“Chống cộng quá khích” là cụm chữ tôi được biết từ ngày định cư ở Hoa Kỳ cách đây hơn 20 năm; hiện nay vẫn thường gặp. Nhưng đặc biệt là chưa bao giờ gặp cụm chữ nào mang ý nghĩa đối lại, ví dụ như“chống quốc gia quá khích” chẳng hạn. Đây cũng là một điều lạ! Chẳng lẽ chỉ có người quốc gia mới quá khích, còn người cộng sản thì không bao giờ quá khích? Vì thế mới đặt thành vấn đề: thế nào là“chống cộng quá khích và thế nào là chống cộng không quá khích?”
Mới đây, trong một buổi ‘trà đàm’, một anh bạn có máu tiếu lâm, rất thân thiện nói với tôi: “Bạn chỉ nên chống Cộng từ 1% đến 99% thôi, thì sẽ không bị phê phán là quá khích, chứ bạn chống cộng 100% thì thế nào cũng có người chửi.” Mặc dầu biết anh có máu tiếu lâm, tôi vẫn trố mắt, cười và hỏi lại: Dụng cụ nào để đo, có thể cho mình biết là bao nhiêu phần trăm. Anh bạn tôi cũng cười theo.
Trong buổi trà đàm này, phần lớn là những bạn đã một thời khoác áo lính trận. Một anh phát biểu: không biết thời kỳ tụi mình cầm súng ngoài mặt trận có bị coi là “chống cộng quá khích” không?
-Dĩ nhiên là không. Dân Mỹ gọi ‘người quá khích’ là ‘extremist’, có nghĩa là người tham gia vào một công việc gì đó quá ư tích cực nhưng hành động ấy còn phải có thêm phương tiện để thực hiện và mang ý nghĩa chính trị nữa, thì mới được gọi là ‘quá khích’ hay ‘cực đoan’ (extreme measure). Chẳng hạn như quân ISIS hiện nay, chặt đầu địch thủ hàng loạt để khủng bố tinh thần người khác; về phía nạn nhân, trước khi bị chặt đầu, cũng bị khủng bố tinh thần rất dữ dội, hành động ấy được trợ giúp bằng vũ khí trong tay, lại không tôn trọng một quy luật nào cả, và hướng đến ý nghĩa chính trị là thiết lập một “nhà nước Hồi giáo”; như vậy mới được xem là những hành động ‘quá khích’. Còn tụi mình trước đây, tuân hành những nguyên tắc căn bản ngoài chiến trường được luật pháp quốc tế công nhận thì không thể gọi là ‘quá khích’, một anh bạn trả lời.
-Thế còn trong quá khứ, “vụ thảm sát” ở làng Mỹ-Lai, quận Sơn-Mỹ, tỉnh Quảng-Ngãi, tháng 3 năm 1968, do quân đội Mỹ gây ra thì sao, có được coi là ‘quá khích’ không?
-Đây là một vấn đề đã gây tranh cãi khá sôi nổi. Nhưng trước hết, phải coi hành động cuả người trực tiếp gây ra ‘vụ thảm sát’ này là Trung uý William Calley -- trung đội trưởng trung đội 1 của đại đội Charlie -- là một hành động ‘quá khích’ vì anh ta có đủ phương tiện để hành động theo ý mình, không tuân hành quy luật chiến trường. Anh ta đã bị truy tố và đã bị Tòa án Hoa Kỳ quy tội ‘cố sát những người không có khả năng cưỡng lại’. Một tòa án ở Fort Benning, Georgia đã tuyên án chung thân, khổ sai dành cho Trung uý Calley ngày 29-3-1971, nhưng đến 9-9-1974 thì được ân xá.
Đến đây, một anh bạn lớn tuổi tỏ ra hiểu biết, thêm vào:
Nhưng cũng phải nói thêm, trong thời chiến tranh Việt Nam, VC đã sử dụng “du kích chiến” là một chiến thuật ‘lấy dân làm bia đỡ đạn’, một phương pháp ‘ném đá dấu tay’, thậm chí ‘người ném đá’ có khi là những trẻ em đã được huấn luyện, tham gia vào trò chơi cầm súng giết người. Việt cộng thường núp đằng sau đàn bà, con nít, nhà thờ, chùa chiền để tránh bom đạn, để hễ có bề gì thì dễ vu cáo cho đối phương là ‘giết thường dân vô tội’. Quân du kích và người dân thường chẳng có gì để phân biệt. Chắc nhiều bạn thừa hiểu, trước kia chúng ta đi hành quân ở những vùng xa xôi hẻo lánh, chỉ thấy đàn bà, trẻ thơ, các cụ già; không thấy đàn ông và thanh niên đâu cả, mà không có đàn ông và thanh niên thì sao đàn bà lại có con thơ? Thời đệ nhất Cộng Hòa, tổ chức Ấp Chiến Lược đã bẻ gẫy “du kích chiến” của VC. Vì bị ‘Ấp Chiến Lược’ cô lập hóa các hoạt động “cá sống vì nước” là chiến thuật ‘du kích sống bám vào dân’ của Mao Trạch Đông, cho nên VC đã nửa khóc nửa cười, không nơi nương tựa; do vậy mà VC rất hận Tổng thống Diệm về ‘ấp chiến lược’. Còn nói về đơn vị của Trung uý Calley, trong cuộc hành quân vào làng My Lai tháng 3.1968, bị thiệt hại về nhân mạng, ông ta nghĩ rằng chính dân trong làng là du kích và là thủ phạm, cho nên đây là lý do đã khiến ông ta nổi nóng và gây ra chuyện đáng tiếc. Dù sao thì ông ta cũng đã bị đưa ra trước vành móng ngựa của tòa án Hoa Kỳ, bị kết án, bị tù và mới đây, ngày 22-8-2009 ông ta đã xin lỗi trước công chúng ở Columbus, GA vế hành động của mình.
-Thế còn trước đó vài tháng, VC gây ra vụ ‘thảm sát Tết Mậu Thân 1968’ ở Huế thì sao, có được coi là ‘quá khích’ không, họ có xin lỗi không, sao không thấy tòa án nào xét xử vụ này?
Lại anh bạn có máu tiếu lâm nhanh miệng trả lời:
-Không, làm gì có tòa nào xét xử, vì đây là quyết định của “đảng”, mà “đảng” thì lúc nào cũng ‘sáng suốt’. “Đảng” bảo rằng “cứu cánh biện cho phương tiện”, mà cứu cánh ở đây là “giải phóng miền Nam khỏi sự kềm kẹp của ‘Mỹ, Nguỵ’” thì mọi phương tiện đều khả thi. Như vậy là rất chính đáng, thì làm sao laị gọi là ‘quá khích’ được! Họ đã không xin lỗi mà hàng năm còn tổ chức ăn mừng!
Tất cả các bạn trong buổi trà đàm cười ồ lên và đưa ra câu hỏi kế tiếp:
-Tiếp theo là thời kỳ quân, cán chính miền Nam bị đi tù cải tạo sau ngày 30.4.1975, thế có phải thời kỳ này là thời kỳ “chống cộng không quá khích” không?
Cũng không ai khác, ngoài anh bạn có máu tiếu lâm lên tiếng:
-Đúng, vì thời kỳ này là thời kỳ mọi người phải học cách nói như Vẹm, nhưng trong thâm tâm đứa nào cũng chán ngán và muốn chống lại, kể cả dân chúng bên ngoài, thế nhưng tất cả mọi người cứ phải ‘nín thở qua sông’, chỉ trừ một số ‘quá khích’ chống đối ra mặt thì đã bị bắn chết. Chắc các bạn thừa hiểu, ngay như cụ Nguyễn Tuân, tác giả cuốn ‘Vang Bóng Một Thời’ ở Hanoi mà còn phát biểu ‘tôi còn sống đến ngày nay là nhờ biết sợ’…đó, thấy không.
Sau một vài phút im lặng, một anh bạn khác buồn bã phát biểu:
Bây giờ có còn phương tiện gì nữa đâu mà quá khích với không quá khích; chỉ còn ba tấc lưỡi hoặc cùng lắm thì lấy ngòi bút nguệch ngoạc một vài hàng chữ đưa lên trên ‘net’, nói lên lẽ phải/ trái. Thế thôi! Chứ quá khích cái nỗi gì. Sao không thấy đứa nào nói VC nó quá khích mà lại cứ nhắm vào đám tụi mình, đã gãy súng rồi, còn lấy gì để quá khích!
Thực ra danh từ ‘quá khích’ mang một ý nghĩa liên quan đế hành động chính trị hơn là quân sự, nhưng muốn thực hiện hành động ấy cũng phải có điều kiện (về chính trị) nữa, chứ không phải bất cứ ai cũng thực hiện được. Ví dụ: tôi chỉ là một ‘phó thường dân’ không có phương tiện hay lực lượng gì trong tay, nhưng vì một lúc nóng giận tôi phát biểu “mong sao cho VC mau chết để dân tộc ta sớm có tự do, dân chủ, nhân quyền”, thì lời phát biểu ấy không thể bị gán ghép là ‘chống cộng quá khích’.
Điều đáng nói là có người chưa hề biết VC ‘quá khích’ ra sao, chưa nếm mùi ngục tù cải tạo ra sao, thì lại lên giọng so sánh những trại tù cải tạo dùng để nhốt “ngụy quân, nguỵ quyền” với “nhà tù” dùng để ‘chiêu đãi’ một vài tên cộng sản gộc có đảng tịch lâu năm, bị mất chức mất quyền; nay bất mãn, nên bị “giam” chỉ vì dám phê phán những tên cộng sản đang cầm quyền không noi theo điều “bác Hồ” dạy. Thế mà lại lên giọng “họ bị hành hạ còn hơn những người đi học tập cải tạo”!
Cũng có người chẳng hiểu mô tê gì về thâm ý tiềm ẩn trong chính sách “hòa giải hòa hợp dân tộc” được Cộng đảng Hanoi mớm cho đám lừng khừng, cò mồi ở hải ngoại, thì lại phát biểu: “Ngay như Mỹ là cựu thù với VC mà còn hòa giải hòa hợp được, huống hồ mình cùng là người Việt Nam với nhau”.
Chẳng lẽ ‘người Việt quốc gia’ lại ngây thơ đến thế sao! Những thành phần ngây thơ hoặc giả vờ ngây thơ lại thích dùng cụm chữ ‘chống cộng quá khích’ để ‘giũa’ những ai không đồng ý với nhận định của mình về một sự kiện liên quan đến ‘quốc-cộng’. Hiện tượng này khá phổ biến và là một vấn đề nhàm chán trong quá khứ.
Sở dĩ hôm nay tôi muốn lạm bàn vì hiện tượng này vừa được lập lại vào lúc blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, một người được xem là nhà tranh đấu cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, đang thọ án ‘tù giam’ ở Việt Nam, và đã ở tù được 6 năm rưỡi trong tổng số 12 năm, thì đột nhiên Cộng đảng Hanoi và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ‘dàn xếp’ với nhau như thế nào đó, để ‘đẩy’ đương sự ra khỏi nước, một cách hết sức vội vàng.
Căn cứ vào các cuộc phỏng vấn lúc gần đây, thực hiện bởi một số cơ quan truyền thông, thì được biết ‘nhà nước’ không cho đương sự biết trước ngày, giờ lên máy bay, cho nên Điếu Cày không kịp từ giã gia đình. Từ nhà tù, bị áp giải ra phi trường ngày 21/10, bước chân lên máy bay bằng một đôi dép ‘tổ ong’, anh đã được bay thẳng đến phi trường Los Angeles, Orange County, nơi có cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản sinh sống, đông nhất nước Mỹ.
Các cơ quan phỏng vấn Điếu Cày gồm:
Báo Người Việt
Truyền hình SBTN
Kim Nhung Show SBTN
Và có thể còn các cuộc phỏng vấn khác nữa mà tôi không biết.
Nếu chỉ qua các cuộc phỏng vấn trên đây, thì chưa thể nhận định chính xác về một sự kiện, một vấn đề, hay một con người. Một khi nhận định sai sẽ đưa đến hành động sai. Nhưng có một vài chi tiết muốn biết, chưa được biết:
-Ai là người Việt Nam ở Mỹ đầu tiên biết được chuyến bay đưa Điếu Cày đến Los Angeles để thông báo cho số đông người đi đón. Ngay chính Điếu Cày cũng không biết ngày giờ lên đường, chỉ có Bộ ngoại giao Mỹ và VC biết.
-Điếu Cày cho biết là anh “không có lựa chọn”. Vậy nếu được lựa chọn thì anh chọn “đi” hay “ở”? Cái nào có lợi cho việc đấu tranh? Đã có nhiều bàn tán, nếu anh không đồng ý ra đi thì không bao giờ Bộ ngoại giao Mỹ cấp chiếu khán cho anh vào Mỹ.
-Điếu Cày có người con gái đang ở Canada, vậy cô ấy đã ra đi trong trường hợp nào?
Riêng về ‘chuyện lá cờ’ là một vấn đề “nhạy cảm”, cho dù Điếu Cày đứng dưới ‘cờ vàng’ hay ‘cờ đỏ’, hoặc không đứng dưới bất kỳ lá cờ nào, thiết tưởng không đáng quan tâm. Đặc biệt ở xứ sở tự do như Hoa Kỳ, đứng dưới lá cờ nào lại càng không quan trọng, vì ngay công dân Hoa Kỳ còn được quyền xé cờ, đốt cờ, và được coi đó là hình thức biểu hiện ‘tự do ngôn luận’ mà không hề vi phạm hiến pháp hay luật pháp. Ngoài ra, theo kinh nghiệm, có những người đứng dưới lá cờ này nhưng bí mật phục vụ cho quyền lợi của lá cờ kia, là chuyện rất thường. Xưa kia ở Saigon, Việt Cộng vẫn thường núp dưới ‘Cờ Vàng’, thậm chí vẫn nghiêm chỉnh chào Cờ Vàng, nhưng đâu ai biết, chỉ sau 30/4/75 mới biết họ phục vụ cho ai. Bây giờ ở hải ngoại cũng thế thôi. Cho nên, đứng dưới lá cờ nào không quan trọng; mà phục vụ cho quyền lợi của lá cờ nào mới là điều quan trọng. Tuy nhiên, anh đã nhận thức sai về Cờ Vàng.
CỜ VÀNG không phải có từ thời nhà Nguyễn, mà có từ thời Hai Bà Trưng.
Theo nhà biên khảo Việt Chi Nguyễn Hữu Quang “thì vào năm 40 dương lịch, Hai Bà Trưng đã ‘đầu voi phất ngọn cờ Vàng’ đem quân đánh Tô Định lấy được 65 thành trì để lập quốc xưng vương.” Kể từ đó, theo truyền thống dân tộc ta, các triều đại kế tiếp đều chọn màu Vàng làm biểu tượng cho hồn thiêng sông núi, cho nên vào thời quân chủ ở nước ta mới có danh xưng Hoàng Đế khi lên ngôi vua, và vua thường mặc áo hoàng bào. Trải qua nhiều triều đại, Cờ Vàng đã nhiều lần biến thể, cho đến nay là Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vẫn được người Việt hải ngoại trân trọng. Xin tham khảo ở link dưới đây:
Sau Hiệp Định Genève 1954 do Cộng đảng Hanoi và Thực Dân Pháp ký kết với nhau, chia cắt lãnh thổ ra làm hai phần, lấy sông Bến Hải làm ranh giới Nam-Bắc, thì quân dân miền Nam vẫn giữ nguyên ngọn Cờ Vàng, coi đó là biểu tượng của Chính Nghĩa Dân Tộc Việt Nam. Dưới lá cờ ấy, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với phương châm TỔ QUỐC - DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM đã chiến đấu, quyết hy sinh xương máu để bảo vệ màu cờ sắc áo của Tổ Quốc Việt Nam, chứ không bảo vệ cho bất kỳ một đảng phái hay tôn giáo nào.
Hoàn toàn khác xa với Quân Đội Nhân Dân Cộng Sản chiến đấu dưới ngọn Cờ Đỏ, biểu tượng của Quốc Tế Cộng Sản. Quân đội ấy chiến đấu để bảo vệ “Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa” và bảo vệ “đảng”. Vì thế mà sau khi Cộng đảng Hanoi chiếm được miền Nam xong thì hàng loạt lãnh thổ, lãnh hải và hải đảo của Tổ Quốc Việt Nam lần lượt bị rơi vào tay giặc phương Bắc cũng tôn thờ Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa. Có nhiều dấu hiệu cho thấy tương lai Việt Nam sẽ bị xoá tên trên bản đồ thế giới nếu không kịp thời lật đổ bạo quyền Hanoi.
Ngày nay, tuy mất nước, nhưng người Việt Nam lưu vong trên xứ người, vẫn giữ nguyên cội nguồn dân tộc, quyết bảo vệ truyền thống dân tộc bằng ngọn Cờ Vàng. Mỗi người tuỳ sự lựa chọn, cho dù có chấp nhận Cờ Vàng hay không, thì truyền thống Cờ Vàng vẫn bất di bất dịch.
Tóm lại:
-Không có ai ‘chống cộng quá khích’ cả, tất cả chỉ muốn bày tỏ quan điểm riêng của mỗi cá nhân trong xã hội tự do, khác với xã hội cộng sản không ai được quyền bày tỏ quan điểm khác với quan điểm của đảng CS. Nhưng khi trình bày quan điểm của mình có thuyết phục được người đọc hay không, là tuỳ thuộc vào thái độ và cách trình bày của mỗi người.
-Không cần phải quan tâm tới Điếu Cày đứng dưới lá cờ nào. Đó không phải là điều quan trọng, xin cứ để tự nhiên. Đã có nhiều người tương tự như Điếu Cày, đến được các vùng đất tự do trước đây, hoạt động của họ phục vụ cho lá cờ nào, đã thấy rõ cho dù đã che dấu.
-Chính phủ Mỹ và VC dàn xếp để đưa Điếu Cày đến Mỹ, đều đã cân nhắc lợi hại cho cả hai phía, nhắm vào quyền lợi của cả hai phía. Đó là chuyện bình thường trong các toan tính chính trị. Người Việt Quốc Gia cần bình tĩnh, hãy nương theo đó để hành động, hơn là gây ồn ào, chia rẽ.
Ngày nay không phải ngày xưa,
‘Mạt cưa, mướp đắng’ chẳng lừa được ai.
Võ Phương