Wednesday 3 September 2014

THÁNG TÁM, VÀ NHỮNG NGƯỜI YÊU NƯỚC - Hành Tư

Lời giới thiệu: Sau ngày 30 tháng 4/75, giữa lúc mọi người còn đang ngơ ngác, giận dữ, thống trách đau khổ, thì có một số người trẻ tuổi tại Đông Kinh đã đủ bình tĩnh mở cuộc họp báo để minh xác với thế giới cuộc chiến đấu cho tự do của dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục vì “chúng tôi còn hiện diện để tiếp nối những bước đi lịch sử của cha ông”.

Ngay khi mọi người chưa hết bàng hoàng sau cơn hồng thủy và còn đang ngơ ngác vì cuộc sống xa lạ, đầy trắc trở của một xã hội hoàn toàn khác biệt về phong tục, ngôn ngữ, sinh hoạt thì có những quân nhân trẻ có già có từ cấp binh nhì tới cấp tướng lãnh, âm thầm ngồi hoạch định cho ngày trở lại Việt Nam.

Khi mà cả nước bị gông cùm đỏ trùm lên, không khí bị ô nhiễm vì hận thù, vì tù ngục cải tạo, vì những lừa bịp trắng trợn thì có những thanh niên thiếu nữ bỏ vào rừng hay ngay trong lòng địch âm thầm tổ chức thành những nhóm nhỏ chiến đấu.


Rồi họ tìm đến với nhau, rồi họ liên lạc nhau, rồi họ kiểm điểm hàng ngũ, rồi họ hoạch định kế sách. Tất cả đã nối kết nhau bằng chất keo dân tộc vì lý tưởng cao cả: giải thoát dân tộc khỏi gông xiềng, đem trả lại dân tộc tự do công bằng và nếp sống an vui bình dị.

Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã ra đời trong bối cảnh đó vào hơn 30 năm trước.

Nhưng giữa đường, lực bất tòng tâm, một số trong họ đã anh dũng hy sinh ngay trên đất mẹ, trên đường mở lối về vào tháng 8 năm 1987 tại rừng núi Nam Lào.

Vì thế cứ đến tháng 8 thì trong lòng những người đoàn viên Mặt Trận ai nấy đều mang ít nhiều nỗi buồn u uất.

Xin mời quí vị theo dõi tâm tình của một trong những đoàn viên Mặt Trận năm xưa khi tháng 8 trở về. 

THÁNG TÁM, VÀ NHỮNG NGƯỜI YÊU NƯỚC

Hành Tư


*

Thung lũng nở đầy hoa vàng mùa Hè 1983. Anh em đón anh tại tòa soạn báo Kháng Chiến có đôi chút ngỡ ngàng. Người đứng đầu trách nhiệm tuyên vận của tổ chức lại trẻ đến như vậy. Nắng mưa khu chiến không thể làm mất làn da trắng thư sinh của anh. Lúc mới 24 tuổi, anh là sinh viên du học tại Nhật và là chủ tịch hội Người Việt Tự Do ngay sau khi cộng sản chiếm miền Nam năm 1975, đã làm đại diện Việt cộng ở Nhật thời bấy giờ mất ăn mất ngủ bởi những cuộc biểu tình rầm rộ. Lúc 30 tuổi, anh rời Nhật trở về chiến khu.

Lần đó, từ chiến khu trở ra hải ngoại, một trong những công tác của anh là ổn định báo Kháng Chiến đang trong thời kỳ phôi thai. Những ngày làm việc với anh em, anh đã để lại nhiều cảm mến và tâm phục. Anh cẩn thận xem mỗi bản tin, từng bài vở. Anh ngồi chung với anh em dán từng địa chỉ độc giả, gói từng thùng báo gửi đi xa. Một chuyện không thể quên được là sau một buổi họp mới biết anh đã lên cơn sốt rét mà vẫn ngồi họp cùng với anh em cho đến cuối giờ. Mới biết nghị lực của anh lớn chừng nào. 

Anh, từ những biến cố tháng 7 năm 1987, từng giữ trách nhiệm cao nhất tại chiến khu. Từ năm 1990, chính quyền Thái có những thỏa thuận hòa bình với Cộng sản Việt Nam. Khu chiến Việt Nam gặp nhiều trở lực. Ngày 15 tháng Giêng năm 1991, một viên chức Thái đưa anh đến vùng biên giới và anh mất tích từ đó.

Tên anh là Ngô Chí Dũng.


*

Anh gò lưng trên bàn lay-out trong một ngày tất bật của tòa soạn báo Kháng Chiến. Dáng anh tận tụy, thêm hai gọng kính cận dầy cộm làm anh già hơn tuổi. Anh em luôn thấy dáng tận tụy của anh trong khi làm việc, dù việc lớn hay nhỏ. Vậy mà năm rời chiến khu trở về Hoa Kỳ công tác, anh mới 35 tuổi.

Dù thời gian anh công tác ở hải ngoại không lâu, anh không để phí thời gian, dù là có thể dành một chút thì giờ với vợ con. Biết báo Kháng Chiến sắp đến ngày in, anh đến thăm và "xin" giúp việc lay-out. Mục lịch sử nói về anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và cần một hình chân dung. "Chuyện dễ ợt!", anh cười nói với anh em và dùng ngay mực bút của tòa soạn thoáng vài nét là có hình vẽ chân dung Đề Thám thật linh động. Mới thấy tài hoa của anh. Anh em lại "tham" hơn anh nghĩ. Thế là anh đã ngồi dùng bút mực vẽ thêm hơn mười chân dung anh hùng dân tộc khác để anh em sử dụng trong những số báo sau. Vậy đó! Với anh, chuyện nào cũng "dễ ợt". Vì thế, với anh, chuyện đi đấu tranh "dễ ợt" vậy mà không chịu làm, mới lạ!

Anh, từng là nhà văn ở hải ngoại với nhiều chuyện ngắn nổi tiếng. Anh, tác giả bài hát "Thế Kỷ Này Thế Kỷ Chúng ta" từng vang lên trong rừng núi chiến khu. Anh, từng giữ trọng trách Tổng thư ký Hội Văn Nghệ Sĩ Kháng Chiến, đã để lại vợ con ở hải ngoại để trở về khu chiến. Trong một chuyến xâm nhập vào đất mẹ Việt Nam, đoàn quân của anh đã giao tranh đẫm máu với lực
lượng đông đảo của Cộng quân. Một trái pháo của giặc đã phủ chụp bên anh. Anh hy sinh ngày 28 tháng 8 năm 1987.

Anh tên là Võ Hoàng.
*

Đó là một buổi sáng rất sớm tại tòa soạn báo Kháng Chiến. Anh ngồi trên bàn đọc một tập thơ do Đông Tiến xuất bản. Mới 5 giờ sáng. Trong chuyến công tác ở hải ngoại, anh ghé thăm anh em và ở lại đêm chuyện trò. Tòa soạn im lặng khi anh em phụ trách còn đang ngủ say. Tập thơ Bắc Phong làm anh say mê đọc từng trang một. "Đi, hành trang có niềm tin. Quyển thơ Nguyễn Trãi và hình vợ con". Một câu thơ làm mắt anh cay cay. Ngày anh rời hải ngoại về chiến khu đấu tranh chỉ mang theo hình đàn con nhỏ.

Một anh em dậy sớm nhất đã giật mình khi thấy anh ngồi lặng lẽ dưới ánh đèn bàn được vặn nhỏ. Anh cười và còn nói vui là đã không dám di chuyển mạnh sợ đánh thức anh em. Anh nói đã quen giờ thức dậy ở chiến khu nên ra ngoài này cũng khó ngủ thêm được.

Anh, từ một nhà giáo trở thành một sĩ quan can trường của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 3, 1975, anh bị Việt cộng bắt nhưng trốn thoát trở về nhà cùng gia đình vượt thoát sang Mỹ. Anh, cùng với những người có lòng gây dựng nên cộng đồng người Việt tại tiểu bang Hawaii. Và muốn đi đến tận cùng của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, anh đã trở về chiến khu và trong những ngày tháng bi hùng của tổ chức, anh đã đảm nhiệm trách vụ hàng đầu của Lực lượng võ trang kháng chiến.

Ngày 28 tháng 8 năm 1987, khi
bị giặc cộng vây ở Nam Lào. Bị thương và không muốn sa vào tay giặc, anh tuẫn tiết ở rừng Nam Lào.

Tên anh là Nguyễn Trọng Hùng.
*



Mùa Hè năm 1984, tòa soạn báo Kháng Chiến đón một khách quý. Ông từ chiến khu trở ra hải ngoại công tác. Dáng người ông nhỏ nhắn nhưng vẻ mặt cứng rắn, quả quyết của một quân nhân từng vào sinh ra tử với sư đoàn nhảy dù Việt Nam Cộng Hòa. Ngày ông đến thăm, đặc biệt để gặp anh em phụ trách cơ quan ngôn luận của tổ chức và cũng để gặp một phụ nữ cũng rất đặc biệt, đó là nhà văn Trùng Dương. Ông đề nghị mọi người ngồi dưới sàn để chuyện trò thoải mái hơn. Ông sống bình dị vô cùng.

Ông từng giữ chức vụ Trung tá Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù. Theo lời kể của Bác sĩ Trần Đức Tường, trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào, khi căn cứ bị cộng quân tràn ngập, ông đã yêu cầu pháo binh bắn trên đầu mình. Một vị bác sĩ phải kéo người lính truyền tin chạy xuống đồi làm đứt dây ống nói, ông mới chịu rời vị trí. Ông "là con người như vậy, dũng cảm, gan dạ, sống chết với đơn vị, thà chết vinh hơn sống nhục".

Sau khi cùng gia đình vượt thoát sang Hoa Kỳ năm 1975, ông tiếp tục tìm người đồng tâm đấu tranh chống Cộng sản Việt Nam. Sau đó, ông đã cùng nhiều người yêu nước trở về chiến khu.

Nói về "chiến khu", ông chia xẻ với nhà văn Trùng Dương: "chiến khu là nơi xảy ra những công tác tuyên vận, móc nối, hay những nơi huấn luyện, có thể là một bờ kinh, một góc vườn, một con đò giữa sông, ở dưới một tán bần hay cạnh một gốc dừa… Có thể nói không ngoa rằng chiến khu ở trong lòng mọi người dân. Còn nếu quan niệm rằng chiến khu là một doanh trại, có nhà cửa khang trang, với đây là chỗ ngủ, kia là phòng ăn, sân tập họp, bãi bắn… thì chúng ta không có chiến khu".

Đó là một trong những quan niệm mới của đấu tranh giải phóng.

Ông, từ một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trở thành Tư lệnh Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến. Đau đớn thay, ông đã nằm xuống trong rừng núi chiến khu vì cơn sốt rét ác tính, vào ngày 1 tháng 5 năm 1985.

Ông tên là Lê Hồng.

*

Năm 1985, ông rời chiến khu trở lại Hoa Kỳ để ổn định công việc điều hành tại hải ngoại. Trong một phiên họp bất thường, ban chấp hành hải ngoại đã quyết định họp tại tòa soạn báo Kháng Chiến. Vì số người đông so với phương tiện của tòa soạn, đêm về, ông đã ngủ dưới sàn nhà cùng với  tất cả ban chấp hành. Mà nhớ đến nhân cách làm tướng của tác giả "Hịch Tướng Sĩ" Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Chủ-tướng như ruột thịt, như anh em. Một thời là tướng hải quân Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy, người "Anh Hai Thủy Bộ" này đã từng đích thân vào chốn hiểm nguy để giải cứu đồng đội. Ông thương lính của ông như ruột thịt. Nhân cách ông không hề thay đổi. Đó cũng là lý do tại sao nhiều người đã luôn theo ông vào chốn khốn khó, hiểm nguy nơi khu chiến và không muốn ở hải ngoại công tác dù có cơ hội.

Tháng 6, 1987, ông rời hải ngoại trở về chiến khu với một kế hoạch xâm nhập quốc nội. Ông đến tòa soạn báo Kháng Chiến thăm các chiến hữu của mình. Dù nét mặt ông luôn anh nhiên, bình thản trước mọi thử thách nhưng anh em biết chuyến đi của ông lần này sẽ gặp nhiều gian nguy. Ông biết điều đó. Ông nói chuyến đi lần này sẽ lâu và ngày gặp lại có lẽ sẽ khá lâu. Ông nói đến chữ "Tâm" và chữ "Tin". Luôn vững tâm và tin tưởng mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng của dân tộc. Ông bắt tay từng người, rất chặt.


Tháng 7 năm 1987, ông quyết định dẫn một đoàn kháng chiến quân băng qua lãnh thổ Lào để trở về quốc nội.

Trong thời gian đầu của chuyến đi, đoàn quân đã không gặp nhiều khó khăn, mặc dù có những trận đụng độ với bộ đội Lào cộng và bộ đội Việt cộng đóng trên xứ Vạn Tượng nhưng không đáng kể. Tuần lễ đầu tháng 8/1987, khi đoàn quân gần đến biên giới Lào Việt nằm về hướng Ðông tỉnh Attopư thì bắt đầu đụng độ khá nặng với lực lượng biên thùy của Việt cộng. Trong trận đụng độ này, một số kháng chiến quân đã bị bắt. Do sự khai báo của một vài kháng chiến quân, lãnh đạo Việt cộng biết được sự hiện diện của ông trong đoàn quân, nên đã huy động bộ đội lên đến cấp Trung đoàn bủa vây và dùng cả trực thăng để quan sát, dùng pháo binh để truy kích với mục tiêu là bắt sống ông. Sau hơn hai tuần lễ cầm cự và giao tranh dữ dội, nhiều kháng chiến quân đã hy sinh, và ông cũng đã bị thương.

Ðến ngày 27/8/1987, đoàn quân kháng chiến bị vây trên một ngọn đồi. Lãnh đạo Việt cộng xua quân tấn công nhiều đợt lên đồi để cố bắt sống ông. Mặc dù các kháng chiến quân chiến đấu rất anh dũng, nhưng quân ít, đạn thiếu, không sao thoát khỏi vòng vây của kẻ thù. Trong hoàn cảnh đó, đêm ngày 27/8 rạng sáng ngày 28/8, ông đã tập trung anh em lại dặn dò lần cuối. Ra lệnh cho những ai còn khỏe thì cố gắng tìm đường thoát khỏi vòng vây, ai không đi được thì ở lại tử thủ. Những người còn khỏe không ai chịu rời bỏ người chủ tướng, không ai muốn rời bỏ anh em. Trong cái không khí bi hùng u uất đó, pháo đạn như đã xiết lại gần hơn, vậy mà những người nghĩa dũng vẫn vây chung quanh người chủ tướng. Mọi người đều khóc. Dù bị thương, ông vẫn nói đến tiền đồ dân tộc, đến đại cuộc giải phóng đất nước. Khó mà tưởng tượng ông nhắc đến hoàn cảnh bi tráng mà người anh hùng dân tộc Lương Ngọc Quyến đã trải qua trong cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên năm 1917. Ông Lương Ngọc Quyến đã tự sát để các nghĩa quân không vướng bận khi phải tháo lui. Chính vì hiểu điều này, các kháng chiến quân còn khỏe mạnh đã rời khỏi ngọn đồi.

Ông đã ra lệnh cho các kháng chiến quân mở đường ra khỏi vòng vây, trong khi ông và một số chiến hữu bị thương ở lại bắn để chặn đường. Lúc đó, cộng quân tấn công dữ dội. Vì không muốn sa vào tay giặc, ông đã rút khẩu súng phòng thân ra khỏi vỏ. Không biết ông đã nghĩ gì trong khoảnh khắc bi hùng ngắn ngủi đó. Tiếng súng nổ đã vang lên trong núi rừng Nam Lào trước sự chứng kiến uy nghiêm của những chiến hữu còn lại. Mọi người đã qùy xuống lạy vị chủ tướng đáng kính, và rồi sau đó nhiều tiếng súng ngắn tiếp tục vang lên như xé trời tang.

Ông tên là Hoàng Cơ Minh.
*



Họ là những kháng chiến quân của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam.

Họ cũng là những đảng viên cốt lõi của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng - Đảng Việt Tân.

Những người đã từ bỏ sự ng
hiệp, rời xa mái ấm gia đình, quên đi hạnh phúc cá nhân để trở về khu chiến Dựng Cờ Chính Nghĩa. Họ đã chứng minh sự tiếp nối truyền thống hào hùng yêu nước và cứu nước của Tổ Tiên Việt Nam.


*

Bài viết này được ghi lại từ kỷ niệm của một đoàn viên từng có cơ hội công tác với báo Kháng Chiến và có duyên may mắn được gặp
năm kháng chiến quân kể trên. Người viết xin được ghi lại như một nén hương lòng tưởng kính đến tất cả những người Việt Nam đã quên thân mình và hy sinh trên con đường mang lại Tự Do và Dân Chủ cho Việt Nam.

Hành Tư