Featured Image: Loi Nguyen Duc
Có quá nhiều tranh cãi sử dụng câu “nước mình nó thế” và “nước ta nhược tiểu” để bào chữa và chấp nhận cái thực trạng tồi tệ. Thử phân tích xem Việt Nam có thật sự nhược tiểu hay không?
1. Dân số:
Việt Nam hiện nay có dân số ước tính khoảng hơn 93 triệu người, đứng hàng thứ 13/243 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới [1]. Dân số là một trong những đơn vị chính được dùng để đánh giá độ lớn và nhỏ của một quốc gia. Việt Nam đứng hàng thứ 13 có dân số đông nhất thế giới. Bởi vậy, xét về mặt dân số, Việt Nam tuyệt đối không phải “tiểu”.
2. Diện tích:
Việt Nam có tổng diện tích đất liền khoảng 331,210 km2, đứng hàng thứ 61/189 quốc gia trên thế giới [2]. Diện tích quốc gia cũng là một trong những đơn vị chính dùng để đánh giá độ lớn của quốc gia. Ở vị trí thứ 61, Việt Nam thuộc nhóm 1/3 quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới. Bởi vậy, xét về mặt diện tích, Việt Nam tuyệt đối không phải là “tiểu”.
3. Duyên Hải:
Việt Nam là một quốc gia có địa thế rất đặc biệt; vừa tiếp diện biển ở phía Đông, vừa dựa vào rừng cây và cao nguyên ở phía Tây. Việt Nam đứng hàng thứ 33/154 quốc gia có bề dài duyên hải dài nhất thế giới với chiều dài duyên hải 3,444 cây số [3]. Nên biết rằng, có 47 quốc gia trên thế giới hoàn toàn nằm trong lục địa (không tiếp diện với biển) và 35 quốc gia có chiều dài duyên hải chưa đến 100 cây số. Bởi vậy, xét về mặt bề dài duyên hải, Việt Nam tuyệt đối không phải là “tiểu”.
4. Rừng cây:
Việt Nam có tổng số diện tích rừng đứng hàng 45/192 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới với tổng diện tích rừng là 123,000 cây số vuông [4]. Rừng Việt Nam được xếp loại rừng có hệ sinh thái đa dạng và đặc biệt. Mặc dù rừng cây ở Việt Nam bị khai thác một cách bừa bãi, nó vẫn nằm ở vị trí 1/3 các quốc gia đứng đầu về diện tích rừng. Bời vậy, xét về mặt diện tích rừng cây, Việt Nam tuyệt đối không phải là “tiểu”.
5. Đất canh tác:
Việt Nam có tổng số đất canh tác là 30,000 cây số vuông, đứng hàng 32/236 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới [5]. Tổng số lượng lúa được Việt Nam canh tác đứng hàng thứ 5 trên thế giới trong số 20 quốc gia canh tác lúa gạo. Xét về mặt đất canh tác (và đặc biệt canh tác lúa gạo), Việt Nam tuyệt đối không phải là “tiểu”.
6. Thu nhập quốc gia:
Việt Nam đứng hạng 57/193 quốc gia và lãnh thổ tính theo thu nhập trọn quốc gia [6]. Điều này có nghĩa Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc gia đầu bảng có tổng thu nhập theo quốc gia cao nhất. Bởi vậy, xét về tổng thu nhập, Việt Nam không thể là “tiểu” được.
———————-
Thế nhưng, Việt Nam không “tiểu” với đơn vị kích thước, dân số, đất đai, biển đảo, rừng cây….v..v… và tại sao lại nhược?
a. Giáo dục:
Theo chỉ số Human Development [7], Việt Nam đứng hàng 121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Không có một trường đại học nào của Việt Nam được lọt vào danh sách trường đại học có danh tiếng và có chất lượng.
b. Bằng sáng chế:
Theo International Property Rights Index [8], Việt Nam đứng hàng 108/130 tính theo giá trị trí tuệ, có nghĩa là gần đội sổ.
c. Ô nhiễm:
Theo chỉ số ô nhiễm [9], Việt Nam đứng ở vị trí 102/124, gần đội sổ danh sách.
d. Thu nhập đầu người:
Tuy thu nhập quốc gia của Việt Nam đứng hàng 57/193, Việt Nam lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người [10]. Có nghĩa là Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất. Đây là một trong những chỉ số đánh giá độ… nhược.
e. Tham nhũng:
Theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International [11], Việt Nam đứng hàng 116/177 có nghĩa là thuộc 1/4 quốc gia cuối bảng.
f. Tự do ngôn luận:
Theo chỉ số tự do ngôn luận (freedom of press) [12], Việt Nam đứng vị trí 174/180, chỉ hơn Trung Quốc, Bắc Hàn, Syria, Somalia, Turkmenistan và Eritrea, có nghĩa là nằm trong nhóm 1/20 thấp nhất thế giới.
g. Phát triển xã hội:
Theo chỉ số phát triển xã hội [13], Việt Nam không có trong bảng vì không đủ số liệu để thống kê. Trong khi đó, theo chỉ số “Quality of Life” [14], Việt Nam có điểm là 22.58, đứng hàng 72/76, có nghĩa là gần chót bảng.
h. Y tế:
Theo chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia [15], có nghĩa Việt Nam đứng trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất.
————————–
Ở trên, những chỉ số chỉ minh hoạ một cách khoa học một phần bức tranh Việt Nam. Cái “nhược” biểu hiện khắp nơi và đi từ chính sách, từ sự yếu kém, bất lực và ung rữa của chế độ. Cái nhược biểu hiện ở sự suy đồi trong xã hội, tính lưu manh và thản nhiên của con người.
Cái “nhược” không những ở khía cạnh vật chất mà còn ăn sâu ở khía cạnh tinh thần và đang đi đến chỗ bế tắc cùng cực. Nước Việt Nam, con người Việt Nam chưa bị mất do ngoại xâm mà mất do họ đánh mất chính họ.
Chú thích: