Monday, 2 February 2015

Áo Dài - Truyện Vũ Hạ



Tôi còn nhớ, giữa năm 1979, sau gần một tháng khắc khoải, lênh đênh biển cả, và hơn một năm sống đời tiền sử trong trại tam trú khi cặp bến, tôi đến xứ nầy, cái xứ của danh lam thắng cảnh, kì quan thế giới, của phố xá náo nhiệt, của mùa thu mưa bụi, ánh sáng, của du khách ùn ùn tấp nập, và di dân tứ xứ…


Trời vào thu, Pháp quốc khoác áo choàng mát dịu và mưa không ướt mi. Dư ảnh của mùa hạ hãy còn vương vướng đâu đây, nơi những vạt nắng vàng hoe đổ bên thềm tạm trú. Trong cái không khí buồn buồn mơn man của buổi giao mùa, bọn thiếu niên tuổi tôi thủa ấy tha hồ cởi trần, hì hục với quả bóng trên nền xi-măng nhám xám. Chán chê thì sắp hàng đợi phiên nơi cái bàn ping-pông duy nhất của foyer d’Herblay, trại tạm trú của hơn hai trăm dân tị nạn Đông Nam Á trước khi được phân tán đi định cư khắp các tỉnh thành nước pháp. Dạo ấy, vẫn với vóc dáng bé nhỏ nhưng tôi khoẻ như con trâu nước… con và đam mê cái bàn bóng nầy – từ độ mới oe oe chào đời cho đến khi ngủm củ tỏi, con người có bao nhiêu lần đam mê nhỉ ? Tí tẹo thì chơi bán đồ hàng với bọn con gái hàng xóm, lớn lên một tí thì cho rằng trò chơi nầy nhu mì quá bèn lê la chơi đá dế, rồi ồn ào đá banh, tưng bừng đánh ping-pông ; và cũng bắt đầu… dệt mộng : nào là mộng cầu vương danh thủ, anh hùng tướng tá, vân vân để cho phỉ cái sức mới lớn mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Rồi còn mê gì nữa ? Nhiều lắm phải không ?! Cũng lạ là ta ít khi nào để ý nhận diện những thay đổi theo thời gian khi ấy…

Ngày ấy, tôi vào tuổi mười bảy nên mê “thể tháo mồ hôi”. Trại tạm trú, để giải trí, chỉ có độc một bàn bóng cũ kĩ, siêu vẹo như răng bà lão ; thế nên không biết ở đâu ra cái luật lệ rất “cá lớn nuốt cá bé” mà mọi người gọi nôm na là “thua ra !” Kẻ chiến bại được thay thế bởi một trự đã mòn mỏi đợi phiên, để trận thư hùng được tiếp diễn với kẻ chiến thắng. Luôn luôn, có lối ba mươi trự ngồi ngáp dài ngáp vắn đợi phiên mình như cái cảnh chực chờ mua nhu yếu phẩm ở bên nhà cái thời đại “Cách Mạng Thành Công”. Những trự nào đánh khá thì đỡ khổ thân chầu chực, những trự đánh kém thì sau khi thua nên lên phòng đánh… một giấc rồi mai sớm xuống sắp hàng cũng chưa muộn.

Sau khi tân binh tôi hạ anh chàng người Lào đương kim vô địch qua những ván xuýt xoát, sôi nổi thì rồi tôi tha hồ vùng vẫy, đến mệt phờ, chả bao giờ thua, thuộc thành phần “ông chủ bàn bóng”, cho đến ngày nhập trại của một đấu thủ quốc tế lão thành người Miên. Tôi ôm hận với những ván tan nát, bi thảm. Hôm nào kéo được 7/21, 8/21 đã là mừng ghê lắm ; còn không thì 3/21, 4/21, cứ thế mà phe phẩy. Và mỗi lần thua… ra, lại phải sắp hàng đợi phiên đến dài cổ để mong phục hận.

Một buổi trời ngả về chiều, nắng gió rưng rưng, ông già không đối thủ người Miên còn đang say sưa giấc ngủ trưa, tôi bèn lợi dụng cơ hội hiếm có để tung hoành bàn bóng mà chung quanh là một bầy lô nhô đang khao khát có được… tài năng ấy để… đỡ phải sắp hàng. Đang say sưa quyết đấu, bỗng, lao xao :

– Ra xem áo dài Việt Nam, tụi bây ơi !

Tôi hơi lấy làm lạ, vì sau gần hai tháng ở đây, người đến từ các trại tạm trú bên Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương… rồi rời đi đến chốn định cư thì có biết bao nhiêu là thiếu nữ. Thế nhưng, tôi chưa được cái diễm phúc thấy Áo Dài vạt vờn gió. Quanh tôi chỉ toàn là áo đầm, quần tây, thậm chí cả mini-jupe cũn cỡn… Xem ra cũng dễ hiểu : có ai vượt biên mà mặc mà mang theo áo dài ! Nên, khi nghe gọi nhau ơi ới ra xem áo dài thì tôi bán tin bán nghi, sợ bị dụ khị quẳng vợt rời bàn – mà rời bàn thì mất chỗ, là sẽ è cổ sắp hàng. Nhưng rồi, thấy bọn chúng nó rủ nhau ào ào ra xem, có vẻ thật, nên tôi cũng tháp tùng.
Tôi không rõ đã tự khi nào từ đam mê thể thao tôi nhảy phóc sang hâm mộ áo dài – cả tóc dài con gái – tôi chỉ nhớ hôm ấy, tôi cũng như bọn loi con đồng trang lứa, hăm hở yêu áo dài.

Từ trên một chiếc xe loang lổ bụi đời bước xuống là ba phụ nữ kiều diễm như trong truyện cổ tích không chớp mắt ; những vạt áo phất phơ gió thu lay nhè nhẹ thành sương khói. Cái nắng buổi về chiều có làm như dịu đi. Tôi “chịu” nhất vẫn là chị tài xế mặc áo dài màu vàng nhạt. Trông chị sao kiêu sa là thế ! Tôi không nhớ chiếc xe loang lổ dạo nọ hiệu gì, nhưng chị thì tôi còn nhớ lắm với màu áo vàng…

Chị thướt tha yểu điệu như màu vàng chiếc áo, và mỉm cười khi bắt gặp chúng tôi, một bầy lam lủ trố mắt, há hốc mồm ngẩn tò te. Chị có khuôn mặt kiều diễm đoan trang với ánh mắt như tiểu thuyết và dáng dấp thanh thảng, và cử chỉ quý phái, và mái tóc lửng vai… Ơ hay ! Chiếc áo dài vàng đẹp hay chị đẹp ? Cả hai đều đẹp ! Chị thướt tha hay chiếc áo dài thướt tha hơn ? Cứ nghĩ rằng cả hai trang điểm cho nhau. Đừng thắc mắc làm gì, và như thế ta có quyền ngây ngây… yêu cả hai làm một.

Sau pha triển lãm áo dài, chị tự giới thiệu là nữ văn thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh, thi sĩ của “đừng nhìn em nữa anh ơi…” Không hiểu cái nhân vật “anh” trong thi phẩm của chị có thôi nhìn nổi không, chứ còn tôi thì bị cuốn hút vào vạt áo lụa là, cả hồn vấp té. Thi sĩ của “Ai trở về xứ Việt…” ; có lẽ vì không về được xứ Việt, mà nhớ thương lại ngập lòng, nên chị đến thăm hỏi những đồng bào mới chân ướt chân ráo đến xứ nầy.

Khiếp ! Cũng khá lâu rồi tôi không được ngắm áo dài dạo phố, tan trường. Sau cái ngày tang thương bà con phải thể hiện “lao động khổ sai là vinh quang” (!) nên áo dài phải cất đi…

Tôi, hôm đó, ngẩn người, nhủ thầm : chị đẹp quá ! Chị đẹp không bằng vào son phấn xứ người, mà đẹp như ca dao của quê hương. Chị nói chuyện nhỏ nhẹ, nhã nhặn đến nỗi tôi không thể tưởng được rằng có sự hiện diện của chị trong phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà đi cãi nhau với bọn vẩu trong những hiệp định “không ngừng súng cũng chẳng ngưng mồm” (!)

Thế, tâm hồn của cậu bé con mười bảy tuổi đã thực sự rung động. Tôi không mê mệt chị đâu nhá ; tôi chỉ si áo dài !

Tám năm, thời gian đủ để tôi một lần yêu con gái bản xứ. Nhưng không. Mặc dù con gái Pháp có tiếng là xinh như mộng ; dù tôi vẫn thấy các cô ấy rất đẹp. Có rất nhiều lẽ, nhưng nhất là : tôi trót yêu áo dài !

Rồi chị cũng phải xa rời bọn chúng tôi. Sau khi âu yếm xoa đầu tôi như người mẹ, và dấm dúi vào tay một tờ giấy trăm : “Để dành tiêu vặt”. Một trăm quan Pháp hồi đó lớn lắm, đủ cho tôi và mấy đứa bạn hút thuốc đến cả hai tuần. Phà khói dệt mộng, ôi diễm ảo !
Quê hương tôi với tà áo quyện gió chiều, những người mẹ, người chị dịu dàng với tấm lòng luôn rộng mở, với những ngôn từ mà âm hưởng của nó như rót mật vào tai.
Cạnh thềm cổng trại có những đoá hoa vàng nho nhỏ để đêm rồi, khuya lắm rồi, bóng dáng chị hãy còn thấp thoáng…

“Một sớm chủ nhật anh đi lễ chùa, gặp áo dài lam cài hoa sen trắng…”, nhạc sĩ Tùng Giang đã có cái diễm phúc hạnh ngộ Áo Dài Lam thướt tha trong một khung cảnh trang nghiêm kiểu Á Đông nơi xứ lạ quê người… Và vội vàng “yêu” ngay.

Thế. Nhưng chiếc áo dài của thời buổi bây giờ, nơi nầy, thường hay vắng mặt, ngay cả ở những nơi mà văn, thơ, nhạc thường có cơ duyên trùng phùng nhất như nhà thờ, chùa chiềng… ; ngay cả trong những dịp lễ bái, hội hè, đình đám ; và càng ít hơn nữa, phải nói là hiếm hoi, trên những đường phố Âu Châu ; có lẽ vì thế mà đoạn sau của ca khúc Một Thoáng Hương Xưa nồng nàn mộng mị đó, cái nhân vật “Anh” tha hồ hì hục bái lễ thiếu điều trở thành sư cụ của những lần sau đó, mà mãi mãi không còn lần nào nữa, gặp lại Áo Dài Lam cài hoa sen trắng. Không chừng “Anh” đã gặp lại người, nhưng người không còn vận áo dài như hôm nào nên anh không nhận ra. “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” mà lị !
Tôi cũng chăm chỉ với câu kinh lời nguyện lắm chứ. Thế nhưng, trong nhà thờ, vừa lẩm nhẩm cầu kinh, vừa liếc mắt nhìn quanh… A !… Đây rồi ! Đó đây nhan nhản áo dài : nâu, đen, xanh đậm, tím thẫm… trên người những cụ bà đang nhắm nghiền mắt cầu kinh (!)
Thế thôi à ?… !

Vâng. Thế thôi ! Và chẳng đoá hoa nào cài áo.

Áo dài đã tuyệt tự rồi sao ?

Thưa không ! Rành rành ra đó là : nhạc sĩ Tùng Giang, tác giả nhạc phẩm Thoáng Hương Xưa đã có duyên với Áo Dài Lam cài hoa sen trắng trên chùa bên Mĩ kia mà.

Nét đẹp muôn thủa của dân tộc, hôm nay chỉ còn được thể hiện qua những cụ bà à ?

Lại cũng rằng không ! Nhất quyết rằng không ! Không lẽ nào nhân vật “Anh” lãng mạn đa tình trong nhạc phẩm Thoáng Hương Xưa lại là… một cụ ông của “tam độ xuân”. Đâu kì cục thế !

Không như thế được ! Thế thì, áo dài không tuyệt tự đâu. Áo dài chỉ mang triệu chứng của hiếm muộn.

Vài mươi năm trước, nhà văn Võ Phiến đã ngỡ ngàng, hoảng hồn trước những thay đổi kì quặc, rùm rụp à la mode (theo thời) của áo dài. Ông cho rằng : thoát thai từ bản chất khoái làm cách mạng  của tuổi trẻ. Bây giờ ông Võ Phiến hãy còn sờ sờ bên Mỹ, ắt hẳn đau lòng lắm lắm khi phải chứng kiến cảnh hiếm muộn của áo dài.

Đừng nghĩ rằng tôi trách các cô đấy nhé. Tôi chỉ nói lên một chút nào đó nỗi lòng của áo dài. Nếu đổ thừa trăm sự tại các cô thì e rằng bọn đàn ông con trai chúng tôi đã có phần thiên vị. Vì ngày xửa ngày xưa, các cụ ông của ta cũng le lói áo dài khăn đóng, guốc gỗ kẹp nách đi phó hội… nhậu. Thời Pháp thuộc, các cụ gọi bọn thực dân là “phường áo ngắn”, chẳng để chứng tỏ mình áo dài là gì. Ngày qua tháng lại, những thập niên 60, 70 đổ về sau, đã còn có mấy quý mày râu áo dài khăn đóng đi… “chim” gái. 

Bây giờ cái hiếm muộn của áo dài lại còn thêm nghịch cảnh : xứ lạ quê người. Thưa vâng. Vì tôi yêu áo dài ghê lắm nhưng chưa hề được say đắm một lần ngắm người yêu thướt tha hai vạt áo. Trông cái dáng mảnh khảnh, thanh thanh của con nhỏ, tôi ngớ ngẩn :

– Sao chả bao giờ em vận áo dài ?

– Ça va pas non (có điên không) ? Mặc áo dài ra đường người ta nhìn lom lom, chịu gì nổi.

– Thì người ta thấy đẹp,… lạ, nên chú ý một tí, là chuyện thường tình, có gì đâu.

– Dị hợm thì có !

Thế. Mà con nhỏ cũng được mẹ may áo dài cho. Nhưng chỉ để xếp gọn, nằm yên trong xó tủ áo. Nó bị chen lấn đến ngộp thở bởi những đầm dài váy ngắn.

Thôi thì cũng phải thông cảm vậy. Bởi vì, đời sống mới nơi quê người, từ bình minh ửng thẹn tới hoàng hôn ngã dáng ta đã bắt gặp bao nhiêu cái không, cái chưa hề xảy ra trên quê hương êm đềm yêu dấu Việt nam ta. Ở đây, bên nầy, sáng sớm, mở mắt, mau mau nốc vội tách cà phê đậm đặc như thuốc bắc rồi phóng lẹ cho kịp chuyến xe lửa, rồi métro (xe điện ngầm)… Nếu, trong cảnh thúc đẩy, khuỳnh tay, chen lấn mà cái vạt áo thướt tha kẹt nửa vời nơi hai cánh cửa của toa xe xập lại sau tiếng còi thì làm thế nào ?! Buổi chiều về thì lại phải mau mau cho kịp, trước giờ siêu thị đóng cửa, và gặp in hệt cái cảnh hoạt kê ban sáng thì thế nào ? Đó là chưa kể những đoạn cuốc bộ… Áo dài, theo quan điểm mĩ thuật thì phải nhẹ nhàng, lả lướt như vũ khúc mùa xuân, chứ có đâu mà hùng hục, vắt giò lên cổ cho kịp giờ làm việc, giờ đi chợ, cho kịp buổi cơm chiều… Ở đây, thời nầy, thì giờ phải được tính kĩ ; vì thì giờ ngắn nên áo cũng đành phải ngắn, và…

Có lẽ để chiều lòng tôi, áo dài một hôm khoác lên người, chủ nhật, con nhỏ tung tăng đi lễ. Chiếc áo dài màu xanh da trời, cổ thấp, hơi một tị eo thôi, vạt dài quá gối một chút cộng với đôi giầy quai trắng – có vẻ khoe một chút, nhưng thật, con nhỏ xinh tệ ! Ơ hay ! Như có cái gì vương vướng mắt tôi. Thì ra là mái tóc ngắn. Ngắn như tóc con trai. Thời trang hôm nay đang chọc quê tôi đây. Nhưng thôi, cái thời buổi “trai thừa gái thiếu” nầy, phải chật vật ghê lắm mới xoay xở được cho mình một điểm gối đầu tình yêu. Đã được nhân nhượng đến thế thì tóc con nhỏ có ngắn cũng đành.

Xưa, để cùng đi với áo dài, tóc phải dài chấm gót mà ta gọi là tóc thề thì mới hợp nhãn. Thời gian qua một chút, hợp với áo dài lại là tóc ngắn ngang lưng, rồi chấm vai – có lẽ vì áo dài cũng ngày càng ngắn hơn xưa. Chắc hẳn bố tôi cũng đã lắm khi phiền lòng nhìn những thay kia đổi nọ. Nhưng với tôi thì chẳng có gì lạ – vì là thời của tôi mà – có nghĩa vẫn là đẹp ! Vậy thì, tôi bây giờ có xốn mắt nhưng có lẽ con tôi mai nầy sẽ cho rằng : ấy mới tuyệt, càng ngắn càng hợp ! Điều nầy cho thấy rằng : ở mỗi thời đại đều có quan niệm mĩ thuật riêng, tâm lí riêng ; chỉ có tâm hồn của người thuộc vào thời đại nào, thế thôi. Giống như lần đầu xem văn nghệ Việt tại hải ngoại cách đây tám năm ; tôi còn nhớ, ban văn nghệ tên Hoài Hương đến từ Bỉ với những thiếu nữ dịu dàng trong những chiếc áo dài trắng và nón lá cầm tay… Vài năm sau, ban vũ Alder cũng biểu diễn áo dài, nhưng nón lá đă vắng mặt, đã biệt tăm. Trông các cô mỉm cười, loay hoay nhanh nhẩu trong vũ khúc tí tách nhịp điệu, tôi đã không còn đồng ý với ông Võ Phiến, tôi thấy áo dài “tưng tưng” cũng xinh ghê ! Cũng đẹp quá đi ! Rồi bảo với viên ngọc lóng lánh trong hồn : yêu ai yêu vội yêu vàng ?… Rồi quên khuấy sự khiếm diện của nón lá.

Một buổi sớm mùa xuân, cây reo lá bên đường, tôi đi dự lễ hôn phối của một thằng bạn thân. Trước cửa Giáo Xứ Việt nam Paris, áo dài trong cái vẻ hiu hiu tự đắc, áo dài xuống đường (từ xe hơi), ngầm trong cái duyên là ngôi vị của nó.

Chú rể với cái bản mặt kên kên xúng xính áo dài khăn đóng, bên cạnh, cô dâu vận áo dài vàng và khăn đóng cũng vàng. Đó đây, ngoài những vạt áo xậm màu của các cụ bà, cụ ông còn là những màu áo kiêu sa của các cô phù dâu, phần đông quan khách thuộc phái nữ và rất nhiều trong nhóm nhi đồng (may thay !)

Các Cụ muốn hỏi cái con nhỏ của tôi ấy à ?… Rằng thì là : không phải tôi không dám “đòi hỏi” thêm một lần nữa, tuy rất “có uy” với con nhỏ, nhưng kết quả là :

– Mặc áo dài làm sao em “nhót” ?

Ấy, khổ thế !

– Thì… em thay đồ khi nhập tiệc.

– Bộ anh muốn thiên hạ dị nghị là em em điệu hạnh thế nầy thế nọ hở ?!

Cũng bất tiện thật nhỉ.

Thế là buổi chiều, ngày thằng bạn nối khố lên xe hoa về nhà vợ, tôi đành ủ sầu ngắm con nhỏ “cha cha cha” với váy ngắn. Đôi chân tuyệt diệu mà lẽ ra “khổ chủ” chỉ là tôi, đành phải lặng lẽ sớt chia cho mọi người. Cũng không quên thưa rằng : tôi cũng nhận lãnh sự chia sớt của mọi người.

Và, để giải toả ấm ức, bọn nam nhi chúng tôi bèn tụm năm tụm ba bàn tán, phê bình xôn xao ám muội ; cũng vui ra phết.

Thế, số phận của áo dài hôm nay như thế đó. Vậy đi ! Còn hơn phải thấy áo dài kết hôn với quần jean bạc màu, hoặc với điếu thuốc ngậm lệch. Ậy !… Ậy !… Vấn đề các cô ngậm thuốc lá hoặc xì gà thì xin phép được miễn bàn. Vì, các Cụ ạ, tôi đã kịch chiến với con nhỏ, khi con nhỏ thản nhiên chu mỏ làm một vòng tròn khói và trả lời cho ánh mắt khó chịu của tôi :

– Tại sao con trai có quyền hút thuốc, con gái không có quyền hút thuốc ?!!!

Ôi giời ơi ! Tôi phải trả lời sao đây ? Bèn đi một đường “sức khoẻ thường thức” :

– Rằng thì là : con gái hút thuốc có hại cho sức khoẻ gấp một trăm lần, à không, gấp đến một triệu lần con trai, nhất là khi chuẩn bị làm maman (mẹ) – tôi đi kèm theo đấy một ngõ, đánh mạnh vào tâm lí phụ nữ – Em có thương con em không ?

– Thì lúc ấy em sẽ “tạm ngưng trong giây lát”.

Tôi bèn bẻ cua tâm lí đàn ông con trai rất ư là phù phiếm :

– Anh là dân nghiện thuốc nên rất rõ nỗi khó nhọc của người phải cai thuốc. Vì thế… !
Chiến tranh đến đây thì kí hoà ước. Có nghĩa là bất phân thắng bại. Tôi vẫn hút và con nhỏ vẫn hút – cho giống nhau.

Lại còn một hôm, khi biết tôi có đủ can đảm đớp thịt cầy, thịt rắn, và cả thịt chuột… đồng (với muối tiêu, dĩ nhiên), con nhỏ nhăn mặt : Eo ôi !!!

Để trả đũa cái vụ vẫn tiếp tục hút thuốc của con nhỏ, tôi lợi dụng cơ hội, thả dù nhảm nhí :

– Món ăn khoái khẩu nhất của anh vẫn là món Akimoraaaa của đầu bếp Nhật danh tiếng chế biến, đó là thịt người – Tôi xoa xoa tay cùng hít hà – Chà…, tiết canh người ngon nhé !

Con nhỏ khện :

– Ừ, máu đàn bà !

Thế đấy, quanh chúng ta luôn luôn là những đổi thay, mà vấn đề là chúng ta có trông thấy, cảm nhận hay không những đổi thay ấy. Và có nhìn nhận không. Có mau mau thích ứng môi trường mới không. Và nếu có quan tâm, thì thật, đôi khi chúng ta bất lực trước những thay đổi.

Mong rằng chiếc áo dài, nếu mai nầy có vĩnh viễn biệt tích thì những đoan trang, những thùy mị của Phụ Nữ Việt Nam hãy còn đấy, mãi mãi còn đấy. Amen.