Tuesday 2 December 2014

Muốn hiệu quả, có khi phải âm thầm - Nguyễn Đình Thắng

Người Mỹ có câu: "Nếu bạn vẫn làm như trước, thì đừng mong kết quả sẽ khác đi."
Áp dụng phương châm này vào tình trạng của Hội Thánh Tin Lành Mennonite ở Bến Cát, Bình Dương thì chúng ta thấy rằng:
(1) Đã có nhiều bài tri hô, lên án, chạy tin trên các phương tiện truyền thông Việt ngữ từ tháng 6 đến giờ;
(2) Càng lên tiếng thì càng bị đàn áp.
Nếu tiếp tục cách thức ấy thì không thể mong chờ kết quả tốt hơn. Nhiều triển vọng kết quả sẽ xấu đi. Tri hô, lên án, chạy tin không những vô hiệu mà còn phản tác dụng.
Chúng ta cần làm cách khác.

Cách làm khác
Cách ấy là như thế này:


(1) Tuyệt nhiên không lên tiếng tri hô, lên án, chạy tin như trước nữa.
(2) Thay vào đó, báo cáo với các cơ quan Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Quốc Hội Hoa Kỳ, các toà đại sứ Tây Phương ở Hà Nội, và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Nếu thực hiện đúng thủ tục, các cơ chế kể trên sẽ gửi công văn đến chính quyền trung ương ở Hà Nội để yêu cầu phối kiểm, hoặc thừa nhận hoặc phủ nhận, các điểm trong bản báo cáo. Các  công văn này chính thức nhưng không công bố.
Khi nhận được công văn, chính quyền trung ương biết rằng đang bị quốc tế "sờ gáy", không thể đổ thừa là không biết việc xẩy ra ở địa phương. Như vậy, nếu sự đàn áp hay sách nhiễu vẫn tiếp diễn thì rõ ràng đó là chính sách của nhà nước trung ương.
Tuần rồi chúng tôi, BPSOS, đã nộp hồ sơ về vụ đàn áp Hội Thánh Tin Lành Mennonite ở Bình Dương cho các nơi sau đây:
(1) Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng
(2) Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
(3) Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ
(4) Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội
Chúng tôi cũng đã gửi gắm ông tân đại sứ Hoa Kỳ, qua Dân Biểu Ed Royce, hồ sơ này để ông ta nắm vững tình hình trước khi đến Việt Nam.
Kế đến chúng tôi sẽ gửi hồ sơ đến Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. 
Việc gì sẽ xảy ra?
Thứ nhất, các nơi này sẽ lên tiếng với chính quyền Việt Nam ở Hà Nội.
Nếu tình trạng đàn áp tiếp diễn thì nó chắc chắn sẽ được đưa vào bản báo cáo chính thức mà  Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ sẽ công bố tháng 3 tới đây.
Đối mặt với bản báo cáo này, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ không thể không báo cáo tương tự.
Và đã báo cáo tương tự thì sẽ rất khó để không đưa Việt Nam vào danh sách Quốc Gia Phải Quan Tâm Đặc Biệt (CPC).
Vào CPC rồi thì triển vọng để Việt Nam tham gia Hiệp Ước Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giảm hẳn đi vì theo luật, Hoa Kỳ không được nới rộng mậu dịch với các quốc gia trong danh sách CPC.
Nghĩa là chế độ ở Việt Nam sẽ bị tổn hại. Họ sẽ phải cân nhắc lợi, hại khi quyết định có nên tiếp tục đàn áp hay phải ngưng tay.
Tại sao cách cũ không hiệu quả?
Khi tri hô, lên án hay chạy tin trên các phương tiện truyền thông Việt ngữ thì đó là ta nói cho ta nghe và... cho công an nghe. Chế độ biết rằng chẳng có quốc tế nào đọc tiếng Việt để can thiệp. Họ tha hồ leo thang đàn áp, vừa để bịt miệng nạn nhân vừa để dằn mặt tất cả quần chúng rằng, đấy, càng tri hô thì càng khốn đốn. Chúng ta phải chọn đối tượng khác: nói với quốc tế.
Hơn nữa, thủ tục báo cáo vi phạm để có sự can thiệp của quốc tế có những điều kiện và tiêu chuẩn rất khác với một bản tin hay lời ta thán. Các cơ chế LHQ và quốc tế nêu trên không dùng được loại thông tin mà chúng ta phổ biến trên các diễn đàn. Chúng ta phải viết cách khác: phải phù hợp với tiêu chuẩn của quốc tế để họ có thể lên tiếng.
Đây là bản báo cáo về Hội Thánh Mennonite Bình Dương tình đến ngày 2 tháng 11 mà chúng tôi đã gởi đi, tiếng Anh và tiếng Việt:
Chúng tôi sẽ đưa ra bản báo cáo bổ túc về những sự việc xẩy ra từ ngày ngày 3 trở đi, để làm ví dụ về cách báo cáo khi đàn áp tiếp diễn.
Lợi ích của sự âm thầm
Chúng ta cần tâm niệm là chỉ làm những gì có hiệu quả. Nếu hô hoán ầm ĩ mà không đạt hiệu quả thì hô hoán làm gì?
Hơn nữa, khi chúng ta lên tiếng đúng chỗ, đúng cách nhưng trong sự yên ắng thì chế độ sẽ không biết là cú đánh từ đâu đến, sẽ đến lúc nào, để mà chống đỡ. Dù không tăm hơi, nhưng không có nghĩa là chúng ta không đang ra tay. Có những khi chúng ta cần âm thầm nếu muốn đạt hiệu quả.
Thế nhưng ở đây tôi phá lệ vì muốn dùng trường hợp Hội Thánh Mennonite ở Bình Dương làm dẫn chứng cho một cách làm khác.
Chúng ta hãy cùng nhau theo dõi để xem hiệu quả đến đâu.