Thursday 12 March 2015

Bài Viết của Tưởng Năng Tiến

Chuyện Riêng Của Chúng Tôi & Những Anh Hàng XómS.T.T.D. Tưởng Năng Tiến

Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.
Đèn Cù II phát hành cuối tháng 11 năm 2014. Tôi muốn đọc quá nhưng không thể đặt mua. Gửi thư cầu cứu Đinh Quang Anh Thái, nhận được hồi đáp (vô cùng) hứa hẹn: “Cứ yên tâm, sẽ nhận được sách trong thời gian ngắn nhất.”
Tôi “tưởng” thiệt nên mượn địa chỉ văn phòng của một cơ quan thiện nguyện ở Phnom Penh gửi ngay cho ông bạn (vàng) đầy thiện tâm và thiện chí. Chờ dài cổ cũng chả thấy sách vở gì ráo trọi mới vỡ lẽ là mình đã ... “trao duyên lầm tướng cướp!”
Rồi Đèn Cù II cũng được phát tán tùm lum trên mạng. Tiếc là những nơi tôi đi qua, trong mấy tháng rồi, đều quá xa chốn thị thành nên vào được internet không dễ dàng gì. Nói chi đến chuyện đọc gần ngàn trang giấy.
Tuần rồi về lại Nam Vang mới có dịp “tiếp cận” thoải mái với tác phẩm mà mình mong đợi. Nói nào ngay cũng có hơi thất vọng chút xíu. Đọc uốn sau không “đã” bằng cuốn trước, dù vẫn có rất nhiều trang thú vị:
“Tôi quen ba người dạy tiếng Anh và tôi muốn nói tới các anh như những người từng chịu hẩm hiu lúc đất nước sập cửa lại với thế giới, tiếng Anh bị miệt thị. Thật ra chả phải chỉ tiếng Anh mà là bất cứ tiếng nói của kẻ thù nào.
Chị P. T. M., dạy tiếng Trung Quốc ở Đại học Sư phạm đã ngồi làm thường trực mãi ở cống trường cho tới khi Trung Quốc hết là thù mới lên truyền hình dạy lại. Ông Nghĩa dạy tiếng Trung Quốc ở Cao đẳng sư phạm Hà Nội thì đi làm bảo vệ. Khi đánh xét lại, các giáo viên tiếng Nga nghỉ dài dài.
Đầu tiên nói tới Đặng Chấn Liêu. Cùng tội ‘xét lại’. Treo giò, mất chức chủ nhiệm khoa tiếng Anh Đại học Sư phạm. Liêu cho hay hồi ấy chả ai thiết cái thứ tiếng phản động này.... Liêu ở Pháp làm viên chức của Liên Hợp Quốc. Theo Cụ Hồ kêu gọi, anh về nước và bị Hoàng Văn Hoan nghi là tình báo Anh...
Người thứ hai là Mỹ Điền. Học ở Anh từ 1947-48... Sau Điện Biên Phủ về nước, anh theo Ung Văn Khiêm, thứ trưởng ngoại giao đến chào bộ trưởng Phạm Văn Đồng. Trong chuyện trò, Đồng dặn Khiêm chú ý để Mỹ Điền sinh hoạt chi bộ. Nhưng rồi chả ai nhắc tới, có lẽ thấy anh không bập.
Sớm ngán thế cuộc, bắt đầu từ đọc báo cáo mật của Khrushchev trên báo Le Monde, Mỹ Điền trở thành một trong hai ba trung tâm lan, yến, kỳ hoa dị vật ở Hà Nội những năm 60, khi thú chơi này bị coi là ‘tư sản, đồi truỵ’ rồi bị cấm. Minh hoạ đúng cho câu thơ của Bertolt Brecht ‘Thời thế gì / Mà nói đến cỏ cây...’. ‘Chả ai thích dùng tôi, Mỹ Điền nói…” (Trần Đĩnh. Đèn Cù, tập II. Người Việt, Westminster, CA: 2014).
Theo tôi thì cách mạng cũng không đến nỗi khe khắt gì lắm trong việc dùng người, kể cả những kẻ đã (lỡ) sống ở nước ngoài và am tường ngoại ngữ. Những nhân vật vừa kể – chả qua – chỉ bị xui thôi, hay nói một cách văn hoa là họ sinh bất phùng thời.
Chớ gặp phải vận may thì cái vốn liếng sinh ngữ vẫn có thể giúp cho một công dân X.H.C.N.V.N trở thành hiển đạt. Trường hợp bà Tôn Nữ Thị Ninh là một thí dụ điển hình. Theo Wikipedia:
"Tôn Nữ Thị Ninh (sinh ngày 30 tháng 10 năm 1947) từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu(EU) và một số quốc gia như BỉHà Lan, v.v... Bà cũng từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam. Bà có vai trò tích cực trong lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam...
Bà trở thành nhà ngoại giao bắt đầu bằng công việc phiên dịch và bà đã học được nhiều kinh nghiệm khi đi dịch cho Thủ tướngPhạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Xuân Thuỷ, ông Nguyễn Cơ Thạch... Bà đã làm đại sứ ở ba nước BỉHà Lan vàLuxembourg và Liên minh châu Âu (EU). Bà còn giữ cương vị là người đứng đầu đại diện của phái đoàn Việt Nam ở Liên minh châu Âu tại Brussel (Bỉ) và đã từng giữ một nhiệm kỳ trong Ủy ban Trung ương của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Cương vị gần đây nhất mà bà nắm giữ là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Trên cương vị đó bà đã có một số những phản bác tương đối mạnh mẽ trước một số cáo buộc về vấn đề nhân quyền từ phía Hoa Kỳ và Quốc hội Hoa Kỳ.”
Đã chưa?
Con đường công danh của bà T.N.T.N. chỉ “bắt đầu bằng công việc phiên dịch” mà đi lên tuốt tới chức vụ “Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội” đâu phải chuyện nhỏ. Ở vị trí này, trong chuyến công du nhằm cải thiện mối tương giao (vốn chưa bao giờ tốt đẹp) giữa Việt Nam với Mỹ, và với cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở đất nước này – hồi năm 2004 – bà T.N.T.N đã tuyên bố nhiều câu (bất hủ) có thể được coi như danh ngôn của ngành ngoại giao của nước C.H.X.H.C.N.V.N:
-Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.
Hay:
Mình là thế thượng phong của nguời chiến thắng, mình cần chủ động, người ta không thể chủ động được do mặc cảm, cũng không thể yêu cầu ngươi ta đi trước, họ đứng ở vị trí không thuận lợi trong tiến trình lịch sử.
Tôi thì e rằng chính bản thân bà Ninh cũng “đứng ở vị trí không thuận lợi (mấy) trong tiến trình lịch sử.” Vẫn theo Wikipedia:
“Tháng 8 năm 2007, bà đã thôi giữ chức tại quốc hội và tham gia vào lĩnh vực giáo dục với tư cách Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường Đại học Tư thục Trí Việt. Tuy nhiên dự án này bị thất bại.”
Sao lại “thất bại” cà?
Tôi nhớ lúc khởi đầu dự án (“Bắt Tay Xây Dựng Trường Đại Học Tư Thục Trí Việt”) ngó bộ hoành tráng lắm mà:
“Sáng 7.11.2007, tại trụ sở Ủy ban về người VN ở nước ngoài (NVNƠNN) TP.HCM, Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật NVNƠNN (OVSCLUB) và Hội đồng sáng lập Dự án trường Đại học tư thục Trí Việt đã ký kết Thỏa thuận hợp tác: xây dựng một trường đại học chính quy hiện đại, trên tinh thần thực học để đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước.
Đại diện cho Hội đồng sáng lập Dự án Đại học tư thục Trí Việt là bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Hội đồng và đại diện của OVSCLUB là TSKH Trần Hà Anh, Trưởng Ban điều hành. Buổi lễ ký kết diễn ra với sự chứng kiến của Ban Chủ nhiệm Ủy ban NVNƠNN, Ban Liên lạc NVNƠNN TP.HCM...
Giới thiệu về Dự án trường Đại học tư thực Trí Việt, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết, trường sẽ được xây dựng trên địa bàn huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trên diện tích đất rộng 55 ha. Tâm huyết của những người xây dựng dự án này là xây dựng tại VN một trường đại học đạt chuẩn quốc tế và phi lợi nhuận, tạo được một không gian xanh với thiên nhiên hài hòa và những trang thiết bị đủ để thầy và trò có được những điều kiện học tập và nghiên cứu tốt nhất.”
Bà Tôn Nữ Thị Ninh (bên trái) trong buổi ra mắt Viện Trí Việt. Ảnh và chú thích: Dân Trí
Sao “tâm huyết” cỡ đó mà lại trở thành một chuyện “đầu voi đuôi chuột,” hả Trời?
Ngồi rà lại chút xíu tôi mới thấy có hai điểm khiến cho dự án xây dựng Đại Học Trí Việt khó được hanh thông:
Luật chơi của Trí Việt là: nói không với thiếu trung thực.
Gọi là trường quốc tế bởi vì sẽ dạy bằng tiếng Anh kể từ năm thứ 2, với lập luận rằng thanh niên Việt Nam thời hội nhập phải có tiếng Anh như là một ngôn ngữ làm việc của mình, ngoài tiếng mẹ đẻ...
Coi: sống trong một chế độ mà lường gạt, dối trá và nghi ngờ là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà Nước mà bà Tôn Nữ Thị Ninh lại đặt ra “luật chơi là nói không với thiếu trung thực” và còn nói bằng tiếng Anh nữa (cơ) thì không “thất bại” mới là chuyện lạ.
Bà Ninh, lẽ ra, nên thức thời chút xíu. Bầy đặt màu mè “trung thực” làm chi – vậy má? Thử nhớ lại coi: trong suốt thời gian làm thông dịch cho Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch ... mấy chả có nói một câu nào “trung thực” không? Hay tất cả đều  dối trá (như Vẹm) hết trơn – đúng không?
Đại học Trí Việt vẫn còn có cơ may “chuyển bại thành thắng” nếu sửa lại chương trình học chút xíu thôi: “Gọi là trường quốc tế bởi vì sẽ dạy bằng tiếng Trung Hoa kể từ năm thứ 2, với lập luận rằng thanh niên Việt Nam thời hội nhập phải có tiếng Tầu như là một ngôn ngữ làm việc của mình, ngoài tiếng mẹ đẻ...
Ráng nhịn chút xíu như vậy đi, chị Ninh.  Chảnh quá, thường khi, dễ trở thành lố bịch: “Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.”
Sau Hội Nghị Thành Đô thì nhiều anh hàng xóm, khỏi cần gõ cửa, cũng đã (dám) chui luôn vô mùng của đám ái nữa của lắm vị Ủy Viên Bộ Chính Trị rồi. Bởi vậy, Đại Học Trí Việt (với sứ mệnh Trí Cao – Tâm Rộng –  Tầm Xa) sao không dậy bằng tiếng Tầu đi cho nó hợp thời?    
Tương tự, cái “thế” mà mấy năm trước chị Ninh mô tả là “thượng phong của nguời chiến thắng” đó, với thời gian – rõ ràng – mỗi lúc một thêm chênh vênh dữ. Với con số xí nghiệp phá sản, cùng với nợ công mỗi lúc một nhiều thì trong tương lai gần – rất có thể – bầy sâu của Đảng lại phải nhờ chị Ninh chạy qua Hoa Kỳ “công du” chuyến nữa.
Lần này, làm ơn nhỏ họng lại chút xíu nha – chị Ninh. Đã bị gậy đi ăn xin mà còn lớn giọng (nghe) kỳ lắm. Hàng năm nếu không có hàng chục tỉ đô la của đám người “ở vị trí không thuận lợi trong tiến trình lịch sử” cứu trợ thì cái Đảng và Nhà Nước (thổ tả) hiện nay đã chuyển qua từ trần tự lâu rồi, đúng không?

Hoa Thốt Nốt & Đàn Ta LưS.T.T.D. Tưởng Năng Tiến

Gùi trên vai súng đạn ra hoả tuyến
Gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường

Huy Thục
Tôi lạc bước qua tuốt Cambodia. Nhìn quanh, thấy thiên hạ xếp hàng nườm nượp đi thăm Đế Thiên – Đế Thích nên tôi cũng đi luôn cho nó... giống với người ta. Tới nơi mới biết, té ra, hồi đầu thế kỷ XX, học giả Nguyễn Hiến Lê đã tìm đến nơi này rồi. Ông ghi nhận:
“Người Miên ưa đục hình trên đá. Ở điện Angkor Vat có trên 12.000 thước vuông đá đục hình về đời các vị thần thánh. Ở đền Bayon, hình diễn lại đời sống hàng ngày và phong tục đương thời. Ở Sân Voi tại Angkor Thom, trên bốn trăm thước chiều dài, hiện lên hình những loài vật lớn bằng vật thiên nhiên.”
Qua đầu thế kỷ XXI thì nhiếp ảnh gia NgyThanh cũng đã vác máy đến đây, và thu vào ống kính của ông nhiều hình ảnh tuyệt vời. Xin coi (chơi) một cái:
Angkok bình lặng. Ảnh: NgyThanh
Tôi không có thói quen mang thước và máy ảnh theo người nên không biết Đế Thiên – Đế Thích dài/rộng cỡ nào, và kỳ vỹ ra sao. Chỉ nhớ mình vừa qua khỏi cổng chính là đã thấy... mấy mợ hàng rong. Họ chào mời du khách mua nước thốt nốt ướp lạnh. 
Tôi cũng muốn thử chơi một ly cho biết nhưng ngần ngừ một lát rồi tiếp tục đi. (Mới ực hai lon bia Cambodia xong, còn chưa biết W.C chỗ nào, ngu sao mà uống nữa). Vừa đi, vừa nhớ tới một anh bạn cũ: Hà Trung Liêm.
Gần 30 năm trước (lúc cả Khmer Rouge và lính Việt Nam đều còn hiện diện ở Cambodia) tôi và Liêm cũng đã lén chui từ tỉnh Aranyaprathet (Thái Lan) sang Poipet để “tham quan” Xứ Chùa Tháp mấy lần rồi.
Có lần, đang nằm võng giữa rừng thì Liêm móc trong ba lô ra tờ báo Quân Đội Nhân Dân, rồi chỉ cho tôi xem một đoạn thư tình của một anh lính bộ đội gửi (từ chiến trường phía Tây) về cho người yêu bé bỏng ở hậu phương Hà Nội: “Anh muốn cài lên tóc em một cành hoa thốt nốt...”
Hoa thốt nốt. Nguồn ảnh: tuelan.com
Hai thằng cười lăn, cười lộn thiếu điều muốn đứt võng luôn. Hơn một phần tư thế kỷ đã qua, tôi không còn nhớ được tên tác giả bức thư tình (“bất hủ”) nói trên nhưng vẫn còn giữ nguyên ấn tượng về sự liều lĩnh (quá cỡ) của tác giả.
Ông ấy chưa bao giờ nhìn thấy cây thốt nốt nên mới dám có ý nghĩ dại dột cài nguyên một buồng hoa (dám nặng cỡ chục kí lô) lên mái tóc của người yêu bé bỏng. Con nhỏ mà gẫy cổ là vô tù về tội ngộ sát (hay cố sát) như không, chớ đâu phải chuyện giỡn chơi – cha nội?
Sau này, có dịp nghe Huy Thục tâm sự tôi mới biết là ông nhạc sĩ này còn liều lĩnh và ẩu tả hơn nhiều: “Đi cùng các đơn vị chiến đấu ở Cam Lộ, Khe Sanh, hình ảnh các cô gái Vân Kiều gùi trên vai những quả đạn pháo, tên lửa nặng trĩu, vẫn với chiếc đàn Ta Lư đeo trước ngực, cất tiếng ca mừng các anh giải phóng quân đã làm tôi xúc động viết nên những nốt nhạc đầu tiên cho Tiếng đàn Ta Lư.” (“Nhạc Sĩ Huy Thục Và Những Bài Ca Đi Cùng Năm Tháng” – Đỗ Sâm, Công An Nhân Dân, 09/12/2004).
Tôi bảo đảm là đại tá nhạc sĩ Huy Thục cũng chưa bao giờ nhìn thấy một cái tên lửa. Thằng chả chỉ “suy đoán” rằng “tên lửa” và “tên tre” đều là tên cả, và chỉ khác nhau (xíu xiu) về kích thước và trọng lượng thôi nên mới dám “bắt” đám con gái Vân Kiều “gùi trên vai nặng trĩu” như thế. Đã thế, trước ngực mỗi cô còn đeo lủng lẳng chiếc đàn ta lư, và vừa đi vừa hát nữa chớ.
Thiệt là quá đã, và quá đáng!
Huy Thục nổi tiếng với hai bản nhạc cách mạng: “Tiếng Đàn Ta Lư” và “Cô Gái Pa Kô.” Ông cũng nhận được nhiều bổng lộc cùng khen thưởng: giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1993, 1995), giải thưởng Bộ Quốc Phòng (1994), giải thưởng Trung Ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh (1980), cùng với cả đống huy hiệu hay huy chương gì đó - ngó mà hoa mắt!
Thế còn còn mấy cô gái Vân Kiều và cô gái Pa Kô thì sao? Câu trả lời có thể tìm được qua một bài phóng sự (“Người Dân Tộc Thiểu Số Vân Kiều Và Pa –Kô”) của Nhóm Phóng Viên Tường Trình Từ Việt Nam, nghe được qua RFA, hôm 18 tháng 10 năm 2013. Xin trích dẫn một đoạn ngắn:
“Có thể nói rằng đời sống của bà con đồng bào thiểu số Vân Kiều và Pa – Kô khổ cực không còn gì để nói. Đi dọc theo đường 9 Nam Lào từ thành phố Đông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo, qua khỏi những dãy nhà ngói đỏ chói của thành phố chừng 10km, đến đoạn sông Dakrong chảy dọc đường 9 Nam Lào, nhìn sang bên kia sông là những mái nhà lụp xụp nằm lặng lẽ trên đồi, nhìn lại bên cánh rừng dọc đường 9 cũng nhiều mái nhà sàn lợp tranh nhỏ xíu, tuềnh toàng gió lộng nằm giữa các nương sắn hoặc giữa các ngọn đồi trọc. Cảnh nghèo đói hiện ra xác xơ, tiều tụy.
Thi thoảng, trên đường đi, bắt gặp vài cụ già gùi củi trên lưng khom người đi bộ, cố lê chân từng bước một, bước đi vô hồn, nghe có cả âm thanh réo sôi của bụng đói và nỗi buồn tuổi già bóng xế trong tiếng chân bước. Không những thế, có nhiều cụ bà già 60, 70 tuổi phải gùi củi, măng, bắp chuối đi từ 6 đến 9km từ nhà đến trung tâm thương mại Việt – Lào – Thái hoặc chợ Khe Sanh để bán.”
Cô gái Vân Kiều ngày nay. Ảnh: RFA
Mấy “bà già gùi củi trên lưng khom người đi bộ, cố lê chân từng bước một, bước đi vô hồn, nghe có cả âm thanh réo sôi của bụng đói” trên “đường 9 Nam Lào từ thành phố Đông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo” hôm nay chính là những cô gái Vân Kiều hay Pa Kô mấy chục năm về trước. Chớ còn ai vô đó nữa?
Ngày trước:
Gùi trên vai súng đạn ra hoả tuyến.
Gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường
Để bộ đội chúng ta ăn no mà đánh thắng giặc Mĩ
...
Ngày nay họ “gùi củi, măng, bắp chuối đi từ 6 đến 9km” để mang đi bán kiếm tiền độ nhật. Và đời sống thường nhật của họ được thiên hạ mô tả là “khổ cực không còn gì để nói.”
Nghe như thế người ta rất dễ có cảm tưởng (hay hiểu lầm) rằng Chính Quyền Cách Mạng là cái đồ ăn cháo đá bát, hoặc cái thứ bạc nghĩa vô ơn.
Không dám “vô ơn bạc nghĩa” đâu!
Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) cho biết, sẽ triển khai Quy định ưu tiên đối với người có công với cách mạng khi làm thủ tục lên máy bay.
Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 30/CT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT ngày 25/12/2014 về việc bổ sung đối tượng hành khách được ưu tiên phục vụ là người có công với Cách mạng tại các Cảng hàng không Việt Nam.
Căn cứ Thông báo Kết luận 58/TB-CHK của Cục Hàng không VN ngày 7/1/2015 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị; Vietnam Airlines cho biết từ ngày 1/2/2015 sẽ triển khai bổ sung quy định ưu tiên đối với hành khách là người có công với cách mạng.
Theo đó, đối với Dịch vụ làm thủ tục của người có công sẽ được nhân viên thủ tục nhận biết và hướng dẫn vào quầy làm thủ tục ưu tiên; được ưu tiên làm thủ tục tại quầy dành cho khách hàng thường xuyên và các tiêu chuẩn dịch vụ khác theo hạng vé đã mua.
Ưu tiên tại khu vực soi chiếu an ninh, khách được ưu tiên sử dụng lối đi riêng dành cho khách hạng thương gia hoặc khách hàng thường xuyên.
Dịch vụ ra tàu bay khách ra tàu bay trước cùng với các khách ưu tiên khác.
Hành khách là người có công với cách mạng cần xuất trình đầy đủ giấy tờ xác nhận đi kèm (bản sao không cần chứng thực) để được ưu tiên phục vụ.”
Coi: chỉ qua một bản tin ngắn ngủi, vỏn vẹn chỉ có 258 chữ mà cụm từ “người có công với cách mạng” được lập đi lập lại tới năm lần lận. Vậy còn muốn đòi hỏi gì hơn nữa chớ?
Còn bằng cách nào mấy bà già Vân Kiều, Pa Kô lọt vô được sân bay để các “hãng hàng không ưu tiên phục vụ đối tượng người có công với cách mạng theo quy định của nhà nước” thì lại là chuyện khác. Chuyện này nhà nước hoàn toàn vô can. Tui cũng vậy.
Mới đi thăm quần thể Đế Thiên – Đế Thích về, lội bộ muốn rã cẳng luôn. Mệt thấy mẹ. Viết được bi nhiêu cũng đã muốn ứ hơi rồi. Thôi tui đi ngủ nha. Chuyện (dài) của mấy má Pako và mấy má Vân Kiều xin để lại bữa sau, hoặc kiếp sau, đi. Good night & good luck!

Đảng & Đảng TínhS.T.T.D. Tưởng Năng Tiến

  • “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên.”
  • “Đất nước đã mắc phải một giống vi trùng có tên gọi tính đảng nó kháng lại mọi yêu cầu tử tế của con người.”
Từ Vọng Các, Mặc Lâm bay tuốt luốt qua Nam Vang rủ nhậu:
  • Ê, kiếm chỗ nào ngồi uống sương sương vài ly cho nó có chút hương vị đầu Xuân nha.
  • Tưởng gì chớ uống thì bất kể Xuân, Hạ, Thu, Đông ... gì tui cũng chịu liền.
Mặc Lâm đi cùng với Sơn Trung, thông tín viên mới nhất (và chắc cũng nhỏ tuổi nhất) của RFA đang cư trú tại Phnom Penh.
Tôi rất hài lòng với người bạn trẻ vừa quen: nhanh nhẹn, thông minh, và (xem chừng) đôn hậu. Ghé quán Ngon Restaurant, chúng tôi gọi “liều” một chai Johnnie Walker Black Label. Thấy cái gíá 40 MK mà gần muốn “đứt ruột” luôn nhưng rồi đành tặc lưỡi: “Thôi chả gì thì cũng mừng tân niên, mỗi năm chỉ có mật lần, và cũng là dịp mừng một tân đồng nghiệp.”
Đêm giao thừa vừa rồi, nằm chèo queo mình ên ở nhà trọ buồn gần chết tôi bèn lò dò ra phố, đang đi lơ ngơ thì chợt thấy một chai Ballatine’s bám bụi đứng co ro trong góc một quầy hàng. Ngó “thương” quá mà giá cả cũng nhẹ nhàng thôi (nên) nên tôi “ẵm” liền, sợ chậm. Vừa về tới nhà là lật đật vặn nắp tu liền: rượu giả! Đ...mẹ, cái con bà nó. Khi khổng khi không (cái) mất tiêu 15 U.S.A dollar, lảng xẹc!
Bữa nay thì rượu thiệt (và vì “vật vã” đã lâu) nên tôi tợp liền liền. Vừa cạn ly đầy, lại đầy ly cạn. Rượu ngon, bạn hiền nhưng chỉ có mình ên tui là vô cùng hào hứng còn Mặc Lâm – không hiểu sao – bỗng ưu tư quá cỡ về chuyện nhân quần và cứ nói hoài cái cuộc phỏng vấn mới rồi (“Chuyện Tử Tế Ngày Nay”) với đạo diễn Trần Văn Thủy, cùng rất nhiều buồn bực về tình trạng “đạo đức xuống cấp, văn hoá xuy đồi của” của cả nước Việt Nam.
Tôi sốt ruột (“biết rồi khổ quá”) ngắt ngang:
- Tôi có nghe hai ông “mạn đàm” trên RFA rồi. Hay lắm. Người hỏi đã hay mà kẻ đáp còn hay hơn nữa nhưng chuyện này toàn thể đồng bào, cũng như toàn thể nhân loại, cũng đều đang rất quan tâm nên xin cứ an lòng mà ... uống vài ly đi đã. Để lâu rượu bốc hơi, nhạt mùi, tội chết.
Nói đến vậy mà đương sự (ngó bộ) vẫn còn băn khoăn lắm nên tôi lại phải thêm:
  • Bữa trước, G.S. Nguyễn Văn Tuấn còn bàn về “thứ hạng tử tế” của Việt Nam nữa kìa.
  • Có cái vụ đó nữa sao?

      -Sao không, coi nè.

Vừa nói, tôi vừa mở smartphone – mới sắm hồi hôm, cho kịp với trình độ văn minh nhân loại – kiếm tuan's blog chìa liền:

Tính chung, thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng áp chót (124/125). Điều đáng nói hay cũng có thể xem là nhục là thứ hạng tử tế của VN chỉ đứng chung bảng với mấy nước “đầu trâu mặt ngựa” như Lybia, Iraq, Zimbabwe, Yemen...
Sự bủn xỉn của VN thể hiện rõ nhất qua đóng góp vào quĩ dành cho nạn nhân sóng thần ở Nhật vào năm 2011. Trong đợt đó, Chính phủ VN đóng góp 200,000 USD. Chỉ hai trăm ngàn USD! Chúng ta có thể lí giải rằng VN còn nghèo nên đóng góp như thế là hợp lí. Nhưng lí giải đó có lẽ không thuyết phục. Thái Lan đã giúp nạn nhân sóng thần Nhật 65 triệu USD và 15 ngàn tấn gạo. So với tỉ trọng GDP, đóng góp của Thái Lan hơn VN 100 lần. Chúng ta có thể nào tự hào với mức độ đóng góp chỉ có thể mô tả bằng hai chữ "bủn xỉn" đó?
Ngược lại, VN đã và đang là một gánh nặng cho thế giới. Sau 1975, hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi và các nước phương Tây đã cung cấp nơi định cư (nhưng VN thì chẳng nhận người tị nạn từ Duy Ngô Nhĩ). VN cũng là nước chuyên xin xỏ: suốt năm này sang năm khác, quan chức VN ngửa tay xin viện trợ từ rất nhiều nước trên thế giới. Xin nhiều đến nỗi có quan chức nước ngoài phàn nàn nói "Sao chúng mày nói là chúng mày rất thông minh và cần cù mà cứ đi xin hoài vậy. Dân xứ tao phải làm lụng vất vã mới có tiền cho chúng mày". Thật là nhục...
Nói nào ngay, bị xỉ vả cỡ đó, cũng chưa “nhục” gì cho lắm. Nhà văn Trần Đĩnh còn trích lời của một thằng cha tham tán thương mại Ba Lan (nào đó) nghe nhục nhã hơn nhiều:
“Với chúng mày tốt nhất là đưa chúng mày ra một hòn đảo hẻo lánh giữa Thái Bình Dương rồi thế giới góp tiền nuôi và mọi người nhờ thế mà được yên ổn.”
Bị thiên hạ liệt vào hạng “đầu trâu mặt ngựa” nên họ muốn xua đuổi ra tuốt “một hòn đảo hẻo lánh” (cứ như bệnh nhân cùi hủi hồi xa xưa vậy) thì cũng không oan uổng gì cho lắm nhưng ăn ở cư xử ra sao mà tai tiếng dữ vậy cà? Muốn biết, xin nghe qua vài câu chuyện (nhỏ) liên quan đến cuộc sống của giới quan chức lãnh đạo nước CHXHCNVN – vẫn theo lời Trần Đĩnh:
  • “Trường Chinh chết, Hồng Ngọc, vợ Hoàng Minh Chính và Hà, con gái cả đến nhà chia buồn. Hai mẹ con về, Đặng Xuân Kỳ tiễn. Kỳ vừa đi qua sân sỏi vừa nói: ông cụ tôi ngoài không dám ăn uống bất cứ thứ gì. Họp Bộ chính trị với Trung ương cũng uống nước của nhà mang theo và nếu không về nhà ăn trưa được thì ông cụ nhịn.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù, tập II. Người Việt, Westminster, CA: 2014).
  • “Khi Long đã mệt, tôi đến thế nào anh cũng bắt tôi đưa anh đi dạo một vòng phố. Từng bước nhích rất chậm, kiểu như đi dè cho được ngâm mình lâu trên đường.
      Một bữa đến đầu Dã Tượng ra Lý Thường Kiệt, anh nhìn vào toà biệt thự bên trái mà có lần anh bảo ông Đồng có   người quen, thân thiết ở đây, rồi nói khẽ với tôi: Tôi đến ông Đồng, ông ấy thường kéo tôi ra vườn nói chuyện.   Nghe nói mũ của trung uý Dương con ông ấy cũng bị gài rệp nghe trộm ở ngôi sao đằng trước mũ.
Tôi sững nhìn Long. Long biết thì ông Đồng tất biết! Sao biết mà cam nhẫn chịu cho đồng chí của mình dò la, nghe trộm mình? Ôi, các lãnh tụ của phong trào giải phóng đất nước và loài người mà không phá nổi vòng kiểm soát của đồng chí. Bữa ấy tôi hiểu cả tại sao Võ Nguyên Giáp chịu đắng cay tủi hổ như thế mà im! Các vị tại sao tự nguyện phục tùng tội ác?” (S.đ.d. trang 194).
Coi: ông ông Tổng Bí Thư chỉ ăn uống ở nhà vì sợ các đồng chí của mình đầu độc, còn ông Thủ Tướng thì chỉ dám nói năng ở ngoài vườn vì sợ bị “dò la, nghe trộm.” Vậy mà hai vị vẫn thừa “liêm sỉ” và  “kiên nhẫn” để “lãnh đạo” toàn dân cho gần đến hơi thở cuối cùng.
Thiệt là đã đời luôn!
Giữa “các anh ở trên” với nhau mà còn xử sự tàn tệ và đốn mạt tới cỡ đó thì đám dân lành, tất nhiên, đều bị hành cho tới bến:
“Thí dụ sáu bao diêm (bị móc vơi mất gần nửa vì gian giảo là thuộc tính trời sinh của thứ kinh tế tạo ra bằng những kẻ đói ăn, thiếu mặc nên quay sang tháu trộm lại của Nhà nước).
Thí dụ mạt cưa và củi mua về đốt lò nấu cơm thì ướt dề dề vì nhà mậu rẩy nước vào cho nặng cân.
Thí dụ nước mắm pha nước lã, đậu phụ trộn thạch cao. Nhà nước độc quyền mọi sản vật, nhất là lương thực...
Con người cũng sẽ giống như bao diêm trăm que chỉ cháy một que, sống điêu, sống gian, sống vờ, sống giả.” (S.đ.d. 225 – 226).
Buộc phải “sống điêu, sống gian, sống vờ, sống giả” qua vài ba thế hệ thì trách sao mà người dân không bớt dần tấm lòng tử tế:
“Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá." (Phạm Xuân Đài. Hà Nội Trong Mắt Tôi. Thế Kỷ: Hoa Kỳ 1994, 32-33).
Quả là “tệ” thật nhưng nhưng nói theo Trần Đỉnh (“bao diêm trăm que chỉ cháy một que”) thì e có hơi quá đáng. Coi:
  • VnExpress: “Sau một tháng mở đợt quyên góp, hàng nghìn độc giả trong và ngoài nước đã hướng về người dân đôi bờ Pôkô, ủng hộ hơn 2,4 tỷ đồng. Dự kiến, cầu sẽ được khởi công sau 2 tuần tới.”
  • Dân Trí: “Từ sự ủng hộ của bạn đọc, tính đến nay báo Dân trí đã xây dựng được 8 cây cầu để giúp các em học sinh vượt sông tìm chữ. Những cây cầu được đặt tên Dân trí thực sự đã ‘nối đôi bờ vui’ trên khắp mọi miền đất nước.”
Có hàng chục ngàn cây cầu từ thiện như trên đã được dựng xây chỉ nhờ vào lòng tử tế của người dân Việt. Tương tự, có hàng triệu mảnh đời rách nát ở đất nước đang được chia sẻ, đùm bọc bởi tình đồng bào ruột thịt, kể cả những khúc ruột xa ngàn dặm.
Đó là chưa kể đến “những chuyện nhỏ” hàng ngày “nhưng lay động lòng người” theo như cách nói của nhà báo Quỳnh Trân:
Những ai đi ngang qua đường Huỳnh Văn Bánh, Quận Phú Nhuận đều bị thu hút bởi tấm biển "Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác..." của anh thợ sửa giày Lý Ngọc Bình, 30 tuổi. Ảnh và chú thích: vietnamnet.vn
Trà đá miễn phí. Chủ nhân của những bình nước này đều là người dân lao động.
 Ảnh và chú thích :vietnamnet.vn
“Gần gụi và cảm động nhất,” theo ghi nhận của blogger Đinh Tấn Lực “là những hoạt động âm thầm trợ giúp bà con có nhu cầu thiết thực: Bữa Cơm Có Thịt, Trường Lớp Tình Thương, Quà Trung Thu Cho Trẻ Em Miền Núi, Học Bổng Bước Đầu Vào Đại Học, Tủ Sách Nông Thôn, Bầu Bí Tương Thân, Cứu Lấy Dân Oan, Bữa Cơm Dân Oan… “
Những kẻ bị “chết lòng tử tế” ở đất nước này phần lớn (chắc chắn) đều không phải ... nhân dân. Bởi vậy, khi xếp “thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng áp chót (124/125)” thì tưởng cũng cần phải nói thêm cho rõ là những con số này chỉ “thể hiện” sự tiểu tâm, ti tiện, bạc ác, và đểu cáng của đám côn đồ đang “lãnh đạo” ở xứ sở này chứ không liên quan dính dáng gì nhiều đến những lương dân đất Việt.
Người Việt chỉ chịu một phần trách nhiệm (e cũng không nhỏ lắm) khi cam chịu để cho “bọn đầu trâu mặt ngựa” hoành hành trên quê hương và đất nước của mình mà không có được một sự phản kháng nào đáng kể, hay đáng nể.