề nghị có cuộc họp liên ngành giữa hai Bộ Công an và Giao thông Vận tải để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm mỗi bên, báo cáo chính xác gửi Chính phủ.

Ông Hà bày tỏ sự không đồng tình về từ ngữ trong báo cáo của Bộ Giao thông, ông định nghĩa, “Thế nào là xã hội đen? Xã hội đen là khống chế hoàn toàn chính quyền địa phương hoặc một đơn vị nào đó. Xã hội đen là tập thể và phải có tổ chức, chứ một đối tượng không thể gọi là xã hội đen được mà chỉ là cò mồi.” Dẫu vậy, lãnh đạo C67 cho biết sẽ kiểm điểm toàn bộ cá nhân làm nhiệm vụ trên các tuyến đường “bỏ lọt” xe quá tải, phát hiện vi phạm sẽ xử lý ngay.

Lại là một lời hứa rất quen thuộc trong các hội nghị, “phát hiện vi phạm sẽ xử lý ngay” hình như người dân nghe quá nhiều rồi.

Xã hội đen và xã hội… đỏ

Đáp lời người đứng đầu Cục C67, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói, “Tôi không nắm rõ định nghĩa xã hội đen của các anh. Nhưng chuyện chỉ cần dán một phù hiệu lên xe là chạy vô tư mà không bị ai kiểm soát là xã hội gì? Phù hiệu không phải của Bộ Giao thông, không phải của Bộ Công an mà của một cá nhân dán lên xe là đi được. Hành vi này nằm ngoài hệ thống pháp luật Việt Nam.”

Bộ trưởng cũng chỉ ra thực trạng chỉ cần một lực lượng bảo kê, dẫn đường là cả đoàn xe ung dung đi, trong khi đó chính quyền, công an, thanh tra tê liệt không làm được gì. Ông nói thẳng, “Đoàn gồm trăm cái xe được chụp ảnh lại, có biển số, có phù hiệu hẳn hoi mà các anh vẫn bảo không có, không biết gì? Xã hội đen hay không xã hội đen?”

Câu hỏi gay gắt này chưa có lời giải đáp.

Vậy để có thêm từ ngữ mới để dùng hy vọng sẽ vừa lòng cả đôi bên, vậy xin mạn phép định nghĩa lại, “XÃ HỘI ĐEN” là một bọn đầu gấu, côn đồ thuộc loại thường dân hung dữ có “số má,” chuyên nghề đâm thuê chém mướn. Còn những quan chức đứng sau bảo kê cho xã hội đen lộng hành thì gọi là “XÃ HỘI ĐỎ” cho khác đi.” Như thế là rõ ràng, rành mạch, khỏi mất công các quan chức tranh cãi lôi thôi.

Xã hội đen ‘yểm trợ’ xe quá tải làm thiệt hại hàng tỉ đô la

Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết các tuyến cao tốc có giá trị hàng tỷ USD không thể chịu đựng nổi các đoàn xe vượt tải trọng cho phép 2-3 lần khiến đường chưa làm xong đã hư.

Trước tình trạng đầu gấu, bảo kê cho xe quá tải lộng hành trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự phối hợp với công an các tỉnh có đường cao tốc đi qua vào cuộc xử lý.

Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội C45 (Bộ Công an) và Công an huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa bắt hàng loạt đối tượng liên quan đến hành vi đưa và nhận hối lộ, bảo kê cho xe quá tải lộng hành trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Xe 15 tấn chở 65 tấn

Theo thông tin từ cơ Cảnh sát điều tra (CSĐT), 4 đối tượng là nhân viên vận hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã nhận “hối lộ” của Nhữ Văn Hiệp, (tức “Hiệp gạo,” SN 1974, ở tại Trần Nguyên Hãn, Lê Chân, TP Hải Phòng), Giám đốc Cty CP Đầu tư thương mại Hiệp Hương, một doanh nghiệp kinh doanh gạo ở Hải Phòng.

Ngày 5/8 vừa qua, Hiệp bị cơ quan chức năng bắt giữ về hành vi “Đưa hối lộ.”

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Hiệp làm nghề vận chuyển gạo từ Hải Phòng lên Lào Cai để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài 6 xe trọng tải lớn của nhà, Hiệp còn thuê khoảng 100 xe ở Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc để vận chuyển gạo từ Hải Phòng đi Lào Cai.

Các xe trong đoàn xe của Hiệp có trọng tải cho phép mỗi xe chỉ chở 15 tấn. Tuy nhiên, các xe này đều chở quá tải lên đến 50-65 tấn một xe (quá tải gấp ba bốn lần so với trọng tải cho phép), lưu thông hàng ngày từ 0h30 - 3h sáng trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn từ Sai Nga - Cẩm Khê đến hết địa phận huyện Hạ Hòa.

Trung bình một tháng, đoàn xe của Hiệp vận chuyển khoảng 30.000 tấn gạo trên đường này. Để trốn việc cân trọng tải và rút ngắn đoạn đường đi, Hiệp thuê Hưng ở Hà Nội đi dẫn đoàn, đưa tiền cho bảo vệ các chốt cầu, đường để mở rào chắn cho đoàn xe của Hiệp đi qua.

Chi bạc triệu cho nhân viên bảo vệ để vô hiệu hóa nhân viên cắm chốt

Được biết, trong thời gian từ 28/6 đến cuối tháng 7/2014, đoạn đường từ xã Sai Nga (huyện Cẩm Khê) đến hết địa phận huyện (Hạ Hòa- Đoạn đường đang làm) đã cấm không cho các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn cho việc làm đường và chất lượng công trình đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tuy nhiên, 4 nhân viên Thắng, Hoàng, Mạnh, Quân và một số nhân viên khác được giao nhiệm vụ bảo vệ đoạn đường kể trên, đã nhận tiền hối lộ của Hiệp “gạo” để mở rào chắn cho các đoàn xe quá khổ, quá tải chở gạo của đối tượng này đi qua. Cơ quan điều tra xác định có chốt, các nhân viên này thu 300 ngàn đồng một xe, nhưng có chốt thu cả triệu đồng một xe.

Một điều tra viên cho biết, có đoạn cầu vừa đổ bê tông 2 ngày, các nhấn viên này đã nhận tiền và mở rào cho các xe quá tải của Hiệp đi qua. Việc làm này khiến một số nơi trên con đường đang làm bị hư hỏng.

‘Xe vua’ có ‘bảo kê’ ai cũng biết chỉ có thanh tra không biết

Thật ra không chỉ ở đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mà trên các con đường quốc lộ, tình trạng xe quá tải nối đuôi nhau vẫn diễn ra. Thực trạng này cũng được lãnh đạo Bộ GTVT nhìn nhận, bất kỳ ai cũng nhìn thấy xe quá tải vẫn nghênh ngang trên đường nhưng tại sao không bắt được trường hợp nào. Rõ ràng là các loại xe này thuộc loại “xe vua” đã được viên chức hoặc chính quyền địa phương “bảo kê.”

Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, qua kiểm tra tại các địa phương nổi lên 4 vấn đề tiêu cực liên quan đến trạm cân: 1- Cơ quan chức năng ở địa phương làm không chặt, bởi nếu địa phương làm gắt gao về tải trọng sẽ gây ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của tỉnh. 2- Giám đốc doanh nghiệp bốc hàng, vận chuyển vì lợi ích kinh tế đã chỉ thị chó các tài xế chở quá tải. 3- Các nhóm lợi ích khác có liên quan như cò mồi, dẫn khách (thu lợi qua việc môi giới chở quá tải, dẫn xe qua trạm). 4-Lực lượng thi hành công vụ tại trạm cân có tiêu cực (nói rõ hơn là ăn hối lộ cho xe qua trạm).

Nhiều xe quá lớn đi nghênh ngang giữa thành phố, người dân gọi là xe “hổ vồ.” Thậm chí có xe vận tải quá nặng làm sập cả cầu như cầu bắc quia suối Nậm Lạch bản Nà Lốc, xã Sốp Cộp, Lạng Sơn tháng 8-2013. Rồi sẽ có nhiều cây cầu bị hư hại nặng nề hoặc đổ sập vì những loại xe quá tải này. Thiệt hại không biết thế nào kể hết được.

Bộ trưởng GTVT đặt vấn đề, “Tại sao không kiểm tra cả Thanh tra? Vì sao xe quá tải đi từ Bắc vào Nam qua bao nhiêu tỉnh mà không bị phát hiện, xe vẫn “lọt” mà Thanh tra không biết? Ban ngày cả trăm xe quá tải nằm “phục” trước trạm cân, chỉ qua một đêm không còn xe nào, các xe tự bốc hơi? Phải bắt quả tang mấy trường hợp nhận hối lộ, ăn đút lót để xe qua, làm căn cứ để khởi tố thì mới chừa. Không thể để tình trạng xe quá tải nghênh ngang trên đường, ai cũng biết, mỗi Thanh tra không biết.”

Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, xuất hiện tâm lý trong lực lượng Thanh tra hiện nay là thích ra đứng đường, để bắt xe quá tải. Tâm lý này phải loại bỏ ngay. Nếu làm đúng chức trách, thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp, tại các nguồn hàng, thanh tra có thể bắt được hàng trăm xe quá tải, thậm chí là triệt tận gốc của vấn đề, chứ không phải chỉ một hai xe trên đường.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam khẳng định tại cuộc họp chống tiêu cực trong kiểm soát xe vận tải chở quá quy định do Báo Giao thông tổ chức hôm 28/7:

“Hầu như địa phương nào cũng có 1 đoàn “xe vua,” được bảo kê bởi một số quan chức ở địa phương. (Nhóm quan chức này nên gọi là xã hội đỏ - NV). Nhóm này tìm mọi cách đối phó với chủ trương siết chặt xe quá tải.”
Bắt một vụ ở huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) mới chỉ là một con số rất nhỏ so với những gì đã xảy ra trong toàn quốc. Mong rằng đây không chỉ là “một chiến dịch” truy bắt rồi sau đó lại… bỏ quên mất chiến dịch này.

Nhân dân không mù

Đến đây để kết luận cho vấn đề xã hội đen xã hội đỏ này, tôi trích dẫn 2 trong hàng ngàn ý kiến của người dân trên các trang báo VN:

- Bạn có tên là Hiệu viết: "Nhân dân không mù cũng không điếc chỉ mỗi điều là không cho họ nói hoặc nói chẳng có ai nghe thôi, chứ CSGT bảo kê, ăn hối lộ ra sao đến đứa trẻ cấp một còn biết cần gì phải ông BT Thăng. Tôi ủng hộ Bộ trưởng Thăng!"

- Bạn Hồng Kỳ viết: "Không có một văn bản nào của Nhà nước định nghĩa thế nào là "xã hội đen,” song nhìn hiện tượng bảo kê, tiêu cực...xảy ra thì người dân, dù người nhiều chữ hay người không biết chữ đều gọi đó là "xã hội đen,” chỉ có một số người-quan vì những lý do "tế nhị" nào đó hiểu khác với nhân dân mà thôi".

Mắt của nhân dân nhìn rất tinh, không có sự thật nào che mắt được nhân dân cả!
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~