Tuesday, 2 December 2014

Thú đọc sách

Nghĩ cũng lạ. Suốt một ngày ngồi ru rú trong phòng mà không biết chán. Bốn bề sách vở. Muốn tìm đọc quyển này lại nhặt được quyển kia. Loạn xà ngầu lên cả. Sách nhiều quá. Rồi để làm gì? Sực nhớ, ông Quách Tấn có lần viết:

Ngày xưa nếu biết vàng là quý
Đã không mua sách chất chật nhà

Câu thơ này, nhớ là nhớ thế. Chẳng thể tin vào trí nhớ. Muốn kiểm chứng lại cũng khó. Sách lung tung cả. Chịu. Thời trẻ, hồi học phổ thông, thích đi dọc theo đường Ông Ích Khiêm, gần chợ Cồn (Đà Nẵng) bởi ở đó có nhiều bà (cô) bán cân ký giấy, báo cũ. Loay hoay tìm ở đó, đôi khi cũng nhặt được vài quyển sách hay. Mấy chục năm sau, thói quen này cũng không bỏ. Ngẫm đi ngẫm lại thấy rằng, sở thích của con người ta đã định hình ngay từ lúc niên thiếu. Nay, vẫn thích lang thang đến chỗ bán sách. Đôi lúc, y thấy thằng trẻ nhỏ trong thân xác của người đàn ông đã ngũ thập. Ngoài 50. Vẫn thèm sách. Cái cảm giác thèm ấy là muốn sờ bằng tay, xem tận mắt những quyển sách mà mình chưa thấy hoặc chỉ nghe nói. Chỉ vậy thôi, chứ không hẳn là phải mua cho bằng được.

Có người bảo, tớ có sách này sách kia quý lắm. Quý cái nỗi gì nếu các sách quý ấy chỉ nằm trong kho, không đem ra vận dụng giúp ích cho đời sống hiện tại.

Có người bảo, tớ có sách quý này quý nọ. Y bảo, photo bán một bản được không? Trả lời: “Vậy tớ còn gì “độc quyền” nữa?”. Chán. Giữ sách bo bo cho mỗi mình đọc (mà chắc gì đã đọc) là không biết chơi sách.

Y mua sách nhiều, một phần là do ngại vào thư viện mượn sách. Mất thời gian quá. Bỏ tiền ra, tìm mua cho xong. Không đọc lúc này. Đọc lúc khác. Hơn nữa cái thú của việc mua sách còn là định mua cuốn này lại gặp cuốn kia. Định tán tỉnh lan lại cầm lòng không đặng với huệ. Tương tự vậy, với sách. Lúc nhỏ, đọc câu này của văn hào Pháp Adré Maurois, thích quá, bèn ghi luôn vào trí nhớ: “Trong việc đọc phải dành một phần lớn cho tác phẩm trứ danh và chú trọng đến những nhà văn cùng thời đại mình. Chính trong các nhà văn đó mà chúng ta hy vọng tìm thấy những người bạn có những băn khoăn, những nhu cầu như chúng ta. Song đừng để cho làn sóng của những cuốn sách ít giá trị xâm chiếm lấy mình. Các tác phẩm danh tiếng có rất nhiều, không bao giờ chúng ta có thể biết hết được. Vậy hãy tin cậy sự lựa chọn ở các thế kỷ đã qua. Một người có thể lầm, một thế hệ có thể lầm nhưng cả nhân loại không thể lầm. Homère, Shakespeare, Molière… chắc chắn là những người xứng đáng với danh tiếng của họ. Chúng ta sẽ chuộng các tác giả này hơn là các nhà văn chưa chịu sự thử thách của thời gian”.

Trên đời này, không sợ người ta mượn tiền, chỉ sợ họ mượn sách. Tại sao? Họ giống tính nết cà trớn của y. Hễ cuốn sách quý nào đã lọt vào tay, khó lòng trả lại cho chủ nó. Biết thế, y chẳng mượn sách ai. Nếu được thì xin hoặc photo để giữ riêng. Ấy cũng là một cách kiềm chế lòng tham vậy. Giữ là giữ lúc mình còn sống sờ sờ đây, vì mình thích, mình quý, chứ sau này chắc gì? Y biết tủ sách quý của  nhiều người uyên bác, học giả sau khi họ vân du tiên cảnh, hoặc định cư ở nước ngoài thì con cháu bán tuốt. Bán bằng giá bán ve chai. Thế mới đau. Nào ai biết trước đó chủ nhân phải mua bằng giá rất cao, thậm chí năn nỉ đến gãy lưỡi. Nhiều người bán sách cũ ở Sài Gòn đã “phất” lên nhờ vậy. Những người này, y quen biết cả, họ muốn bán quyển này, quyển kia, rất quý nhưng không mua. Y không chơi sách cũ. Chỉ thương chủ nhân của sách đã từng ky cóp từng quyển, thậm chí từng trang (như y) mà về sau, số phận quyển sách lại bọt bèo đến thế: Số phận của những cuốn sách bán ve chai. Ô hô! Ở đời có gì là vĩnh cửu, là mãi mãi đâu.

Nghĩ cũng chán. Hôm qua cả ngày ngồi trong phòng. Chế Lan Viên có câu này hay: “Đóng cửa phòng văn hì hục viết/ Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày”. Biết bao ngày “oan uổng” của y đã trôi đi? Chắc gì, tự an ủi thế, bởi đã dành hết thời gian vào sách. Đọc sách có cái thú gì? Thú này người ta đã bình luận nát nước rồi. Chẳng nói lại làm gì nữa. Chỉ biết rằng, chiều qua đọc được mấy chuyện thú vị. Thú vị ở chỗ, đọc sách cũng là một cách sống chậm. Con người ta ngày trước sống chậm (và sống tốt) hơn bây giờ nhiều. Do sống chậm nên họ mới có thể lịch lãm đến thế. Nghĩ thế, bèn ghi lan man:

alt

Đọc sách như thưởng hoa. Có lúc dừng chân ngắm nghía, trầm trồ; lại có khi lướt vội.

Đọc sách như làm tình. Có thân xác mê muội đến đời sau chưa tỉnh; lại có khi chạm vào một thây ma chết trôi từ đầu nguồn dĩ vãng.

Đọc sách như nằm mơ. Có chuyện thật cứ tưởng chỉ trong giấc mơ; có giấc mơ nhưng ngàn đời lại thật.

Đọc sách như lướt web. Có những trang ngấu nghiến từ từ; có những trang không buồn đưa mắt tới bởi ngộ độc như chơi.

Đọc sách như đi chơi. Có những nơi đã đến, đã qua vẫn thèm thuồng tái ngộ; có những chỗ chưa đặt chân đến đã chán ngán ngó lơ.

Đọc sách như đi ăn. Có những quán ăn đến mỗi ngày, mỗi một ngày vẫn ăn món đó; có những quán không thèm bước chân đến, dù có lời mời mọc.

Đọc sách như đọc thơ. Có câu thơ ẩn giấu dưới câu văn xuôi trùng trùng ngữ nghĩa; có những câu thơ dẫu đọc xong lại thấy lòng thòng như câu văn xuôi thiếu dấu chấm câu.

Đọc sách như ngắm trăng. Trăng lúc tỏ, tràn đầy; trăng lúc tàn, héo úa. Trăng tỏ hoặc trăng tàn vẫn có vẻ đẹp mầu nhiệm khôn cùng.

Đọc sách như đi bộ. Có lúc đi như chạy bởi mong muốn đến tận nơi; có lúc đi như chơi, cứ thong dong chân bước.

Đọc sách như cãi nhau. Có lúc gân cổ lên chí chóe tranh phần thắng về mình; lại có khi lặng im lắng nghe từng lời vàng ý ngọc.

Đọc sách như xem xiếc. Có trang văn như đường gươm đang múa; có trang viết lại loằng ngoằng như sợi dây thòng lọng.

Đọc sách như hôn nhau. Có nụ hôn chưa chạm vào môi đã chằng chịt tình nồng nỗi nhớ; có nụ hôn mê man, đắm đuối, ngây ngất nhưng cuối cùng buột miệng gọi nhầm qua tên người yêu khác.

Đọc sách như tán gái. Có lúc nhọc nhằn như “nhất chặt tre, nhì ve gái” nhưng khép lại trang cuối cùng vẫn là chưa đọc; có khi cầm quyển sách chưa lật ra lại có cảm giác lời tán tỉnh đã buông, người đẹp đã lõa lồ ngã vào vòng tay khiến thui chột cảm hứng.

Đọc sách như nửa đêm thức giấc nghe tiếng mưa. Có tiếng mưa xạc xào buồn thiu phận người trên tàu lá chuối; có tiếng mưa thì thầm, thì thầm trên mái tranh như kể lể một câu chuyện tình buồn.

Đọc sách như đứng trước biển. Có tiếng sóng vang dội bên tai nhưng trong lòng quạnh quẽ; có tiếng sóng câm nín nhưng dội buốt trong lòng.

Đọc sách như lúc nhìn thiếu nữ khỏa thân. Có điên cuồng, mê đắm những muốn nhanh chóng ăn tươi nuốt sống, đọc vồ vập từng trang; lại có khi tưởng tượng đến một món ăn cũ lâu ngày dù chưa ăn đã bưa, đã ngấy.

Đọc sách như uống rượu. Có lúc nhạt phèo cuống họng; lại có khi tê nồng đầu lưỡi.

Đọc sách như lúc nhìn mặt sóng. Thấy chữ nhảy múa trên sóng. Cứ thế mà đọc hết một buổi chiều.

Đọc sách, có lúc mở sách ra chỉ thấy những tờ giấy trắng. Có những tờ giấy trắng ẩn giấu những triết lý thâm hậu vô song; có những trang giấy đầy chữ nhưng khác gì giẻ rách.

Từ lâu nay, y rất thích nhà thơ Đông Hồ. Thích vì ông mê đọc sách. Thích vì công trình nghiên cứu văn học Hà Tiên của ông. Ông viết kỹ. Trời sinh Đông Hồ ở Hà Tiên là vì muốn trao sứ mệnh giới thiệu văn học vùng đất cực Nam cho cả nước biết đến. Cũng như ông Sơn Nam của Nam Bộ. Ông Nguyễn Văn Xuân của Quảng Nam. Ông Võ Phiến của Bình Định. Ông Quách Tấn của “xứ Trầm hương”, ông Nguyễn Vinh Phúc của Hà Nội… Cái cần học, cần đọc ở họ là giọng văn thân mật. Tình cảm vô cùng. Đêm qua, đọc tập ký Khách thương hồ mới in, viết về Nam Bộ với nhiều chi tiết mà y chưa biết, lạ lẫm, kỳ thú nhưng giọng văn hành chính quá. Cái thói viết văn hành chính này (hoặc y có cảm giác thế) của nhiều nhà văn hiện nay là do cái gì? Câu văn nghiêm chỉnh như thắt cà-vạt nghiêm nghị đến ngấy.

Trở lại với nhà thơ Đông Hồ. Chuyện rằng: Thập niên 1960, ông Lâm Ngọc Huỳnh - Khoa trưởng Văn khoa Đại học Huế tỏ ý mời thi sĩ lừng danh từ Thơ mới ra xứ Thần Kinh dạy môn Văn chương quốc âm. Đông Hồ chưa trả lời vội, bởi tuổi già sức yếu nên còn ngần ngừ, đắn đo, để xem sao! Cuối cùng, không thể đi xa nên ông từ chối. Thời này chỉ cần một cú điện thoại cầm tay là xong, nếu ngại, nhắn tin cũng đặng. Lúc ấy, ông Đông Hồ ra bưu điện Sài Gòn đánh điện tín.

Nếu chỉ có thế, dừng ở đây rất lãng xẹt. Chẳng có gì để nói nữa. Nhưng không. Đông Hồ đánh bức điện tín với nội dung như sau:

Đại học đường xa hương ngự uyển
Tràng An không tiện bước vân trình
Huệ lan ơn tạ lòng tri kỷ
Lỡ hẹn sông Hương, núi Ngự Bình

Lời từ chối rất lịch sự. Rất thơ. Nếu không là người đọc sách, chắc gì Đông Hồ đã có phép ứng xử như… tình tiết độc đáo chỉ xảy ra ở trong sách? Chỉ cần nghĩ đến thế. Đã thấy lòng vui.


Lê Minh Quốc