Nàng mở tivi xem tiên đoán thời tiết. Cuối tháng Mười, ban ngày cao nhất 21 độ C; ban đêm trời lạnh xuống 10 độ C. Nàng gọi thằng con phụ bê chậu ớt hiểm vô nhà, không quên đứng lại ngó giàn khổ qua có chỉ độ năm, sáu trái lớn sắp sửa hái ăn được. Năm nay, cũng như nền kinh tế suy thoái, ông trời tiết kiệm năng lượng, giảm bớt những ngày hè nắng nóng. Thời tiết cũng bày trò thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu, cho nên mùa hè đến muộn và ra đi hơi sớm. Ðể cho nàng phải mất công dời chậu ớt vào nhà mỗi đêm. Nàng thương nó lắm, sợ nó chết lạnh.
Chậu ớt thật sai trái, có hàng trăm quả vừa chín vừa hườm cộng với vô số quả non và hoa còn búp. Những đóa hoa trắng muốt năm cánh nhỏ xíu thấy dễ thương làm sao; chúng trông giống như hoa đeo tai của mẹ nàng để lại cho nàng. Đôi hoa tai chỉ còn là vật kỷ niệm được cất kỹ trong tủ suốt cả năm, nàng hiếm có dịp đem ra để đeo. Những trái ớt trông cũng xinh, không tròn không dài mà cũng không cong, cứ thon thon bóng chắc. Trông thôi đã đẹp, chành môi và hé răng cắn nó một một phát nghe giòn cay trong miệng, nước bọt tươm ra cho vị cay hòa quyện nhai chung với thức ăn rồi nuốt một cái tọt xuống cổ họng trong khi mùi thơm nồng xông lên hốc mũi kích thích tuyến nước mắt tiết ra cho mắt long lanh; bữa cơm với món ăn đơn giản nào chăng nữa cũng trở thành ngon miệng.
Ai nói ăn ớt làm tăng thân nhiệt hại gan hại da thì không biết chứ riêng trường hợp nàng ăn ớt hàng ngày mà da mặt nàng vẫn căng tươi mịn màng, không cần phải dùng đến sữa ong chúa. Cha nàng thì nói không có ớt thà nhịn ăn cơm. Con trai nàng 21 tuổi vẫn không có mụn trên mặt. Riêng chồng nàng... chỉ cử ăn ớt từ khi lâm bệnh. Sẵn tính đa cảm và yêu chồng, nàng tư lự nghĩ vu vơ, ớt chín làm chi trong khi chồng nàng không còn hái ăn mỗi ngày nữa. Anh bị ung thư đại tràng và đang được trị liệu; chuyện ăn uống kiêng cử nghiêm nhặt, không còn hứng thú ngon miệng như xưa. Hôm trước mưa giông bất chợt, nàng không có ở nhà, chậu ớt bị ngã đổ, đất rơi rớt ra khỏi chậu, mấy cành bị gẫy, nàng xuýt xoa thương xót. Dường như nàng thương xót tất cả mọi vật với muôn loài. Người hoạn nạn, người nghèo khó, chim non gặp nạn trong mưa bão từ trên cây trước nhà rơi xuống, cả con ruồi con muỗi bay vô nhà nàng cũng cố công tìm mọi cách xua nó ra chứ không đập chết.
Gia đình nàng dọn đến xóm này đã được hai năm. Căn nhà chủ trước đề bản bán chỉ trong vòng hai tuần lễ là đã có người mua. Lại thêm một gia đình người Việt, xóm này mừng có thêm đồng hương. Thế mà chỉ mới đây thôi, người ta mới biết một ít gốc gác về gia đình nàng gồm bốn người: cha nàng, vợ chồng nàng và con trai nàng. Ðáng làm cho hàng xóm chú ý là chậu ớt sai trái xanh đỏ với giàn khổ qua đèo leo phủ ban công. Ðáng chú ý hơn nữa là nhân vật nữ chủ của vườn treo đó.
Gương mặt của nàng luôn đượm một nét buồn tiềm ẩn diệu vợi. Ðôi mắt của nàng long lanh rười rượi như mặt hồ mông mênh huyền thoại phản chiếu bầu trời trong xanh đầy mây trắng. Ai nhìn thấy nàng không khỏi có ý nghĩ là nàng vừa khóc xong hay sắp khóc. Nước mắt như đã dâng đến bờ mi rồi, chực chờ, sóng sánh chỉ một chút giao động tình cảm là trào ra. Nỗi buồn ấy chất chứa từ tiền kiếp người phương Nam trên dòng sông chín con rồng uốn khúc cuốn đất phù sa trôi ra biển cả, đượm hơi hướm và chất liệu của những bài ca như vọng cổ hoài lang, xàng xê, nam ai, giang nam, kim tiền bản, nam xuân, sâm thương não sầu ai oán.
Mẹ nàng chuyển bụng trong một đêm Mậu Thân giới nghiêm có tiếng đạn hỏa tiễn 122 ly véo vút trên bầu trời từ hướng Tân Qui Ðông. Ðạn bắn vào thủ đô để gây kinh hoàng chứ không nhất thiết nhắm nhằm mục tiêu quân sự hay công thự nào. Yêu cầu đồng bào hãy ở yên trong nhà, đừng ra ngoài đường để tránh mọi rủi ro. Thông cáo trên đài phát thanh ra rả. Nhà nhà lo mua gạo, mắm muối cá khô. Cha nàng đi trấn thủ miền xa tận Lộc Ninh đất đỏ bụi mù. Tất cả các đơn vị ứng chiến một trăm phần trăm. Bảy mươi hai tỉnh thành trên toàn quốc bị giặc tấn công.
Cảnh nhà đơn chiếc. Bà ngoại nàng quýnh quáng lo sợ. “Rán nín tới sáng được hôn con?” “Không được má ơi...Phải đi ngay bây giờ...Ở nhà lỡ có bề gì...” Ngoại run vì sợ, cầm dơ cao cây đèn dầu dìu mẹ nàng đang ôm bụng cắn răng dằn cơn đau lội bộ đi đến nhà bảo sanh. “Ai đó? Ðứng lại!” Toán thanh niên Nhân Dân Tự Vệ gác trong xóm đề cao cảnh giác. Ngoại càng run. “Dạ... tui đưa con tôi... đi đẻ.” Cuộn giây thép gai giăng ngang đường lộ được mở ra một khoảng trống vừa đủ cho hai người đàn bà run sợ đi qua. Lên dốc Cầu Chông Quận Tư mẹ nàng quị xuống. Bà ngoại nàng hốt hoảng gọi “Con ơi! Ráng đi chút nữa đi con! Gần tới rồi.” Mẹ nàng gượng dậy lê lết. Một tiếng nổ kinh hồn. Ngoại ngoái nhìn xóm Cư Xá. Lửa khói bùng lên. Bà thảng thốt kêu, “Chết rồi! Xóm nhà mình con ơi!”
Rồi nàng cũng lọt lòng mẹ chào cuộc đời gian nan, và được đời chào lại bằng tiếng súng đủ loại, bằng hỏa châu, và bằng khói lửa chiến tranh. Bà đỡ buộc miệng khen, “Tuổi con khỉ, mặt đẹp quá!” Mẹ gượng cười nhọc mệt. Ngoại mừng vui quên cả mệt nhưng vẫn còn run. Tiếng khóc oa oa của trẻ thơ chen lẫn với tiếng động cơ trực thăng võ trang bay, tiếng gầm rú của hỏa tiễn bắn vào các vị trí đặt súng của địch quân. Ở đây một đứa trẻ vào đời; đàng kia có người bị chiến tranh cướp đi mạng sống.
Ba hôm sau mẹ bồng đứa con sơ sinh trở về, cũng may căn nhà khiêm nhường chỉ bị tróc mất vài miếng ngói. Chờ đến khi cứng cáp, mẹ nàng bất chấp lời ngoại khuyên, bồng con đi Lộc Ninh để cùng chồng đồng lao cộng khổ. Nàng trải qua những năm đầu đời trong vòng rào kẽm gai, nhà lợp mái tôn và hầm bằng bao cát. Lớp học mẫu giáo nằm ngay trong trại gia binh, giữa những tiếng ê a i tờ và các bài hùng ca của lính là tiếng súng ầm ì với đèn trời hỏa châu thắp sáng nhiều đêm. Tháng Tư Bảy Lăm oan nghiệt, con bé có khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt to đen hớt hãi nắm tay mẹ chạy theo đoàn người di tản. Lần này mẹ khuỵ xuống ra đi vĩnh viễn bởi đạn thù. Mẹ xuôi tay. Người quen lôi nàng chạy đi. Từ đó nỗi buồn.
Khuôn mặt nàng khá tròn đầy. Sự tròn đầy còn được thể hiện nơi cả mí mắt, má, môi và cằm. Nàng không có vẻ gì yếu đuối về thể chất cả. Trái lại, gương mặt đó có nét uy nghiêm với một ít nét quí phái giống bức tranh tuyệt tác Mona Lisa của nhà danh họa Leonard Da Vinci. Ồ, nhưng mà không, nàng không phải là một Lisa Gherardini, vợ của nhà buôn vải Francesco del Giocondo ở Florentine (nên người Ý mới gọi là La Gioconda hay La Joconde bởi người Pháp) giàu có thừa tiền của mướn họa sĩ vẽ tranh. Nàng chỉ là một người Việt di dân tầm thường đi làm tư chức hảng xưởng nuôi gia đình trong thành phố này.
Mỗi lần rời khỏi nhà đi ra ngoài, nàng ăn mặc y phục kín đáo một màu sẫm buồn. Làn da trắng hồng tươi mát có được chắc là nhờ dược chất chống độc tố trong ớt mang lại. Nhưng chính chiếc khăn choàng trên mái tóc đen tuyền mới làm cho nét buồn sâu lắng của nàng tăng lên và nổi bật. Sao nàng không cười để gợi liên tưởng đến hình ảnh Jackie Kennedy ngồi trên chiếc xe limousine mui trần bên cạnh ông chồng tổng thống ngay giây phút trước khi ông bị ám sát buổi trưa một ngày tháng Mười Một năm 1963 nơi thành phố Dallas. Nàng chưa thành quả phụ. Nhưng điều đó nào có khác gì vì lẽ chồng nàng đang khắc khoải sống trong bệnh tật và hiếm thấy đi ra khỏi nhà. Từng gánh nặng nầy đến gánh nặng khác tạo ra những giọt lệ âm thầm đè nén để khỏi kèm theo tiếng khóc.
Hãy nghĩ đến một so sánh khác gần gũi hơn và xác thực hơn; nàng giống hoàng hậu Soraya của Ba Tư. Nàng Mona Lisa là một nhân vật trong tranh xa xưa từ thế kỷ thứ 16; Soraya là một nhân vật thật ngoài đời thời cận đại ngay trong kỷ niệm thiếu thời của cha mẹ nàng. Mona Lisa hơi mỉm cười, biểu lộ một sự thỏa mãn hạnh phúc ngấm ngầm. Có nhà khảo cứu tranh vẽ còn đi xa hơn, cho rằng đó là nụ cười của một phụ nữ vui sướng vì sắp được làm mẹ sau khi đứa con gái đầu lòng qua đời. Người ta khẳng định Mona Lisa có bầu. Soraya thì khác. Với nét đẹp u buồn của bà, báo chí Saigon trong cuối thập niên 60 đặt cho bà một biệt danh là Hoàng Hậu Sầu Muộn; sầu muộn vì do bệnh vô sinh của bà, luật pháp khắt khe của Ba Tư ép buộc nhà vua ly dị bà và lấy vợ khác. Vừa không thể sinh con để làm mẹ vừa mất ngôi vị hoàng hậu khi mới 25 tuổi, Soraya buồn bã u sầu đến chết. Danh hiệu hoàng hậu sầu muộn còn đó để trao lại cho nàng.
Nàng cũng mất đi khả năng sinh đẻ sau một lần mang thai đứa con thứ nhì. Nỗi buồn chồng chất thêm lên, hay là nỗi hối tiếc không thể ban tặng một món quà tình yêu cho người chồng sau; người đã đem lại tình yêu đích thực cho nàng. Tên của nàng là Tuyền, là dòng suối, ở trường hợp nàng là một dòng suối nước mắt. Sự sầu muộn của nàng chất chồng theo những chuỗi ngày gian truân vất vả trong chiến tranh ly loạn, nối tiếp trong xã hội cộng sản khắc nghiệt. Số phận buồn thảm của một đứa bé bảy tuổi có mẹ gục chết trên đường chạy loạn và có cha là quân nhân bị bắt đi tù. Những năm tháng được bà ngoại cưu mang cho đi học, cột khăn quàng đỏ vào lớp và hát những bài ca lạ lẫm không làm cho cô bé vui hơn tí nào. Bác Hồ cùng chúng cháu hành quân, sao lúc cháu thi đua kế hoạch nhỏ đi nhặt bao ny lông không có bác. Trường Sơn Ðông Trường Sơn Tây, sao cháu chỉ biết có sườn bên trái sườn bên phải nhô ra vì cái bụng lép kẹp. Tiếng chày trên sóc Bom Bo, sao cháu chỉ nghe tiếng giầy công an nửa đêm xét nhà bố ráp. Cuộc sống sao quá cơ cực. Ðói, đau yếu triền miên. Những năm tháng tũi cực đầu đời ươn hạt buồn vào người phụ nữ đáng thương ấy. Gương mặt buồn của nàng có sức thu hút làm cho người nhìn buồn theo.
Mười chín tuổi, nàng phải ngã vào vòng tay một gã công an khu vực để có phương tiện nuôi cha trong tù và trả ơn cho ngoại. Tuổi hắn gấp đôi tuổi nàng. Hắn ve vãn lúc ban đầu, sau đó hù dọa ép buộc. Với quyền lực nằm cả trong tay của hắn, nếu từ khước và chống trả thì nàng chỉ mang họa vào thân, thôi đành nhắm mắt xuôi tay trôi theo dòng đời mặc cho số phận. Cả quê hương này đều bị đàn áp cưỡng bức chứ không chỉ riêng nàng.
Tuyền đi thăm nuôi cha trong trại tù mà người cộng sản gọi là cải tạo, cha hỏi, “Tiền ở đâu con có mà đi thăm Ba?” Tuyền buồn lắm, cúi đầu giấu hai dòng nước mắt. Cha nàng không nỡ làm khổ con hơn nên chỉ nói, “Con làm gì miễn là đừng để cho vong linh của mẹ con phải tủi hổ và Ba khỏi bị sỉ nhục.” Nàng cũng giống như hầu hết những người đàn bà Việt Nam, tâm từ bi hỉ xả, thương tất cả muôn loài, cam chịu số phận chứ ít khi mang lòng oán hận. Lời cha nói chỉ làm cho tâm can nàng sầu khổ, thương lo cho cha còn hơn chính bản thân.
Khi cha nàng ra tù, mối liên hệ của nàng với gã công an cũng chấm dứt, để lại cho nàng một đứa con trai và một cú bị xẩy thai tưởng chết. Hắn thuyên chuyển đi nơi khác, theo đuổi con mồi khác. Nàng dửng dưng, chẳng oán trách hắn, vẫn hết lòng yêu thương đứa con tuy không phải do tình yêu chân thật ban cho nàng. Sự cắt đứt tình cảm này có làm cho vong linh mẹ đỡ tủi hổ hơn không, cha nàng có đỡ cảm thấy bị sỉ nhục hơn không, nàng không rõ lắm. Nàng còn phải bận bịu với sự bương trải kiếm sống. Nàng tạo được một quày hàng ngoài chợ buôn bán tạp hàng tế nhuyễn. Sá gì chuyện dãi nắng nằm sương, gương mặt u buồn ấy vẫn toát lên nét đẹp quyến rũ những tâm hồn đa cảm.
Ðể rồi một ngày định mệnh, người thanh niên đó dừng chân trước quầy hàng của nàng để mua một ít kim chỉ. Hai đôi mắt buồn diệu vợi nhìn nhau như thấu hết tâm can của nhau, như truyền cho nhau tất cả bao nỗi bi lụy nhọc nhằn. Nàng muốn an phận ở vậy nuôi con nhưng trái tim yêu đã rung động trước người thanh niên gầy ốm ấy.
“Trời xui khiến em gặp anh làm gì?”, trong một lần hẹn hò nàng hỏi.
“Em nói vậy là em cũng yêu anh?”, chàng hỏi. Nàng gật đầu.
Rồi nàng kể hết chuyện đời nàng, kể cả chuyện nàng không thể sinh con được nữa, xong nàng khuyên chàng nên xa lánh nàng đi là hơn. Chàng nhất quyết đòi cưới nàng, muốn sống trọn đời bên nàng, “Ðể chia sớt nỗi khổ cho em... hay là mang lại thêm nỗi sầu cho em cũng không biết chừng.”, chàng vuốt tóc nàng và đáp, vuốt tóc để nhìn rõ từng nét của khuôn mặt u buồn ấy. Người em sầu mộng. Tại sao nét đẹp buồn lại quyến rũ lòng người, hay đó là khiếu thẩm mỹ của những tâm hồn nghệ sĩ sống bằng trái tim hơn là bằng đầu óc thực tế.
Và bây giờ...
Chàng đi bác sĩ khám bệnh mới hay mình bị ung thư ruột già phải cắt, đang được trị liệu tại nhà và nhà thương. “Anh đã mang lại toàn cay đắng cho em.” Chàng buồn rầu than; nàng chợt nghĩ hay là tại cây ớt của nàng trồng tốt quá luôn sum suê trái chín khiến cho chàng ăn nhiều mà mang bệnh. Một lần theo chồng đi khám bệnh, nàng hỏi bác sĩ có phải vì ăn nhiều ớt mà bị ung thư ruột già không; bác sĩ bảo không phải. Nàng đỡ phải ân hận. Cha và chồng nàng thì bảo ăn gỏi khổ qua và nhiều ớt cho quên đắng cay của cuộc đời. Trong mỗi bữa cơm chiều, cha vợ và thằng rể tâm đầu ý hợp nhâm nhi lon bia cho nó tiêu cơm. Trong nhà chỉ có mỗi một mình nàng là phái nữ; chuyện cơm nước một mình nàng lo. Ðàn ông Việt Nam ăn uống tưởng là đơn giản nhưng xem ra lại rất kén chọn. Cha nàng, chồng nàng, và ngay cả thằng con trai nàng đang còn đi học cũng chỉ thích ăn và ăn ngon những món do chính tay nàng nấu. Và cả ba người đều thích ăn ớt với khổ qua. Khổ qua hầm dồn thịt, khổ qua xào trứng, xào thịt bò, gỏi khổ qua.
Thức ăn lắm món, con người lắm họ. Gia đình nàng bốn người mà có ba họ khác nhau. Cha con nàng họ Nguyễn, đứa con riêng họ Trần, và người chồng hiện giờ họ Huỳnh. Khá rắc rối phải giải thích vòng vo khi làm giấy tờ. Nàng chỉ mong đừng ai hỏi đến, đừng ai khơi lại một vết thương lòng. “Ðắng cay cay đắng đã nhiều/ Ớt cay mướp đắng bao nhiêu cũng thừa.” Oái oăm thay cho cuộc đời nàng. Bốn người sống chung một nhà, im lặng, hòa thuận, nhưng sao vắng nghe thấy tiếng cười. Họ sống âm thầm quá, như muốn khép kín cô lập với thế giới chung quanh. Ớt cay và khổ qua biến người ta trở thành như thế chăng.
Nhớ lại đầu mùa Xuân năm ấy, Tuyền lấy làm lạ khi cha nàng đi xuống phố Tàu mua về một chậu ớt mới chớm nở vài cái bông trắng muốt xinh xinh, và một chậu cây khổ qua còn nhỏ. Ông mua vì ngẫu hứng qua cầu. Từ lâu ông chẳng thiết tha trồng một thứ gì nữa, không phải vì ông sống trong một ngôi nhà townhouse không vườn đất mà chỉ vì thấy rau cải hàng ngày ông đã ớn. Ông làm nghề hái lựa rau quả trong nông trại, sáng xe van tới rước, tối thả ông về, rau cải lựa dư ra mang về mỗi ngày ăn không hết. Lúc ra khỏi nhà lội bộ qua mấy khu phố, ông chưa hề có ý định mua nó và trước đó cũng không. Ông chỉ muốn xuống đây ăn một tô mì hoành thánh xá xíu rồi đi rảo chơi một lúc. Thế nhưng khi bà bán hàng bên lề đường chật hẹp chìa chậu ớt đến trước mặt ông mời mọc, ông thích nó ngay. Ông hỏi, “Cay hôn?” “Cay chớ! Ớt hiểm mang giống từ Việt Nam qua mà!” “Bao nhiêu?”, ông hỏi. “Năm đồng”, bà bán hàng đáp. “Khổ qua nầy đắng hôn?” “Ðắng chớ! Giống từ Việt Nam mang qua mà!” “Bao nhiêu?” “Năm đồng. Hai thứ mười đồng.” Ông móc túi trả tiền không thắc mắc. Chậu ớt gọn xinh thiệt, và cây khổ qua coi bộ cũng xởn xơ mơn mởn. Ông hài lòng. Thây kệ, làm quà cho con gái trồng chơi có trái thì ăn, không thì thôi coi như trồng làm kiểng.
Hai lần dọn nhà, gia đình nàng đi đâu chậu ớt đi theo đó. Khổ qua thì mỗi mùa nàng chọn một trái tốt nhứt để chín già trên cây rồi hái lấy hột để dành cho năm tới đêm ra ươm. Không ngờ chậu ớt cứ lớn dần, sống năm này qua năm nọ, sinh con đẻ cái. Chồng nàng sang nó từ chậu nhỏ qua chậu lớn hơn theo đà phát triển của nó, từ một chậu chiết cây con ra thành nhiều chậu đem cho người quen, nhưng chỉ qua được một mùa, các cây ớt cho người quen đều tàn rụi, trong khi cây ớt của nàng vẫn ra sai trái, cứ như là một đền bù cho sự vô sinh của nàng. Khổ qua cũng vậy, giây bò dài phủ khắp lan can, trái lòng thòng ngộ nghĩnh.
Kể cũng lạ, hai món nàng trồng đều khỏe mạnh mau ra hoa kết trái, trong khi căn kế vách trồng hoa thường bị sâu bọ đục khoét. Theo lời cha dặn, mỗi khi lột vỏ tép nấu canh bầu, nàng chịu khó vùi từng vỏ tép xuống đất trong chậu. Cha nàng thì thích ngồi nơi bàn ăn trong nhà bếp ngó ra cửa kính ngắm nghía săm soi và siêng năng dời nó theo hướng nắng chiếu qua cửa sổ. Những lúc ấy đôi mắt ông nhiu nhíu lại làm những luống cày của thời gian trên trán ông hằn rõ hơn. Chắc là ông sống lại với kỷ niệm, nhất là những năm tháng tù đày ăn đói triền miên, ngay cả một quả ớt đưa cay cũng không có.
Ớt hiểm, khổ qua gì cũng mang giống từ Việt Nam qua mà, ông nhớ lời bà bán hàng quảng cáo, chẳng biết thật vậy hay không. Quê nhà, quê nhà...ông bắt nghĩ tới người vợ đã qua đời. Giá mà vợ ông còn sống thì năm nay cũng đã được hưởng tiền già. Thấm thoát mà ông đến ở xứ lạnh này cũng đã được mười bảy năm và ăn chắc cũng đã hơn mười ngàn quả ớt, càng ăn càng thấy ít cay đi, khổ qua mua ở đây cũng không đắng bằng khổ qua ngày xưa ở quê nhà. Ông đem điều nhận xét nầy ra nói với con gái ông. Nàng buồn rầu nghĩ, còn khổ qua và ớt nào đủ đắng cay khi đời người đã chất chứa quá nhiều cay đắng.
Nàng nhớ mang máng từ thuở nhỏ từng nghe mẹ kể rằng cha mẹ nàng gặp nhau và quen nhau khi họ cùng đi chung một chuyến đò từ bến Trưng Trắc tỉnh lỵ Mỹ Tho qua Cồn Phụng viếng thăm giang sơn Ông Ðạo Dừa. Trong một lúc hiếm hoi, nàng hỏi cha, “Con nghe má nói hồi đó ba má gặp nhau ở Mỹ Tho có phải không ba?” “Phải”, ông đáp, “Sao bỗng dưng con hỏi?” “Má nói ba má đi chung ghe qua Cồn Phụng.” “Ừ.” “Rồi sao hả ba?” “Ghe bị sóng gió lớn muốn lật chớ sao. Má con bị nướt tạt ướt áo dài và sợ xanh mặt. Ba nói cô đừng sợ. Ghe có chìm thì cô cứ nắm chặt lưng quần tôi; tôi sẽ lội vô bờ.” May quá ghe không chìm, chớ lúc đó ba chỉ hứa đại vậy thôi vì ba chưa hề cứu ai khỏi chết chìm thì làm sao ba biết sẽ cứu nỗi má con. Quen nhau từ chỗ đó rồi cưới nhau. Vậy mà tới bảy lăm cứu không được.”
Ông nuốt nước bọt. Yết hầu ông chạy lên chạy xuống. Nàng biết ông xúc động. Nàng thở dài. Ông lãng qua chuyện khác:
“Nhiều khi nghĩ tới mộ phần của má con nằm trong vườn quê ngoại lẻ loi, ba cũng phân vân không biết ba có nên về bển chờ chết để được chôn cất bên cạnh má con hay không.”
Nàng vội lên tiếng:
“Ba ơi, Ba hãy ở đây có con có cháu đùm bọc lẫn nhau. Người già bịnh tật ở đây được chăm sóc chu đáo. Ba về bển không có ai lo cho Ba. Một mai Ba có mất thì con sẽ mang tro cốt Ba về chôn bên cạnh mộ Má. Ba đừng lo chuyện đó.”
Dường như ông không chú ý lắng nghe những lời con gái ông nói. Hồn đang trôi ở đâu đâu, ở những trận đánh cận kề với cái chết, những lúc ngồi dưới hố cá nhân chong mắt đợi thù xung phong sau đợt pháo kích, ở ngày tang thương rời bỏ đơn vị theo lệnh đầu hàng, ở những buổi ngồi co ro trong trại tù hát lại cho nhau nghe những bài ca lính cũ. “Làm một bài đi! Bản ruột Dấu Ðạn Thù Trên Tường Vôi Trắng đó!”, bạn tù xúi. Ông cất tiếng:
“Có một lần lòng nghe như khát khao nhiều Lúc hai đứa mới nghe mình yêu
Lối về nhà em nghiêng dốc nắng hoang liêu
Thấy bâng khuâng thấy như còn thiếu...”
Lối về nhà em nghiêng dốc nắng hoang liêu
Thấy bâng khuâng thấy như còn thiếu...”
Ðịnh mệnh chăng? Tại sao ông yêu thích và hay hát bản nhạc đó của Trần Thiện Thanh? Bản nhạc ra đời ngay sau Tết Mậu Thân tang thương khói lửa. Hay cũng chỉ vì ông thu hút bởi tranh minh họa của bìa bản nhạc? Một thiếu phụ nằm nghiêng dưới một gốc cây già trụi lá bên đống gạch vụn đổ nát từ bức tường vôi trắng đầy vết đạn làm nền với những mái ngói tan hoang. Quì bên cạnh xác thiếu phụ xõa tóc rối trong tư thế như nằm ngủ đó là người lính Biệt Ðộng đội nón sắt chống báng súng R-15 xuống đất nhìn vào xa xăm.
Tranh bìa minh họa đó phóng tác theo một bức ảnh đăng trên tạp chí LIFE do người phóng viên chiến trường chụp khi theo chân một đơn vị Biệt Ðộng Quân phản công quét sạch Việt Cộng ra khỏi ven đô Quận Tám và khu vực Cầu Chữ Y. Bức tranh như muốn diễn đạt ý của hai câu “Nhưng không chết người trai khói lửa/Mà chết người gái nhỏ hậu phương” trong bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan. Ý tưởng đó thích hợp hơn với cảnh loạn ly ngay trong phố phường Chợ Lớn, Huế, Mỹ Tho, Trúc Giang hay những đô thị khác của miền Nam. Tiếng hát Nhật Trường cất lên truyền đạt câu chuyện thương cảm qua làn sóng điện chương trình phát thanh Tiếng Hát Ðôi Mươi mỗi tuần vào tối Thứ Hai trên Ðài Tiếng Nói Quân Ðội khiến hàng ngàn thính giả ngậm ngùi nghe mềm lòng.
Bây giờ giọng của cha nàng đã khàn đục, và từ lâu ông không còn hát hò gì nữa. Nhưng lời của bài hát đó ông vẫn chưa quên:
“Nhưng đâu có ngờ rằng trời xanh kín mây dại, Lần yêu cuối trong đời là lần yêu trong lửa khói.
Cuộc tình mong manh chưa đẹp sắc thắm hoa hồng,
Mà đạn thù in sâu cho tường trắng bỗng hoen mầu.
Cuộc tình mong manh chưa đẹp sắc thắm hoa hồng,
Mà đạn thù in sâu cho tường trắng bỗng hoen mầu.
Người theo gót đơn vị từng ngày thương mấy cho vừa, Được tin bên chiến hào rằng người yêu không còn nữa
Trở về nơi xưa,
Trời còn giăng mưa cho nghe nặng yêu mến xưa...”
Trở về nơi xưa,
Trời còn giăng mưa cho nghe nặng yêu mến xưa...”
Chỉ hát trong trí thôi cũng đủ làm cho ông cảm thấy cõi lòng rưng rưng. Không hiểu sao, ông cứ nghĩ khi vợ ông ngã gục xuống bởi đạn thù tháng Tư năm ấy, nàng cũng nằm trong tư thế đó theo như lời đứa con gái bảy tuổi của ông kể lại. Lạ một điều, Tuyền, con gái ông cũng ưa thích hát những bản nhạc buồn và thỉnh thoảng nàng vẫn hay vừa làm việc vừa ngâm nga. Làm bếp, ủi quần áo mặc đi làm, nàng hát nho nhỏ, món giải trí trong sáng trong thế giới riêng của nàng. Tuy đã bước qua ngưỡng cửa tuổi bốn mươi, nàng vẫn còn trẻ đẹp. Nét sầu muộn trên gương mặt không đủ sức làm cho nàng già đi trước tuổi. Nét sầu muộn ấy có khi trái lại còn làm cho nàng nổi bật lên giữa đám đông.
Thu đang đến, Ðông sẽ qua rồi mùa Xuân năm tới sẽ về. Khi nhiều nhà trong xóm này bắt đầu trang hoàng làm đẹp bằng những lẵng hoa, trên ban công căn nhà của người đàn bà tên Tuyền sầu muộn ấy sẽ lại xuất hiện một chậu ớt và một giàn khổ qua như để nhắc nhở rằng nơi đây đang âm thầm sống một người đã quen rồi những nỗi đắng cay.
Phan Hạnh